Bản chất của việc trao đổi vòng cổ và vòng tay Kula (I)
Bronislaw Malinowski
Người
dịch: Hà Hữu Nga
Vì vậy, sau khi đã mô tả cảnh trí, và các diễn
viên, giờ đây chúng ta
tiến hành trình diễn. Kula là một
hình thức trao đổi, là hình thái cá tính liên bộ lạc mở rộng; nó
được thực hiện bởi các cộng đồng
sinh sống trong một chuỗi các đảo rộng lớn, tạo thành
một vòng khép kín. Vòng này được thể hiện bởi các
đường nối một số đảo về phía Bắc và
phía Đông của cực Đông New Guinea.
Dọc theo tuyến này, có hai loại vòng Kula và chỉ có duy
nhất hai loại này liên tục đi
theo hai hướng ngược
nhau. Một loại vòng cổ dài làm bằng vỏ sò ốc đỏ, gọi là soulava,
theo chiều kim đồng hồ, di
chuyển liên tục. Theo hướng ngược lại là
loại vòng tay làm bằng vỏ sò ốc trắng gọi là mwali.
Mỗi mặt hàng, khi di
chuyển theo hướng riêng của mình trên tuyến
đường khép kín, gặp mặt
hàng kia, và liên tục được trao đổi với
nhau. Mỗi chuyển động của các mặt hàng Kula, từng
chi tiết của các giao dịch được cố định và quy định bởi một tập hợp các quy tắc
và quy ước truyền thống, và một số hành vi trao
đổi Kula luôn đi kèm bằng một loại nghi lễ ma
thuật phức tạp và các lễ thức công cộng khác.
Trên mỗi hòn đảo và trong mỗi làng, ít nhiều đều có một số lượng nhất định những người đàn ông tham gia vào các trao
đổi Kula đó, có nghĩa là, họ nhận được hàng, giữ chúng trong một thời
gian ngắn, và sau đó chuyển chúng cho người khác. Vì vậy mỗi người đàn ông đều tham gia trao đổi Kula, định kỳ, mặc dù không thường xuyên, nhận được một hoặc một số mwali (vòng tay vỏ sò ốc
trắng), hoặc một soulava (vòng cổ vỏ sò ốc đỏ), và sau đó lại trao nó cho một trong các đối tác của mình, người đã
trao cho ông ta loại mặt hàng trao đổi đối lập. Như vậy không có người đàn ông nào
giữ bất kỳ mặt hàng nào trong bất kỳ khoảng thời gian nào
thuộc sở hữu của mình. Một loại
giao dịch không kết
thúc mối quan hệ Kula, tuân
theo nguyên tắc "một
lần thuộc về Kula, thì mãi mãi thuộc về Kula," và mối
quan hệ đối tác giữa hai người
đàn ông là một chuyện thường xuyên và suốt đời. Một lần nữa, bất kỳ mwali hoặc soulava nào cũng có thể luôn
luôn được thấy di chuyển và thay đổi truyền
tay, mà không hề có chuyện dừng lại, do đó nguyên tắc "một lần thuộc về Kula, thì mãi mãi thuộc về Kula," cũng được áp dụng cho các đồ vật có giá trị khác.
Nghi
thức trao đổi hai mặt hàng này là khía cạnh cơ bản, chính
thức của thể chế Kula. Nhưng đi kèm với nó, và thực hiện theo
nguyên tắc của nó, chúng tôi tìm ra một số lượng lớn các hoạt động và
các đặc tính thứ cấp liên quan. Như vậy, bên cạnh nghi thức trao đổi vòng tay, vòng cổ, các thổ dân còn tiến hành trao đổi các mặt hàng thương mại thông thường, bằng phương
thức vật đổi vật giữa đảo này
với đảo khác với một khối lượng lớn các hàng hóa, vật dụng, thường không thể kiếm được trong vùng, mà phải nhập từ vùng khác, và đó là những thứ không thể thiếu. Hơn nữa, có các hoạt động khác, trước
hết liên quan đến Kula, hoặc gắn liền với nó, chẳng hạn như việc đóng
những chiếc cano đi biển, phục vụ cho các chuyến đi xa, dài ngày, một số hình
thức của các tang lễ quan trọng, và những cấm kỵ khởi đầu.
Do đó Kula là một thể chế rất lớn và phức tạp, cả về phạm vi địa lý, lẫn tính đa dạng của các thành phần
hoạt động. Nó gắn kết một số lượng lớn các bộ lạc, và bao trùm một phức hợp rộng lớn các hoạt động,
kết nối với nhau, xen cài lẫn nhau, để tạo
thành một tổng thể hữu cơ.
Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng đối
với chúng ta, cái có vẻ là một thể chế rộng lớn, phức tạp, và được tổ chức chặt chẽ lại chính là kết quả của quá nhiều hoạt động, theo đuổi, được thực hiện bởi
những con người hoang dã, những con người không có luật pháp, mục đích, hoặc điều lệ chắc chắn. Họ không có kiến thức phác thảo
tổng thể về bất kỳ điều gì trong cấu trúc xã hội của họ. Họ biết những động cơ riêng của
mình, biết mục đích của các
hành động cá nhân và các quy tắc áp dụng cho chúng, nhưng ngoài những thứ đó ra, thì phương
thức tạo hình toàn bộ thể chế tập thể này, lại hoàn toàn vượt quá phạm vi tư
duy của họ. Ngay cả những người bản địa thông minh nhất cũng không hề
có bất kỳ ý tưởng rõ ràng nào
về Kula như một cấu trúc xã hội lớn, có tổ chức, vẫn còn rất ít chức năng xã hội và các mối liên quan. Nếu bạn hỏi
anh ta Kula là gì, thì anh ta sẽ trả lời bằng cách đưa ra một vài chi tiết, rất có thể
bằng cách đưa ra những kinh nghiệm cá nhân của mình và quan điểm chủ quan về
Kula, nhưng không có được một định nghĩa rõ
ràng nào về nó. Họ cũng không hề có bất cứ cách giải thích mạch lạc nào về Kula. Không có một hình ảnh tổng
thể nào về Kula trong tâm trí của anh ta; anh ta ở trong nó, và không thể
nhìn thấy cái tổng thể từ bên ngoài.
Sự tích hợp
của tất cả các chi tiết quan sát
được, việc đạt được một sự tổng hợp xã
hội học của tất cả các triệu chứng có liên quan
khác nhau, là nhiệm vụ của các nhà dân tộc học. Trước hết, ông ta phải thấy rằng các
hoạt động nhất định, ngay từ cái nhìn đầu tiên có thể xuất hiện rời rạc và
không tương liên với nhau, cũng có một ý
nghĩa nào đó. Sau đó, ông ta phải tìm cho ra những gì
là bất biến và có liên quan trong các hoạt động này, và những gì tình cờ và
không cần thiết, có nghĩa là, để tìm ra
các luật lệ và quy tắc của tất cả các giao dịch. Một lần nữa, nhà dân tộc học phải xây dựng
hình ảnh của thể chế lớn, cũng hệt như nhà vật
lý cấu trúc lý thuyết của
mình từ các dữ
liệu thực nghiệm, luôn luôn có được trong tầm tay của mọi người, nhưng lại rất cần một
diễn giải nhất quán. Tôi đã đề cập đến vấn đề có tính phương
pháp ấy trong phần giới thiệu (Các
mục V và VI), nhưng tôi vẫn lặp lại ở
đây, vì cần phải nắm bắt rõ
ràng để không bị đánh mất đi quan điểm
đúng về các điều kiện
như chúng thực sự tồn
tại ở người bản
địa.
Trong việc đưa ra định nghĩa trừu tượng và súc tích ở
trên, tôi đã phải đảo ngược thứ tự nghiên cứu, vì điều này được thực hiện trong
công việc dân tộc học
thực địa, nơi các kết luận tổng quát nhất thu được với
tư cách là kết quả của các khảo sát lâu dài và các nghiên cứu quy nạp khó nhọc. Định nghĩa chung về Kula sẽ được sử dụng như là một loại kế hoạch hoặc sơ đồ trong các
mô tả cụ thể và chi tiết hơn của chúng tôi.
Và điều này lại cần thiết hơn, vì Kula có liên quan với sự trao đổi tài
sản và các tiện ích, do đó nó là một thể chế kinh tế, và không có khía cạnh khác của đời
sống nguyên thủy, nơi mà tri thức của chúng tôi hạn hẹp hơn và sự hiểu biết của chúng tôi về
kinh tế học lại càng hời hợt hơn.
Do đó quan niệm sai lầm là rât phổ biến, và cần phải làm rõ cơ sở của vấn đề khi tiếp cận với bất kỳ chủ đề kinh tế
nào.
Như vậy trong phần giới thiệu, chúng tôi gọi Kula là
một "hình thức trao đổi" và chúng tôi xếp nó cùng với các hệ thống vật đổi vật khác. Điều này là hoàn toàn chính xác, nếu chúng ta diễn
giải một cách đầy đủ và rộng rãi từ "trao đổi", và nó có nghĩa là bất kỳ loại trao đổi hàng hóa nào. Nhưng từ "trao đổi" được sử dụng trong dân
tộc học hiện tại và tài liệu kinh tế với rất nhiều ý nghĩa khác nhau, mà một lố các định kiến nhầm lẫn
phải được gạt sang một bên để nắm bắt các sự kiện
một cách chính xác. Vì vậy, quan niệm tiên nghiệm hiện thời về thương mại nguyên thủy có
lẽ chính là cái quan niệm về một loại hoạt động trao đổi những mặt hàng không thể thiếu hoặc hữu ích, được
thực hiện mà không cần nhiều nghi
lễ hoặc quy định, dưới
sức ép của sự khan hiếm hoặc nhu cầu, thảng
hoặc trong những khoảng thời gian đứt đoạn, không theo quy tắc, và hoạt
động này cũng được thực hiện cả
bằng phương thức vật đổi vật trực tiếp, mà mọi người đều nhanh chóng nhận ra là không được thực hiện vì cái mà anh ta đáng được hưởng
hoặc, nếu những người hoang dã quá nhút nhát và không tin tưởng để
đối mặt với nhau, vì một số cách thức mang tính phong tục, đảm bảo việc tuân thủ theo các nghĩa vụ phát sinh hoặc áp đặt
bằng những hình phạt nặng nề.* Việc
để lại cho hiện tại câu hỏi quan
niệm này có giá trị hoặc không có giá trị bao lâu, thì theo tôi, nói chung là
hoàn toàn nhầm lẫn, vì chúng ta phải thừa nhận một cách rõ ràng rằng thể chế
Kula trái ngược, trong hầu hết các vấn đề, với định nghĩa về “thương mại hoang
dã” ở trên. Nó soi rọi cho chúng ta thấy
thương mại nguyên thủy bằng một thứ ánh sáng hoàn toàn khác.
Kula không phải là một hình thức trao
đổi gian dối và nhất thời. Hoàn toàn trái lại, nó
có cội rễ từ huyền thoại, được hỗ
trợ bởi luật tục truyền thống, và được vây phủ với các nghi lễ ma thuật. Tất cả các giao dịch chính của nó là
công khai, mang tính nghi lễ, và được thực hiện theo các
quy tắc rõ ràng. Nó không phải được thực hiện dựa
trên sự thúc ép chốc lát, mà diễn ra định kỳ, vào
những thời hạn được ấn định trước, và nó được
thực hiện trên các tuyến thương mại nhất định, phải dẫn đến các
vị trí hẹn gặp cố định. Về phương diện xã hội học, mặc dù việc giao dịch diễn ra giữa các bộ lạc khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa, và có lẽ kể
cả chủng tộc, nhưng nó vẫn dựa trên một vị thế cố định và bền vững, với một quan hệ đối tác liên kết thành các
cặp với hàng ngàn cá nhân. Quan hệ đối tác này là một mối quan hệ lâu dài, nó bao hàm vô
số nghĩa vụ và đặc quyền với nhau, và tạo thành một kiểu quan hệ liên bộ lạc trên một
quy mô rất lớn. Về cơ chế kinh tế của các giao dịch, thì
điều này dựa trên một hình thức tin
tưởng cụ thể, hàm ý về một mức độ tin tưởng lẫn nhau rất cao, cũng như việc tôn vinh thương mại, và điều này còn liên quan đến thương mại nhỏ, bao cấp, đi kèm với thể chế Kula thích hợp. Cuối cùng, việc thực hiện
các hoạt động Kula không hề có sự căng thẳng về bất cứ nhu cầu nào, vì mục đích chính của nó là để trao đổi các
loại hàng hóa không thuộc lĩnh vực sử dụng thực tiễn.
Từ định nghĩa ngắn gọn về Kula được
đưa ra ở đầu chương này, chúng ta thấy rằng
trong bản chất cuối cùng của nó, gạt bỏ tất cả những vẻ bề ngoài và các thứ được thêm bớt, thì
đó là một sự kiện rất đơn giản, mà ngay từ cái nhìn đầu tiên thậm chí đã
có vẻ là nhạt nhẽo và không hề
có chút lãng mạn nào. Trên hết, nó chỉ bao
gồm một loại trao đổi, lặp
đi lặp lại triền miên, hai mặt
hàng được dùng cho việc trang sức, nhưng thậm chí còn không thể được sử dụng cho mục đích trang sức ở mọi nơi, mọi lúc. Tuy nhiên, hành động đơn giản này,
việc truyền từ tay kẻ này sang tay người khác hai loại hiện vật vô nghĩa và hoàn toàn vô ích ấy, bằng cách nào đó đã khá
thành công trong việc cấu thành nền tảng của một thể
chế liên bộ lạc lớn, được gắn liền
với rất nhiều hoạt động khác, huyền thoại, ma thuật và truyền thống đã được xây dựng
lên xung quanh các loại hình nghi thức và
nghi lễ nhất định, đã đem lại cho nó một vầng hào quang của sự lãng mạn và giá trị
trong tâm trí của người bản xứ, đã thực sự tạo ra một niềm đam mê trong trái
tim của họ với việc trao đổi đơn
giản này.
Định nghĩa về Kula giờ đây phải được khuếch đại, và chúng ta phải mô tả hết
đặc trưng này đến đặc trưng khác, hết quy tắc này đến quy tắc khác, sao cho người
ta có thể nắm bắt được một cách rõ ràng về cái cơ chế trao đổi chỉ
với hai loại hiện vật mà đã làm nảy sinh một thể chế rộng lớn, phức tạp, và bắt rễ sâu
xa đến như vậy.
Trước hết, cần phải nói một vài lời về hai đối tượng chính của hoạt
động trao đổi, vòng tay bằng vỏ sò ốc mwali và chuỗi vòng cổ soulava. Vòng tay bằng vỏ sò ốc được làm bằng cách đập vỡ phần đầu và phần
đuôi hẹp của một vỏ sò ốc lớn hình nón, và sau đó
đánh bóng chiếc vỏ đó. Toàn
bộ cư dân Papuo-Melanesians New Guinea,
và thậm chí kể cả cư dân các khu vực thuần Papua của vùng Vịnh** đều rất thèm
muốn có được những chiếc vòng này. Việc sử dụng các mảnh
vỏ sò ốc Spondylus hình đĩa nhỏ màu đỏ để làm vòng cổ soulava, cũng rất lan rộng.
Có một trung tâm sản xuất của các
mặt hàng này tại một làng ở Port Moresby, và còn có ở một vài
nơi thuộc Đông New Guinea, đáng chú ý là Đảo Rossell, và ở
vùng người Trobriands. Tôi đã nói "sử dụng"
vào mục đích ở đây, bởi vì những hạt chuỗi nhỏ này, mỗi hạt là một vật hình đĩa có khoan
lỗ ở giữa, một vật bất kỳ nào đó có màu nâu bùn đến
đỏ son, đã được sử dụng theo nhiều cách khác nhau để trang sức. Nhìn chung, chúng đều được sử dụng
làm một phần của loại vòng đeo tai, khuyên làm bằng mai rùa, được gắn vào dái tai, và treo thêm vào đó một chùm vỏ sò ốc hình đĩa. Những chiếc hoa tai này được đeo rất nhiều, và đặc biệt là ở người Massim, ta thấy chúng hiện diện trên tai của một người đàn ông hay phụ nữ
thứ hai, trong khi những người khác hài lòng với loại
chỉ làm bằng mai rùa, không được trang sức thêm bằng các
mảnh vỏ sò ốc đó.
Một vật trang trí hàng ngày, thường xuyên thấy
người ta đeo, đặc biệt là các trẻ em kể cả gái lẫn trai, gồm có
một chuỗi vòng ngắn, chỉ đeo quanh cổ, làm bằng các mảnh vỏ sò ốc Spondylus đỏ, với một hoặc nhiều hạt
chuỗi vỏ ốc tiền Cowrie. Những mảnh vỏ này có thể, và thường được dùng để
trang sức cùng các loại đồ trang sức
khác nhau được tạo tác công phu hơn, chỉ đeo vào những dịp lễ hội. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến loại dây chuyền rất dài, đo được từ 2-5 mét, làm bằng các mảnh vỏ sò ốc Spondylus, trong đó có hai loại chính, một
loại đẹp hơn nhiều, với một mảnh vỏ sò ốc lớn, loại kia làm bằng
các mảnh vỏ sò còn lớn hơn, và
với một vài vỏ ốc tiền Cowrie hoặc những
hạt chuối đen ở giữa.
Một
mặt, những chuỗi vòng tay, và mặt
khác, các chuỗi trang sức bằng vỏ sò ốc Spondylus dài, hai mặt
hàng Kula chủ yếu, là những vật trang sức quan trọng nhất. Theo
nghĩa đen, chúng chỉ được sử dụng cùng với những chiếc váy vũ hội được làm công phu nhất, và chỉ dùng cho những dịp lễ hội rất lớn, chẳng hạn như các điệu múa nghi lễ, các
đại tiệc, và các cuộc hội họp lớn, trong đó còn có đại diện của một số làng khác. Chưa bao giờ chúng có thể được sử dụng làm đồ trang sức hàng ngày, cũng như không được dùng trong những dịp lễ lạt ít quan trọng, chẳng hạn như một vũ hội nhỏ trong làng, một dịp hội mùa, một đoàn nam nữ tụ hội làm chuyện yêu đương, mà chủ yếu là vẽ mặt, trang
sức bằng hoa và các
món đồ trang sức nhỏ hơn mặc dù cũng không phải được sử dụng hàng ngày. Nhưng mặc dù có thể sử dụng và đôi khi được sử
dụng, đây không phải là chức năng chính của những món
đồ trang sức này. Vì vậy, một vị tù trưởng có thể sở hữu một vài chuỗi vòng cổ, và một vài chuỗi vòng tay. Giả sử một vũ hội lớn được tổ chức tại làng mình hoặc trong một ngôi làng lân cận, thì
ông ta sẽ không tự đeo đồ trang sức của mình, nếu ông ta đến để cỗ vũ, hỗ trợ, trừ khi
ông có ý định nhảy và tự trang sức cho mình, nhưng bất kỳ người thân nào
của ông ta, các con cái hoặc bạn bè của
ông và thậm chí cả những
người hầu cận, đều có thể sử dụng chúng khi
ông cho phép. Nếu bạn đến dự một bữa tiệc hay một vũ hội có một số người đàn ông trang sức như vậy, và ngẫu nhiên hỏi bất cứ ai trong số người đeo đồ trang sức đó thì sẽ
thấy là hơn một nửa số đó sẽ trả lời rằng bản thân họ không phải là chủ sở hữu các
món trang sức đó, mà họ chỉ đi mượn mà thôi. Những món đồ này không phải là vật sở hữu để sử dụng; đặc quyền của việc
trang sức bằng các món đồ này không phải là mục đích thực sự của việc
sở hữu chúng.
Thật vậy và đây là điều quan trọng hơn bởi cho đến nay số lượng lớn vòng
tay vỏ sò ốc, dễ có đến chín mươi phần trăm có kích cỡ quá nhỏ cả với lũ trẻ. Một vài vòng tay rất lớn và có giá trị không hề
dùng để đeo, ngoại trừ một lần trong một thập kỷ, bởi một người đàn ông rất quan trọng trong một ngày đại lễ. Mặc dù tất cả các chuỗi vỏ sò có thể được sử dụng
làm trang sức, nhưng một số chuỗi lại được coi là quá quý giá, và dềnh dàng để sử dụng thường xuyên,
mà chỉ được đeo trong những dịp rất đặc biệt.
Mô tả ngược chiều này để lại cho chúng ta những câu hỏi: vậy
thì tại sao những hiện vật này
lại có giá trị, mục đích của
chúng là gì? Lời đáp đầy đủ cho
câu hỏi này sẽ xuất hiện trong toàn bộ câu chuyện ở các chương tiếp theo, nhưng trước
hết cũng cần đưa ra một ý tưởng gần
gũi với lời đáp. Sẽ
luôn tốt hơn nếu tiếp cận với cái chưa biết thông qua cái đã biết, vì vậy chúng ta hãy
xem xét một chút, cho dù chúng
ta không có các loại hiện vật có vai trò tương tự, được sử dụng và sở hữu theo cách thức
tương tự. Sau sáu năm vắng mặt trong vùng biển phía Nam và nước
Úc, tôi trở lại châu Âu và đã đến
thăm qua lâu đài Edinburgh Castle, tôi đã thấy những viên đá
quá quý của bộ vương miện. Người
trông coi kể nhiều câu chuyện về cách thức
mà các vị vua và hoàng hậu đã đội các vương miện này vào dịp này, dịp kia, các câu chuyện về việc người ta đã đưa một số vương miện về London, gây nên phẫn nộ rất lớn cho toàn bộ người dân Scotland; câu chuyện về cách thức phục hồi, và làm thế nào để giờ đây mọi người có thể hài lòng, kể từ khi các
vương miện đó được giữ gìn an toàn trong các hộp đựng được khóa kín, và không ai có thể chạm vào chúng. Khi tôi nhìn vào các
viên ngọc vương miện đó và nghĩ chúng
xấu đến mức nào, vô dụng, vô duyên, thậm chí lòe lẹt ra
sao, tôi lại có cảm giác rằng một cái gì đó tương tự mà
tôi đã được nghe nói, và tôi đã nhìn thấy nhiều hiện
vật khác thuộc loại này, đều
gây nên trong tôi một ấn tượng
tương tự.
Trên trái, chuỗi vòng cổ soulava, hoặc bagl, loại
trang sức Kula thực sự. Bên phải, chuỗi
katudababile (hoặc samakupa, cách gọi tên của người Massim phía Nam), được làm bằng những mảnh vỏ sò ốc lớn hơn, được sản xuất tại các làng Sinakcta và Vakuta (quần đảo Trobriand). Món
đồ trang sức katudababile không có bất kỳ vai trò quan trọng nào trong thể chế Kula.
_____________________________________
Nguồn:
Bronislaw Malinowski 1932. Argonauts of
the Western Pacific, George Routledge & Sons, Ltd. London. (tr.82-88)
Tác giả:
Bronisław Kasper Malinowski 1884-1942,
người Ba Lan, là một trong số những nhà nhân học quan
trọng nhất của thế kỷ XX. Từ năm 1910, Malinowski nghiên cứu kinh tế học tại Trường
Kinh tế London. Dưới sự
hướng dẫn của các giáo sư Seligman và Westermarck, ông đã tiến hành phân tích các
mô hình trao đổi của thổ dân Úc
thông qua các tài liệu dân tộc học. Năm 1914, ông đã nhận được tài trợ đến nghiên cứu tại New Guinea cùng nhà nhân học R.R. Marett,
nhưng khi Thế chiến I bùng nổ, vì là một thần dân Áo, nên Malinowski đương nhiên là kẻ thù của
Khối thịnh vượng
chung thuộc Vương
quốc Anh, nên ông không thể quay trở lại nước
Anh. Tuy nhiên chính phủ Úc
vẫn tài trợ và cho phép ông tiếp tục thực hiện
công việc nghiên cứu dân tộc
học trong lãnh thổ của họ và Malinowski đã chọn quần đảo Trobriand, ở
Melanesia, ông ở đó vài năm, nghiên cứu văn hóa bản địa. Sau khi trở về Anh sau
chiến tranh, ông xuất bản công
trình nổi tiếng Argonauts of the
Western Pacific (1922). Vời tác phẩm này, ông đã trở thành một trong
những nhà nhân chủng học quan trọng nhất ở châu Âu thời đó. Ông trở thành giảng viên và
sau đó được bổ nhiệm
trưởng khoa nhân học tại Đại học Kinh
tế London, thu hút rất
nhiều sinh viên và trở thành nhân vật có ảnh hưởng to lớn đến sự
phát triển của nhân học xã hội Anh. Trong thời
gian này, đã có rất nhiều học trò của ông trở
thành các nhà nhân học nổi tiếng như Raymond
Firth, E.E.
Evans-Pritchard, Hortense Powdermaker, Edmund Leach, Audrey Richards và Meyer
Fortes. Từ năm 1933, ông tới giảng
dạy tại một số trường đại học Mỹ và khi Thế
chiến II nổ ra, ông
quyết định ở lại Mỹ và làm
giáo sư tại đại học Yale.
Công trình dân tộc học
của ông về những
người Trobriands đã mô tả thể
chế phức tạp Vòng Kula, và đã trở thành nền tảng cho các lý thuyết
tiếp theo về hoạt động
trao đổi và nguyên tắc có đi có lại. Ông cũng được coi là một nhà nhân học thực địa lỗi lạc với
các ghi chép nổi tiếng về phương pháp liên
quan đến lĩnh vực nhân học, trở thành
nền tảng phương pháp cho ngành nhân học sớm.
Chính ông là người đã tạo ra thuật ngữ quan sát tham gia. Cách
tiếp cận của ông về lý thuyết xã hội đã trở thành
cơ sở cho thuyết chức năng luận, nhấn mạnh
cách thức tổ chức xã
hội và văn hóa phục vụ cho các nhu cầu cơ
bản của con
người, một quan điểm trái ngược với chức năng luận cấu trúc của
Radcliffe-Brown nhấn mạnh những cách thức mà các tổ chức xã hội vận hành liên quan đến
xã hội như một tổng thể.
Ghi chú:
* Bằng cụm từ "quan
điểm hiện tại" tôi muốn nói là nó phải được tìm thấy trong các cuốn sách giáo
khoa và trong các bình chú ngắn, rải rác trong
các tài liệu kinh tế và dân tộc học. Như một vấn
đề thực tiễn, Kinh tế học là một chủ đề rất ít khi đề cập
đến cả trong các công trình lý thuyết dân tộc học,
cũng như trong các diễn giải thuộc các lĩnh vực thực địa. Tôi đã bù đắp lại sự thiếu hụt này trong bài viết về "Kinh tế Nguyên
thủy", được công bố trên Tạp chí Kinh tế,
tháng Ba, 1921.
(" Primitive Economics," published in the Economic
Journal, March, 1921).
Phân tích rõ ràng nhất về vấn đề nền kinh tế hoang dã có thể thấy, mặc dù còn nhiều thiếu sót, trong "Tiến hóa công nghiệp,"
tiếng Anh dịch của K. Bücher, 1901 [K. Bücher's " Industrial
Evolution," English Translation, 1901]. Tuy nhiên, về thương mại nguyên thủy, quan điểm của ông là không đủ. Về quan điểm chung của ông cho rằng những người hoang dã không có nền kinh tế quốc
gia, ông kiên trì rằng bất kỳ sự
phổ biến nào của các hàng hoá giữa những người bản địa cũng đều được thực hiện bằng các phương tiện phi kinh tế, chẳng hạn
như cướp bóc, cống nạp và quà tặng. Các thông tin chứa trong tuyển
tập này không phù hợp với quan điểm của Bücher, cũng không thể coi các quan điểm đó là rất thân thuộc
với mô tả của Barton về
người Hin (trong Melanesians** của Seligman)
Tóm tắt các nghiên cứu được thực hiện trong
Primitive Economics - Kinh tế Nguyên thủy, thể hiện tình cờ, cái
cách thức mà công trình vững chãi, ít
tính hiện thực đã được thực hiện, sẽ được tìm thấy trong cuốn
Nhân chủng học, X XI, 1915-1916 của Pater W.
Kopper [Die Ethnologische Wirtschaftsforschung]. Bài viết này rất hữu dụng, trong đó tác giả tóm tắt
các quan điểm của những người khác.
** Giáo sư C. G. Seligman, op. tit., p. 93, nói rằng các
chuỗi vòng tay vỏ sò ốc, toea, tên
gọi của người Motu, được trao đổi từ vùng cảng Port Moresby
đến Vịnh Papua. Đối với các
cư dân Motu
và Koita, gần Port Moresby, loại đồ trang sức này được đánh giá cao, và hiện nay có
mức giá rất cao, lên đến 30
[bảng?], cao hơn nhiều so với mặt hàng cùng loại của người Massim.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét