Powered By Blogger

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Boas, Kroeber, Lowe: Thời đại Nhân học Mỹ (I)



Boas, Kroeber, Lowe: Thời đại Nhân học Mỹ (I)

Alan R. Beals

Người dịch: Hà Hữu Nga

Chính thức bắt đầu với sự hỗ trợ của Tổng thống Thomas Jefferson cho việc nghiên cứu học thuật về các dân tộc bản địa Mỹ, một loạt chuyên gia các nhà thám hiểm người Mỹ đã lao động trong một thế kỷ để xây dựng những gì đã trở thành một ngành nhân học mới tại Tân Thế giới. Vào cuối thế kỷ này, Franz Boas (aka 'Papa Franz') được giao nhiệm vụ làm cha đẻ ngành khoa học mới, đầu tiên giảng dạy tại Đại học Clark và sau đó thiết lập một chương trình đào tạo tiến sĩ tại Đại học Columbia. Nghiên cứu sinh đầu tiên của Boas là AL Kroeber, được chọn để xây dựng một chương trình sau đại học tương tự tại Berkeley. Lowie, tham gia cùng Kroeber tại Berkeley, chỉ đến sau một thời gian không đáng kể. Cùng với nhau, ba con người ấy tạo thành nền tảng cho việc hình thành và phát triển của nhân học Mỹ cho đến những năm 1930.

Trong những năm 1940 Leslie White, theo truyền thống Mỹ tàn sát người cha nhập cư, đã quyết định rằng nhân học đến giờ phút đó là một sai lầm. Ông đổ lỗi cho một nhóm bí ẩn mà ông gọi là 'Boasians' về ba mươi năm chậm trễ trong việc phát triển lĩnh vực này. Mãi về sau, khi các nhà sinh học "đứng trên vai những người khổng lồ", thì các nhà nhân học mới tin chắc rằng những người tiền nhiệm của họ với tuyên bố rằng họ đang đứng trên thân thể của những người lùn pygmy. Chắc chắn, một phần của một luận án có nhãn 'phê bình tư liệu' có thể được rút ngắn đáng kể bằng cách bác bỏ tất cả các công trình trước đây, trong đó có một số, trên thực tế, đã được thực hiện bởi 'những người da trắng đã chết'. Bản thân Marvin Harris, giống Leslie White, cũng thành lập một nền nhân học mới và sáng sủa hơn, đã nhận thấy rằng Morgan và Tylor (thật ngạc nhiên!) là những kẻ phân biệt chủng tộc, còn Boas, Lowie, và Kroeber là bọn biệt phái lịch sử phải-chịu-nhiều-phỉ-báng (Harris 1968). Boas và hầu hết các sinh viên của mình thể hin một mối quan tâm không hợp thời đối với các sự kiện, và có thể Harris (giống như Herbert Spencer) đã kinh hoàng bởi bóng ma của các đại lý thuyết tiến hóa luậnduy vật luận đơn tuyến đã bị lật đổ bởi các sự kiện được các nhà biệt phái lịch sử thông tục khám phá.

Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng nói một số điều tốt đẹp về Boas, Kroeber, và Lowie theo quan điểm cho rằng sự tiến bộ của một ngành thường đòi hỏi mỗi thế hệ mới phải xây dựng dựa trên các nền tảng do các thế hệ đi trước tạo dựng. Có lẽ chúng ta cũng "đứng trên vai những người khổng lồ." Ở một mức độ nào đó, một lịch sử khải hoàn vẫn tốt hơn cho các mục đích quảng cáo rất nhiều so với một lịch sử của những thất bại và lăng nhục lặp đi lặp lại.

Franz Boas

Boas được đào tạo về ngành vật lý và địa lý học với một ý thức mạnh mẽ về những khác biệt giữa các khoa học trong phòng thí nghiệm khoa học thực địa. Các quy luật khoa học xuất hiện từ/ và áp dụng cho các tình huống phòng thí nghiệm, nơi các biến số có thể được kiểm soát cẩn thận. Giống như Einstein, Boas và các học trò đầu tiên của mình đã giảm giá vai trò may rủi trong vũ trụ, đặc biệt là khi nó gắn liền với phòng thí nghiệm khoa học. Các dữ liệu thực địa, vì bản chất bất kham của nó, cần phải được phân tích theo xác suất. Về cơ bản, một khoa học thực địa hoặc khoa học lịch sử liên quan đến việc tạo ra những câu chuyện và sau đó lựa chọn câu chuyện phù hợp nhất với những sự kiện có thể được phát hiện. Quá trình này sẽ không trang bị các quy luật có thể so sánh với quy luật đầu tiên của nhiệt động lực học, nhưng nó sẽ xác lập các mối tương quan (từ dùng của Lowie) có thể có một giá trị tiên đoán hay giải thích nào đó.

Các thế hệ nhân học trước đó, không dễ dàng có được các phương tiện giao thông đường sắt và tàu hơi nước, nên đã bị buộc phải dựa vào các giải thích của các giáo sĩ và các nhà thám hiểm không được đào tạo để biết thông tin về các dân tộc khác. Khi có điều kiện tiếp cận với một lượng sự kiện tương đối ít và thường không chính xác, các nhà nhân học thế kỷ XIX đã gánh chịu những nhiệm vụ khó khăn trong việc giải thích một thực tiễn họ không thể nhìn thấy. Vào đầu thế kỷ XX, Boas có thể nhìn ra toàn thế giới và thấy rằng có rất nhiều chủ đề về nhân học đang- đã bị biến mất trong lịch sử. Đồng thời, hiển nhiên các lý thuyết và những câu chuyện hiện tồn về loài người là những mục tiêu rộng lớn. Một số câu chuyện, được sử dụng để biện minh cho chủ nghĩa thực dân, nô lệ, diệt chủng, phân biệt chủng tộc, và các hình thức bóc lột của chủ nghĩa cộng sản, không phải chỉ là sai trái, mà còn là điều ác hiển hiện nhất.

Nhân loại học, được xem như nghiên cứu về những tương đồng và khác biệt giữa các nhóm người, đòi hỏi phải có các khảo sát chi tiết về các nguồn gốc lịch sử và bối cảnh của mỗi tương đồng và khác biệt. Kế hoạch của Boas là nhận thức sự phát triển lịch sử của từng khu vực trên thế giới. Sau đó, sẽ có nhiều thời gian để soạn thảo những khái quát tiến hóa trên toàn thế giới. Chính kế hoạch này về sau đã được gọi là 'biệt phái luận lịch sử'.

Một vài năm sau ở Anh, Malinowski, mặc dù thực tế ông là một người bệnh nặng và thường nổi điên bởi những người cung cấp thông tin của mình, đã phát động một cuộc tấn công tương tự chống lại "lịch sử phỏng đoán." Ông cũng mong muốn có một ngành nhân học dựa vào dân tộc học vững chắc. Các sử gia về lý thuyết nhân học ít chú ý đến các tính từ, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên Malinowski đã đi vào lịch sử như một người ghét lịch sử, trong khi Boas đi vào lịch sử như một người yêu lịch sử. Đồng thời nhiều người tin rằng Malinowski đã viết, tất cả các nền văn minh đều có nguồn gốc ở Ai Cập.

Vào cuối thế kỷ XIX, Boas đem đến một cách thể hiện các phương pháp do ông đề xuất về nghiên cứu nhân học thông qua việc công bố các nghiên cứu của ông về thần thoại của người Indians  thuộc vùng bờ biển Tây Bắc của Bắc Mỹ. Vào thời điểm đó, nhiều nhà văn hóa dân gian và nhân học tin rằng con người về cơ bản không sáng tạo. Nội dung văn hóa đã được vay mượn từ người Ai Cập, những nhóm người đâu đó ở vùng Atlantis, hoặc có lẽ là những người tai nhọn ngoài hành tinh. Nếu một câu chuyện dân gian được tìm thấy ở Ai Cập và ở Guatemala, thì nó đã được dùng để chứng minh rằng người Ai Cập đã đến Guatemala. Theo sau loại logic này, người ta đã tái tạo dựng một số lượng đáng báo động và mâu thuẫn về lịch sử nhân loại đã qua, chẳng hạn như Smith (1911) và Rivers (1912). Giả định cơ bản cho rằng chỉ có một vài con người có khả năng sang tạo ra những ý tưởng mới chính là các ngụ ý chính trị đáng báo động đó.

Tại Hoa Kỳ, Daniel G. Brinton (1895 và 1896) đã cố gắng chống lại các loại giả định này bằng cách cho rằng truyện dân gian nói chung đã được phát minh ở những nơi mà chúng được phát hiện như là một ách phát triển đơn giản hoặc "khai mở" của nền văn hóa địa phương. Mỗi dân tộc đều kết thúc với những huyền thoại và những tích chuyện phù hợp với vị trí và giai đoạn phát triển của họ. Trong bức tranh tiến hóa đơn tuyến nghiêm ngặt này, mọi thứ đều được sáng tạo, không có gì là vay mượn. Ở đây, có một giả định cơ bản cho rằng mọi người không thể được giáo dục, chỉ đơn giản là phải phát triển bằng chính sự vận động của họ.  Hai quan điểm, khuếch tán và sáng tạo độc lập này, đều có thể được sử dụng để biện minh cho sự vận động của kẻ yếu là bởi kẻ mạnh. Một mặt, người bình thường chỉ biết những gì mà anh ta được dạy bảo; mặt khác, anh ta không có khả năng được dạy bảo.

Thời gian sau khi Brinton trình bày quan điểm của mình về phát minh độc lập trước Hiệp hội Mỹ vì sự Tiến bộ của Khoa học, Boas cũng đọc một bài viết tại đây, bác bỏ một cách hiệu quả cả hai cách giải thích cực đoan về sáng tạo độc lập và truyền bá (Stocking 1968: 208-209). Boas tiếp cận vấn đề của truyền bá trái ngược với phát minh độc lập bằng cách thu thập vô số huyền thoại từ vùng bờ biển Tây Bắc và mô phỏng sự phân bố của chúng trên bản đồ. Từ sự phân bố đó, rõ ràng những người tạo nên các tích chuyện và đôi khi thay đổi các tích chuyện họ nghe được từ những người khác. Đối với hầu hết các phần, thì việc đạo văn đã trở thành quy tắc. Các dân tộc láng giềng đều có chung những huyền thoại giống nhau, và điều đó buộc ta đi đến kết luận rằng hầu hết các tích chuyện đều được vay mượn. Bỏ qua những người Maya, Aztecs, và các nền văn minh sớm khác, có thể lập luận rằng trong số các nền văn hóa sáng tạo nhất chính là những nền văn minh công nghiệp và đại đô thị vay mượn tất cả mọi thứ từ khắp mọi nơi. Do kết quả của sự phát hiện ra ưu thế tương đối của truyền bá, chưa bao giờ được đặt vấn đề một cách nghiêm túc, Boas và các học trò của ông đã bị dán nhãn là những người truyền bá luận. Mối quan tâm thực sự của họ, thể hiện rõ nhất trong các công trình của Kroeber, là giải thích các hiện tượng tăng trưởng và mở rộng văn hóa bằng cách sử dụng cả việc truyền bá và phát minh độc lập. Các sự kiện trên mặt đất cho thấy rằng con người thường thích học hỏi mọi thứ từ các láng giềng của họ, nhưng khi cần thì lại có thể nhanh chóng phát minh ra những thứ của riêng mình.

Cuộc luận chiến giữa phát minh độc lập và truyền bá thực sự không phải là một cuộc tranh luận nhân học, mà là một cuộc luận chiến triết học quay trở lại một thời khi nghiên cứu khoa học về con người được coi là thừa. Hầu hết các nhà nhân học, nếu họ nghĩ về nó, có thể đều đã nhận thức được rằng các tần số tương đối của phát minhtruyền bá liên quan đến rất nhiều điều kiện sống của con người. Đôi khi có rất nhiều phát minh và đôi khi lại có rất nhiều truyền bá. Vậy thì nhìn lại, rất khó để đánh giá cao tầm quan trọng của công việc nghiên cứu huyền thoại của Boas, cũng như việc thể hiện phương pháp hoặc một phát hiện khoa học khó. Giải thích tưởng chừng đơn giản của Mooney về các phong trào tái sinhcác thể hiện dường như vô tận của Tyler về cái "giống như sự vận hành của tư duy con người" có một chất lượng 'hừm!' tương tự. Mặt khác, cái dấu hiệu của một phát hiện lớn ở chỗ nhiều người nói, "Đã biết ngay từ đầu mà."

Một trong những ẩn ý của phát minh độc lập cực đoan là những gì được phát minh ra thì đều liên quan rất nhiều đến sinh học. Đồng thời Boas viết, đã xuất hiện nỗi sợ rằng "Đại Chủng" (Grant 1916) có thể bị hủy diệt tàn nhẫn bởi tình trạng xen lẫn với các chủng tộc nhỏ hơn hoặc có thể chỉ đơn giản là bởi sự thiếu vắng những thách thức tiến hóa. Tại Hoa Kỳ, chỉ một vài năm sau Nội chiến, vấn đề về các mối quan hệ giữa các chủng tộc là rất quan trọng. Boas đã đo lường người dân trong các nhóm khác nhau. Khi so sánh các số đo (nên nhớ rằng ông đã dạy một khóa về thống kê học), ông phát hiện ra rằng sự khác biệt giữa các nhóm người khác nhau lại nhỏ hơn các khác biệt trong mỗi nhóm. Nói cách khác, Madame Butterfly cũng có thể có chung nhiều gene di truyền với Puccini hơn Puccini với cô hàng xóm. Nghiên cứu sau cho thấy sự phân bố thực tế của các gene thực sự đã hỗ trợ cho các phát hiện của Boas. Từ thời Neanderthal trở đi và có lẽ trước đó nữa, sự lai giống giữa con người đã đủ để ngăn chặn sự hình thành các loại chủng tộc. Không có phương pháp khoa học hoặc thống kê nào để xác định bất kỳ chủng tộc người nào. Tuy nhiên, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc thì lại vẫn hấp hối một thời gian dài.

Boas và các học trò, được giáo dục trong một thời đại sớm hơn, đã chấp nhận sự tồn tại của các chủng tộc người đồng thời họ đã tham gia vào việc lật đổ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Họ tìm kiếm lâu dài và khó khăn để có được các phương pháp khoa học và chính xác để xác định các chủng tộc người. Vào khoảng giữa thế kỷ XX, khái niệm chng tộc đã bị Hiệp hội Nhân học Hoa Kỳ công khai từ chối. Như đã nói, các lực lượng của quyết định luận sinh học lại một lần nữa làm tăng nỗi ám ảnh về hành vi được xác định về phương diện di truyền, và Cục điều tra dân số Hoa Kỳ đã tạo ra một reductio ad absurdem phương pháp bác bỏ các phân loại chủng tộc.

Thomas Jefferson đã rất buồn khi nhà sinh vật học người Pháp, đúng như cái tên Buffon, tuyên bố rằng thực vật và động vật từ Tân Thế giới chỉ là nhng phản ánh nhợt nhạt của thực vật và động vật bậc cao hơn hẳn của Cựu Thế giới. Việc khám phá nguồn gốc của các tộc người ở Tân Thế giới sẽ đặt một dấu chấm hết cho lập luận ấy. Trong sự kiện này, Boas đã tổ chức một chuyến thám hiểm lớn đến khu vực Bering Straits để kiểm tra giả thuyết cho rằng có những tương đồng về văn hóa giữa các tộc người ở Siberia và các tộc người ở Tân Thế giới. Nếu những người Indians châu Mỹ thực sự đến từ châu Á, thì họ không thể được coi là một sự sáng tạo thấp kém đặc biệt là đối với Tân Thế giới và vẫn còn được gọi là criaturas (những sáng tạo) ở nhiều nước Mỹ Latin. Giả thuyết của Boas đã được khẳng định tuyệt vời. Kể từ ngày đó, việc di dân đến châu Mỹ bằng qua con đường eo biển Bering đã không được đặt thành vấn đề một cách nghiêm túc mặc dù các lý thuyết thay thế tiếp tục được đề xuất.

Boas đã kiểm tra một cách nghiêm túc các giả thuyết về sự truyền bá và phát minh độc lập, về chủng tộc, và về việc di cư đến châu Mỹ. Ba tuyến nghiên cứu này không thể dễ dàng bị quy cho là "biệt phái lịch sử" hay "thói sính cổ" được. Chắc chắn, đó những nghiên cứu có tính hoạt động chính trị như bất kỳ nghiên cứu khả thể nào khác. Ngoài ra, Boas còn quan tâm đến dữ liệu. Một phần quan trọng của chương trình Boasian cho nhân học Mỹ là bộ sưu tập của từng mẫu dữ liệu có thể có sẵn về các tộc người Bắc Mỹ. Bằng việc sử dụng các lợi ích của sự nhận thức muộn, nhiều nhà nhân học hiện đại và hậu hiện đại có thể đặt ra được một kế hoạch tốt hơn. Toàn bộ thông tin quá thường xuyên về dân tộc học đã được thu thập từ những người già trong khi trẻ em người Mỹ bản địa đều đã bị bỏ qua. Mải mê với nhiệm vụ "dân tộc học chữa cháy", các nhà nhân học đôi khi đã bỏ qua những thay đổi quan trọng đang diễn ra trước mắt họ. Truyền bá phát minh độc lập là những quá trình 'đang diễn ra', chứ  không chỉ là một cái gì đó đã trở thành "buổi hoàng kim xưa cũ."

Được trang bị với nhận thức đi sau sáng suốt hơn bao giờ hết và một sự nhạy cảm chính trị tinh tế, các nhà phê bình môn dân tộc học chữa cháy đã đặt vấn đề về tính chính xác của các dữ liệu đã được thu thập. Họ đã đưa ra rất nhiều câu hỏi về đạo đức và luân lý của quá trình nghiên cứu. Sau khi cân, dẫu sao thì chương trình dân tộc học chữa cháy đem lại một khuôn khổ mà người Mỹ bản địa, người Mỹ gốc Âu các nhà nhân học có thể làm việc cùng nhau. Làm việc cùng nhau không phải lúc nào cũng hài hòa, mấu chốt của vấn đề là rất nhiều thông tin hữu ích cho tất cả các bên đã được cứu vớt. Cũng sẽ là một sai lầm khi khẳng định rằng dân tộc học chữa cháy không phải chính trị. Chính cái khoa học hành động này đã chuyển đổi người Mỹ bản địa thành những người có một lịch sử và đem lại cho lối sống của họ một loại phê chuẩn chính thức. Sự hưng thịnh của nhân học tay nắm tay song hành với sự suy giảm của các trường nội trú của thổ dân Indians và sự phá hủy có chủ ý nền văn hóa của người Mỹ bản địa.
______________________________________

Nguồn: Beals, Alan R. 2000.  Boas, Kroeber, Lowe American Anthropology Come of Age Published in Social Anthropology and Language, Vol11(2): 313-324.

Tác giả: Giáo sư Beals đã thực hiện các dự án thực địa tại một thị trấn nhỏ ở miền bắc California, với một phi đội máy bay ném bom của Không quân Hoa Kỳ, Mexico. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu thực địa của ông đã được tiến hành trong ba chuyến đi tại bang Karnatak, Nam Ấn Độ. Mối quan tâm chính của ông sự biến đổi văn hóa, sinh thái, xung đột, nhân khẩu học. Ông hiện đang tiến hành nghiên cứu về các vai trò quyết định, mâu thuẫn, cơ hội trong việc thay đổi các cộng đồng nông nghiệp ở Hoa Kỳ, Mexico và Ấn Độ. Các ấn phẩm chọn lọc: Gopalpur: Một làng Nam Ấn Độ (1980); Văn hóa trong quá trình (1979); Giới thiệu về Nhân học (năm 1977, với RL Beals H. Hoijer); Cuộc sống làng Nam Ấn Độ (1974); Chia rẽ và xung đột xã hội (năm 1966, với BJ Siegel).

References

Benedict, Ruth 1959 [1934] Patterns of Culture. New York: Mentor.
Boas, Franz 1911. The Mind of Primitive Man. New York: Macmillan.
Boas, Franz 1927. Primitive Art. Oslo: H. Aschehoug and Co.
Bogoras, Vladimir 1913. The Chuckchee. New York: Steichert.
Brinton, Daniel 1895. The Myths of the New World. Philadelphia: University of Pennsylvania Press.
Brinton, Daniel 1896. The Aims of Anthropology. In Proceedings of the 44th Meeting of the American Association for the Advancement of Science, pp. 1-17.
Grant, Madison 1916. The Passing of the Great Race or the Racial Basis of European History. New York: C. Scribner's Sons.
Harris, Marvin 1968. The Rise of Anthropological Theory: A Riston of Theories of Culture. New York: Crowell.
Kroeber, Alfred 1923. Anthropology. New York: Harcourt Brace.
Kroeber, Alfred 1944. Configurations of Culture Growth. Berkeley: University of California Press.
Kroeber, Alfred 1948. Anthropology: Race, Language, Culture, Psychology, Prehiston;. New York:
Harcourt Brace.
Kroeber, Alfred 1953.  Anthropology Today. Chicago: University of Chicago Press.
Kroeber, Alfred and Jane Richardson 1940. Three Centuries of Women's Dress Fashions: A Quantitative Analysis. University of California Anthropological Records 5: 111-54.
Lowie, Robert 1920.  Primitive Society. New York: Boni and Liveright.
Lowie, Robert 1922.  Primitive Religion. New York: Boni and Uveright.
Lowie, Robert 1935.  The Crow Indians. New York: Farrer & Rinehart
Lowie, Robert 1937.  The History of Ethnological Theory. New York.
Lowie, Robert 1940.  An Introduction to Cultural Anthropology. New York.
Lowie, Robert 1948.  Social Organization. New York: Holt, Rinehart and Winston.
Malinowski, Bronislaw 1922.  Argonauts of the Western Pacific. New York: Dutton.
Mead, Margaret 1928.  Coming of Age in Samoa. New York: Morrow.
Rivers, William 1912. The Disappearance of Useful Arts. In Festskrift Tisstignad Edvard  Westermarck. Helsingfors, pp. 109-130.
Smith, Grafton 1911. The Ancient Egiptians and Their Influence Upon Civilizations in Europe. London: Harper Brothers.
Spencer, Sir Baldwin and Francis Gillin 1899. The Native Tribes of Central Australia. London: Macmillan.
Steward, Julian 1949. Cultural Causality and Law: a Trial Formulation of Early Civilization. American Anthropologist 51: 1-27.
Stocking, George 1968. Race, Culture and Evolution: Essays in the History of Anthropologist. New York: Free Press.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét