Hiện tượng
luận về Ý nghĩa của Husserl trong Khảo sát Logic
Nythamar Fernandes de Oliveira
Người dịch: Hà Hữu Nga
Giới
thiệu
Lý thuyết về ý nghĩa của Edmund Husserl chắc chắn chiếm một vị trí đặc quyền nhất
trong tòa lâu đài hiện tượng luận
hoành tráng của ông. Có lẽ vì ảnh hưởng phổ biến và cơ bản trong các văn
bản của Husserl,
mà "ý nghĩa" là một trong những từ khóa mô
tả hay nhất, cùng với "ý thức" và "tính
chủ đích", phần cốt lõi cái dự phóng hiện tượng luận
ấy. Thực ra thì cả phép tường giải lẫn giải cấu trúc đều là những đứa con hợp pháp của hiện tượng luận Husserl, đều được sử dụng để khẳng định
vị trí trung tâm hòa hợp với "ý
nghĩa" trong các
khảo sát của Husserl. Tuy nhiên không thể, khảo sát một cách đầy đủ ý nghĩa phổ biến của "hiện tượng luận
về ý nghĩa của Husserl" trong một tiểu
luận có giới hạn này, bài viết không có kỳ vọng
là một nghiên cứu khai thác thấu đáo, mà chỉ tìm cách giới thiệu một vấn đề thuộc phạm vi thay đổi từ thế giới sự vật đến một loại hiện
tượng luận về thế giới sống của chính
Husserl mà thôi. Vì vậy tôi
sẽ giới hạn vấn
đề vào việc phác thảo lý thuyết về ý
nghĩa của Husserl trong Logical Investigations - Khảo sát Logic - và những đóng góp của nó cho sự phát triển một hiện tượng luận trong phần Ý tưởng I. Tôi đặc biệt quan tâm đến sự đóng góp của Husserl cho
"phong cách" tường
giải của quá trình triết học hóa được thực hiện bởi các triết gia đương thời như Heidegger, Levinas, Merleau-Ponty,
Gadamer, Ricoeur, Foucault, và Derrida. Chắc chắn là việc xem xét các vấn đề được đề xuất
bởi trào lưu tường giải và cội nguồn tư tưởng của các triết gia ấy sẽ vượt khỏi phạm vi của bài viết này. Thực ra thì, chính trong Logical
Investigations, chúng ta phải tìm cho ra các tiền đề khái niệm cho toàn bộ các vấn đề hiện tượng luận về quá trình biểu nghĩa và ngôn ngữ, sau đó đã được phát triển trong các bài giảng
ở Göttingen năm 1908 về lý thuyết ý nghĩa, kể cả trong Ideas I, và Crisis cũng như The
Origin of Geometry nữa. Như Jacques
Derrida chỉ ra,
“Trong lĩnh vực này [ngôn ngữ] hơn
bất cứ ở lĩnh vực nào khác, một cách
đọc kiên nhẫn sẽ xuất hiện trong các nghiên cứu cấu trúc ươm mầm của bất kỳ tư
tưởng nào của Husserl. Mỗi trang đều cần phải được đọc -
hoặc thực hành ngầm
ẩn - về các quy giản bản chất và hiện tượng,
sự hiện diện của tất cả mọi thứ có
thể phát hiện, tiếp cận được”. [Dans ce
domaine [du langage] plus qu’ailleurs, une lecture patiente ferait apparaître
dans les Recherches la structure germinale de toute la pensée
husserlienne. A chaque page se laisse lire la nécessité –ou la pratique
implicite—des réductions éidétiques et phénoménologiques, la présence repérable
de tout ce à quoi elles donneront accès].
Như Derrida nhận xét, vấn đề đầu tiên của Logical
Investigations - Khảo sát
Logic - xuất hiện để điều khiển việc
đọc các vấn đề tiếp theo. Và điều này được thực hiện như là
một thủ tục chiến lược trong văn bản của
Husserl, trong đó sự chặt chẽ của các phân tích hiện tượng luận của ông bao gồm cả sự vắng mặt cần thiết của các giả định đề (Voraussetzungslosigkeit) như là một xuất
phát điểm. Vì vậy, ngay cả sự kiện [Faktum] ngôn ngữ cũng có thể không được xem xét, theo dự phóng của Husserl, như một tiền giả định. Tuy nhiên, như chúng
ta sẽ thấy, Derrida đã chứng minh một cách thuyết phục rằng
vấn đề không phải
là ở đó, vì cái μάθησις
mathesis [học, tạo ra tri thức] kiểu Husserlien không che giấu "một tiền giả định siêu
hình," ở chính trung tâm lý
thuyết về ý nghĩa của ông, mà nó đã thực
sự cấu thành hiện tượng
luận, vì nó là, "từ bên trong." Rất lâu trước Derrida,
Heidegger đã bắt đầu bước tiến này chống lại "tính thiếu tiền giả định hữu thể luận" của Husserl bằng cách triệu hồi phép tường giải về cái
"Sein"
- hữu thể - bị lãng quên, bị che dấu bởi/và bị đàn áp tại trung tâm của cái
"Bewusstsein"
[συνείδησις] - “nhận thức” Husserlien
tuyệt đối hóa. Từ quan điểm tường giải, chính xác là, từ bên trong Khảo
sát Logic, mà người ta cần phải tìm hiểu lý thuyết về ý nghĩa của Husserl.
Biểu
hiện và Ý nghĩa
Mối quan tâm được kết hợp sớm vào toán học và tâm lý học của Husserl đã dẫn ông đến việc tập trung vào tri thức luận về các khái niệm số học, như chúng ta có thể suy ra từ tiêu
đề của các công trình Habilitationsschrift [Luận về tiền giả định], Über den Begriff der Zahl - Về khái niệm số (1887)
của ông, và cả các công trình quan trọng đầu tiên như Philosophie der
Arithmetik (Triết học Số học, 1891), mà tập đầu có phụ đề Psychologische
und logische Untersuchungen
- Khảo sát Tâm lý và Logic. Dưới ảnh hưởng
của nhà tâm lý học - triết học Franz Brentano, Husserl đã
bắt đầu khớp nối nền tảng tâm lý của logic và triết học. Như Husserl đã thú nhận ở lời nói đầu cho bản in đầu tiên công
trình Khảo sát Logic của mình:
“Tôi bắt đầu công việc dựa trên giả định thịnh hành cho rằng tâm lý học là ngành khoa học mà từ đó logic nói chung, và logic của các khoa học diễn
dịch, đã phải hy vọng để minh
định về phương diện triết học. Vì lý
do này mà các nghiên cứu
tâm lý chiếm một vị trí rất lớn trong tập đầu của Triết học số học (chỉ mới
công bố) của tôi. Tuy
nhiên, vẫn có những kết nối
trong đó mà một nền tảng tâm lý như
vậy không bao giờ làm tôi hài lòng”,
Sau đó, ông kiên trì rằng nền tảng
của khái niệm về con số chính là nền tảng
tâm lý của khái niệm về tính vô số. Điều quan
trọng là phải nhớ rằng suy nghĩ riêng của Husserl đã xuất hiện từ một môi
trường "tâm lý luận", rõ ràng được đánh dấu bởi tri thức luận Kant mới. Theo quan điểm đó, thế giới của chúng ta là một "thế giới" được xây dựng bằng sự
phản ánh và trừu tượng hóa về/và từ các nội dung vật lý, và toàn bộ tri thức phải được giới hạn vào các hiện tượng tâm linh. Sự quy giản các vần đề triết học,
toán học và logic này thành các vấn đề tâm lý đã được gọi là "tâm lý luận". Do đó hiện tượng luận Husserl xuất hiện như là một nỗ lực cấp
tiến để vượt qua cả tâm lý luận và chủ nghĩa kinh nghiệm truyền thống. Tuy nhiên, bước đột
phá hiện tượng luận này sẽ không
diễn ra cho đến khi Husserl công bố tác
phẩm Logische Untersuchungen - Khảo sát Logic của ông
vào năm 1900 và 1901. Mặc dù ở
đây, tôi không có ý định xem
xét sự tiến hóa lịch sử của hiện tượng luận Husserl, nhưng điều vô cùng quan trọng cần lưu ý là lý thuyết về ý nghĩa của Husserl đã tiến hóa trong một
khuôn khổ triết học chịu
ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chủ nghĩa kinh nghiệm Đức
và phê phán của Gottlob Frege về logic tâm lý luận, thực sự
trùng hợp với sự vận động theo hướng tự phê phán của Husserl nhằm từ bỏ triết học ban đầu của ông về số học và theo đuổi Khảo sát Logic. Công
trình Khảo sát Logic của Husserl đã làm suy yếu cách tiếp cận tâm lý để đón nhận phương pháp hiện tượng luận, đã không được phát triển đầy đủ cho đến khi xuất hiện tập đầu tiên Ideen zu einer reinen
Phänomenologie und phänomenologischen Philosophie - Ý tưởng về Hiện tượng luận thuần túy và Triết học Hiện tượng
luận - của ông vào năm 1913. Công
trình Khảo sát Logic
của ông mở ra với một bút chiến
dài "Lời nói đầu về Logic thuần túy", trong đó Husserl tấn công cả tâm lý
và thói hoài nghi của chủ nghĩa kinh nghiệm. Tuy
nhiên, tâm lý học mô tả vẫn phải được coi là có liên quan đến các nền
tảng của logic và, trên thực tế, hiện tượng luận
tự nó được hình thành đầu tiên ở cấp độ mô tả
này. Do đó mục đích hệ thống chính của Lời nói đầu là để bác bỏ luận điểm cho rằng tâm lý học với
tư cách là khoa học thực nghiệm có thể cung cấp những lời
giải thích về phương diện triết học về các quan niệm và các nguyên tắc logic. Husserl bắt
đầu phần Giới thiệu của
mình bằng cách chỉ ra rằng kể từ John Stuart
Mill, và đặc biệt là do ảnh hưởng của ông, logic đã phát triển theo ba
hướng: siêu hình, hình thức, và tâm lý học (LI I, 53). Trong đó hướng cuối cùng,
cũng trở thành phổ biến nhất, mà Husserl phải tập trung sự chú ý cho
các khảo sát của mình. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi giảm tập
trung nỗ lực của Husserl vào cuộc tấn công tâm lý
luận. Giống như Kant, người vẫn cùng với
Descartes và Hume, maître à
penser - bậc
thầy tư tưởng lúc sinh thời của ông, Husserl đặc biệt quan tâm đến các nền tảng của khoa học (Wissenschaft), hiệu lực của tri
thức, và cái gọi là các quy luật của tư
tưởng, hay nói theo cách của
riêng ông, trong "mối quan hệ, đặc biệt là, giữa chủ thể tính của nhận thức và khách thể tính của nội dung được
nhận thức" (LI I, 42). Đó là lý do tại sao, trong
suốt các khảo sát của mình,
Husserl đều kiên trì rằng một khoa
học cần phải được xác định theo lĩnh vực mà nó khảo
sát. Giờ đây, cái cần thiết chính là Wissenschaftslehre - một lý thuyết khoa học, "mà
tính đặc thù của nó phải là khoa học của
khoa học [Wissenschaft von der
Wissenschaft]" (LI I, 60). Do đó logic được xác
lập làm Wissenschaftslehre - "khoa học thuần túy," có ba
nhiệm vụ được Husserl tóm tắt trong chương cuối cùng của Phần
giới thiệu (§§ 67-69): "việc ấn định các kiểu
loại ý nghĩa thuần túy, các kiểu loại đối tượng thuần túy, và các kết hợp quy luật chi phối chúng;" "các quy luật và các lý thuyết có căn cứ trên ba kiểu loại này;" và, "lý thuyết về các hình thức khả thể của các lý thuyết hoặc lý thuyết thuần túy của các đa tạp" (LI I, 236-240). Tuy nhiên, chỉ trong tập thứ
hai (ấn bản tiếng Đức) của Khảo
sát Logic thì cuối cùng Husserl mới trình bày một định nghĩa về logic như là "khoa học của những ý nghĩa theo
cách hiểu thông thường [Wissenschaft von Bedeutungen als solchen]"
(LI II, 323/98). Mối quan tâm kép này đối với "khoa học" và việc
"đặt nền móng" logic của nó đã phác họa đường xoắn ốc Husserlien về ý nghĩa như là một cách khớp nối hiện tượng luận giữa "cội nguồn" (eidos) và "sự
biểu hiện ý nghĩa" (logos) của kinh nghiệm nhận thức con người. Sau khi phát triển các ý tưởng về một logic thuần túy với một quan
điểm trang bị cho một "khoa học của khoa học", Husserl
đã xúc tiến khảo sát thực chất của "ý
nghĩa" và các vấn đề lien
quan trong tập
Khảo sát Logic thứ hai của mình. Tiêu đề của tập
này rất mang tính khám phá (Untersuchungen
zur Phänomenologie und Theorie der Erkenntnis- Nghiên cứu
Hiện tượng luận và lý thuyết tri thức) của hiện tượng luận về ý nghĩa của Husserl, chủ yếu được phát triển trong bốn khảo sát đầu tiên. Định hướng mang tính hiện tượng luận
trong các nghiên cứu của ông được giảng giải một
cách cẩn thận trong phần Giới thiệu.
“Ở đây chúng tôi không quan tâm đến các cuộc thảo luận về ngữ pháp, được
quan niệm một cách kinh nghiệm
chủ nghĩa và liên quan đến một ngôn ngữ nhất định về
phương diện lịch sử: chúng tôi chỉ quan tâm đến các cuộc thảo luận về một loại chung nhất, bao gồm các lĩnh vực rộng lớn hơn của một lý thuyết khách
quan về tri thức [objektiven Theorie der Erkenntnis] và, gắn
kết chặt chẽ với tri thức, hiện tượng luận
thuần túy của những kinh nghiệm tư duy và nhận
thức [einer
Reinen Phänomenologie der Denk- und Erkenntniserlebnisse]. Hiện tượng này,
giống như hiện tượng luận kinh nghiệm thuần túy nói chung [Reine
Phänomenologie der Erlebnisse überhaupt], vì mối quan tâm riêng của nó, có các kinh nghiệm trực
giác có thể nắm bắt và có
thể phân tích trong bản chất tổng thể thuần khiết của chúng, chứ không phải là các kinh nghiệm được tri giác và xử lý bằng thực nghiệm như các sự kiện thực tiễn... Hiện tượng luận này phải đem lại cách biểu hiện thuần túy [zu reinem
Ausdruck], phải mô tả bằng
khuôn khổ các khái niệm bản chất [deskriptiv in Wesensbegriffen] và các cách thức chi phối của bản chất của chúng, các bản chất trực tiếp làm cho chúng được nhận thức bằng trực giác, và các kết nối có nguồn gốc thuần
khiết trong các bản chất như vậy. Mỗi tuyên bố [Aussage] như vậy về bản chất đều là một phán đoán tiên thiên trong ý nghĩa cao nhất của từ này.” (LI II, 249/6)
Do đó rõ ràng là, để hiểu việc tạo thành bản chất các đối tượng của chúng ta, chúng ta phải tiến hành theo "cách thức thuần túy trực giác" để khảo sát, theo các quy luật của một logic thuần túy, những
cách thức mà các đối tượng này đã được cung
cấp hình thức ngữ pháp, có
nghĩa là, bằng các biểu hiện ngôn ngữ:
“Vì vậy, các đối tượng [Objekte] mà logic thuần túy tìm cách để khảo sát, trong trường hợp đầu tiên, được
cung cấp bằng lớp trang phục ngữ pháp. Hay chính xác hơn, trước
chúng ta, chúng bắt đầu được đắm mình vào các trạng thái tinh thần cụ thể có
thêm chức năng hoặc là ý nghĩa - ý định hoặc là ý nghĩa - việc thực hiện bất
cứ biểu hiện nào bằng lời nói - trong trường hợp sau việc minh họa bằng trực giác, hoặc cung cấp bằng chứng trực giác cho ý nghĩa của chúng ta - và hình thành một nhất tính với các biểu hiện như vậy”. (LI II, 250/8)
Điều mà Husserl quan tâm lại không phải là sự phán đoán về tâm lý ("hiện tượng tinh thần cụ thể") mà
là phán đoán logic, "ý
nghĩa được xác quyết giống hệt
nhau, một ý nghĩa đối lập lại với vô số ý nghĩa, hoàn toàn khác về phương diện mô tả, các kinh nghiệm-phán đoán" (LI II, 251) . Vì vậy Husserl tiếp tục phát triển một phân tích thực sự về
sự biểu nghĩa, bằng cách nghiên cứu lõi logic của
ngôn ngữ trong Khảo sát Đầu tiên , "Biểu
hiện và Ý nghĩa" [Ausdruck und Bedeutung]. Thật
thú vị khi nhận thấy rằng Husserl bắt đầu khảo sát này bằng cách chỉ ra tính chất mơ hồ (Doppelsinn)
trong thuật ngữ "dấu hiệu" (Zeichen): "Mỗi dấu hiệu là một dấu hiệu cho một cái gì đó, nhưng không
phải mỗi dấu hiệu đều có 'ý nghĩa Bedeutung,' 'tri giác Sinn' mà dấu hiệu đó thể hiện [Jedes
Zeichen ist für Zeichen etwas, aber nicht jedes hat eine "Bedeutung,"
einen "Sinn," der mit dem Zeichen "ausgedrückt" ist]" (LI II, 269/30). Mặc dù tất cả các dấu hiệu đều
biểu nghĩa, trong đó mỗi cái được biểu nghĩa đều được chỉ ra bằng một cái biểu nghĩa, nhưng không phải tất
cả những cái biểu nghĩa đều có một ý nghĩa, trong chừng mực không phải tất cả các dấu hiệu đều
là các "biểu hiện" (thuật ngữ Husserlien). Tất nhiên, việc
nói về cặp đối lập cái biểu nghĩa / cái được biểu nghĩa là một sự lạm
dụng lỗi thời, đối với chúng ta, vì tập giáo trình Ngôn ngữ học
Đại cương nổi tiếng của Ferdinand de
Saussure đã không được xuất bản trước năm 1916. Hơn nữa,
nói một cách chặt chẽ theo
khuôn khổ của Saussure, thì sẽ gặp rất
nhiều vấn đề. Tôi sẽ trở lại vấn đề này
sau, vì nó liên quan đến rất nhiều chỉ trích nhằm
chống lại lý thuyết về ý nghĩa của Husserl. Giờ đây, ta cần nhớ rằng quan niệm về ngôn ngữ học của Husserl nằm trong cái
được gọi là một quan
điểm "truyền thống" của ngôn ngữ. Theo
quan điểm này, ngôn ngữ là một phương tiện đơn
thuần để thể hiện và truyền tải một tư duy, đại diện cho một số thực tiễn độc lập nào đó. Quan điểm truyền thống này, có niên đại
từ Aristotle, cho rằng sự phù hợp giữa bản chất
của một sự vật và tư tưởng về nó, và từ liên quan đến cả hai, là những gì làm cho tri thức và ngôn ngữ trở nên có thể, như sau đây: thực tiễn (bản chất) ------ suy
nghĩ (khái niệm) ------ ngôn ngữ (từ).
Vì vậy cái trật tự "quyết định" đạt được khi chúng ta chuyển từ thực tiễn đến suy nghĩ và ngôn ngữ, trong khi trật tự "quy chiếu" cần phải được xử lý theo hướng ngược lại, vì
các từ liên quan đến khái niệm và
sự vật. Vì vậy, quan niệm truyền thống,
siêu hình về "chân lý" được ngụ
ý một cách logic bằng quan điểm sau: chân lý là sự tương hợp
của ý tưởng với thực tiễn, adequatio intellectus ad rem -
Trí tuệ đủ cho sự vật. Sự gắn kết hợp lý giữ thực tiễn, suy nghĩ, và ngôn ngữ, trong truyền thống triết học, đã
trở thành nhiệm vụ của siêu hình học, tri thức luận và logic, tương ứng. Sau sự hồi sinh của triết
học Kant vào cuối thế kỷ XIX, các vấn đề tri thức luận không giải quyết được khiến cho một số nhà triết học toán học Đức
chuyển sang logic như là một loại philosophia prima - triết học đầu tiên mới
[Các nghiên cứu về các
chân lý phổ quát và phổ biến nhất của toàn bộ khoa học, được Aristotle quan niệm
như vậy, sau đó được Francis Bacon và những người khác
đi theo; cụ thể hơn, còn có cả các nghiên cứu về thần linh và vĩnh
cửu. 1605 Bacon Adv.
Learning ii. fol. 20v.] Và trong số các nhà logic học
đó các đóng góp của Frege có vai trò quyết định trong việc phát triển lý thuyết
ý nghĩa của Husserl. Theo Frege, ý nghĩa (Bedeutung) của một câu hoặc
một cái tên chính là quy chiếu của nó, trong khi tri
giác (Sinn) chỉ định cách
thức mà đối tượng quy chiếu vào thực sự được suy nghĩ đến. Sự phân biệt quan trọng giữa "ý nghĩa" và "tri giác" được xác lập trong một nghiên cứu chuyên đề của Frege, "Über Sinn und Bedeutung - Về tri giác
và Ý nghĩa" xuất bản lần đầu vào năm 1892. Vì các khác biệt tinh tế giữa các
thuật ngữ của Frege và của Husserl,
có thể gây ra một số hiểu lầm, nên cần phải làm rõ sự tương ứng sau đây: cái
mà Frege gọi là "Sinn - Tri giác" thì lại được Husserl gọi là "Bedeutung - Ý nghĩa", trong khi "Bedeutung
- Ý nghĩa" của Frege lại tương ứng với "Gegenstand
- chủ đề" của Husserl. Một trong những ví dụ của chính Frege có thể giúp chúng
ta minh họa cho sự khác biệt này: mặc
dù hai cách biểu hiện "sao mai" và "sao hôm" có cùng một ý nghĩa (Bedeutung) vì chúng quy chiếu vào cùng một đối
tượng, hành tinh Venus, nhưng chúng lại không có cùng
một tri giác (Sinn), trong đó chúng
quy chiếu vào Venus bằng những cách khác nhau. Tuy nhiên, đối với Husserl, không có sự phân biệt nào
giữa "Sinn" và
"Bedeutung," như chúng ta đọc được trong Khảo
sát Logic,
"Ý nghĩa" [Bedeutung] vẫn tiếp tục được chúng tôi sử dụng là đồng nghĩa với "tri giác" [Sinn]. Hoàn toàn có thể đồng ý là có những thuật ngữ song hành
có thể hoán đổi cho nhau trong trường hợp của khái niệm này,
đặc biệt là vì tri giác [Sinn] của thuật ngữ "ý nghĩa" [Bedeutung] tự thân phải được khảo sát. Việc xem xét thêm là xu hướng
thâm căn của chúng ta trong việc sử dụng hai từ
như là đồng nghĩa, một
hoàn cảnh làm cho nó có vẻ là một bước đi đáng ngờ nếu các ý nghĩa của chúng bị phân biệt, và nếu (như G. Frege đã đề xuất), chúng ta sử dụng một từ để nói về ý nghĩa theo nghĩa của chúng tôi, còn một từ cho các đối tượng được thể hiện [für die ausgedrückten Gegenstande]. Về điều này chúng ta có thể nói
thêm là cả hai thuật ngữ này bị đặt vào cùng tình thế lập lờ [Äquivokationen], mà chúng tôi đã
phân biệt ở trên khi gắn kết với thuật ngữ "biểu hiện" [bei der Rede vom Ausgedrücktsein], vả
lại, đối với nhiều người
thì điều đó là như vậy trong cả khoa học và trong lời nói thông thường”. (LI II, 292/58)
Mặc dù đó là phản tâm lý luận của Frege hầu hết lấy cảm hứng từ quan niệm hiện tượng luận của Husserl về một logic thuần túy, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy rằng lý thuyết về ý nghĩa của Husserl khác với
Frege chính bởi các hiểu của Husserl về các khái
niệm tâm lý chẳng hạn như ý
thức và tính chủ đích. Toàn bộ vấn đề cấu thành đối tượng của tư duy,
và do đó những gì mà người ta quy chiếu vào khi nói về một cái gì đó, giờ đây
cần phải được xem xét trong nghiên cứu của chúng
tôi. Trước khi chúng ta tiếp tục xem xét những gì
Husserl muốn nói bằng
"Bedeutung" hoặc "Sinn", trước tiên chúng ta phải cố gắng
diễn giải quan niệm về "Gegenstand", có nghĩa là, đối tượng quy
chiếu của một biểu hiện của Husserl. Chúng ta đã thấy rằng Husserl bắt đầu công
trình Khảo sát Thứ nhất với một nhận xét về ý thức mơ hồ của thuật ngữ
"Zeichen - dấu hiệu": một mặt,
một dấu hiệu có đặc trưng chung của "biểu hiện" (Ausdruck); mặt khác, một dấu hiệu có thể không
đại diện cho bất cứ cái gì, không thể
hiện bất cứ điều gì, chỉ đơn giản được lấy làm một "chỉ dẫn" (Anzeichen), chẳng hạn như nhãn
hiệu và ghi chú. Và Husserl tiến hành khẳng định rằng "(ngh)ĩa là [Das Bedeuten] không
phải là một cách đặc biệt của việc là một dấu hiệu theo nghĩa chỉ định một cái gì đó." (LI II, 269) do đó một dấu hiệu chỉ định bị tước mất "Bedeutung
- ý nghĩa", thì nó là bedeutungslos,
trong đó nó không thực hiện một “chức năng biểu nghĩa" (eine
Bedeutungsfunktion). Vậy là các biểu hiện
(Ausdrücke) phải được phân biệt với các ký hiệu
chỉ định (anzeigenden
Zeichen) ở chỗ chúng đều có ý nghĩa (bedeutsamen) (LI II 275/37). Hơn nữa, một
biểu hiện không chỉ có ý nghĩa mà nó còn quy chiếu vào một số đối
tượng (Gegenstände) nhất định, có nghĩa
là, mỗi biểu hiện là biểu hiện về một cái gì đó (über Etwas) (LI II 287/52). Và đây
không phải luôn luôn là một mối quan hệ của việc đặt tên, vì
không phải tất cả các biểu hiện đều gọi tên (các) đối tượng của chúng. Đó chính xác là ở mức độ tham chiếu của các định đề mà lý thuyết về ý nghĩa của Husserl tự
vạch gianh giới với quan niệm của Frege. Trong
khi đó, Frege liên kết ý nghĩa (Sinn) của một định
đề với quan niệm (Gedanke) được biểu hiện và quy chiếu của nó (Bedeutung) chính là chân-giá trị
(Wahrheitswert), mà định đề của
Husserl là một Gedanke nhưng lại quy chiếu vào một Sachverhalt, "trạng thái sự
kiện" ( LI II 288/53). Husserl minh họa điều
này bằng cách chỉ ra rằng hai câu đó nói về sự vật khác nhau,
chẳng hạn như "a lớn hơn b" còn "b thì nhỏ hơn a" thể hiện, trên thực tế, cùng
một trạng thái sự kiện, trong đó "cùng một vấn đề" [Sache] được lĩnh hội một cách khẳng định và được xác quyết theo hai cách khác nhau." Vì vậy phương pháp tiếp cận hiện tượng luận
đặc trưng cho phân tích của Husserl về ý nghĩa có thể không phải
hài lòng với một sự hiểu biết đơn giản về
các chức năng biểu tượng và ngôn ngữ, nhưng nó tìm cách quay
trở lại với "bản thân sự vật", để sử dụng các bằng chứng về trực giác phát triển
đầy đủ, thực sự tượng trưng bởi các từ, và để tái thiết lại toàn bộ ý nghĩa bằng cách xác định "sự
đồng nhất bất khả hủy." Vì mục đích chính của "hiện tượng tri thức" của
Husserl vẫn duy trì việc tái lập sự kết nối cần thiết giữa ý nghĩa-chủ đích (Bedeutungsintention) và ý nghĩa-thực
hiện (Bedeutungserfüllung), tức là cách
thức khớp nối một cách có ý nghĩa giữa cái
"chủ thể" và cái "khách thể" trong bản chất -cấu trúc của kinh nghiệm "thuần
túy". Tôi đang cố tình sử dụng động từ
"tái tạo" để nhấn mạnh động thái "phục hồi" tiềm ẩn trong lý thuyết về ý nghĩa của Husserl, đặc biệt là khi
ông sử dụng các động từ auffassen ("lĩnh
hội", “phân tích”) và auslegen
("sắp xếp" "giải
nghĩa") theo nghĩa diễn giải, minh họa mà chúng tôi hy vọng sẽ khám phá trong suốt
bài viết này. Việc cấu tạo ý nghĩa, từ ý định có tính đặt nền móng đến việc thực hiện sự biểu nghĩa của nó, được tự tái tạo bằng Einfährung - dẫn nhập một cách có phương pháp của Husserl vào hiện tượng luận thích hợp, mà Khảo sát Logic đã
sử dụng để cấu thành môn giáo dục dự bị lý tưởng. Đó là lý do tại sao Husserl lại
kết luận Khảo sát Thứ nhất bằng luận đề logic "ý nghĩa được thống nhất một cách lý tưởng" (§§ 29-35). Bởi vì logic đã được xác lập như là "khoa học thống nhất lý thuyết," nên
bản chất của toàn bộ nhất tính lý thuyết đã
cho chính là "nhất tính về ý
nghĩa" và đó là những gì làm cho ti thức trở nên khả thể. Tuy nhiên Husserl đã xác định rõ ràng là ông không ủng hộ sự tồn tại siêu hình của các "đối tượng phổ quát" bằng lối tư duy linh thánh hoặc bằng một topo ouranios τόπος oὐρανός vị trí thượng đỉnh nào
đó, mà ông chỉ triệt để tìm cách vượt qua cả duy tâm luận
và hiện thực luận bằng cách thay trung tâm của cuộc luận chiến
tri thức luận, ra khỏi sự quy chiếu thực sự của nó để hướng đến chính mối tương quan ý nghĩa giữa chủ thể "nhận thức" và đối tượng phải được "nhận thức".
______________________________________
Nguồn: Nythamar Fernandes de Oliveira
2000. Husserl’s Phenomenology of Meaning
in the Logical Investigations, (To
John D. Caputo). The full, original version of this paper, containing all notes
and bibliographical references, is found on Veritas 44/1 (2000):
117-135.
Tác giả:
Nythamar Fernandes de Oliveira, cử nhân Thần học, Khoa Faculté de Théologie Réformée d'Aix-en-Provence (1985,
1987), Thạc sĩ Triết học (Đại học Villanova, 1990) và Tiến sĩ Triết học, Đại học bang
New York tại Stony Brook. Nghiên
cứu sau tiến sĩ tại Trường phái Mới về Nghiên cứu Xã
hội (1997-1998), Trường Kinh tế London và Đại học Kassel (2004-05) [New School for Social Research (1997-98), the London
School of Economics and the University of Kassel (2004-05) , đồng thời là một nhà
nghiên cứu tại Alexander von Humboldt Stiftung. Ông là giáo sư thỉnh giảng tại
Đại học Toledo, Ohio (Mỹ) trong năm 2007-08. Ông hiện là giáo sư tại Đại học
Công giáo của Rio Grande do Sul (PUCRS) và Điều phối viên của Trung tâm Nghiên
cứu Brazil cho dân chủ, sáng lập năm 2009.
Ông đã tổ chức 9 sự kiện quốc tế và tham gia thuyết trình trong hơn 50 sự kiện
(với hơn 30 sự kiện quốc tế). Ông đã hướng
dẫn 13 luận án tiến sĩ; đã xuất bản
ba cuốn sách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét