Powered By Blogger

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Sử học Việt Nam hội nhập với cái gì?



Sử học Việt Nam hội nhập với cái gì?

Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga


Lời người dịch: Trên trang mạng leminhkhai.wordpress.com có một số bài viết ngắn đề cập đến các vấn đề quan trọng về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Chúng tôi cố gắng dịch và chuyển tải đến những ai liên quan - quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các trao đổi giúp làm rõ vấn đề mà tác giả Le Minh Khai [Liam Christopher Kelley] đặt ra nhằm thúc đẩy học thuật phát triển.


Vậy là Hội nghị Quốc tế Việt Nam học lần thứ Tư đang diễn ra tại Hà Nội (và có lẽ sắp kết thúc vào lúc này). Chủ đề của Hội nghị là Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững. Nhìn vào các tiểu ban và các tóm tắt, chỗ nào tôi cũng thấy “hội nhập”. Dường như tất cả đều đang nói về “hội nhập”, nhưng mọi thứ đang hội nhập với cái gì vậy???.

Tôi nghĩ, có thể đưa ra một giả định rõ ràng là học thuật Việt Nam đang “hội nhập” với “giới học thuật quốc tế”. Nhưng nhìn vào cách thức “giới học thuật quốc tế” có mặt trong hội nghị này thì tôi không dám chắc điều đó có nghĩa là gì.

Hội nghị mở màn với “Tiểu ban 1”, được giành cho lịch sử Việt Nam. Danh sách bảy người đầu tiên trong tiểu ban này đều là người nước ngoài. Tôi cũng đã thấy điều này trước đây trong các hội nghị quốc tế ở Việt Nam. Việc đưa những người nước ngoài nào đó lên hàng ghế đầu trong buổi mở màn hội nghị dường như là một cử chỉ chào đón đầy trọng thị, đồng thời điều đó cũng làm nổi bật tính chất “quốc tế” của hội nghị.

Bảy người này là những ai vậy? Theo tờ chương trình mà tôi thấy thì họ là những người sau: Andrew Hardy (EFEO - Ecole française d'Extrême-Orient) cùng trình bày với Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học), Alexei Polyakov, Anatoly Sokolov, Andrei Fedorin (tất cả đều người Nga), Claudine Salmon (Pháp), Dae-yeong Youn (Nam Triều Tiên), và Dashtsevel Sonom-Ish (Mông Cổ).

Tôi thấy có rất nhiều điều đáng chú ý về nhóm người này và sự hiện diện của họ tại buổi mở màn “Tiểu ban 1” tại Hội nghị Quốc tế Việt Nam học lần thứ Tư được tổ chức năm 2012. Trước hết, nếu chúng ta coi Andrew Hardy như là một “người Pháp danh dự” bằng cứ ở chỗ ông có học vị tại Pháp, và có các công trình viết cho EFEO, thì nhóm 7 người này gồm có 2 người Pháp, 3 người Nga, 1 người Nam triều Tiên và 1 người Mông Cổ.

Những người này đại diện cho “giới học thuật” nào? Đối với tôi, có nhiều giới học thuật như thế mà các học giả Việt Nam đã cùng hội nhập trước Đổi Mới. Vì vậy vấn đề cần phải nói đến ở đây là  lĩnh vực nghiên cứu sử học tại Việt Nam lại đang hội nhập với các giới (Pháp và Nga) mà trước đây họ đã từng hội nhập?

Trong khi đó, đối với một số học giả và các nhà quản lý đại học ở một số khu vực trên thế giới trong những ngày này thì toàn bộ trò chơi ở đây là hội nhập với “một tiêu chuẩn quốc tế thượng hạng” nào đó được quyết định bởi những thứ như cách xếp hạng của Shanghai Jiaotong Daxue [上海交通Đại học Giao thông Thượng Hải] bằng cách tính xem có bao nhiêu nhà khoa  học đã có bài viết công bố trên một tạp chí “năm sao”.

Nếu đây là cái thế giới mà người Việt đang cố hội nhập cùng thì nhóm người này hình như không hoàn toàn thích hợp. Ba người Nga và người Mông Cổ không có bất cứ một công bố nào như thế mà tôi được biết.

Mặt khác, Claudine Salmon là một học giả rất đáng tôn trọng đã có nhiều bài viết về người Trung Quốc và Peranakan 土生華 [thổ sinh hoa nhân] người Hoa sinh sống nhiều đời ở Đông Nam Á hải đảo.

Cuối cùng sự có mặt của Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông để trình bày công trình hợp tác của họ là hoàn toàn phù hợp. Họ đã có những công trình tốt đáp ứng được các chuẩn mực “quốc tế” không có vấn đề gì đối với từ giới học giả “quốc tế”.

Rất đáng chú ý là Bắc Mỹ lại không có đại diện trong nhóm này. Trong khuôn khổ lao động học thuật, tôi nghĩ Bắc Mỹ đã đóng một vai trò khá lớn từ sau Thế chiến II. Phải chăng học giới ở đây không chú ý gì đến “hội nhập” ở Việt Nam?

Australia cũng vắng mặt, nhưng các nhà nghiên cứu nước này chắc chắn đã đóng góp nhiều cho giới học thuật quốc tế, và nhiều đại học của Australia cũng hội nhập rất nhiều với học giới của 上海交通Shanghai Jiaotong Daxue Đại học Giao thông Thượng Hải, ...v.v.

Vì vậy, cuối cùng tôi vẫn rất lấy làm bối rối. Chính xác thì lĩnh vực sử học nào tại Việt Nam đã được đề xuất để hội nhập? Liệu làm như vậy có thành công?
__________________________________


Nguồn: Le Minh Khai [Liam Christopher Kelley] What is Historical Scholarship in Vietnam Integrating With? leminhkhai.wordpress.com/ 2012.28th November, 2012.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét