Powered By Blogger

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

Huyền thoại về Thực tiễn Đông Nam Á bị Quan điểm Trung Hoa che đậy



Huyền thoại về Thực tiễn Đông Nam Á bị Quan điểm Trung Hoa che đậy

Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga

Năm 1979 Claude Jacques công bố một tiểu luận nhan đề: Phù Nam, Chân Lạp: Thực tiễn bị che đậy bởi quan điểm Trung Hoa về Đông Dương [Claude Jacques (1979). 'Funan', 'Zhenla '. The Reality Concealed by These Chinese Views of IndoChina. In R.B. Smith and W. Watson. Early South East Asia. Essays in Archaeology, History and Historical Geography. New York/Kuala Lumpur: Oxford University Press. pp. 371–389]. Quan điểm của ông trong bài viết này cho rằng các học giả phương Tây đã chủ yếu dựa vào việc đọc các văn liệu Trung Hoa một cách thiếu phê phán để tái dựng lịch sử Cambodia tiền Angkor, và vấn đề rất nghiêm trọng là không những các nguồn tư liệu Trung Hoa không trình bày rõ ràng thực tiễn, mà ở một mức độ nào đó, còn bị thẩm lậu bởi một thế giới quan của bản thân các tác giả. 

Jacques mở đầu tiểu luận bằng lời tuyên “Liếc qua lịch sử Cambodia cổ thì thấy rõ ràng là các tác giả đều thiên về việc quy cho đất nước này cái gọi là giai đoạn “tiền Angkor” bằng việc sử dụng những cái tên Trung Hoa là Phù Nam, Chân Lạp mà không phải là “Cambodia” hoặc một cái tên bản địa nào khác (hoặc chính xác hơn là những cái tên tiếng Phạn đã trở thành bản địa) cho dù một vài cái tên chẳng hạn như Bhavapura từ lâu dã trở nên thân thuộc”.

Tiếp đó ông còn thêm vào đoạn mở đầu này bằng lời tuyên rằng “Hơn nữa, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng cách thức đặt tên nước như vậy là biểu hiện rõ ràng nhất của một thực tế khác: đó là, trước hết, lịch sử Cambodia tiền Angkor đã được tái cấu trúc chủ yếu dựa trên cơ sở các văn liệu Trung Quốc hơn là dựa trên các bi ký được phát hiện ở chính Cambodia” [Early South East Asia: Essays in Archaeology, History and Historical Geography, eds., R. B. Smith and W. Watson (Oxford: Oxford University Press, 1979), 371-379.]

Vì vậy Jacques cổ vũ các học giả nên tăng cường sử dụng các nguồn bản địa để tái dựng lịch sử sớm của Cambodia. Đồng thời ông cũng thừa nhận rằng các nguồn văn liệu Trung Hoa vẫn rất đáng giá, nhưng cho rằng các học giả cần phải đọc các nguồn đó một cách có phê phán.

Tiểu luận này đã có một ảnh hưởng rất to lớn. Tuy nhiên, tôi cho rằng người ta đã hiểu nó không chính xác, vì Jacques phê phán các học giả phương Tây cũng hệt như phê phán các nguồn sử liệu tiếng Hán vậy. Nhưng kể từ khi tiểu luận được công bố đến nay tôi được nghe quan điểm phê phán các nguồn sử liệu chữ Hán nhiều hơn là phê phán các học giả phương Tây.

Thực ra tôi cũng đã nghe các học giả nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á nói vô số lần rằng người Trung Quốc đã thấy các “vương quốc” ở Đông Nam Á khi trong thực tế lại không có các thực thể như vậy. Thay vào đó là các “mandalas”, nhưng người Trung Quốc đã phóng chiếu ý niệm riêng của họ về một “vương quốc” vào cái mà họ thấy và đã hình dung các vị trí đó như kiểu Phù Nam chẳng hạn. [Ý tưởng cho rằng có một loại hình chính thể riêng biệt ở Đông Nam Á – loại hình mandala* – cũng là một ý tưởng có vấn đề, như tôi đã từng đề cập]. 

Tôi luôn băn khoăn khi thấy người ta nói về điều đó, vì những người mà tôi đã nghe nói về điều này luôn là những người không đọc được chữ Hán. Tuy nhiên, bằng cách nào đó họ đều quả quyết tuyên rằng người Trung Quốc “hiểu sai” Đông Nam Á.

Tôi cho rằng nhận xét đó không chính xác một chút nào cả. Khi tôi đọc các văn liệu cổ Trung Hoa viết về vùng mà ngày nay chúng ta gọi là Đông Nam Á này, tôi không hề thấy các vấn đề mà các nhà Đông Nam Á học tuyên bố một cách tự tin như thế.

Thay vào đó, tôi thấy chính những người phương Tây đọc các văn liệu cổ Trung Hoa để nghiên cứu về lịch sử sớm của Đông Nam Á lại có vấn đề.

Chẳng hạn công trình The Golden Khersonese: Studies in the Historical Geography of the Malay Peninsula before A.D. 1500 xuất bản năm 1961 của Paul Wheatley. Trong công trình này, Wheatley dẫn một loại bách khoa thư năm 1317 nói rằng do chính 馬端臨 Mã Đoan Lâm viết,  文獻通考 Văn hiến Thông khảo để trình bày các thông tin sau đây về một chính thể được gọi là Bàn Bàn, có lẽ tồn tại vào những thế kỷ đầu công nguyên trong khu vực vịnh Thái Lan:

槃槃國梁時通焉...外城者曰那延猶中夏剌史縣令 Bàn Bàn quốc Lương thì thông yên... ngoại thành giả viết na diên** do Trung Hạ thứ sử huyện lệnh.

Nước Bàn Bàn bắt đầu đặt quan hệ với Trung Quốc vào triều đại nhà Lương (502 – 507). Quan chức hàng tỉnh gọi là na diên, giống như thứ sử, huyện lệnh của Trung Quốc vậy.

Hãy bắt đầu với câu thứ nhất. Trong nguyên bản, không có từ nào được gọi là Trung Quốc và cũng không có từ nào tương ứng với “triều đại”. Văn bản chỉ đơn giản viết rằng “Dưới thời nhà Lương Bàn Bàn quốc đã có quan hệ”.

Tiếp đến câu thứ hai, trong nguyên bản không có từ nào gọi là “quan chức cấp tỉnh”. Văn bản chỉ đơn giản viết “người ngoại thành”. Hơn nữa các từ đó không “tương ứng với” mà là “tương đồng với” các chức vụ đã được đề cập. 

Liệu các chức vụ đó có thể coi là các chức vụ “Trung Quốc” được không? Từ được sử dụng ở đây là中夏 Trung Hạ***, về nghĩa đen phần nào giống với cách nói 中國 Trung Quốc. Liệu có thể dịch từ đó là “Trung Quốc” được không? Theo tôi thì cách tốt nhất là dịch theo đúng nghĩa đen, hay để nguyên thuật ngữ mà không dịch, vì việc dịch thành thuật ngữ như “Trung Quốc” thì nó lại có nghĩa là một bản chất xác định và không biến đổi nào đó của tính Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng rất khó thể hiện hoặc tối thiểu là người đọc khó mà đồng ý.  Vì vậy tôi cho rằng, về phương diện lịch sử thì chính xác ra chỉ nên sử dụng thuật ngữ nào mà chính tác giả đã sử dụng.

Cuối cùng, vào năm 1961 khi dịch 剌史 th sử và 縣令 huyện lệnh “tương đương với Quận trưởng và Huyện trưởng (trong tiếng Anh)”, Wheatley đã không có được lợi thế từ những nguồn tài liệu như công trình A Dictionary of Official Titles in Imperial China (Từ điển Quan chức Trung Hoa cổ) của Charles Hucker, nhưng không nghi ngờ gì nữa, các học giả thời đó đều biết rằng trong giai đoạn lịch sử ấy, Thứ sử đứng đầu một vùng lớn, còn huyện lệnh chỉ quản cấp huyện mà thôi , còn giữa hai cấp này, có nghĩa là dưới Thứ sử và trên Huyện lệnh là Thái thú. Vì vậy hai chức quan này không phải ở trong thang bậc quan hệ “A và dưới-A” với nhau, mà là trong mối quan hệ “A và dưới-dưới A”**.   

Vậy thì điều đó có quan trọng không? Có chứ, vì tác giả này không nói là “có sự tương đương”, mà lại nói là các quan chức hàng tỉnh ở nước Bàn Bàn “giống như” hoặc “như” theo nghĩa chung nhất. Và hai chức vụ mà tác giả chọn để so sánh các quan chức Bàn Bàn với các chức vụ được nói tới ở đây bằng cách quy vào một nghĩa chung là quan chức “cấp vùng” và quan chức cấp “địa phương”.

Ngoài ra vẫn còn một vấn đề nữa liên quan đến việc dịch từ là “vương quốc”. Từ này được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh. 中國 Trung Quốc là Vương quốc Trung tâm. 諸侯國 Chư Hầu quốc là các nước chư hầu nhỏ hơn. Trong cái đế quốc đó một nhà trị vì sẽ phân chia lãnh thổ cho các vương tử thuộc hoàng tộc và các vùng đất phong ấy được gọi là 王國 Vương quốc. Một thuật ngữ tương tự trong tiếng Anh “kingdom” cũng được sử dụng để chỉ triều đình trung ương. 

Vì vậy từ quốc có một loạt cách sử dụng khác nhau, chẳng hạn như khi một “người Trung Quốc’ viết về “Đông Nam Á” và sử dụng từ này thì điều đó không có nghĩa là ông ta đang nhìn Đông Nam Á thông qua “lăng kính Trung Hoa”. quốc chỉ đơn giản là một từ linh động và có nghĩa rộng để chỉ một “chính thể”, và trong nhiều trường hợp thì nó ít nhiều có nghĩa là một loại “thủ đô” với một “người trị vì” ở đó. 

Theo tôi, vấn đề thực sự không phải ở chỗ các nguồn sử liệu Trung Quốc là có tính “thành kiến”, mà là ở chỗ những người phương Tây thế kỷ XX đã đọc các nguồn này với những định kiến có sẵn ở trong đầu về “Trung Quốc” là gì, và cung cách nhận thức thế giới của “người Trung Quốc” như thế nào. Đối với họ Trung Quốc là một cái gì đó giống như thế giới Thanh Triều thế kỷ XIX với hàng đoàn lũ quan lại quan liêu thông thái. Họ coi đó chính là một thứi “Trung Quốc” vẫn luôn như vậy, và các định kiến có sẵn ấy cũng luôn đồng hành cùng họ đọc các nguồn sử liệu sớm.

Tôi nghĩ hai câu trên trong bản dịch của Wheatley đã chứng tỏ rõ ràng điều đó. Hãy so những gì mà Wheatley đã viết với một đoạn dịch sát nghĩa đen hơn:

“Dưới thời nhà Lương (502-57) Bàn Bàn quốc đã thông hiếu với Trung Quốc...Quan chức cấp tỉnh được gọi là na diên, và tương ứng với chức Thứ sử và huyện lệnh của Trung Quốc”.

“Dưới thời nhà Lương, chính thể Bàn Bàn đã đặt quan hệ ... Những người ở ngoài thành được gọi là na diên, tương đương với ngạch quan cấp vùng và cấp huyện của Zhongxia (Trung Hạ)."***

Wheatley đã nhét hàng loạt suy nghĩ quan liêu cho người viết những dòng trên, nhưng nguyên bản lại không cho thấy như vậy. Trong nguyên bản không có các từ “Trung Quốc”, “quan chức cấp tỉnh” hoặc bất kỳ một “tương đương” trực tiếp nào. Tất cả đều cho thấy ở đó có một nhà cai trị và ông ta có những thuộc cấp, người hầu kẻ hạ. Một số ở trong thành, còn một số thì ở ngoài thành.  

Cuối cùng còn một vấn đề không thích thú gì phải nghe nhắc lại khẳng định sau “Người Trung Quốc đã áp đặt thế giới quan của mình” vào “Đông Nam Á”, vì vậy mà không hình dung ra nó một cách chính xác, một vấn đề khác mà tôi không thích là phải nghe các nhà Đông Nam Á học nói rằng “các nguồn sử liệu Trung Quốc cho biết...” hoặc “theo các nguồn sử liệu Trung Quốc”.

Hơn nữa chúng ta luôn luôn thấy các học giả không đọc tiếng Hán lại nói về điều đó. Tri thức của họ về “các nguồn sử liệu Trung Quốc” có nguồn gốc từ công trình của những người như Wheatley mà chúng ta vừa đề cập ở trên, không phải bao giờ họ cũng dịch một cách chính xác ác nguồn sử liệu đó ra tiếng Anh. 

Ở một mức độ nào đó, ông đã áp đặt các quan niệm có sẵn vào các bản dịch của mình, ngoài ra, ông còn đơn giản làm cho thông tin trở nên sai lệch đi.

Cũng trong đoạn trích dẫn trên, Wheatley viết về Bàn Bàn như sau “Nước này nằm ở phía bắc một hòn đảo lớn, tách rời Lâm Ấp bởi Biển nhỏ. Từ Giao Châu đến đó mất 40 ngày đi thuyền” [tr.49]

Ở trang đầu của cuốn sách này, Wheatley đã xác định một nguồn sử liệu khác nói rằng vương quốc Bàn Bàn “nằm về phía tây nam Lâm Ấp, trên một vịnh biển”. Nó phân cách với Lâm Ấp về phía bắc bởi Biển nhỏ. Từ Giao Châu đến đó mất 40 ngày đi thuyền...” [tr.48]

在南海大洲中北與林邑隔小海自交州船行四十日至在林邑西南海曲中北與林邑隔小海自交州船行四十日乃至Tại nam hải đại châu trung bắc dữ Lâm Ấp cách tiểu hải tự Giao châu thuyền hành tứ thập nhật chí. Tại Lâm Ấp tây nam hải khúc trung bắc dữ Lâm Ấp cách tiểu hải tự Giao châu thuyền hành tứ thập nhật nãi chí.

Với bản dịch của Wheatley bạn sẽ không thể nào nhận ra được, nhưng hai câu trên hầu như giống hệt nhau, thế mà Wheatley vẫn đọc và dịch thành hai câu khác nhau. Một bản dịch thể hiện hai dòng tương đồng bằng hai câu khác nhau sẽ là một thứ như sau:

“Nước này nằm trên một hòn đảo lớn ở Nam Hải [Wheatley hoàn toàn bỏ mất Nam Hải]. Nó tách khỏi Lâm Ấp ở phía bắc bởi Tiểu hải. Từ Giao Châu đến đó mất 40 ngày đi thuyền”.

“Nước này nằm trên một vịnh biển ở phía tây nam Lâm Ấp. Về phía bắc nó tách khỏi Lâm Ấp bởi Tiểu hải. Đi thuyền từ Giao Châu đến đó mất 40 ngày”.

Vậy thì liệu việc đọc The Golden Khersonese của Wheatley ai dám tin chắc là có thể hiểu “các nguồn sử liệu Trung Quốc” nói về cái gì không? Không chắc. Có ai dám tin chắc đó chính là “quan điểm Trung Quốc” “che dấu” “thực tiễn Đông Nam Á” không? Để chắc chắn thì tất cả các văn bản này phải chứa đựng một loại quan điểm nào đó, nhưng quan điểm mà các văn bản Trung Quốc bị các nhà Đông Nam Á học buộc tội áp đặt vào thực tiễn Đông Nam Á không phải bắt nguồn từ chính các văn bản, mà lại từ đầu óc của những người đọc các nguồn sử liệu đó (và trong trường hợp Wheatley, đôi khi đã bị đọc sai).

Cuối cùng, toàn bộ vấn đề này liên quan đến cái mà trước đây tôi đã viết, liên quan đến tình trạng hiểu biết về lịch sử Đông Nam Á tiền hiện đại****. Đôi khi ta đã đọc qua một số nguồn sử liệu hoặc một số bi ký Champa, điều đó không có nghĩa là chúng ta đã thực sự “biết” những nguồn đó nói gì.

Trong thế kỷ XX, một cam kết lớn đã được đưa ra để “bắt đầu” quá trình nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử Đông Nam Á tiền hiện đại. Và trong đó, những con người như Paul Wheatley đã có những đóng góp to lớn. Tuy nhiên, ý nghĩa to lớn mà công trình của các học giả ấy đã đem lại, thì về cơ bản đó mới là một nỗ lực đầu tiên, và những nỗ lực đầu tiên không phải bao giờ cũng dễ dàng vượt qua được các thách thức. Những gì mà họ làm được trong lĩnh vực lịch sử Đông Nam Á chủ yếu là về điều kiện của lĩnh vực đó hơn là chất lượng học thuật của nó.

Wheatley là một người đi tiên phong về Đông Nam Á sớm trong giới học giả nói tiếng Anh. Người đi tiên phong cũng có nghĩa là phải có người tiếp bước. Không may là điều đó lại không diễn ra ở mức độ nên tiếp bước và cần phải tiếp bước ông.
______________________________

Nguồn: The Myth of the Southeast Asian Reality Concealed by Chinese Views, leminhkhai.wordpress.com/21Oct.12

Ghi chú của người dịch:

* Tôi sẽ giành riêng việc thảo luận về khái niệm मण्डल mandala, với tư cách là một chính thể cho một bài viết trong tương lai gần.

** Lập luận này của Le Minh Khai - Liam Christopher Kelley mới xem qua thì có lý, nhưng thực ra lại không đơn giản như vậy. Trong thực tế từ 那延 na diên mà nguồn sử liệu Trung Quốc chỉ phiên âm, không dịch nghĩa, chính là từ tiếng Phạn नयन [nayana] có nghĩa đen là mắt, nghĩa bóng là lãnh đạo, hướng dẫn, chỉ dẫn. Vì vậy cách nói chung chung: như thứ sử, huyện lệnh của Trung Hạ, và được Wheatley dịch là Prefects and Subprefects respectively”, tôi nghĩ không có gì sai khi ai nấy đều biết các khái niệm thứ sử, thái thú, huyện lệnh trong thời cổ trung đại Trung Quốc cũng khá linh động, giống hệt như từ Praefectus trong cổ ngữ La Mã vậy. Chúng ta biết rằng Prefect vốn có nguồn gốc từ Praefectus một chức vụ hành chính – quân sự - luật pháp – thực dân địa cổ La Mã. Nó được sử dụng cho các chức vụ từ hạng khá thấp đến hạng cao cấp thời La Mã cổ đại, tùy theo định ngữ đi kèm. Tôi nghĩ cố học giả Paul Wheatley (1921 – 1999) đã hiểu chính xác nghĩa của các từ 剌史縣令 [thứ sử huyện lệnh] trong chữ Hán khi coi các từ đó tương đương nghĩa với PrefectSub-prefect theo đúng ngữ cảnh cổ đại của các khái niệm linh động đó dùng để chuyển tải một khái niệm cũng linh động không kém ở nước Bàn Bàn cổ là नयन 那延 na diên.

*** Về việc Liam Christopher Kelley bắt bẻ cách dịch từ 中夏 Trung Hạ ra tiếng Anh là Chinese thì hơi có vẻ chẻ sợi tóc làm tư. Chúng ta đều biết nghĩa cổ của từ Trung Hạ là Trung Quốc [ hạ = to lớn, nhà Hạ], cho nên theo tôi, dùng từ Chinese cho Trung Hạ để chỉ tính chất Trung Quốc là hoàn toàn xác đáng. Còn nếu cứ để 中夏 Trung Hạ thì làm sao các bạn đọc phương Tây bình thường hiểu được Trung Hạ là cái gì?!

**** Đó là bài viết ngắn The Superficiality of Scholarship on Premodern Southeast Asian History,   được tác giả công bố trong leminhkhai.wordpress.com/01, Oct.12.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét