Hà
Hữu Nga
I.
Lịch sử vấn đề
Đầu năm 1938 nhà địa chất – khảo cổ học Thụy Điển J.G. Andersson lần
đầu tiên đến nghiên cứu khảo cổ học tại khu vực vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Tại
đây, ông đã phát hiện một loạt hang động có chứa các vỏ nhuyễn thể nước ngọt.
Dù xuất thân là một nhà địa chất học, nhưng Andersson đã không trả lời được câu
hỏi tại sao lại có những đống tích tụ vỏ ốc nước ngọt – lẽ ra phải là nhuyễn thể
nước mặn – trong các hang động giữa vùng biển mênh mông này.
Ngoài các tích tụ hang động, Andersson còn phát hiện được một số di
chỉ ngoài trời, trong đó có di chỉ Danh Do La, sau này được gọi là Ngọc Vừng;
di chỉ Xích Thổ và di chỉ Đống Màu, hay còn gọi là Đồng Mang. Vậy là cùng một thời
điểm, ông đã có công phát hiện được hai nền văn hóa trên chính vùng Vịnh Hạ
Long, hay nói cách khác, ông là người có công đầu trong việc phát hiện tiền sử
Hạ Long. Tuy nhiên ông đã không biết rằng những di chỉ này thuộc hai thời đại
hoàn toàn khác nhau, cách nhau tới hàng vạn năm. Giải thích sự khác biệt giữa hai
loại hình di chỉ - trong hang động và ngoài trời – ông nghĩ có lẽ điều đó phụ
thuộc vào tình trạng bảo tồn các di vật.
Một băn khoăn khác của Andersson, đó là sự khan hiếm gốm trong các
tích tụ hang động, ngược lại, tầng văn hóa của các di chỉ ngoài trời lại được cấu
tạo chủ yếu bởi gốm. Với một cảm nhận nghề nghiệp, ông cũng nghĩ tới các khả
năng khác biệt niên đại hoặc tộc thuộc. Nhưng Andersson đã không có đủ thời
gian tại Việt Nam để trả lời thấu đáo câu hỏi này. Đặc biệt với các tích tụ vỏ ốc
nước ngọt, ông gọi đó là một “bí ẩn”. Còn việc khan hiếm gốm trong các hang động
thì ông chọn giải pháp trả lời – không phải căn cứ vào sự khác biệt niên đại,
mà phần nào bởi khác biệt định kiến văn hóa – khi cho rằng người tiền sử trong
các hang động đã ăn ốc sống, mà không cần đun nấu, nên không tìm thấy gốm ở đó
[Andersson 1939, tr. 105].
Cuối đợt điền dã tại vùng Vịnh Hạ Long, Andersson đã mời một đồng
nghiệp địa chất làm khảo cổ - người đã giành trọn cuộc đời khoa học cho những
nghiên cứu tiền sử Việt Nam – bà M. Colani tới thăm các hang động trên Vịnh, và
bà đã cho biết những tích tụ nhuyễn thể Melania đó phổ biến trong các hang động
đá vôi thuộc các tỉnh miền núi Bắc Việt Nam và hiện nay người dân Việt Nam vẫn
bắt loài này để ăn. Từ hiểu biết mới này, Andersson cho rằng người tiền sử trên
Vịnh hạ Long đã rời khỏi các hòn đảo vào đất liền bắt ốc về ăn. Còn các tích tụ
vỏ ốc tại hang Đục – nhìn vào bản vẽ của Andersson thấy rất giống hang Tiên Ông
hiện nay – được giải thích là người tiền sử ở đây đã vượt biển sang đảo Cát Bà
bắt về. Cùng năm đó, M. Colani cũng phát hiện được hang Đồng Cẩu (làng Yên Mỹ,
Quảng Yên cũ). Bà cho đó là “đống rác bếp Bắc Sơn” vì ở độ sâu 1,2m đã tìm được
ba chiếc rìu mài lưỡi. Ngoài ra bà còn phát hiện được một di tích được gọi là
“Hòa Bình ngoài trời” tại Giáp Khẩu, nay thuộc phường Hà Khánh, thành phố Hạ
Long.
Toàn bộ câu chuyện về việc phát hiện tiền sử trước văn hóa Hạ Long
trên Vịnh Hạ Long gần như được bỏ lửng ở đó trong vòng ba mươi năm, cho tới khi
địa điểm khảo cổ học Soi Nhụ - thuộc huyện đảo Vân Đồn hiện giờ - được các nhà
khảo cổ học Việt Nam hợp tác với các cán bộ Ty Văn hóa Quảng Ninh khai quật vào
năm 1967 [Đỗ Văn Ninh, 1968, tr. 57]. Hang gồm ba phần: hang dưới, hang giữ và
hang trên, mà thực chất thì hang giữa chỉ là một ngách của hang dưới. Theo giáo
sư Đỗ Văn Ninh thì điều đáng chú ý là suốt dọc cửa hang, lớp ốc biển, chủ yếu
là ốc tai, hầu hết đều bị gãy trôn, kết với đất cát thành một tầng dày tới 1,5m
và rất rắn, trên bề mặt là một lớp nhũ mỏng, phần còn lại vẫn bám chặt vào vách
hang. Trong tầng này tìm thấy một đoạn xương chi bò, một số mảnh sọ người, răng
người đã hóa thạch và một số mảnh gốm thô.
Hang giữa là bộ phận chủ yếu của cuộc khai quật có chứa trầm tích
Pleistocene. Hiện vật tìm được tại hang Soi Nhụ không nhiều, trong đó có hai nạo
đá đẽo, ba rìu đá mài, hai hòn cuội, hai mảnh bàn mài, một chày đá. Tất cả những
hiện vật này đều được phát hiện tại phần cao của hang. Những chiếc rìu đá thì được
cho là còn ở trình độ thấp của kỹ thuật mài, bằng cách lợi dụng hình dáng của mảnh
tước, mài sơ qua một mặt để có được rìa tác dụng, mặt lưng vẫn giữ nguyên vỏ cuội.
Vì vậy rìu thô, dày và không đều [Đỗ Văn Ninh 1968, tr.60].
Gốm Soi Nhụ có miệng loe, đáy tròn. Loại gốm xám thì phần miệng để
trơn, phần cổ có vành hoa văn đắp thêm có hình làn sóng; tiếp đó là “văn chải”,
có những mảnh được trang trí bằng loại văn rổ rá. Căn cứ vào đồ đá và đồ gốm,
tác giả của báo cáo khai quật cho là muộn nhất cũng chỉ vào Trung kỳ đá mới.
Nguyễn Văn Hảo so sánh phát hiện đồ đá Soi Nhụ với đồ đá do M. Colani phát hiện
được ở Đồng Cẩu và Giáp Khẩu cũng đồng ý rằng chúng có niên đại Trung kỳ đá mới.
Còn đồ gốm thì được so sánh với các phát hiện gốm hang Bái Tử Long, trong lớp
tích tụ vỏ ốc biển, nên có niên đại hậu kỳ đá mới [Nguyễn Văn Hảo 1985, tr.42].
Vì vậy đã có ý kiến cho rằng nhóm di tích Soi Nhụ, bao gồm cả các hang trên Vịnh
Hạ Long và các hang động trên đảo Cát Bà, có thể được xếp chung vào văn hóa
“thuộc giai đoạn sớm của thời đại đá mới sau văn hóa Bắc Sơn” [Nguyễn Văn Hảo
và Nguyễn Khắc Sử 1976, tr.58].
Ba nhóm di vật, tích tụ tầng văn hóa, đồ đá, đồ gốm cho thấy hang
Soi Nhụ bao gồm hai văn hóa thuộc hai thời đại hoàn toàn khác nhau. Hang Giữa
chứa trầm tích Pleistocene, các công cụ đá, những chiếc nạo bằng mảnh tước cuội,
rìu mài lưỡi đơn sơ và đặc biệt là các tích tụ vỏ ốc nước ngọt đã chứng tỏ thời
gian ấy, khu vực này vẫn còn là đất liền. Các kết quả định niên đại C14 từ các
mẫu nhuyễn thể nước ngọt lấy từ Hang Giữa cũng cho thấy các di tích văn hóa ở
đây có niên đại Pleistocene. Mẫu có niên đại sớm BLN-1975II là 15.650 ± 180 BP.
Mẫu có niên đại muộn BLN-3333 I cũng lên tới 12.460 ± 60 BP. Như vậy hang Soi
Nhụ đại diện cho một thời đại, một văn hóa độc lập tại khu vực này trong giai
đoạn tương đương với các văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn [Hà Hữu Nga – Nguyễn Văn Hảo
1998, tr.61].
II.
Nền văn hóa Soi Nhụ
Các nhà địa chất cho rằng cách ngày nay khoảng 18.000 năm, khi đợt
Băng hà lần cuối cùng (Wurm muộn) phát triển thì mực nước biển Đông vẫn còn ở độ
sâu 110 – 120m. Khi băng tan vào khoảng 17.000 năm trước thì mực nước đại dương
bắt đầu dâng cao. Người ta gọi đây là đợt biển tiến Flandrian. Khoảng 10.000
năm trước, mực nước cũng chỉ dâng tới độ sâu 50 – 60m. Khoảng 7.000 – 8.000 năm
nó dừng lại ở độ sâu 25 – 70m so với mực nước hiện tại. Khoảng 4.500 – 5.000
năm trước mực nước đạt tới cực đại, cao hơn mực nước hiện tại là 5m [Lưu Tỳ -
Nguyễn Thế Tiệp và những người khác 1985, tr. 16-18].
Một ý kiến khác, căn cứ vào các thềm biển, vốn là các bãi biển cổ
nâng cao 10-15m được phát hiện ở Đồ Sơn, Cát Bà, thành phố Hạ Long, thì cho rằng
vào khoảng 20.000 – 30.000 năm trước biển đã tràn vào khu vực Vịnh Hạ Long và
đã hình thành một vịnh cổ ở đây. Thềm Ao Cối tại Cát Bà cao 10m, được cấu tạo bằng
trầm tích cát kết yếu, chứa nhiều mảnh san hô, sò ốc biển là minh chứng chắc chắn
cho nguồn gốc biển của thềm này, mà tuổi thềm tương tự ở Phan Thiết được định
niên đại C14 là 18.500 ± 250 năm. Trong thực tế thì mực nước biển không cao tới
mức ấy, mà sau này nó đã được nâng lên do vận động kiến tạo nâng địa phương, vì
trong kỷ Nhân sinh, những lần biển tiến do băng tan chưa lần nào mực nước vượt
quá hiện nay [Trần Đức Thạnh 1998, tr.46].
Như vậy là trong khoảng từ 30.000 năm tới 17.000 năm đã có hai đợt
biển tiến lớn phụ thuộc vào sự thay đổi khí hậu trái đất, vào sự nâng lên của mực
nước đại dương, và cả hai lần đều để lại những dấu ấn khá rõ ràng đối với cuộc
sống của các cư dân tiền sử trong khu vực Bắc Việt Nam nói chung và khu vực Vịnh
Hạ Long nói riêng. Tại Mái đá Điều, Thanh Hóa, một kỹ nghệ đá mảnh lớn có tuổi ước
tính 30.000 – 17.000 năm đang dần dần được làm sáng tỏ sau khi kỹ nghệ đá mảnh
nhỏ Ngườm cũng tồn tại trong khoảng thời gian tương đương đã được khẳng định. Mới
đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được một di chỉ có niên đại cổ xưa gần
như vậy tại khu vực Vịnh Hạ Long, đó là hang Áng Mả trên đảo Cát Bà với một
niên đại C14 lên tới hơn 25.000 năm.
Cũng giống như Mái đá Điều là một trong những nền tảng của văn hóa Hòa
Bình, kỹ nghệ Ngườm là một trong những nền tảng của văn hóa Bắc Sơn, thì giờ
đây, với những phát hiện mới trên đảo Cát Bà, tại hang Áng Mả, nền tảng của văn
hóa Soi Nhụ cũng đang được làm sáng tỏ. Theo những người nghiên cứu hang này
cho biết, Áng Mả nằm ở phía tây nam xã Hiền Hào (Cát Bà, Hải Phòng). Địa tầng mỏng,
gồm có các loại nhuyễn thể sống trên cạn, nhiều nhất là Cyclophorus fulguratus, sau đó là ốc suối Antimelania costula [Trình Năng Chung, Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Gia
Đối, Lê Minh Tâm 2000]. Ngoài hang Áng Mả, trên Vịnh Hạ Long còn phát hiện được
nhiều hang động có chứa chủ yếu là nhuyễn thể cạn như vậy.
Trước đây, khi chưa phát hiện được nhiều hang động thuộc loại hình
này, hầu hết các nhà khảo cổ học Việt Nam đồng ý là có một nhóm di tích Soi Nhụ
riêng. Gần đây, khi tiếp tục nghiên cứu khu vực này, với việc phát hiện thêm một
loạt các hang động mới, trong một khoảng không gian trên dưới 2000 km2,
bao gồm các khu vực núi đá vôi ở Kinh Môn (Hải Dương), Thủy Nguyên, Cát Bà (Hải
Phòng) và hầu hết các huyện thị Uông Bí, Yên Hưng, Hoành Bồ, Cẩm Phả, Vân Đồn
và thành phố Hạ Long của Quảng Ninh, chúng tôi đã tiến tới xác lập một văn hóa
riêng – văn hóa Soi Nhụ, gọi theo tên của di chỉ Soi Nhụ - cho khu vực này [Hà
Hữu Nga 1997, 91-94; Hà Hữu Nga – Nguyễn Văn Hảo 1998, tr.43-89]. Khái niệm đó
được công bố tại Đại hội lần thứ 16 của IPPA (Indo-Pacific Prehistory
Association) ở Melaka, Malaysia [Hà Hữu Nga 1998] và bước đầu đã được tham khảo,
sử dụng [Tonny Waltham 1998, pp.35-37; Jaap Vermeulen and Tony Whittten 1999,
p.47].
Các
đặc trưng chính của văn hóa Soi Nhụ
1. Văn hóa Soi Nhụ chủ yếu phân bố trong khu vực các đảo đá vôi
thuộc Vịnh Hạ Long, bao gồm cả đảo Cát Bà, và Bái Tử Long. Ngoài ra các di chỉ
của văn hóa Soi Nhụ còn phân bố tại các hang động đá vôi ven bờ các Vịnh biển ấy
thuộc các huyện Cẩm Phả, thành phố Hạ Long, huyện Hoành Bồ, thị trấn Uông Bí,
huyện Kinh Môn (Hải Dương); huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).
2. Đây là một nền văn hóa hang động, cửa sông, thềm biển, mà tầng
văn hóa cấu tạo chủ yếu là vỏ ốc núi, ốc suối cùng một số loài nhuyễn thể nước
ngọt khác. Bên cạnh những thành phần này còn có một lượng đáng kể các di tích
xương cốt động vật có vú. Tuy hiếm, nhưng đã xuất hiện các loài động vật thân mềm
biển trong tích tụ văn hóa.
3. Khác với các văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, trong tích tụ tầng
văn hóa Soi Nhụ rất hiếm các loại cuội nguyên liệu, công cụ đá, mảnh tước và gốm.
4. Một số công cụ tìm thấy thì đều không có hình dáng ổn định. Kỹ
thuật chế tác đơn giản, chủ yếu bằng thủ pháp ghè đẽo một mặt, phương pháp chặt
bẻ và rất ít tu sửa một cách hệ thống, qui chỉnh. Có vẻ như nhiều công cụ chặt
đập thô đều được chế tác từ đá vôi nên rất khó phân biệt với những mẩu đá vôi vỡ
tự nhiên hoặc do những người đời sau làm vỡ để lại.
5. So với các cư dân Hòa Bình, Bắc Sơn cùng thời thì cư dân Soi Nhụ
có lẽ gần gũi với biển nhiều hơn, trực tiếp hơn. Một số bằng chứng khai thác biển
đã được phát hiện tại các hang Soi Nhụ, Tiên Ông, Bồ Quốc..., nhưng niên đại của
chúng thì cần được nghiên cứu thêm.
6. Đối với hai nền văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn cùng thời, có lẽ
văn hóa Soi Nhụ có những mối liên quan, ảnh hưởng qua lại với văn hóa Bắc Sơn
nhiều hơn, thường xuyên hơn và thuận lợi hơn. Điều đó phần nào thể hiện qua các
rìu mài lưỡi dạng Bắc Sơn được phát hiện tại hang Soi Nhụ và một số hang động
khác ở Hoàng Bồ và trên đảo Cát Bà. Ngoài ra các công cụ mài lưỡi gợi lại hình
dáng rìu Bắc Sơn còn thấy phổ biến tại các địa điểm ngoài trời như Hòn Ngò, Núi
Hứa,...
Các
giai đoạn phát triển của văn hóa Soi Nhụ
Một trong những khó khăn khi nghiên cứu văn hóa Soi Nhụ là cho tới
giờ chúng ta vẫn chưa có được một chứng cớ địa tầng chắc chắn nào để có thể khẳng
định được các giai đoạn phát triển của văn hóa Soi Nhụ. Một khó khăn khác là những
bằng chứng về loại hình công cụ cũng không giúp được gì nhiều. Không chỉ có thế,
gốm – một ưu thế khác của các nhà khảo cổ - đối với trường hợp văn hóa Soi Nhụ lại
càng nghèo nàn. Trước một thực tế như vậy, chỗ dựa đáng tin cậy cho chúng tôi
hiện nay là phân tích các loại hình hang động mà người tiền sử cư trú kết hợp với
việc nghiên cứu, quan sát các thành phần cấu tạo, cách thức cấu tạo của các trầm
tích văn hóa.
Andersson cho rằng khu vực này có hại hệ thống hang động. Ông gọi
chúng là các hang cổ và các hang mới. Các hang cổ bao giờ cũng có độ cao lớn
hơn và chúng thường có cấu trúc thành tạo theo phương thẳng đứng và phức tạp
hơn. Hang mới có độ cao nhỏ hơn, phần nào chịu sự chi phối của mực nước biển,
vì vậy chúng có xu hướng phát triển theo chiều ngang, thường có nền phẳng hơn,
cấu trúc ít phức tạp hơn [Andersson 1939, pp.88-91; Tony Waltham 1998, pp.
8-11]. Một ý kiến khác thì cho rằng quá trình hình thành hang động ở khu vực Hạ
Long phổ biến trong khoảng Pleistocene giữa và muộn, từ 700.000 tới 11.000 năm
cách ngày nay. Đặc biệt là sau gian băng Holocene, thời tiết rất thuận lợi cho
quá trình tạo thạch nhũ [Trần Đức Thạnh 1998, tr. 43-44].
Các phân tích địa chất trên có thể trở thành những dẫn liệu đáng
tin cậy để xem xét niên đại và các giai đoạn phát triển của văn hóa Soi Nhụ.
Tuy nhiên chúng ta cũng cần lưu ý thêm cái mà Andersson gọi là hang mới, không
nhất thiết chỉ được thành tạo một lần mãi về sau này, gần lúc người Soi Nhụ tới
đó sinh sống, mà có thể nó đã được thành tạo trước đó khá lâu, nhưng bị giăm kết
lấp đầy. Sau đó nhờ sự rửa trôi của nước mưa hoặc nước biển, các hang này được
tái khơi thông. Nhưng so với các hang động có độ cao lớn hơn thì các hang ở dưới
thấp thường trẻ hơn. Các lớp trầm tích và di vật mà người Soi Nhụ bỏ lại trong
hang phần nào giúp ta làm sáng tỏ điều đó, và chúng cũng cho thấy các giai đoạn
phát triển của nền văn hóa này.
Giai
đoạn I: Những bằng chứng điển hình cho giai đoạn I thể hiện rõ tại các
hang Thiên Long, Mê Cung, Hang Trống và hang Tra Giới. Trước hết các hang này đều
nằm ở độ cao khoảng 40 – 60m so với đáy vịnh dưới chân núi. Hơn nữa các hang
này đều có cấu trúc rất phức tạp và đều phát triển theo phương thẳng đứng. Trầm
tích ở đây vừa là ốc suối, vừa là ốc núi với tỷ lệ tương đương nhau, hoặc tỷ lệ
ốc núi trội hơn (trường hợp hang Thiên Long). Một chi tiết đáng lưu ý là kích
thước của cả ốc suối và ốc núi đều nhỏ. Chúng có vẻ sống trong một môi trường
ít thuận lợi, có thể do khan hiếm thức ăn, do khô hơn, ít mưa hơn. Cũng có thể
chúng đã bị con người khai thác với một cường độ mạnh, vì họ có ít các nguồn thức
ăn khác. Nếu là như vậy thì có thể thời kỳ này ứng với khí hậu phần nào còn khô
lạnh của băng hà vào khoảng 18.000 – 17.000 năm trước chăng? Một chi tiết khác
cũng rất quan trọng, đó là hầu hết các trầm tích ở các hang này đều kết tầng,
xi măng hóa rất rắn chắc. Chúng tôi gần như chưa gặp hiện tượng này trong các
văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, kể cả ở những di chỉ có niên đại sớm như hang Xóm
Trại (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình), hang Vũ Lễ (xã Vũ Lễ, huyện Bắc
Sơn, Lạng Sơn). Điều đó cho thấy các trầm tích này đã trải qua một biến động
khí hậu lớn. Giai đoạn sau, nhờ khí hậu ấm áp hơn, mưa nhiều hơn, quá trình rửa
trôi khiến nhũ đá sinh sôi mạnh, làm tăng cường xi măng hóa các trầm tích thuộc
các hang động này.
Giai
đoạn II: Là hệ quả của Giai đoạn I, mưa nhiều làm nước xối thông giăm kết
ở các hang động có độ cao nhỏ hơn, hang trở nên thông thoáng, thuận lợi hơn cho
con người cư trú. Hơn nữa, khí hậu trở nên ấm áp đã làm cho muôn loài phát triển,
thức ăn dồi dào, sông suối, đầm hồ luôn sẵn nước. Nhờ vậy những con ốc Cyclophorus và Melania của giai đoạn sau cũng to hơn hẳn. Tiêu biểu cho giai đoạn
này là các hang Soi Nhụ, Tiên Ông, Bồ Quốc...đều nằm ở độ cao khoảng 3 – 5 m so
với mực nước biển hiện tại. Cùng với ốc Melania
kích thước lớn, tại các hang Tiên Ông và Bồ Quốc còn thấy rải rác những vỏ sò rất
lớn mà ngày nay người dân chài không hề gặp. Có lẽ vào cuối giai đoạn này người
Soi Nhụ cũng đã tăng cường khai thác biển và tạo lập nhiều hơn các mối liên hệ
với bên ngoài, mà trước hết đó có thể là với cư dân Bắc Sơn. Cũng có thể do biển
tiến, cùng những biến đổi môi trường sống nên nguồn lợi biển ngày một dồi dào,
khiến cho người Bắc Sơn đã mở rộng các mối quan hệ, và có thể đã chuyển cư bộ
phận xuống khu vực đồng bằng ven biển. Có thể thấy rõ những bằng chứng này qua
chiếc rìu mài lưỡi Bắc Sơn điển hình trong văn hóa Soi Nhụ. Ngược lại, chúng ta
cũng còn thấy cả những con ốc biển Cypraea tại nhiều địa điểm văn hóa Bắc Sơn
như Lạng Nắc, Mái Đá, Bình Gia, v.v...
Giai
đoạn III: Vào khoảng trên dưới 7000 năm trước, do nước biển tiếp tục dâng,
nên cuộc sống của cư dân Soi Nhụ phần nào có những thay đổi và biến động. Có
thể những nhóm cư dân sống ở các hang động thấp dưới các chân núi đá thuộc khu
vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long bây giờ đã buộc phải di chuyển tới những khu vực
cao hơn và an toàn hơn, thuộc các huyện miền núi phí bắc Vịnh như Cẩm Phả, Uông
Bí, Hoành Bồ và các vùng núi đá vôi cao hơn thuộc đảo Cát Bà. Những hang động
và mái đá như hang Đồng Đặng, Hà Lùng, Hang Dơi (Hoành Bồ); hang Áng Giữa, Eo
Bùa, Tùng Bồ, v.v...(đảo Cát Bà); hang Phương Nam (xã Phương Nam, Uông Bí),
v.v...là thuộc giai đoạn này. Ngoài ra, trong giai đoạn này, bên cạnh các mối
quan hệ với cư dân văn hóa Bắc Sơn, có lẽ người Soi Nhụ còn tăng cường hơn nữa
các mối quan hệ với các cư dân văn hóa phương bắc tới, và không loại trừ khả
năng các khu vực lân cận cũng nằm trong ảnh hưởng của nền văn hóa này. Một số dấu
ấn văn hóa của các địa điểm khảo cổ học mới phát hiện tại Hòn Ngò, Núi Hứa, và
cả Giáp Khẩu nữa đã được so sánh với các di tích cùng loại tại vùng ven biển Quảng
Tây, Trung Quốc [Bùi Vinh – Trần Trọng Hà 1999; Hoàng Xuân Chinh 1999].
III.
Vị trí văn hóa Soi Nhụ trong tiền sử Việt Nam và Khu vực
1.
Văn hóa Soi Nhụ là nguồn gốc trực tiếp của con đường Cái Bèo – Hạ Long:
Lâu nay trong tiền sử Việt Nam, hai nền văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn được coi là
hai cội nguồn trực tiếp duy nhất của các văn hóa đá mới, và cũng là cội nguồn
trực tiếp của cuộc cách mạng đá mới, cuộc cách mạng nông nghiệp trên đất nước
ta. Đó là con đường văn hóa Đa Bút ở Thanh Hóa; con đường văn hóa Quỳnh văn ở
Nghệ Tĩnh; con đường Bàu Dũ ở Quảng Nam – Đà Nẵng; và con đường Cái Bèo ở Hải
Phòng – Quảng Ninh [Hà Văn Tấn 1990, tr. 152, 153]. Ngoài ra cũng có đề xuất xếp
Giáp Khẩu ở Cửa Lục, Cái Bèo ở Cát Bà và Bầu Dũ ở Quảng Nam vào một phức thể
Hòa Bình – không phải một Hòa Bình hang động hay một Hòa Bình thung lũng, mà là
một Hòa Bình cồn bàu ven biển? [Trần Quốc Vượng 1991, tr.51]. Việc xác lập văn
hóa Soi Nhụ đồng thời với các văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn đã bổ sung vào bức
tranh tiền sử Việt Nam một điểm nhấn, một cơ sở mới để lý giải con đường phát
triển của văn hóa Cái Bèo và tiếp đó là văn hóa Hạ Long – con đường văn hóa biển
cho khu vực Đông Bắc của nước ta.
2.
Con đường Soi Nhụ - Cái Bèo – Hạ Long đã tạo dựng một phương thức sống phức hợp
theo định hướng khai thác biển trong tiền sử Việt Nam:
Nếu như trước đây định hướng nông nghiệp được coi là con đường phát triển duy
nhất sau Hòa Bình – Bắc Sơn và mọi tiền đề cho con đường đó đã được chuẩn bị ở
hai nền văn hóa này thì ngày nay, với việc xác lập văn hóa Soi Nhụ, chúng ta
còn thấy một tất yếu khác. Đó là một mô hình phát triển phức hợp mà ở đó nông
nghiệp chỉ là một trong các thành tố mà thôi. Người ta không thể phủ nhận được
vai trò của kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là nền nông nghiệp làm vườn, trong
các văn hóa Cái Bèo và Hạ Long, nhưng định hướng chính của con đường Cái Bèo –
Hạ Long lại là khai thác biển, trong đó có cả đánh bắt hải sản lẫn trao đổi,
thương mại và phát triển một số nghề thủ công làm gốm, chế tác công cụ đá, đồ
trang sức và biệt là đóng thuyền, mà bằng chứng còn lại là những chiếc búa đá
to khỏe, không thấy ở đâu khác ngoài khu vực văn hóa Hạ Long. Chính môi trường
biển đã tạo cho hậu duệ của văn hóa Soi Nhụ một phương thức phức hợp như vậy.
3.
Văn hóa Soi Nhụ - một cội nguồn và sự tổng hòa các yếu tố văn hóa biển khu vực:
Không phải ngẫu nhiên mà sau khi phát hiện ra một số di chỉ đầu tiên của văn
hóa Soi Nhụ hay hậu duệ của nó như hang Đồng Cẩu, địa điểm Giáp Khẩu mà M.
Colani đã liên hệ ngay với các văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn. Sau này đối với các
nhà khảo cổ học Việt Nam, khi phát hiện được các hiện vật đá tại hang Eo Bùa,
Soi Nhụ người ta cũng lập tức liên hệ chúng với các yếu tố Hòa Bình – Bắc Sơn.
Nhưng Soi Nhụ không chỉ có các yếu tố đó, và đó cũng chưa phải là đặc trưng của
bộ công cụ văn hóa này. Tại đây, người ta còn tìm thấy các công cụ bằng đá vôi,
các công cụ cuội không định hình, không mang đặc trưng Sumatralith. Hơn nữa so
với các văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, tại các địa điểm Soi Nhụ rất hiếm công cụ
đá, trong khi tích tụ tầng văn hóa bằng vỏ nhuyễn thể lại rất dày, bao gồm cả ốc
suối, ốc núi và sau này là cả nguyễn thể biển nữa. Vậy là khi nhìn tổng thể,
không thể xếp nó vào Hòa Bình hay Bắc Sơn được, mà nó là một nền văn hóa độc lập,
tồn tại trong mối liên hệ mật thiết với các nền văn hóa khu vực để rồi tạo nên
một truyền thống riêng, truyền thống văn hóa biển trong tiền sử Việt Nam. Và
chính văn hóa Soi Nhụ là một trong những cội nguồn sâu xa nhất góp phần tạo nên
thế giới văn hóa – ngôn ngữ Austronesian Đông Nam Á và xa hơn nữa.
_________________________________
* Ghi chú: Bài tham gia
Hội thảo Vịnh Hạ Long – 5 năm Di sản Thế
giới, do Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh – Bộ Văn hóa Thông tin và Uỷ ban
Quốc gia UNESCO của Việt Nam tổ chức tại thành phố Hạ Long tháng 4 năm 2000.
Tài
liệu tham khảo
Andersson J.G. 1939. Archaeological
Research in the Fai Tsi Long Archipelago, Stockholm - Bulletin No.11,
Stockholm 1939.
Bùi Vinh – Trần Trọng Hà 1999. Hòn
Ngò (Quảng Ninh), trong Những phát hiện
mới về Khảo cổ học 1999, Hà Nội 2000.
Đỗ Văn Ninh 1968. Khai quật
hang Soi Nhụ, Quảng Ninh, trong Nghiên
cứu Lịch sử, số 117 – 12 – 1968.
Hà Hữu Nga 1997. Có một nền
văn hóa Soi Nhụ tại khu vực Vịnh Hạ Long, trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học 1997, Hà Nội 1998.
Ha Huu Nga 1998. Relationships
between the Soi Nhu and Ha Long cultures. Paper presented in the 16th Congress of the Indo-Pacific
Prehistory Association, Melaka, Malaysia 1 – 7th, July 1998.
Hà Hữu Nga – Nguyễn Văn Hảo 1998. Hạ Long thời Tiền sử, Nxb. Thế giới – Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Hà
Nội.
Hà Văn Tấn (Chủ biên) 1990. Thời
Tiền sử và Sơ sử, Lịch sử Thanh Hóa. Tập I, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Hoàng Xuân Chinh 1999. Công cụ cuội ghè đẽo vùng duyên hải và hải
đảo Đông Bắc, trong Những phát hiện mới về
Khảo cổ học 1999, Hà Nội 2000.
Jaap Vermeulen and Tony Whitten 1999. Biodiversity and Cultural Property in the Management of Limestone
Resources – Lessons from East Asia, The World Bank, Washington D.C.
Lưu Tỳ, Nguyễn Thế Tiệp, Nguyễn Tứ Dần,...1985. Đặc điểm địa mạo thềm lục địa Việt Nam và
các vùng lân cận, trong Khảo cổ học,
số 2 – 1985.
Nguyễn Văn Hảo 1984. Niên đại của những di vật tìm được ở hang Soi
Nhụ năm 1967, trong Những phát hiện mới về
Khảo cổ học 1984, Hà Nội 1985.
Nguyễn Văn Hảo và Nguyễn Khắc Sử 1976. Tìm kiếm di tích khảo cổ ven biển Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình,
trong Khảo cổ học, số 17 – 1976.
Tony Whitten 1998. Limestone
Karst of Ha Long Bay, Vietnam. Nottingham Trent University, UK.
Trần Đức Thạnh 1998. Lịch sử địa chất Vịnh Hạ Long, Nxb. Thế giới –
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Hà Nội.
Trần Quốc Vượng 1991. Vị thế
lịch sử và bản sắc địa-văn hóa của Hội An, trong Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Trình Năng Chung, Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Gia Đối, Lê Minh Tâm 1999.
Phát hiện mới một số di chỉ hang động
trên đảo Cát Bà (Hải Phòng), trong Những
phát hiện mới về Khảo cổ học 1999, Hà Nội 2000.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét