Việt Nam
trước những tấm gương (X)*
Hà Hữu Nga
Tính cách Dân tộc và Tôn giáo
Trong lịch sử Việt Nam, nhà Trần đã để lại những kinh nghiệm của một mẫu
hình cai trị khoan dung vào bậc nhất. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên
sự khoan dung đó, chính là Phật giáo, với tinh thần Thiền học khai mở, phù hợp với
đời sống nông nghiệp châu Á. Dưới triều đại này, hầu hết các ông vua Trần đều
là những đại trí thức – triết gia. Nhưng khác biệt với các triết gia phương
Tây, với phương tiện là luận lý, các triết gia Trần đạt tới tột đỉnh tri thức chủ yếu
bằng thực nghiệm sống. Với nhà Trần, lòng khoan dung không chỉ đơn thuần bắt nguồn
từ quan niệm đạo đức, mà nó còn có cuội nguồn sâu xa hơn, đó là từ thái độ hành xử với thời gian.
Mỗi dân tộc đều có cách hành xử riêng với thời gian. Ngay trong một dân tộc
thì mỗi giai đoạn lịch sử cũng có những đặc trưng quan niệm và hành xử về thời
gian khác nhau. Chính điều đó góp phần tạo nên tính cách dân tộc. Và ngược lại,
chính tính cách dân tộc cũng góp phần làm nên cung cách hành xử thông qua thực nghiệm sống kiểu đó.
Phép hành xử với thời gian thể hiện khả năng chế ngự hay bất lực của một
dân tộc đối với con ngựa bất kham ấy. Có những nền văn hóa mà trong đó cuộc
sống của con người là một cuộc chạy đua đứt hơi với thời gian để hướng về tương
lai. Và tương lai thì mãi mãi ở phía trước, còn quá khứ, và không chỉ có quá
khứ, mà thậm chí cả hiện tại nữa cũng bị lãng quên. Điều đó thể hiện rất rõ
trong một vài tôn giáo, kể cả tôn giáo thế giới nữa. Trong hầu hết các tôn
giáo, nỗi ám ảnh về thời gian luôn luôn ngự trị tâm hồn con người. Và nỗi ám
ảnh càng lớn thì niềm tin, thậm chí những cuồng tưởng về tương lai càng mãnh
liệt. Trong bất cứ tôn giáo nào cũng hàm chứa một lời hẹn ước về tương lai. Và
đó hầu hết đều là sự bất lực trước thực tại. Với hầu hết những người bình dân,
trong khía cạnh này, tôn giáo đúng là thuốc phiện [Marx K. 1980, tr. 13]. Và
phép lạ trong tôn giáo, phần nào có thể coi là lời chứng quyền năng tối thượng
của tương lai ngay trong hiện tại. Cùng với lời hứa, trong tôn giáo, phép lạ là
một kịch bản chế ngự thời gian.
Khác với cung cách ấy trong một số tôn giáo phương Tây, quý tộc nhà Trần có
cung cách hành xử với thời gian trong hiện tại, hiện tại hóa khái niệm thời
gian và cố gắng siêu vượt khỏi thời gian bằng Thiền học. Kể cả tổ Thiền Trúc
Lâm, cũng như các môn đệ khác, Thiền không biệt lập, đối địch với các dòng tư
tưởng, tôn giáo khác. Ngược lại, nó là sự kết hợp, gạn lọc những yếu tố tinh
túy của cả Lão lẫn Nho. Điều đó đặc biệt thể hiện rõ qua Tuệ Trung Thượng sỹ,
một người được Trần Nhân Tông coi như là thầy. Trở lên từ Trần Thái Tông đến
Trần Thánh Tông, tư tưởng Thiền học đã có chuyển biến ít nhiều về khuynh hướng. Thái Tông mở đường bằng việc đi tìm quân bình
cho tinh thần hòa hợp Tam giáo: nhân sinh của Nho, thiên nhiên của Lão, và siêu
nhiên của Phật [Nguyễn Đăng Thục 1992, tr. 153].
Trên thực tế, không thể có một tôn giáo đích thực, phổ biến cho cái gọi là
Tam giáo đồng nguyên. Về thực chất, Tam giáo đồng nguyên chỉ là tư tưởng của
nhà nho, muốn tìm cho cái đạo của mình một nguồn cội sâu xa, không thua kém bất
cứ một đạo học nào khác, bởi vậy mà chính các nhà nho, hoặc ít ra là tâm hồn
nho học trong các tư tưởng gia đã cố gắng làm điều đó. Ngay cả một vị hoàng đế
cũng phải nhìn nhận điều đó. Dưới thời nhà Đường, khi Huyền Trang trở về Trung
Quốc sau 17 năm chiêm bái và du học trên nhiều miền đất Ấn Độ, đã dịch bộ kinh Du già Sư địa luận योगाचारभूमिशास्त्र Yogācārabhūmi-śāstra 瑜伽師地論, cho hoàng đế xem, giảng giải cho hoàng đế. Nghe những lời giảng, ngài lấy
làm thích thú và nói: Nay trẫm đã xem nguồn gốc của giáo lý ấy, trẫm nhận thấy
rằng thật khó có thể biết hết được bề rộng của vẻ đẹp và hương thơm của nó.
Khổng giáo, Lão giáo và chín học thuyết, so với Phật giáo chỉ là một giải đất nhỏ
trên đại dương mênh mông. Thật hoàn toàn sai lầm khi người ta nói tam giáo đều
ngang nhau [Thích Minh Châu 1966, tr.73].
Những dẫn liệu trên cho thấy rằng ở phương Đông, trong đó đặc biệt là ở Việt Nam,
quan niệm về sự bình đẳng của Tam giáo mang màu sắc thực tiễn chính trị rất rõ
rệt. Trước hết, các tư tưởng này được sử dụng như là những tư tưởng chính trị dẫn
đạo cho một thời cuộc nhất định. Và điều quan trọng nhất thể hiện ở chỗ, các
nhà tư tưởng có chủ trương này đã đứng bên ngoài, từ khía cạnh người quan sát để
tổng kết Tam giáo. Chính vì thế, về phương diện này, yếu tố tôn giáo khá mờ
nhạt. Tư tưởng xuất thế không phải là dòng chủ đạo. Ngược lại, Tam giáo đồng
nguyên là một tư tưởng nhập thế tích cực. Nó gắn liền với căn cội văn hóa của
các nhà Nho, những quân tử chảy trong máu mình tố chất tề gia trị quốc bình thiên
hạ. Ý tưởng này đã được thổ lộ rất rõ qua cách nhìn nhận của tăng Hải Hoài, đồ
đệ của Trúc Lâm Đệ tứ tổ Ngô Thì Nhậm:
“Người ta thấy đức Điều ngự Đệ nhất tổ đến ở chùa Hoa Yên thì bảo là Ngài
xuất gia, ta biết rằng Đức Ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công, trong
nước vô sự, nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ chưa được an tâm.
Cái ý ấy không tiện nói rõ, sợ người ta giao động. Cho nên nhắm được ngọn núi Yên
Tử là núi cao nhất, phía đông nhìn về Yên Quảng, phía bắc liếc sang hai tỉnh
Lạng, dựng lên ngôi chùa, thường thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa
cái mối lo nước ngoài xâm phạm, thật là một vị Vô lượng Đại Thế chí Bồ tát. Lúc
bấy giờ chỉ có Huyền Quang tôn giả biết được ý ấy, bỏ cái cao sang của một vị
trạng nguyên, sớm chiều đi theo ngài để hoàn thành cái ý nguyện của ngài, thật
là một vị vô lượng kiến thức Đại Bồ Tát” [Ngô Thì Nhậm 1978, tr. 101].
Chính vì vậy mà tăng Hải Hòa nói thẳng ra rằng: “Vạch cái lý huyền diệu, mở
cái tâm sâu kín để trỏ cho người ta, ấy là công việc thứ nhất của Thiền gia. [Thế
mà] phải dùng luận thuyết của nhà Nho để luận thuyết điều đó, là vì đạo chỉ có
một mà thôi. Chỗ huyền diệu của Nho tức là Thiền, chỗ tác dụng của Thiền tức là
Nho. Gạt bỏ văn từ kỹ xảo [Nho] và giới hạnh tầm thường [Phật] mà tìm cái gọi
là Đạo thì [Nho và Phật] có thể nhất quán được” [Ngô Thì Nhậm 1978, tr. 61].
Như chúng ta đã biết, Ngô Thì Nhậm và các cộng sự - đồ đệ của ông viết Trúc Lâm Tông chỉ Nguyên thanh vào quãng
cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Lúc này Nho học gần như chiếm lĩnh hoàn toàn
mảnh đất tư tưởng Việt Nam so với Phật, Lão. Điều đó phần nào cho thấy rõ vai
trò to lớn của Nho giáo trong lịch sử nước ta.
_______________________________
Còn nữa...
* Ghi chú: Phần này được viết năm 1993.
Tài liệu dẫn
Marx K. 1980. Góp phần phê phán triết
học pháp quyền của Hegel – Lời nói đầu. Trong Tuyển tập Mác – Anghen, Tập I, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
Ngô Thì Nhậm 1978. Thơ văn Ngô Thì Nhậm, Tập I. Trúc Lâm Tông chỉ Nguyên
thanh. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1978.
Nguyễn Đăng
Thục 1992. Lịch sử Tư tưởng Việt Nam,
T.II, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
Tỳ kheo Thích Minh Châu 1966. Huyền
Trang – Nhà chiêm bái và Học giả (Bản dịch của Thích nữ Trí Hải). Ban Tu
thư Viện Đại học Vạn Hạnh xuất bản, Sài Gòn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét