Powered By Blogger

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Lợi thế so sánh vùng và phát triển* (I)



Lợi thế so sánh vùng và phát triển* (I)

Hà Hữu Nga

I. Khái niệm vùng kinh tế


Khái niệm vùng kinh tế hiện đại có một lịch sử phát triển hàng thập kỷ, với rất nhiều thay đổi, tuỳ từng điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi quốc gia. Liên Xô và hầu hết các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây vẫn coi định nghĩa vùng kinh tế của Alaev là một định nghĩa mang tính kinh điển: “Vùng kinh tế là một bộ phận lãnh thổ nguyên vẹn của nền kinh tế quốc dân, có những dấu hiệu sau: chuyên môn hoá những chức năng kinh tế quốc dân cơ bản; tính tổng hợp: được hiểu theo nghĩa rộng như là mối quan hệ qua lại giữa các bộ phận cấu thành quan trọng nhất trong cơ cấu kinh tế và cơ cấu lãnh thổ của vùng..., coi vùng như là hệ thống toàn vẹn, một đơn vị có tổ chức trong bộ máy quản lý lãnh thổ nền kinh tế quốc dân” [Dẫn theo: Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Văn Phú (Đồng chủ biên) 2006: 20]. Kể từ khi Liên Xô tan vỡ, quan niệm về vùng kinh tế và cấu trúc vùng kinh tế của nước Nga đã có rất nhiều thay đổi. Hiện nay người Nga chia đất nước thành 12 vùng kinh tế và đó cũng chính là các nhóm đơn vị hành chính, có chung các đặc trưng sau: i) có các mục đích kinh tế và xã hội chung và đều tham gia vào các chương trình phát triển; ii) có các điều kiện và tiềm năng kinh tế tương đối giống nhau; iii) có các điều kiện địa chất, sinh thái và khí hậu tương đồng; iv) tương đồng về các phương pháp thanh tra kỹ thuật xây dựng mới; v) có các phương pháp giám sát hải quan tương đồng; vi) tương đồng tổng thể về các điều kiện sống của dân cư. Không có bất cứ một chủ thể nào của Liên bang có thể vừa thuộc về vùng kinh tế này lại vừa thuộc về một vùng kinh tế khác. Các vùng kinh tế còn được chia thành các khu kinh tế (còn gọi là các vùng vĩ mô “macrozones”). Một vùng kinh tế hoặc các bộ phận của nó có thể thuộc về các vùng vĩ mô khác nhau. Việc thành lập mới hoặc huỷ bỏ các vùng, các vùng vĩ mô, hoặc bất cứ thay đổi nào về cấu trúc của chúng cũng đều do chính phủ Liên bang quyết định [Russian Government 2001]. 

Các nước Đông Âu mới cũng đã không ngừng cải cách cấu trúc kinh tế của mình, trong đó có việc tái cấu trúc các vùng kinh tế thích hợp với những đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập với các nước thuộc Liên minh Châu Âu, trong đó Ba Lan có thể được coi là một trường hợp điển hình cho một cách tiếp cận mới đối với khái niệm vùng kinh tế. Theo họ “Một vùng kinh tế là một lĩnh vực xã hội tổng thể được tạo bởi các công ty, các thể chế cũng như­ các bản sắc và các tác nhân trong vùng. Trong một khuôn khổ chung nhất, các lĩnh vực nh­ư vậy bao gồm: i) các tổ chức tìm cách tái cấu trúc các môi trư­ờng của mình; ii) các đạo luật và thể chế đã có từ trước vận hành để vừa hạn chế vừa tạo điều kiện cho các tác nhân trong vùng; và iii) các tác nhân chiến l­ược có kỹ năng điêu luyện làm việc trong các tổ chức, giúp duy trì sự hợp tác nhóm và các lợi ích khác nhau” [Fligstein and Stone Sweet 2002: 1211]. Năng lực vùng đ­ược gắn chặt với năng lực tổ chức của các công ty, cấu trúc công nghiệp, các mô hình chuyên môn hóa, và cấu trúc thể chế của nó. “Đặc trưng này gắn liền với các khái niệm thuộc các hệ thống đổi mới vùng định danh mục tiêu, và các cụm vùng. Về cơ bản hệ thống đổi mới vùng bao gồm hai loại tác nhân chính và các tư­ơng tác giữa các tác nhân đó. Những tác nhân đầu tiên là các công ty trong cụm công nghiệp chủ yếu trong một vùng, bao gồm cả các ngành công nghiệp hỗ trợ của chúng. Tiếp đó, cần phải có một hạ tầng thể chế, tức là các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục cấp cao, các cơ sở chuyển giao công nghệ, các tổ chức đào tạo nghề, các hội kinh doanh, các thể chế tài chính, v.v... có đủ năng lực để hỗ trợ cho quá trình đổi mới vùng” [Asheim and Isaksen 2002: 83].

Ng­ược lại với khái niệm cụm đ­ược định nghiã là “các công ty gần gũi về phương diện địa lý theo mối quan hệ dọc hoặc quan hệ ngang liên quan đến một hạ tầng cơ sở hỗ trợ công ty đ­ược địa phư­ơng hóa có một tầm nhìn phát triển chung cho tăng trư­ởng kinh doanh dựa trên cạnh tranh và hợp tác trong một khu vực thị trư­ờng cụ thể” (Cooke 2002: 121) – tầm quan trọng t­ương đối của các cấu trúc thể chế hỗ trợ là rất cao. Các cấu trúc đó chính là “ký ức” của vùng, là kết quả của những kinh nghiệm hợp tác và xung đột trong vùng. Các cấu trúc thể chế này đ­ược Salais và Storper [1997] mô tả là các trật tự vùng, chẳng hạn nh­ư các truyền thống, mong muốn cố kết lẫn nhau, thói quen, và cách thức hành động trong vùng. Các thể chế, hoặc các cấu trúc hành chính, các truyền thống, các thói quen đó đư­ợc tạo ra và đư­ợc tái tạo theo cách cởi mở, nh­ưng lại phụ thuộc vào những cách thực hiện bởi: i) các chiến lư­ợc tối thiểu hóa chi phí giao dịch của công ty; ii) các nhà chức trách vùng (đặc biệt là nhà n­ước liên bang) và; iii) các tác nhân phi chính phủ (chẳng hạn nh­ư các công đoàn, các hội kinh doanh, hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) hoặc đôi khi là các tác tố cá nhân). Các cấu trúc hành chính đóng vai trò quyết định cho tiềm năng đổi mới của các vùng và các công ty trong vùng, vì chúng liên quan đến các mô hình tổ chức họat động, quản lý và đổi mới, luôn tạo ra các mô thức liên tổ chức hợp tác, cạnh tranh, và còn vì chúng điều chỉnh các mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, khoa học, công nghệ, giáo dục và chính trị [Cooke 1998].

Khác với các định nghĩa tương đối phức tạp trên, người Canada lại quan niệm rất đơn giản: “Một vùng kinh tế là một cách nhóm các đơn vị dân cư nguyên vẹn để tạo thành một đơn vị địa lý chuẩn phục vụ cho việc phân tích các hoạt động kinh tế vùng”. Trong tỉnh Quebec, các vùng kinh tế còn được gọi là các vùng hành chính (régions administratives) và việc phân vùng được tuân thủ theo pháp luật. Trong tất cả các tỉnh và các vùng lãnh thổ khác, các vùng kinh tế được tạo bởi sự thoả thuận giữa Cục thống kê Canada và tỉnh/lãnh thổ liên quan. Đảo Prince Edward Island và ba vùng lãnh thổ khác mỗi vùng đều được coi là một vùng kinh tế. Riêng Ontario có một ngoại lệ vì ở đó ranh giới vùng kinh tế không tuân thủ theo các ranh giới đơn vị dân cư: đơn vị dân cư Halton bị chia tách bởi vùng kinh tế Hamilton – Bán đảo Niagara và vùng kinh tế Toronto [Buckner P.A. 2000].

Còn đối với người Mỹ thì quan niệm về vùng kinh tế đã có những thay đổi đáng kể. Từ giữa thế kỷ 19, Văn phòng Dân số đã tập hợp dữ liệu các bang thành các vùng gốm nhiều bang. Gần đây Văn phòng này đã chia 50 bang thành 4 vùng kinh tế và bốn vùng đó lại được chia thành 9 phân vùng. Không kể việc bổ sung Alaska và Hawaii vào phân vùng Thái Bình Dương vào những năm 1950 thì việc chia thành 9 phân vùng vẫn không thay đổi kể từ năm 1910. Tuy nhiên, sau cuộc tổng điều tra dân số năm 1950, một Uỷ ban Liên cơ quan thuộc Bộ thương mại đã xem xét lại định nghĩa về vùng và phân vùng bằng tiêu chuẩn đồng nhất kinh tế - xã hội. Các nhân tố kinh tế khác được xem xét trong định nghĩa vùng đều được cấu trúc bởi thu nhập theo các nguồn dữ liệu năm 1950. Các nhân tố phi kinh tế được sử dụng để nhóm các bang thành vùng bao gồm mật độ dân số và mức tăng trưởng, các cấu trúc tộc người, chủng tộc, tỷ lệ chết của trẻ em năm 1949, số máy điện thoại trên đầu người năm 1950. Cơ sở cuối cùng để phân vùng bao gồm cả các nhân tố kinh tế và phi kinh tế. Các nhà kinh tế học Mỹ đã có ý định sử dụng các vùng của Văn phòng Phân tích Kinh tế Liên bang để phân tích vì việc nhóm các bang thành các vùng kinh tế rất thuận lợi cho việc phân tích. Vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, các vùng kinh tế theo cách phân chia của Văn phòng Phân tích Kinh tế Liên bang đã được sử dụng để kiểm tra các hiệu ứng vùng về phương diện chính sách tài chính và tiền tệ. Từ cuối những năm 1990 người ta vẫn sử dụng các vùng kinh tế của Văn phòng Phân tích Kinh tế Liên bang; hiện nay đang có khuynh hướng sử dụng phương pháp phân tích cụm kinh tế để xác định các vùng, và phân 48 bang thành 8 vùng kinh tế khác nhau căn cứ vào cách phân tích cụm [Crone 2003: 1-2]. 

Thực chất của vùng kinh tế là chuyên môn hoá sản xuất, dựa vào những điều kiện thuận lợi của vùng về tự nhiên-kinh tế, xã hội-lịch sử để sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hoá với chất lượng tốt, giá thành hạ, cung cấp cho nhu cầu của nhiều vùng khác, cho nhu cầu cả nước và xuất khẩu. Chuyên môn hoá sản xuất của vùng kinh tế thể hiện nét đặc trưng, độc đáo của vùng, vai trò, nhiệm vụ của vùng với các vùng khác, cũng như đối với nền kinh tế quốc dân trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Những ngành chuyên môn hoá sản xuất trong vùng được hình thành và phát triển dựa trên những điều kiện thuận  lợi của vùng. Vì vậy những ngành này thường là những ngành cho hiệu quả kinh tế cao nhất, quyết định phương hướng sản xuất chính của vùng và thường là những ngành đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế vùng. Trong thực tế, mỗi vùng kinh tế thường có nhiều ngành chuyên môn hoá sản xuất khác nhau (đặc biệt là vùng kinh tế lớn). Vì vậy cần phải xác định được vai trò vị trí của từng ngành chuyên môn hoá sản xuất trong vùng, cũng như vai trò vị trí của từng cơ sở chuyên môn  hoá sản xuất trong ngành để có phương hướng đầu tư phát triển hợp lý. Để làm được điều đó, người ta thường căn cứ vào một hệ thống nhiều chỉ tiêu để phân tích trong đó những chỉ tiêu được sử dụng phổ biến là: i) Tỷ trọng giá trị sản phẩm hàng hoá của một ngành sản xuất chuyên môn hoá nào đó trong vùng so với toàn bộ giá trị sản phẩm của ngành ấy được sản xuất ra ở  trong vùng trong một năm; ii) Tỷ trọng giá trị sản phẩm hàng hoá của ngành sản xuất chuyên môn hoá nào đó trong vùng so với toàn bộ giá trị sản phẩm hàng hoá của ngành đó được sản xuất ra trên cả nước trong một năm.

II. Lợi thế tương đối và tuyệt đối của vùng kinh tế

Một trong những cơ sở quan trọng nhất, cần quan tâm trước tiên, của lợi thế so sánh vùng là sự phân công lao động và chuyên môn hóa sản xuất. Phân công và chuyên môn hóa càng sâu thì nhu cầu hợp tác càng lớn. Trong khi đó chuyên môn hóa phụ thuộc chủ yếu vào lợi thế của mỗi vùng so với vùng khác (tương tự giữa địa phương này và địa phương khác trong một vùng). Lý thuyết hay được sử dụng nhất để lý giải sự phân công và chuyên môn hóa vùng là Lý thuyết thương mại vùng, mượn khái niệm lợi thế so sánh (hay lợi thế tương đối) từ lý thuyết thương mại quốc tế (vì cho rằng thương mại vùng lớn hơn và tự do hơn). Theo kiểu mô hình cổ điển Ricardo, trong số tất cả các hàng hóa có thể sản xuất, các vùng sẽ tập trung vào những hàng hóa mà chúng có chi phí sản xuất tương đối thấp. Sự khác biệt về chi phí sản xuất là do năng suất tương đối khác nhau của các yếu tố sản xuất (công nghệ khác nhau). Thậm chí nếu một vùng nào đó sản xuất tất cả các hàng hóa với chi phí cao hơn các vùng khác, nghĩa là sản xuất kém hiệu quả nhất trong số các vùng (bất lợi thế tuyệt đối), nó có thể ít kém hiệu quả hơn một cách tương đối trong việc sản xuất một hàng hóa nào đó. Và do đó, nó có thể có vị trí trong phân công lao động vùng bằng cách chuyên môn hóa sản xuất vào loại hàng hóa mà nó có hiệu quả cao hơn một cách tương đối. Như vậy mỗi vùng sẽ tập trung sản xuất vào một hay một tập hợp hàng hóa mà nó có lợi thế tương đối và trao đổi với các vùng khác để lấy các hàng hóa khác và mọi vùng đều có lợi trong mối quan hệ trao đổi này. Phân công theo mô hình Heckscher-Ohlin (Tân cổ điển) hơi khác một chút. Theo đó, một vùng sẽ tập trung vào sản xuất loại hàng hóa mà nó có nhiều nhân tố sẵn có nhất bởi vì chi phí sản xuất sẽ tương đối rẻ và trao đổi với các vùng sản xuất các hàng hóa sử dụng nhiều nguồn lực mà nó có tương đối ít (giả định công nghệ có thể lan tỏa tới mọi vùng). Thực chất đây cũng là một biểu hiện của lợi thế so sánh theo kiểu Ricardo.

Tuy vậy, các mô hình thương mại vùng nêu trên không lý giải được những vấn đề thực tế đang diễn ra về phân công lao động và chuyên môn hóa. Thứ nhất, có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng không có sự liên quan chặt chẽ giữa sự dồi dào nhân tố và chuyên môn hóa về mặt công nghệ. Thậm chí trong nhiều trường hợp có sự trái ngược. Điều này gợi ý rằng xem xét sự dồi dào nguồn lực, ngoài số lượng, phải quan tâm đến chất lượng (nhân tố sản xuất, thể chế, hạ tầng,…). Thứ hai, ở cả hai mô hình trên, giả định quan trọng nhất là không có sự di động nhân tố sản xuất. Tuy vậy điều này chỉ có ý nghĩa nào đó ở cấp quốc gia, còn ở cấp vùng giả định này không hợp lý. Ngoài ra, nhiều cơ chế khác đảm bảo cho sự vận hành của lý thuyết thương mại quốc tế như cán cân thanh toán, tỷ giá hối đoái, thị trường lao động,… không thể áp dụng cho cấp độ vùng quốc gia. Thứ ba, các lý thuyết nêu trên không giải thích được sự trao đổi giữa các vùng (hay địa phương) có các điều kiện công nghệ và nhân tố giống nhau, hay nói cách khác không lý giải được sự khác nhau về cấu trúc sản xuất giữa các vùng có điều kiện giống nhau; và cũng không giải thích được sự trao đổi sản phẩm nội ngành [Martin R. 2003].

Chính vì vậy, gần đây ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng vùng khác quốc gia ở chỗ chúng chuyên môn hóa và cạnh tranh trên cơ sở lợi thế tuyệt đối (so với vùng khác) hơn là lợi thế tương đối. Và trong điều kiện tự do di chuyển một cách tương đối lao động và vốn trong vùng thì lợi thế tuyệt đối sẽ không nằm ở chi phí nhân công và vốn rẻ mà ở các điều kiện tự nhiên (khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, tài nguyên, vị trí địa lý,…) và một vài yếu tố khác. Camagni [2002] đưa ra quan điểm rằng vùng được cho là có lợi thế tuyệt đối khi nó sở hữu các tài sản công nghệ, xã hội, thể chế, hạ tầng ưu việt hơn các vùng khác. Những tài sản này mang tính ngoại sinh nhưng mang lại lợi ích cho các chủ thể trong vùng mà không có lực hấp dẫn nào khác có thể tạo ra sự phân bố lại các hoạt động kinh tế. Các chuyên gia cộng đồng kinh tế Châu Âu cũng cho rằng ý tưởng về khả năng cạnh tranh của vùng nên được hiểu là mặc dù trên thực tế có những doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao và sức cạnh tranh yếu ở mọi vùng những có những đặc điểm chung trong vùng (địa phương) ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của tất cả các doanh nghiệp ở đó. Những đặc điểm chung này có thể được xem như tính ngoại sinh vùng hoặc các nguồn lực nằm ngoài các doanh nghiệp cá biệt ở địa phương và được các doanh nghiệp này dựa vào một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, và ảnh hưởng tới hiệu quả, khả năng đổi mới, sự linh hoạt và năng động của các doanh nghiệp đó. Những lập luận trên đưa ra một hàm ý là nếu một vùng (địa phương) không có một lợi thế tuyệt đối nào thì không có nghĩa là nó sẽ có vị trí trong hệ thống phân công và chuyên môn hóa (ngược với cách quan niệm về phân công dựa trên lợi thế tương đối) [Capello, 1999, 2001, 2007]. 

III. Lợi thế quy mô và sự phân biệt hóa sản phẩm vùng

Để lý giải mối quan hệ trao đổi giữa các nước (vùng) có điều kiện về nhân tố sẵn có tương tự như nhau, Lý thuyết thương mại mới tập trung vào tính kinh tế theo quy mô, sự phân biệt sản phẩm và cạnh tranh không hoàn hảo. Các mô hình của Lý thuyết thương mại mới gồm hai loại chủ yếu: i) Các mô hình cho phép lợi thế nhờ quy mô mang tính nội sinh đối với doanh nghiệp (internal scale economies). Krugman [1979, 1980] đưa ra mô hình cạnh tranh có tính độc quyền (monopolistic competition) trong đó người tiêu dùng thu được lợi ích nhờ sự đa dạng của sản phẩm và việc sản xuất mỗi chủng loại sản phẩm phụ thuộc tính kinh tế nhờ quy mô nội sinh và thương mại chính là phương tiện để khai thác những lợi thế này thông qua việc mở rộng thị trường; ii) Các mô hình xem xét tính kinh tế nhờ quy mô và sự phân biệt hóa sản phẩm trong sản xuất hàng hóa trung gian. Trong đó việc sản xuất hàng hóa cuối cùng có lợi tức nhờ quy mô tăng khi số lượng các đầu vào tăng, nghĩa là số lượng các loại đầu vào tăng lên sẽ có tác động làm giảm chi phí. Thương mại cho phép quốc gia (vùng) tiếp cận với nhiều nguồn cung cấp đầu vào, do đó thu được lợi thế nhờ quy mô. Thương mại nội ngành đối với các đầu vào trung gian bổ sung cho sự di chuyển nguồn lực; do đó thương mại nội ngành tăng giữa các nước (vùng) tương đồng về nhân tố sẵn có [Martin R. 2003].

Trong Lý thuyết thương mại mới, lợi thế nhờ quy mô là động lực của sự chuyên môn hóa và trao đổi. Krugman [1995], Fujita M. và Krugman [2004] cho rằng trong thương mại, những lợi thế như chi phí vận tải, tính kinh tế nhờ quy mô và vấn đề quy mô thị trường quan trọng hơn nhiều so với những lợi thế so sánh truyền thống, và có thể tạo ra sự trao đổi giữa những nơi lợi thế so sánh tương đối có tầm quan trọng không đáng kể. Lý thuyết thương mại mới chuyển trọng tâm từ hiệu quả trao đổi sang hiệu quả sản xuất, hay nói cách khác nó cho rằng lợi thế trong thương mại có thể đạt được khác hẳn với các lợi thế mang tính tự nhiên hay sẵn có trong lý thuyết truyền thống [Martin, 2003]. Cách tiếp cận này mang lại một cách nhìn khác về lợi thế so sánh giữa các quốc gia nói chung, các vùng nói riêng; và do đó có cách lý giải khác về phân công và chuyên môn hóa. Vì vậy, nó gợi ý các biện pháp khác hẳn trong việc tạo lập và củng cố các mối liên kết vùng. Hơn nữa, tốc độ mà các lợi thế nhờ quy mô đạt được, đến lượt nó, lại có thể ảnh hưởng trở lại đối với lợi thế ban đầu theo kiểu lợi thế của người đi trước. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hiện thực hóa lợi thế nhờ quy mô quan trọng nhất bao gồm: lao động có kỹ năng, các ngành phụ trợ, cơ sở hạ tầng chuyên biệt, mạng lưới cung cấp và công nghệ.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cách tiếp cận của Lý thuyết thương mại mới chưa hoàn thiện bởi nó xem các lợi thế về mặt địa lý (gần thị trường, nguồn cung đầu vào,…) có tính ngoại sinh. Các nước (vùng) khác nhau về quy mô thị trường nhưng Lý thuyết thương mại mới không giải thích vì sao sự khác biệt này nảy sinh, và vì thế thiếu cơ sở cho việc giải quyết các bài toán về vùng. Điều này dẫn đến sự ra đời của Địa lý kinh tế mới (New Economic Geography – NEG), do Paul Krugman đề xuất. Krugman [1993] cho rằng các vấn đề về địa lý có tầm quan trọng đặc biệt trong việc trao đổi, thậm chí ngay cả khi không có lợi thế nhờ quy mô. Do đó, Krugman hướng các nghiên cứu về lợi thế nhờ quy mô và cấu trúc thị trường (lý thuyết thương mại) sang vai trò của tính kinh tế ngoại sinh và các quá trình diễn ra trong quá khứ và kỳ vọng, trong việc lý giải sự tập trung của các hoạt động kinh tế. NEG tương đồng với Lý thuyết thương mại mới ở lợi tức tăng theo quy mô nhưng NEG nhấn mạnh tính kinh tế ngoại sinh còn Lý thuyết thương mại nhấn mạnh tính kinh tế nội sinh [Krugman, 1995]. NEG hướng tới trả lời hai câu hỏi chính: i) những lợi thế của sự tập trung các hoạt động kinh tế được tạo ra và duy trì trong điều kiện nào?; ii) và trong điều kiện nào sự khác biệt nhỏ ban đầu giữa các vùng tạo nên những khác biệt lớn theo thời gian? Câu trả lời cho cả hai câu hỏi trên xoay quanh sự cân bằng giữa các lực hướng tâm thúc đẩy sự tập trung (ví dụ như lợi tức nhờ quy mô tăng) và các lực ly tâm [Fujita, Krugman & Venables, 1999; Krugman, 1992]. Đối với loại lực thứ nhất, NEG mượn khái niệm tính kinh tế ngoại sinh của Marshall cũng như khái niệm về liên kết của Hirchman. Còn đối với loại lực thứ hai, NEG theo cách tiếp cận của kinh tế học đô thị trong việc xem xét các nhân tố không di động (ví dụ như đất đai, tài nguyên,….), tiền tô các loại và tính phi kinh tế ngoại sinh (như sự tắc nghẽn giao thông ở đô thị) hoặc sự cạnh tranh.

Ottaviano & Puga [1998] phân ra bốn loại cơ chế dẫn tới sự tập trung các hoạt động kinh tế và các mối liên kết có tính nhân quả và tuần hoàn trong các mô hình của NEG. Một là, sự di cư của lao động dẫn tới các liên kết cầu hàng hóa và dịch vụ. Khi các doanh nghiệp chuyển đến một thị trường nào đó xuất phát từ những lợi ích của sự tập trung, chúng kéo theo sự di cư của lao động và do đó làm tăng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ. Khi đó sự di động của nhân tố (lao động) làm tăng hơn là làm giảm sự khác biệt giữa các vùng, và thay bằng thay thế cho sự chuyên môn hóa của vùng, sự di động nhân tố lại thúc đẩy nó [Krugman, 1999]. Các liên kết cầu tạo ra ở đây giống với hiệu ứng thị trường địa phương đã nói ở phần trên. Hai là, tiêu dùng và cung ứng các hàng hóa trung gian dẫn tới các liên kết cầu và chi phí. Cách lập luận này là sự di chuyển địa điểm của các doanh nghiệp nhằm có được lợi thế nhờ quy mô hay lợi thế so sánh không kéo theo sự di động của lao động mà kéo theo sự di chuyển của các ngành sản xuất các hàng hóa trung gian (các liên kết xuôi và ngược). Như vậy các ngành khác nhau sẽ đặt địa điểm ở các vùng khác nhau tùy theo lợi thế so sánh. Các ngành sử dụng nhiều lao động sẽ tập trung ở vùng tương đối dồi dào lao động và tương tự như vậy đối với các ngành sử dụng nhiều vốn [Krugman &Venables, 1995]. Ba là, có cơ chế tích tụ các hoạt động kinh tế thông qua tăng trưởng nội sinh và tạo các mối liên kết liên tục. Tăng trưởng và tích tụ các hoạt động kinh tế củng cố lẫn nhau. Luôn luôn có các hiệu ứng học tập tạo xung lực cho khu vực nghiên cứu và triển khai (R&D) – động lực của tăng trưởng nội sinh – đặt địa điểm gần với các doanh nghiệp khác trong ngành. Sự phát triển của khu vực R&D thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kéo theo sự tập trung của các doanh nghiệp khác; đồng thời tăng trưởng, đến lượt nó, lại hấp dẫn sự tập trung của các hoạt động R&D. Bốn là, vấn đề lịch sử và kỳ vọng cũng đóng một vai trò không nhỏ trong việc tạo ra sự tập trung các hoạt động kinh tế và các mối liên kết. Lịch sử (ví dụ như quy mô việc làm hay một khoản đầu tư nào đó trong quá khứ của nhà nước) có thể tạo ra sự bất cân đối ở những vùng mà trước đó giống nhau và mang lại sự gia tăng quá trình tập trung. Những thay đổi nhỏ trong các tham số chủ chốt (ví dụ tỷ phần của ngành trong vùng, chi phí vận tải,…) có thể dẫn tới các bước nhảy về sự tập trung thông qua quá trình tự củng cố. Tuy vậy, cũng có thể các kỳ vọng có tầm quan trọng hơn vấn đề lịch sử và các vùng bị bỏ quên bởi lịch sử cũng có thể cố gắng thu hút và tạo ra các mối liên kết. Điều này sẽ xảy ra nếu những lợi thế ban đầu, chi phí di cư và vận tải không quá lớn. Nếu những khía cạnh trên đủ lớn, các kỳ vọng sẽ củng cố thêm lịch sử; nghĩa là mức độ tập trung các hoạt động kinh tế ngày càng lớn ở vùng có lợi thế ban đầu.

Fujita & Mori [2005] cũng chỉ ra hiệu ứng tương tự về vai trò của địa lý tự nhiên trong việc quyết định địa lý kinh tế. Ai đó tình cờ quan sát về địa lý kinh tế trên thực tiễn cũng phải chú ý về tính lịch sử của vấn đề: New York là New York bởi vì một con kênh mà đã không còn quan trọng về mặt kinh tế từ 150 năm qua; Thung lũng Silicon tồn tại do tầm nhìn của các quan chức ở Stanford hai thế hệ trước đây. Do vậy, xét về mặt hiện tại các con sông và cảng biển đóng vai trò rất quan trọng. Những khía cạnh ưu đãi về mặt địa điểm, như sự sẵn có một cảng biển tốt, thường có vai trò “xúc tác”: chúng có khả năng làm cho một trung tâm nếu đã hình thành thì sẽ tiếp tục ở đó chứ không ở nơi khác trong vùng phụ cận. Nhưng một khi một trung tâm đã được thiết lập, nó sẽ phát triển thông qua quá trình tự củng cố, và do đó có thể đạt được một quy mô mà lợi thế về địa điểm ban đầu trở nên kém quan trọng hơn so với lợi thế tự duy trì của sự tập trung.

Như vậy, NEG đã có cách tiếp cận khác về lợi thế so sánh vùng. Những lợi thế về tập trung sản xuất - sự tương tác giữa quy mô thị trường và lợi thế nhờ quy mô - và chi phí vận tải mới là điểm mấu chốt tạo nên sự khác biệt vùng [Fujita M. and Krugman 2004]. Các lợi thế ban đầu về tự nhiên (lợi thế tuyệt đối) chỉ có ý nghĩa quan trọng lúc đầu, còn về sau chính sự tương tác giữa các chủ thể bên trong sự tập trung mới tạo nên các dòng di chuyển nguồn lực. Nói cách khác sự tập trung tạo ra, đồng thời ngày càng làm sâu sắc thêm, các lợi thế so sánh vùng thông qua tính kinh tế ngoại sinh. Tuy nhiên lực hút của sự tập trung không phải là vô hạn mà bị hạn chế bởi các lực ly tâm do chính sự tập trung tạo ra (tính phi kinh tế ngoại sinh). Điều này tạo ra sự cân bằng động trong việc hình thành, phát triển sự tập trung các hoạt động kinh tế - xã hội. 
________________________________ 

Còn nữa... 

* Ghi chú: Bài viết năm 2008, thuộc đề tài cấp Bộ, Viện Phát triển Bền vững vùng Bắc Bộ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Nghiên cứu cơ sở lý thuyết cho việc xác định các ưu tiên trong phát triển bền vững vùng kinh tế do tác giả làm Chủ nhiệm. 

Tài liệu tham khảo 

Asheim B.T., and A. Isaksen 2002. Regional Innovation Systems: The Integration of Local ‘Sticky’ and Global ‘Ubiquitous’ Knowledge. Journal of Technology Transfer 27: 77‐86.

Buckner, P.A. 2000. Limited identities Revited: Regionalism and Nationalism in Canadian History, Acadiensis, 30, 1 Augt. pp.8-10.

Camagni R. 2002. Regional cluster, regional competencies and regional competition. Paper delivered at the International Conference on Cluster management in structural policy –International experiences and consequences for Northrhine-Westfalia, Duisburg, December 5th, 2003-11-26.

Capello R. 1999. Spatial Transfer of Knowledge in High-technology Milieux: Learning vs. Collective Learning Processes, Regional Studies, Vol. 33, n. 4, pp. 353-365.

Capello R. 2007. Local Patterns of Growth in a Global Perspective: a Territorial Scenario for an Integrated Europe, in Johansson I. (ed.), Entrepreneurship and Development – Local processes and Global Patterns, University West, Uddevalla, pp. 197-228.

Capello R. 2001. Urban Innovation and Collective Learning: Theory and Evidence from Five Metropolitan Cities in Europe, in Fischer M.M. and J. Froehlich (eds.), Knowledge, Complexity and Innovation Systems, Springer, Berlin, Heidelberg, New York, pp. 181-208.

Cooke P. 1998. Introduction: Origins of the Concept. In: Braczyk, H.; Cooke, P and Heidenreich, M (eds.) (1998) Regional Innovation Systems. (1st edition) London: UCL Press, pp. 2‐25.

Cooke, P. 2001. Regional Innovation Systems, Clusters, and the Knowledge Economy. Industrial and Corporate Change 10 (4): 945‐974

Crone, T.M. 20003. An Alternative Definition of Economic Regions in the U.S. Based on Similarities in State Business Cycles. Presented at the Conference of the Use of Composite Indexes in Regional Analysis, (September 4-5, 2003).

Fligstein N. and Stone Sweet 2002. Integration. The American Journal of Sociology, Vol. 107, No. 5. (Mar., 2002), pp. 1206-1243.

Fujita M. and Krugman P., 2004. The New Economic Geography: Past, present and the future. Papers in Regional Science 83, 139-164.

Fujita, Masahisa & Mori, Tomoya, 2005. Frontiers of the New Economic Geography, IDE Discussion Papers, 27, Institute of Developing Economies, Japan External Trade Organization (JETRO).

Fujita M., Krugman P., and Anthony Venables 1999. The Spatial Economy – Cities, Regions and International Trade. MIT Press, July 1999.

Fujita, M., P, Krugman and A. J. Venables 2000. Spatial Economy: Cities, Regions, and International Trade, Cambridge: MIT Press

Krugman P. 1979. Increasing returns, monopolistic competition, and international trade. Journal of International Economics 9, pp. 469–79.

Krugman P. 1980. Scale economies, produc differentiation, and the pattern of trade. Amrican Economic Review 70, pp. 950–59.

Krugman P. 1991. Increasing returns, and economic geography. Journal of Political Economy 99, pp. 483–99.

Krugman P. 1993. What Do We Need to Know About the International Monetary System? Essays in International Finance, No 190 July 1993.

Krugman P. 1995. Development, Geography, and Economic Theory, Ohlin Lectures, September 1995.

Krugman P. 1998. The Role of Geography in Development. Paper prepared for the Annual World Bank Conference on Development Economics, Washington, D.C., April 20–21, 1998.

Martin R. 2003. Regional Venture Capital Policy in Germany and the UK, Anglo-German Foundation, (with P. Sunley, B. Klaage and C Berndt), London and Berlin,152pp.

Nguyễn Xuân Thu - Nguyễn Văn Phú (Đồng chủ biên) 2006. Phát triển kinh tế vùng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá (Sách chuyên khảo). Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2006.

Ottaviano G.I.P., & D. Puga 1998. Agglomeration in the Global Economy: A Survey of the 'New Economic Geography'. The World Economy. Volume 21, Issue 6, pages 707–731, August 1998.

Russian Government 2001. Russian Classificaton of Economic Regions (OK 024-95) of January 1, 1997 as amended by the Amendments in January 1998 through May 2001. Section II. Economic Regions.

Salais R. and M. Storpper 1997. Worlds of Production: the Action Frameworks of the Economy, Cambridge, MA, Harvard University Press, 1997.

Storper, M. 1997. The regional world: territorial development in a global economy, New York: Guilford Press. 

Storper M. and R. Walker 1989. The capitalist imperative: territory, technology, and industrial growth. Basil Blackwell, New York.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét