Powered By Blogger

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Đọc quá khứ – những cách tiếp cận lý giải Khảo cổ học hiện nay (XV)



Đọc quá khứ – những cách tiếp cận
lý giải Khảo cổ học hiện nay (XV)

Ian Hodder

Người dịch: Hà Hữu Nga

8. Khảo cổ học Hậu quá trình

Khảo cổ học Quá trình đã đóng góp cho lý thuyết KCH (Khảo cổ học) bằng việc biện hộ cho quan niệm văn hoá là thích nghi, và bằng cách áp dụng lý thuyết các hệ thống, lý thuyết trao đổi thông tin và một loạt các lý thuyết hệ thống khác. Trong KCH, nhiều ý tưởng tương tự đã từng tồn tại trong một số cách tiếp cận nào đó và qui mô của tính liên tục ấy sẽ được xem xét dưới đây. Nhưng có lẽ đóng góp chủ yếu của KCH Mới là phương pháp luận [Meltzer 1979; Moore and Keene 1983, tr. 4]. Các nhà KCH đã ngày càng quan tâm hơn đến các vấn đề suy diễn, lấy mẫu và thiết kế nghiên cứu. Các kỹ thuật định lượng và thống kê đã được sử dụng thường xuyên hơn; các qui trình thao tác đã được đặt thành vấn đề và đã được làm rõ ràng hơn. KCH Ngữ cảnh là một cố gắng phát triển thêm phương pháp luận.

Trong lĩnh vực lý thuyết đã có một số đề xuất mới từ đầu những năm 60 có thể phải tranh luận thêm, nhưng những đề xuất đó đã xác định một sự vận động từ lập trường ban đầu của KCH Quá trình thể hiện trong những công trình đầu tiên của Binford [1962; 1965] và Flannery [1967]. Các cuộc thảo luận rộng rãi và việc sử dụng Cấu trúc luận cũng như Chủ nghĩa Marxism bản thân chúng đã bộc lộ sự đổi thay. Trong chương này tôi cố gắng tóm lược những luận điểm chủ yếu liên quan đến các đặc trưng nổi bật của cái có thể được gọi là lý thuyết KCH Hậu quá trình. Ba đặc trưng liên quan đến việc đột phá vào những phân đôi đã được xác lập trong KCH giữa chuẩn mực và cá nhân, cấu trúc và quá trình, duy tâm và duy vật. Một phân đôi thứ tư, giữa chủ thể và khách thể cũng phải được tập trung nghiên cứu. 

Các chuẩn mực và tính biến đổi

Suốt tập sách này đã lưu ý rằng hầu hết lý thuyết KCH hiện thời, dù dưới bất cứ màu sắc nào cũng vẫn duy trì một hợp phần định chuẩn, trong đó việc lý giải thường đòi hỏi các ý tưởng chung và các qui luật hành vi. Chỉ có một số trường hợp lý giải thoả đáng các biến đổi và nhận thức cá nhân, đó chính là những nghiên cứu dựa trên cơ sở các lý thuyết hiện đại về thực tiễn và hành động xã hội (chương 4) và dựa vào các công trình của Collingwood (chương 5).

Phát hiện này khác biệt hẳn với mục đích thường được KCH Mới tuyên bố là liên quan tới tính chất biến đổi. Có lẽ trong một công trình nào đó gần đây của Binford [cf. 1984] quan niệm về hành vi thích hợp mang tính tình huống bắt đầu có giá trị. Như đã lưu ý ở chương 2, những mối quan tâm như vậy vẫn chưa mở đường cho việc tập trung vào hệ tư tưởng và các ý nghĩa biểu tượng về phương diện KCH. Ngay cả trong các nghiên cứu của Binford thì dường như cá nhân vẫn bị giới hạn bởi những qui luật phổ biến liên quan tới những gì mà các cá nhân thực hiện “nếu những sự vật khác cũng ngang bằng nhau”. Vì Binford không lý giải một quá trình hình thành ý nghĩa, không lý giải khả năng các cá nhân có thể tạo ra các biến đổi, tạo ra văn hoá của họ như là một quá trình xã hội năng động ở mức tối thiểu.

Các chuẩn mực và luật tắc vẫn tồn tại. Lập luận ở đây là nhằm tập trung vào sự biến đổi, đổi mới và cá nhân năng động, vì vậy mà các mối quan hệ giữa chuẩn mực, luật tắc và các cá nhân cần được xem xét đầy đủ hơn. Trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày, “những sự vật khác” không bao giờ “ngang bằng nhau”. Người ta luôn luôn cần phải ứng biến một cách linh hoạt, nhưng thông qua một khuôn khổ  chuẩn mực và luật tắc bằng cách biến đổi chúng trong suốt cả quá trình. Trong tập sách này các vấn đề như vậy đã được đề cập đến trong các mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, giữa thực hành và cấu trúc.

Vậy là phát triển đầu tiên từ khái niệm Hậu quá trình là việc bao gồm dưới cái nhãn “quá trình” sự quan tâm thích đáng đến những cung cách mà cá nhân hành động trong xã hội. Chẳng hạn như cần phải phát triển những cách tiếp cận loại hình học ít liên quan đến việc xác định “các loại hình” nhưng lại liên quan nhiều hơn đến việc mô tả những phương bên ngoài đa chiều của tính biến đổi, dựa vào đó “loại hình” được coi là khác với ngữ cảnh. Nói một cách khái quát hơn, các nhà KCH có khuynh hướng bắt ép tư liệu của họ tuân theo các phong cách, các văn hoá, các hệ thống, các cấu trúc bằng cách phớt lờ tiếng ồn “ngẫu nhiên” của các biến cá nhân. Leach [1954] đã nhận thức rõ ràng rằng các giai đoạn phát triển khác nhau có thể là những biểu hiện của một cấu trúc cơ sở. Về phương diện KCH đó là một nhận thức quan trọng đối với những ai coi nhẹ tính biến thiên: chẳng hạn như các nhà KCH không hề để ý đến việc người ta vẫn sử dụng cùng một con đường đó, nhưng vào những thời kỳ khác nhau, bởi các cá nhân khác nhau [cũng nên xem Frankenstein and Rowlands 1978].

Việc quan tâm đến sự biến đổi có một tầm quan trọng đặc biệt liên quan đến việc biến đổi văn hoá và xã hội. Chẳng hạn như có trường hợp ở những vùng nằm ngoài quyền kiểm soát trực tiếp của nhóm thống trị thì sự biến đổi cá nhân lại rất thuận lợi. Những quả bí đặc khác nhau, có trang trí được miêu tả ở chương 6 đã đem đến cho chúng ta một ví dụ về trường hợp này. Sự biến đổi xã hội có thể thường nảy sinh, và phát triển vượt khỏi khả năng đổi mới trong một khu vực ngoại vi, và theo thời gian những quả bí Baringo đã cho ta một ví dụ về sự biến đổi như vậy.

Việc thừa nhận sự biến đổi tri thức cá nhân đã dẫn tới một sự biến đổi lạ lùng trong việc tái cấu trúc nội dung các ý nghĩa lịch sử. Ở chương 7, tôi đã thảo luận về nội dung của các ý nghĩa và có thể khám phá ý nghĩa như thế nào trong KCH Ngữ cảnh. Nhưng tôi cũng đã chỉ ra rằng không có một ý nghĩa duy nhất trong quá khứ. Cùng một sự vật, có thể có những ý nghĩa khác nhau hoặc trái ngược nhau theo những phương biến đổi khác nhau, từ những viễn cảnh khác nhau. Các nhà dân tộc học cũng thường thừa nhận rằng có những ý nghĩa đã được lý giải một cách đáng tin cậy. Chắc là người ta phải tính đến những cách nhìn nhận khác nhau từ những nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội (chương 4), nhưng vấn đề đó cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Nếu văn hoá vật chất là một “cổ bản” thì trong quá khứ đã từng có vô số cách đọc. Có một ví dụ là trong xã hội Anh các nhóm bụi đời đã gán cho chiếc then cài rất nhiều nghĩa. Tôi nghĩ rằng [Hodder 1982d] có lẽ các cá nhân đã sáng tạo ra những lý lẽ ngôn từ cho những thứ như vậy, nhưng những lý lẽ ngôn từ này lại không đúng, hoặc thiếu đứng đắn – mà tất cả đều là những lý giải văn bản trong những ngữ cảnh khác nhau, và trong những bối cảnh xã hội khác nhau. Tôi cũng có một ấn tượng tương tự đối với người Baringo. Dường như các cá nhân đang tạo nghĩa cho các sự vật - khi tôi nói đến chúng - bằng cách đối lập hoặc là làm biến đổi câu trả lời như là một mánh khoé xã hội.

Như Drummond [1983] đã gợi ý, việc giải nghĩa không phải là vấn đề “hiểu đúng”. “Phải chăng một số người, vì đặc quyền tiếp cận thông tin, vì trí óc cao đẳng, vì bền chí, hoặc bất cứ cái gì khác, đã hiểu đúng, thì biết được ý nghĩa của sự kiện, trong khi những kẻ khác, ít thiên phú, ít siêng năng, chỉ hiểu được một phần câu truyện nên đã lý giải sai? (ibid., tr.193). Drummond cho rằng trong thực tiễn thì cái thực thể mà chúng ta gọi là “văn hóa” thực ra là một loạt các câu hỏi và những câu trả lời mò mẫm, chứ không phải là một tập hợp những câu trả lời như-công thức” (ibid., 171). Thực tiễn văn hoá là một sự phân loại thay đổi liên tục những viễn cảnh khác nhau, vì vậy khi nhìn vào một toàn thể, không hề thấy một phiên bản “thật” của các sự kiện. Nhiệm vụ của người phân tích là đồng nhất những phiên bản xếp lớp và thường không nhất quán để tìm hiểu những mối liên hệ giữa chúng.

Tình trạng phân cắt những khái niệm tổng thể như văn hoá, xã hội, cả nguồn gốc và sự phát tán của ý nghĩa theo chuỗi vật biểu nghĩa đã tạo ra một lực đẩy chính cho KCH Hậu cấu trúc luận [chẳng hạn Tilley 1990a; Bapty and Yates 1990]. Nhiều phê phán Hậu cấu trúc thường nhắm vào những quá khứ khác nhau mà chúng ta đã tạo ra trong hiện tại và nên mở ra các cuộc tranh luận về tính đa nguyên quan điểm. Tôi sẽ trở lại với vấn đề này dưới đây, nhưng ngay bây giờ chúng ta có thể tập trung vào tính đa nguyên của các ý nghĩa trong các xã hội quá khứ. Trước hết quan niệm về các văn hoá như là những tập hợp dị biệt của các lý giải xếp lớp, xung đột nhau và những biểu hiện của các lý giải đó trong một vòng xoáy vô tận của vận động và biến đổi, làm cho các nhà KCH không khỏi bối rối. Những khó khăn liên quan đến bất kỳ sự giải nghĩa nào trong quá khứ là có thật thì nhà KCH phải tiếp cận như thế nào với sự phức tạp của ý nghĩa? Tuy nhiên thật ra thì các tiềm năng do lối nhìn nhận này đưa lại là rất to lớn. Các nhà KCH không còn cần phải bắt ép các dữ liệu của họ theo các phân loại được giới hạn một cách rõ ràng, và vô số phương ý nghĩa xếp lớp lên nhau có thể được tìm ra bằng phương pháp luận KCH Ngữ cảnh. Chúng ta có thể phải đối mặt với tính phức tạp thực sự của các dữ liệu KCH. Một ví dụ về việc lý giải văn hoá vật chất là Greene [1987] đã chứng minh có những ý nghĩa khác nhau đối với các nhóm khác nhau, trong những thời gian khác nhau của quá khứ.

Có lẽ quan trọng hơn chính là mối liên hệ giữa tính biến đổi của các lý giải và việc thảo luận về quyền lực ở chương 4. Khả năng cá nhân “nhìn thấy” sự vật từ những viễn cảnh khác nhau và mâu thuẫn với nhau về mặt lý thuyết có thể hoàn toàn là vô hạn. Vậy thì các nhóm lợi ích trong một xã hội kiểm soát ý nghĩa như thế nào? Các chiến lược kiểm soát có thể bao gồm các sự kiện và ý nghĩa của chúng về bản chất, làm cho chúng trở nên “tự nhiên”, hoặc đặt chúng vào quá khứ, làm cho chúng chắc chắn phải hiện hình. Nói một cách tổng quát thì văn hoá vật chất có một số thuộc tính riêng biệt gợi lên rằng nó có thể đóng một vai trò chủ chốt trong việc kiểm soát sự thay đổi ý nghĩa. Nó đặc biệt bền vững và chắc chắn. Toàn bộ các phương cấu trúc văn hoá vật chất được thảo luận dưới đầu đề “KCH Ngữ cảnh” – tất cả các liên tưởng, các tương phản, các nhịp điệu không gian và thời gian vv..., có thể được sử dụng để thử “cố định” các ý nghĩa. Hầu hết, nếu không nói là toàn bộ nền sản xuất văn hoá vật chất có thể được miêu tả như một quá trình mà các nhóm lợi ích và những cá nhân khác nhau cố thử xác lập những ý nghĩa đã thành hoặc có thẩm quyền liên quan đến việc xung đột lợi ích, mặc dù các cá nhân vốn có khả năng tạo ra những kế hoạch linh động, dễ thay đổi của riêng họ.

Việc “ấn định” ý nghĩa có thể hoàn toàn hiển nhiên ở những trung tâm kiểm soát và trong các lễ thức công cộng. Những lĩnh vực văn hoá khác nhau, các khuynh hướng đối lập nhau trong trường hợp này có thể được kết hợp lại, và các cấu trúc thống trị được tái xác lập. Một ví dụ nhỏ hiện thời về mối quan hệ giữa tầm nhìn và việc kiểm soát có thể giúp ta nhìn nhận rõ vấn đề này. Khi bước đi trong những khu công viên rộng lớn và qui chỉnh người ta thường có cảm giác về một mô thức nào đó rộng lớn hơn. Ta có được những ý niệm thoáng qua về những hàng cây lớn, những cây bụi, các bức tượng, thảm cỏ, bồn nước. Nhiều khu vực khác trong công viên không được phép đi dạo, việc nhận thức cá nhân về cái mô hình tổng thể đó vẫn chỉ mang tính cục bộ và riêng lẻ, tuỳ thuộc vào lối đi của anh ta trong công viên. Nhiều khu vườn qui chỉnh, mà tôi đang nghĩ về chúng, được bố trí xung quanh một ngôi nhà lớn làm chúng nổi bật lên hoặc nằm giữa những hình rẻ quạt. Vậy là chỉ có ở trung tâm kiểm soát thì một tổ chức tổng thể mới trở nên rõ ràng. Bỗng nhiên từ trung tâm, cái lược đồ kia trở nên có ý nghĩa và những nhận thức cá thể có thể được đặt vào đúng khung cảnh của họ, một khung cảnh được cấu trúc từ trung tâm.

Toàn bộ các thuộc tính của quá trình sản xuất văn hoá, từ việc sử dụng không gian, như trong ví dụ trên, đến các phong cách của những chiếc bình, những đồ vật bằng kim loại, đều có thể được coi là một bộ phận được dàn cảnh và ấn định ý nghĩa bởi các cá nhân và các nhóm lợi ích trong xã hội, cho dù đó là đứa trẻ, người mẹ, người cha, tù trưởng hay một người bình thường. Đúng ra thì khi xác định các chuẩn mực và các hệ thống, để cố gắng tạo ra những thực thể hữu hạn, các nhà KCH có thể sử dụng tư liệu của mình để xem xét cái quá trình lý giải và tái lý giải liên tục liên quan đến lợi ích, mà tự thân nó cũng là một cách lý giải các sự kiện.

Vì vậy lần đầu tiên trong lịch sử, KCH Hậu quá trình vẫn tìm cách mở ra một cuộc thảo luận thoả đáng về mối liên hệ quá trình giữa cá nhân và chuẩn mực xã hội. Tuy nhiên, đặc biệt hơn, lần đầu tiên nó cũng trình ra một cái gì đó khác chứ không chỉ là quá trình. 

Quá trình và Cấu trúc

Trước đây, các nhà KCH đã quan tâm đến hai loại quá trình, các quá trình lịch sử (chẳng hạn như truyền bá, di cư, hội tụ, rẽ nhánh) và các quá trình thích nghi (tăng dân số, việc sử dụng các nguồn, phức hợp xã hội, thương mại,...vv). Dù các công trình của Grahame Clark và Gordon Childe chẳng hạn, đã chỉ ra rằng cả hai loại quá trình đó đều được KCH nghiên cứu lâu năm, nhưng nó vẫn là KCH Quá trình của những năm 1960, 1970, chuyên nhấn vào loại quá trình thích nghi.

Thực ra thì hai loại quá trình này rất giống nhau. Nếu một văn hoá thay đổi, chúng ta có thể nói đó là vì quá trình truyền bá hoặc vì quá trình tăng dân số và suy thoái môi trường. Tất nhiên, như đã được đề cập đến trong phần đầu của chương này, chúng ta có thể thảo luận về việc có phải bất cứ một lý giải quá trình nào cũng thoả đáng không. Mà cách thức luận lý thì lại luôn luôn vẫn không khác gì - một sự kiện hữu hình liên quan nhân quả đến một sự kiện hữu hình khác. Nó hỗ trợ cho những mối quan hệ, những tương liên và đồng biến giữa các sự kiện mà một KCH Mới – thực chứng có thể tạo dựng.

Cái quan niệm cho rằng có thể có những cấu trúc, các mã quá trình và những thiếu vắng ẩn sau các quá trình lịch sử và thích nghi, không thể tồn tại một cách dễ dàng với chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa thực chứng đã từng thống trị KCH ngay từ khi còn trứng nước. Theo nghĩa đó, KCH Hậu quá trình là một bước đột phá cấp tiến hơn nhiều so với sự đột phá đã xảy ra trước đó.

Có những hiểm hoạ khi nói về “cấu trúc” như thể là một khái niệm thống nhất, được mọi người chấp nhận rộng rãi đối với thuật ngữ này vậy. Có những khác biệt chủ yếu giữa các loại hình cấu trúc xã hội được KCH Marxist nghiên cứu, những cấu trúc hình thức và ý nghĩa được KCH Cấu trúc nghiên cứu, và những cấu trúc công nghệ được mô tả vắn tắt ở đầu chương 4. Mặc dù có những khác biệt cơ bản như vậy, nhưng toàn bộ những cách sử dụng thuật ngữ ấy vẫn ẩn ý một cái gì đó không phải là hữu hình bề mặt – một nguyên tắc hoặc kế hoạch tổ chức nào đó, không nhất thiết phải nghiêm nhặt hoặc mang tính quyết định, nó chỉ là nội tại và hữu hình trong các hiệu quả của nó. Vậy là một lớp thực tại mới được đề xuất trong KCH, thường được mô tả là “sâu hơn”, ở “đằng sau” hoặc “bên dưới” các bằng chứng có thể đo lường.

Việc các nhà KCH có thể thảo luận về những giả thiết lớp khác biệt ấy của thực thể cấu trúc đã được Wylie [1982] gợi ý từ một quan điểm triết học. Trong việc lý giải KCH cấu trúc ở chương 3, và về KCH Ngữ cảnh ở chương 7, tôi đã thử phác thảo ra một vài hướng dẫn phương pháp luận cho những phân tích như vậy. 

Nội dung ý nghĩa lịch sử: Duy tâm và Duy vật

Thuộc tính thứ ba của KCH Hậu quá trình, càng ngày càng được chấp nhận trong KCH đó là nhu cầu và khả năng phục dựng một cách nghiêm nhặt các ý nghĩa chủ quan. Trong KCH truyền thống, “chiếc thang suy luận” dẫn tới lĩnh vực tạo thành tư tưởng, rất ít khi được xác định cấp độ, và KCH Mới thường hành động với một thái độ như vậy. Chẳng hạn Binford [1965, 1982: 162] đã cho rằng về bản chất KCH là duy vật và ít được trang bị để nghiên cứu “cổ tâm lý học”. Tuy nhiên xuyên suốt cuốn sách này chúng ta đã thấy càng ngày các nhà KCH càng mong muốn giải quyết vấn đề phụ hệ thống cấu tạo tư tưởng, các cấu trúc ý nghĩa và hệ tư tưởng. Toàn bộ những cố gắng ấy đã đóng một vai trò quan trọng để nói với các nhà KCH rằng có thể đồng nhất hoá những mối liên hệ hệ thống giữa duy vật và duy tâm.

Trong tất cả các lĩnh vực KCH, chúng ta đều thấy càng ngày người ta càng nhận thức rõ rằng cần phải lý giải ngữ cảnh lịch sử đặc thù bằng các lý thuyết tổng quát. Thái độ qui luật - và trật tự xưa cũ đã phải đối mặt với sự bất lực của nó trong việc đưa ra các qui luật phổ quát đáng giá.

Nhưng trong hầu hết ngành KCH, lĩnh vực tư tưởng hoá vẫn được nghiên cứu một cách phổ biến trong khuôn khổ các chức năng của những biểu tượng và nghi thức. Và thường thì bối cảnh lịch sử không còn gì hơn những điều kiện riêng biệt trong thời đoạn A tác động đến thời đoạn B. Trong KCH truyền thống, người ta ít khi chú ý đến nội dung ý nghĩa; các biểu tượng vật chất được coi là các chỉ số tiếp xúc, phụ thuộc và truyền bá. Chương 5 đã đề cập đến một số nghiên cứu coi nội dung ý nghĩa như là một “bánh răng cưa” liên động cho các mối liên hệ giữa cấu trúc và quá trình.

Chỉ khi các nhà KCH Hậu quá trình nhận ra rằng tất cả các nhà KCH cần phải chấp nhận nội dung ý nghĩa, và những ý nghĩa như vậy đã tạo nên cốt lõi rõ ràng và chặt chẽ trong các phân tích KCH, thì việc quan tâm đến nội dung ý nghĩa mới trở thành một đột phá lớn thứ ba vào KCH truyền thống và cả nền KCH gần đây.

Ban đầu, mối liên hệ giữa các nội dung ý nghĩa với chủ thuyết biệt phái lịch sử tỏ ra là có hậu quả nguy hại đối với KCH. Chủ nghĩa bi quan tiêu cực và nguy hiểm vẫn còn ẩn tàng. Các nhà KCH có thể hiểu như thế nào về những thế giới riêng biệt vốn chỉ cố kết với nhau đó?. Khi thảo luận về KCH Ngữ cảnh ở chương 7, và về Collingwood ở chương 5, tôi đã cố gắng chứng tỏ rằng có thể đi tới những ước lượng gần đúng, ngày càng hợp lý đối với “tha tính” trong toàn bộ tính đặc thù của nó. Tuy nhiên rốt cục thì những ý nghĩa lịch sử “khác” và “cố kết” với nhau dù sao cũng là thực tế. Nó tạo ra những hiệu quả thực tế trong thế giới vật chất và vì cố kết nên chúng có cấu trúc và hệ thống. Các nhà KCH đã đánh giá một cách phê phán các lý thuyết của họ bằng cách liên hệ với hệ thống thực, có cấu trúc của các dữ liệu. Các dữ liệu là thật, nhưng lại vừa khách quan vừa chủ quan; và các lý thuyết đó luôn luôn mở ra các vấn đề mới, những viễn cảnh mới. Càng ngày quá trình thích nghi càng hoàn thiện và người ta có thể đạt được những hiểu biết mới trong một quá trình lý giải liên tục.

Tôi cũng đã cho rằng (Chương 7) cách tiếp cận ngữ cảnh nên được tách biệt khỏi một thứ chủ nghĩa đặc thù cứng nhắc trong đó lý thuyết tổng quát được thừa nhận là cần thiết cho cả phương pháp lẫn mục đích của KCH Ngữ cảnh. Chẳng hạn như một “ngôn ngữ” phổ quát về các ý nghĩa văn hoá vật chất được chấp nhận, thì ngôn ngữ đó trợ giúp cho việc “đọc” các “cổ bản” quá khứ. Hơn nữa mục đích của việc “đọc” đó là để đóng góp vào hiểu biết chung về mối quan hệ giữa chuẩn mực và khả năng biến đổi, cấu trúc và quá trình, duy tâm và duy vật...vv.

Tôi cũng đã cho rằng mặc dù những đặc trưng phổ quát về ngôn ngữ văn hoá vật chất đã được thừa nhận và những đặc trưng làm cho một văn hoá vật chất trở nên có ý nghĩa thông qua những tương đồng và khác biệt, thì việc nhận thức về những tương đồng và khác biệt tự bản thân nó lại tuỳ thuộc vào những tri thức sáng tạo phần nào chủ quan và phụ thuộc về phương diện lịch sử. Chúng ta có thể liên tục tìm kiếm một quá trình thích nghi tốt hơn cho các lý thuyết và các dữ liệu ngữ cảnh, miễn là quá trình thích nghi đó được thẩm định cẩn thận dựa trên kinh nghiệm chủ quan (bao gồm cả tri thức ngoại suy) cũng như dựa trên một mạng lưới những liên tưởng, những tương phản về phương diện dữ liệu. Thực ra thì  việc chia tách lý thuyết và dữ liệu là giả, vì lý thuyết chỉ có thể được nhận thức trong mối quan hệ với dữ liệu. Người ta cũng vẫn luôn luôn băn khoăn liệu lý thuyết có thể tồn tại độc lập với các bằng chứng dữ liệu không.

Những vấn đề như vậy gợi mở một cuộc tranh luận về mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể. Và nếu mỗi xã hội và mỗi thời kỳ có thể tạo ra được một tiền sử của riêng mình thì nhà KCH sẽ có những nhiệm vụ gì đối với cái thế giới mà họ đang sống? 

Khảo cổ học và Xã hội

KCH Quá trình không được đặc trưng bởi việc xem xét chi tiết các bối cảnh xã hội của nhà KCH, vì chủ yếu người ta nhấn vào những thử nghiệm độc lập các lý thuyết dựa vào các dữ liệu KCH và dân tộc học. Tuy nhiên gần đây các nhà KCH đã bắt đầu chứng tỏ một mối quan tâm lớn hơn đến chủ thể tính của các quá khứ mà chúng ta phục dựng gắn liền với quyền lực của các xã hội đương đại [Patterson 1986; Gibbon 1989; Melzer 1983; Kristiansen 1981; Rowlands 1984; Wilk 1985; Leone et al. 1987;Trigger 1980]. Quá trình phát triển đến cấp độ đặt thành vấn đề về sự tách biệt giữa chủ thể và khách thể, lý thuyết và sự kiện là khuynh hướng thứ tư trong các khuynh hướng khác nhau của KCH Hậu quá trình đã được phác thảo trong chương này.

Trong KCH lý thuyết có những phát triển tự thân nó có thể được coi là dẫn tới việc đặt vấn đề về các cách tiếp cận thực chứng và kinh nghiệm luận. Chẳng hạn như trong KCH Hậu quá trình, sự quan tâm đến cấu trúc - nếu thuật ngữ đó được sử dụng để qui chiếu vào những lược đồ tổ chức cơ bản hoặc bền vững - đã phải đương đầu với bất cứ nhận thức nào về KCH như là một bộ môn chỉ phục vụ cho những di tích vật chất có thể quan sát được.

Việc quan niệm rằng ý nghĩa là có tính ngữ cảnh có vẻ như đã đe dọa những quan niệm đã có về những tương ứng phổ quát giữa các lớp đối tượng (từ các “công cụ” và “di chỉ” đến “những người săn bắn – hái lượm” và các “nhà nước”) và các ý nghĩa của chúng. Như đã thảo luận ở  chương 2, các cố gắng quan tâm đến tư duy và ý nghĩa theo chiều hướng chung của khoa học tự nhiên, mô hình thực chứng đã dẫn tới những kết quả ngược lại.

Kết quả là việc thảo luận về chủ nghĩa duy tâm lịch sử ở chương 5 đã đề cập đến một tuyên bố của Collingwood [1946]: cuộc đời hoạt động trí thức của ông là cả một cuộc đấu tranh chính trị. Mặc dù nhà KCH có thể nghiêm nhặt và khoa học trong quá trình làm cho lý thuyết thích nghi với dữ liệu, nhưng hầu hết các định nghĩa của chúng ta về các dữ liệu đó đều tuỳ thuộc vào bản thân chúng ta. Các tác giả chẳng hạn như Childe và Collingwood, là những người đứng vững trên lập trường Marxist [Childe] và Duy tâm lịch sử [Collingwood] đã thảo luận đầy đủ nhất về cơ sở xã hội của tri thức KCH. Các lập luận về quyền lực và hệ tư tưởng ở chương 4 đã đưa ra các vấn đề liệu KCH có mang tính hệ tư tưởng liên quan đến các quyền lợi cục bộ không.

Vì vậy mối quan tâm Hậu quá trình đối với cấu trúc, tư duy và ý nghĩa trong lý thuyết dẫn tới một mối quan tâm lớn hơn về hiện tại trong quá khứ (xem ở dưới, ảnh hưởng của hậu cấu trúc trong KCH). Mặc dù những mối quan tâm này có thể đưa tới một viễn cảnh thích hợp và một ngữ vựng mới cho sự xuất hiện một viễn cảnh phê phán trong KCH, thì người ta vẫn có thể cho rằng một sự vận động nào đó theo hướng này đã nảy sinh từ sự đối kháng ngày càng tăng giữa những viễn cảnh “chính thức” và “khác”. Với từ “chính thức” tôi muốn nói đến KCH được viết bởi những người đàn ông phương Tây, trung lưu lớp trên và hầu hết là người Anglo-Saxon. Ba viễn cảnh “khác” mà tôi muốn xác định là có một tác động nổi bật đến lập trường chính thức hầu hết không phê phán, thì đều là những nền khảo cổ học bản địa, khảo cổ học nữ quyền, các lập trường của giai cấp lao động và các lập trường khác trong thế giới phương Tây hiện đại. Trong tất cả các lập trường này, có thể có hai quan điểm đã được xác lập: trước hết, quá khứ được cấu tạo một cách chủ quan trong hiện tại; và thứ hai, quá khứ chủ quan liên quan đến các chiến lược quyền lực ngày nay. 

Khảo cổ học bản địa 

Các nhà KCH phương Tây làm việc tại các xã hội chưa công nghiệp hoá, nhất là trong giai đoạn hậu thuộc địa đang hàng ngày vừa phải đương đầu với tư tưởng cho rằng các quá khứ mà họ phục dựng là “phương Tây”, vừa phải đối mặt với sự bác bỏ lần lượt những quá khứ mang đậm màu sắc chính trị và hệ tư tưởng đó [Layton 1989 a, b). Những hòn đá vững chãi của các dữ kiện khách quan ấy có vẻ như bắt đầu ngày càng thích đổi thành cát của những ấn tượng chủ quan. Nhiều nơi tại Trung Đông và Châu Phi chẳng hạn, các lý giải KCH phương Tây đã bị phản đối hoặc bị đánh giá lại và bản thân các nhà KCH phương Tây cũng bị bài xích.

Cũng có thể thấy rằng chính phủ Australia đã công khai hoá các lý giải KCH và Nhân học về những cư dân bản địa là “tự nhiên”, nguyên thuỷ và biệt lập. Bằng các quá trình chẳng hạn như những quá trình ấy, các cư dân Bản địa Australia đã bị phủ nhận bản sắc và con đường đến với tri thức phương Tây của họ về bệnh tật, sức khoẻ, luật pháp và quyền lực đều bị hạn chế. Về phần mình, các cư dân bản địa đã sử dụng những lý giải KCH về quyền đất đai, và các chiến lược tương tự đã được sử dụng ở đâu đó, chẳng hạn như cái cách mà người Inuit Canada đã làm. Ở Châu Âu cũng vậy, KCH đã đưa ra các yêu sách hợp pháp về việc cư trú lâu dài tại bất kỳ khu vực nào. Chẳng hạn như ở Nauy, cuộc tranh cãi về khả năng của các nhà KCH trong việc xác định các nhóm tộc người trong tiền sử đã trở nên nổi bật bởi các vấn đề chính trị liên quan đến các quyền của người Sami (Lapp).

Hoa Kỳ, một quốc gia đã trưởng thành thông qua việc diệt tộc hàng loạt những nhóm bản địa và cũng là nước đã phát triển những giá trị tích cực liên quan đến vấn đề “ranh giới” đã có những thái độ phức tạp đối với KCH của các dân tộc mà nó đã thế chỗ. Những thái độ này đã thay đổi theo thời gian, nhưng người ta đã không ngừng vẽ nên chân dung người dân bản địa Mỹ là lạc hậu [Trigger 1980]. Vì vậy trong thế kỷ XIX những người dân bản địa được coi là những người dã man không tiến bộ, một quan điểm nảy sinh từ huyền thoại “Người đắp núi” trong đó những công trình đất hùng vĩ ở Bắc Mỹ được mô tả là không phải do những người Anh điêng xây dựng nên. Trong giai đoạn đầu thế kỷ XIX, những thái độ bất kính như vậy đối với người Anh điêng đã dẫn tới việc không quan tâm lý giải những phát triển văn hoá của họ; một bức tranh tĩnh, có tính chất mô tả đã được vẽ ra. Trong KCH Quá trình, những người Anh điêng Mỹ đã được cư xử như là những phòng thí nghiệm cho việc kiểm tra những tuyên ngôn tổng quát về quyền lợi đối với các nhà KCH không – Anh điêng nhưng lại là những tuyên ngôn ít phù hợp với lịch sử hoặc những mối quan tâm của bản thân những người Anh điêng [Trigger 1980]. Với tất cả những cung cách đó, vị trí của người Anh điêng ở Mỹ và sự huỷ hoại của người Mỹ – gốc Âu đối với vị trí đó đã không mấy được quan tâm, và KCH đã góp công vào một “chứng quên lịch sử”. Tuy nhiên mới đây những khuynh hướng tự do và mối quan tâm đến các nguồn môi trường trong các xã hội phương Tây cùng với việc đòi quyền đất đai của người Anh điêng và những mối liên quan giữa du lịch và di sản văn hoá đã dẫn tới việc các nhà KCH phương Tây làm việc nhân danh các nhóm Anh điêng ở Mỹ và Canada.

Những khác biệt về nhận thức giữa phương Tây và bản địa về các quá khứ không – phương Tây thường khó xử trong thực tế. Thường có những ngờ vực, hiểu lầm và oán hận ghê gớm. Nhưng đó là những khó khăn, chẳng hạn như những khó khăn ấy bắt đầu đẩy các nhà KCH phương Tây đến chỗ phải cân nhắc về các thiên hướng riêng của họ và phải đối đầu với những vấn đề là liệu những khác biệt trong việc lý giải có thể được giải quyết bằng cách kiểm tra những lý thuyết trái ngược với các dữ kiện khách quan không. Trong nhiều trường hợp, các luận thuyết về sự minh xác tự bản thân chúng được coi là chính trị. Việc rút lui khỏi đối đầu và tranh cãi hơn là đặt thực chất phi chính trị của chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa thực chứng phương Tây vào tình trạng sói mòn chính là việc cần phải làm. 

Khảo cổ học Nữ quyền 

Các nhà KCH phương Tây nên để tâm, chứ không nên phớt lờ việc đương đầu với các nền KCH bản địa trong việc tập trung vào tầm quan trọng của một viễn cảnh nữ quyền trong KCH. Bằng từ “nữ quyền” tôi có ý nói về một viễn cảnh phê phán theo quan điểm của phụ nữ trong xã hội đương đại vượt khỏi “KCH giới” – là thứ nghiên cứu mối quan hệ giữa nam và nữ trong quá khứ. Trong KCH, viễn cảnh này nảy sinh từ một trào lưu đương đại ở phương Tây nên không thể dễ dàng lờ đi như người ta vẫn lờ đi các nền KCH ở những quốc gia xa xôi. Tiềm năng này [Conkey and Spector 1984] đang nhanh chóng được nhận ra [chẳng hạn Gero 1985; Gero and Conkey 1990; Barstow 1978; Sorensen 1988; Barrett 1988].

Tôi không có ý định bàn luận về sự bất cân đối về vai trò của người phụ nữ trong nghề KCH hoặc việc sử dụng ngôn ngữ giới tính trong các xuất bản phẩm KCH, mặc dù cả hai vấn đề đều gắn liền với thuộc tính chủ yếu của KCH nữ quyền được đề cập ở đây vì nó thích hợp với đề tài của chương này. Thay vào đó, tôi sẽ tập trung vào hai vấn đề quan trọng được các nhà KCH Nữ quyền thực hiện [Conkey and Spector 1984]. Vấn đề đầu tiên là các nhà KCH có khuynh hướng coi phân công lao động theo giới tính trong quá khứ cũng tương tự như phân công lao động theo giới tính như trong hiện tại. Chẳng hạn như săn bắn và trao đổi thường được cho là những nghề nghiệp của đàn ông, trong khi hái lượm và dệt vải là nghề của phụ nữ. Các đầu mũi tên và những công cụ được chế tác tài khéo là thuộc về những người đàn ông, trong khi những bình gốm chế tác không phải bằng bàn xoay thì thuộc về phụ nữ. Những mối liên hệ giới tính ấy trong các hoạt động của quá khứ đã làm cho những liên hệ giới tính hiện đại dường như trở nên chắc chắn và xác đáng.

Thứ hai là mối quan tâm lớn hơn thể hiện rõ ở các hành động “thống trị” của người đàn ông. Chân dung những người đàn ông được khắc hoạ là mạnh mẽ hơn, hung tợn hơn, ưu trội hơn, năng động hơn và quan trọng hơn phụ nữ. Còn phụ nữ thì yếu đuối, thụ động, và phụ thuộc. Loại quá khứ đó được xây dựng trong khuôn khổ của sự lãnh đạo, quyền lực, chiến tranh, trao đổi phụ nữ, đàn ông- thợ săn, các quyền thừa kế tài sản, việc kiểm soát các nguồn, vân vân.

Hai khuynh hướng phân tích KCH lấy đàn ông làm trung tâm đó đã được xem xét theo tinh thần phê phán, đặc biệt là gắn liền với cuộc luận chiến về “nguồn gốc của loài người” và “người đàn ông thợ săn” [Conkey and Spector 1984], và việc lý giải lại về “các nguồn gốc loài người”, trong đó người phụ nữ đóng một vai trò tích cực hơn [chẳng hạn Tanner 1981]. Tác động của cuộc luận chiến này tương đối thích hợp cho việc phát triển nông nghiệp [Draper 1975; Gero and Conkey 1990] và cho sự xuất hiện của nhà nước [Gailey 1987; Hastorf 1990].

Liên quan tới hai vấn đề trên, các nhà KCH nữ quyền cho rằng trước hết chúng ta không thể chấp nhận một cách phổ quát những kiểu phân công lao động và mối liên hệ của các hoạt động giới tính tương đương. Hơn nữa việc thừa nhận rằng thuật ngữ “người phụ nữ” có những đặc trưng văn hoá phổ quát, có một nhu cầu xem xét cái cách mà những cấu trúc giới có thể phân biệt. Các dữ liệu KCH đầy dẫy bằng chứng về những cấu trúc văn hoá liên quan đến giới. Các hiện vật có thể liên quan đến phụ nữ ở trong mộ, những thuộc tính dinh dưỡng liên quan đến giới có thể được xem xét khi so sánh những bộ xương đàn ông và đàn bà [Hastorf 1990], sự thể hiện và không thể hiện hình tượng phụ nữ trong nghệ thuật và các biểu tượng cần phải được xem xét. Sự thực thì chúng ta thường không thấy phụ nữ trong các lĩnh vực thể hiện tượng trưng để ủng hộ cho nhận thức về các cấu trúc giới. Cần phải có các phân tích ngữ cảnh đối với các kiểu loại đã được mô tả ở chương 7, đặt phạm trù sinh học “phụ nữ” trong một môi trường văn hoá và xã hội. Trong một phân tích ngữ cảnh của mình, Gibbs [1987] đã chỉ rõ ý nghĩa “người phụ nữ” cũng thay đổi theo thời gian.

Về vấn đề thứ hai được đề cập ở trên, các nhà KCH Nữ quyền cho rằng phụ nữ có thể đóng một vai trò tích cực trong xã hội [xem Tanner 1981]. Chẳng hạn như việc trang trí hoa văn gốm đã được các nhà KCH nhận thấy phổ biến như một chỉ số văn hoá - đó là một phương cách xây dựng chỉ số thụ động. Ngay cả khi được xem xét trong khuôn khổ luồng thông tin, sự trao đổi và tương tác thì việc trang trí hoa văn vẫn là thụ động và không liên quan đến phụ nữ. Tuy nhiên viễn cảnh nữ quyền đã gợi lên rằng trong bất kỳ tình huống nào thì trang trí hoa văn gốm cũng có thể liên quan đến cái diễn ngôn vụng trộm về người phụ nữ, là những kẻ “câm lặng” trong các mô thức thống trị của diễn ngôn [Braithwaite 1982]. Thực ra thì trang trí hoa văn và những công việc tỷ mỉ khác trong ngữ cảnh nội trợ có thể rất thường liên quan đến sự thoả thuận về quyền lực giữa người đàn ông và người đàn bà hơn là liên quan đến việc biểu tượng hoá sự tiếp xúc và tương tác giữa các nhóm địa phương [Xem Hodder 1984a về việc sử dụng quan niệm này đối với tiền sử châu Âu].

Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của sự chỉ trích nữ quyền liên quan tới cuộc thảo luận về quyền lực ở chương 4, cho rằng có những loại quyền lực khác nhau chồng lên nhau, xung đột nhau và các nhóm lợi ích luôn luôn phải thương lượng với nhau. Quyền lực không đơn giản là một “thực tiễn” của sức mạnh hoặc sự kiểm soát các nguồn, mà còn gắn liền với các ý nghĩa, giá trị và uy tín. Việc kiểm soát một nguồn uy tín cũng có thể được sử dụng như một cơ sở của quyền lực khi nguồn đó được gán cho các giá trị xã hội và văn hoá. Moore [1988: 35] cho rằng “tôi nghĩ, hầu hết các học giả nữ quyền sẽ đồng ý rằng các giá trị văn hoá được gán cho phụ nữ và nam giới trong xã hội nảy sinh từ một cái gì đó khác hơn là các vị trí tương ứng của họ trong những mối liên hệ với sản xuất”. Vai trò của các mối liên hệ giới trong văn hoá vật chất (trong mộ, quần áo, nghệ thuật, việc sử dụng không gian...vv) có thể nói với chúng ta rất nhiều về những cố gắng nhằm làm tăng hoặc giảm giá trị của đàn ông và đàn bà hơn là chúng nói với ta về “thực” quyền của người đàn ông và đàn bà trong việc kiểm soát các nguồn. Chúng ta không thể đơn giản đọc được một cách dễ dàng sự ưu trội giới tính từ vai trò vật chất của những mối liên hệ giới [Hodder 1990c]. Hơn nữa, trong cuộc thảo luận về sự thể hiện tính ưu trội giới, chúng ta bị buộc phải lý giải các ý nghĩa biểu trưng. Vì vậy tôi vẫn nghĩ rằng sự thay đổi lý thuyết tổng thể được phác thảo trong tập sách này là cần thiết cho bộ môn trước khi nhiều khía cạnh hứng thú nhất của phong trào nữ quyền có thể tác động ảnh hưởng trong KCH. Như Michelle Rosaldo đã nói về sự thay đổi này trong nhân học, không phải chúng ta theo đuổi tính nhân quả chung và phổ quát,mà là theo đuổi việc lý giải ý nghĩa. “Tôi cho rằng địa vị của phụ nữ trong cuộc sống xã hội loài người không phải nằm trong ý nghĩa trực tiếp của một sản phẩm do bà ta làm, nhưng lại là sản phẩm của ý nghĩa mà các hành động của bà ta đòi hỏi thông qua sự tương tác xã hội cụ thể” [Rosaldo 1980, p. 400].

Nếu chúng ta muốn thể hiện rõ các mối liên hệ giới đã được trải nghiệm và gán cho ý nghĩa như thế nào, chúng được sử dụng như thế nào để xác định nhân cách và chúng liên quan như thế nào đến những cách thức tinh tế trong các mối quan hệ đa phương của quyền lực thì cần phải có một cách tiếp cận ngữ cảnh hoặc chú giải có phê phán. Cho đến bây giờ khi các vấn đề về nghĩa đã trở thành một bộ phận của KCH nữ quyền thì chủ nghĩa thực chứng không còn là một khung lý giải thích hợp nữa (Alison Wylie thông tin cá nhân). Phong trào nữ quyền tác động ảnh hưởng đến KCH rất muộn so với các bộ môn có liên quan. Stacey và Thorne [1985] than phiền rằng những cách tiếp cận nữ quyền ít thành công trong một số bộ môn (xã hội học, tâm lý học, kinh tế học) đã bám rễ sâu hơn trong chủ nghĩa thực chứng. Trong những lĩnh vực chủ yếu sử dụng cách tiếp cận lý giải (lịch sử, văn học, nhân học xã hội – văn hoá) trào lưu nữ quyền tiến bộ xa nhất. Đó có thể là do lịch sử thực chứng của KCH ngày càng gắn liền với các nguồn dựa trên nền tảng khoa học nên đã gây cản trở cho sự phát triển của KCH Nữ quyền trong một thời gian dài.
__________________________________

Còn nữa....


Tài liệu dẫn

Bapty, I., and Yates, T. (eds.), 1990. Archaeology after Structuralism: Introductory Readings in Post-Structuralism and Archaeology, London: Routledge.

Barrett, J. C., 1988. Food, Gender and Metal: Questions of Social Reproduction, in M. L. Sørensen and R. Thomas (eds.), The Transition from Bronze Age to Iron Age in Europe, Oxford: British Archaeological Reports.

Barstow, A., 1978. The Uses of Archaeology for Women’s History: James Mellaart’s Work on the Neolithic Goddess at Catal Huyuk, Feminist Studies 4, 7–18

Binford, L. R., 1962. Archaeology as Anthropology. American Antiquity 28, 217–25.

Binford, L. R., 1965. Archaeological Systematics and the Study of Cultural Process. American Antiquity 31, 203–10.

Binford, L. R., 1967. Smudge Pits and Hide Smoking: The Use of Analogy in Archaeological Reasoning. American Antiquity 32, 1–12.

Binford, L. R., 1984. An Ayawara Day: Flour, Spinifex Gum, and Shifting Perspectives, Journal of Anthropological Research 40, 157–82.

Braithwaite, M., 1982. Decoration as Ritual Symbol: A Theoretical Proposal and an Ethnographic Study in Southern Sudan, in I. Hodder (ed.), Symbolic and Structural Archaeology, Cambridge University Press.

Collingwood, R.G., 1939. An Autobiography. OxfordUniversity Press

Collingwood, R.G. 1946. The Idea of History. Oxford University Press.

Conkey, Margaret, and Spector, J., 1984. Archaeology and the Study of Gender, in M. Schiffer (ed.), Advances in Archaeological Method and Theory, vol. 7, NewYork: Academic Press.

Draper, P., 1975. !Kung Women: Contrasts in Sexual Egalitarianism in Foraging and Sedentary Contexts, in R. R. Reiter (ed.), Toward an Anthropology of Women, NewYork: Monthly Review Press.

Drummond, L., 1983. Jonestown: A Study in Ethnographic Discourse, Semiotica 46, 167–209.

Flannery, K. V., 1967. Culture History v. Culture Process: a Debate in American Archaeology. Scientific American 217, 119–22.

Frankenstein, S., and Rowlands, M., 1978. The Internal Structure and Regional Context of Early Iron Age Society in South-Western Germany, Bulletin of the Institute of Archaeology 15, 73–112.

Gailey, C. W., 1987. Kinship to Kingship, Austin: University of Texas Press.

Gero, J., 1985. Socio-Politics and the Woman-at-Home Ideology, American Antiquity 50, 342–50.

Gero, J., and Conkey, M. (eds.), 1990. Engendering Archaeology: Women and Prehistory, Oxford: Blackwell.

Gibbon, G., 1989. Explanation in Archaeology, Oxford: Blackwell.

Gibbs, L., 1987. Identifying Gender Representation in the Archaeological Record: A Contextual Study, in I. Hodder (ed.), The Archaeology of Contextual Meaning, Cambridge University Press.

Greene, G., 1987. Gothic Material Culture, in I. Hodder (ed.), Archaeology as Long-Term History, Cambridge University Press.

Hastorf, G., 1990. Gender, Space and Food in Prehistory, in J. Gero and M. Conkey (eds.), Engendering Archaeology: Women and Prehistory, Oxford: Blackwell.

Hodder, I., 1982d. The Present Past, London: Batsford.

Hodder, I., 1984a. Burials, Houses, Women and Men in the European Neolithic. In D. Miller and C. Tilley (eds.), Ideology, Power and Prehistory, Cambridge University Press.

Hodder, I., 1990c. Gender Representation and Social Reality, Proceedings of the 1989 Chacmool Conference, University of Calgary.

Kristiansen, K., 1981. A SocialHistory of Danish Archaeology (1805–1975), in G. Daniel (ed.), Towards a History of Archaeology, London: Duckworth.

Layton, R. (ed.), 1989a. Conflict in the Archaeology of Living Traditions, London: Unwin Hyman.

Layton, R. (ed.), 1989b. Who Needs the Past? Indigenous Values and Archaeology, London: Unwin Hyman.

Leach, E., 1954. Political Systems of Highland Burma: A Study of Kachin Social Structure, London: Bell.

Leone M.P, Paul A. Shackel 1987. Toward a Critical Archaeology, In Journal Current Anthropology, vol.28, No.3, 1987.  

Meltzer, D., 1979. Paradigms and the Nature of Change in Archaeology, American Antiquity 44, 644–57.

Meltzer, D., 1983. The Antiquity of Man and the Development of American Archaeology, Advances in Archaeological Method and Theory 6, 1–51.

Moore, H., 1988. Feminism and Anthropology, Oxford: Polity Press.

Moore, J. A., and Keene, A. S., 1983. Archaeology and the Lawof the Hammer, in J. A. Moore and A. S. Keene (eds.), Archaeological Hammers and Theories, NewYork: Academic Press.

Patterson, T. C., 1986. The Last Sixty Years: Toward a Social History of Americanist Archaeology in the United States, American Anthropologist 88, 7–26.

Rosaldo, M., 1980. The Uses and Abuses of Anthropology: Reflections on Feminism and Cross-Cultural Understanding, Signs 5, 400.

Rowlands, M., 1984. Ideology, Power and Prehistory: An Introduction, in D. Miller and C. Tilley (eds.), Ideology, Power and Prehistory, Cambridge University Press.

Rowlands, M., 1984. Conceptualising the European Bronze Age and Early Iron Ages, in J. Bintliff (ed.), European Social Evolution, Bradford: Bradford University Press.

Sørensen, M. L. S., 1988. Is there a Feminist Contribution to Archaeology?, Archaeological Review from Cambridge 7, 7–20.

Stacey, J. and Thorne, B., 1985. The Missing Feminist Revolution in Sociology, Social Problems 32, 301–16.

Tanner, N., 1981. On Becoming Human, Cambridge University Press.

Tilley, C.,  (ed.), 1990a. Reading Material Culture, Oxford: Blackwell.

Trigger, B.1980. Archaeology and the image of the American Indian. American Antiquity 45 (4): 622–76.

Wilk, R. R., 1985. The Ancient Maya and the Political Present, Journal of Anthropological Research 41, 307–26.

Wylie, M. A., 1982. Epistemological Issues Raised by a Structuralist Archaeology. In I. Hodder (ed.,), Symbolic and Structural Archaeology, Cambridge University Press.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét