Phan Huy Lê và 4000 năm lịch sử
Việt Nam
Le Minh Khai
Người
dịch: Hà Hữu Nga
Lời
người dịch: Trên trang mạng
leminhkhai.wordpress.com có một số bài viết ngắn đề cập đến các vấn đề quan
trọng về lịch sử, văn hóa Việt Nam; đề cập đến các nhà nghiên cứu lịch sử, văn
hóa hàng đầu của Việt Nam. Chúng tôi cố gắng dịch và chuyển tải đến những ai
liên quan - quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các trao đổi giúp làm rõ vấn đề
mà tác giả Le Minh Khai [Liam Christopher Kelley] đặt ra nhằm thúc đẩy học
thuật phát triển.
Phan Huy Lê,
Trần Quốc Vương, Hà Văn Tấn và Lương Ninh đã xuất bản một cuốn giáo trình vào
những năm 1980 để sử dụng trong các trường đại học tại Việt Nam, có tiêu đề Lịch sử Việt Nam.
Phan Huy Lê viết
chương sơ sử. Tại chương này, ông cho rằng một trong những thành tựu chính của
giới nghiên cứu những năm 1960 – 1970 là đã xác lập được “một cơ sở tư liệu
khoa học về thời đại Hùng vương”. Theo ông, nguồn thông tin đáng tin cậy nhất
đã có được từ các cuộc khai quật và nghiên cứu khảo cổ học.
Ông cũng đã đưa
ra những nhận xét về thời kỳ mà các vua Hùng cai quản vương quốc Văn Lang như
sau: “Về thời gian tồn tại của “nước Văn Lang” thì giới hạn sau có thể xác định
vào khoảng thế kỷ III tr.CN khi nước Âu Lạc thành lập thay thế cho nước Văn
Lang, nhưng giới hạn mở đầu thì rất mơ hồ. Truyền thuyết và thư tịch cổ đặt
“nước Văn Lang” trong một thời đại truyền thuyết gọi là “kỷ họ Hồng Bàng” gồm
các đời Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương, mà đến thế kỷ XV, Ngô Sĩ
Liên khi viết phần Ngoại kỷ của bộ Đại Việt sử ký toàn thư đặt cho một
niên đại mở đầu là năm Nhâm tuất tức năm 2879 tr. CN. Như trong phần “phàm lệ,”
Ngô Sĩ Liên đã nói: “việc chép trong Ngoại kỷ là gốc ở dã sử,” và “từ Hùng
Vương trở về trước không có niên biểu.” Niên đại mở đầu “kỷ họ Hồng Bàng” là
một niên đại do tác giả suy đoán: “Kinh Dương Vương. . . cùng với Đế Nghi đồng
thời, cho nên chép năm đầu với năm đầu của Đế Nghi.” Quan niệm dân gian phổ
biến coi thời Hùng Vương đến nay khoảng 4,000 năm với cách nói quen thuộc như:
“bốn nghìn năm mở nước,” “bốn nghìn năm dựng nước,” “bốn nghìn năm văn hiến”. .
.Có thể coi đó là một niên đại truyền thuyết làm cơ sở cho việc giới hạn phạm vi
thời gian cần nghiên cứu về thời đại Hùng Vương”.
Liệu có nhận
xét nào trong đoạn trên có chút ý nghĩa không? Phan Huy Lê muốn nói điều gi?
Ông cho rằng
quan niệm dân gian là có “4000 năm lịch sử”, nhưng dân gian trong quá khứ nói
gì? Liệu 1000 năm trước người Việt nói về “3000 năm lịch sử” không? 500 năm
trước họ có nói về “3500 năm lịch sử” không? Nếu có thì bằng chứng ở đâu? Nếu
không thì tại sao lại nói quan niệm dân gian về “4000 năm lịch sử” là rất quan
trọng? Tại sao thông tin này lại cứ phải liên quan đến hiểu biết của chúng ta
về thời sơ sử nếu đó vẫn còn là quan điểm cho đến bây giờ vẫn còn mới?
Thế còn Kinh
Dương Vương và Lạc Long Quân thì sao? Nếu họ là huyền thoại thì tại sao lại nói
về họ? “Tư liệu khoa học” nào cho thấy sự tồn tại của họ?
Và cái gì là “khoa
học” khi sử dụng một “giai đoạn truyền thuyết” để “làm cơ sở cho việc giới hạn
phạm vi thời gian cần nghiên cứu về thời đại Hùng Vương”?. Phải chăng các nhà
nghiên cứu không sử dụng “tư liệu khoa học” như các bằng chứng khảo cổ để xác
định giới hạn thời gian của thời đại Hùng vương?
Cuối cùng
Phan Huy Lê còn đặt các thuật ngữ như “nước Văn Lang” và “kỷ họ Hồng Bàng”
trong ngoặc kép cứ như để cố tỏ ra rằng chúng tôi không khẳng định chắc chắn
rằng chúng là thật, nhưng đến cuối đoạn người đọc bị đưa vào tình huống đối đầu
không bằng chứng với quan niệm cho rằng lịch sử Việt Nam phải dài tới 4000 năm
và vì vậy mà phải bao gồm trong đó cả “giai đoạn truyền thuyết” ấy.
Tôi cho rằng
đoạn này là một ví dụ tuyệt vời về sự cố một thức giả buộc phải viết một đoạn
mang tính dân tộc chủ nghĩa phục vụ cho nhà nước. Kết quả là một mớ thông tin tuyệt
tạp. Nghe thì hay ho nhưng lại chẳng có ý nghĩa gì.
_____________________________________
Nguồn: Le Minh Khai [Liam Christopher
Kelley] 2010, Phan Huy Lê and 4,000 Years
of Vietnamese History, leminhkhai.wordpress.com/17Nov10
Ông Lê Minh Khai (hay Liam Kelley) đặt ra câu hỏi dân gian trong quá khứ nói gì, nhưng ông không thấy chính trong phần trích dẫn bài viết của GS Phan Huy Lê đã trả lời cho câu hỏi đó của ông.
Trả lờiXóaDân gian (tức "dã sử" mà Ngô Sĩ Liên nhắc đến) đã đặt ra mốc năm 2879 tr.CN, tức 4000 năm lịch sử. Ngoài ra, trong Đại Việt sử lược cũng đưa ra một con số tương tự (mà chắc ông Lê Minh Khai chưa kịp đọc). Như vậy, con số 4000 năm lịch sử đã xuất hiện từ thời Trần, hoặc muộn hơn là từ TK XV.
Câu văn của GS. Lê phải được hiểu rằng: dân gian (bao gồm cả "dã sử" mà Ngô Sĩ Liên nhắc đến) đã đặt ra dấu mốc 4000 năm lịch sử và nó đã được thể hiện và chính thống hóa trong nhiều tư liệu văn bản, đặc biệt là các bộ chính sử, như Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư. Chính vì vậy, bài toán đặt ra với giới học giả nghiên cứu Việt Nam là phải xem xét và kiểm chứng con số 4000 năm lịch sử đấy bằng các tư liệu khảo cổ học. Đó cũng là ý đồ xuyên suốt của cuốn Lịch sử Việt Nam tập 1. Bất kỳ ai có khả năng đọc hiểu tiếng Việt đều nhận thức được rằng các tác giả cuốn Lịch sử Việt Nam tập 1 không có ý định chứng minh 4000 năm lịch sử.
Cũng xin cung cấp thông tin cho ông Lê Minh Khai là dưới văn bản kiến nghị của Hội Sử học VN mà ông Lê là đại diện, Nhà nước Việt Nam đã sửa câu "Nước ta có 4000 năm lịch sử" trong Hiến pháp 1980 thành "Nước ta có mấy nghìn năm lịch sử" trong Hiến pháp năm 1992.
Một lời khuyên cho học giả Lê Minh Khai (hay Liam Kelley) là nên học tốt tiếng Việt trước khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam, vì nếu không có khả năng đọc hiểu tiếng Việt thì các bài viết của ông nghe thì có vẻ rất hay ho nhưng đọc kỹ lại chẳng có ý nghĩa gì.
Lời khuyên thứ hai là cho dù là GS của một Đại học Mỹ đi chăng nữa, cũng nên giữ tinh thần khiêm tốn của một học giả, và đọc kỹ tất cả các tài liệu trước khi định viết bất kỳ vấn đề gì.
Ngay tác giả Hà Hữu Nga khi dịch các bài của ông cũng phải ghi chú:
"Hầu hết, nếu không nói toàn bộ các bài viết ngắn trong leminhkhai.wordpress.com là để bắt bẻ các nhà nghiên cứu Đông Nam Á - cả Tây, Tàu (giả định là có, nhưng chưa thấy trường hợp nào?), Ta (nhiều nhất) - nhưng chính Liam Christopher Kelley - Le Minh Khai lại luôn sai, nhầm lẫn, hoặc không đọc kỹ các nguồn sử liệu liên quan".