Powered By Blogger

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Champa Nhìn lại (II)



Champa Nhìn lại (II)

Michael Vickery

Người dịch: Hà Hữu Nga


Sử sách Trung Quốc và Việt Nam

Các nguồn sử liệu Trung Quốc được Maspéro sử dụng là các bộ sử sách chính thức của các triều đại dẫn từ 文獻通考* Văn hiến Thông khảo của 馬端臨* Mã Đoan Lâm, do Hervey de Saint-Denys dịch ra tiếng Pháp với tựa đề Ethnographie des peuples étrangers Man tộc khảo và đã được Maspéro trích dẫn bằng từ Méridionaux 20, Nam man. Mới đây Geoff Wade đã dịch một số phần của một văn bản viết về Champa khác, 宋會要* Song huiyao Tống Hội yếu*, không được Maspéro sử dụng, văn bản này về nhiều tình tiết quan trọng lại khác hẳn với 宋史* Tống sử được Maspéro trích dẫn, sẽ được chú thích ở dưới. Đối với một số giai đoạn của lịch sử Champa thì các sử sách này được biên soạn muộn hơn nhiều so với thời điểm diễn ra các sự kiện, và rõ ràng là các nguồn tài liệu gián tiếp. Như Wade đã mô tả, 宋會要* Song huiyao Tống Hội yếu được biên soạn “trong một quá trình trải từ đầu thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XIII ... nhưng chưa bao giờ được in ra”. Sau đó nó đã được sử dụng làm một nguồn sử liệu cho việc biên soạn Tống sử vào thế kỷ XIV 21. Với những điều kiện này, người ta cần phải trì tín để đảm bảo rằng mọi chi tiết về Champa trong các thế kỷ X – XI cần được chấp nhận là thực sự, và những bất nhất về sử liệu cần phải được xem xét kỹ càng.      

Các nguồn sử liệu Việt Nam đã được sử dụng để viết lịch sử Champa gồm có Ðại Việt sử ký Toàn thư (Tt), Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục (Cm), and Việt sử lược (Vsl) 22. Trong việc sử dụng các nguồn sử liệu Việt Nam của Maspéro có một vấn đề còn mơ hồ và không được các công trình sau này để ý đến, đó là sự tồn tại của hai truyền thống biên niên sử chủ yếu khác nhau về một số sự kiện liên quan đến Champa, và cả các chính thể khác nữa. Trước hết, đó là Toàn thư được Cương mục đi theo, và thứ hai là Việt sử lược. Maspéro đã sử dụng phiên bản này hoặc phiên bản khác, rõ ràng là theo quyết định võ đoán của ông về sự kiện “cần diễn ra” như vậy. Các ví dụ về vấn đề này sẽ được chỉ ra ở phần sau.    

Đối với khu vực đang được đề cập, các sử sách Trung Quốc và Việt Nam thường bắt đầu bằng việc tham chiếu vào một chính thể có tên gọi là Lâm Ấp, nằm ở phía nam Giao Chỉ, các tỉnh của Việt Nam được coi là dưới quyền quản lý của Trung Quốc; trước hết nó được ghi chú bằng cái tên đó vào những năm 220 – 230, và dẫn chiếu cuối cùng xuất hiện năm 757. Lâm Ấp là một vùng có vấn đề vì các hoạt động gây hấn chống lại Giao Châu ở phía bắc. Sau khi Lâm Ấp biến mất khỏi các ghi chép của Trung Quốc thì các sử sách chính thức của Trung Quốc trong một thế kỷ thỉnh thoảng có nhắc đến một chính thể có tên gọi là Hoàn Vương, rõ ràng là thuộc vùng Lâm Ấp, cho đến giữa thế kỷ thứ 9 người ta vẫn nhận là Champa bằng tên gọi Chiêm Thành, “Thành  của người Chăm”.

Xuyên suốt thời kỳ Lâm Ấp cho đến giữa thế kỷ VII, tức là một thế kỷ trước khi cái tên đó biến mất – các thủ lĩnh Lâm Ấp trong các sử sách Trung Quốc có tước vị Fan và sau đó là những cái tên có từ một đến ba âm tiết, với thủ lĩnh cuối cùng, 鎭龍* Fan Zhenlong Phạm Trấn Long, xuất hiện trong khoảng năm 645 [舊唐書* Cựu Đường thư cxcvii, 32a; 新唐書* Tân Đường thư ccxxii, 19a; 文獻通考* Văn hiến Thông khảo xxiv, 46b]. Nói chung không thể đồng nhất một cách hợp lý những cái tên Fan với tên của những người trị vì trong các bi kí Champa đương thời, mặc dù Maspéro đã thử và sau đó các nhà sử học đã đi theo. Vào giữa thế kỷ thứ VIII đến cuối thế kỷ IX, khi tất cả các bi ký đều ở phía Nam thì người Trung Quốc không ghi các tước vị Fan và các tham chiếu của họ về Hoàn Vương không cho biết tên những người trị vì của chính thể đó dưới bất kỳ dạng thức nào.

Những cái tên trong các sử sách Trung Quốc và Việt Nam rõ ràng có thể quy vào những người trị vì Champa bắt đầu từ những năm 860 và tiếp tục – dù có khoảng trống lớn – đến cuối thế kỷ XII, sau đó trong khoảng gần một trăm năm dưới sự can thiệp của người Angkor vào Champa, rõ ràng là người Việt và người Trung Quốc đã ít chú ý đến nó. Các nguồn sử liệu đó bắt đầu lại cho thấy những cái tên của những người trị vì Champa từ đầu thế kỷ XIV và tiếp tục qua một vài thập kỷ cho đến khi không còn bi ký Champa nữa. Như Stein đã nhấn mạnh, không thể đồng nhất hầu hết những cái tên trong các văn bản Trung Quốc và Việt Nam với những cái tên trong các bi ký. Hầu hết những cái tên trong các bi ký là các tước vị có chữ varma, mà cách dịch chuẩn sang chữ Hán là 跋摩 ba mo bạt ma. Trong toàn bộ lịch sử Champa từ वर्मन्* varma đầu tiên, có lẽ vào thế kỷ thứ tư, đến năm 1471, chỉ có bốn trường hợp được phiên âm bằng chữ Hán 跋摩 ba mo bạt ma, mà tất cả đều thuộc thế kỷ VI-VII, và rất ít thấy trường hợp trong đó các yếu tố phiên âm chữ Hán khác có thể đồng nhất với một tước vị địa phương nào; một trong những ngoại lệ hiếm hoi là các âm Hán 庐陀罗lu tuo luoĐà La 庐陀 lu tuoĐà cho रुद्रवर्मन्* Rudra-[varman] vào giữa thế kỷ thứ VIII. Còn có một trường hợp phiên âm Hán và âm Việt đáng tin cậy cho một tước vị Chăm yāï po ku vijaya śrī (xem bên dưới). Như tôi đã đề cập liên quan đến một trường hợp trong một bài viết trước đây, và sẽ tiếp tục đề cập đến trong bài viết này, lý do cho sự bất nhất này có lẽ là do người Trung Quốc và người Việt không quan tâm đến cái chính thể Champa đã được ghi trong các bi ký 23.   

Nhìn lại lịch sử Champa

I. Các cội nguồn Champa và dân Chăm: Mãi cho đến gần đây, người Chăm vẫn được coi là một bộ phận của những “làn sóng” di chuyển dân cư ra khỏi Trung Quốc để đến Đông Nam Á lục địa, trong đó có một số nhóm tiếp tục di chuyển đến vùng đảo Nusantara. Các nhóm dân cư nói chung được xác định trong khuôn khổ thể chất về phương diện nhân học. Trước hết người Australoid-Melanesoid xuất hiện, tương đồng với các thổ dân Úc và các nhóm người Papua New Guinea,  sau đó hai nhóm Indonesians, Proto- và Deutero- kế tiếp. Người Chăm – vì họ nhận ngôn ngữ của mình là Indonesian, bây giờ gọi là Austronesian, một nhánh, trong thời gian đó nhìn chung không được chấp nhận – được coi là những tàn dư của những người Indonesians vẫn còn trên lục địa này, sau khi số còn lại đã tiếp tục di chuyển đến các đảo dưới sức ép của làn sóng di dân mới nhất lúc đó là người Mon – Khmer. Theo quan điểm này, toàn bộ các cuộc vận động ấy có lẽ đã được hoàn thành trước khi bắt đầu Kỷ nguyên Thiên chúa. Vậy là Champa hoàn toàn là một cường quốc nội địa, và theo quan điểm đó, thì người láng giềng Phù Nam ở phương nam cũng vậy. Với những biến thể ngẫu nhiên thứ yếu, tất cả các học giả trước đây đều chấp nhận điều này, kể cả Coedès, Maspéro và Stein; nguồn gốc lục địa của người Chăm gần đây nhất vẫn còn được Jacques Népote duy trì và được ẩn trong “các bài viết cho Hội thảo về Champa tại Đại học Copenhagen” ngày 23/5/1987 24. Người ta cũng công nhận rằng người Tày/ Thái đã di cư đến các môi trường sống ngày nay muộn hơn nhiều so với các cuộc di dân đã phác họa ở trên, và người ta cũng tin rằng người Việt, được cho là một nhánh Sinitic (thuộc các nhóm Hoa ngữ), đã di chuyển đến vùng bắc Việt Nam ngày nay một cách độc lập so với các cuộc di dân kia. 

Bắt đầu vào khoảng 30 năm trước, khi việc tập hợp thành các nhóm nhân học thể chất không còn thịnh hành nữa, và ngôn ngữ học ngày càng tiến bộ thì người ta quyết định rằng các ngôn ngữ Nam Đảo, kể cả tiếng Chăm phát triển không phải thông qua các tộc người di cư ra khỏi Trung Quốc theo con đường Đông Nam Á lục địa, sau đó đi ra các đảo nữa, mà là theo đường biển – có lẽ bắt đầu tại Đài Loan, sau đó đến Philippines, Indonesia, các đảo Thái Bình Dương, Madagascar, và trong các cuộc di cư cuối cùng, các tổ tiên của nười Chăm từ Borneo đến bờ biển Việt Nam ngày nay vào khoảng 500 năm TCN và những năm đầu của Kỷ nguyên Thiên chúa, mặc dù các xác định niên đại như vậy vẫn chỉ rất tương đối 25. Một số nhà khảo cổ học cho rằng Văn hóa Sa Huỳnh thuộc ven biển miền trung Việt Nam chính là bằng chứng vật chất đầu tiên của người Chăm, mặc dù những nghiên cứu tới sẽ thay đổi quan điểm này, và có thể không phải chỉ có một cuộc đổ bộ duy nhất của những người Chăm có nguồn gốc biển đầu tiên 26. Tuy nhiên không nghi ngờ gì rằng tiếng Chăm là một ngôn ngữ Nam Đảo, có mối quan hệ gần gũi với ngôn ngữ Ache, Malay và xa hơn với các ngôn ngữ của người Indonesia, Philippines, Polynesia và Madagascar.

Như nhà tiền sử học Peter Bellwood đã xác định, “tư tưởng cũ, vì vậy thường được lặp lại trong các công trình phổ biến ngày nay là người Nam Đảo di cư từ châu Á lục địa qua bán đảo Malay hoặc Việt Nam là hoàn toàn sai lầm”. Hơn nữa Bellwood còn cho rằng các di tích khảo cổ học Sa Huỳnh có thể đồng nhất với người Chăm đầu tiên, là những người có lẽ đã đến đó vào thiên niên kỷ thứ nhất TCN. Hoặc, dẫn lại Bellwood, “Heine Geldern [1932] rõ ràng đã nhầm lẫn ... khi ông gợi ý rằng những người Nam Đảo đầu tiên đã di cư từ Châu Á lục địa qua bán đảo Malay đến Indonesia. Hành trình thực sự của cuộc di chuyển của người Nam Đảo là đi theo một hướng khác 27. Tất nhiên, có thể đã không chỉ có một cuộc đổ bộ duy nhất dọc ven biển trung Việt Nam, mà những di tích Champa sớm nhất được biết cho đến nay đã cho thấy có lẽ đó là những di tích ở phía nam của Huế. Khi họ đến đó, vùng này đã có các cư dân nói tiếng Mon – Khmer. Trong thực tế, về phương diện ngôn ngữ, Đông Nam Á lục địa thời đó có lẽ là một khối Mon – Khmer thuần nhất 28.      

Rolf Stein, trong một nghiên cứu chủ chốt về Lâm Ấp đã bất đồng một cách mạnh mẽ với Maspéro về nhiều chi tiết và dường như đã chỉ ra một cách dứt khoát rằng trước thế kỷ thứ V, chí ít thì Lâm Ấp và Champa có thể đã khác biệt nhau, và ông cũng xem xét bằng chứng về vị trí ngôn ngữ của Lâm Ấp, mà ông tin là thuộc Mon-Khmer. Chúng ta cần phải nhấn mạnh lại là Stein vẫn tin rằng người Chăm đã di cư trên đất liền và vì vậy mà họ đã từng ở trong vùng nam Trung Quốc – bắc Việt nam hàng trăm năm hoặc thậm chí hàng ngàn năm. Stein không nói về điều này một cách dứt khoát, nhưng qua các ghi chú của ông thì rõ ràng là ông chấp nhận điều đó như một thực tiễn cơ bản không cần gì phải khẳng định lại một lần nữa. Vì vậy khi cho rằng người Chăm đã tiếp xúc với người Trung Quốc trong một thời gian quá lâu dài, ông đã phân tích ngữ âm thái cổ (thế kỷ VIII – III TCN) và ngữ âm cổ (thế kỷ VI SCN) của các chữ Hán được sử dụng để gọi Lâm Ấp và Chăm, cuối cùng đã phát hiện ra rằng chúng gần như đồng nhất, bắt đầu bằng nhóm phụ âm “KR” HOẶC “PR”. Thông qua phân tích này, ông đã tìm cách phát hiện ra cách phát âm gốc của các từ tiếng Hán thích hợp, và ông cho rằng Lâm Ấp và Chăm đều là Mon-Khmer 29.   

Tuy nhiên giờ đây người ta hiểu rằng người Chăm không đến bờ biển miền trung Việt Nam trước thiên niên kỷ I TCN, và trong một vùng có lẽ đã có ít hoặc không có tiếp xúc với người Trung Quốc vào thời gian mà người Trung Quốc đang chú ý đến họ và viết về họ. Vì vậy chữ Hán được sử dụng để chỉ về họ đã có một cái gì đó gần với cách phát âm hiện đại của chính chữ đó, và có lẽ đã đại diện – như Stein và sau đó là Bergaigne đã nhận ra – cho một sự thể hiện một cái tên nào đó mà người Chăm đã sử dụng cho chính bản thân họ, nhưng về điều đó, giờ đây chúng ta không thể biết được. Vì vậy, nghiên cứu của Stein về các cách phát âm thái cổ của các chữ đó là không thích hợp, như đã được Paul Demiéville 30 lưu ý. Hiểu biết mới này về các cội nguồn Chăm dựa trên cơ sở ngôn ngữ có nghĩa là người Chăm phải được hiểu như là một trong những dân tộc đi biển vĩ đại của Đông Nam Á tiền sử, và vì vậy mà vị thế kinh tế-chính trị của Champa cũng cần phải được nhìn nhận lại. Ngày nay đã có một sự đồng thuận cho rằng đến thế kỷ XII, nghề đi biển và thương mại biển trong vùng Đông Nam Á và giữa Đông Nam Á với Trung Quốc và Ấn Độ là do các nhóm địa phương chi phối, nổi bật trong số đó là những người nói tiếng Nam Đảo, kể cả người Chăm. Diễn giải này về nguồn gốc người Chăm và niên đại tương đối của sự kiện họ cập bến tại khu vực thuộc Việt Nam ngày nay đã đánh gục sự ngờ vực lòng kiên định của một số nhà nghiên cứu về tính đa tộc thuộc của Champa cổ, tối thiểu là trong việc mô tả các nhóm tộc người gồm có các nhóm riêng rẽ (nhưng lại liên hệ gần gũi) là Chăm, Jarai, Rhadé, Churu và Raglai cũng như các nhóm Mon – Khmer khác nhau. Ngày nay người ta hiểu rằng các ngôn ngữ Jarai, Rhadé, Churu, Raglai và các ngôn ngữ Nam Đảo khác tại Champa và Việt Nam về sau đã phát triển vượt ra khỏi ngôn ngữ Chăm, và có lẽ không phải là các ngôn ngữ riêng biệt trong giai đoạn Champa cổ điển cho đến tận thế kỷ XV. Từ khi người Chăm đầu tiên chen vào lãnh thổ Mon-Khmer, không nghi ngờ gì nữa, các chính thể Champa luôn luôn bao gồm một số nhóm ngôn ngữ tộc người và vì Champa gồm có các cảng thị ở cửa các con sông chính, nên một số lãnh thổ xem cài nào đó có thể dân cư Mon-Khmer luôn luôn đông hơn dân cư Nam Đảo 31.

Như chuyên gia về ngôn ngữ Mon-Khmer Gérard Diffloth đã mô tả quá trình ấy:

“Bằng chứng ngôn ngữ cho thấy rằng những gì thực sự đã diễn ra chính là cái mà những người nói tiếng Chăm (Cổ) đã chuyển đến một lãnh thổ (Tây Nguyên) mà lúc đó toàn bộ do người nói ngôn ngữ Mon-Khmer (đặc biệt là những người nói các loại hình ngôn ngữ Bahnar, Sre, Mnong, và có lẽ cả Sedang và các ngôn ngữ khác) cư chiếm, đã xác lập việc kiểm soát chính trị đối với họ, và cuối cùng đã làm cho họ chuyển đổi ngôn ngữ, từ bỏ ngôn ngữ Mon-Khmer gốc của họ và chấp nhận một loại ngôn ngữ Chăm để giờ đây đã trở thành Jarai, Rhade, ...v.v. Điều này đã được thực hiện một cách rất rõ ràng bằng một thực tế là các loại ngôn ngữ Chăm đó chính là loại hình ngôn ngữ Bahna về phương diện cấu trúc, chứ không phải là Nam Đảo, và ngữ vựng của họ có chứa hàng trăm hạng mục từ Bahnaric không phải là những từ vay mượn, mà là những gì còn giữ lại được từ các ngôn ngữ trước đây. Cơ tầng Mon-Khmer trong ngôn ngữ Chăm Núi là rất rõ ràng và buộc ta phải giật mình vì nó đã đánh lừa được các nhà nghiên cứu trước đây, kể cả Schmidt là người đã đưa các nhóm Chamic vào tiểu h Mon-Khmer [xem thêm Stein, Lâm Ấp, ở dưới], khi cho rằng các nhóm đó là “các ngôn ngữ pha trộn”, một khái niệm không còn được sử dụng nữa” 32.

Đám Copenhagen cũng đã duy trì một ý tưởng cũ của Finot cho rằng thuật ngữ “Cham/Cam” không phải là tên của một nhóm tộc người, mà chỉ là một apocope hiện tượng mất âm chủ của “Champa”. Đây là một vị trí đặc biệt phải giữ. Cái tên Champa có thể được hiểu là một sự mô phỏng cái tên  चम्प* Champa ở Ấn Độ, nhưng việc chọn cái tên đó cho một khu vực trên bờ biển Đông Nam Á, như Stein thừa nhận, có lẽ vì cái tên của nhóm người ở đây có cái gì đó giống thế /cam/. Cái tên đó có lẽ do chính họ lựa chọn sau các chuyến hải hành đến Ấn Độ chứ không phải là bị buộc phải dùng cái tên đó do những người Ấn Độ đem đến, như Finot tin tưởng một cách chắc chắn. Từ điển của Aymonier và Antoine Cabaton năm 1906 đã đưa ra chữ čaü như là cái tên hiện nay cho họ, bằng ngôn ngữ của họ, như từ điển năm 1971 của Gérard Moussay, đánh vần trong bản chữ viết Chăm, phiên âm là căm. Những người láng giềng hiện đại của họ, không nghi ngờ gì nữa đã rất ngây thơ về các định kiến Ấn Độ học, nên đã gọi họ là čam (Rade), cam (Jarai, Chru), cap (Raglai), ...v.v; còn cái được gọi là Chiêm tiếng Việt để diễn giải lịch sử Champa cổ, nhưng phiên bản Cham của họ, hệt như cách định danh chính thức của người Trung Quốc đối với Champa sau thế kỷ thứ IX (占城 Zhancheng Chiêm Thành) là thành của người Chăm, chứ không phải là thành của Champa? Ngay bản thân Po Dharma là người Chăm, khi không đề cập gì đến ý thức hệ nhóm Paris của ông, cũng có thể đặt tên cho cuốn sách của mình một cách vô thức là Quatre lexiques malais-cam anciens Bốn từ điển Mã Lai – Chăm cổ, khi không xem xét đến ngôn ngữ Chăm cổ thực sự, mà là ngôn ngữ Chăm thế kỷ XIX 33.
_______________________________________

Nguồn: Michael Vickery 2005. Champa revised, Asia Research Institute Working Paper Series No. 37, 2005. The ARI Working Paper Series is published electronically by the Asia Research Institute of the National University of Singapore.

Tác giả: Chân thành cảm ơn Bruce Lockhart đã giúp chuẩn bị bản thảo để công bố trong ARI Working Papers Series.

Ghi chú của người dịch: Các từ có đánh dấu sao [*] là do tôi, Hà Hữu Nga, trộm tìm, dịch sang tiếng Phạn, tiếng Hán và tiếng Việt để tiện cho bản thân trong việc nghiên cứu, so sánh và xác định nghĩa của từ mà thôi.

Tài liệu dẫn

20. Ma Duanlin, Ethnographie des peuples étrangers à la Chine, tr. Léon Hervey de Saint-Denys (Farnborough: Gregg, 1972 reprint); the original edition was published in 1876 by H. Georg in Geneva.

21. See Geoff Wade’s chapter in Lockhart and Tra (eds.), New Scholarship on Champa, 2006. 

22.  Ngô Sĩ Liên, Ðại Việt sử ký Toàn thư (henceforth Tt), tr. Hoàng Văn Lâu, ed. Hà Văn Tấn (Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội, 1993); Quốc sử quán Triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (henceforth Cm) (Hà Nội: NXB Giáo dục, 1998); Việt sử lược (henceforth Vsl), ed. Trần Quốc Vượng (Hà Nội: NXB Văn Sử Địa, 1960).

23. Michael Vickery, ‘Cambodia and its neighbors in the fifteenth century’, National University of Singapore Asia Research Institute Working Paper Series No. 27, www.ari.nus.edu.sg/docs/wps/wps04_027.pdf, ‘Appendix to note 15’, pp. 49-52.

24. Jacques Népote, ‘Champa, propositions pour une histoire de temps long’, Péninsule, nouvelle série, 26 (1993): 3-54 and 27 (1993): 65-119. For the ‘Copenhagen papers’, see Actes du séminaire, notably Tâm Quach-Langlet, ‘Le cadre géographique de l’ancien Campā’, pp. 28-47, who treats Champa as a land-based economy and shows no awareness of its maritime background or activity.

25. Peter Bellwood, ‘Southeast Asia before history’, in The Cambridge history of Southeast Asia, ed. Nicholas Tarling, Vol. I, pp. 53-136; see also Bellwood, ‘Cultural and biological differentiation in Peninsular Malaysia: The last 10,000 years’, Asian Perspectives, 32, 2 (1993): 50, where he refers to the ‘differentiation of Malayo-Chamic [still in southeast Kalimantan] commencing in the third or fourth century BCE’; Robert Blust, ‘The Austronesian homeland: A linguistic perspective’, Asian Perspectives, 26 (1984-5): 45-67; Blust comments elsewhere that ‘probably during the last two or three centuries before the Christian era, the Chamic languages and Malay became established in mainland Southeast Asia along the coasts of the South China Sea’; Blust, ‘The Austronesian settlement of mainland Southeast Asia’, in Papers from the second annual meeting of the Southeast Asian Linguistics Society 1992, ed. Karen L. Adams and Thomas John Hudak (Tempe, AZ: Arizona Sate University Program for Southeast Asian Studies, 1994), p. 30. Graham Thurgood posits a Chamic arrival on the mainland about 2000 years ago (From ancient Cham, p. 5).

26. Peter Bellwood, Prehistory of the Indo-Malaysian Archipelago (Orlando: Academic Press, 1985); Bellwood, ‘Southeast Asia’; Higham, Archaeology of mainland Southeast Asia, pp. 230-97.   

27. Bellwood, Prehistory, pp. 124, 275; Bellwood, ‘Cultural and biological’, p. 53. The ‘old idea’ is still repeated in some scholarly work, such as Népote, ‘Propositions’.

28. ‘Peninsular Malaysia is one of the few places in the Austronesian world (the other major ones being southern Viet Nam and western Melanesia) where Austronesian settlers found agriculturalists, in this case Austroasiatic speakers, in prior occupation’ (Bellwood, ‘Cultural and biological’, p. 51).

29.  Stein, Lin-Yi, p. 221 gives definitions of Ancient and Archaic Chinese.   

30. Ibid., p. 234, n. 223, citing Bergaigne, ‘Ancien royaume’ ; Paul Demiéville, ‘R.A. Stein, “Le Lin-yi, sa localisation, sa contribution à la formation du Champa et ses liens avec la Chine”’, T’oung Pao, 40 (1951): 345, quoted in Southworth, ‘Origins of Campā’, p. 373.

31. Bernard Gay, ‘Vue nouvelle sur la composition ethnique du Campā’ in Actes du séminaire, pp. 49-57; Gay is also obsolete (p. 51) in his treatment of the Vat Luang Kau inscription as showing Champa expansion up to the Mekong near Vat Phu in the fifth century, and in his acceptance of old Cambodian legends without historical value. On Vat Luang Kau see Claude Jacques, ‘Notes sur l’inscription de la stèle de Vǎt Luong Kǎu’, JA, 250 (1962): 249-56 and the discussion in Michael Vickery, Society, economics and politics in Pre-Angkor Cambodia: The seventh to eighth centuries (Tokyo. Centre for East Asian Cultural Studies for Unesco, Toyo Bunko, 1998), pp. 73-4.

32. Gérard Diffloth, ‘The outward influence of Chamic into Mon-Khmer speaking areas’, Symposium on New Scholarship on Champa, Asia Research Institute, National University of Singapore, 5-6 August 2004 ; and personal communication.

33. Finot, review of Maspéro, p. 286; Gay, ‘Vue nouvelle’; Étienne Aymonier and Antoine Cabaton, Dictionnaire čam-français (Paris: Ernest Leroux, 1906), p. 116; Gérard Moussay, Dictionnaire cǎm-vietnamien-français (Phan Rang: Centre Culturel Cǎm, 1971), p. 39; Thurgood, From ancient Cham, pp. 2, 336; Po Dharma, Quatre lexiques malais-cam anciens rédigés au Campā (Paris: École Française d’Extrême-Orient, 1999). 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét