Tri thức bản địa và phát triển* (II)
Hà Hữu Nga
8.
Sử dụng một số công cụ nghiên
cứu ứng dụng tri thức bản địa
Dưới đây sẽ
mô tả một số kỹ thuật nghiên cứu tri thức bản địa được sử dụng nhiều nhất
[Mascarenhas et al. 1991, dẫn theo Wickham 1993]. Các kỹ thuật này có thể được
thích ứng với các hoàn cảnh nghiên cứu đặc biệt. Tập hợp kỹ thuật mà người ta
chọn sử dụng cho hoạt động nghiên cứu cần phải đáp ứng được hai câu hỏi chủ
chốt: - Con người thế nào? Hệ sinh thái ra sao? từ viễn cảnh quá khứ, hiện tại
tới tương lai. Sự kết hợp các kỹ thuật thành nhóm được sử dụng để vượt qua được
những hạn chế của phương pháp PRA (Participatory Rural Appraisal – Đánh giá
nông thôn có sự tham gia). Hiện trạng thực địa sẽ giúp tạo hình và kiểm nghiệm
các phương pháp và các công cụ nghiên cứu. Danh mục các kỹ thuật nghiên cứu còn
rất phong phú và khi nhiều bộ môn khoa học tham gia thì sẽ góp phần phát triển
thêm các kỹ thuật nghiên cứu mới. IIED [1994], IIRR [1996], Narayan [1996] đã
mô tả tương đối kỹ từng kỹ thuật một. Dưới đây là một số kỹ thuật PRA thường
được sử dụng:
Kỹ thuật xây
dựng sơ đồ tham gia
Kỹ thuật xây dựng sơ đồ tham gia được sử dụng trong hoạt
động PRA không chỉ cung cấp cho các nhà nghiên cứu thông tin về các đặc trưng
vật chất của cộng đồng mà còn giúp khám phá ra nhiều điều kiện kinh tế xã hội
và cách thức hiểu biết về cộng đồng của chính những người tham gia. Các sơ đồ
thường được một nhóm dân làng tham gia cùng vẽ bằng phấn lên bảng hoặc bằng bút
nét đậm lên giấy khổ rộng. Các sơ đồ thể hiện nhiều chủ đề khác nhau dưới đây: i) Sơ đồ lịch sử: thể hiện những thay đổi xảy ra trong cộng đồng và có
thể được sử dụng để giúp thúc đẩy việc thảo luận về các nguyên nhân và tác động
của việc suy thoái môi trường địa phương;
ii) Sơ đồ xã hội: minh hoạ các
hộ cá thể làm thành các biểu tượng khác nhau của cộng đồng có thể được sử dụng
để thể hiện các đặc trưng cấp hộ cụ thể về mức độ thịnh vượng, các cấp độ sử
dụng các nguồn, số trẻ em ở độ tuổi đến trường đang đi học hoặc bỏ học, các
thành viên của các nhóm cộng đồng khác nhau, v.v..; và iii) Sơ đồ cá nhân: do các cá
nhân tự vẽ nhằm thể hiện các quan điểm về các bộ phận khác nhau của cộng đồng,
chẳng hạn như nam khác với nữ, giàu khác với nghèo, trong khuôn khổ ranh giới
cộng đồng, các vị trí quan trọng nhất đối với họ, hoặc quan điểm của họ về cách
thức cải thiện đời sống cộng đồng
[Seargeant, John & Steele, Jane, 1998; Wickham T.W. 1993; World Bank 2004;
World Trade Organization 2002].
Một số lưu ý khi vẽ sơ đồ tham gia: i) cùng người dân địa phương quyết định nên
vẽ loại sơ đồ nào (lịch sử, xã hội, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, v.v…); ii) vẽ cùng với
những người am hiểu về địa phương, am hiểu về các chủ đề cần vẽ, và vẽ với
những người sẵn sàng chia sẻ hiểu biết với bạn; iii) để cho những người tham
gia tự lựa chọn các vị trí và đồ vật thích hợp (bảng, nền đất, giấy khổ rộng, que
nhọn, hòn sỏi, các hạt ngũ cốc, bút vẽ) để vẽ sơ đồ; iii) giúp mọi người
bắt đầu bằng cách để cho họ tự vẽ; cần phải kiên nhẫn và không nên ngắt quãng
người vẽ, vì đó chính là sơ đồ của họ;
iv) nên ngồi đó và xem mọi người vẽ về cái gì trước tiên, vẽ cái gì to nhất,
những bộ phận nào của sơ đồ có thể gây ra tranh luận giữa người vẽ với nhau, và
người vẽ với người quan sát;
v) khi mọi người đã vẽ xong, nên hỏi xem họ vẽ về cái gì, và ghi chú các vấn đề
cần cho các cuộc phỏng vấn tiếp theo;
vi) cần ghi chép các phát hiện, các quan sát được, không được quên ghi tên những
người đã tham gia vẽ sơ đồ. [DRCC
2008].
Cách thức tái hiện lược
sử thôn buôn
Mục đích
chính của hoạt động này là để làm quen, giới thiệu qua về mục tiêu của PRA cũng
như về dự án, cũng như người dân có cơ hội để giới thiệu về thôn buôn của mình.
Việc thu thập các thông tin chính xác về lược sử thôn buôn chỉ đóng vai trò
phụ. Lúc này chúng ta chưa phân nhóm làm việc, toàn bộ nhóm PRA (khoảng 6
người) và nông dân (khoảng 15 người) cùng tham gia hoạt động này. Quy trình: i)
các thành viên nhóm PRA và toàn bộ dân làng có thể ngồi quanh bàn hoặc trên sàn
nhà. Không phân biệt vị trí và chỗ ngồi của cán bộ, trưởng thôn buôn hoặc bất
kỳ một cá nhân nào; ii) trưởng thôn buôn có thể giới thiệu ngắn về nhóm công
tác; iii) lần lượt mỗi cá nhân trong đoàn PRA và người dân tự giới thiệu về
mình theo vòng tay trái hoặc phải, không nên ưu tiên cán bộ dự án tự giới thiệu
trước rồi mới đến người dân hoặc ngược lại để tạo ra không khí bình đẳng. Mọi
người giới thiệu có thể tự ghi tên mình lên một tờ giấy khổ lớn treo trên
tường; nhóm công tác giới thiệụ mục đích hoạt động. Cần nhớ các nguyên tắc và
kỹ năng của phương pháp PRA như tạo không khí vui vẻ hoà đồng như một cuộc trò
truyện giữa những người bạn, tạo tính sở hữu của người dân cho hoạt động này
v.v.. [Seargeant, John & Steele, Jane, 1998; Wickham T.W. 1993; World Bank
2004; World Trade Organization 2002].
Thu thập thông tin về lịch sử thôn
buôn: Đề nghị nhóm dân làng tự thảo luận
và đưa ra các sự kiện chính trong lịch sử thôn buôn, bao gồm các thông tin chủ
yếu sau: Thôn buôn được thành lập khi nào, khi đó có bao nhiêu hộ? thành lập
Hợp tác xã khi nào? Thôn buôn có bao giờ bị thiên tai nghiêm trọng như ngập
lụt, hạn hán, sâu bệnh, ảnh hưởng của thiên tai đến sản xuất nông nghiệp và
kinh tế của người dân như thế nào? Thôn buôn phải di chuyển mấy lần, vào thời
gian nào ..vv. Khi người dân trả lời, cần hỏi một nông dân nào đó xem trong
thời gian đó gia đình họ như thế nào? Số hộ trong thôn buôn qua các thời kỳ mà
người dân nêu ra? Trường học có từ khi nào? Trạm xá có từ khi nào? Ảnh hưởng
của nó lên các hộ nghèo ra sao? Với
mỗi sự kiện như vậy, có thể hỏi người dân xem họ đối phó như thế nào? Người
nghèo vào các nhóm dễ bị tổn thương (ví dụ người không nơi nương tựa) phản ứng
như thế nào? Tác động của nó đối với người dân, đặc biệt là người nghèo. Toàn
bộ các thông tin do người dân cung cấp cần được ghi chép lại đầy đủ ngay tại
hiện trường [DRCC, 2008].
Sử dụng công cụ sa bàn thôn buôn
Sa bàn là một công cụ rất hữu dụng trong phương pháp PRA, nó cho
phép người dân thảo luận toàn cảnh trên địa bàn nghiên cứu và các hoạt động
canh tác liên quan. Mục đích là
thảo luận và thu thập thông tin về thành phần, hiện trạng, tiềm năng, khó khăn,
nguyên nhân và giải pháp của các nguồn tài nguyên rừng, đất, nước và tác động
của nó đến con người và các hoạt động sản xuất. Chọn một đám
đất phẳng diện tích khoảng 3-4 m2, nếu trong nhà được thì càng tốt để tránh mưa
nắng. Tiến hành đắp sa bàn, ghi lại các thông tin phù hợp mà người dân thảo
luận trong khi đắp sa bàn. Trên sa bàn cần lưu ý thể hiện đầy đủ: Các loại
rừng, đất trống đồi trọc, đất canh tác trên nương rẫy, các sông, suối (cả suối
cạn và suối có nước). Sau khi đắp sa bàn xong, tiến hành thảo luận trên sa bàn.
Thảo luận trên sa bàn sẽ do hai cán bộ PRA, nhóm lãnh đạo thôn buôn và ½ nhóm nữ, ½ nhóm hộ nghèo
tiến hành. Khi thảo luận trên sa bàn cần hỏi người dân xem thôn buôn được hỏi
tiếp giáp với những thôn buôn nào. Sau đó đi từng phần trên sa bàn, hỏi và
khuyến khích người dân thảo luận xem: Có gì thiếu trên phần đó không (nhà cửa,
rừng, suối, trường học, trạm xá...), nếu thiếu, nên làm bổ sung thêm cho đủ.
Hỏi các thông tin về nguồn tài nguyên (rừng, đất, nước), trình trạng trước đây
và hiện nay? Đề nghị người dân đánh giá tiềm năng phát triển nâng cao thu nhập
từ những tài nguyên này. Nêu các vấn đề/khó khăn liên quan đến các tài nguyên
này. Tác động của các vấn đề/khó khăn đó tới các hoạt động sản xuất và đời sống
của dân thôn buôn? Nguyên nhân của những khó khăn này? Đề xuất giải pháp? Sau
khi kết thúc thảo luận, một nông dân sẽ vẽ lại sa bàn vào giấy khổ lớn. Đặc
biệt lưu ý các phần đường đi, nơi có rừng, các loại đất. Cần hướng dẫn cho nông
dân trước khi vẽ một số điểm như tên thôn buôn; ghi chú bằng các ký hiệu vào
góc bản đồ (nhà, đường, suối, rừng...); ghi lại toàn bộ các thông tin của cuộc
thảo luận.
Xây dựng được
sơ đồ thể chế
Các sơ đồ thể chế còn được gọi là sơ đồ Venn hoặc biểu đồ
Chapati là các biểu hiện thị giác của các nhóm và các tổ chức khác nhau trong
một cộng đồng và các mối quan hệ và tầm quan trọng của họ trong việc ra các
quyết định. Mục đích là
tìm hiểu hoạt động của các cơ quan tổ chức và tác động của các cơ quan này đối
với sản xuất và đời sống của người dân từ đó có thể hỗ trợ người dân tiếp cận
với các dịch vụ của các cơ quan này tốt hơn. Cách tiếp cận: i) Hỏi người dân
xem các tổ chức mà họ biết có liên quan đến bản (kể cả tổ chức bên ngoài và bên
trong bản), ví dụ như Ngân hàng, Trạm khuyến nông huyện, Trạm thuỷ nông huyện,
Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, các nhóm tự quản, nhóm phụ nữ,
các câu lạc bộ...). Liệt kê các tổ chức này trên 1 giấy khổ lớn khác; ii) Đề
nghị người dân cho biết tổ chức nào có ảnh hưởng quyết định nhất đến các hoạt
động trong thôn bản; ghi tên tổ chức có ảnh hưởng quyết định nhất lên các tờ
giấy màu (đã cắt theo hình tròn) lớn nhât; tổ chức nào có vai trò quyết định ít
nhất thì ghi lên vòng tròn nhỏ; iii) Hỏi người dân xem tổ chức nào thường xuyên
đến bản nhất; sau đó dán tên tổ chức đó lên gần vòng tròn có tên bản nhất; làm
tương tự đối với tất cả các tổ chức còn lại. Khi sơ đồ đã
được hoàn thành thì dùng nó để hỏi người tham gia về các vấn đề chẳng hạn như
các thay đổi đã diễn ra như thế nào trong vòng 10 hoặc 20 năm trước; họ mong
muốn có những cải thiện gì liên quan đến các thể chế và các cá nhân được thể
hiện; và quy mô thành viên của các nhóm khác nhau. Ghi chép đầy đủ sơ đồ ấy
cùng với tên của những người tham gia để giúp họ tiếp cận được với các nguồn
như tín dụng chẳng hạn. [DRCC, 2008]
Sử dụng kỹ thuật xếp hạng vấn đề
Có
thể sử dụng một số kỹ thuật khác nhau để khêu gợi nhận thức của người dân về
những vấn đề quan trọng nhất mà họ gặp phải. Để thực hiện được mục đích đó, có
thể sử dụng một phương pháp đơn giản là đề nghị những người tham gia liệt kê
danh sách khoảng 6-7 vấn đề chủ yếu mà cộng đồng gặp phải, và sau đó đề nghị họ
xếp hạng các vấn đề đó theo trật tự tầm quan trọng. Một kỹ thuật mang tính hệ
thống được gọi là xếp hạng theo cặp sử dụng những tấm bìa để biểu hiện các vấn
đề khác nhau. Người hướng dẫn đưa ra hai tấm bìa “vấn đề” một lúc và hỏi: “Vấn
đề nào quan trọng hơn?”. Khi những người tham gia tiến hành so sánh thì cần
phải ghi các kết quả vào một khung ma trận. Các kết quả cuối cùng được rút ra
bằng cách đếm số lần mà mỗi vấn đề được đánh giá là quan trọng hơn các vấn đề
khác và xếp chúng theo trật tự thích hợp.
Một số lưu ý khi vẽ sơ đồ
thể chế: Chọn chủ đề
để xếp hạng tuỳ thuộc vào chủ đề đánh giá PRA. Đề nghị những người tham gia
(các cá nhân được phỏng vấn hoặc các thành viên tham gia thảo luận nhóm) lựa
chọn khoảng 6-7 vấn đề quan trọng nhất có liên quan. Ghi từng vấn đề lên mỗi
tấm bìa – nên sử dụng hình vẽ hoặc biểu tượng thay cho đoạn văn khi có thể. Đặt
hai tấm bìa trước mặt người được phỏng vấn và yêu cầu người đó chọn vấn đề lớn
hơn và đưa ra lý do cho sự lựa chọn đó. Đánh dấu câu trả lời vào ô thích hợp
trong ma trận xếp hạng ưu tiên. Đưa ra từng cặp khác nhau và lặp lại việc so
sánh. Lặp đi lặp lại cho đến khi đã kết hợp xong tất cả các cặp có thể (khi nào
toàn bộ các ô đã được đánh dấu hết). Liệt kê các vấn đề theo trật tự mà người
được phỏng vấn đã xếp hạng theo trật tự ưu tiên. Hỏi lại người được phỏng vấn
xem có còn vấn đề quan trọng nào còn bị bỏ sót không. Nếu còn thì hãy đánh dấu
vấn đề đó vào vị trí thích hợp trong bảng xếp hạng. Lặp lại cách đánh giá này
cùng với các cá nhân khác và lập bảng kê các đánh giá của họ. Nếu thích hợp
thì nên sử dụng phương pháp này để bắt đầu thảo luận về các giải pháp tiềm tàng
đối với các vấn đề ưu tiên.
[DRCC, 2008].
Sử dụng kỹ thuật xếp hạng ưu tiên
Tương tự với
xếp hạng vấn đề, xếp hạng ưu tiên cuốn hút những người tham gia vào việc đánh
giá các hạng mục hoặc các lựa chọn khác nhau bằng cách sử dụng các tiêu chí do
chính người tham gia xác định. Chẳng hạn tiến hành PRA về các doanh nghiệp nhỏ
có thể sử dụng phương pháp xếp hạng ưu tiên các hoạt động tạo thu nhập khác
nhau trong một cộng đồng. Các ví dụ khác về các loại lựa chọn có thể được xếp
hạng bao gồm các loại hoa màu, cây, cỏ, các nguồn tín dụng, các dịch vụ y tế
khác nhau, v.v….Kỹ thuật này có thể được sử dụng một cách hiệu quả trong thảo
luận nhóm vì nó có thể làm sáng tỏ các khác biệt thú vị giữa các thành viên
trong nhóm. Những khác biệt này có thể được khai thác trong các cuộc thảo luận
hoặc phỏng vấn tiếp theo với các cá nhân. Các khác biệt về giới cũng rất đáng
được khai thác vì nam và nữ thường có những ưu tiên hoàn toàn khác nhau và các
tiêu chí hoàn toàn khác nhau cho các ưu tiên đó.
Một số lưu ý khi sử dụng
kỹ thuật xếp hạng ưu tiên: Chọn chủ đề xếp hạng tuỳ thuộc vào lĩnh vực xem xét,
chẳng hạn các loại cây, các dịch vụ y tế, tín dụng, thu nhập, v.v…Yêu cầu người
tham gia liệt kê khoảng 6-7 hạng mục lựa chọn thay thế thông thường nhất thuộc
chủ đề này. Gợi ý các tiêu chí bằng cách hỏi về mỗi hạng mục: “Đối với hạng mục
này thì cái gì là tốt?” “Còn gì thêm nữa?” (tiếp tục cho đến khi không còn câu
trả lời nào nữa). Liệt kê toàn bộ các tiêu chí. Chuyển các thuộc tính tiêu cực
thành các thuộc tính tích cực (chẳng hạn “dễ bị tổn thương vì sâu bọ” thành
“kháng sâu bọ”. Giúp các bên tham gia xây dựng bảng ma trận với các tiêu chí
được liệt kê ở dưới; hạn chế sử dụng văn bản, mà nên sử dụng các biểu tượng,
hoặc các hình mẫu thật từ cuộc sống (chẳng hạn dùng lá cây để so sánh). Đối với
mỗi tiêu chí, đề nghị người tham gia chấm điểm từng hạng mục bằng cách sử dụng
các hòn sỏi hoặc các hạt ngũ cốc vào các hạng mục tương ứng. Khi ma trận đã
hoàn thành thì cần kiểm tra chéo các kết quả xếp hạng bằng cách hỏi “Nếu bạn
chỉ được chọn một trong số này thì bạn chọn cái nào? Tại sao?” Các câu hỏi
đó giúp làm sáng tỏ trọng lượng của tiêu chí đã đề xuất. Sử dụng các kết quả
xếp hạng cho các cuộc thảo luận tiếp theo để khai thác các quan điểm khác
nhau.
Sử dụng kỹ thuật phân loại kinh tế hộ
Phân
loại hộ gia đình cuốn hút các thành viên cộng đồng tham gia bằng cách xác định
và phân tích các nhóm hộ khác nhau về kinh tế. Công cụ này giúp nhóm PRA hiểu
rõ về thực trạng phân tầng kinh tế xã hội của người dân địa phương và các cách
xác định cũng như các chỉ báo của họ liên quan đến các nhóm hộ gia đình khác
nhau. Kỹ thuật phân loại hộ thu hút hàng loạt cá nhân thành nhóm thảo luận tập
trung bằng cách phân loại toàn bộ cộng đồng hoặc một bộ phận đặc biệt nào đó
của cộng đồng khi có quá nhiều hộ thì có thể phân loại khoảng 100 hộ. Các kết
quả phân loại hộ có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Những người
hướng dẫn có thể sử dụng việc phân tầng làm cơ sở cho việc lấy mẫu hộ cho các
cuộc phỏng vấn tiếp theo. Các kết quả cũng có thể được sử dụng để xác định nhóm
đối tượng mục tiêu, chẳng hạn nhóm hộ cực nghèo. Ở bất cứ nơi nào có thể thì cũng
nên kiểm tra chéo bằng cách đối sánh với các dữ liệu thứ cấp và bằng các cuộc
phỏng vấn tiếp theo đối với những người cung cấp thông tin chủ chốt. Các kết
quả phân loại hộ có thể được chuyển thành các điểm số cho từng hộ để giúp so
sánh trực tiếp với cách phân loại của những người cung cấp thông tin chủ chốt,
và để tính “điểm trung bình” cho toàn bộ kết quả phân loại. Mục tiêu là: i) để có một bức
tranh chung về tình hình kinh tế của các hộ gia đình trong thôn bản, tạo điều
kiện cho việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ; ii) tìm ra được nguyên nhân dẫn
đến một số hộ kinh tế đặc biệt khó khăn để có biện pháp giúp đỡ; và iii) tạo
điều kiện cho thành lập các nhóm phát triển kinh tế trong tương lai.
Một số lưu ý khi sử dụng kỹ thuật phân loại hộ: Cùng với những người tham
gia lập bảng danh sách toàn bộ hộ gia đình cần phân loại. Viết tên từng hộ lên
một tấm bìa riêng. Đề nghị người tham gia chia chia tập bìa thành vài cọc để
biểu hiện các nhóm hộ theo mức giàu nghèo khác nhau. Để cho người tham gia tự
quyết định xem cần chia thành bao nhiêu cọc bìa. Đối với những người không biết
chữ thì phải giúp họ đọc tên hộ được ghi trong mối tấm bìa để họ phân loại. Khi
những người tham gia phân chi các cọc bìa xong thì đề nghị họ quay trở lại kiểm
tra các cọc bìa và tuỳ ý điều chỉnh các bìa đó. Khi những người tham gia đã
bằng long với kết quả phân loại thì đề nghị họ xem xét các vấn đề về các yếu tố
quyết định vị trí của một hộ trong bảng phân loại; điều gì khiến cho họ di
chuyển một hộ từ nhóm này sang nhóm khác, v.v…Khi sử dụng kỹ thuật phân loại hộ
làm cơ sở cho việc lấy mẫu PRA cần đề nghị người tham gia xác định hai hoặc ba
hộ “điển hình” trong mỗi nhóm để các
cán bộ PRA đến thăm vào giai đoạn sau. Ghi lại các kết quả phân loại theo đặc
trưng của các hộ trong mỗi nhóm và nơi nào thích hợp thì ghi cả tên của các hộ
đó nữa. Hỏi về các hộ
kinh tế đặc biệt yếu trước, và đề nghị người dân cho biết tại sao lại cho đó là
hộ kinh tế đặc biệt yếu để tìm ra tiêu chí phân loại kinh tế hộ trong bản. Hỏi
tiếp đối với nhóm hộ kinh tế yếu, nhóm trung
bình, nhóm khá. Ghi lại vào bảng của mỗi nhóm hộ. Trong quá trình xác
định tiêu chí nếu người dân thay đổi ý kiến về danh sách hộ thì có thể chuyển
hộ giữa các nhóm. Bước tiếp theo là hỏi nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh tế
của nhóm yếu nhất và nhóm khá nhất. Với nhóm khá hãy hỏi tại sao họ có kinh tế
khá hơn các hộ khác: nguyên nhân có thể là có nhiều đất đai (hỏi tiếp tại sao
lại có nhiều đất đai?), có nhiều lao động, có kinh nghiệm làm ăn (hỏi tiếp xem
có kinh nghiệm gì?), có tài sản do cha mẹ để lại v.v.. Với nhóm kinh tế đặc
biệt yếu hãy hỏi tại sao và ghi lại toàn bộ những gì thảo luận với người dân.
Khi hỏi nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh tế hộ, hãy hỏi càng sâu càng tốt để
tìm ra cội nguồn nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh tế đó. Ghi lại kết quả đã
tham vấn [Seargeant,
John & Steele, Jane, 1998; Wickham T.W. 1993; World Bank 2004; World Trade
Organization 2002].
Các loại lịch mùa vụ do
người dân địa phương xây dựng thường là những công cụ rất hữu dụng cung cấp các
thông tin về các khuynh hướng mùa màng trong cộng đồng và xác định các giai
đoạn đặc biệt căng thẳng và dễ bị tổn thương. Tất cả các biến số mùa vụ có thể
được đưa vào trong một loại lịch mùa vụ để thể hiện một cái nhìn tổng quan về
hiện trạng trong suốt một năm. Những biến số này có thể bao gồm lượng mưa, các
thời vụ hoa màu, nhu cầu lao động, mức khả dụng của công việc có trả lương, di
động lao động theo thời vụ, tỷ lệ mắc bệnh của người, các mức chi tiêu, v.v…Các
giai đoạn quan trọng, chẳng hạn như mùa lễ hội cũng có thể được thể hiện trong
lịch mùa vụ.
Một số lưu ý khi sử dụng kỹ thuật
lịch mùa vụ: Đề nghị người tham gia đánh dấu năm bằng cách sử dụng lịch mùa vụ địa
phương của họ, loại lịch này thường khác với dương lịch. Sử dụng bất cứ loại
vật liệu nào có sẵn để thể hiện các xu hướng mùa vụ, chẳng hạn có thể sử dụng
phấn màu để vẽ các biểu đồ; các đống hạt, viên sỏi, hạt đậu, thậm chí cả phân dê
khô có kích cỡ khác nhau có thể được sử dụng để thể hiện những biến đổi mùa vụ;
hoặc có thể sử dụng những đoạn cành cây nhỏ, bẻ gãy thành các đoạn dài ngắn
khác nhau để mô tả tầm quan trọng tương ứng của các biến số mùa vụ. Kết hợp
toàn bộ các mô thức mùa vụ vào một biểu đồ để mô tả các mối tương quan giữa các
biến số và xác định bất cứ giai đoạn đặc biệt căng thẳng nào tương ứng với các
mùa vụ xác định trong lịch địa phương
[Seargeant, John & Steele, Jane, 1998; Wickham T.W. 1993; World Bank 2004;
World Trade Organization 2002].
Mục tiêu là: Thu thập các thông tin cần thiết
liên quan đến thời tiết, khí hậu, bệnh tật và mùa vụ để phục vụ cho các hoạt
động sản xuất trong bản. Tìm ra những khó khăn của dân bản liên quan đến sản
xuất và đời sống. Tìm ra thời gian nông nhàn trong năm để bố trí các lớp tập
huấn trong quá trình thực hiện dự án. Nhóm cán bộ giới thiệụ mục đích của hoạt
động. Hãy nhớ các nguyên tắc và kỹ năng của các phương pháp có sự tham gia, như
tạo không khí vui vẻ hoà đồng như một cuộc trò truyện giữa những người bạn, tạo
tính sở hữu của người dân cho hoạt động này v.v.. Cán bộ PRA dùng phấn vẽ lên
mặt sàn (hoặc dùng bút vẽ lên giấy khổ lớn) khung lịch mùa vụ. Tiến hành
làm với biểu đồ thời tiết trước: hãy hỏi dân bản tháng nào lượng mưa nhiều nhất
và coi đó là 100 %. Hỏi tiếp các tháng sau và vẽ thành biểu đồ. Kết quả của
biểu đồ thời tiết có thể tham khảo bản ví dụ kèm theo. Quy trình hỏi về lịch
cây trồng vật nuôi được thực hiện như sau: i) hỏi người dân về các loại cây
trồng vật nuôi và ghi lại theo như thứ tự trên bảng (lâm nghiệp, cây ăn quả,
cây nông nghiệp, chăn nuôi...). Cần ghi lại toàn bộ các hoạt động, chứ không
phải riêng các hoạt động liên quan đến lĩnh vực đang hỏi; ii) hỏi và đánh dấu
thời gian vào bảng mô tả các công đoạn liên quan đến loại cây trồng vật nuôi đó
từ khi bắt đầu đến khi thu hoạch. Cần chú ý rằng các thông tin trên bảng không phải là duy nhất, với mỗi công đoạn cần
hỏi thêm tất cả các thông tin liên quan [Renn, O., Webler,T., Rakel, H.,
Dienel, P. & Johnson, B. 1993].
Sử dụng phương pháp SARAR
SARAR là từ
viết tắt của các từ tiếng Anh: Self-esteem (Tự trọng), Associative strength (Sức
mạnh kết hợp), Resourcefulness (Tháo vát), Action planning (Kế hoạch hành động),
và Responsibility (Trách nhiệm). SARAR được thừa nhận là một phương pháp đào tạo,
tập huấn để làm việc với các bên tham gia ở các cấp độ khác nhau nhằm tăng cường
năng lực sáng tạo tham gia vào lập kế hoạch và giải quyết vấn đề. Các cách tiếp
cận tăng cường nguồn nhân lực về tâm lý và giáo dục được sử dụng trong: i) bối
cảnh phát triển dựa trên cộng đồng nhằm tăng cường nhận thức về các vấn đề và
tăng mức độ cam kết nhằm giải quyết các vấn đề đó; ii) bối cảnh tổ chức nhằm
thúc đẩy các bên liên quan cùng tham gia phân tích vấn đề, giúp tái định hướng
và tăng cường năng lực tiếp cận tham gia cho nhân viên trong các tương tác của
họ với các bên liên quan khác. Phương pháp SARAR còn được sử dụng để giúp cộng
đồng xây dựng các kế hoạch hành động của riêng họ với tư cách là một hợp phần của
kế hoạch dự án, và giúp họ tổ chức thực hiện các kế hoạch đó một cách hiệu quả.
Ngoài ra các kỹ thuật của SARAR còn có thể được sử dụng để đánh giá các hoạt động
hiện tại ở cấp địa phương [Sarkissian,
Wendy & Walsh, Kevin (eds) 1994; Ha
Huu Nga 2009].
Các nguyên tắc chủ chốt của SARAR:
Tự
trọng là tự coi
mình như một cá nhân và một nguồn lực giá trị cho phát triển; Sức mạnh kết hợp là năng lực xác định và
hành động hướng đến một tầm nhìn chung thông qua thái độ tôn trọng, tin tưởng lẫn
nhau và nỗ lực hợp tác với nhau; Tháo vát là năng lực hình dung các giải
pháp mới cho các vấn đề ngay cả khi bị chống đối mạnh mẽ, và mong muốn được
trải nghiệm các thách thức và sẵn sàng chấp nhận rủi ro; Kế
hoạch hành động là việc kết
hợp tư duy phê phán với tính sáng tạo để xây dựng được các kế hoạch mới, hiệu
quả, dựa trên cơ sở thực tiễn trong đó mỗi người tham gia đều có một vai trò đầy
đủ và hữu ích; Trách nhiệm là tuân thủ
các cam kết và hoàn thành đầy đủ mọi trách nhiệm để đạt được các lợi ích mong
muốn của dự án [Renn, O.,
Webler,T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. 1993; Sarkissian, Wendy
& Walsh, Kevin (eds) 1994; Ha
Huu Nga 2009].
Các loại kỹ thuật chủ đạo của SARAR: Kỹ thuật khác nhau của SARAR có thể được chia
thành năm loại chính: Kỹ thuật sáng tạo:
nhằm thúc đẩy phát triển các quan điểm mới, các ý tưởng, các giải pháp mới, và
xây dựng niềm tin cũng như năng lực tự thể hiện của mỗi người tham gia; Kỹ thuật điều tra: nhằm làm sáng tỏ việc
tìm tòi, thu hút các bên liên quan tham gia vào hoạt động thu thập và xử lý dữ
liệu và tăng cường năng lực kiểm soát thông tin của các bên liên quan địa
phương; Kỹ thuật phân tích: nhằm đưa
các bên liên quan tham gia vào việc đánh giá, xác định ưu tiên, và tìm kiếm các
giải pháp cho các vấn đề được đặt ra; Kỹ
thuật lập kế hoạch: nhằm phát triển các kỹ năng trong việc xây dựng kế hoạch
hành động một cách hệ thống; trong việc giám sát đánh giá toàn diện, trong việc
tăng cường năng lực sáng tạo của nhóm; Kỹ
thuật thông tin: nhằm thu thập thông tin bằng những cách thức thú vị, thoải
mái và sử dụng các thông tin đó một cách hữu hiệu cho các quá trình ra quyết định
[Renn, O.,
Webler,T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. 1993; Sarkissian, Wendy
& Walsh, Kevin (eds) 1994; Ha
Huu Nga 2009].
Các công cụ SARAR thường sử dụng: i) Kỹ thuật giỏ phiếu hình, đó là các bảng,
các biểu phiếu giỏ cho các cuộc thảo luận nhóm để thu thập và phân tích thông
tin về hàng loạt chủ đề khác nhau. Trên một tấm pan nô lớn người ta gắn những
chiếc giỏ được làm bằng vải, bằng giấy hoặc bìa cứng vào một khung (ma trận)
theo các cột và các hàng. Người tham gia “bỏ phiếu” bằng cách đặt các tấm bìa
biểu trưng vấn đề vào các giỏ khác nhau theo sự lựa chọn của họ, sau đó “kiểm
phiếu”, lập bảng kê và phân tích kết quả. Bằng cách thay đổi các biểu trưng
trên đầu khung ma trận, thì vẫn có thể dung các biểu phiếu đó để tham vấn về bất
cứ vấn đề nào khác; ii) Kỹ thuật chia ba: được sử dụng để đánh giá hiểu biết và
cách nhìn nhận của các bên liên quan về một vấn đề nào đó. Kỹ thuật này cần một
tập mảnh bìa cứng có kích thước khoảng 13 x 18 cm thể hiện các hành vi hoặc các
điều kiện của làng có thể được giải thích là tốt, xấu hoặc bình thường tuỳ vào
các hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ như vấn đề sức khoẻ cộng đồng những người tham
gia đặt mỗi tấm bìa vào một trong ba cọc bìa: một cọc thể hiện điều kiện vệ
sinh hoặc công tác chăm sóc sức khoẻ tốt; cọc thứ hai xấu; cọc thứ ba trung
bình hoặc không rõ. Các hành vi thông thường được thể hiện trên các tấm bìa gồm
có trẻ em đang chơi xung quanh một nguồn nước và quậy phá nguồn nước đó, các
bàn tay đang giặt dính đầy bọt xà phòng, thức ăn thừa bỏ vương vãi, vòi nước để
chảy tự do, tắm ngay dưới vòi nước, bơi trong ao nước bẩn, đốt rác, trồng cây,
v.v…; iii) Kỹ thuật câu chuyện bỏ dở được sử dụng để có được các giải pháp cho
các vấn đề đã được phát hiện. Kỹ thuật này sử dụng một cặp hình vẽ minh hoạ một
tình huống “trước” và một kịch bản “sau” đã được cải thiện. Chẳng hạn hình vẽ
tình huống trước có thể mô tả một người mẹ đang ngăn đứa con nhỏ không cho nó
vào nhà xí; còn kịch bản “sau” cũng vẫn bà mẹ đó lại đưa đứa trẻ đó vào nhà xí
đã được dọn dẹp sạch sẽ. Sau đó những người tham gia sẽ thảo luận cả hai hình vẽ
và hoàn thành câu chuyện còn bỏ dở bằng cách xác định các bước cần thiết để thể
hiện tình huống đã được cải thiện. Có thể thu thập các phương án lý giải hoặc
các gợi ý khác bằng cách chia những người tham gia thành một vài nhóm nhỏ thảo
luận tập trung, chẳng hạn như các nhóm phụ nữ và nam giới, các nhóm thanh niên
và người cao tuổi và đưa cho mỗi nhóm cùng tập hình vẽ đó. Sau khi phân tích
các hình vẽ các nhóm thảo luận tập trung có thể cùng xây dựng báo cáo về các cuộc
thảo luận của họ và so sánh các quan điểm của họ với nhau [Renn, O., Webler,T., Rakel, H.,
Dienel, P. & Johnson, B. 1993; Sarkissian, Wendy & Walsh, Kevin (eds)
1994; Ha Huu Nga
2009].
9.
Lợi ích ứng dụng tri thức địa phương và các vấn đề liên quan
Tri thức bản địa còn liên quan đến nhiều phương diện khác như: về việc bảo vệ rừng
đầu nguồn, về kỹ thuật canh tác đất dốc, về việc bảo vệ các nguồn nước,
và các cách ứng dụng vào thực tiễn quy hoạch sử dụng, bảo tồn và phát
triển nông thôn ngày nay. Tri thức bản địa về các lĩnh vực xã hội bao gồm việc xác định tri thức, kinh nghiệm bản địa về các mâu thuẫn, tranh chấp,
xung đột liên quan đến đất đai; tri thức, kinh nghiệm bản địa về tình trạng nghèo đói và các vấn đề an ninh lương thực. Xác định tri thức, kinh nghiệm bản địa về các mâu thuẫn, tranh chấp,
xung đột liên quan đến dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán. Xác định tri thức, kinh nghiệm bản địa về việc tổ chức hoà giải, lễ hội
củng cố đoàn kết các dân tộc, các làng, các
cộng đồng, các lễ thức cam kết bảo vệ rừng,
nguồn nước, đất đai, các nguồn tài nguyên, không
xâm phạm giữa các cá nhân, gia đình, cộng đồng, dân tộc, v.v…; [Ha Huu Nga, 2008]
Tiếp
cận tham gia trong ứng dụng tri thức bản địa là cung cấp đầy đủ thông tin cho các bên liên quan. Các bên liên
quan được
tham vấn lựa chọn các phương án quy hoạch, được tham gia đóng góp ý kiến và ra quyết định; được tham gia thực hiện và giám sát đánh giá quy hoạch. Các bên
liên quan hiểu rõ về hiện trạng sử
dụng đất, các khuynh hướng diễn biến môi trường và các vấn đề tác động đến cộng đồng. Tiếp cận tham gia nâng cao nhận
thức và tăng cường kiến thức về các vấn đề sử dụng đất, các vấn đề môi trường, và các biện pháp bảo vệ môi trường; nhằm đạt được các lựa chọn tốt nhất, cải thiện được chất lượng và lợi ích của bản quy hoạch; đạt
được
đồng thuận cao và
tăng thêm tính bền vững trong quy hoạch sử dụng đất. Việc xác định các bên liên quan bao gồm
những người có thể tác động đến kết quả của bản quy hoạch sử dụng
đất; người chịu tác động nhiều nhất hoặc chịu tác động tiêu cực bởi các thay đổi từ quy hoạch sử dụng đất; người được hưởng lợi từ những thay đổi của quy hoạch sử dụng đất; người có vẻ không thích các thay đổi được đề xuất; người bị giảm thu nhập và sinh kế gặp khó khăn khi thay đổi; người thuộc các nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương và/hoặc các nhóm DTTS. Tất cả đều thuộc về
lĩnh vực xác định các bên liên quan địa phương [Narayan D. 1996; New Economics Foundation
1998; Peel, Pauline 1999].
Tất cả những người sống trong phạm vi tác động của quy hoạch; Tất cả những người sống trong phạm vi chịu tác động hoặc thay đổi của quy hoạch; Tất cả những người bị thu hồi đất; Tất cả những người bị giảm thu nhập do quy hoạch; Phân tích các nhóm liên
quan theo: i) các đặc trưng (nghề nghiệp, thu nhập, giáo dục,
tỷ lệ biết chữ, v.v…); ii) tri thức, niềm tin, thái độ liên quan đến quy hoạch và các thay đổi được đề xuất; iii) lợi ích và chi phí cho các bên liên
quan; iv) hạ tầng thông tin và việc cung cấp thông tin cho các bên liên quan
(các phương tiện, nguồn lực, phương thức); v) khả năng tiếp cận thông tin, nguồn lực tài chính, tín dụng, thị trường. Tất cả những người phải chịu tác động đến các giá trị và biểu tượng văn hoá, lịch sử và tôn giáo của họ. Tất cả những
người
phải chịu thay đổi điều kiện sống (tiếng ồn, ô nhiễm đất, nước, không khí, ánh sáng, giao
thông, v.v…).
Có
thể phân loại các bên liên quan thành các nhóm chính theo: Nghề nghiệp: i) làm
nông; ii) thủ công; iii) buôn bán nhỏ; iv) cán bộ, viên chức; v) công nhân,
v.v…; Khu vực: i) người sống cùng một vùng đồng bằng, thung lũng; ii) người sống dọc theo một con sông;
iii) người sống trong cùng một làng, xã.
Xã hội: i) hộ nghèo;
ii) hộ trung bình;
iii) hộ khá giả; iii) nhóm dân tộc thiểu số v.v… [Ha Huu Nga, 2008];
Các
bên liên quan cần làm là xác định các vấn đề chung, như:
i) dân số và dân cư (Kinh, DTTS, người nhập cư);
ii) Các sản phẩm và các khoản thu nhập (từ nông nghiệp, thủ công, làm thuê, lương, phụ cấp, kinh doanh, dịch vụ,
v.v…). Xác định các vấn đề liên quan đến quy hoạch sử dụng đất
(diện tích đất
ở/hộ, các loại hoa
màu, đất thổ cư, đất chăn thả, đất làm khu công nghiệp, đất công, đất ao hồ, đất khác, v.v…;. Xác định các nguồn tài nguyên thiên nhiên:
i) sử dụng hoặc phụ thuộc vào các nguồn sau: đầm hồ, rừng, đất trống chăn thả; các loại năng lượng, chất đốt dùng cho thắp sáng, đi lại, nấu nướng, sinh hoạt;
ii) chất lượng và số lượng nước sạch đang sử dụng: có được cải thiện hay kém đi? Có bị
thiếu hay đầy
đủ?
Tại sao?; iii) các vấn đề về nước thải, rác thải? xử lý thế nào? iv) có bị ảnh hưởng bởi các hoạt động công nghiệp, thủ công, kinh
doanh, dịch vụ ở liền kề không? bị ảnh hưởng như thế nào (bụi bẩn,
tiếng ồn, khói, mùi độc hại?). Xác định các vấn đề môi trường liên quan đến quy hoạch sử dụng đất?
(gió bão, lụt lội, hạn hán, rét, nóng, sâu bệnh, lở đất, sa bồi, sói mòn, thoái hoá đất, sa mạc hoá, v.v…).
Xác định các vấn đề xã hội và kinh tế:
i) năng lực thị trường của người dân địa phương; hạ tầng cơ sở địa phương; ii) các
tranh chấp, xung đột về sử dụng đất;
iii) các mâu thuẫn, xung đột liên quan đến tôn giáo, dân tộc; iv) tình trạng nghèo khổ và an ninh lương thực; v) lao động, việc làm và thu nhập;
vi) bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình, và các tệ nạn xã hội;
vii) chăm sóc y tế, giáo dục và các dịch vụ
công;
viii) khả năng tiếp cận tín dụng, cải thiện điều kiện sống;
ix) phê bình, góp ý liên quan đến các vấn đề xã hội trong quy hoạch sử dụng đất?
[Ha Huu Nga 2009]
Sử dụng các công nghệ địa phương vào quy hoạch cảnh quan và sử dụng
đất: Sử dụng các công nghệ địa phương vào quy hoạch cảnh quan và sử dụng
đất như thế nào? (phương thức du canh; kỹ thuật bỏ hoá; đa dạng hoá cây trồng vật nuôi; kỹ
năng thuỷ lợi bản địa truyền thống); công nghệ thu hoạch,
bảo quản, chế biến nông sản; kỹ thuật canh tác trên đất dốc); Sử dụng các công nghệ thích ứng của địa phương như thế nào vào việc bảo vệ các nguồn
tài nguyên thiên nhiên (bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ, lưu giữ các nguồn gien quý hiếm). Sử dụng các tri thức xã hội địa phương vào quy hoạch cảnh quan và sử dụng
đất như thế nào trong việc kiểm soát và giải quyết các mâu thuẫn,
tranh chấp, xung đột về sắc tộc, tôn giáo?; Sử
dụng các tri thức xã hội địa phương vào quy hoạch cảnh quan và sử dụng
đất như thế nào trong việc tổ chức hoà giải,
lễ hội củng cố đoàn kết các dân tộc, các làng, các
cộng đồng, các lễ thức cam kết bảo vệ rừng,
nguồn nước, đất đai, các nguồn tài nguyên, không
xâm phạm giữa các cá nhân, gia đình, cộng đồng, dân tộc.
_______________________________________
PS.
Hơn
20 năm tham gia các dự án giảm nghèo và các dự án phát triển của Ngân hàng Thế
giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với vị trí chuyên gia dân tộc
thiểu số tại các vùng xa xôi, hẻo lánh nhất của Việt Nam đã giúp tôi học hỏi được
rất nhiều điều từ những người Bahnar, Brâu, Bru-Vân Kiều, Chăm, Chăm Hroi,
Châu, Chu Ru, Cor, Êđê, Giáy, Giẻ, Ha Lăng, H’mông, Hrê, Jarai, Khmer, Khmu, Kơ
Tu, Mạ, M’nông, Mường, Nùng, Pa Hy, Pa Kô, Raglay, Rơ Măm, Sán Chay, Sê Đăng,
Tà Ôi, Tày, Thái, Thổ, Triêng, v.v...Những năm tháng sống với rừng, lại được trở
thành một đứa con của rừng là quãng đời không thể nào quên.
*
Ghi
chú: Bài
tham gia Hội thảo khoa
học Nghiên cứu một số giá trị tri thức
bản địa, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy để góp phần phát triển kinh
tế-xã hội tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Ngãi 30/12/2009.
Tài liệu tham khảo
DRCC - Trung tâm
Nghiên cứu và Tư vấn về Phát triển 2008. Đánh
giá xã hội dự án thuỷ điện Trung Sơn. Báo
cáo cho Ngân hàng Thế giới, Hà Nội.
Ha Huu Nga 2008. Ethnic
Minority Survey and Assessment Report in
FSDP, Phase I, The World Bank, Hanoi.
Ha Huu Nga 2009. Guidance
Notes to the EMDP Implementation in FSDP,
Final Report to the World Bank, Hanoi.
IIED -
International Institute for Environment and Development, 1994. RRA notes.
No.21: Special issue on participatory
tools and methods in urban areas. Sustainable Agriculture Programme and
Human Settlements Programme, IIED, London, UK.100p.
IIRR -
International Institute of Rural Reconstruction, 1996. Recording and using indigenous knowledge: a manual, IRR, Cavite,
Philippines, 211pp.
Narayan D.
1996. Toward participatory research.
World Bank, Washington, DC, USA. Technical Paper No.307., 265 pp.
New Economics
Foundation 1998. Participation Works: 21
techniques of community participation for the 21st century, New Economics
Foundation, London.
Peel, Pauline 1999. Community Participation in Decision-Making
and Service Delivery — Government of Ourselves, by Ourselves, paper
presented to the Institute of Public Administration Australia Conference, August,
Canberra.
Renn, O., Webler,T., Rakel, H.,
Dienel, P. & Johnson, B. 1993. Public
Participation in Decision-Making: A Three-Step Procedure, Policy Sciences,
26: 189–214.
Sarkissian, Wendy & Walsh,
Kevin (eds) 1994. Community Participation
in Practice: Casebook, Institute for Science and Technology Policy, Murdoch
University.
Seargeant, John & Steele,
Jane, 1998. Consulting the Public: Guidelines and Good Practice, Policy Studies
Institute, London.
Wickham T.W.
1993. Farmers ain’t no fools: exploring
the role of participatory rural appraisal to access indigenous knowledge and
enhance sustainable development research and planning. A case study of
Dusun Pausan, Bali, Indonesia, Faculty of Environmental Studies, University of
Waterloo, ON, Canada. Master’s thesis, 211 pp.
World Bank 2004. World
Development Report 2004: Making Services Work for Poor People. Oxford
University Press. www.worldbank.org/wdr
World Trade Organization 2002. Transparency. WT/WGTI/W/109
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét