Powered By Blogger

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

शिव नटराज Shiva Nataraja: Huyền thoại, Tượng học và Linh nghĩa (I)



शिव नटराज Shiva Nataraja: Huyền thoại, Tượng học và Linh nghĩa (I)

Richard Stromer

Người dịch: Hà Hữu Nga

Ôi Người Đấng Sáng tạo, Đấng Hủy diệt,
Người sinh thành và dung dưỡng một tối hậu,
Nhật vũ ánh dương tưng bừng chim muông, con trẻ
Dạ vũ u minh cùng bầy tử thi bùng bùng sàn lửa
Ôi Người, शिव* Shiva!
Ôi Người भैरव* Bhairava đêm đen khủng khiếp
Ôi Người  तथा* Như thị! Ôi Người माया* Ảo hóa,
Ôi Người शुन्य* Trống rỗng! Ôi Người पूर्ण* Tràn đầy
Ta kính dâng ngàn hoa lên Người, Chúa tể Cõi sống;
Ta kính dâng con tim ta lên Người, Chúa tể Cõi chết;
Con tim ta giờ đây là sàn lửa của Người
U minh đó và Ngã thể đó rụi tan trong lửa
Ôi Người भैरव* Bhairava vũ điệu tro tàn
Ôi Người शिव नटराज* Shiva Nataraja
Vũ vương giữa chốn ngàn hoa
Ta quay trong vũ điệu cùng Người.

(Huxley, 167)

Hình tượng thần Shiva Ấn giáo nhảy múa trong vòng lửa khổng lồ giữa những biểu tượng thân thương nhất và kinh hoàng nhất của quan niệm Ấn Độ giáo về bản chất của vũ trụ. Thực ra, trong sâu thẳm của linh tượng đầy quyền năng này, chúng ta phát hiện ra một quá trình trưng cất biểu tượng của bản chất linh thức Ấn Độ giáo. Trong phần giới thiệu một văn bản khổng lồ về Ấn Độ giáo đương đại có tiêu đề Khiêu vũ cùng Shiva,  Satguru Sivaya Subramuniyaswami nhận ra rằng “Chính Điệu nhảy Vũ trụ ấy đã mô tả quan điểm Ấn Độ giáo về tồn tại”, và đối với người Ấn Độ thì “Khiêu vũ cùng Shiva là tất cả những gì mà chúng ta hành động, là tất cả những gì mà chúng ta tư duy, chúng ta nói, và chúng ta cảm nhận từ lúc chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Đó chính là thần và người vĩnh hằng quấn quít trong vũ điệu thiêng” [Hinduism.co.za 1998, p.xviii]. Vì sự viện dẫn Shiva ở trên đem đến cho ta một bài học hay, nên Vũ điệu Shiva cũng được coi là ẩn dụ đầy hấp dẫn và mạnh mẽ về nguồn năng lượng ẩn chứa trong trung tâm của quá trình chuyển hóa tinh thần.

Khi đề cập đến tính chất phổ biến rộng rãi của hình tượng này, David Smith đã nhận thấy trong một nghiên cứu mới đây của ông về Vũ điệu Shiva như sau: “hình tượng này không chỉ là một hình thức thần Shiva Ấn Độ giáo nổi tiếng nhất ở phương Tây”, mà “thực ra có lẽ còn là biểu tượng thị giác phổ biến nhất của Ấn Độ giáo đối với thế giới hiện đại” [Hinduism.co.za 1998, p.1]. Trong một nghiên cứu về ý nghĩa tôn giáo của vũ điệu Ấn Độ giáo cổ điển, Anne-Marie Gaston đã phổ quát hóa quan điểm này bằng cách nhận xét rằng phức hợp biểu tượng hàm chứa trong Vũ điệu Shiva “đã tạo ra được một trong những tượng học đẹp nhất thế giới” [Hinduism.co.za 1998, p.47]. Trong chuyên khảo này, tôi sẽ khai thác các khía cạnh biểu tượng phong phú từ các viễn cảnh của cả thần thoại Ấn Độ và biểu tượng học để đi tới kết luận với một số suy nghĩ cá nhân về ý nghĩa của Vũ điệu Shiva.

Trước khi đào bới sâu thêm vào biểu tượng Vũ điệu Shiva, một điều rất quan trọng là phân biệt những gì liên quan đến nguồn gốc của hình tượng này và về dáng vẻ đặc biệt tạo dựng nên hình tượng. Với tư cách là một linh tượng, rõ ràng Shiva đã được thể hiện như là một vũ công thần nữ chủ yếu cho lịch sở Ấn Độ và đã được tạo dáng bằng vô số hình thế. Subramuniyaswami cho rằng “tính chất phức tạp vô cùng của Vũ điệu Shiva được thể hiện theo truyền thống thành 108 tư thế khác nhau  [Hinduism.co.za 1998, xix], còn Smith thì cho rằng tính chất phong phú của các dạng thức ấy đã có từ thế kỷ 15 TCN [Hinduism.co.za 1998, p.1]. Có vẻ đã rõ là từ tất cả các diễn giải được xem xét trong bài viết này cho thấy hình dáng đặc biệt của tượng Shiva đã trở nên quá thân quen đối với chúng ta chính là biến thể đặc biệt đã ít nhiều tạo thành một hình dáng chuẩn vào khoảng thế kỷ 10 khi hàng loạt bức tượng điêu khắc bằng đồng đã được làm ra vào giai đoạn चोल** Chola** muộn. Phiên bản tượng này của Vũ điệu Shiva đầu tiên đã lôi cuốn sự chú ý của các học giả phương Tây là do tiểu luận lừng danh Vũ điệu Shiva của Ananda Coomaraswamy; vậy là mãi cho đến năm 1912 người phương Tây mới biết đến Coomaraswamy và sau đó ông lập tức trở nên nổi tiếng thế giới.  

Phiên bản tượng Shiva nổi tiếng nhất đang nhảy múa ấy được quy chiếu vào truyền thống Ấn Độ giáo với cái tên tiếng Phạn नटराज Nataraja có nghĩa là Vũ vương. Ở tượng này Shiva được tạo tác với 4 tay, đang múa trong một vòng lửa, với chân phải nâng lên và hơi vuông góc đưa ra phía trước, còn bàn chân trái đặt vững chắc trên cơ thể của một tiểu quỷ hoặc người lùn nằm phủ phục bên dưới. Hai bàn tay phía trên đều cầm một linh tượng đặc biệt, trong khi hai bàn tay phía dưới thể hiện các phép मुद्रा mudra ấn quyết.

Bên cạnh đó cũng cần phải lưu ý rằng chí ít cũng có một sự khác biệt nào đó về ý kiến của các học giả liên quan đến các hình tượng Vũ vương Shiva có thể phản ánh vai trò của Shiva với tư cách là नटराज Nataraja Vũ vương. Smith kết luận rằng chỉ có phiên bản bốn tay với chân phải hơi vuông góc đưa ra phía trước là thể hiện शिव नटराज Shiva Nataraja, trong khi đó Gaston lại coi tất cả các hình tượng Shiva đang múa là नटराज Nataraja Vũ vương. Trong tiểu luận này tôi chỉ coi hình tượng Shiva đang múa nào có bốn tay mới là शिव नटराज Shiva Nataraja, vừa bởi vì hình tượng đó đã được thừa nhận rộng rãi, và còn vì đó là phiên bản duy nhất được tất cả các học giả thừa nhận là शिव नटराज Shiva Nataraja Vũ vương.

Rất thú vị là trong khi शिव नटराज Shiva Nataraja chắc chắn là hình tượng của Vũ vương Shiva thân thuộc nhất đối với người phương Tây và đối với các nhà lịch sở nghệ thuật thế giới thì Gaston lại lưu ý rằng “thực ra đó không phải là hình tượng phổ biến nhất, khi nó ít nhiều được giới hạn ở Nam Ấn Độ” và ngay cả ở Nam Ấn Độ thì cũng vẫn có thể thấy các hình tượng Shiva được thể hiện bằng hàng loạt tư thế múa [Hinduism.co.za 1998, p.47]. Tuy nhiên, trong khi chỉ ra rằng tục thờ cúng शिव नटराज Shiva Nataraja ngày nay phổ biến rộng rãi tại Nam Ấn Độ, bà cũng thận trọng lưu ý rằng khái niệm Vũ vương Shiva “về cơ bản với tư cách là một vị thần Nam Ấn thì rõ ràng là chưa phát hiện thấy, vì các tượng Shiva trong tư thế múa có nguồn gốc từ mọi nơi trên tiểu lục địa Ấn Độ, bao gồm cả Kashmir và vùng Himalaya” [Hinduism.co.za 1998, p.56]. Smith khẳng định quan điểm này bằng một ghi chú là cho dù đền thờ Shiva chỉ dùng để thờ cúng शिव नटराज Shiva Nataraja đặt ở Chidambaram thuộc Tamilnadu, thì “toàn bộ các đền thờ Shiva khác đều có điện thờ नटराज  Nataraja, hoặc chí ít thì cũng có một bức tượng नटराज  Nataraja, bên cạnh điện thờ लिङ्गं* linga [Hinduism.co.za 1998, p.1].

Cùng với câu hỏi về tư thế nào của Shiva thể hiện đó đích thực là शिव नटराज Shiva Nataraja còn có những tranh luận của các học giả liên quan đến bản chất của điệu múa thiêng của riêng शिव नटराज Shiva Nataraja. Thông thường các học giả cho rằng Shiva biểu diễn vũ điệu có tên là आनन्द ताण्डव* Ananda Tāndava Lạc vũ - Vũ điệu Lạc thú*. Trong đó ताण्डव* tāndava nghĩa đen là nộ vũ*, còn आनन्द*  ananda có nghĩa là khoái lạc, hai từ này kết hợp với nhau thực sự hàm nghĩa một nghịch vũ bắt đầu bằng cuồng nộ và sau đó chuyển hóa thành trạng thái khoái lạc [Hinduism.co.za 1998, p.240].

Cách cắt nghĩa tên gọi Vũ điệu नटराज Nataraja giúp diễn giải xác quyết của Smith cho rằng hình tượng Vũ vương Nataraja tích hợp các thuộc tính của hai vai trò đối lập của Shiva trong truyền thống Ấn Độ giáo, vai trò của भिक्षाटन* Bhiksatana hành khất và của भैरव* Bhairava nỗi khiếp sợ [Hinduism.co.za 1998, p.186]. Shiva với tư cách là một भिक्षाटन* Bhiksatana là một kẻ hành khất đẹp mã lang thang, quyến rũ các bà vợ của ऋषि rishis các nhà tiên tri xấu xa, trong khi đó भैरव* Bhairava lại là Shiva đội lốt kẻ hủy hoại kinh hoàng và là chúa tể của miền đất cháy. Trong công trình nghiên cứu Shiva: The Erotic Ascetic – Shiva: Khổ hạnh Đa tình, Wendy Doniger O’Flaherty đã đồng ý với cách nhìn này về नटराज Nataraja khi nhận thấy rằng Vũ điệu của Nataraja tích hợp cả thuộc tính lưỡng thế काम* kama đa tình lẫn तपस्* tapas khổ hạnh [Hinduism.co.za 1998, p.17]. Cần phải lưu ý rằng Coomarswamy không chia sẻ quan điểm này; ông không coi vai trò của शिव नटराज Shiva Natarajaताण्डव* tāndava nộ vũ*, và cũng không phải là vai trò của भैरव* Bhairava nỗi khiếp sợ [Hinduism.co.za 1998, p.57]. Tuy nhiên khi trả lời phản đối của Coomarswamy về các thuộc tính hủy hoại và đe dọa của नटराज Nataraja, Gaston kết luận trong phân tích chi tiết của bà về vũ điệu cổ điển Ấn Độ giáo như sau: về cơ bản आनन्द ताण्डव* Ananda Tāndava Lạc vũ* “ẩn trong tất cả các trường hợp khác về vũ điệu Shiva, mặc dù bản thân các huyền thoại và những đặc điểm của chúng về tượng học không phải luôn thể hiện vũ điệu đó” [Hinduism.co.za 1998, p.4].

Bỏ qua các chi tiết tượng học và huyền thoại, địa lý và lịch sử cụ thể, tất nhiên luôn gắn liền với शिव नटराज Shiva Nataraja thì bất kỳ sự suy ngẫm nào về Vũ vương Shiva cũng đi kèm với nó vô số liên tưởng gắn liền với vũ điệu như một phép ẩn dụ tinh thần. “Hơn bất cứ một thần linh nào khác”, Gaston ghi nhận, “vù điệu gắn liền với huyền thoại của Shiva, tạo hình trong thuộc tính cao quý của nó một ẩn dụ về chu kỳ sáng tạo và hủy diệt cũng như từng chu kỳ sinh thành và tái sinh của vũ trụ” [Hinduism.co.za 1998, p.4]. Mức độ tích hợp của vũ điệu vào hình tượng नटराज Nataraja được Subramuniyaswami nêu bật thông qua quan sát cho rằng “người ta không thể chia tách vũ công khỏi vũ điệu, cũng hệt như người ta không thể chia tách Thượng đế khỏi thế giới hoặc khỏi chính chúng ta” [Hinduism.co.za 1998, p. xviv].

Đào sâu thêm vào quan niệm về vũ điệu như là phép ẩn dụ tinh thần, người ta phát hiện ra rằng các ý tưởng về nhịp điệu và vận động thể hiện tầm quan trọng mang tính tượng trưng, với nhịp điệu phản ánh mô thức năng lượng ban sơ của vũ trụ. Coomarswamy đã nói về mối quan hệ của nhịp điệu với các vũ điệu linh thánh khi ông viết “ý niệm căn cội ẩn sau tất cả các vũ điệu này ít nhiều đều là một và chỉ có một, sự biểu thị năng lượng nhịp điệu ban sơ” [Hinduism.co.za 1998, p.56]. Tương tự như vậy, Subramuniyaswami đã nêu bật mối quan hệ giữa vận động và vũ điệu linh thánh bằng quan sát sau: “về mặt bí truyền, vận động là hành vi ban sơ nhất của tồn tại. Không có hành vi đơn giản đó thì sẽ không có vũ trụ...Ánh sáng là vận động. Tư duy là vận động. Nguyên tử là vận động. Cuộc sống là vận động”  [Hinduism.co.za 1998, p.xviv].

Ngoại trừ truyền thống lâu đời của văn hóa Ấn Độ về việc gắn liền hành động nhảy múa với tiến hóa tinh thần thì vẫn còn một số lớn ví dụ khác về vũ hành thể hiện vai trò nội tại trong các thực tiễn tinh thần trải từ các cuồng vũ của giới Hồi mật Sufi đến hành vũ cộng đồng của  Hội bằng hữu Công giáo Shakers. Quay trở về với các cội nguồn vũ hành với tư cách là một hoạt động linh thiêng, Zimmer nhận ra rằng “nhảy múa là một loại hình ma thuật cổ đại”. Ông tiếp tục lý giải nguồn năng lượng trong căn cội của vũ điệu linh thiêng bằng một nhận xét là thông qua sự vận động của vũ điệu, vũ nhân “bắt đầu khuyếch trương thành một hữu thể được phú bẩm các nguồn năng lượng siêu thường. Nhân cách của anh ta được chuyển hóa. Giống như Yoga, vũ điệu gây ra trạng thái mê ly, xuất thần, trải nghiệm cảm giác linh thánh, hiện thực hóa bản chất tâm linh cá nhân, và cuối cùng xuất hiện thành bản chất linh thánh” [Hinduism.co.za 1998, p.151].
_______________________________

Nguồn: Shiva Nataraja: A Study in Myth, Iconography, and the Meaning of a Sacred Symbol.

Chú thích của người dịch:  

*Các từ có đánh dấu sao [*] là do tôi, Hà Hữu Nga, trộm dịch sang tiếng Phạn và tiếng Việt để tiện cho bản thân trong việc nghiên cứu, so sánh và xác định nghĩa của từ mà thôi.

**Chola là một triều đại của người Tamil, cai trị dài nhất tại Nam Ấn Độ, theo bi ký, triều đại này bắt đầu từ thế kỷ III TCN do vua Asoka của đế chế Maurya để lại và mở rộng trên lãnh thổ, kéo dài đến thế kỷ XIII SCN.   

Tài liệu dẫn

Hinduism.co.za 1998. Biodance: Nataraj: The Dance of Shiva. In Understanding Hinduism,  World Wide Web site. 28. Dec. 1998.

Campbell, Joseph 1988. The Power of Myth. With Bill Moyers. New York, Doubleday, 1988.

Campbell, Joseph 1996. The Mythic Image. (1974) New York: MJF Books, 1996.

Chopra, Deepak 1995. Body, Mind & Soul: The Mystery and Magic. Videocassette. PBS Video, 1995.

Coomerasamy, Ananda K. 1924 (1979, 1985). The Dance of Siva: Essays on Indian Art and Culture. New York: Dover, 1985.Dooling, D. M. Lord of the Dance. Parabola 4.2 (1979): 66-7.

Gaston, Anne-Marie 1982, 1990. Siva in Dance Myth and Iconography. Delhi: Oxford UP, 1982.

Kirk, James A. 1988. Shiva Nataraja. In Parabola 13.1 (1988): 105-7.

O’Flaherty, Wendy Doniger 1973. Siva: The Erotic Ascetic. Oxford: Oxford UP, 1973.

Huxley, Aldous 1962. Island. New York: Perennial Library, 1989.Smith, David. The Dance of Siva: Religion, Art, and Poetry in South India. Cambridge Studies in Religious Traditions, no. 7. Cambridge: Cambridge UP, 1996.

Subramuniyaswami, Satguru Sivaya 1997. Dancing with Siva: Hinduism’s Contemporary Catechism. 5th ed. Kapaa, HI: Himalayan Academy.

Zimmer, Heinrich 1946, 1972. Myths and Symbols in Indian Art and Civilization. Bollingen Series VI. Princeton: Princeton UP, 1972.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét