Powered By Blogger

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Triết học Bí truyền về तन्त्र* Tantras* Mật giáo स्वसंहिता* Shiva Samhita*



Triết học Bí truyền về तन्त्र* Tantras* Mật giáo स्वसंहिता* Shiva Samhita*

Giới thiệu của Srischandra Basu

Người dịch: Hà Hữu Nga

Giới thiệu

योग* Yoga được Patanjali định nghĩa là việc làm dừng lại mọi chức năng वृत्ति* vrtti tư duy. Vì vậy bất kỳ thảo luận nào về vấn đề này nhất thiết phải tách thành ba bộ phận, đó là i) tư duy; ii) các chức năng tư duy; iii) và phương thức làm dừng các chức năng đó. Theo chúng tôi không có bất cứ một chuyên luận nào được coi là có thể hoàn hảo mà lại bỏ qua các vấn đề này. Thực chất của tư duy là vấn đề đầu tiên cần phải được diễn giải. Nó bao gồm việc khảo sát toàn bộ các giả thuyết mà các triết gia đã xây dựng nên liên quan đến thực thể này. Phải chăng nó là phi vật chất và tự tồn tại hay nó chính là vật chất nhưng đang rã hủy, tùy thuộc vào quá trình phân hủy của cơ thể? Có phải nó là tinh thần hay hoàn toàn không phải là tinh thần? Liệu có phải đó chỉ là một giấc mơ, một loại bóng chớp, một ánh phản của cái tối hậu; hay phải chăng đó là một thực thể tách biệt và toàn vẹn tự thân? Những câu hỏi như vậy và nhiều câu hỏi khác về thực chất này phải được trả lời trước khi người ta xóa bỏ vấn đề về चित्त* citta Tâm.

Phần thứ hai bao gồm bảng kê, sự phân loại và các định nghĩa về các năng lực của tư duy. Phần này nói chung không gây trang cãi, vì các năng lực của tư duy là những sự thật đã được mọi người hiểu biết rất thấu đáo. Trong khoa học, nhánh này chính là tâm lý học. Cho đến nay toàn bộ việc khảo sát có thể nói là mới ở bước đầu, nhưng lại là một bước đi tuyệt đối cần thiết cho việc hiểu biết đúng đắn bộ phận thứ ba, đó là निरोध* Nirodh, phương thức kiểm soát, làm dừng tư duy. Bộ phận này bao gồm toàn bộ các phương pháp khác nhau được các cổ tác gia cũng như các học giả hiện đại chấp nhận và sử dụng cho việc tập trung tư duy, một bản chất của yoga. Toàn bộ các vấn đề về ăn kiêng, ngủ, thực hành, các tư thế, và việc tạo điều kiện cho quá trình tập trung tự nhiên thuộc về bộ phận đó. Có thể thực hiện một quan sát so sánh các phương tiện khác nhau mà các hành giả yoga, các thánh nhân thiên chúa giáo, các owliyas thánh nhân Hồi giáo vì mục đích này, cũng như các bí tích mà các nhà phương thuật hiện đại sử dụng để tạo ra trạng thái tư duy này. Trong phần kết chúng tôi sẽ cố gắng chỉ ra những kết quả tích cực của môn yoga cùng những năng lực tinh thần do môn này phát triển, cùng các kênh tìm kiếm tri thức mới do yoga khai mở gắn liền với các công dụng mà nó tạo ra để các đạo sĩ và môn đồ đạt tới trạng thái phúc lạc trong sáng nhưng siêu phàm. Trong phần Giới thiệu này, chúng tôi sẽ đề cập đến hai vấn đề: i) Trước hết là tầm quan trọng của việc nghiên cứu môn khoa học này; và ii) Thứ hai là các phản đối chống lại khoa học này.

Tính chất hữu dụng của khoa học này với tư cách là một phương tiện văn hóa tinh thần đã luôn bị đặt thành vấn đề. Thực tế cho thấy nhiều người đã bác bỏ tiêu đề khoa học cho môn yoga. Đối với tư duy của chúng ta, nghệ thuật và triết học yoga thì không có bất cứ xác quyết đã được thừa nhận nào về nó với tư cách là một ngành khoa học lại vững chắc hơn khoa giả kim thuật hoặc chiêm tinh học. Đối với các bộ môn này thì đó chính là một giấc mơ của các thi sĩ, một trạng thái ảo giác của những người nhiệt tâm. Bằng quá trình suy lý nào mà họ đi tới được các kết luận đó, một kết luận hầu như mâu thuẫn với toàn bộ các niềm tin tôn giáo cũng như các xác tín triết học của cả thời cổ đại lẫn hiện đại – lại không phải là quá dễ xác định. Nhưng chừng nào chúng ta chưa thể phát hiện ra được thì hầu hết sự ngờ vực và hoài nghi vẫn còn bị quy cho là sự ngu dốt về chân lý thực của môn yoga. Tại Ấn Độ, nhiều người hiểu rằng từ योगिन्* yogi hành giả yoga, những hạng người gớm guốc về nhân tính diễu qua các đường phố với lem luốc bụi bẩn, làm cho trẻ em kinh hoàng, và moi tiền của lương dân an phận bằng dọa nạt, cưỡng bức hoặc lì lợm đòi hỏi. Tất nhiên toàn bộ các chân hành giả yoga đều từ chối bất cứ một hành động nào như vậy. Nếu những con rối được quét bất kỳ một lớp sơn từ ngữ nào như thế có thể được gọi là hành giả yoga, thì chắc chắn là môn yoga của họ, theo nghĩa đồng đạo, chỉ là nhơ bẩn vì bùn đất và tiền bạc.

Còn có một lớp người khác ra vẻ thừa nhận danh hiệu thiêng liêng và quang vinh này, nhưng bằng cách tin tưởng mù quáng và sự vô minh của mình, họ đã chứng tỏ mình là một khối chướng ngại cản trở sự tiến bộ của môn khoa học này. Tôi muốn nói đến các hành giả हत योगिन्* hatha yogin, các tu sĩ khổ hạnh lạ lùng với cách thức hành xác, gây ra các vết thương trên cơ thể nhằm đạt tới giải thoát tinh thần. Thông qua một suy nghĩ sai lầm cho rằng tâm và vật nhất thiết phải đối lập với nhau, họ đã phát triển một triết học hành xác với học thuyết hình như cho rằng năng lực tinh thần càng mạnh mẽ thì càng ít bị đau đớn khi hành xác. Một nhóm người cùng nhau ngồi theo một tư thế nhất định trong nhiều năm, cẳng chân họ tê liệt vì bất động; một nhóm khác giơ tay lên trời, và không bao giờ hạ tay xuống, tay họ teo quắt và trở thành một cành khô đã chết; lại có những người khác, bất chấp những tác động bên ngoài của tự nhiên, họ thích trải qua mùa đông trong tuyết lạnh, và sống bên các đống lửa cháy bừng bừng trong những ngày hè nóng bức nhất. Những con người này, với nguồn năng lượng và bầu nhiệt huyết định hướng sai đã thực hiện được một cư sử đúng về mối hại. Họ đã gây dựng được một lòng tin của loại tư duy thông thường cho rằng yoga hoàn toàn không thể đạt tới được kết quả mà không có các thực hành khổ hạnh mà những con người không được chuẩn bị để đấu tranh với bản chất vật chất chẳng hạn như các cuộc vật lộn khắc nghiệt của các hành giả हत योगिन्* hatha yogin, thì không bao giờ nên trông chờ có được bất kỳ bước tinh tiến nào về tinh thần. Một loại hình hành giả yogin khác nhưng duy lý và cao quý hơn nhiều; đó là những người có thể được gọi là các tu sĩ ẩn dật. Những con người này có trí tuệ rất cao, và thường được hưởng một nền giáo dục hoàn hảo. Nhưng đối với chúng ta, dường như họ cũng đã mắc phải sai lầm lớn. Bằng một ngoại suy giả nào đó về vật chất, họ cho rằng không thể thực hành yoga theo nguyên tắc गृहस्थ आश्रम्* grihastha ashram [tự viện chủ hộ*] vừa tu tập vừa thực hiện trách nhiệm của người chủ gia đình; muốn đạt được các sức mạnh tinh thần thì hành giả phải từ bỏ cha mẹ, vợ con để lánh vào tu tập trong vùng hoang mạc hoặc nơi thâm sơn cùng cốc. Theo phương thức đó, thì không khí cuốn hút mất trí của các đô thị và khu cư trú không thuận lợi cho văn hóa tâm linh, mà chỉ có những nơi vẳng vẻ, tịch mịch của hoang mạc hoặc hang động mới là nơi tốt nhất cho sự thăng tiến của hành giả yogin. Định kiến cho rằng không có bất cứ một गृहस्थ* grihastha chủ hộ nào lại có thể trở thành một hành giả đó chính là niềm tin ngấm ngầm của những người anh em Ấn Độ giáo có đầu óc thuần túy tinh thần của chúng ta; họ không còn suy tư về việc thực hành yoga đạt được kết quả khi không trở thành một nhà tu khổ hạnh mà chỉ du hành lên mặt trăng. Không những thế niềm tin này lại được một số nhà tu khổ hạnh ẩn dật đa cảm đẩy tới đến mức ngớ ngẩn, trong khi họ lại suy nghĩ một cách nghiêm túc rằng mối giàng buộc hôn nhân thiêng liêng và linh thánh chính là một trở ngại không thể vượt qua được trên hành trình tu tập của một nhà khổ tu tập sự. Khi nhìn vào hình ảnh đáng tởm của một kẻ hành khất lười nhác và bẩn thỉu, những kinh hoàng của một hành giả हत योगिन्* hatha yogin, và sự lãnh đạm vô nhân của nhà ẩn tu thì không còn phải băn khoăn gì nữa khi cho rằng nhiều người sẽ nghĩ trên hết, yoga là một trò đại bịp, vì vậy không đáng để một người có đầu óc lành mạnh phải bận tâm xem xét.  

Còn một loại phản đối khác, đó là những người không tin vào những năng lực lạ và huyền bí mà việc thực hành yoga đã đem lại cho các môn đồ sùng mộ. Các nhà khoa học hiện đại thuộc vào lớp người này; họ là những người học hành xuất chúng và hiểu biết minh bạch, những con người được trang bị bằng một nền giáo dục của mình, và họ theo đuổi việc tìm tòi khám phá một lĩnh vực phức tạp như Yoga. Chỉ có điều đáng tiếc là họ vẫn còn có cái nhìn khinh thị đối với các xác quyết về môn Yoga với tư cách là một khoa học. Các quyền năng mà những con người như Sankaracharya và Guru Nanak có được như việc truyền khả năng thấy trước của linh hồn họ vào các cơ thể khác, việc họ phóng chiếu कामरूप* Kama-rupa [ý chí dưới dạng hình thể] của mình đến các vị trí xa xôi, họ có khả năng chữa bệnh, v.v...là quá nhiều rào cản đối với các nhà khoa học hiện đại. Trưởng thành trong một môi trường duy lý đến khắc nghiệt với sự quan sát và thực nghiệm chặt chẽ, chính xác, nhà khoa học không hề mong muốn trao gửi lòng tin của mình cho những kỳ vọng của các nhà Yogin mà không có bằng chứng thuyết phục. Chúng tôi cho rằng đòi hỏi ấy là tự nhiên, chỉ có điều chúng tôi hy vọng rằng lương thức của nhà khoa học đã chỉ rõ cho chính nhà khoa học thấy tính chất phù phiếm của sự phản đối của ông. Ông cần phải biết rằng trong khi cái khoa học của mình giải quyết các vấn đề có thể được nhận thức bằng tri giác, vì vậy mà thậm chí có thể được thể hiện như một kẻ đại ngu dốt, thì chính bảng chữ cái Yoga là जीवात्मन्* Jivatman ngã thể và परमता* Paramata cứu cánh – những sự vật về cơ bản là phi vật chất. Trong thực tế có thể không tồn tại sự tương đồng giữa khoa học tự nhiên và Yoga về phương diện này.

Việc nghiên cứu cả khoa học tự nhiên và khoa học tinh thần, không nghi ngờ gì nữa, cần phải được thực hiện thông qua thực nghiệm và quan sát, nhưng các đối tượng của môn khoa học  tự nhiên thì tất cả đều là vật thể tồn tại bên ngoài chúng ta, trong khi đó đối tượng của khoa học tinh thần thì lại chỉ là ý niệm và tư duy. Toán học có lẽ là khoa học duy nhất có thể có đôi chút tương đồng nào đó với Yoga. Đối với một kẻ quê kệch, các phép tính của nhà thiên văn học sử dụng để tiên đoán một hiện tượng thiên thực, thực sự là một thứ gì đó không thể hiểu được, trừ khi anh ta bỏ ra nhiều năm trời để nghiên cứu môn toán học; vì vậy lại càng không thể sử dụng lối tư duy khoa học thông thường để có thể thấu hiểu được các kết luận về Yoga, trừ khi họ bắt tay vào nghiên cứu môn này. Đối với câu hỏi tại sao các nhà Yoga không chỉ ra các hiện tượng, thì nó có thể được trả lời bằng hai cách. Tất cả các hành giả Yoga không có năng lực tạo ra được các biểu hiện hữu hình của các lực lượng vô hình. Rất nhiều người trong đa số các nhà Yoga Ấn Độ giáo thực hành Yoga vì mục đích phát triển tinh thần, và tìm kiếm sự bình yên của tâm hồn. सिद्धि* siddhis, năng lượng tinh thần không phải là tham vọng tự ngã của họ, họ không hề cầu tầm nguồn năng lượng đó, họ cũng hề không hãnh mạn khi thỉnh thoảng có thể tạo ra được một vài hiện tượng nào đó. Cặp mắt hướng đến मोक्ष* mokhsha giải thoát, các hành giả Yoga không nấn ná vào lối nhặt nhạnh những đồ trang sức rẻ tiền kiểu सिद्धि* siddhis. Những con người này, mặc dù không bao giờ khoe khoang bất cứ một hiện tượng nào trong suốt dòng đời họ, mà họ chỉ thuyết phục con tim chúng ta bằng trực giác thông qua sự thuần khiết, không những thế, mà chính là tính linh thánh của cuộc đời mình. Bạn có thể phân biệt được một hành giả Yoga thực thụ trong số hàng ngàn người thực hành Yoga bằng vào sự thanh thản, bình lặng trên vẻ mặt của họ, một cái gì đó khôn xiết tả trong ánh mắt, giọng nói, và mỗi cử động của cơ thể, nhờ ở những kết quả bất biến của सम* Shama chính định và दम* Dama tự tại. Đến bất cứ nơi nào thì hành giả Yoga cũng mang theo sự an lạc và thuần khiết. Không bao giờ có tình trạng gặp một hành giả Yoga mà lại không thấy thanh thản, dễ chịu. Ông chính là nguồn cội của lòng từ bi; sự điềm tĩnh và tập trung vô bờ bến của vị hành giả tạo nên dáng vẻ đáng tôn kính vô cầu nơi ông. Nói tóm lại, thật may mắn cho ai trong đời được chiêm bái một hành giả Yoga như vậy; và nếu chúng ta tin vào những nguồn năng lượng như vậy thì hãy coi Yoga là chứng hoang tưởng hoặc một ảo hóa, chắc chắn nó sẽ đem lại cho ta phúc lạc. Loại hành giả đó được gọi là सिद्ध* Siddhas, 成就者 Thành tựu giả, người có khả năng tạo ra những hiện tượng cực kỳ hiếm có; hoặc tối thiểu họ cũng không lẫn với người thường. Nhưng họ cũng không quá hiếm đến mức khó mà tìm được lúc cần. Đó chính là các thành tựu giả có thể làm thỏa mãn tinh thần thực nghiệm của nhà khoa học. Đó là những con người bằng ý chí có thể tạo ra các hiện tượng tinh thần không thể không thuyết phục được hầu hết những người hoài nghi. Nhưng vì nhiều lý do, các thành tựu giả giỏi nhất luôn luôn hiếm khi thể hiện năng lực của họ trước người lạ. Chỉ có tình bạn mật thiết và lâu dài mới có thể khiến họ vượt qua sự e ngại để thể hiện quyền năng của mình. Độc giả khoa học của chúng ta, những người mà tôi băn khoăn về vấn đề này và nghĩ rằng thà là không thể giải thích được cho họ còn hơn là những kẻ biết một khoa học lạ như vậy sẽ lưỡng lự không tin tưởng rằng sự thật sẽ thỏa mãn được thế giới bên ngoài. 

Nhưng đức hạnh của các thành tựu giả ấy lại không hề khó giải thích và không hề bí ẩn. Ngày nay, nếu không nhầm thì đa số các सिद्ध* Siddhas, 成就者* Thành tựu giả* ấy đều thuộc chủng tộc Aryas, hoặc thuộc các chủng tộc gần như liên minh với người Aryas. Người Aryas, như mọi người  đều biết, là những người đố kị nhất trên trái đất về phương diện khoa học của họ. Rất khó mà chiếm được lòng tin của họ. Bị chống đối bởi các chủng tộc xâm lăng thành công, dân tộc Ấn Độ đã biết được rằng phương tiện duy nhất để bảo tồn được các bộ môn khoa học và các kinh bổn thiêng liêng của họ là giữ gìn các di sản đó trong sự bí mật tuyệt đối. Và không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là cách thức bảo tồn hiệu quả nhất trong thời cổ. Và chúng ta không thể không đồng ý với các ứng xử khôn ngaon của tổ tiên chúng ta trong lĩnh vực này. 

Chắc chắn là thế giới sẽ không đánh giá hết được giá trị của các शास्त्र* Shastras tri thức và các वेदस्* Vedas khoa học sớm đó. Chúng tôi tin chắc rằng hai thế kỷ trước, thế giới khó mà hiểu được nhiều công trình khoa học của chúng ta, cho dù họ có được tiếp xúc. Ngay cả ngày nay với rất nhiều tiến bộ mà ngôn ngữ học và môn nghiên cứu văn phạm đã đạt được, nhưng chúng ta vẫn thấy rất nhiều bất công liên quan đến việc diễn giải sai lầm các nguồn văn liệu của tổ tiên chúng ta. Thật quá trễ tràng để nhà văn phạm  पाणिनि* Panini*  của chúng ta mới được hiểu là một nhà khoa học giỏi nhất về lĩnh vực này, không chỉ có thế, thậm chí còn có thể tiến xa hơn để xác quyết rằng phát hiện của ông chính là một trong những nền tảng cho Cấu trúc Phổ quát của ngữ pháp châu Âu hiện đại.  

Vậy là ngay cả khi các học giả Ấn Độ, không là ai khác ngoài các hành giả Yoga, vẫn còn rất đố kỵ với các khoa học thế tục thì chúng ta lại đổ lỗi cho các सिद्ध* Siddhas * Thành tựu giả ấy rằng họ không hề minh bạch và cởi mở. Chắc chắn họ phải có những nền tảng vững chắc để bọc kín quyền năng của mình nhằm tránh những cặp mắt tò mò của ngoại đạo xa lạ. Chắc chắn chúng ta không có quyền gọi họ là những kẻ mạo danh và gọi khoa học của họ là một vớ vẩn, nếu họ không tuân theo những nhũng nhiều vu vơ của chúng ta. Đối với những người tìm tòi tri thức thành tâm, với những người khao khát tái sinh tinh thần thì họ luôn luôn được mở cửa đón chào. Các thành tựu giả luôn sẵn sàng truyền dạy khoa học của mình; nhưng họ luôn mong đợi những người xứng đáng được trao món quà cao quý đó. अधिकारी* adhikari những người xứng đáng đang ở đâu? Những người thích hợp và mong mỏi được tu luyện tinh thần để theo đuổi và hiểu biết các qui trình đạt đến quyền năng của một thành tựu giả đang ở đâu? Đang ở đâu những con người có một ý chí vững chắc, những con người có mục đích trang nghiêm, những con người bền gan vững trí, không quản chọn con đường đơn độc để đi? Chúng ta biết có quá ít những con người đánh dấu sự thành công trong các khoa học thông thường về con người. Chúng ta không còn được gặp Newtons, Franklins, Tyndalls và Darwins ở bất cứ nơi nào nữa, vậy thì chúng ta phải chờ để được gặp các hành giả Yoga và các Thành tựu giả đã tạo thành những con người bình thường – mà tinh thần của họ hoàn toàn đang ngủ im hoặc đã chết.
____________________________________

Còn nữa...

Nguồn: The Esoteric Philosophy of the Tantras Shiva Samhita, introduced and translated by Srischandra Basu, B.A., F.T.S., Vakil, High Court, N.W.P. Calcutta Heeralal Dhole, 127, Musjidbari Street, 1887.

Ghi chú của người dịch: Các từ có đánh dấu sao [*] là do tôi, Hà Hữu Nga, trộm dịch sang tiếng Phạn, tiếng Hán, và tiếng Việt để tiện cho bản thân trong việc nghiên cứu, so sánh và xác định nghĩa của từ mà thôi.


तन्त्र tantra: nghĩa đen là khung cửi; nghĩa bóng là nguyên tắc, hệ thống, học thuyết; chuyển sang tiếng Anh là tantricism, có nghĩa mật giáo.

स्वसंहिता shiva samhita: tự kết nối, là chính bản thân mình.

पाणिनि Pāṇini: Ông là một nhà văn phạm học tiếng Sanskrit từ thế kỷ thứ VI trước tây lịch, người Pushkalavati, Gandhara, nay thuộc Pakistan; ông nổi tiếng với hệ thống ngữ pháp gồm 3.959 quy tắc hình thái học, cú pháp và ngữ nghĩa học tiếng Sanskrit, được gọi là अष्टाध्यायी Astadhyayi, nghĩa là tám chương.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét