Powered By Blogger

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Đọc quá khứ – những cách tiếp cận lý giải Khảo cổ học hiện nay (XVI)



Đọc quá khứ – những cách tiếp cận lý giải Khảo cổ học hiện nay (XVI)

Ian Hodder

Người dịch: Hà Hữu Nga 

Các KCH khác ở phương Tây 

Từ những người Sáng tạo luận và các độc giả của Von Daniken đến những người sử dụng máy dò kim loại [Gregory 1983] và những người tìm kiếm các con đường mòn tiền sử [Williamson and Bellamy 1983], đã xuất hiện những quá khứ khác và cực kỳ nổi tiếng. Đó là những thứ mà các nhà KCH (Khảo cổ học) truyền thống cố gắng lờ đi hoặc xa lánh coi là “ngoài lề”. Tuy nhiên ngày càng có nhiều đối đầu trực tiếp đặc biệt là ở các xã hội phương Tây, nơi mà quá khứ trở thành một nguồn cần phải được sử dụng hiệu quả hơn cho công chúng, như là một món hàng, được đóng gói đẹp đẽ và đáp ứng được nhu cầu của khách mua.

Trong nhiều nước phương Tây, KCH đã gắn kết lâu đời với các giai cấp trung và thượng lưu. Ngày nay quá khứ được phục dựng thật đến mức nào, được sử dụng ra sao cho các lợi ích hợp pháp đã thành và những gì tác động đến việc lý giải quá khứ? Mới đây đã có một loạt khảo sát mức độ hiểu biết của công chúng Anh về KCH và thái độ của họ đối với KCH [Hodder, Parker Pearson, Peck and Stone 1985]. Mặc dù các cuộc khảo sát theo bảng hỏi này chỉ cung cấp những chỉ số tạm thời bước đầu, nhưng các cuộc khảo sát như vậy vẫn được tiếp tục bằng những nghiên cứu trên qui mô rộng và công việc nghiên cứu được cấu trúc tốt hơn [Merriman 1989a, b] sao cho những khuynh hướng chính đã được xác định có thể đem ra thảo luận. 

Các cuộc khảo sát đó cho thấy rõ ràng là có những nhóm người ở nước Anh hiện nay hiểu biết về quá khứ nhiều hơn những nhóm khác. Họ có một tri thức rộng hơn và chính xác hơn về những gì mà các nhà KCH viết ra. Họ xem các tư liệu KCH trên TV nhiều hơn, đến bảo tàng, thăm các di chỉ, viếng nhà thờ và đọc về quá khứ nhiều hơn. Không có gì đáng ngạc nhiên là những người này lại thường có giáo dục nhiều hơn (thời gian học ở trường lâu hơn, hoặc có nhiều hình thức giáo dục thêm khác nữa) so với những người ít hiểu biết về KCH. Họ cũng thường có việc làm với giá trị cao hơn, kiểm soát các nguồn và những người khác nhiều hơn.

Các nhóm khác nhau đó trong xã hội giải thích quá khứ chính xác đến mức nào? Kết quả các cuộc khảo sát thử đã chứng tỏ rằng những nhóm thu nhập thấp hơn và được giáo dục ít hơn có khuynh hướng quan tâm tương đối nhiều hơn đến quá khứ địa phương họ, quan tâm đến KCH với tư cách là một lịch sử, và quan tâm đến tính chất gần gũi của một kinh nghiệm quá khứ thông qua các hiện vật KCH. Điều đó cũng có thể gợi lên những gắn bó chung giữa các mối quan tâm của giai cấp trung lưu đương thời và các mối quan tâm đến KCH đương đại. Các mối quan hệ có thể tồn tại giữa siêu truyền bá luận và chủ nghĩa phát xít, giữa các giả thiết KCH về quản lý môi trường và những mối quan tâm đương đại về quá tải dân số, suy thoái môi trường và giữa việc sử dụng thực chứng luận khoa học của khảo cổ học mới đây và một niềm tin phổ biến vào khoa học trong việc giải quyết các vấn đề kỹ thuật. Không nghi ngờ gì nữa, KCH Ngữ cảnh đã có những mối liên hệ với các trào lưu “phản – hệ thống” của những năm 60, và hiện nay người ta nhấn mạnh đến ý nghĩa, kinh nghiệm cá nhân, và nhấn mạnh đến quan niệm “nhỏ là đẹp”. Những quan điểm đa dạng không thể phân chia một cách đơn giản dựa trên các tuyến giai cấp. Có ít bằng chứng cho thấy những người săn tìm các con đường tiền sử chẳng hạn lại chỉ xuất thân từ một bộ phận của xã hội. Hơn nữa những quá khứ đa dạng khác cũng kích thích và đưa nhiều cá nhân và các nhóm lợi ích đến việc thay đổi các lý giải về những môn KCH đã có.

Hầu hết các cá nhân trong xã hội đều thấy cực kỳ khó khăn khi phải suy nghĩ về một quá khứ khác trong mối liên hệ với các dữ liệu từ quá khứ. Họ bị kích thích bởi Von Daniken và các bộ phim chẳng hạn như Một triệu năm trước Công nguyênNhững người đột kích vào con thuyền đã mất  và họ đưa ra các quan điểm cá nhân của mình về một quá khứ phải như thế nào, trong khi họ bị cách biệt các hiện vật KCH qua những chiếc tủ trưng bày, những phân tích hệ thống và những biệt ngữ về lý thuyết xã hội. Họ tìm thấy ở đâu những lối tiếp cận với các kinh nghiệm trực tiếp của quá khứ, trong khi họ thường phải đối diện trực tiếp với những gì mà các nhà KCH đã viết ra, hoặc là các quan điểm của họ bị cố ý bỏ qua. Chẳng hạn như những người sử dụng máy dò kim loại và thể chế KCH ở Anh quốc tham gia vào cuộc tranh luận nóng nẩy và gay gắt chỉ để mở rộng vấn đề phân công xã hội [Hodder 1984b]. Các nhà KCH đó cố làm việc với, chứ không phải là chống lại những người say máy dò kim loại đã tìm ra các cung cách cổ vũ cho việc hợp tác và khảo sát [Gregory 1983]. Vậy là các nhà KCH đã có một tiềm năng to lớn để cổ vũ và trợ giúp tạo ra những quan điểm khác về cả những cách thức tham gia vào quá khứ [Willey 1980]. Người ta thực hiện các phép thử để lý giải tại sao quá khứ lại được khai quật lên [Leone 1983] và quá khứ được phục dựng như thế nào. Nhiều bảo tàng, chẳng hạn như Jorvik Viking Centre ở York hiện quan tâm nhiều hơn đến việc tái tạo những phiên bản sống của quá khứ để cho công chúng trải nghiệm. Đó là sự thật về một số bảo tàng được tổ chức tốt.

Những phân đôi giữa các quá khứ được tạo bởi các nhóm lợi ích khác nhau và KCH có vẻ như đã không thành công trong việc cổ vũ cho những nhận thức và kinh nghiệm khác về quá khứ có thể liên quan đến vai trò của KCH và các nhà KCH trong các chiến lược quyền lực ở xã hội phương Tây. Môn KCH Phê phán đã tạo ra một cách nhìn về những mối quan hệ giữa tri thức và quyền lực hiện đang được thảo luận trong KCH. Tất cả những chỉ trích về một khoa KCH đã được thể chế hoá bao gồm cả những nền KCH xuất phát từ quan điểm nữ quyền và bản địa là thoả đáng. Và cũng đặc biệt thích đáng với KCH khi nó can dự vào sự thống trị giai cấp. 

Lý thuyết Phê phán

“Lý thuyết Phê phán” là thuật ngữ chiếc ô được sử dụng để mô tả tính đa dạng của các tác giả châu Âu, đặc biệt là các tác giả thuộc “Trường phái Franfurt” tập trung xung quanh Viện nghiên cứu Xã hội được thành lập ở Franfurt năm 1923 [Held 1980]. Những nhân vật chủ chốt là Horkheimer, Adorno và Marcuse. Mới đây Habermas và các tòng sự của ông đã tái hệ thống hoá quan niệm về Lý thuyết Phê phán. Các cách tiếp cận được sử dụng trong lý thuyết phê phán xuất phát từ truyền thống tư tưởng duy tâm Đức kết hợp với một lối nhìn Marxist. Một mặt, các nhà Lý thuyết Phê phán đã chỉ trích cái tình trạng toàn bộ tri thức đều bị qui định về phương lịch sử. Đồng thời họ cũng lại cho rằng rằng chân lý có thể được định giá và có thể tiến hành việc phê phán một cách độc lập với các lợi ích xã hội – tóm lại thứ Lý thuyết Phê phán đó đã có một vị trí ưu trội trong các lĩnh vực lý thuyết.

Trong nhiều vấn đề khác nhau của Lý thuyết Phê phán thì hấp dẫn nhất đối với KCH chính là phép phân tích mỹ học và văn hoá đương đại vì nó trực tiếp liên quan đến việc thể hiện quá khứ KCH trong bảo tàng, trên TV vân vân. Trong tác phẩm Phép biện chứng của Kỷ nguyên ánh sáng Horkheimer và Adorno [1973] đã sử dụng thuật ngữ “công nghiệp văn hoá”. Chống lại, chẳng hạn như âm nhạc “đại chúng” và sản xuất “hàng loạt” họ đã chứng minh rằng văn hoá hiện đại được tiêu chuẩn hoá theo quá trình duy lý hoá của sản xuất và của các kỹ thuật phân phối. Các cá nhân không còn “sống” bằng nghệ thuật và văn hoá nữa – họ tiêu dùng việc biểu diễn. Công nghiệp văn hoá đã cản trở sự phát triển của tư tưởng và tính độc lập của cá nhân. Nó truyền đạt một thông điệp về sự hoà giải và tuân thủ. Con người trở thành kẻ tiêu khiển, lãng trí và thụ động.Tuy có những ngoại lệ, nhưng trong các phim tư liệu truyền hình và trong trưng bày bảo tàng, KCH thường được sắp đặt theo trật tự, để được quan sát một cách thụ động. Nó được tiêu thụ như một hợp phần văn hoá của công nghiệp giải trí, rất hiếm tính chất thử thách và tham gia. Các nhà KCH có thể sắp đặt ý nghĩa của trật tự, sự kiểm soát, và cả uy quyền của khoa học (cái khoa học riêng của họ và cái khoa học của các nhóm xã hội thống trị) vào một viễn cảnh lịch sử dài hạn khi để hết tâm trí vào việc thoát khỏi cái quá khứ nguyên khởi đã bị xuyên tạc thông qua việc đổi mới công nghệ. Kết quả đã tạo ra một bức thông điệp ý thức hệ hùng mạnh.

Khía cạnh thích đáng khác trong công trình của các nhà Lý thuyết Phê phán là các thảo luận của họ về triết học lịch sử. Habermas cho rằng việc phụ thuộc vào tri thức lý giải duy tâm về các ý nghĩa ngữ cảnh là chưa đủ, và nhà phân tích phải  hướng tới việc lý giải về tình trạng truyền thông bị xuyên tạc một cách hệ thống. Nói cách khác, người ta cần phải nhận ra bằng cách nào mà những tư tưởng của một thời lại gắn liền với sự thống trị và quyền lực. Những vấn đề tương tự đã được Marcuse, Horkheimer và Adorno thực hiện. Mục đích của Biện chứng của Kỷ nguyên ánh sáng là “đột phá vào sự kìm kẹp của các hệ thống tư tưởng đóng kín; nó được công nhận là có công làm sói mòn tất cả mọi niềm tin nào khẳng định  tính hoàn thiện và cổ vũ cho một sự khẳng định không phản ánh về xã hội” [Held 1980, p.150].

Theo Hegel, Kỷ nguyên ánh sáng được coi là sự hưng thịnh của khoa học phổ quát mà mục đích chủ yếu là kiểm soát tự nhiên và con người. Trong chủ nghĩa thực chứng, thế giới được tạo bởi các vật vật chất có thể được điều khiển và sắp xếp thành trật tự theo các qui luật vũ trụ, và các qui luật lịch sử cũng được coi là tương đương với các qui luật tự nhiên. Người ta có thể đoan chắc rằng [Hodder 1984b] việc KCH sử dụng các mô hình khoa học tự nhiên, lý thuyết thực chứng và lý thuyết các hệ thống đã hỗ trợ cho một hệ tư tưởng kiểm soát, vì vậy mà một nhà khoa học “phi chính trị” được coi là thiết yếu cho việc kiểm soát xã hội trong thời gian và không gian của quá khứ và tương lai.

Ngược lại, Lý thuyết Phê phán tìm kiếm một Kỷ nguyên ánh sáng mới, một sự giải phóng mà lý tính phê phán đưa tới tự do, thoát khỏi mọi sức mạnh thống trị và huỷ diệt. Với các tác giả như Lukacs thì tri thức dẫn tới sự giải phóng đó đã bị cấu trúc của quá trình xã hội cản trở, thống trị và quyết định tổng thể tính xã hội, bao gồm cả tư tưởng và ý thức.

Những mô hình lý tưởng về khách quan tính và giá trị - tự do được các nhà Lý thuyết Phê phán mô tả là tự thân mang giá trị. Lý thuyết phê phán tìm cách phân xử các lý giải cạnh tranh về thực tại và để vạch trần các lĩnh vực thuộc hệ tư tưởng, và vì vậy mà giải phóng con người khỏi sự thống trị giai cấp. Bằng cách nhấn mạnh vào các điều kiện vật chất và xã hội mà những xuyên tạc hệ tư tưởng có thể được khám phá dẫn tới tự thức tỉnh và giải phóng.

Một cách tiếp cận duy vật đối với lịch sử là ý thức hệ đã được Leone [1982; Leone et al. 1987; cũng có thể xem Handsman 1980 và 1981] tiến hành một cách rõ ràng nhất trong KCH. Leone lưu ý rằng khi quá khứ được lý giải và làm thành lịch sử thì nó có khuynh hướng trở thành hệ tư tưởng, và ông cho rằng rằng ý thức hoặc thiên khải về quá trình đó có thể giúp cho những ai viết hoặc nghe về quá khứ bắt đầu hiểu rõ về những quan niệm hệ tư tưởng là thứ đẻ ra cuộc sống hàng ngày hiện thời. Chẳng hạn như thông qua việc xác định nguồn gốc chủ nghĩa cá nhân hoặc những quan niệm hiện đại về thời gian trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản Mỹ thế kỷ XVIII, các khách thăm quan viện bảo tàng có thể nhận thức rõ về hệ tư tưởng của riêng họ dựa trên cơ sở lịch sử và các lập trường đúng sai của họ có thể được bộc lộ như là những cội nguồn của sự thống trị.

Trong khi các quan niệm về tự phê bình, về nhận thức các giá trị chính trị xã hội do chúng ta viết ra có tầm quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp tiếp tục phát triển KCH thì tôi cho rằng lập trường của trường phái Lý thuyết Phê phán – như đã được Leone và Handsman khuyếch đại - dường như là khó mặc dù không nghi ngờ rằng nó hấp dẫn và quan trọng vì cả hai lý do chính yếu.

Trước hết, các công trình ấy chứa đựng một quan niệm không thoả đáng về sự thống trị. Xã hội được thể hiện cứ như là bị áp chế bởi những hệ thống đại diện thống nhất bao trùm. Leone [1982, p.756] nói về việc áp đặt “hệ tư tưởng riêng của chúng ta để biến nó trở thành một cái gì đó có vẻ chắc chắn”. Như đã thảo luận ở chương 4, trong việc phê phán những quan niệm Marxist về hệ tư tưởng, không hề có sự cố gắng nào kết hợp tính đa dạng vào những cấp độ nhận thức về các điều kiện xã hội. “Trong các bài viết của họ, xã hội dường như bị điều khiển từ bên trên chứ không phải là kết quả của một quá trình liên tục tranh giành quyền thống trị và các nguồn tài nguyên” [Held 1980, p. 365]. Tuy nhiên vẫn có những bằng chứng cho thấy rằng những con người khác nhau trong công chúng đương đại nhìn nhận quá khứ theo những cung cách khác nhau. Cũng không có gì chứng tỏ rằng KCH có công trong việc duy trì hệ tư tưởng phổ quát phương Tây, ngăn cản người ta tìm hiểu các điều kiện tồn tại xã hội của họ. Sự thực thì như đã được cấu trúc và trải nghiệm trong cuộc sống đương đại, những gì mà quá khứ có thể phơi bày về hiện tại cũng chẳng ít hơn những gì mà nó che dấu.

Những khảo sát theo đường hướng trên đã cho thấy rằng các cá nhân và các nhóm phụ thuộc ở nước Anh đương đại không dễ bị lừa bịp bởi những lý giải thống trị về quá khứ. Mặc dù các nhóm bị trị bao gồm cả giai cấp lao động có vẻ có ít tri thức khoa học về quá khứ, nhưng họ vẫn chấm điểm cao nhất cho những câu trả lời về các vấn đề về nhu cầu đối với quá khứ. Các cá nhân ấy vẫn nghĩ rằng quá khứ và KCH là cần thiết và đáng giá trong việc đem lại ý nghĩa cho hiện tại. Nhưng các cá nhân cũng thường thể hiện sự bi quan về những thao tác liên quan đến quá khứ của các phương tiện truyền thông hoặc các chính phủ quốc gia; nhiều người cảm thấy rằng những gì do nhà KCH và các nhà khoa học nói về quá khứ rất ít khi được chứng minh bằng bất cứ một cách nào đó.

Vì vậy mọi người có thể nhìn thấu cái phù du của tri thức khoa học mà các nhà KCH cố gắng thể hiện. Họ buồn chán bởi cách trưng bày của các bảo tàng truyền thống; họ tắt TV; họ đưa ra những cách nhìn của riêng mình về quá khứ. Những người tiến hành các khảo sát ý kiến công chúng đều có một kinh nghiệm là khi hỏi quan điểm của họ về quá khứ hoặc cảm giác của họ là gì khi sống với quá khứ, nhiều người lập tức nói ngay về hiện tại, so sánh và đối lập giữa hai thời đó. Nhiều người nói về ích lợi của công nghệ hiện đại và những tiện nghi vật chất khác, nhưng lại cảm thấy rằng thế giới ngày nay đang vận động quá nhanh, rằng con người đã đánh mất ý nghĩa về vị trí của mình trên đời này, rằng công nghệ đã phát triển quá xa...vv. Họ đều có những bức tranh rõ ràng của riêng mình về một quá khứ giống với những gì trong hiện tại, và bức tranh này thường khác với các phiên bản “KCH” bằng cách đưa ra một phương án thay thế cho những gì mà người ta coi là tốt hay xấu trong thế giới xung quanh họ.

Với cách tiếp cận phê phán hiện thời trong KCH, vấn đề thứ hai liên quan đến sự chỉ trích về bản thân những cách tiếp cận đó vì chúng nảy sinh từ phương diện lịch sử. Một mặt Lý thuyết Phê phán có thể khẳng định như thế nào về một thực tế là toàn bộ tri thức là sự truyền thông xuyên tạc về lịch sử, và mặt khác đó có phải là một phương tiện phê phán của sự khai sáng và giải phóng?. Bằng thẩm quyền gì hoặc thao tác nào mà tự nó hoà hợp thành một vị thế lý thuyết đặc biệt? Nan đề của lý thuyết phê phán trong KCH là: tại sao bất cứ ai cũng sẽ chấp nhận một sự phân tích Marxist hoặc một phân tích mang tính phê phán về những bức tranh quá khứ do chúng ta phục dựng bao gồm cả những cội nguồn của chủ nghĩa tư bản? Nếu quá khứ là hệ tư tưởng thì làm thế nào chúng ta có thể mạo muội cho rằng chỉ có những trí tuệ nhất định mới có thể nhìn thấu hệ tư tưởng để xác định được thực tại xã hội?

Vị thế lý thuyết đặc biệt mà Leone yêu cầu để tránh nan đề trên là một “KCH duy vật” công khai [ibid., p. 757]. Nhưng nếu chẳng hạn như tôi không chấp nhận các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật, vì những lý do đã được nêu ra trong tập sách này, thì tôi cũng có thể khẳng định rằng tự thân chủ nghĩa duy vật là một hệ tư tưởng giả - rằng đó chỉ là một lý thuyết phổ biến khác được phát triển bởi cái cộng đồng hàn lâm để duy trì một sự kiểm soát đang thịnh hành về sự lý giải “chính xác” quá khứ.

Một câu trả lời khác cho sự phê phán thứ hai được thực hiện ở trên là quan điểm cho rằng quá khứ không thể biết được bằng bất cứ một tính nguyên vẹn nào. Vậy thì nhiệm vụ của nhà KCH là chọn một lập trường chính trị mà ông ta hoặc bà ta thích với tư cách là một thành viên của xã hội, và viết về quá khứ để giúp thêm cho quan điểm chính trị đó. Đó có lẽ là một lời đáp lương thiện mà nhiều người có thể thấy là hấp dẫn nhưng kết quả tiềm tàng thì lại nhiễu loạn. Nếu quá khứ không có tính nguyên vẹn và sự lý giải của bất kỳ ai cũng tốt như bất kỳ một ai khác thì KCH hoàn toàn bỏ ngỏ cho những thao tác chính trị của các chính phủ, các nhóm tinh hoa, các nhóm lợi ích và sự độc tài Phát xít. Với những dữ kiện được miêu tả như là một tổng thể chủ quan, nhà KCH không có được nguồn dữ liệu để khách quan hoá “những lạm dụng” quá khứ. Cái quá khứ được phổ biến sẽ hoàn toàn tuỳ thuộc vào quyền lực và khả năng kiểm soát lý thuyết, phương pháp và truyền thông. Tuy nhiên trong tập sách này tôi đã cho rằng các dữ kiện từ quá khứ vẫn luôn có một thực tiễn ngữ cảnh gắn liền với lý thuyết.

Một nguồn phê phán quan trọng khác trong KCH được các tác giả hậu cấu trúc luận như Derrida [1975; xem Bapty và Yates 1990; Tilley 1990a] đưa ra. Những tư tưởng cơ bản ở đây (xem Chương 3 và trang 50) là ngữ nghĩa được phổ biến theo chuỗi các vật mang ý nghĩa. Vì vậy tính hiệu lực của các thuật ngữ như chân lý hoặc nguồn gốc vẫn bị sói mòn bởi sự lệ thuộc của chúng vào những thuật ngữ khác trong một trật tự liên tục. Một kết quả hữu dụng của phê phán này là nó cổ vũ các nhà KCH xem xét các công trình của riêng mình và chỉ ra cái cách thức làm cho nó mang đậm phong cách và lối tu từ học [Chẳng hạn xem Hodder 1989b; Tilley 1989]. Nói cách khác, những yêu cầu về tính khách quan có thể được cấu trúc bằng cách sử dụng những cơ chế khác nhau (chẳng hạn như việc lựa chọn các từ, thể hiện quyền uy, những mô tả không có cá tính, tránh sử dụng đại từ nhân xưng “Tôi”, người trải nghiệm, nhóm đồng đẳng). Một kết quả hữu dụng khác là việc cố thử nghĩ ra những cung cách mà quá khứ và các công trình của chúng ta về quá khứ có thể mở ra cho cả những lối nhìn khác. Tuy nhiên vẫn luôn luôn tồn tại những khó khăn tương tự với những khó khăn mà các cách tiếp cận của Lý thuyết Phê phán phải đương đầu. Tình trạng phân mảnh quá khứ và sự rời rạc ý nghĩa, các đặc trưng độc đáo của tư tưởng hậu hiện đại có thể được coi như hoàn toàn nhất quán với những lợi ích thống trị trong chủ nghĩa tư bản phát triển cao hoặc ở giai đoạn muộn [Eagleton 1983]. Trong thế giới Hậu quá trình, các cá nhân, thời gian và không gian bị phân mảnh và bị biến thành hàng hoá thì những lợi ích của các nhóm phụ thuộc bị điều khiển sẽ sói mòn đi và cái “chân lý” của họ bắt đầu tan tác. Đó là lý do tại sao tôi lại kiên trì một quá trình giải tập trung cấp tiến chủ thể và đi theo một lý thuyết trung gian và tại sao tôi lại giữ lại một cách lý giải đưa tính trung thực vào trong thực tại và làm biến đổi khách quan tính của quá khứ. Rút cục lại một KCH có trách nhiệm và mang tính phê phán đúng nghĩa phải có khả năng sử dụng khách quan tính và thực tại kinh nghiệm các dữ kiện của nó để tạo hình và chuyển đổi kinh nghiệm của thế giới. 

Kết luận

Trong phần cuối chương này tôi đã bàn luận về những quan điểm KCH tiềm năng và thực tế của một số nhóm xã hội có thể mô tả là các nhóm phụ thuộc trên phạm vi toàn cầu và trong một xã hội. Những quan điểm thay thế, nhưng không “thiểu số”, phải đương đầu với những quan điểm chính thức và ngụ ý rằng các quá khứ mà chúng ta phục dựng vừa mang tính chủ quan lại vừa can dự vào việc thương lượng quyền lực.

Dường như không thể phản ứng lại cuộc thảo luận về tính ngữ cảnh ấy của tri thức KCH bằng cách khẳng định rằng “phương pháp” sẽ tạo thuận lợi cho sự phân biệt giữa những lý giải khác nhau về quá khứ. Chủ nghĩa thực chứng, các lý thuyết Tầm trung độc lập, cách phân tích duy vật chủ nghĩa tất cả đều có thể được coi là gắn chặt với những định đề xã hội đương đại đặc thù; phương pháp cũng là hệ tư tưởng.

Một chủ thuyết tương đối luận cởi mở trước hết có vẻ như là một giải pháp duy nhất nhờ đó mà “bất cứ cái gì cũng vận động”. Chắc chắn là giải pháp này có một vài khía cạnh hấp dẫn nếu như nó tạo điều kiện cho một cuộc tranh luận lớn hơn giữa những quan điểm khác nhau và KCH sẽ tham gia đầy đủ hơn vào các vấn đề chính trị và xã hội đương đại. Nhưng hầu hết các nhà KCH lại cảm thấy rằng giải pháp này là quá cực đoan. Hầu hết đều cảm thấy rằng một số lý giải về quá khứ không ổn thoả bằng những cách lý giải khác, rằng không phải mọi thứ đều có thể được nói ra bằng một tính nguyên vẹn như nhau.

Cơ sở xã hội đương đại của những công trình phục dựng quá khứ của chúng ta không nhất thiết không có giá trị cho các phục dựng đó. Các lý giải của chúng ta có thể thiên lệch, nhưng chúng cũng vẫn có thể “đúng”. Tuy nhiên rõ ràng điều quan trọng là tìm hiểu xem tư tưởng của chúng ta bắt nguồn từ đâu, và tại sao chúng ta lại muốn phục dựng quá khứ theo một cung cách riêng.

Có một mối quan hệ biện chứng giữa quá khứ và hiện tại: quá khứ được lý giải trong khuôn khổ của hiện tại, nhưng quá khứ cũng có thể được sử dụng để phê phán và thách thức hiện tại. Theo quan điểm của tôi, về phương diện phê phán, có thể đánh giá các ngữ cảnh của quá khứ và hiện tại trong mối liên hệ với nhau nhằm đạt tới một hiểu biết sâu sắc hơn về cả hai. Con người có một khả năng tinh thần để nhận thức được nhiều hơn về một bối cảnh mang tính chủ quan và có thể xem xét có phê phán mối quan hệ giữa các viễn cảnh khác biệt nhau. Lập luận này đưa chúng ta quay trở lại với những ý kiến đã phát biểu trong tập sách về mối quan hệ giữa một toàn thể rộng lớn hơn (cấu trúc, hệ thống) và bộ phận cá thể (hành động, thực tiễn, cá nhân). Các cấu trúc và những gì được cho là đúng có thể là phương tiện cho tư duy và hành động, nhưng bản thân chúng cũng có thể phải thay đổi bởi tư tưởng và hành động mang tính phê phán.

Vì vậy các dữ kiện không phải là khách quan hoặc chủ quan mà là thật. Và không thể có những công cụ phổ biến để đo lường, nhưng lại có thể hiểu được “tha tính”. Ngay cả những quan niệm về tính chất phổ biến của cấu trúc ngữ nghĩa cũng phụ thuộc vào việc đánh giá có phê phán, đặc biệt là trong các giai đoạn tiền homo sapiens sapiens. Chúng ta luôn luôn phiên dịch ý nghĩa “của họ” thành ngôn ngữ “của chúng ta”, mà ngôn ngữ của chúng ta thì lại linh động và đủ phong phú để xác định và nhận thức được những khác biệt theo cách sử dụng cũng “những từ” đó nhưng trong những ngữ cảnh khác nhau. Chủ thể tính của những khách thể khác có thể được lĩnh hội mà không cần áp đặt những chủ thể tính “khách quan” của riêng chúng ta; sự phân chia chủ thể/khách thể đã từng thống trị trong KCH có thể bị phá bỏ.

Vì vậy KCH hậu quá trình tham gia vào việc phá vỡ những thể chế, những cái được mặc nhiên chấp nhận là đúng, những phân đôi và mở ra một công cuộc nghiên cứu về những mối quan hệ giữa chuẩn mực và cá nhân, quá trình và cấu trúc, vật chất và tinh thần, chủ thể và khách thể. Không giống như KCH quá trình, nó không tán thành một cách tiếp cận duy nhất hoặc cho rằng KCH sẽ đưa ra được một phương pháp luận mà tất cả mọi người đều chấp nhận. Đó chính là lý do tại sao KCH Hậu quá trình lại đơn giản là “hậu -”. Nó phát triển từ một sự phê phán về cái đã vận động trước đó bằng cách xây dựng trên một sự phân nhánh từ con đường đó. Nó bao hàm tính đa dạng hoá và thiếu đi sự đồng thuận. Nó được đặc trưng bởi sự tranh luận và tính chất bất định về những vấn đề cơ bản có thể hiếm khi được đặt thành vấn đề trong KCH. Điều đó chứa đựng  những cách đặt vấn đề hơn là việc đưa ra những lời đáp.
___________________________________

Còn nữa.... 

Tác giả: GS. Ian Hodder sinh năm 1949, tốt nghiệp cử nhân tại Đại học London năm 1971, nhận học vị tiến sĩ tại Đại học Cambridge năm 1975, trở thành giáo sư Đại học Cambridge từ năm 1977.

Nguyên bản: Reading the Past – Current approaches to Interpretation in Archaeology. Second Edition. Cambridge University Press 1991.

Tài liệu dẫn

Bapty I., and Yates T. (eds.) 1990. Archaeology after Structuralism: Introductory Readings in Post-Structuralism and Archaeology, London: Routledge.

Derrida J. 1975. Of Grammatology, Baltimore: Johns Hopkins University Press.

Eagleton T. 1983. Literary Theory, Oxford: Blackwell.

Gregory T. 1983. The Impact of Metal Detecting on Archaeology and the Public, Archaeological Review from Cambridge 2, 5–8.

Held D. 1980. Introduction to Critical Theory, London: Hutchinson.

Hodder I. 1984b. Archaeology in 1984, Antiquity 58, 25–32.

Hodder I. 1989b. Writing Archaeology: Site Reports in Context, Antiquity 63, 268–74.

Parker Pearson M., Peck N. and Stone P. 1985. Archaeology, Knowledge and Society: Surveys in Britain (typescript).

Horkheimer M. and Adorno T., 1973. Dialectics of the Enlightenment, London: Allen Lane.

Leone M. 1982. SomeOpinions about RecoveringMind, AmericanAntiquity 47, 742–60.

Leone M. 1983. The Role of Archaeology in Verifying American Identity, Archaeological Review from Cambridge 2, 44–50.

Leone M. 1987. The Georgian Order as the Order of Merchant Capitalism in Annapolis, in M. Leone and P. B. Potter (eds.), The Recovery of Meaning, Washington: Smithsonian Institution Press.

Merriman N. 1989a. Museum Visiting as a Cultural Phenomenon, in P. Vergo (ed.), The New Museology, London: Reaktion Books.

Merriman N. 1989b. The Social Role of Museum and Heritage Visiting, in S. Pearce (ed.), Museum Studies in Material Culture, Leicester University Press.

Tilley C. 1989a. Discourse and Power: The Genre of the Cambridge Inaugural Lecture, in D. Miller M. Rowlands and C. Tilley (eds.) Domination and Resistance, London: Unwin Hyman.

Tilley C.  (ed.) 1990a. Reading Material Culture, Oxford: Blackwell.

Willey G. 1980. The Social Uses of Archaeology, Murdoch Lecture (unpublished typescript), Harvard University 1984, Archaeological Retrospect 6, Antiquity 58, 5–14.

Williamson T. and Bellamy L. 1983. Ley Lines in Question, London: Heinemann.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét