Powered By Blogger

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Trào lưu vùng trong bối cảnh toàn cầu hóa (II)



Trào lưu vùng trong bối cảnh toàn cầu hóa (II)

Hà Hữu Nga

Văn hóa vùng trong trào lưu toàn cầu hóa

Trào lưu vùng dù được qui về lĩnh vực chính trị học, về cả phương diện từ nguyên lẫn thực tiễn, tuy nhiên chúng ta vẫn cần phải trả lời một câu hỏi mà các nhà khoa học xã hội không thể lảng tránh. Văn hóa có vị trí gì trong quá trình toàn cầu hóa? Các nhà nghiên cứu xã hội học chô rằng đặc trưng toàn cầu hóa không phải là khuynh hướng của các văn hóa vùng và quá trình hội tụ như vậy rõ ràng là hướng tới một văn hóa toàn cầu – một hiện tượng được gọi một cách giễu nhại là “McDonal hóa” thế giới (cái tên do Ritzer đặt ra). Quá trình McDonal hóa tập trung vào việc tiêu chuẩn hóa các tương tác xã hội trước hết được phát triển trong sản xuất hàng hóa công nghiệp hàng loạt, sau đó được chuyển giao thông qua việc tổ chức hệ thống cửa hàng ăn nhanh để thực hiện mỗi trao đổi giữa khách hàng và người cung cấp sản phẩm và dịch vụ. Ở một khía cạnh nào đó, toàn cầu hóa đã được thể hiện một cách kinh nghiệm chủ nghĩa bằng cách tiêu thụ hamburgers. Một ví dụ nổi tiếng về sự thành công của hệ thống tổ chức McDonald là việc khai trương một nhà hàng McDonald tại Moscow. Tuy nhiên một Big Mac ở Moscow không có hương vị như một Big Mac ở Mỹ.

Bản thân Ritzer đã đưa ra một ví dụ thú vị về một hợp nhất (nhưng không phải là duy nhất) của các hệ thống tổ chức: một đặc trưng của nhà hàng McDonald tại Moscow là khách hàng xếp hàng dài chờ đợi tại lối vào nhưng một cửa hàng khác thì “người làm dịch vụ” lại cung cấp cho khách hàng các Big Mac trong vòng 15 phút nếu có một khoản lót tay nhỏ. Vậy là sự hấp dẫn ghê gớm của loại nhà hàng ăn nhanh này dường như bắt nguồn từ hình tượng của nó chứ không phải là sự vận hành của nó. Ăn một bữa ăn nhanh của McDonal ở Moscow lại không hề nhanh như nó được hứa hẹn tại Mỹ. Giá cho một bữa ăn như vậy giờ đây cũng đang tăng lên, đã tạo thêm mâu thuẫn với chiến lược marketing đầu tiên của McDonald. Kết quả trớ trêu đó là một sự pha trộn hoàn hảo của hai hệ thống Nga và Mỹ. Ở Moscow, việc cung cấp cho ai một cái gì đó trước hết là vấn đề tiếp xúc và các mối quan hệ đúng; ở đây theo đúng nghĩa thì “thời gian không phải là tiền bạc”, mà những nhân tố sáng tạo hiện nay đã kết hợp hai hệ thống lại với nhau bằng cách tạo ra một logic tương tác mới. Tương tự như vậy, trước khi đưa sản phẩm của mình ra thị trường các giám đốc có đầu óc sáng tạo của các công ty có một thị trường toàn cầu (“những người chơi toàn cầu”) luôn xem xét kỹ lưỡng các đặc trưng vùng và cố gắng phát triển các mối quan hệ địa phương [Hahn 2005: 92]. Coca-Cola và Sonny mô tả nhiệm vụ này là “địa phương hóa toàn cầu” [Beck 1997]. Chúng ta đang được chứng kiến một nghịch lý ghê gớm: một mặt nhu cầu tiêu chuẩn hóa vì các mục đích tổ chức toàn cầu, và mặt khác là việc tìm kiếm “tính chất xác thực” trong các vùng. Tác động của vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được xác định.

Tình trạng nước đôi này có thể được làm rõ bằng cách xem xét thực chất của cái mà Mill C. Wright [1959] đã gọi là “sự tưởng tượng xã hội học” hoặc Georg Simmel gọi là “nhãn kiến xã hội học” của các xã hội. Trong quan niệm chung nhất của nó xã hội học qui về sự phát hiện ra các cấu trúc trong đời sống xã hội. Các cấu trúc này được tạo ra bởi các mạng tiếp xúc giữa người và người và thường là những kết quả đã được định trước của các tương tác này. Điều đó củng cố cho việc tập trung vào các quá trình giao tiếp có thể nhìn thấy trong khuôn khổ của một phổ giữa hai cực, giao tiếp địa phương mặt đối mặt và cái gọi là truyền thông đại chúng. Sự đồng tồn tại của hai loại hình giao tiếp này có tầm quan trọng đặc biệt. Các lý thuyết xã hội học gần đây có thể giúp chúng ta phân tích các hiệu quả xã hội của các phương tiện giao tiếp hiện đại trong các vùng trong một bối cảnh mà vùng không còn được coi là các không gian hoặc các lãnh thổ được vạch ranh giới nữa. Để thảo luận các lý thuyết này, Hahn [2005: 93] đưa ra ba thuật ngữ chủ chốt: “tộc cảnh”, “cầu phương hóa”, và “biệt gộp”. Chúng ta có thể thấy một khía cạnh rất quan trọng trong khái niệm cầu phương hóa của Hahn là ở chỗ khái niệm này là một phương trình hồi qui, nó chứa đựng không phải hai mặt của một vấn đề như những cách nhìn “biện chứng” giữa hai mặt đối lập; ngược lại đây là một lối nhìn vào một thế giới song hành tồn tại và vận động của những sự kiện, những quá trình không đấu tranh với nhau, không loại trừ nhau mà nương tựa vào nhau, vào điều kiện tồn tại và phát triển cho nhau. Từ đó chúng ta có thể thấy rằng toàn cầu hóa không nhất thiết đồng hóa mọi văn hóa, ngược lại toàn cầu hóa làm cho các nền văn hóa riêng biệt có điều kiện khẳng định bản sắc văn hóa của mình.

Theo Hahn, thuật ngữ mới “tộc cảnh” qui chiếu vào một thực tế là căn nguyên của các bản sắc văn hóa chắc chắn không gắn liền với sự hiện diện của chúng trong một vùng nhất định nào đó [Appadurai 1991]. Ngược lại vô số bản sắc văn hóa có thể phát triển trong cùng một vùng. Cái đặc biệt có ý nghĩa khi mô tả một nhóm tộc người hoặc một văn hóa không thể có nguồn gốc riêng biệt từ những điều kiện nội tại trong đời sống của nhóm. Thế giới hiện đại thường được coi là một lọat các cộng đồng hòa trộn hoặc chuyển tiếp thay vì một số lượng nhất định các xã hội dân tộc. Trong trường hợp này việc tổ chức các mối quan hệ xã hội và cuộc sống hàng ngày không dựa trên sự phân loại vùng – theo nghĩa không gian. Hơn nữa hiện nay một vùng được xác định bằng sự pha trộn văn hóa cụ thể, và những cách thức cụ thể mà các sự kiện toàn cầu được đan dệt với các cấu trúc địa phương. Mặt khác, vùng là một hỗn hợp của các mối quan hệ xã hội vùng và xuyên quốc gia. Qúa trình “toàn cầu hóa” đã cho thấy rằng vùng vẫn là một vị trí mà ở đó các sự kiện toàn cầu và các ảnh hưởng là có tính chất trung gian và được con người trải nghiệm. Hàng lọat vùng và văn hóa không phải là “phi không gian” mà người ta đặc biệt chú ý đến tính mở của các không gian xã hội và môi trường của chúng [Beck 1997: 118-119]. Quan điểm này cho rằng các cộng đồng người khác nhau “nắm bắt” một cách chọn lọc các yếu tố từ các văn hóa đô thị để “tạo dựng” một phương tiện lai tạp để khớp nối kinh nghiệm và các đặc phẩm về phương diện lịch sử và xã hội riêng lại với nhau [Barber and Waterman 1995: 240]. Cách nhìn nhận này nhấn mạnh vào vai trò năng động và sáng tạo của con người với tư cách là những người sản xuất văn hóa chứ không phải là thể hiện chúng như những nạn nhân thụ động của toàn cầu hóa.

Cuối cùng điều này dẫn đến một câu hỏi: người ta cần phải hiểu như thế nào về các ranh giới giữa các nhóm văn hóa mà giờ đây các ranh giới không gian đã không còn giá trị nữa. Trong trường hợp này chúng ta có thể chỉ ra cái luận cứ “phân biệt gộp” đã nói. Điều đó có nghĩa là các ranh giới không phải được tạo dựng bằng cách “loại trừ” hoặc “chia tách” – mà thực tiễn hơn – bằng cách nhìn nhận rằng chúng không có cơ hội để tham gia vào tất cả các nhóm hoặc để hấp thụ tất cả mọi thông tin mà người ta tung ra. “Phân biệt gộp” ấn định một phương tiện nhất định để quan sát đời sống xã hội. Những phương tiện này hạ thấp tầm quan trọng của sự chia tách giữa các phạm trù xã hội hoặc các nhóm để làm nổi bật những giao điểm tạo ra những mối quan hệ mới giữa các nhóm và các phạm trù xã hội. Trong việc gắn kết các cấu trúc xã hội và văn hóa “Phân biệt gộp” không phân biệt giữa “cũng/hoặc” mà nhấn mạnh “cũng như”. Các lý thuyết và các luận cứ này gợi ý các phương pháp phân tích trào lưu vùng hoặc “các văn hóa vùng” trong các xã hội toàn cầu. Chúng chỉ ra rằng chúng ta không nên quá mất công thực hiện việc “phân biệt loại trừ” và không nên tìm kiếm các ranh giới và các khác biệt bất biến do tăng cường các quá trình đồng hóa của các nhóm văn hóa [Hahn 2005: 94]. Hoàn toàn có thể coi đây là một trong những đóng góp lớn của Hahn vào việc xây dựng một cách tiếp cận mới về văn hóa, đó là lối tiếp các quá trình bổ sung mà không bài trừ nhau, chúng ta có thể gọi đó là phép biện chứng tổng quát, trong khi sự vận động và đấu tranh giữa hai mặt đối lập là trường hợp riêng của phép biện chứng này.

Căn cứ vào một thực tế là quá trình toàn cầu hóa thể hiện trong quá trình lai tạp mới các cấu trúc và bản sắc toàn cầu thì các mâu thuẫn của toàn cầu hóa sẽ được phát hiện ra chủ yếu trong quá trình sống của các cá nhân. Như Ulrich Beck đã nói: Chúng ta đang sống “toàn cầu” và chúng ta trải qua hiện tượng này trong các cuộc sống gia đình đa văn hóa, trong kinh doanh, trong tương tác và giao tiếp với bạn bè, xem phim, mua sắm, và nghe nhạc [Beck 1997: 129]. Vì vậy các tiểu sử “hiện đại” đã đưa ra một sự thỏa hiệp giữa tất cả các tư tưởng cá nhân về các cơ hội và các thách thức trong một môi trường “mở” của các hành động và cái có thể thực sự được thực hiện. Điều này tác động đến việc lý giải trào lưu vùng. Trước hết chúng ta có thể nói rằng giá trị và việc định giá một vùng chỉ có thể được phát triển khi có dịp trải nghiệm sự phân chia không-thời gian” trong các tiếp xúc hoặc “phép gián cách” khỏi nơi đó [Robertson 1998: 215]. 

Vì vậy thảo luận về một vùng có nghĩa là bất cứ khi nào việc thảo luận về hình ảnh của nó hoặc cách thức mô tả vùng được thể hiện bằng cái nhìn của người dân sống ở đó. Anthony Giddens đã viết: “Trong các điều kiện tính hiện đại, quê hương, nơi chốn ngày càng trở thành ảo ảnh…Cái cấu trúc nên nơi chốn lại không đơn giản là cái giờ đây đang hiện diện; “hình thức thị giác” của nơi chốn che đậy những mối quan hệ đã trở nên xa cách là cái quyết định thực chất của nó [Giddens 1990: 18-19]. Cuối cùng việc nhận thức sâu sắc về “tộc cảnh” cần phải có sự phát triển các phương pháp mới bằng cách coi văn hóa của một nhóm xã hội kết hợp một số tiêu chuẩn vùng và liên vùng bao gồm cả sự thay đổi các suy tư về cái đặc trưng cho vùng. Khi Robertson lý giải quá trình toàn cầu hóa thì ông đã phát hiện ra rằng trong quá trình này, tính đặc thù đang trở thành một giá trị toàn cầu [Robertson 1992]. Điều này làm cho bản sắc trở thành một cấu trúc phức tạp. Một mặt người ta phản đối ầm ĩ nhân danh lòng trung thành với các giá trị địa phương và tự mình làm vững dạ mình bằng những gì đã quá đỗi thân quen trong một thế giới đang toàn cầu hóa không gì cưỡng lại được. Mặc khác người ta lại đánh giá cao các tư tưởng chủ nghĩa thế giới và tham dự vào các lối sống theo chủ nghĩa thế giới [Beck 1997: 91; Giddens 1990: 140]. Trước khi tập trung vào các phương pháp kinh nghiệm chủ nghĩa Honnighausen đã đưa ra một số gợi ý từ một số kết quả kinh nghiệm chủ nghĩa bằng cách dẫn Daniel Miller như sau:

Hãy “thử cố gắng tìm hiểu xem tại sao Lễ Giáng sinh lại gia sức bành trướng trên toàn thế giới…Chúng ta cần lưu ý rằng lễ hội này vừa đáng yêu đối với các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian với tư cách là những người luôn luôn cất công tìm cho ra các tập quán địa phương đi kèm với nó, và lại cũng phát triển như một lễ hội tiềm tàng khả năng toàn cầu nhất trong các quốc gia Thiên chúa giáo…Trong khi các nhà triết học vật lộn với câu hỏi: cái gì được gọi là “đang tồn tại trong ngôi nhà trên trần thế” thì những người làm lễ Giáng sinh lại coi đây là một ngữ đoạn theo đúng nghĩa đen. Lễ Giáng sinh tôn thờ ngôi nhà với tư cách một đời sống gia đình thuần túy, một nơi chốn duy nhất mà người ta thực sự có mặt trong buổi lễ. Sau đó nó sử dụng thế giới vi mô của đời sống gia đình để hoàn thiện ý nghĩa toàn cầu, nó hình dung tất cả các dân tộc trên thế giới tiến hành cùng một nghi lễ trong cùng một thời điểm như là một gia đình toàn cầu vậy. Như vậy lễ Giáng sinh vừa tạo ra tính chất có thể so sánh với nhau về phương diện biểu tượng cũng như thực tế giữa cái vũ trụ xã hội lớn nhất (hoặc đối với người theo tôn giáo – nó có tính vũ trụ luận) mà chúng ta được mời gọi để hình dung ngay cả cái vũ trụ xã hội nhỏ nhất mà chúng ta có ý giả định [Miller 1995: 18].

Quan sát này mâu thuẫn với lý thuyết nổi tiếng của Joshua Meyrowitz. Bằng cách dồn nén vào mấy chữ “Nơi chốn là vô nghĩa”, Meyrowitz nhấn mạnh tuyên bố này để lý giải các thông tin được truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng đã tác động như thế nào đến các mối quan hệ giao tiếp mặt đối mặt. Chắc chắn là một khối lượng khổng lồ phim ảnh và TV ở các xưởng sản xuất Hollywood được lưu hành trên toàn thế giới cần phải được xem xét một cách cẩn thận khi đánh giá các tương tác và các kinh nghiệm về quê hương bản quán. Nhưng trong bối cảnh này, nghiên cứu kinh nghiệm chủ nghĩa sẽ đưa lại cho chúng ta những gợi ý về việc thấu hiểu các nội dung truyền thông. Để chỉ ra cách thức nghiên cứu kinh nghiệm chủ nghĩa hướng dẫn cho chúng ta cách thức tìm hiểu tư liệu truyền thông, chúng ta có thể đưa ra một số kết quả của một dự án “các cách đọc liên văn hóa Dallas”. Các tác giả Tamar Liebes và Elihu Katz đã cố lý giải việc “xuất khẩu nghĩa” của hàng lọat Dallas rất nổi tiếng [Liebes and Katz 1990]. Nhưng họ đã thấy là không thể xuất khẩu nghĩa bằng truyền hình. Họ đã nhấn mạnh một cách cụ thể đặc trưng của tri giác, là cái trước hết tạo ra nghĩa và có thể phân biệt theo thành viên nhóm xã hội. Khi Liebes và Katz cố gắng phát hiện ra những người thuộc các dân tộc khác nhau (Nga, Arab, Nhật, Mỹ, và Do Thái sống trong một kibbutz – khu định cư Do Thái) “đã thấy” gì khi họ xem Dallas, họ bắt đầu biết được rằng những lý giải của họ là mâu thuẫn. Chẳng hạn trong một đoạn, Sue Ellen đã bỏ chồng cô là J. R. lại để quay trở về với người yêu cũ của cô và sống với anh ta trong ngôi nhà của cha anh ta. Khi các tác giả thảo luận về sự kiện này tất cả nhóm Arab đều tin chắc rằng Sue Ellen đã trốn thoát khỏi J.R. và quay trở về với ngôi nhà của cha cô. “Lý giải” sai lầm này cho thấy sự thống trị của cả hai cách đọc địa phương và tính chất bền vững của việc tạo ra các kinh nghiệm chung trong các nhóm xã hội. Khẩu hiệu “Nơi chốn là vô nghĩa” có thể được thảo luận theo cách cấu trúc vĩ mô hơn. Blackely và Snyder đã nhấn mạnh rằng “việc sử dụng không gian vật lý để tạo ra vị trí xã hội là một truyền thống sâu đậm và dài lâu của Mỹ” [Blakeley and Snyder M.G. 1999: 1]. Truyền thống này được áp dụng vào một loại hình hiện đại của vị thế cư trú, “các cộng đồng đóng kín”.

Trào lưu vùng, toàn cầu hóa và quyền tự trị xã hội

Các cộng đồng khép kín bảo lưu một đặc trưng tổ chức xã hội đến mức mà các thành viên của cộng đồng đó tìm mọi cách để phân biệt khi chia bất động sản của họ. Một mặt việc phân vùng các cộng đồng đóng kín tạo ra một đặc trưng mới nào đó, cho dù cộng đồng đó bị phân rã. Sự tách biệt (vì những lý do nào đó) thực sự sản sinh ra một mối gắn bó thống nhất các cư dân lại và cho phép họ sống mà không để lộ tung tích của mình như là những gia đình biệt lập hoặc đơn chiếc (chừng nào họ còn tôn trọng rất nhiều nguyên tắc và qui định bắt buộc chẳng hạn như phải trang trí mặt tiền ngôi nhà của họ như thế nào và thậm chí các hành vi của họ bên ngoài bức tường ngôi nhà của mình ra sao). Nói tóm lại các cộng đồng đóng kín trong tổ chức không gian riêng biệt của họ cho phép họ sống mà không tiếp xúc với mọi người xung quanh mình. Tuy nhiên điều đó dẫn đến một vấn đề: Liệu có phải các cư dân đóng kín đó sắp xếp các mối quan hệ xã hội mà không quan tâm đến không gian vật chất (như NY-LON chẳng hạn) mà chỉ quan tâm đến tính vận động của không gian và việc giao tiếp theo “không gian điều khiển” hay không? Ngay cả khi sống theo quan niệm “nơi chốn là vô nghĩa” theo một lối sống cũ theo truyền thống tạo ra sự phân biệt Châu Âu. Thay thế cho việc chia tách không gian thì sự phân biệt xã hội được tổ chức theo những cách thức khác nhau hay bằng việc thể hiện của các mô hình tiêu thụ nhất định về phương diện biểu tượng bằng cách cam kết với bất cứ vị thế hoặc giai cấp nào của mọi người trong một đơn vị không gian [Veblen 1991]. Thậm chí ngay cả ở đây ảnh hưởng của toàn cầu hóa cũng sẽ là một đề tài cực kỳ hấp dẫn cần được tiếp tục nghiên cứu thêm.

Hahn gợi ý rằng các phương pháp phân tích trào lưu vùng trong một thế giới toàn cầu hóa phải đem đến một phương tiện quan sát nhằm trả lời cho các câu hỏi này: Trào lưu vùng có thể được trải nghiệm như thế nào trong một thế giới “phân ly không-thời gian”? Làm thế nào để những ảnh hưởng và suy tư về “sự phân ly không-thời gian” được mô tả bằng cách kết nối với các trải nghiệm về một nơi chốn nhất định? Từ quan điểm này liệu chúng ta có thể nhận thấy nhu cầu kết nối giữa các viễn cảnh phân tích vĩ mô và vi mô cũng như nhu cầu nhấn mạnh vào các mô thức lý giải chủ quan về các tác nhân? Hơn nữa quá trình toàn cầu hóa chỉ có thể được làm chủ bằng cách khảo sát các trạng huống xã hội, các tương tác địa phương, hoặc các dấu hiệu biểu trưng được qui vào các điều kiện toàn cầu. Gần đây người ta đã phát triển một số phương pháp nghiên cứu văn hóa dựa trên những tiếp cận bổ sung trước hết được phát triển trong các bộ môn khác nhau. Việc bổ sung cho phương pháp nghiên cứu kinh nghiệm cổ điển trong xã hội học vẫn thường dựa trên các dữ kiện vĩ mô thuộc các cấu trúc kinh tế xã hội. Giờ đây rất cần có thêm các phương pháp của những lĩnh vực nghiên cứu khác. Chẳng hạn việc nghiên cứu tiểu sử hoặc lịch sử truyền miệng, việc lý giải văn liệu thì các phương pháp địa lý, ngôn ngữ học, và các mô tả về phương pháp luận tộc người hoặc nhân học tất cả đều đưa ra cách tiếp cận các kinh nghiệm cá nhân. Khi đề cập đến tầm quan trọng của việc xem xét ảnh hưởng chung của các cấp độ vi mô và vĩ mô của tư liệu, cần đặc biệt nhấn mạnh đến hai phương pháp. Các phương pháp này gắn kết dữ liệu vĩ mô với dữ liệu vi mô đến mức chúng có thể bổ sung cho nhau. Mỗi phương pháp thể hiện một mô thức phân tích xã hội học về các văn hóa vùng.

Cách tiếp cận đầu tiên được R.T. McKenzie phát triển. Ngay từ những năm 1920s-1930s ông đã là thành viên của một nhóm các nhà xã hội học sau này trở nên nổi tiếng với tên gọi là Trường phái Xã hội học Chicago. McKenzie đã đưa ra một số nguyên tắc gắn liền với lý thuyết nổi tiếng của Trường phái Chicago về sinh thái học xã hội cho đến nay vẫn còn hữu dụng như một phương pháp phân tích kinh điển về không gian xã hội. Lý thuyết này được giành riêng cho cách tiếp cận chức năng để củng cố một viễn cảnh vĩ mô. Trong khái niệm “sinh thái xã hội” của mình, McKenzie đã chỉ ra rằng khái niệm sinh thái bao gồm tất cả các quá trình (được tạo bởi các tương tác và các thể chế) trong một không gian. Đặc biệt hơn, nó phân tích cách thức phân bố con người và các họat động của họ trong không gian phù hợp với các loại hình tổ chức đặc biệt trong một vùng và với các hình thức liên hệ chặt chẽ với cái không gian đặc biệt đó. Vì vậy “những đơn vị sinh thái” khác nhau có thể được phân biệt theo các nguyên tắc tổ chức nội tại. Để phân biệt các nguyên tắc này McKenzie đã xác định những phạm trù không gian xã hội sau đây: i) Tính di động và dao động: thay đổi các vị trí của cư dân, nơi làm việc hoặc hàng hóa vì tính động của sự tiến bộ văn hóa và công nghệ; ii) Khoảng cách: sự mở rộng không gian và giao thông vận tải tùy thuộc vào sự cân bằng về thời gian và chi phí; iii) Mức độ tập trung: mật độ người trong một giai đoạn nhất định; iv) Trung tâm hóa: các trung tâm hấp dẫn đặc biệt mà rất đông người thường xuyên lui tới một cách tạm thời; v) Sự chia tách: sự thay đổi mật độ trong các nhóm cư dân để tạo nên một cộng đồng có thể là đồng nhất hoặc khác biệt hơn về phương tiện tài chính, điều kiện ngôn ngữ, tộc thuộc, và …vv.; vi) Sự xâm nhập: sự chuyển chỗ của các nhóm cư dân tạo ra bởi sự chia tách; vii) Sự kế tiếp: một quá trình thay đổi tuần hoàn trong việc tận dụng một không gian đến mức các loại cư dân khác nhau hoặc các hình thức sử dụng không gian khác nhau xảy ra kế tiếp nhau (kể cả kết quả của sự xâm nhập).

Các phạm trù này vẫn còn giá trị khi tiến hành một phân tích cấu trúc, nhưng nó sẽ trùng với một quan điểm gần hơn với chủ thuyết thế giới vi mô. Cách tiếp cận thứ hai dựa trên khái niệm tương tác biểu tượng xuất phát từ Clifford Geertz. Geertz đã đưa ra phương pháp “miêu tả dày”, có thể giúp hoàn thành các dữ liệu vĩ mô “bề mặt” bao gồm cả viễn cảnh vi mô của các tác nhân [Geertz 1973]. Ngược lại với cách tiếp cận của McKenzie nhấn vào tổ chức xã hội của không gian, “miêu tả dày” của Geertz lại tập trung vào các phương biểu tượng của hành động xã hội, hoặc các ý nghĩa mà tự thân các tác nhân gán cho các biểu tượng trong khi tương tác. Vì vậy phương pháp này dựa trên cách tiếp cận verstehen (nhận thức) của Max Weber, một trong những nền tảng phương pháp luận nổi tiếng nhất trong các khoa học xã hội. Căn cứ vào đó Geertz giải thích rằng “con người là một động vật treo lơ lửng trong các mạng ý nghĩa mà bản thân nó đã giăng ra”, rằng mỗi mạng lưới đó có thể được coi là một “văn hóa” [Geertz 1973: 5]. Vì vậy ông đã đề xuất nhiệm vụ chủ yếu của nhà nghiên cứu là lý giải các biểu hiện xã hội được tạo dựng bằng cách tìm ra nghĩa. Mục đích là nhắm vào việc mô tả dân tộc học bao gồm cả ba đặc trưng: “đó là giải thích; giải thích có nghĩa là dòng diễn ngôn xã hội; và hành động giải thích bao gồm cả việc cố gắng cứu lấy điều “đã nói” của diễn ngôn như vậy vì các duyên do của nó đang biến mất đi” [Geertz 1973: 20]. Dòng diễn ngôn trong mỗi tình huống xã hội tăng cường mạng ý nghĩa, vì vậy công việc phân tích là phải phân loại cấu trúc của nó. Nhưng phần lớn thời gian nhà dân tộc học phải đối mặt với “vô số cấu trúc khái niệm phức tạp, mà đa phần đều được tống thêm vào hoặc được buộc chặt vào một cấu trúc khác” [Geertz 1973: 10]. Geertz lý giải một tập hợp dữ liệu như một văn bản, với một hàm ý rằng phương pháp tiếp cận đó thuộc về thuật phê bình văn học [Geertz 1973: 9]. Trong trường hợp này các khác biệt phát triển cả trong việc xác định cơ sở xã hội và sự nhập khẩu cách lý giải văn bản và - gắn liền với nhiệm vụ này – là việc nhận thức, hoặc chí ít thì cũng ghi nhớ được rằng không thể chia tách quan sátlý giải kể cả trong tư duy lẫn trong thực tiễn. Vì vậy có thể đi tới kết luận là “miêu tả dày” có nghĩa là “viết ra những nguyên tắc hệ thống…là cái, nếu được tuân thủ, sẽ có thể vận hành như vậy, có thể trao truyền …cho một địa phương” [Geertz 1973: 11]. Đồng thời việc đạt được năng lực này làm tăng thêm giá trị của phương pháp tiếp cận ấy và là một biểu hiện của việc vượt qua quan điểm thuần túy chủ quan của việc mô tả mang tính lý giải. Hai cách tiếp cận này có thể bổ sung cho nhau. Tuy nhiên chúng cũng giúp kết hợp các kinh nghiệm địa phương và các tác động vùng về mặt phương pháp luận [Hahn 2005: 100].
___________________________________      

Còn nữa....

Tài liệu Tham khảo

Appadurai, Arjun 1991. Global Ethnoscapes: Notes and Queries for a Transnational Anthropology. In Recapturing Anthropology: Working in the Present, ed. Richard G. Fox (Santa Fe: School of American Research, 1991).

Barber, K. and Waterman C. 1995. Treversing the Global and the Local: Fuji Music and Praise Poetry in the Production of Contemporary Yoruba Popular Culture. In Worlds Apart: Modernity through the Prism of the Local, ed,. Daniel Miller (London and New York: Routledge, 1995).

Beck, Ulrich 1997. Was ist Globalisierung? Irrtumer des Globalismus – Antworten auf Globalisierung (Franfurt a.M: Suhrkamp).

Blakeley Edward J. E.J. and Snyder M.G. 1999. Fortress America: Gated Communities in the United States (Washington, DC: Brookings Institution Press, 1999).

Geertz, Clifford 1973. Thick Description: Toward an Interprettive Theory of Culture. In The Interpretation of Culture: Selected Essays by Clifford Geertz (New York: Basic Books.

Giddens, Anthony 1990. The Consequences of Modernity (Stanford: Stanford University Press).

Hahn, Kornelia 2005. Regionalism in Global Societies A Contradiction?. In Regionalism in the Age of Globalism – Concepts of Regionalism. Volume 1. Edited by Lothar Honnighausen, Marc Frey, James Peacock, Nicolaus Steiner. Center for the Study of Upper Midwestern Cultures 901 University Bay Dr. Madison, W1 53705. Copyright 2005, The Board of Regents of the University of Winsconsin System All rights reserved. Printed in the United States of America.

Liebes T. and Katz  E. 1990. The Export of Meaning: Cross-cultural Readings of Dallas (New York: Oxford University Press, 1990).

Miller, Daniel 1995. Introduction: Anthropology, Modernity and Consumption. In Worlds Apart, 18).

Mills C. Wright 1959. The Sociological Imagination, New York. Oxford University Press.

Robertson, Roland 1998. Glokalisierung: Homogenitat und Heterogenitat in Raum and Zeit. In Weltgesellschaft, ed., by Ulrich Beck (Franfurt a/M: Suhrkamp).

Veblen, Thorstein 1991. The Theory of the Leisure Class (Fairfield, NJ: Kelley, 1991). [Originally published in 1899].


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét