Powered By Blogger

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Nhân học Nhận thức Xu hướng tất yếu của Khảo cổ học thế kỷ XXI*


Nhân học Nhận thức
Xu hướng tất yếu của Khảo cổ học thế kỷ XXI*

Hà Hữu Nga
 
Đối với Nhân học nhận thức tiền sử, có lẽ cuốn sách của nhà tâm lý học thần kinh người Canada Merlin Donald “Nguồn gốc Tư duy Hiện đại” (Origins of the Modern Mind: Three stages in the evolution of culture and cognition) có thể được coi là một cuộc cách mạng, giống như cuộc cách mạng mà Darwin đã tạo ra với cuốn “Nguồn gốc các loài” vậy. Theo Donald, trong khoảng 2 triệu năm lịch sử của mình, loài người đã trải qua ba giai đoạn chuyển tiếp chủ yếu. Trước hết đó là giai đoạn các hominids tách khỏi các giống vượn khác để hình thành nên những con người đầu tiên. Những con người ấy đã biết dùng cơ thể của họ để bắt chước những người già và các thành viên của nhóm. Giai đoạn hai, con người phát triển các hệ thống giải phẫu và thần kinh riêng biệt, cho phép họ sử dụng ngôn ngữ nói để sáng tạo ra và kể lại các câu chuyện. Giai đoạn thứ ba con người đã sáng tạo ra các hệ thống ký hiệu và biểu tượng để lưu giữ ký ức và trao truyền các loại hình văn hóa phức tạp, bao gồm cả nghệ thuật và khoa học. Ông coi đây chính là giai đoạn sáng tạo ra con người hiện đại [Donald 1991].

Có lẽ tính chất cổ lỗ của mô hình tiến hóa ba giai đoạn của Donald đã không còn đủ sức hấp dẫn trí tuệ của thiên niên kỷ thứ III. Tuy nhiên, nhiều người vẫn coi đó là một Đại lý thuyết [Gardner 1997], bởi vì trong ngổn ngang những sai lầm của ông, đã lấp lánh ánh hào quang của thiên tài. Đó là việc ông coi sự sáng tạo ra các hệ thống ký hiệu và biểu tượng chính là tiêu chuẩn sáng tạo ra con người hiện đại. Về phương diện này, chắc chắn các thế hệ mai sau sẽ nói rằng ông chỉ xác định sai thời điểm ra đời của con người hiện đại mà thôi, vì thật ra thì không thể có được bất cứ bằng chứng xác thực nào để làm mốc cho sự ra đời của các hệ thống ký hiệu và biểu tượng. Sự ra đời của hệ thống này sớm hơn nhiều, và là cả một quá trình dài. Đối tượng của Nhân học nhận thức không chỉ đơn thuần là các tập hợp hiện vật thu thập được từ các di chỉ. Điều quan trọng nhất đối với Nhân học nhận thức là sự sáng tạo và sử dụng các bộ công cụ khái niệm như là các chỉ số để kiểm nghiệm mức độ phát triển của tư duy con người. Với cách tiếp cận đó, một công cụ ghè đẽo sẽ trở nên vô nghĩa nếu nó chỉ là một công cụ. Nó sẽ có ý nghĩa khi người ta biết rằng công cụ đó đã được hình thành trong óc người chế tác nó ra sao. Ngoài chức năng công cụ ra, và quan trọng hơn cả chức năng của một công cụ, vấn đề là ở chỗ hiện vật ấy có ý nghĩa gì trong cuộc sống đầy biểu tượng của người tiền sử ?. Về phương diện này, công cụ ấy đã trở thành một thứ chữ cái hoặc một từ, thậm chí một cụm từ, một mệnh đề, hoặc một câu. Cao hơn nữa, nó có thể là một câu truyện, một văn bản mà nhà tiền sử học cần phải đọc và lý giải được đầy đủ ý nghĩa.

Bước tiến đột phá của con người là biết sử dụng một vật bên ngoài cơ thể cho một mục đích nào đó. Nhưng điều quyết định hình thành con người chính là nó biết sử dụng đồ vật như một công cụ đánh dấu. Loài vật đánh dấu lãnh địa bằng mùi đặc trưng của cơ thể. Loài ong ra dấu cho đồng loại để bay đến cánh rừng hoa bằng chính những vòng bay, kết hợp với những tiếng kêu vo ve, và cả mùi vị của hoa rừng nữa. Hầu hết các loài ra dấu hiệu bằng tiếng kêu, tiếng hót, tiếng rú, tiếng rống và những động tác cơ thể ít hoặc không tiến hóa. Vì vậy, đối với chúng, thế giới không còn gì khác ngoài những thứ giúp duy trì sự tồn tại của bản thân và giống nòi một cách vô ý thức. Vì vậy việc sử dụng cái ngoài bản thân mình để tạo ra dấu hiệu cho cá thể và quan trọng hơn là cho đồng loại làm cho con người nhận ra rằng tồn tại là không đồng nhất, và con người có khả năng sắp xếp lại tồn tại. Nhận thức ấy đã đưa con người đến việc đặt câu hỏi xem “ai đó” trước mình đã làm cái việc sắp xếp thế giới cảm tính (núi sông, cây cối, chim muông…vv) như hiện trạng. Chính cái “ai đó” vô hình ấy đã làm cho con người phát hiện ra rằng “đâu đây” vẫn đang tồn tại một loại sức mạnh ghê gớm để có thể sắp đặt được cái thế giới hiện tồn trật tự đến như vậy.

Vậy là việc đánh dấu đã giúp con người nhận ra sự khác biệt và những cái khác biệt nhau. Tư duy phân biệt mới là cái mốc giới khẳng định con người đã trở thành người hiện đại. Khi nhận ra cái ngày hỗn mang đã qua, con người lại nhận thức thêm được rằng sự khác biệt là có giới hạn. Khả năng phân loại đã giúp cho con người không quá hoảng sợ trước vô vàn khác biệt. Người ta nhóm những khác biệt lại với nhau căn cứ vào một hoặc một số tương đồng nào đó. Nhưng chính khả năng phân loại - một vấn đề cốt tử của nhận thức – lại càng giúp khoét sâu thêm những khác biệt. Lúc này khác biệt không còn là bề ngoài nữa, mà nó trở nên sâu sắc hơn. Khác biệt đã được trừu tượng thành bản chất. Vậy là chính khả năng phân biệt vô tận đã làm cho con người sáng tạo ra một thế giới đa linh. Đó là một thế giới đầy các sự vật, hiện tượng cần phải được gọi tên, bằng cách lấy các biểu tượng làm chỉ thị. Thế giới đa linh không quá linh thiêng như người ta tưởng, nhưng điều quan trọng hơn, nó không bao giờ là một thế giới vô hồn của các hiện vật khảo cổ học. Thế giới đa linh Tiền sử là thế giới của ý nghĩa. Nó chỉ có thể được đọc, được hiểu, được lý giải bằng Nhân học nhận thức. 
_________________________________________ 

* Ghi chú: Viết vào thời điểm kết thúc Thiên niên kỷ II, chuyển sang Thiên niên kỷ III, năm 1999.

Tài liệu dẫn

Donald, M. 1991. Origins of the Modern Mind: Three Stages in the Evolution of Culture and Cognition. Cambridge, MA: Harvard University Press.

Gardner, H. 1997. Thinking about thinking. New York Review of Books. 9-10-1997.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét