Powered By Blogger

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Phát triển bền vững nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ*


Hà Hữu Nga


1. Một số quan điểm nước ngoài về phát triển bền vững nông thôn

Một trong những gương mặt có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực chiến lược phát triển nông thôn bền vững của Châu Âu và thế giới là Andrew Shepherd. Theo ông thì chiến lược phát triển bền vững nông thôn, gồm có các yếu tố sau: i) tăng trưởng chất lượng: bền vững về xã hội, môi trường và giữ gìn hoà bình; ii) mở rộng quá trình tham gia của người dân; iii) đề cao các giá trị phi vật thể như tự do, tự trị, và phẩm giá; iv) môi trường tạo điều kiện cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp; v) phát triển thể chế an sinh địa phương; vi) coi trọng giá trị tri thức và công nghệ bản địa; phát triển công nghệ có sự tham gia của người dân; vii) phát triển các thể chế bảo vệ tài sản của các cộng đồng nghèo; viii) người dân quyết định sự phát triển nhiều phương diện và phát triển các giá trị phi vật thể; ix) khẳng định tài sản công cộng, mở rộng phạm vi hàng hoá công cộng; x) phân bố thể chế đa trung tâm gồm các tổ chức dân lập và các khuôn khổ tự quản; xi) tư duy phát triển lấy lượng hoá làm trung tâm; xii) tổ chức học tập theo mạng; xiii) sử dụng cách tiếp cận tổng thể trong phát triển nông thôn; xiv) nhà nước đóng vai trò kiến tạo khuôn khổ pháp lý, phân quyền, và khuyến khích các hiệp hội phát triển nông thôn [Shepherd 1998].     

Tuy phát triển bền vững nông thôn là một lĩnh vực mới mẻ và còn nhiều tranh luận, nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đều nhất trí với nhau ở một số chiến lược nhằm xây dựng một tầm nhìn dài hạn về phát triển nông nghiệp và nông thôn. Trước hết đó là việc mở rộng khái niệm nông nghiệp: theo cách hiểu truyền thống thì nông nghiệp thường chỉ bao gồm trồng trọt và chăn nuôi, người ta rất ít quan tâm đến lâm nghiệp, ngư nghiệp, và lại càng không quan tâm đến các tiện ích do môi trường, cảnh quan nông thôn, rừng núi, và miền biển đem đến cho con người. Trong thực tế, chính lâm nghiệp, ngư nghiệp và các loại hình kinh tế sinh thái gắn liền với nông thôn và rừng núi lại có tầm quan trọng hàng đầu đối với quá trình phát triển bền vững của nông nghiệp, nông thôn và bản thân những con người sống bằng phương thức sản xuất, kinh doanh, và làm các dịch vụ nông, lâm, ngư nghiệp, và kinh tế sinh thái. Hơn nữa, phát triển bền vững nông thôn bao quát một phạm vi rất rộng lớn: ngoài các vấn đề kinh tế và môi trường sinh thái, phạm vi của phát triển bền vững nông thôn còn bao gồm các lĩnh vực liên quan đến xã hội, văn hóa, con người và thể chế, đó là các vấn đề về dân số, dân cư, di dân, cấu trúc xã hội nông thôn, xung đột xã hội, tình trạng nghèo đói, các nhóm chịu thiệt thòi, vấn đề bình đẳng giới, các quyền của người nông dân, lối sống, phong tục tập quán, văn hóa nông thôn, v.v…[Canadian International Development Agency (CIDA) 2003].

Ngoài ra, hiện nay tại các quốc gia đã phát triển đang nổi lên một khuynh hướng mới, được gọi là tái sinh nông thôn. Khuynh hướng này ra đời dựa trên một thực tế đang trở thành phổ biến trên toàn thế giới, đe doạ sự phát triển bền vững nông thôn, đó là tình trạng từ bỏ đất đai nông nghiệp, từ bỏ các hoạt động nông nghiệp và các vùng nông thôn đi liền với tình trạng suy giảm dân số nông thôn. Hiện tượng suy giảm dân số nông thôn là một quá trình người dân nông thôn rời bỏ quê hương hoặc nơi cư trú truyền thống đi đến các vùng khác, chủ yếu là các vùng đô thị dẫn đến tình trạng suy giảm dân số tới mức cực hạn gây trở ngại cho các hoạt động kinh tế - xã hội vì tình trạng thiếu lao động nông nghiệp và thiếu nhân lực duy trì các hệ thống hạ tầng cơ sở và các dịch vụ cơ bản của nông thôn [Dunford, B. 2003]. Để khắc phục nguy cơ suy thoái nông thôn do tình trạng từ bỏ đất đai và suy thoái dân số, hiện nay hầu hết đều cho rằng cần hỗ trợ các khu vực kinh tế chuyên biệt hoặc có những chính sách riêng cho vùng; khắc phục những thách thức về xã hội, thể chế đã trở thành nguyên nhân cho việc từ bỏ đất đai, suy giảm dân cư. Trong những năm gần đây, chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn nhiều quốc gia, nhiều vùng đã không ngừng được điều chỉnh và bước đầu đã có những dấu hiệu tích cực, đặc biệt là các cuộc cải cách liên quan đến lĩnh vực thể chế và chính sách phát triển, cho dù vẫn tồn tại không ít sức ép đối với các quá trình cải cách đó. Bên cạnh đó, nhu cầu về việc tăng cường năng lực phát triển độc lập về kinh tế - xã hội của các vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa cũng đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa các chính sách phát triển nông thôn với các khu vực khác, đặc biệt là tăng cường hạ tầng cơ sở, phát triển các dịch vụ kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực thị trường cho người dân. Tóm lại việc cải thiện chính sách và thể chế là điều kiện mang tính quyết định nhằm phục hưng các vùng nông thôn có nguy cơ bị từ bỏ đất đai và suy giảm dân số [Dunford, B. 2003; OECD. 2003].

Cuối cùng, không thể không nói đến một khung lý thuyết có ảnh hưởng sâu rộng đến không chỉ các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, mà còn ảnh hưởng đến nhiều nhà nghiên cứu nông thôn Việt Nam, đó là khung lý thuyết tam nông của Trung Quốc. Tam nông gồm nông dân, nông thôn và nông nghiệp là những vấn đề nóng bỏng trong quá trình phát triển của Trung Quốc, được chuyên gia xã hội học nước này là Lục Học Nghệ tổng kết: "Nông dân khổ quá, nông thôn nghèo quá, nông nghiệp nguy quá". "Nông dân khổ quá" là do nông thôn thực hiện chế độ nhận thầu liên sản gia đình, nông dân phải gánh vác nhiều khoản nghĩa vụ, có những nơi khoản gánh vác chiếm đến 15 - 20% thu nhập; càng những nơi nghèo, càng những nơi sản xuất nông nghiệp là chính, khoản gánh vác của nông dân lại càng nặng.  "Nông thôn nghèo quá" là nói đến hai cấp chính quyền và tập thể ở nông thôn đều nghèo; do nông dân khổ, nông thôn nghèo nên dẫn đến nông nghiệp quá nguy hiểm. Vấn đề "nông dân khổ quá, nông thôn nghèo quá, nông nghiệp nguy hiểm quá" (Tam nông), đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nông thôn Trung Quốc; gây trở ngại cho sự hình thành thể chế kinh tế thị trường XHCN, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc dân và xã hội Trung Quốc” [Lý Thụ Cơ – Chu Trí Văn 2003]. Mới đây Trung Quốc còn đưa ra khái niệm tứ nông, bao gồm nông dân, nông nghiệp, nông thôn, và “nông dân công” – là đại quân lao động mới xuất hiện trong tiến trình cải cách mở cửa, công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Trung Quốc; họ có hộ tịch ở nông thôn, nhưng chủ yếu hoạt động trong các ngành phi nông nghiệp, hoặc làm công trong dịp nông nhàn, có tính di động cao, có người làm việc lâu dài tại các đô thị, đã trở thành một bộ phận quan trọng của khu vực sản xuất công nghiệp [Đỗ Tiến Sâm, 2008: 14].

Vì tam nông chứa đựng những vấn đề sống còn đối với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển của Trung Quốc, nên các nhà hoạch định chiến lược và chính sách của đất nước này đã đưa ra một số giải pháp lý thuyết chủ đạo như sau: i) bảo hộ lợi ích của nông dân: nông dân đang thuộc về tầng lớp yếu thế nhất trong quá trình hiện đại hoá, vì vậy nhiệm vụ của hệ thống chính quyền các cấp là phải gánh vác trách nhiệm giúp đỡ nông dân; ii) đồng phát triển đô thị - nông thôn: cần thay đổi kết cấu phân công xã hội giữa đô thị và nông thôn, mở rộng các xí nghiệp phi nông nghiệp ở đô thị về nông thôn mới có thể phát triển nông thôn một cách bền vững; iii) điều chỉnh cơ cấu: tăng thu nhập của nông dân thông qua việc cải thiện cơ cấu kinh tế; xoá bỏ tận gốc cơ cấu “thành hương phân trị, nhất quốc lưỡng sách” (chính sách phân biệt đô thị - nông thôn, một quốc gia hai chính sách); iv) ưu tiên giải quyết việc làm: cần phải chuyển một lượng lớn sức lao động dư thừa ở nông thôn sang các ngành phi nông nghiệp, tăng thêm việc làm cho nông dân bằng cách phát triển các xí nghiệp hạng vừa và nhỏ; v) đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn: xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở nông thôn nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước, giải quyết được nạn dư thừa năng lực sản xuất, tạo thêm việc làm cho nông dân; vi) thúc đẩy thị trường hoá nông thôn: đất đai, cơ cấu nông nghiệp phải được điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường; phát triển kinh tế thị trường, kinh tế thông tin, dân chủ hoá chính trị, tổ chức xã hội hoá, hiện đại hoá tư tưởng; vii) thúc đẩy đô thị hoá nông thôn: khắc phục tình trạng đô thị hoá trì trệ do chính sách ‘ly thổ bất ly hương” trước đây chủ trương; cần phải giải phóng không gian tăng trưởng bằng phương thức đô thị hoá và phát triển khu vực dịch vụ quốc nội [Lý Thụ Cơ – Chu Trí Văn 2003]. 

2. Quan điểm trong nước về phát triển bền vững nông thôn

2.1. Ứng dụng cách tiếp cận tam nông

Vấn đề nông nghiệp: Đối với các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta hiện nay, nông nghiệp không chỉ là một cơ sở cho sự phát triển công nghiệp và cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (cung cấp lương thực, thực phẩm, nguyên liệu, đất đai, lao động, tiền vốn, thị trường cho công nghiệp). Trái lại, nông nghiệp hiện đại là một loại công nghiệp và dịch vụ có năng suất và hiệu quả cao, có giá trị sử dụng thiết yếu không gì thay thế được, tạo ra giá trị gia tăng lớn, có thể, cần phải và đang trở thành một ngành rất quan trọng của kinh tế tri thức [Đặng Kim Sơn – Hoàng Thu Hoà (chủ biên) 2002, tr 8]. Hiện nay, vẫn tồn tại quan điểm cho rằng, nông nghiệp nước ta đã phát triển tương đối tốt, xuất khẩu được nhiều nông sản trong điều kiện giá lương thực và nông sản thế giới đang tăng. Tuy nhiên, chất lượng nông sản của ta còn thấp, năng suất lao động thấp; giá đầu vào tăng mạnh, lao động nông thôn bỏ ra đô thị kiếm việc làm, khoa học - kỹ thuật nông nghiệp chưa phát triển; chúng ta cũng chưa có một chiến lược công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, hiện đại hóa nông nghiệp [Đào Thế Tuấn 2008]. Bên cạnh đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp đang giảm nhanh, để xây dựng các khu, cụm công nghiệp và đô thị; dân số gia tăng, dẫn đến quy mô canh tác của các hộ nông dân ngày càng giảm; thiệt hại vật chất do thiên tai, dịch bệnh hàng năm rất lớn, chủ yếu trong ngành nông, lâm, thủy sản [Phạm Thắng 2008].

Vấn đề nông dân: Một thực tế là, nông dân còn quá nghèo, việc giải quyết giảm nghèo chưa gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn nên chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn còn rất cao. Nông dân là bộ phận công dân ít được hưởng phúc lợi xã hội, nhất là về giáo dục, y tế. Những vấn đề xã hội ở nông thôn chưa được giải quyết một cách cơ bản như: bảo hiểm thiệt hại do thiên tai và thị trường, bảo hiểm xã hội. Việc đầu cơ ruộng đất làm giá bất động sản lên cao một cách giả tạo, nhưng nông dân cũng không được hưởng lợi gì từ việc này. Hiện nay, ở nông thôn đang thiếu một hệ thống dịch vụ trợ giúp cho nông dân xây dựng các hợp tác xã kiểu mới, bắt đầu từ việc xây dựng các tổ hợp tác để tiến lên hợp tác xã. Hạn chế cố hữu của nông dân ở nước ta là tính thụ động, chờ đợi sự hỗ trợ, trừ một số vùng đặc biệt có vốn xã hội cao. Hiện nay, có nhiều vùng nông dân rất năng động nhưng chúng ta chưa thực hiện được việc tổ chức nghiên cứu các trường hợp ấy để có thể chuyển giao tính năng động sang các vùng khác [Đào Thế Tuấn 2008].  Đời sống nông dân còn nhiều bấp bênh, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn còn thấp: hơn 90% số người nghèo của cả nước là nông dân; đời sống, quyền lợi của nông dân hiện nay chưa được bảo đảm, lại phải đóng góp nhiều, bị thua thiệt khi bị thu hồi đất, khi mua vật tư cho sản xuất, và bán nông sản phẩm, thêm vào đó việc thực thi dân chủ ở cơ sở chưa được bảo đảm; một bộ phận cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, vun vén cho cá nhân, hoặc buông lỏng quản lý [Phạm Thắng 2008].

Vấn đề nông thôn: Bên cạnh cách nhìn nhận mới mẻ về nông nghiệp, đã xuất hiện một nhận thức đột phá về nông thôn: Nông thôn không phải là địa bàn thứ yếu và hậu phương phụ thuộc vào thành thị, có trình độ phát triển về các mặt đều thấp hẳn so với thành thị, cổ hủ, lạc hậu, lỗi thời về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, nơi con người, nhất là lớp trẻ luôn hướng ra thành thị. Trái lại, nông thôn hiện đại là một dạng của thành thị, sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn đang mất dần, trong nông thôn có các thành phố và thị trấn văn minh, sự khác nhau giữa thành thị và nông thôn là ưu việt hơn cho nông thôn, chứ không phải cho thành thị, vì: i) nông thôn hiện đại là địa bàn để giữ gìn và tô điểm môi trường sinh thái của loài người, chứa đựng “lá phổi và trái tim” của sự sống trên trái đất; ii) nông thôn hiện đại là không gian rộng lớn giúp con người được sống gắn bó, hài hoà với thiên nhiên, không bị ngột ngạt trong các thành phố đông đúc; iii) nông thôn hiện đại là nơi nghỉ ngơi lành mạnh, là nguồn giải trí phong phú, là vùng du dịch sinh thái đa dạng [Đặng Kim Sơn – Hoàng Thu Hoà (chủ biên) 2002, tr 8]. Tuy nhiên trong quá trình đổi mới, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng xa nhau, do chưa có chiến lược đổi mới hiệu quả. Mặt khác, chúng ta còn thiếu một nền kinh tế mang tính xã hội, và các doanh nhân xã hội thì không thể thực hiện được việc cải cách xã hội. Không thể chỉ dựa vào việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia hoạt động từ thiện. Cần có một đường lối xã hội hóa công cuộc cải cách kinh tế xã hội, không lẫn lộn xã hội hóa với thị trường hóa và tư nhân hóa. Xã hội hóa là huy động sự tham gia của quần chúng. Phát triển mạnh xã hội dân sự để huy động quần chúng tham gia vào sự phát triển nông thôn [Đào Thế Tuấn 2008].

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn:  Ngày 5/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 26 - NQ/T.Ư "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Trên cơ sở đánh giá các thành tựu và hạn chế, yếu kém trong công cuộc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết xác định quan điểm: i) nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước; ii) các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt; iii) phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; iv) xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hoà thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, đàm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân [Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam 2008].

Nghị quyết cũng xác định các nhiệm vụ và giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn như sau: i) xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; ii) xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị; iii) nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn; iv) đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn; v) phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn; vi) đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; vii) tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là hội nông dân [Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam 2008].

2.2. Quan niệm của Đề tài về cách tiếp cận tam nông

Hiện nay tại Việt Nam, việc ứng dụng cách tiếp cận và khung phân tích “tam nông” đang trở thành một trào lưu, được giới quản lý và hoạch định chính sách cấp cao sử dụng như một thứ công cụ khái niệm chiến lược; được các phương tiện thông tin đại chúng hào hứng ủng hộ; được nhiều nhà khoa học quan tâm. Đề tài quan niệm rằng, cho dù các nhà khoa học Trung Quốc có khẳng định tam nông là các vấn đề riêng của Trung Quốc thì tính chất tương đồng của nó với nhiều vấn đề của Việt Nam, trong một số trường hợp nhất định, có thể làm cho việc sử dụng khung khái niệm này là hữu dụng. Tuy nhiên xuất phát điểm và nền tảng cho cách đặt vấn đề tam nông ở Trung Quốc là: “nông dân khổ quá”, “nông thôn nghèo quá”, và “nông nghiệp nguy quá” lại không giống với cái nghèo, cái khổ, cái nguy trong phát triển bền vững nông thôn ĐBBB (Đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam) giai đoạn 2011 – 2020. Có mấy vấn đề cần phải lưu ý trong cách tiếp cận của khung lý thuyết tam nông: i) khái niệm tam nông là phát hiện của giới báo chí và từ tình cảm nhân văn của giới nghiên cứu Trung Quốc, trong bối cảnh đặc thù củ Trung Quốc, vì vậy việc ứng dụng nó như một hệ thống lý thuyết khoa học đòi hỏi phải có thời gian kiểm nghiệm; ii) khung lý thuyết tam nông thực sự là vấn đề kinh tế - xã hội của Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề về khoảng cách và sự bất bình đẳng sâu sắc giữa thành thị và nông thôn trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá của nước này do chế độ quản lý hộ khẩu gây ra; iii) trong một khoảng thời gian dài từ những năm 1950-1980, người nông dân Trung Quốc là một giai cấp xã hội duy nhất đã phải hy sinh và bị bỏ quên trong quá trình tạo vốn cho công cuộc công nghiệp hoá đất nước mà chưa hề được thụ hưởng các thành quả của sự nghiệp công nghiệp hoá đó; iv) sự phát triển của công nghiệp, quá trình hội nhập quốc tế và tốc độ đô thị hoá ngày càng tăng, đặc biệt là ở các thành phố ven biển miền đông đòi hỏi Trung Quốc phải phát triển một nguồn nhân lực vô cùng lớn cho khu vực công nghiệp và đô thị, vì vậy việc giải phóng nguồn nhân lực khổng lồ ấy khỏi sợi dây trói của chế độ hộ khẩu và sự bất bình đẳng xã hội vì hố sâu ngăn cách giữa thành thị và nông thôn, giữa giàu và nghèo, nhằm thúc đẩy quá trình di động xã hội, đặc biệt là di động lao động đã buộc các nhà hoạch định chiến lược của đất nước này một lần nữa cần đến khu vực nông thôn và cần đến sức lao động của những người nông dân đã chán ngán với khoản thu nhập chết đói từ khu vực nông nghiệp lâu nay hầu đã suy tàn.

Chính từ tình cảnh “cùng tắc biến đó” mà chính sách tam nông đã ra đời, và không thể không gặt hái rất nhiều thành công, vì nó đã giải phóng sức lao động của người nông dân vốn đã bị kìm hãm trong một thời gian rất dài. Đó chính là nguyên do sâu xa để lý giải tại sao “tam nông” đã không còn là “tam nông” nữa, mà nó đã trở thành “tứ nông”. Tứ nông chính là thành quả của quá trình giải phóng sức lao động của người nông dân để thu hút vào khu vực công nghiệp và đô thị, điều đó cũng có nghĩa là người nông dân đã bắt đầu được thụ hưởng thành quả của quá trình công nghiệp hoá thông qua quyền được tự do ra nhập vào nền kinh tế thị trường bằng các hoạt động phát triển các ngành nghề phi nông; đổ xô đến các khu công nghiệp, các vùng đô thị tìm cơ hội và việc làm; tự do bán sức lao động đổi lấy thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho bản thân và gia đình. Khi đã phải dùng đến khái niệm “tứ nông” thì cũng có nghĩa là khái niệm “tam nông” chỉ còn lại rất ít ý nghĩa mà cốt lõi của vấn đề tam nông chỉ là một vấn đề duy nhất - giải phóng sức lao động của người nông dân. Đối với nền kinh tế thị trường định hướng xuất khẩu của Trung Quốc thì đây là một thắng lợi kép: công cuộc giải phóng này vừa tạo nguồn sinh khí mới thúc đẩy nông nghiệp phát triển, lại vừa có nguồn nhân công giá rẻ vô tận cung cấp cho khu vực công nghiệp định hướng xuất khẩu đang rầm rộ phát triển tại quốc gia này. Và cũng chính vì vậy mà tam nông mang màu sắc tình thế hơn là một chiến lược phát triển bền vững nông thôn. 

Với những phân tích trên, đề tài cho rằng cách tiếp cận tam nông không phải là hướng tiếp cận chính trong phát triển bền vững nông thôn Việt Nam nói chung, và nông thôn vùng ĐBBB nói riêng. Trên thực tế, bối cảnh và con đường phát triển của Việt Nam rất khác so với Trung Quốc, mối quan hệ giữa thành thị và nông thôn ở Việt Nam khác với Trung Quốc, và đặc biệt trong quá trình tạo vốn cho công nghiệp hoá ở Việt Nam, nông dân chưa bị bần cùng hoá trên quy mô toàn diện như trường hợp Trung Quốc. Vì vậy xã hội Việt Nam chưa lan tràn những mâu thuẫn gay gắt trên quy mô toàn diện kiểu Trung Quốc. Riêng đối với trường hợp vùng ĐBBB thì tình hình lại khác với nông dân nhiều vùng của Trung Quốc trong những năm 1950-1980. So với các vùng khác của Việt Nam thì nông dân ĐBBB “khổ” kiểu khác, nông thôn ĐBBB “nghèo” kiểu khác, và nông nghiệp vùng ĐBBB “nguy” kiểu khác. Trong thực tế, nông dân, nông thôn, nông nghiệp cùng các hệ thống kinh tế, xã hội, văn hoá, con người và thể chế vùng vẫn biến đổi và cuộc sống của người nông dân cũng không ngừng biến đổi theo, nhưng đó là quá trình biến đổi thiếu bền vững. Chính vì vậy thay vì sử dụng cách tiếp cận và khung phân tích tam nông cho các vấn đề nông thôn vùng ĐBBB, đề tài chỉ sử dụng cách tiếp cận và khung phân tích phát triển bền vững vào phạm vi nghiên cứu của mình. 
________________________________

Còn nữa...

* Ghi chú: Bài viết cho đề tài Một số vấn đề cơ bản về phát triển bền vững nông thôn vùng đồng bằng và ven biển Bắc Bộ giai đoạn 2011 – 2020 do tác giả làm chủ nhiệm, Viện Phát triển Bền vững vùng Bắc Bộ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; Hà Nội tháng 11 năm 2010.

Tài liệu tham khảo


Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam 2008. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bẩy BCHTW khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Điện tử, ngày 17/8/2008.  

CIDA (Canadian International Development Agency) 2003. Promoting Sustainable Rural Development Through Agriculture - Canada Making a Difference in the World. Minister of Public Works and Government Services Canada, Hull, Quebec, Canada.

Dunford, B. 2003. Report on Workshop on Land Abandonment. EC (European Commission). http://europa.eu.intlcomrnfagriculture/envir/report/

Đào Thế Tuấn 2008. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn - những vấn đề không thể thiếu trong phát triển bền vững. Tạp chí Cộng sản Điện tử, số 9 (153), năm 2008.

Đặng Kim Sơn – Hoàng Thu Hoà (chủ biên) 2002. Một số vấn đề về phát triển nông nghiệp và nông thôn. Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Trung tâm Thông tin – Tư liệu, Nxb. Thống kê, Hà Nội.

Đỗ Tiến Sâm, 2008. Vấn đề tam nông ở Trung Quốc - Thực trạng và giải pháp. Viện KHXH VN, Viện Nghiên cứu Trung Quốc; Nxb. Từ điển Bách khoa. Hà Nội.

Lý Thụ Cơ – Chu Trí Văn 2003. Vấn đề Tam nông trong xã hội Trung Quốc hiện nay. Tân hoa Văn trích, số 11, năm 2003.

OECD, 2003. The Future of Rural Policy, From Sectoral to Place-Based Policies in Rural Areas. OECD Publishing.

Phạm Thắng 2008. Giải pháp nào cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay. Bản quyền thuộc Bộ môn Kiến trúc Công nghiệp - Khoa Kiến trúc Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng.

Shepherd, Andrew 1998. Sustainable Rural Development. Macmillan Press Ltd., London.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét