Đọc quá khứ – những cách tiếp cận
lý giải Khảo cổ học hiện nay (XIII)
Ian Hodder
Người dịch: Hà Hữu Nga
Những biến đổi tương quan
Trong bất cứ tập dữ liệu văn hoá nào có lẽ
cũng đều có thể xác định được các tương đồng và khác biệt không có giới hạn.
Chẳng hạn toàn bộ các bình trong một khu vực đều tương đồng ở chỗ chúng được
chế tạo từ đất sét, nhưng lại khác biệt ở các chi tiết trang trí hoa văn, hoặc
sự phân bố của các hạt sạn sỏi trộn vào xương gốm không hoàn toàn đồng nhất.
Chúng ta rút ra những tương đồng và khác biệt bằng cách nào, và qui mô phân
tích như thế nào thì phù hợp?
Trước hết tôi muốn nói rằng những phương biến
đổi tương quan được xác định trong KCH bằng cách phát hiện những phương biến
đổi (được phân nhóm thành thời gian, không gian, trầm tích, và loại hình
học...vv) thể hiện những mô thức có ý nghĩa của những tương đồng và khác biệt.
Tự thân ý nghĩa được xác định một cách rộng rãi trong khuôn khổ của các số
lượng và chất lượng của những tương đồng và khác biệt trùng hợp liên quan tới
một lý thuyết. Một vật quan trọng bảo đảm cho việc lý giải nội dung ý nghĩa quá
khứ là khả năng ủng hộ các giả thuyết về các phương biến đổi ý nghĩa trong
nhiều khía cạnh khác nhau của dữ liệu (xem chẳng hạn Deetz 1983, Hall 1983).
Chẳng hạn nếu hướng nhà là quan trọng về phương diện biểu trưng trong việc so
sánh và đối lập giữa các ngôi nhà thì có phải phương biến đổi tương tự xuất
hiện trong việc đặt mộ không? Có rất nhiều cách để các nhà KCH tìm tòi những
mối tương quan, liên tưởng và khác biệt về ý nghĩa, nhưng mô thức suy luận lại
tăng thêm tầm quan trọng đến mức trùng khớp với mạng lưới đó. Vì xác định việc
xây dựng mô thức ý nghĩa về phương diện thống kê như vậy tuỳ thuộc vào một lý
thuyết nào đó, thì cần có các hướng dẫn cho các loại hình tương đồng và khác
biệt mà chúng ta có thể tìm kiếm.
Cũng cần phải quay lại với sự phân biệt giữa
các ý nghĩa biểu tượng và hệ thống. Như đã lưu ý đó là phạm vi của những quá trình
hệ thống mà hầu hết các lý thuyết và phương pháp KCH đã phát triển. Điều đó
thừa nhận rằng việc xem xét các nguồn nguyên liệu là cần thiết và nó liên quan
đến việc thảo luận về quá trình trao đổi các sản phẩm làm từ nguyên liệu đó.
Khi thảo luận về các hoạt động kinh tế sinh nhai thì nghiên cứu xương và hạt từ
một loạt di chỉ liên quan về mặt chức năng là rất có ý nghĩa. Nhưng chúng ta
cũng bị cuốn hút vào một lý giải như vậy nhằm xem xét nội dung ý nghĩa biểu
tượng của các loại xương và hạt là thứ vẫn chưa được nghiên cứu kỹ và không dễ
xác định.
Một loạt lý thuyết khác nhau từ cấu trúc luận
và hậu cấu trúc luận đến các lý thuyết cấu trúc hoá và lý thuyết Marxist liên
quan đến hệ tư tưởng, quyền lực, hành động và đại diện đang được sử dụng để
thảo luận nội dung các ý nghĩa biểu tượng. Nhưng những lý thuyết như vậy có thể
luôn luôn gắn bó với những tương đồng và khác biệt đặc thù. Có thể bắt đầu bằng
một ví dụ. Hãy hình dung chúng ta quan tâm tới ý nghĩa của sự xuất hiện những chiếc
bình đỏ trong một di chỉ. Những phương biến đổi tương quan nào được dùng để xác
định ý nghĩa của thuộc tính này. Một di chỉ đồng đại thứ hai không có các bình
đỏ, nhưng lại có những chiếc ghim cài áo bằng đồng (loại hiện vật này không có
trong di chỉ thứ nhất). Vậy thì có phải sự khác biệt giữa những chiếc bình và
những chiếc ghim cài có liên quan đến việc tìm hiểu những chiếc bình? Có sự
khác biệt liên quan nếu nó là một phần của một khác biệt phổ biến hơn trong
truyền thống lịch sử giữa hai di chỉ hoặc hai vùng, nhưng vì chỉ có mình nó
khác biệt nên chúng ta không thể nói rằng những chiếc ghim cài có liên quan đến
những chiếc bình đỏ, trừ khi có một phương biến đổi nào đó dựa vào nó ta có thể
đo đếm được sự biến đổi và nhận ra được mô thức xây dựng ý nghĩa. Vì vậy chúng
ta có thể thấy rằng những chiếc bình đỏ và những chiếc ghim cài xuất hiện trong
cùng một vị trí trong không gian trong nhà hoặc trong mộ – trong trường hợp như
vậy, có lẽ chúng là những loại hình thay thế khi được đo lường trong khuôn khổ
vị trí không gian; hoặc những chiếc bình đỏ ở di chỉ đầu tiên có thể được đối
sánh với những chiếc bình đen ở di chỉ thứ hai, với những chiếc ghim cài chỉ
được tìm thấy trong những chiếc bình đen. Khi một phương nào đó được phát hiện
theo đó những tương đồng và khác biệt được mô thức hoá một cách rõ ràng đã xuất
hiện thì những chiếc ghim cài đó vẫn liên quan đến việc tìm hiểu những chiếc
bình đỏ. Các lý thuyết của chúng ta về cách thức những “văn bản” văn hoá vật
chất hoạt động bao gồm cả quan niệm về những đối lập cấu trúc cho phép ta xác
định được ý nghĩa mang tính thống kê. Trong trường hợp những chiếc bình đỏ, nếu
không có việc xây dựng mô thức ý nghĩa về phương diện thống kê với những chiếc
ghim cài có thể được phát hiện thì chúng ta có thể mô tả một cách đầy đủ những
chiếc bình đỏ mà không liên quan gì đến những chiếc ghim cài. Trong ví dụ đã
đưa ra ở trang 129, những chiếc ghim cài và cây trâm có liên quan với nhau vì
chúng xuất hiện với tư cách là những đồ phục trang thay thế cho nhau.
Chúng ta có thể lấy mẫu hoa văn ở Fig. 7 làm
một ví dụ giả định khác. Nếu chúng ta muốn so sánh mẫu đồ gốm này với những mẫu
khác trên những chiếc bình để xác định những tương đồng và khác biệt thì chúng
ta phải mô tả nó theo một cách thức nào đó. Nhưng nói một cách tiên thiên,
có rất nhiều cách mô tả cùng một loại mẫu, mà một số cách sẽ được trình bày
trong biểu đồ dưới đây (Fig. 7). Cái gì là phương biến đổi có liên quan mà dựa
vào đó các mẫu gốm có thể được mô tả và so sánh? Người ta thường khẳng định
rằng các quyết định của các nhà KCH về mô tả nào là “đúng” thì hoàn toàn là võ
đoán. Nhưng chúng ta cũng đã thấy những thông tin khác trong cùng một ngữ cảnh
có thể được sử dụng để hỗ trợ cho việc ra quyết định. Chẳng hạn như các trang
trí hình thoi (trong mô tả “f” của Fig. 7) làm bằng vàng dát có thể tìm
thấy trong cùng các mộ y như những chiếc bình được trang trí hoa văn, sử dụng
để thể hiện uy tín cho người đàn ông. Sự thật thì các hình thoi này thường
xuyên được phát hiện trong những ngữ cảnh khác nhau nhưng lại có cùng một ý
nghĩa trong cùng một văn hoá hệt như những chiếc bình. Bằng chứng liên tưởng về
phương diện thống kê này có thể gợi ý cho nhà KCH là loại hiện vật chữ “f”
trong Fig. 7 đó là thứ “tốt nhất” trong ngữ cảnh riêng này.
Bằng ví dụ này chúng ta có thể tiếp tục xác
định thêm cái gì là một tương đồng hoặc khác biệt có liên quan – với phương nào
và ở qui mô nào. Chẳng hạn như tại một địa điểm, vật hình thoi kia được sử dụng
làm thứ so sánh có thể bị biến dạng nhiều đến nỗi chúng ta nghi ngờ sự liên quan
của nó, hoặc cũng có thể có một sự cách quãng về không gian hoặc thời gian giữa
các vật hình thoi được đem ra so sánh đến mức chúng ta có thể nói chúng không
có vẻ gì là liên quan đến nhau cả; chúng không có chung một ý nghĩa. Tất nhiên
chúng ta cũng có thể biện hộ rằng những
vật hình thoi bằng vàng trong các mộ đó chính là những đồ phục trang trong một
phương trầm tích khác với những chiếc bình, và vì vậy mà nó có những ý nghĩa
khác và không liên quan. Một lý lẽ như vậy sẽ phải thể hiện một sự khiếm khuyết
của các phương lý thuyết vẫn được tin cậy mà trên cơ sở đó một mô thức ý nghĩa
xuất hiện trong những tương đồng và khác biệt giữa những chiếc bình và những
ngôi mộ.
Vậy thì bằng cách tìm kiếm mô thức ý nghĩa
dựa trên các phương biến đổi để xác định các phương có liên quan. ý nghĩa biểu
trưng của đối tượng là một sự trừu tượng từ tổng thể tính của những liên qui
chiếu đó. ý nghĩa trừu tượng của một hiện vật xuất phát từ tổng thể tính của
những tương đồng và khác biệt, những liên tưởng và tương phản của nó. Những ngữ
nghĩa đặc trưng đó có thể khác biệt và mâu thuẫn theo những phương biến đổi
khác nhau, và việc chúng ta chấp nhận và tìm hiểu tính chất phức tạp này sẽ liên
quan chặt chẽ với những lý thuyết mà chúng ta cần có. Không thao tác nào có thể
thực hiện được nếu không có lý thuyết và sự trừu tượng hoá đồng thời. Việc lưu
ý đến một mô hình cũng đồng thời là việc gán cho nó một ý nghĩa khi người ta mô
tả các phương biến đổi như là gắn liền với trang phục, màu sắc, giới tính...vv.
Mục đích của công việc chỉ đơn giản là đưa chủ thể tính vào việc xem xét kỹ
càng cái phức hợp dữ liệu kia.
Định nghĩa Ngữ cảnh
Mỗi đối tượng tồn tại đồng thời trong nhiều phương liên
quan, vì vậy ở đâu có dữ liệu thì ở đó có một mạng kết hợp và tương phản rất
phong phú, và có thể tìm ra cái mạng lưới đó bằng cách tạo dựng việc lý giải ý
nghĩa. Tổng thể tính của các phương biến đổi tương quan xung quanh bất cứ một
đối tượng nào cũng có thể được xác định là ngữ cảnh của đối tượng đó.
Đối với một đối tượng “x” ngữ cảnh liên quan
đến việc chúng ta đang cố gắng gán ý nghĩa (của một kiểu loại bất kỳ nào đó)
cho nó thì chính là toàn bộ các khía cạnh của dữ liệu có các mối liên hệ với
“x” đã được mô thức hoá về phương diện nghĩa theo các cung cách đã được mô tả ở
trên. Việc xác định một ngữ cảnh chính xác hơn chính là tổng thể tính của
môi trường liên quan, trong đó “liên quan” được qui vào một mối quan hệ ý
nghĩa với đối tượng – tức là một mối quan hệ cần thiết cho việc nhận thức ý
nghĩa của đối tượng đó. Chúng ta cũng đã thấy rằng ngữ cảnh sẽ phụ thuộc vào
các loại hình câu hỏi được đưa ra.
Từ việc định nghĩa ngữ cảnh như vậy chúng ta thấy
rõ ràng là các ranh giới xung quanh một nhóm tương đồng (chẳng hạn như một đơn vị
văn hoá) không tạo nên các ranh giới của ngữ cảnh, vì những khác biệt giữa các
đơn vị văn hoá có thể liên quan tới việc tìm hiểu ý nghĩa của các đối tượng
trong mỗi đơn vị văn hoá. Hơn nữa các ranh giới của ngữ cảnh chỉ xuất hiện khi
không còn những tương đồng và khác biệt nghĩa. Cũng cần phải xác định rõ rằng
đây là một định nghĩa mang tính đối tượng – trung tâm và tình huống đặc trưng.
“Đối tượng” có thể là một thuộc tính, một hiện vật, một kiểu loại, một văn hoá
hay bất cứ một thứ gì khác, tuy nhiên không giống như những quan niệm về một
văn hoá hoặc một kiểu loại đơn nhất – ngữ cảnh khác với cái đối tượng được định
vị một cách riêng rẽ, khác với các phương biến đổi được xem xét và cũng khác
với những câu hỏi được nêu ra. Vì vậy “Văn hoá” chính là những hợp phần hoặc
những thuộc tính của các ngữ cảnh, nhưng các hợp phần và thuộc tính đó lại
không xác định các ngữ cảnh.
Khi lý giải các ý nghĩa biểu tượng thì các
phương biến đổi ý nghĩa xác định các cấu trúc của quá trình tạo nghĩa. Một
trong những tác động trực tiếp và chính yếu của cách tiếp cận ngữ cảnh chính là
người ta không còn có thể nghiên cứu thuộc tính được xác định một cách võ đoán
của các dữ liệu dựa trên chính bản thân nó nữa (Hall 1977). Trong những năm gần
đây công việc nghiên cứu đã bắt đầu tập trung vào, chẳng hạn như hệ thống cư
trú, gốm, đá, hoặc các loại hạt quả, từ một di chỉ, một khu vực, thậm chí từ cả
qui mô liên văn hoá. Trong khi đó yêu cầu của cách tiếp cận lại chỉ là tìm hiểu
những chiếc bình có trang trí hoa văn bằng cách so sánh nó với những đồ đựng
khác, và/hoặc với những đồ vật khác được làm bằng đất sét, và/hoặc với những đồ
vật có trang trí hoa văn – mà tất cả đều ở trong cùng một ngữ cảnh. Trong ví dụ
này, “đồ đựng”, “đất sét” hoặc “hoa văn” là những phương biến đổi theo đó các
tương đồng và khác biệt cần phải được phát hiện. Mộ táng chỉ có thể được tìm
hiểu thông qua những mối quan hệ ngữ cảnh của nó với các khu cư trú đồng đại và
các nghi lễ phi táng thức (Parker Pearson 1984 a, b). Những biến đổi về đồ đá
có thể được xem xét như là một quá trình cấu trúc nhằm tìm kiếm thực phẩm cùng
với những biến đổi về di tích xương và hạt quả. Tiêu điểm của công việc nghiên
cứu trở thành ngữ cảnh, hoặc hơn thế, một loạt ngữ cảnh đã tham gia vào “một
văn hoá” hoặc “một vùng”.
Trong một ngữ cảnh, các đối tượng có được ý nghĩa biểu
tượng thông qua mối quan hệ của chúng và những đối lập với các đối tượng khác
trong cùng ngữ cảnh đó. Nhưng nếu mỗi thứ chỉ có được ý nghĩa khi liên quan đến
một thứ khác thì làm thế nào mà người ta có thể thâm nhập được vào ngữ cảnh đó?
Người ta phải bắt đầu từ đâu? Vấn đề đó rõ ràng đang hiện diện trong việc xác định ngay từ đầu các thuộc tính. Để mô tả một
chiếc bình, chúng ta cần ra quyết định về những biến số liên quan - đo lường
hình dáng, chiều cao, màu sắc hoặc motif hoa văn trang trí. Câu trả lời mang
tính ngữ cảnh là người ta tìm kiếm các dữ liệu khác theo các phương biến đổi
này để xác định các phương liên quan là những thứ tạo thành ngữ cảnh. Vì vậy
trong ví dụ nêu ra ở trên liên quan đến hoa văn hình thoi người ta tìm kiếm
theo phương “motif” để xác định những motifs tương đồng (cũng như những khác
biệt hoặc vắng mặt – nếu những hình thoi vàng đó chỉ được phát hiện trong các
mộ đàn ông thì chúng ta có thể nghĩ rằng chúng là những biểu tượng “đàn ông”
khi được sử dụng trang trí trên những chiếc bình, đối lập với các biểu tượng
“đàn bà”) và người ta sẽ phát hiện ra cái motif hình thoi vàng đó. Nhưng motif
hình thoi trên những chiếc bình và trên những đồ phục sức bằng vàng có thể có
nghĩa là những đối tượng khác vì trên cùng một qui mô chúng lại xuất hiện trong
những ngữ cảnh khác nhau. Người ta chỉ có thể ủng hộ cho cái lý thuyết là hai
tập hợp hình thoi đó có những ý nghĩa tương tự bằng cách phát hiện ra những
thuộc tính khác của tính tương đồng giữa chúng (chẳng hạn như những motif khác
được sử dụng trong các bộ phục sức của đàn ông cũng xuất hiện hệt như hoa văn
trang trí trên bình). Vì vậy bất cứ cái gì cũng phụ thuộc vào một cái gì đó
khác và định nghĩa về các thuộc tính tuỳ thuộc vào định nghĩa về ngữ cảnh là
thứ phụ thuộc vào định nghĩa về các thuộc tính!
Dường như không hề có một câu trả lời dễ dàng
cho vấn đề này, ngoại trừ một điều là việc hiểu biết được toàn bộ dữ
liệu một cách triệt để nhất và dần dần làm cho lý thuyết thích ứng với dữ liệu
bằng phương pháp thử sai để tìm ra những phương biến đổi liên quan, kiểm tra
chéo bằng thông tin ngữ cảnh, ...vv. Chắc chắn là thao tác này hàm ý rằng việc
lý giải ý nghĩa sẽ thành công hơn ở nơi nào mà dữ liệu được tập hợp thành một
mạng phong phú hơn. Trong thời kỳ KCH Mới điều đó thường có nghĩa là KCH phát
triển không phải từ việc tập hợp nhiều dữ liệu hơn, mà là từ những tiến bộ về
phương diện lý thuyết. Trong khi các quan niệm như vậy có những ngữ cảnh lịch
sử riêng của chúng thì cách tiếp cận ngữ cảnh lại tuỳ thuộc rất nhiều vào dữ
liệu. Thông qua các mô tả trên chúng ta đã thấy rằng lý thuyết, lý giải và chủ
quan tính đều can dự vào từng bước thao tác. Nhưng đồng thời cần nhấn mạnh vào
việc lý giải cái mà dữ liệu có thể kể cho chúng ta và các dữ liệu càng được kết
nối thành mạng nhiều hơn thì càng có cái để mà “đọc”. Như đã nói, một đối tượng
được đưa ra khỏi ngữ cảnh thì không thể đọc được nữa; và một biểu tượng được vẽ
trên vách hang khi không có trầm tích văn hoá trong hang, khi không có trầm
tích trong khu vực có những bức vẽ biểu trưng khác trên những hiện vật khác, và
khi không thấy mộ có các biểu trưng thì lại càng khó đọc hơn.
Đó là một phần của nguyên do làm cho KCH lịch
sử có được một cách tiếp cận “dễ hơn”. Trong trường hợp này dữ liệu liên kết
mạng dày đặc hơn, dữ liệu còn lưu lại nhiều hơn và có nhiều thứ chỉ dẫn cho
chúng ta hơn, cho dù không có những văn bản chữ viết, là thứ cũng chỉ cung cấp
một ngữ cảnh khác giúp ta kiếm tìm những tương đồng và khác biệt. Chính các vấn
đề vẫn tồn tại – đó là việc xác định xem liệu ngữ cảnh chữ viết có liên quan
tới những ngữ cảnh khác (chẳng hạn như các lớp KCH) không; đó là việc quyết
định xem liệu các tương đồng giữa hai ngữ cảnh (văn tự và không văn tự) có hàm
chứa những ý nghĩa tương đồng hay khác biệt. Nhưng vẫn có nhiều khả năng phải
đối mặt với những vấn đề này vì lượng dữ liệu phong phú hơn cho phép ta tìm
kiếm được nhiều tương đồng và khác biệt hơn theo nhiều phương biến đổi có liên
quan hơn.
KCH Tiền sử, là bộ môn lùi xa hơn về quá khứ
nên các nguồn dữ liệu còn lại rất ít ỏi, làm cho việc xây dựng các giả thuyết
cho dữ liệu càng khó khăn hơn. Trong đó có một số rất ít di chỉ chứa đựng lượng
thông tin chi tiết có thể sử dụng làm chiếc chìa khoá để mở ra cho các di chỉ
chứa đựng lượng thông tin ít hơn. Trong nhiều vùng, KCH Ngữ cảnh có thể phải
bắt đầu một cách khó khăn cho đến khi nào tập hợp được một lượng thông tin nhất định.
Lý giải và Mô tả
Có phải toàn bộ vấn đề là ở chỗ việc lý giải
quá khứ chỉ đơn giản là mô tả dữ liệu ngữ cảnh một cách đầy đủ nhất trong khả
năng có thể? KCH đã chứng kiến những tổn hại với việc đối lập các từ “mô tả” và
“giải thích”: thuật ngữ “mô tả” trở nên ít nhiều mang tính miệt thị nhắm vào
các nhà KCH nào không phải là các “nhà khoa học”. Tuy nhiên vẫn có thể nói rằng
việc lý giải đầy đủ vẫn ít nhiều can dự vào một mô tả để trả lời cho một câu
hỏi. Chẳng hạn xin hãy xem xét trật tự các câu hỏi và trả lời dưới đây:
1. Tại sao di chỉ này bị từ bỏ? - Tại
vì dân số tăng
2. Cái gì liên quan đến tăng dân số và từ bỏ
di chỉ? - Di chỉ phát triển quá rộng
3. Quá rộng ảnh hưởng gì?
- Quá tải khai thác môi trường
Trong mỗi trường hợp việc giải thích chỉ đơn
giản là một mô tả về những sự kiện nào đó, mặc dù tất nhiên là cũng có giả định
rằng câu trả lời về một phương diện nào đó là có liên quan đến câu hỏi. Vì vậy
câu trả lời thứ 3 cho rằng người ta cần phải sống cả ở bên ngoài môi trường địa
phương của họ. Đây là một lý thuyết không được kiểm tra, được sử dụng cho việc
giải thích, nhưng nếu chúng ta mở rộng thêm và đặt các câu hỏi về lý thuyết này
thì chúng ta sẽ lại phải đối mặt với những mô tả cả tổng quát lẫn đặc thù:
4. Tại sao họ khai thác quá tải môi trường? - Vì họ sống tách rời các nguồn gần
họ
5. Tại sao họ không sử dụng các nguồn
ở xa? - Vì phải tiêu tốn quá nhiều năng lượng
Vì vậy luôn luôn xuất hiện khả năng tham gia
vào một vấn đề nào đó trong chuỗi vấn đề gồm cả hỏi và trả lời rồi lại hỏi khi
khẳng định rằng các công trình trước đây là quá thiên về mô tả. Thực ra thì
khuôn mẫu của hầu hết tập sách này là so sánh những cách tiếp cận khác nhau
trong KCH. Những phương án tiếp cận được đưa ra có thể thoả đáng hơn nhiều ở
chỗ là chúng rộng lớn hơn và chúng tính đến cả những nhân tố quan trọng mà
trước đây đã bị lờ đi; và chúng cũng có thể mang tính lý giải nhiều hơn theo
nghĩa đó, nhưng các lý giải ấy vẫn chỉ là những mô tả thêm mà thôi. Ví dụ trên
liên quan đến một quá trình cư trú, nhưng nó cũng có thể kể về những lý giải ý
nghĩa và các ngữ cảnh. ý nghĩa biểu tượng được gán cho một đối tượng chỉ đơn
giản là một miêu tả các khía cạnh ngữ cảnh và việc sử dụng ngữ cảnh. Chẳng hạn:
6. Ý nghĩa của cái vương miện này là gì? - Người đội nó là vua.
Vì vậy trong nhiều khía cạnh, giải thích là
mô tả và mô tả là giải thích. Trong KCH Ngữ cảnh cần phải liên tục đưa ra những
câu hỏi để quan sát xem liệu các định đề tổng quát có liên quan đến ngữ cảnh
riêng không; điều đó dẫn tới việc mô tả đầy đủ và chi tiết cái ngữ cảnh tổng
thể như là một mạng tổng thể các phối hợp và tương phản cần được theo đuổi đến
cùng. Đây là một quá trình không bao giờ kết thúc vì lại tìm thấy những liên hệ
mới, còn những liên hệ của chúng thì phải được tái thẩm định. Nhà KCH tận dụng
các dữ liệu bằng cách đưa chúng vào cuộc sống như nhà soạn nhạc phối hợp các
nhạc cụ khác nhau thành một dàn nhạc vậy.
Vì vậy KCH ngữ cảnh gắn kết việc giải thích
đầy đủ với việc mô tả đầy đủ, cũng như nhiều ảnh hưởng tác động đến bất cứ một
đặc điểm hoặc một đối tượng nào thì cũng đều được theo đuổi đến cùng. Đây là
vấn đề được Case nêu ra (1973) để giới thiệu KCH Ngữ cảnh. Trong lịch sử chỉ có
một dòng những sự kiện liên tục, không có sự gián đoạn tuyệt đối, vì vậy chỉ có
việc lý giải sự biến đổi mới là một bản báo cáo mô tả đầy đủ về sự biến đổi.
Cũng cần phải nói một cách chặt chẽ rằng
trong chương này việc thảo luận cách thức mô tả đầy đủ các ngữ cảnh không hề
đối lập với lý thuyết và việc khái quát hoá. Toàn bộ các mô tả đều liên quan
đến các lý thuyết, ý nghĩa, chủ thể tính, việc khái quát hoá và sự tưởng tượng
lịch sử. Đó là lý do tại sao mà nhà KCH lại giống với một nhà soạn nhạc hơn là
một nhạc trưởng. Mục đích cuối cùng của các mô tả chi tiết của chúng ta là khái
quát hoá và phát hiện các qui luật phổ biến, nhưng khởi đầu giống như các nhà
khoa học hơn là các nhạc công hoặc nghệ sĩ, mối quan tâm của chúng ta chính là
câu hỏi phải chăng các lý thuyết, các khái quát hoá và những tri thức giàu sức
tưởng tượng có được cái ý nghĩa mà chúng ta giả định là chúng đã có trong các
ngữ cảnh quá khứ. Khảo cổ học Ngữ cảnh kết nối các câu hỏi với dữ liệu theo
những cách thức có kiểm soát, thống trị bởi một số nguyên lý chung nào đó liên
quan đến cách chúng ta đọc các văn bản như thế nào, nhưng ngay cả những nguyên
lý chung này cũng phải sẵn sàng đón nhận các phê phán. Chúng ta cần phải để ngỏ
một khả năng là các xã hội có thể đã tồn tại trong quá khứ với những hình thái
văn hoá duy nhất và đặc thù, không thể mô tả theo các tiêu chuẩn phân loại và
những thuật ngữ của chúng ta - những thuật ngữ bắt nguồn chẳng hạn từ Marx,
Weber hoặc Foucault.
Tôi thấy cần đưa ra đây một bình luận về việc
sử dụng phép ngoại suy dân tộc học trong KCH. Ở một mức độ nào đó thì tri thức
dân tộc học trợ giúp cho việc hình dung lịch sử, bằng cách khuyến khích những
viễn cảnh mới và những lý thuyết bổ sung. Nhưng rất thường xảy ra tình trạng
ngoại suy thuật ngữ: quá khứ được lý giải dưới lối nhìn của hiện tại vì có sự
tương đồng nào đó giữa chúng. Thông tin được truyền từ hiện tại cho quá khứ vì
thấy có những tương đồng. Thao tác này đơn giản là một lập trường khác của cách
tiếp cận tổng quát đã được phác hoạ. Việc sử dụng phép ngoại suy buộc phải đánh
giá các tương đồng và khác biệt giữa các ngữ cảnh (Wylie 1985; Hodder 1982 d).
Khi so sánh một xã hội hiện tại với một xã hội trong quá khứ thì cần có các
thao tác tương đồng với những thao tác được sử dụng để so sánh giữa hai di chỉ
hoặc hai văn hoá liền kề nhau trong quá khứ. Trong cả hai trường hợp, có một
vấn đề là đánh giá những tương đồng và khác biệt giữa hai ngữ cảnh và tìm hiểu
xem thông tin có được truyền từ thời đại này sang thời đại kia không.
Trong cả hai trường hợp thì vấn đề chủ yếu là
xác định xem liệu những tương đồng và khác biệt trong hai ngữ cảnh đó có liên
quan với nhau không; vì vậy các nhà KCH luôn có một niềm tin lớn lao vào những
ngoại suy lịch sử trực tiếp ở những nơi mà ngữ cảnh không gian là ổn định và
đứt quãng thời gian không đáng kể. ở nơi nào những ngoại suy so sánh văn hoá
được thực hiện thì vấn đề sẽ là phát hiện phương biến đổi liên quan nào đó có
thể xem xét được các tương đồng và khác biệt, nhưng trong những khoảng cách lớn
về không gian và thời gian và khi việc so sánh các xã hội trong những môi
trường kinh tế và xã hội khác nhau đáng kể thì rất khó biết được liệu những mối
liên hệ có liên quan trong hiện tại có tương đương như trong quá khứ không.
Chẳng hạn hiện tại, qui mô khu cư trú có thể liên quan đến qui mô dân số, nhưng
lại không phải dễ khi nói rằng trong quá khứ cũng như vậy. Vì vậy việc sử dụng
phép ngoại suy có khuynh hướng phụ thuộc vào những lý thuyết tổng quát là thứ
có thể cho ta những luận cứ có liên quan. Nhiệm vụ của KCH Ngữ cảnh là phê phán
những lý thuyết tổng quát, so sánh văn hoá như vậy để xác định đầy đủ hơn các
ngữ cảnh của nó. Không có những lý thuyết tổng quát thì có lẽ sẽ ít có câu hỏi
về quá khứ được nêu ra và lại càng ít câu trả lời hơn. Không có cách tiếp cận
ngữ cảnh thì hiện tại và quá khứ dễ bị qui giản vào một tính tương đồng giả
định.
_________________________________
Còn nữa...
Tài liệu tham khảo
Case, H., 1973. Illusion and Meaning, in A. C. Renfrew (ed.), The Explanation of Culture Change, London: Duckworth.
Deetz, James, 1983. Scientific Humanism and Humanistic Science: A Plea for Paradigmatic
Pluralism in Historical Archaeology. Geoscience and Man 23, 27–34.
Hall,R. L., 1977. An Anthropocentric Perspective for Eastern United States Prehistory,
American Antiquity 42, 499–517.
Hall, R. L., 1983. A Pan-continental Perspective on Red Ochre and Glacial Kame
Ceremonialism, in R.C. Dunnell and D.K. Grayson (eds.), Lulu Linear Punctuated: Essays in Honour of
George Irving Quimby, University of Michigan Anthropological Papers, 72.
Hodder, I., 1982d. The Present Past, London: Batsford.
Parker Pearson, M., 1984a. Economic and Ideological Change: Cyclical
Growth in the Pre-state Societies of Jutland, in D. Miller and C. Tilley
(eds.), Ideology, Power and Prehistory,
Cambridge University Press.
Parker Pearson, M., 1984b. Social Change, Ideology and the
Archaeological Record, in M. Spriggs (ed.), Marxist Perspectives in Archaeology, Cambridge University Press.
Wylie, M. A., 1985. The Reaction against Analogy, in M. Schiffer (ed.), Advances in Archaeological Method and Theory,
NewYork: Academic Press.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét