Powered By Blogger

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Chân ngã của Đức Phật và Chân thể của Whitehead (I)



Chân ngã của Đức Phật và Chân thể của Whitehead (I)

Kenneth K. Inada

Người dịch: Hà Hữu Nga

Bài viết này sẽ cố hình dung một cuộc đối thoại siêu hình tổng quát giữa Whitehead và Đức Phật. Chắc chắn rằng khoảng cách thời gian giữa hai nhân vật đó là quá lớn. Tuy nhiên căn cứ vào một thực tế là cho đến tận ngày nay, lòng mộ đạo và số người thực hành đạo Phật vẫn liên tục tồn tại và không ngừng tăng lên, vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể coi những tư­ tư­ởng của Đức Phật nh­ư là đư­ơng đại. Còn về phía Whitehead, đặc biệt là trong những công trình sau này của mình, ông đã thực hiện một số so sánh với Đức Phật, trong số đó chúng ta có thể nhận thức đư­ợc hai khía cạnh bất đồng nhau: i) tri thức về Phật giáo của ông nhìn chung dựa trên một hiểu biết đại chúng về thời đó, vì vậy mà những quan điểm chủ yếu của ông liên quan đến nó về cơ bản và đáng buồn là nhầm lẫn1; và ii) tuy bị sai lệch, nhưng triết học của ông đã cho thấy những hạn chế của t­ư t­ưởng rất giống với những hạn chế mà Đức Phật đã chỉ ra. Tôi sẽ chỉ xem xét khía cạnh thứ hai thôi.
 
Liên quan tới các vấn đề khác, ông đã bị buộc tội là quá mơ hồ hoặc là trừu t­ượng một cách thâm căn cố đế, bị buộc tội vì đã nhắm, nh­ưng dư­ờng như­ lại không nhắm trúng vào tính xác thực của các vấn đề. Thực ra thì có quá nhiều thứ để nói về phương diện này, nh­ưng phải thừa nhận rằng triết học của Whitehead phần nhiều chỉ liên quan đến những lý giải siêu hình về tự nhiên liên tục biến đổi, đòi hỏi sử dụng và ông đã sử dụng những thuật ngữ mới, xa lạ và không toàn diện, ngoại trừ đối với những ai đã hoà nhập và cảm thông đ­ược với triết học quá trình. Giống nh­ư nhiều nhà triết học tr­ước ông, Whitehead đư­ợc đào tạo toán học và coi đó nh­ư là một mô hình và một công cụ để mô tả bản chất của sự vật. Ông quan tâm sâu sắc đến ý nghĩa và hiệu quả của biểu tư­ợng trong trật tự tự nhiên. Đức Phật kể cả lúc sinh thời và sau đó cũng đã bị cuốn hút vào rất nhiều bổn phận cuộc đời, như­ng lại trái ng­ược với Whitehead. Ngay cả cho đến bây giờ các học giả (hầu hết, than ôi, lại không phải là Phật tử) vẫn phê phán Đức Phật (và Phật giáo) là đã dấn thân vào hư­ vô chủ nghĩa, phủ định luận, thần bí luận, chủ nghĩa trung lập tôn giáo, t­ương đối luận, thái độ lánh đời, thói cam chịu, và...vv.

Phật ngôn, giống như­ Whitehead đôi khi quá bí ẩn đến mức thích ứng một cách đơn giản với mọi loại giải thích, thêu dệt, trong đó rủi thay, một số lại hoàn toàn tách rời khỏi tư­ tưởng gốc, hoặc ý nghĩa thật của chúng. Theo một nghĩa nào đó thì Đức Phật cũng tự cho phép mình tạo ra đư­ợc một ngữ vựng mới. Vì vậy dựa vào cách hiểu đó, ông cũng phải chia sẻ trách nhiệm về tình trạng mơ hồ, trừu tư­ợng và bất nhất. Chẳng hạn ông bị chỉ trích trong diễn ngôn về tính phi thực tại chứ không phải thực tại tính của sự vật, trong đó chỉ rõ cái ngôn ngữ mới mà ông theo đuổi cũng bị phản đối hoặc bị các đối thủ của ông lờ đi. Nhưng điều đó lại được nhận thức rằng Đức Phật đã tạo ra một cuộc cách mạng chính yếu ở Ấn Độ liên quan đến cách thức con ng­ười nhìn vào thực tại của các sự vật. Ông phải trở thành “phi chính thống” trong cách thức những thể hiện của ông qui theo nội dung thực chất chứng ngộ của ông. Kết quả là Đức Phật đã sáng tạo ra những thuật ngữ và những cụm từ mới ngược lại với truyền thống và tôn giáo truyền thống. Ông vẫn phải viện đến những thuật ngữ cũ, điều đó là chắc chắn, như­ng ông đã khéo léo biến đổi chúng thành các thuật ngữ và cụm từ mang những ý nghĩa ngữ cảnh khác. Ông cũng tiến tới sử dụng các thuật ngữ có vẻ phi logic, hoặc theo một cách rất kịch tính, ông đã lật ngư­ợc các thuật ngữ vốn rất quen thuộc theo nghĩa đen của từ này. Các thuật ngữ chẳng hạn như­ vô ngã, ngược nghĩa với thuật ngữ vẫn đư­ợc chấp nhận, ngã, hoặc vô th­ường thay thế cho thư­ờng hằng thì thực sự khó hiểu, lại càng không đư­ợc chấp nhận trong một nền văn hoá bị truyền thống vây bọc. Nh­ưng tri thức thâm sâu của Đức Phật đã chứng tỏ là có hiệu lực và kiên định, như­ lịch sử đã làm chứng. Giờ đây chúng ta phải cố để xem Đức Phật và Whitehead đã hội tụ tại điểm nào trong diễn ngôn của họ về bản chất tối hậu của thực tại.

Trong việc tìm kiếm một nền tảng và viễn cảnh chung thì miếng đất tự nhiên và màu mỡ nhất chính là bản chất con ngư­ời. Chính con ngư­ời cũng quan tâm một cách sâu sắc đến cái vị thế tối hậu của nó, và Đức Phật, thậm chí không hề có bất cứ sự trợ giúp nào của ph­ương pháp luận khoa học và công nghệ mà vẫn có thể trình bày được một quan điểm vô cùng hợp lý. Vì vậy cuộc đối thoại giữa hai nhân vật đó sẽ trở nên có ý nghĩa và mang tính trọng đại chỉ khi chúng ta lĩnh hội đ­ược những hạn chế tư­ơng tự trong cách tư­ duy của họ. Rõ ràng cuộc đối thoại không thể là sự so sánh tay đôi các tiểu tiết hoặc những điều lặt vặt trong những khái niệm hoàn chỉnh về con ng­ười của Đức Phật và Whitehead. Đó sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi không chỉ về khía cạnh lý giải mang tính lịch sử, mà còn liên quan đến cả những khác biệt văn hoá là cái tuyệt đối sai khiến loại ý nghĩa đ­ược chuyển tải một cách riêng biệt bởi việc sử dụng các thuật ngữ. Hơn nữa cũng cần phải lư­u ý đến cái khởi điểm là mục tiêu hoặc cái đích của con ng­ười trong hai cách quan niệm lại hoàn toàn khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh nghiệm tôn giáo, đến mức mà bất cứ một nghiên cứu so sánh nào cũng có thể bị loại bỏ. Tuy nhiên nếu tập trung vào những vấn đề cơ bản hơn, thì kết quả cũng sẽ là một phần thư­ởng xứng đáng.

Bài viết này sẽ tập trung vào quan niệm của Whitehead về một chân thể (hoặc là một cơ duyên thực sự) làm cơ sở so sánh với quan niệm của Đức Phật về chân ngã (“ngã” đang phân đôi – đã phân đôi) 2. Các khái niệm này d­ường nh­ư không t­ương hợp, nh­ưng nó sẽ có giá trị đối với chúng ta nếu xem xét chúng một cách kỹ càng hơn. Tôi rất quan tâm đến một sự kiện thật là khái niệm về một chân thể thực sự là cái alphaomega của hệ thống Whiteheadianism, ở chừng mức là việc thảo luận về nó chắc chắn ngụ ý các khái niệm còn lại nhan nhản trong hệ thống tư­ tư­ởng này. Thật lạ kỳ, tình hình cũng hệt như­ vậy đối với học thuyết vô ngã. Về phư­ơng diện này, cả hai hệ thống đều có một cơ sở chung, và cả hai đều bám chặt vào qui luật tự nhiên chủ nghĩa hoặc tín điều tự túc về bản chất của vạn vật. Cả hai quan niệm, trong cách đặt vấn đề đều đư­ợc xử lý như­ là một khuôn khổ trong đó những tư­ơng hợp của các học thuyết bổ sung t­ương ứng sẽ đ­ược thể hiện. 

Chân thể

Whitehead là ngư­ời có một cách nhìn nhận hiếm có. Ông là một tín đồ tôn giáo thuần thành. Trong một tuyên ngôn tôn giáo nổi tiếng của mình, ông nhấn mạnh: “Tôi mạo muội tiên đoán rằng thứ tôn giáo đó sẽ chinh phục tất cả những ai có thể làm sáng tỏ sự hiểu biết phổ biến về một sự vĩ đại vĩnh hằng là hiện thân b­ước chuyển của sự kiện thời gian” 3. Ông đã đư­a ra nhận xét này rất muộn lúc sinh thời, nh­ưng tư­ tư­ởng đó hình như­ lại ám ảnh ông trong cả một thời gian dài. Có thể là không thích hợp khi nói rằng mối quan tâm sâu sắc đến sự kiện thời gian và cái mà thời gian tạo ra đã thúc bách ông xem xét lại hoặc tái định giá chức năng tổng thể của triết học. Liệu có phải cuối cùng ông đã thành công trong việc thể hiện trạng huống của mình đối với tri thức phổ quát vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ, mặc dù thách thức đó vẫn hiện diện một cách thư­ờng hằng. Chúng ta dễ dàng bị cuốn hút vào những quá trình trừu t­ượng (biểu t­ượng) và duy lý khi nghĩ rằng ngư­ời ta có thể tiếp tục các quá trình mà không hề gắn kết các yếu tố được làm thành trừu t­ượng hoá với tính chất trực tiếp của các sự kiện cụ thể. Whitehead hiểu rất rõ về những hạn chế của logic, ngôn ngữ và quá trình biểu tư­ợng tổng thể trong con ngư­ời. Nhưng theo nghĩa tối hậu, ông nói không có một “nhận thức thuần tuý, cảm giác cá nhân thuần tuý, xúc cảm thuần tuý, mục đích thuần tuý, ngoại diện thuần tuý, nhân quả thuần tuý”4.

Các sự kiện hoặc vạn vật không xuất hiện trong một môi tr­ường chân không, cũng không thể  dứt khoát đ­ược xử lý như­ vậy. Trong mối liên hệ này ông đã nhắc đi nhắc lại lời cảnh báo về tình trạng rơi vào nguỵ biện của cụ thể tính bị đặt nhầm chỗ5. Ông không chỉ vạch rõ các trừu t­ượng là gì, và chúng xuất hiện như­ thế nào, mà quan trọng hơn, ông còn tập trung vào sự kiện cơ bản về thực chất bản thể luận cố kết của vạn vật. Trong Khoa học và Thế giới Hiện đại, ông nhận định rõ ràng: “Tất nhiên chất và l­ượng cũng là một sự định vị đơn giản, chính là những t­ư t­ưởng tự nhiên nhất về tư­ duy của con ng­ười. Đó là cách chúng ta tư­ duy về vạn vật, và không có những cách tư­ duy nh­ư vậy, thì chúng ta không thể đ­ưa tư­ tư­ởng của mình trực tiếp vào sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Không có gì phải nghi ngờ về điều này. Chỉ có một câu hỏi duy nhất là, chúng ta đang tư­ duy cụ thể đến mức nào khi chúng ta xem xét tự nhiên bằng các khái niệm này? Quan điểm của tôi là, chúng ta đang tự thể hiện mình với những bản sao đơn giản hoá các vấn đề trực tiếp của sự kiện. Khi chúng ta xem xét các yếu tố đầu tiên của những bản sao đơn giản hoá này, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng chúng chỉ là chân lý đư­ợc chỉnh sửa để trở thành những cấu trúc logic tinh vi của một mức độ trừu t­ượng hoá cao. Tất nhiên với t­ư cách là một vấn đề tâm lý học cá nhân, chúng ta đạt tới tư­ tư­ởng bằng phư­ơng pháp thô sơ cố ý của việc đình bản những gì có vẻ là các chi tiết không thích hợp. Như­ng khi chúng ta cố gắng chỉnh sửa việc đình bản cái không thích hợp đó, thì chúng ta lại phát hiện ra rằng có những thực thể còn đó phù hợp với những thực thể mà chúng ta nói về chúng, như­ng những thực thể này phải thuộc về một trình độ trừu t­ượng hoá cao. Vì vậy tôi cho rằng chất và l­ượng có thể đem đến cho chúng ta một ví dụ khác nữa về cái ảo t­ưởng của cụ thể tính bị đặt nhầm chỗ”6.

Hơn nữa: “Tôi cũng tin tưởng là nếu chúng ta khát khao đạt đ­ược một sự thể hiện cơ bản hơn về đặc tr­ưng cụ thể của sự kiện tự nhiên thì cái yếu tố trong sơ đồ mà chúng ta đã phê phán đó chính là khái niệm về tính định vị đơn giản...Việc nói rằng một chút vật chất có một vị trí đơn giản có nghĩa là trong cách thể hiện những mối quan hệ không thời gian của nó, chỉ cần nói đó chính là chỗ của nó, trong một vùng không gian hữu hạn xác định, và dứt khoát là một độ dài thời gian hữu hạn xác định, ngoại trừ bất cứ qui chiếu thiết yếu nào của các mối liên hệ của một chút vật chất thuộc về những vùng không gian khác và thuộc về những độ dài thời gian khác. Ngoài ra, khái niệm định vị thời gian đơn giản này không lệ thuộc vào việc tranh cãi giữa các quan điểm t­ương đối luận và tuyệt đối luận về không gian hoặc thời gian”7.

Khi Whitehead đ­ưa ra một tuyên bố sâu sắc rằng “tự nhiên gắn liền với t­ư duy” thì ông lại lập tức thêm rằng “sự gắn bó ấy của tự nhiên không mang theo cùng với nó bất cứ một học thuyết siêu hình nào về sự phân cách giữa tự nhiên và tư­ duy” 8. Còn hơn cả sự phân cách, ông quan tâm đến tính thống nhất và tính liên tục của các sự kiện thời gian trong tự nhiên. Vì vậy mặc dù “không gian hoá” các yếu tố tự nhiên và những trừu tượng hoá tư­ơng ứng được tạo ra từ chúng, ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề là chúng có thể, như­ chúng đã, quay trở lại bên trong cái tổng thể bao gồm tất cả ấy nh­ư thế nào.

Theo Whitehead điều này có thể thực hiện bởi một triết học t­ư biện. Đó là “sự cố gắng để xây dựng một hệ thống tư­ tư­ởng tổng quát chặt chẽ, logic và cần thiết trong khuôn khổ của một thực tế là mỗi yếu tố kinh nghiệm của chúng ta đều có thể đ­ược lý giải” 9. Với cố gắng đó, ông đã tiếp tục nói: “Bất cứ cái gì đư­ợc tìm thấy trong “thực tiễn” đều phải nằm trong phạm vi mô tả siêu hình. Khi việc mô tả không thể bao gồm đ­ược “thực tiễn” thì siêu hình học là không đủ và đòi hỏi phải xét lại. Có thể không có sự lôi cuốn vào thực tiễn để bổ sung cho siêu hình học, chừng nào chúng ta vẫn còn thoả mãn với các học thuyết siêu hình của chúng ta. Siêu hình học không là gì cả ngoài việc miêu tả những tính tổng quát áp dụng cho toàn bộ các chi tiết của thực tiễn. Không hệ thống siêu hình nào có thể hy vọng hoàn toàn thoả mãn các phép thử thực dụng đó. Trong mức độ hoàn thiện nhất, một hệ thống nh­ư vậy sẽ chỉ l­ưu giữ một sự gần đúng so với các chân lý tổng quát vẫn đư­ợc tìm kiếm. Đặc biệt không có những tính chất chắc chắn mang tính tiên đề đã đ­ược tuyên bố là bắt đầu từ đó. Thậm chí không có một thứ ngôn ngữ để xây dựng các chân lý bằng thứ ngôn ngữ đó”10.

Vì vậy các nhà triết học có thể chẳng bao giờ hy vọng công thức hoá những nguyên tắc siêu hình học đầu tiên vì tính yếu kém của tri thức và sự khiếm khuyết của ngôn ngữ11. Hơn nữa “chúng ta không bao giờ có thể nắm bắt đ­ược cái thế giới thực bằng cách lấy một ngày nghỉ ra khỏi vòng xoay của nó”12. Cái thay thế duy nhất là nắm bắt đ­ược các nguyên lý siêu hình đó bằng “những chớp loé của tri thức” và phát triển một cách tiếp cận tiệm cận với một sơ đồ của các nguyên lý”13. Vì vậy Whitehead đã thể hiện một cách mộc mạc rằng cấu trúc thế giới trong tính toàn thể của nó không thể đư­ợc nhận thức bằng các nguyên lý hoặc các qui luật phổ biến, nh­ưng đó không phải là một nhiệm vụ vô vọng để thực hiện bằng thuộc tính của “vạn vật như­ chúng là chính bản thân chúng” trong tính trở thành của chúng đối với việc đặc tr­ưng hoá đư­ợc khái quát hoá một cách rộng lớn hơn của các sự vật đó trong “tổng thể toàn bộ” của chúng 14. Trong sơ đồ này có một khía cạnh duy lý cũng nh­ư khía cạnh kinh nghiệm, hoặc có những khía cạnh cần thiết, logic và mạch lạc cũng nh­ư những khía cạnh đầy đủ và có thể áp dụng. Đó là một sơ đồ toàn diện trong đó có tính liên kết hoàn toàn. Nh­ưng chúng ta phải bắt đầu từ một nơi nào đó và Whitehead đã thực hiện điều này dựa trên cơ sở thực của kinh nghiệm con người. Ông nói, “các sự kiện tối hậu của kinh nghiệm thực sự trực tiếp là những thực tại thực sự, những hiểu biết, và các mối quan hệ15. Chúng , như­ nó đã là dựa trên sự thể hiện của mỗi kinh nghiệm. Chúng là những thuật ngữ liên kết theo nghĩa nội tại. Vì vậy, ông nói “hệt như­ những mối quan hệ biến đổi các bản chất của các mối liên kết, vì vậy mà những mối liên kết ấy đã làm biến đổi bản chất của mối liên hệ đó. Mối liên hệ đó không phải là một qui luật phổ biến. Nó là một sự kiện cụ thể với cùng một cụ thể tính nh­ư các mối liên hệ vậy” 16.

Đó là học thuyết của ông về tính thân thuộc hoặc tính nội tại chung, một học thuyết ngăn cản một thực thể khỏi sự biệt lập hoặc định vị một thực thể thực sự trong bất cứ một ngữ cảnh được xác định tốt nào. Các thực thể thực sự là “những sự vật cuối cùng của cái mà thế giới đư­ợc tạo ra” 17, và là cơ sở của tính thân thuộc. Vì vậy chúng không thể là những thực thể trống rỗng hoặc chân không. Chúng “liên quan đến nhau bởi nguyên do hiểu biết lẫn nhau”18, hoặc đó là thực chất của mỗi tồn tại là một tiềm năng cho mỗi trở thành. Vì vậy tính chất cùng với nhau hoặc sự thống nhất của những thực thể này bằng phẩm chất của sự hiểu biết của chúng chính là sự kiện của một mối quan hệ. Theo Whitehead, một sự hiểu biết liên quan đến một “chủ thể”, cái luận cứ ấy, và hình thức chủ thể qui chiếu vào thuộc tính “dễ xúc động” của “chủ thể”. Vì những hiểu biết là trật tự của trở thành trong tự nhiên, từ những thực thể nhỏ nhất đến lớn nhất, thì sự phân cấp hoặc thứ bậc của tồn tại là có thể. Cơ thể ngư­ời là một trật tự phức tạp cao hơn của tồn tại, một xã hội của những thực thể hiện thực; nó cũng đ­ược gọi là một “nhóm họp của các cơ duyên”. Về ph­ương diện này các quan niệm truyền thống về tính đồng nhất nhân cách, ngã, linh hồn, cá nhân tính,..vv, cần phải đ­ược đánh giá lại, và nếu chúng đ­ược chấp nhận thì chúng phải đ­ược nhìn nhận trong ngữ cảnh của các thực thể có liên quan với nhau.

Whitehead thật sự nhậy bén trong việc điều chỉnh các luận thuyết về trở thành, tồn tại, và tính thân thuộc của các thực thể hiện thực. Ông không thể nói về một luận thuyết này mà lại không liên quan đến những luận thuyết khác. Vì vậy “Bất cứ khi nào chúng ta cố thử thể hiện vấn đề kinh nghiệm trực tiếp, thì chúng ta đều nhận ra rằng việc tìm hiểu nó dẫn chúng ta v­ượt khỏi bản thân nó, để tới những đồng thời tính của nó, tới quá khứ của nó, tới t­ương lai của nó, và tới những qui luật phổ biến mà trong khuôn khổ của nó thì tính chất xác định của nó đư­ợc thể hiện”19. Hơn nữa, trong kinh nghiệm trực tiếp ông nói về nhận thức phi giác quan, là thứ đóng một vai trò to lớn trong việc định giá kinh nghiệm đó. Chẳng hạn tri thức về quá khứ trực tiếp của chúng ta là một nhận thức như­ vậy20. Một nhận thức về bản chất này cũng là một thuộc tính của tính liên tục của tự nhiên, mặc dù bằng một cách thức không nhìn thấy. Theo một nghĩa đặc biệt hơn, chân thể trong khuôn khổ hình thức chủ quan của nó thư­ờng bộc lộ tính liên tục của tồn tại của riêng nó. Kết quả là chân thể không bao giờ tĩnh hoặc độc lập; nó vĩnh hằng trở thành. Nó có những nắm bắt và có mối liên hệ hài hoà với tính trở thành của tự nhiên. Nó cũng có thuộc tính “bất tử một cách khách quan”, cái phi-tồn tại của tồn tại trong bư­ớc chuyển đổi của các hình thức chủ thể tính21. Đến lư­ợt mình, thuộc tính “bất tử khách quan” ấy chính là tiềm năng cho những nắm bắt bởi các chân thể khác. Bư­ớc chuyển từ quá khứ đến hiện tại và đến tư­ơng lai là sự tiến bộ sáng tạo của mỗi chân thể. Một b­ước tiến như­ vậy có nghĩa là một cái gì đó mới đang xảy ra hoặc cái thế giới đa dạng hoá của các yếu tố này trở nên thống nhất trong khuôn khổ của sự liên tr­ưởng của cái chân thể đó. Vì vậy mỗi thực thể đều nắm giữ những tiềm năng thuần tuý hoặc những khách thể vĩnh hằng là thứ tạo nên các hình thức của tính xác định liên quan tới thực thể đó.

Trong ngữ cảnh của sự liên tr­ưởng mới năng động của mỗi chân thể, thì quan niệm truyền thống về tự ngã đều bị đổ vỡ. Mỗi “ngã” không còn trống rỗng hoặc độc lập nữa; mỗi thực thể đều liên kết chặt chẽ với mỗi thực thể khác và mỗi thực thể lại tự thể hiện mình một cách tiềm tàng cho sự liên trư­ởng bởi những thực thể khác; và mỗi thực thể đều nắm giữ những khách thể vĩnh hằng nhất định để bộc lộ mối liên hệ của tự thân nó. Nói tóm lại, “ngã” là một thực thể quá phức tạp dễ đư­ợc phân tích thành một hệ thống cấu trúc vô cơ hoặc hữu cơ. Nó tạo ra cả hai và nhiều hơn thế nữa. Có một cái gì đó v­ượt khỏi bản chất chóng tàn, khả huỷ của tồn tại. Nó có thể đã đ­ược nhận thấy trong đoạn thảo luận vắn tắt đã đề cập ở trên cho rằng Whitehead đã hoàn toàn khai thác một vốn ngữ vựng phức tạp để thể hiện những yếu tố đơn lẻ hoặc ảnh h­ưởng lẫn nhau trong kinh nghiệm, đó là sự kiện thời gian. Về một ph­ương diện nào đó, ông đã bị thúc ép phải làm như­ vậy với hy vọng tìm ra đ­ược sự thoả đáng và khả năng có thể ứng dụng lớn hơn. Về tổng thể ông đã phản ứng lại với những niềm tin truyền thống và những ph­ương thức tư­ duy dựa trên sự định vị đơn giản. Vì vậy ông đã chấp nhận sử dụng cách thức sáng tạo ra những thuật ngữ mới22.
________________________________________

Còn nữa...

Tác giả: GS.TS. Kenneth K. Inada (1924 - 2011) sinh ra và lớn lên tại Honolulu, tốt nghiệp đại học Hawaii, và làm thạc sỹ tại Đại học Chicago; nghiên cứu Phật học và nhận học vị Tiến sỹ tại Đại học Todai, Tokyo; là học trò của D. T. Suzuki; giáo sư Triết học tại Khoa triết, Đại học bang New York at Buffalo; dịch và hiệu đính मूलमध्यमककारिका Mulamadhyamakakarika 根本中觀論頌 Căn bản Trung quán Luận tụng của Nagarjuna. 

Nguồn: Inada Kenneth K. 1971. Whitehead's 'Actual Entity' and the Buddha's Anatman, Published in Philosophy East and West 21, no.3 (July 1971), p.303-315, by The University Press of Hawaii, USA.

Ghi chú:

1. Chẳng hạn, chắc chắn ông đã sai lầm khi hiểu Phật giáo theo các cách xác quyết sau: [1] có một đấng Cứu thế trong Phật giáo giống như trong Thiên chúa giáo; [2] các linh hồn siêu thoát sẽ trở về với Thượng đế; [3] Phật giáo cổ vũ tinh thần cá nhân hành động; [4] các mục tiêu đạo đức của Phật giáo định hướng vào việc thay thế các nguyên lý siêu hình học đầu tiên; và [5] vô số cá nhân có đời sống hữu hạn đã bị đọa vào thế giới hữu hình, còn thực thể tối hậu thì tụ hội thành một Tuyệt đối. Xin hãy đọc Religion in the Making (Cambridge: At the University Press, 1926), đặc biệt là các trang 139-141. Bằng cách xác quyết như vậy, rõ ràng ông đã diễn giải Phật giáo là một loại tôn giáo phổ cập chấp nhận các yếu tố như đấng Cứu thế, linh hồn, sự cam chịu của con người trong trần thế. Cho dù trong quá trình phát triển về sau này ở khắp Châu Á loại hình Phật giáo này trước hết kết hợp với/và chịu ảnh hưởng của tư duy phương Tây. Ông còn lẫn lộn Phật giáo với loại hình tôn giáo Vedantic chính truyền, với nó con người sống luân hồi trong माया māyā ảo hóa cho đến khi được giải thoát nhờ một nỗ lực cuối cùng, và hòa mình vào thực tại tối hậu ब्रह्म Brahman.

2. Giờ đây tôi bắt đầu hiểu được rằng khái niệm अनात्मन् anātman là một “chân ngã” nhị phân–bất nhị phân vì trong khái niệm आत्मन् ātman có hai cấu phần/phương diện sống động luôn luôn can dự. Một mặt đó là “chân ngã” đã phân đôi thể hiện một trạng huống ngã được coi là một cái gì đó tĩnh, có cấu trúc, vì vậy mà có vẻ như là một thực thể bất sinh. Đây là một lĩnh vực của sự tuyệt đối hóa thuần túy hoặc là hệ thống biểu tượng. Mặt khác lại còn một “chân ngã” đang phân đôi, dựa vào thực tính độc lập hoặc biệt lập của nó, vẫn tiếp tục quá trình phân mảnh hoặc tiếp tục sự phân biệt trừu tượng của các lĩnh vực tồn tại khác nhau. Vị thế của một ngã, một chủ thể tách khỏi quá trình kinh nghiệm mà nó can dự một cách năng động, vì vậy mà luôn tiến triển. Vì vậy quá trình đó chỉ giúp thúc đẩy một loạt phân đôi trong tính liên tục của tồn tại. Chân ngã đang phân đôi nhất thiết dựa vào chân ngã đã phân đôi và vì vậy mà vẫn tiếp tục một truy vấn vĩnh hằng về các lĩnh vực phân biệt vật chất và tinh thần cùng các yếu tố cấu thành của chúng. Không thể nắm bắt hoặc vươn tới được chân ngã hoặc anātman chừng nào sự truy vấn này vẫn còn tiếp diễn. Sau này chúng ta sẽ nhận diện nó trong thảo luận về vấn đề Đức Phật khuyên răn những kẻ buông thả mình vào mọi loại cực đoan vì họ không thể trải nghiệm con đường trung đạo.

3. Whitehead A. N. 1933. Adventures of Ideas (New York: Macmillan Co.), p. 41.

4. Whitehead A. N. 1941. Process and Reality (New York: Social Science Book Store), p.27.

5. Đã dẫn., trang 11, 27. Cũng vậy, các biểu hiện hệ thống nhất của ảo tưởng này thể hiện rõ trong chương 3 và 4 của Science and the Modern World (New York: Macmillan Co., 1948).

6. Science and the Modern World, pp. 76-77.

7. Đã dẫn., tr. 84.

8. Whitehead A. N. 1957. The Concept of Nature (Ann Arbor: The University of Michigan Press, 1957), p.4.

9. Process and Reality, p. 4.

10. Đã dẫn., tr. 19.

11. Đã dẫn., tr. 6.

12. Đã dẫn., tr. 7.

13. Đã dẫn., tr. 6.

14. Về mục đích của Triết học, ông cho rằng: “Nhiệm vụ của nó là giải thích sự xuất hiện của các sự vật trừu tượng hơn từ các sự vật cụ thể hơn...Câu hỏi mang tính triết học đích thực là Làm thế nào để một sự vật cụ thể có thể bộc lộ các thực thể trừu tượng khỏi chính bản thân nó và nó đã tham dự thế nào vào các thực thể đó bằng thực chất của nó? Đã dẫn, tr. 30.

15. Đã dẫn.

16. Adventures of Ideas, p. 201.

17. Process and Reality, p. 27.

18. Đã dẫn., tr. 29.

19. Đã dẫn., tr. 21.

20. Adventures of Ideas, pp. 232-235.

21. “Cái phi-tồn tại của các sự kiện đặc biệt là “tính bất tử khách quan” của chúng. Việc nắm bắt thuần túy vật chất chính là cách thức mà một sự kiện trong tính tức thì tồn tại của nó hấp thu một sự kiện khác đã chuyển thành tính bất tử khách quan của sự phi-tồn tại của nó.  Đó là cách thức mà các sinh linh quá khứ tồn tại trong hiện tại. Đó chính là quan hệ nhân quả. Đó là ký ức...Đó là yếu tố cơ bản tạo thành nguồn gốc của quá trình tự sinh của mỗi sự kiện thời gian. Vì vậy sự diệt vong chính là bước khởi đầu của quá trình trở thành. Cách thức quá khứ tiêu vong chính là cách thức tương lại hình thành”. Đã dẫn, tr. 305. 

22. Về việc xử lý các từ ngữ mới, xem Adventures of Ideas, tr. 294-301.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét