Powered By Blogger

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Đọc quá khứ – những cách tiếp cận lý giải Khảo cổ học hiện nay (XIV)



Đọc quá khứ – những cách tiếp cận lý giải Khảo cổ học hiện nay (XIV)

Ian Hodder

Người dịch: Hà Hữu Nga

Phép tường giải Khảo cổ học phê phán

Trong suốt chương này tôi muốn đưa ra một ấn tượng là cách tiếp cận ngữ cảnh liên quan đến việc lý giải từ các tương đồng và khác biệt trong các dữ liệu. Tuy nhiên tôi cũng đã làm dịu đi quan điểm này bằng một lập trường khác cho rằng việc đồng nhất hoá những tương đồng và khác biệt và những phương biến đổi liên quan tuỳ thuộc vào lý thuyết. Thực ra thì một phân tích ngữ cảnh liên quan đến việc tiến và thoái giữa lý thuyết và dữ liệu và thử những lý thuyết khác nhau để xem cái nào dùng để lý giải các dữ liệu là tốt nhất.

Phương pháp luận ngữ cảnh được mô tả ở đây có những tương đồng với cách tiếp cận của Collingwood như đã được phác thảo ở chương 5. Trong cả hai trường hợp thì ý tưởng “kiểm tra” lý thuyết dựa vào dữ liệu được coi như là một mô tả không chính xác việc lý giải KCH (Khảo cổ học) vì lý thuyết và dữ liệu đều liên thuộc cục bộ với nhau. Mặt khác trong cả hai trường hợp người ta đều chấp nhận rằng lý thuyết có thể được đánh giá một cách nghiêm nhặt gắn liền với dữ liệu và một số lý thuyết tỏ ra thích hợp với dữ liệu tốt hơn so với các lý thuyết khác.

Kể từ thời Collingwood và Dilthey đến giờ đã có một sự phát triển đáng kể trong việc tìm hiểu vấn đề theo Phép tường giải (Hermeneutics) và việc tranh luận về phép tường giải cổ bản đó đã được đưa vào KCH [chẳng hạn Shanks và Tilley 1987; Hodder 1990b]. Phép tường giải là khoa học giải thích được áp dụng một cách truyền thống để phát hiện ra ý nghĩa thực sự nhưng ẩn dấu của các Thánh Kinh, nhất là những bản Thánh kinh Phúc âm, nhưng lại được một loạt tác giả từ Schleiermacher, Dilthey và Heidergger đến Gadamer và Ricoeur gán cho những ý nghĩa khái quát và hiện đại. Phép tường giải tham gia vào việc tìm hiểu thế giới không phải với tư cách một hệ thống vật chất mà như một đối tượng của tư tưởng và hành động của con người.

Vì vậy những qui tắc đầu tiên của Phép tường giải [Gadamer 1975: 258], hệt như trong KCH Ngữ cảnh là chúng ta phải tìm hiểu bất cứ chi tiết nào chẳng hạn như một đối tượng hoặc một từ trong khuôn khổ cái toàn thể và cái toàn thể trong khuôn khổ của cái chi tiết. Người tường giải là một người tiến thoái giữa bộ phận và toàn thể cho đến khi nào người ấy đạt được sự hài hoà của toàn bộ các chi tiết với toàn thể. Nhờ vậy mà người ta có thể tìm hiểu được các ý nghĩa của một tình huống. Đây là một quá trình được Collingwood mô tả là đạt tới tính mạch lạc và tương hợp. Điều đó phải được nhấn mạnh lại – và đây là một vấn đề do Gadamer [1975, 1981] đề xuất trong công trình phê phán Collingwood của ông là các ý nghĩa được lý giải không bị giới hạn vào các dự kiến và ý định của các tác nhân quá khứ [cũng có thể xem Ricoeur 1971]. Hơn nữa điều quan trọng là xác định được một ngữ cảnh của các ý nghĩa lịch sử (xã hội, kinh tế, văn hoá, công nghệ...vv) rộng lớn hơn, trong đó chủ thể tính của các tác nhân được hình thành.

Ý niệm về cái toàn thể cần phải được liên hệ với viễn cảnh hoặc những câu hỏi được đưa ra. Phép tường giải thừa nhận rằng chúng ta chỉ có thể hiểu được thế giới con người thông qua việc đặt các câu hỏi về nó. Không có cái gì có ý nghĩa nếu không gắn nó với các câu hỏi. Việc lý giải liên quan đến logic của câu hỏi và câu trả lời. Thực sự thì đó là quá trình đặt câu hỏi và trả lời để có được sự hiểu biết bộ phận – tổng thể như sẽ được chỉ ra dưới đây. Hỏi và trả lời là một vòng xoáy không có điểm kết thúc vì mỗi câu hỏi đều mong đợi có một câu trả lời và mỗi câu trả lời lại khơi dậy và sáng tạo ra những câu hỏi mới. Nhưng một lần nữa các quan điểm của Collingwood gắn liền với quá trình hỏi và trả lời đã bị các tác giả như Gadamer chỉ trích vì đã không thể xác định một cách đầy đủ mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại. Nó hoàn toàn thất bại trong việc xác định vị trí cho việc lý giải và đánh giá nó về phương diện lịch sử.

Mỗi câu hỏi đều được xác định bởi một mối quan tâm ẩn chứa trong đó, và mỗi câu hỏi đều “hình dung trước” một câu trả lời nào đó. Vì vậy việc lý giải quá khứ được giới hạn vào một câu hỏi và một thao tác trả lời bắt nguồn từ hiện tại. “Vòng tường giải” nảy sinh, trong đó không thể thực hiện được một lý giải nào cho đến khi việc lý giải bắt đầu. Đây không phải là một qui trình khiếm khuyết đến mức  có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau, trong đó một vài câu trả lời có thể được liên hệ với bằng chứng nào tốt hơn so với các bằng chứng khác. Qui trình hỏi và trả lời dẫn tới những câu hỏi mới và một hiểu biết mới về bản thân gắn liền với một đối tượng khác (quá khứ).

Tuy nhiên từ lý giải này có thể xuất hiện một vấn đề là một đối tượng cần phải được tìm hiểu đồng thời trong phạm vi thời gian riêng của nó và trong khuôn khổ thế giới của chúng ta. Điều đó có vẻ cứ như là đối tượng phải được tìm hiểu trong khuôn khổ của hai “tổng thể” hoặc ngữ cảnh tách biệt nhau, “của họ” và “của chúng ta”. Lập luận của Gadamer [1975: 269] - tương tự như của tôi về ngữ cảnh - là quan niệm của ông về bình tuyến* tường giải: mỗi sự vật có liên quan từ một viễn cảnh riêng, khi đưa ra một câu hỏi riêng. Làm thế nào để liên kết một cách đầy đủ hai qui trình lý giải quá khứ và hiện tại, cả hai với những ranh giới ngữ cảnh và những bình tuyến  hữu hạn, khép kín?.

Gadamer [1975: 271] đã xử lý một cách tinh tế vấn đề này bằng cách lập luận rằng kể cả các ngữ cảnh hoặc bình tuyến đều liên tục vận động đối với những ai sống trong chúng và cấu trúc nên chúng. Lời đáp đối với một câu hỏi trực tiếp đã làm thay đổi cả viễn cảnh lẫn bình tuyến. Và cả hai ngữ cảnh đều vẫn đang vận động trong mối liên hệ với nhau vì lời đáp cho một câu hỏi về “cái khác” bao giờ cũng đưa tới một tự nhận thức mới và những câu hỏi mới. Từ viễn cảnh hiện tại có lẽ chỉ có một bình tuyến. Cái mà người lý giải cố gắng thực hiện chính là đạt được một phổ biến tính vượt khỏi đặc thù tính “của chúng ta”, và của “người khác”. Cần phải nỗ lực thực hiện sự hợp nhất các bình tuyến. Nhưng quá trình khoa học đó đồng thời can dự vào thời gian bằng cách cố gắng phân biệt giữa những bình tuyến hoặc ngữ cảnh nào là tốt nhất, quyết định nhất mà chúng ta có thể thực hiện.

Trong đối thoại của chúng ta với nhau về thành bại của những hợp nhất như vậy, điều mà chúng ta học được từ bản thân mình là nhằm làm cho quá khứ đóng góp được cho hiện tại. Tôi muốn biện hộ cho một Phép tường giải mang tính phê phán [Thompson 1981] trong đó các lý giải được đặt trong quá khứ và hiện tại theo phương lịch sử. Nhưng kết quả cuối cùng thì lại không làm yếu đi tương đối luận trong đó quá khứ được nhìn nhận một cách phổ biến là được xây dựng trong hiện tại. Tôi kiên trì quan niệm rằng các dữ liệu KCH chỉ đại diện cho “những mạng lưới kháng cự” lại những giả thuyết của chúng ta [Shanks and Tilley 1987a: 104]. Ngược lại, việc cố gắng hợp nhất với cái khác, chừng nào nó được thực hiện một cách có phê phán và với một nhận thức minh bạch về sự khác biệt và về ngữ cảnh tính, làm thay đổi kinh nghiệm của chúng ta, vì vậy mà thay đổi cả tầm nhìn của chúng ta. Như đã lưu ý, vòng tường giải phải không hề khiếm khuyết. Hơn nữa nó lại liên tục vận động và vận động một cách biện chứng trong quá trình hỏi và trả lời; và trong vận động này quá khứ và hiện tại, chủ thể và khách thể đều hợp nhất với nhau và chia tách khỏi nhau.

Đối với tôi thì cách lý giải trên về việc sử dụng ngữ cảnh đúp, mang tính tường giải miêu tả cái mà các nhà KCH có thể thực hiện trong việc giải thích quá khứ. Tôi đã đơn giản hoá quá trình đó, nhưng tôi tin rằng mình đã mô tả được những đặc trưng bản chất của nó. Chúng ta chỉ có thể làm cho thích hợp hết mức và mang tính phê phán hết mức để chọn lựa trong số các lý thuyết hầu tìm ra lý thuyết nào thích hợp nhất. Chúng ta phải chấp nhận cả tính nghiêm nhặt và tính khách quan của việc phân tích ngữ cảnh, và sự thật thì các lý giải của chúng ta tồn tại trong những khoảng thời gian rất ngắn ngủi so với cả một tiến trình học tập và hoạt động thực tiễn xã hội.

Kết luận

Trong chương này, chúng ta đã tập trung vào các phương pháp xác định và nghiên cứu các ngữ cảnh để lý giải ý nghĩa. Cần phải lưu ý rằng có thể tìm ra những loại ý nghĩa khác nhau, bằng cách phân biệt các quá trình cấu trúc với các mối quan hệ kinh tế và xã hội đến các nội dung mã hoá biểu tượng cấu trúc. Khi dựa vào sự phân tích ngữ cảnh, hai loại ý nghĩa chính này tự thân chúng có thể được gọi là ý nghĩa ngữ cảnh [để biết được những lý lẽ khác và việc ứng dụng các phương pháp ngữ cảnh có thể xem thêm các bài viết của Hodder 1987a, và Parkington 1989].

Loại ý nghĩa ngữ cảnh đầu tiên được qui chiếu vào ngữ cảnh môi trường, kỹ nghệ và hành vi của hành động. Việc tìm hiểu một đối tượng diễn ra bằng cách đặt nó vào trong mối quan hệ với cái tổng thể hoạt động rộng rãi hơn. KCH Marxist và KCH Quá trình có khuynh hướng tập trung vào loại ngữ cảnh này trong một phạm vi rộng lớn hơn; nhưng cái ngữ cảnh thoáng chốc kế tiếp thoáng chốc của hành động tương hợp mang tính tình huống đó cũng cần được hợp nhất lại.

Thứ hai, có thể coi ngữ cảnh có nghĩa là ngữ cảnh “với văn bản” và vì vậy mà từ đó tạo ra một sự tương đồng giữa các ý nghĩa ngữ cảnh của các đặc điểm văn hoá vật chất và các ý nghĩa của các từ trong một ngôn ngữ viết. Như vậy có nghĩa là các đối tượng chỉ là những vật câm lặng khi bị đưa ra ngoài “văn bản” của chúng; nhưng sự thật thì hầu hết các hiện vật KCH được đặt trong không gian và thời gian trong mối quan hệ với các hiện vật KCH khác. Mạng quan hệ đó có thể được “đọc” bằng cách phân tích cẩn thận như đã được phác thảo trong chương này để tiếp cận được với việc lý giải nội dung ý nghĩa. Tất nhiên các cách đọc của chúng ta có thể không chính xác, nhưng việc đọc nhầm một ngôn ngữ không có nghĩa là các đối tượng cứ phải câm lặng.

Khái niệm “văn bản” thích hợp hơn so với khái niệm ngôn ngữ trong việc nghiên cứu văn hoá vật chất trong lưỡng thế của nó với tư cách vừa là đối tượng vừa là ký hiệu hoặc biểu tượng. Trong hầu hết việc áp dụng cấu trúc luận vào KCH, ký hiệu vật chất chỉ có ý nghĩa khi nó tương đồng hoặc đối lập với những ký hiệu vật chất khác trong một cấu trúc hoặc một mã hoá trừu tượng nào đó như là những từ mang nghĩa trong ngôn ngữ vậy. Mặt khác, Ricoeur [1971] lại cho rằng hành động của con người được biện hộ tốt nhất bằng cách tham khảo văn bản chứ không phải là ngôn ngữ [xem Hodder 1989a, Moore 1990]. Một văn bản là một sản phẩm cụ thể được viết ra để làm một cái gì đó. Nó là sản phẩm diễn ngôn – giao tiếp tình huống [Barrett 1987]. Các ý nghĩa của một văn bản xuất phát từ việc ngữ cảnh hoá những nguyên tắc trừu tượng trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Các ý nghĩa có thể bắt đầu tách xa khỏi ý định của “người viết” văn bản đó, và có thể tuỳ thuộc rất nhiều vào ngữ cảnh “đọc” văn bản đó. Ý nghĩa của văn hoá vật chất thường tuỳ thuộc vào ngữ cảnh sử dụng chứ không phải chỉ tuỳ thuộc vào ngữ cảnh sản xuất ra nó, hoặc vào “tác giả” của nó. Thậm chí còn hơn cả văn bản viết, các ý nghĩa văn hoá vật chất là hiện thân của những mối quan tâm mang tính chức năng và thực dụng. Vì vậy chính văn bản chứ không phải ngôn ngữ mới là một ẩn dụ thích hợp cho thực chất lưỡng thế của văn hoá vật chất (vừa là các đối tượng mang tính chức năng và công nghệ vừa là ký hiệu) được đề cập trong toàn bộ cuốn sách này.
____________________________________

* Ghi chú: Trong Truth and Method của Gadamer, khái niệm horizon không đơn giản mang nghĩa bình tuyến, trong ngữ cảnh Hermeneutics của ông, tôi dịch là tầm nhận thức, phần nào tương đương nghĩa với भूमि (bhūmi, một địa, một cấp độ hiểu biết của Phật giáo) nhưng trong ngữ cảnh KCH thì khái niệm này lại có nghĩa là bình tuyến khi các bằng chứng KCH được lý giải bằng cách kết nối với nhau trong cùng một lát cắt thời gian theo phương pháp đồng đại. Nó thường được xem xét trong mối tương quan lịch đại để được gọi là truyền thống (điển hình cho phương pháp luận này có thể xem Hà Văn Tấn: Văn hóa Bắc Sơn với một truyền thống, một bình tuyến. Trong Những hiện vật tàng trữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam về văn hóa Bắc Sơn, Bảo tàng Lịch sử, Hà Nội, 1969.

Tài liệu tham khảo

Barrett J. C. 1987. Contextual Archaeology. Antiquity 61, 468–73.

Gadamer H.G. 1975, 1981. Truth and Method, NewYork: Seabury Press 1981, Reason in the Age of Science, Cambridge, MA: MIT Press.

Hodder I. (ed.) 1987a. The Archaeology of Contextual Meanings. Cambridge University Press.

Hodder I. 1989a. This is not an Article about Material Culture as Text. Journal of Anthropological Archaeology 8, 250–69.

Hodder I. 1990b. Post-Processual Archaeology: The Current Debate, in R. Preucel (ed.), Processual and Postprocessual Archaeologies: Multiple Ways & Knowing the Past, Carbondale: Southern Illinois University Press.

Moore H. 1990. Paul Ricoeur: Action, Meaning and Text, in C. Tilley (ed.), Reading Material Culture, Oxford: Blackwell.

Parkington J. 1989. Interpreting Paintings without a Commentary: Meaning and Motive, Content and Composition in the Rock Art of the Western Cape, South Africa, Antiquity 63, 13–26.

Ricoeur, P. 1971. The Model of the Text: Meaningful Action Considered as a Text. Social Research 38, 529–62.

Shanks M. and Tilley C. 1987. Re-Constructing Archaeology: Theory and Practice. Cambridge, Cambridge University Press. Introduction: The Red Book.  

Thompson J. B. 1981. Critical Hermeneutics, Cambridge University Press.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét