Powered By Blogger

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Tăng trưởng trong điều kiện khan hiếm các nguồn*



Tăng trưởng trong điều kiện khan hiếm các nguồn*

 

Hà Hữu Nga

 

1. Khái niệm tăng trưởng kinh tế

 

Tăng trưởng kinh tế là sự tăng lên của sản lượng hàng hóa và dịch vụ được duy trì trong một thời gian dài. Tuy nhiên để hiểu rõ khái niệm tăng trưởng, thì cần phải làm rõ một số khái niệm liên quan, mà trước hết là khái niệm sản lượng và tổng sản lượng tính theo đầu người. Khái niệm tổng sản lượng mô tả tăng trưởng theo chiều rộng, còn sản lượng tính theo đầu người được hiểu theo chiều sâu; vì vậy giá trị của tăng trưởng có thể được nhận thấy rất rõ thông qua phúc lợi xã hội và mức sống được nâng cao. Tăng trưởng không phải là một giá trị tĩnh, mà ngược lại, là một giá trị rất động; thuộc tính này gắn liền với đặc trưng biến đổi không ngừng theo thời gian của các nguồn lực tạo ra tăng trưởng; không có thuộc tính này thì không thể có hiện tượng tăng trưởng liên tục, dài hạn. Khi đề cập đến sự tăng lên của sản lượng, người ta buộc phải phân biệt hai loại: sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng, trong đó các lý thuyết tăng trưởng thường đề cập đến sự tăng lên của lực lượng lao động và mức tăng tích lũy vốn tác động đến sự biến đổi sản lượng tiềm năng. Trong khi đó việc tính toán sản lượng thực tế lại phải căn cứ vào khả năng khai thác, chế biến và sử dụng các nguồn lực, khả năng tận dụng các cơ hội của nền kinh tế [Chaudhuri P. 1989].  

Một thuộc tính quan trọng khác, làm nên bản chất xã hội của tăng trưởng, chính là chất lượng tăng trưởng; thuộc tính này tác động trực tiếp đến thị trường hàng hóa và các yếu tố đầu vào, đặc biệt là đầu vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm. Theo nghĩa đó, chất lượng tăng trưởng mô tả phẩm chất và tính đa dạng của hàng hóa, dịch vụ và khả năng chiếm lĩnh thị phần của hàng hóa và dịch vụ. Chất lượng tăng trưởng có tác dụng cải thiện điều kiện lao động, hợp lý hóa sản xuất và làm tăng năng suất lao động. Về phương diện này, tăng trưởng thể hiện rõ quá trình phát triển kinh tế của các quốc gia, các vùng theo chuỗi thời gian; theo dõi tăng trưởng còn giúp ta thấy rõ thực chất xã hội của tăng trưởng thể hiện qua phúc lợi xã hội do tăng trưởng đưa lại; bên cạnh đó, theo dõi tăng trưởng giúp cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế xã hội đưa ra được các chính sách đúng đắn, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa đảm bảo phát triển xã hội. Vì các ý nghĩa đó của tăng trưởng nên người ta cần hiểu rõ một số khái niệm cốt lõi khác của tăng trưởng, mà trước hết là tỷ lệ tăng trưởng; tỷ lệ tăng trưởng nói lên một sự thật là các bộ phận cấu thành của một nền kinh tế tăng giảm không theo cùng một tỷ lệ, mà nó phụ thuộc vào việc thay đổi cơ cấu kinh tế. Tỷ lệ tăng trưởng còn giúp trả lời câu hỏi về tính ổn định hay bất ổn của tăng trưởng khi các nguồn lực tăng trưởng cùng một lúc tác động vào nền kinh tế. Tác động của các nguồn lực đối với tăng trưởng còn liên quan trực tiếp đến một câu hỏi khác là liệu tăng trưởng có điểm dừng không? Và câu hỏi cuối cùng, đặc biệt quan trọng liên quan đến tăng trưởng là ai được hưởng lợi từ tăng trưởng [Trần Văn Tùng (Chủ biên), Nguyễn Trọng Hậu 2002: 13 - 20]?

Các vấn đề trên đã được các lý thuyết cổ điển và tân cổ điển đặt ra nhưng vẫn chưa được được giải quyết thỏa đáng. Việc trả lời các câu hỏi đó đã đánh dấu bước phát triển mới của lý thuyết tăng trưởng từ cổ điển và tân cổ điển sang giai đoạn hiện đại. Lý thuyết tăng trưởng cổ điển và tân cổ điển cho rằng các yếu tố quyết định cho tăng trưởng là các yếu tố nội sinh mang tính cạnh tranh, đó là  vốn, lao động và tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả đất đai. Sự hội tụ về thu nhập bình quân đầu người là có điều kiện, vì tỷ lệ tăng trưởng đó phụ thuộc vào vốn bình quân đầu người, sản lượng bình quân đầu người, phụ thuộc vào tỷ lệ tiết kiệm và tỷ lệ tăng dân số. Nhưng Solow [1956] và Swan [1956] thì lại cho rằng những quốc gia có GDP bình quân đầu người thấp, trong dài hạn sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nếu tranh thủ được các cơ hội. Tuy nhiên lý thuyết này đã bỏ qua một thực tế là tỷ lệ tăng trưởng bình quân đầu người trong dài hạn bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố quan trọng mang tính thời đại đó là tiến bộ của khoa học và công nghệ mới, mà theo tiêu chuẩn của các mô hình tăng trưởng cổ điển và tân cổ điển thì hai yếu tố này là ngoại sinh và phi cạnh tranh.

Trong khi đó, cách tiếp cận nghiên cứu lý thuyết tăng trưởng càng ngày càng trở nên đa dạng. Arrow [1962] đã đưa ra khái niệm học thông qua công việc thực tiễn (learning by doing)** và cách tiếp cận của ông đã khai mào cho một xu hướng mang tính thời đại, đó là xu hướng nghiên cứu và triển khai (R&D), và các mô hình R&D ngày càng được phổ biến và áp dụng rộng rãi, bởi vì tri thức khoa học và công nghệ được coi là yếu tố phi cạnh tranh trong lý thuyết tăng trưởng. Giữa thập niên 1980, Romer [1990] đã đề xuất những tiêu chuẩn mới về cạnh tranh, cùng với thực tế phát triển của khoa học và công nghệ, các tiêu chuẩn chung về yếu tố cạnh tranh không ngừng bị phá vỡ và mở rộng nội hàm, đặc biệt nhờ các thành tựu nghiên cứu và triển khai, và/hoặc thông qua việc trao truyền, phổ biến tri thức. Vì vậy người ta cho rằng đây là thời kỳ tái bùng nổ nghiên cứu lý thuyết tăng trưởng, đặc biệt là với Romer [1986] và Lucas [1988]. Xuất phát điểm của hai nhà nghiên cứu này là mức thu nhập bình quân đầu người, và các ông đều cho rằng tăng trưởng dài hạn chính là vấn đề chủ chốt nhất trong lý thuyết tăng trưởng. Và mô hình tăng trưởng dài hạn theo khuynh hướng của hai ông được gọi là mô hình tăng trưởng nội sinh [Rebelo 1991].

Lý thuyết tăng trưởng nội sinh cho rằng tăng trưởng chắc chắn sẽ được duy trì vì lợi tức đầu tư của hàng loại hàng hóa, dịch vụ, kể cả lao động, đều không giảm; khi tri thức được phổ biến rộng rãi tới các nhà sản xuất thì lợi tức tăng lên nhờ nguồn vốn con người đã trở thành một cấu phần của quá trình tăng trưởng. Tiến bộ công nghệ thu được từ các hoạt động nghiên cứu và triển khai là do nhà nước hoặc/và các tập đoàn độc quyền đầu tư và khuyến khích, từ đó người ta khẳng định rằng nếu các nền kinh tế không đi theo con đường phát minh và sáng tạo công nghệ mới thì sẽ không thể duy trì được tỷ lệ tăng trưởng dương. Tăng trưởng còn được quyết định bởi quá trình phổ biến công nghệ thông qua quá trình học hỏi; học giúp các phát minh công nghệ giúp giảm chi phí bằng cách ứng dụng các thành quả công nghệ đã có, đó chính là một lợi thế to lớn của các quốc gia, các vùng đi sau phát triển trong điều kiện thiếu vốn và trình độ công nghệ thấp. Bên cạnh đó việc sử dụng hữu hiệu vốn nhân lực có tác dụng loại bỏ dần quy luật lợi tức giảm dần trong quá trình tăng trưởng, vì vốn nhân lực được tích lũy rất nhanh do tiến bộ công nghệ, do phổ biến tri thức và có tác dụng tạo ra tỷ lệ tăng trưởng dài hạn. Vì vậy một số nền kinh tế đã xây dựng bí quyết tạo vốn nhân lực cho tăng trưởng thông qua giáo dục, vì giáo dục giúp hình thành một đội ngũ lao động lành nghề. Để tạo điều kiện cho trình độ vốn nhân lực luôn luôn theo kịp với tốc độ đổi mới công nghệ và tiến bộ trong quản lý, các quốc gia và các vùng tăng trưởng đều tập trung rất cao vào việc đào tạo nhân lực trong các ngành khoa học và công nghệ. Các quốc gia đã phát triển thường đa dạng hóa các hình thức đào tạo: i) đào tạo tập trung tại các trường đại học trong nước; ii) đào tạo ngay tại các hãng, các xí nghiệp sản xuất thông qua quá trình làm việc; iii) mở các trung tâm đào tạo mới và đào tạo lại đội ngũ lao động của hãng, của vùng, và của quốc gia.   

Đối với các nước và các vùng đang phát triển, tốc độ tăng trưởng còn phụ thuộc vào việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài. Đối với các quốc gia và các vùng này, trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển đều có mức thu nhập thấp, do đó tỷ lệ tiết kiệm và mức tiêu dùng đều thấp, trong khi đó tỷ lệ đầu tư luôn luôn lớn hơn tỷ lệ tiết kiệm; sản phẩm xuất khẩu của giai đoạn này chủ yếu là nguyên liệu thô và các loại hàng hóa sơ chế rẻ tiền; ngược lại, hàng nhập khẩu thường là các loại thiết bị máy móc đắt tiền, vì vậy nhập siêu tăng và cán cân thanh toán thường bị thâm hụt, dẫn tới tình trạng thiếu ngoại tệ. Trong bối cảnh đó, để tiến hành công nghiệp hóa người ta buộc phải thu hút vốn đầu tư để xây dựng hạ tầng và tạo ra các ngành công nghiệp chủ lực. Cùng với thu hút vốn đầu tư là chính sách nhập khẩu công nghệ dưới các hình thức: i) đầu tư trực tiếp; ii) mua bản quyền công nghệ; iii) nhập khẩu hàng hóa tư bản bằng máy móc, thiết bị đồng bộ kể cả chuyên gia hướng dẫn. Các quốc gia Đông Á đặc biệt thành công trong lĩnh vực này thông qua chính sách nhập khẩu công nghệ khôn ngoan của họ, đặc biệt Hàn Quốc đã xây dựng chính sách nhập khẩu công nghệ theo từng thời kỳ: i) nhập khẩu bằng hình thức hợp đồng công nghệ; ii) nhập khẩu bằng phát minh sáng chế. Nhà nước kiểm soát rất gắt gao nhập khẩu công nghệ nhằm tránh tình trạng các công ty nhập khẩu những công nghệ giống nhau. Khi kinh tế đã phát triển ở mức cao, các quốc gia Đông Á đã điều chỉnh chính sách nhập khẩu theo hướng ưu tiên các công nghệ mũi nhọn nhằm tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trên thị trường toàn cầu. Song song với việc điều chỉnh nhập khẩu công nghệ các quốc gia này đã mau chóng thay đổi các quy chế ưu tiên thu hút công nghệ nước ngoài, làm cho lượng nhập khẩu công nghệ tăng tới mức bùng nổ và đẩy hẳn trình độ phát triển công nghệ của các quốc gia này lên một tầm cao mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.  

Để làm chủ và sử dụng được công nghệ một cách hiệu quả, tất cả các quốc gia Đông Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore (quốc gia Đông Nam Á duy nhất trong nhóm này) đặc biệt tập trung phát triển nguồn vốn nhân lực, đầu tư với tỷ lệ rất cao cho các nghiên cứu và triển khai. Nhà nước đã thành lập nhiều cơ sở nghiên cứu triển khai, tăng cường các hoạt động chuyển giao công nghệ và các thành quả nghiên cứu cho các xí nghiệp thực hiện. Tại nhiều xí nghiệp liên doanh với nước ngoài các vị trí chủ chốt trước kia do người nước ngoài nắm giữ đã dần dần được thay thế bằng người bản địa của các quốc gia này [Trần Văn Tùng (Chủ biên), Nguyễn Trọng Hậu 2002: 294]. Cuối cùng cần phải thừa nhận rằng tăng trưởng có ý nghĩa rất to lớn, đặc biệt đối với các quốc gia và các vùng đi sau trong quá trình phát triển: i) nếu đã là nước nghèo thì sẽ không đủ khả năng đầu tư cho các ngành kinh tế công cộng như giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, và không thể đảm bảo được cho tăng trưởng lâu dài; ii) tăng trưởng góp phần làm thay đổi vị trí của quốc gia trong mối tương quan so sánh quốc tế; iii) từ thực tế tăng trưởng, chính phủ có thể đưa ra những quyết định hợp lý nhằm lựa chọn và điều chỉnh các chính sách nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh quốc tế hóa và toàn cầu hóa hiện nay [Trần Văn Tùng (Chủ biên), Nguyễn Trọng Hậu 2002: 29]. 

2. Tác động của tình trạng khan hiếm đến tăng trưởng

Câu hỏi liệu tăng trưởng kinh tế có bền vững trong tình trạng khan hiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên hay không đã được đặt ra rất sớm, và vẫn sẽ còn tiếp tục được đặt ra. Về thực chất thì đó là câu hỏi có tiến bộ công nghệ hay không và việc tích lũy vốn có thể vượt qua được mức giảm lợi nhuận biên đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn hay không. Gần nửa thế kỷ qua mức tăng dân số và sự thịnh vượng kinh tế thế giới đã diễn ra chưa có tiền lệ, đặc biệt là ở những khu vực có nhiều lợi thế. Có một quan điểm cho rằng mức tiêu thụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã thúc đẩy tăng trưởng dân số, kinh tế, và gây ra các tác động môi trường chưa từng có [Krautkraemer J.A. 1998]. Mức tiêu dùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên tăng đã dẫn đến nỗi lo về việc liệu các nguồn tài nguyên thiên nhiên thế giới còn có thể duy trì được tăng trưởng dân số và kinh tế hay không. Các nhà kinh tế cho rằng ở một mức độ nhất định, nỗi lo này đã được khẳng định là đúng: mức tăng vật chất theo số mũ trong một thế giới các nguồn hữu hạn đã gây ra rất nhiều hậu quả vô lý. Chẳng hạn bất cứ tỷ lệ tăng trưởng dương nào về dân số cũng đều gây ra tình trạng con người tiếp tục nhanh chóng cư chiếm diện bề mặt còn lại của trái đất; bất cứ tỷ lệ tăng trưởng dương nào trong tiêu thụ dầu lửa cũng thúc đẩy việc khai thác và sản xuất dầu hàng năm cao hơn mức cầu toàn trái đất. Trong khi mức tăng trưởng số mũ có thể dẫn đến tăng tình trạng khan hiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thì sự sáng tạo của con người lại có thể tạo ra hàng loạt phản ứng có thể cải thiện tình trạng khan hiếm ngày càng tăng. Chính cái khó buộc người ta phải sáng tạo và con người đã hoàn toàn thích ứng với việc tìm ra các giải pháp để giải quyết vấn đề khan hiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các phản ứng này bao gồm cả việc tìm ra các sản phẩm thay thế cho nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên khác nhau, khai thác và phát minh ra những phương pháp tái chế, tái tạo các loại nguyên liệu, và quan trọng nhất là phát triển các công nghệ mới nhằm tiết kiệm việc sử dụng các nguồn; tạo điều kiện sử dụng các nguồn trước đó không được coi là hữu ích [Krautkraemer J.A. 2002].  

Tuy nhiên các nguồn trên không phải tự nhiên sinh ra mà là kết quả của các  hoạt động có mục đích nhằm đáp ứng các dấu hiệu về mức độ khan hiếm tăng và không có gì đảm bảo là các kết quả sẽ luôn thành công. Vì vậy luôn luôn tồn tại tình trạng căng thẳng giữa thực tiễn khan hiếm và tiến bộ công nghệ. Trong mấy thập niên gần đây, con người ngày càng quan tâm hơn đến các tác động của mức tăng dân số và tăng trưởng kinh tế đối với môi trường. Vì các nguồn môi trường hoặc tiện ích của các nguồn không được đem ra trao đổi trên thị trường, cho nên các dấu hiệu về tính khan hiếm đối với các nguồn này chưa đủ sức cảnh báo con người và khó có thể có được các phản ứng chính sách thích hợp và hiệu quả trong việc quản lý và bảo tồn các nguồn khan hiếm. Vì vậy rất cần xem xét, đánh giá thực chất cuộc luận chiến về tình trạng khan hiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Gần đây tính chất của các cuộc luận chiến đã thay đổi đáng kể, người ta có xu hướng tập trung hơn vào tiện ích của các nguồn do các môi trường tự nhiên tạo ra – đó còn là sự chuyển đổi từ mối quan tâm nhiều nhất vào lương thực, gỗ, than đá, sắt, đồng, dầu sang chất lượng nước, không khí, biến đổi khí hậu toàn cầu, và việc bảo toàn các hệ thống sinh thái.  

Sự khác biệt giữa hàng hóa và tiện ích của các nguồn tài nguyên thiên nhiên là rất quan trọng vì câu trả lời cho các vấn đề liên quan đến tình trạng khan hiếm các nguồn thuộc hai loại hình hàng hóa và dịch vụ tài nguyên thiên nhiên là rất khác nhau. Nhu cầu về việc thảo luận thực chất của các tiện ích và các thách  thức trong quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên là rất rõ ràng. Vì vậy việc đánh giá  thực trạng của cuộc luận chiến về cả lý thuyết lẫn thực tế đều rất cần thiết. Nhìn tổng quát, có thể thấy rằng tiến bộ công nghệ đã thực sự cải thiện tình trạng khan hiếm hàng hóa tài nguyên thiên nhiên, nhưng tình trạng khan hiếm tương đối của các tiện ích do các nguồn tài nguyên thiên nhiên đưa lại đã tăng lên. Có lẽ công nghệ không thể cải thiện được tình trạng khan hiếm các tiện ích tài nguyên thiên nhiên ngày càng tăng lên giống như nó có thể cải thiện tình trạng khan hiếm hàng hóa tài nguyên thiên nhiên vậy. Cuộc luận chiến về tình trạng khan hiếm các nguồn và mức tăng trưởng kinh  tế được chính thức bắt đầu bằng đánh giá về mức sinh sản tự nhiên của con người tăng theo cấp số nhân và của cải sản xuất được chỉ tăng theo cấp số cộng. Tình trạng suy giảm lợi nhuận biên chính là hòn đá tảng của kinh tế học cổ điển và đóng một vai trò quan trọng trong quan điểm bi quan của Malthus về các triển vọng tăng trưởng kinh tế. Trong kinh tế học cổ điển, vốn và lao động được sử dụng theo một tỷ lệ cố định với một biến đầu vào là đất đai. Khi đầu vào lao động – vốn được sử dụng nhiều hơn cho một diện tích đất cố định thì sản phẩm biên của lao động – vốn sẽ giảm và vì vậy sản lượng tính theo đầu người cũng giảm. Việc mở rộng hoạt động nông nghiệp đến diện tích đất còn bỏ hoang không phải là một giải pháp tốt vì diện tích đất nông nghiệp màu mỡ nhất trước hết sẽ được đưa vào sản xuất. Kết quả là việc giảm lợi nhuận biên diễn ra ở cả cận biên nông nghiệp thâm canh lẫn cận biên nông nghiệp quảng canh. Hiệu suất vốn, lao động và đất đai có thể tăng lên cùng với những cải thiện công nghệ, nhưng bước tiến bộ công nghệ đến thời gian đó đã bắt đầu chậm lại [Krautkraemer J.A. 2002]. 

3. Khan hiếm và tác động của vấn đề dân số đến tăng trưởng kinh tế

Vấn đề khác của nan đề Malthus là xu hướng sinh đẻ. Phần lớn các gia đình bình dân thường có nhiều con cái khi người ta có thể nuôi dưỡng được chúng. Nếu tiền công cao hơn mức sinh kế thông thường thì kích cỡ gia đình tăng. Mức tăng dân số gắn liền với lợi nhuận cận biên giảm sẽ làm cho mức tiền công lại trở về cấp độ sinh kế, thậm chí còn thấp hơn, và cản trở mức tăng dân số vì thiếu dinh dưỡng, nạn đói, và hôn nhân muộn. Malthus cho rằng dân số có khuynh hướng tăng theo cấp số nhân, còn sản lượng lương thực chỉ tăng theo cấp số cộng, vì vậy mức cầu về lương thực chắc chắn sẽ mâu thuẫn gay gắt với khả năng sản xuất lương thực và hậu quả là đa số người dân chỉ có thể có được mức sống tối thiểu, chỉ đủ để tồn tại. Công trình nghiên cứu của Malthus đã thực hiện trong thời gian có những biến động xã hội to lớn. Dân số nước Anh tăng nhanh, giá ngô, các loại ngũ cốc cũng tăng mạnh và được duy trì trong một thời gian dài vì việc nhập khẩu ngũ cốc gặp nhiều khó khăn. Công nghiệp hóa đã đẩy hàng loạt người dân sống bằng nông nghiệp truyền thống ra các đô thị nên nhiều người không thể tìm được việc làm và phải sống dựa vào cứu tế. Malthus đã không thể dự báo được bước tiến bộ công nghệ nhanh chóng và tương lai suy giảm tỷ lệ sinh và nó có thể cho phép một tỷ lệ dân cư lớn của thế giới tránh được cái bẫy của nạn nhân mãn Malthus.

Mối lo ngại lớn của thế kỷ XIX và XX là liệu mức khả dụng của tài nguyên  thiên nhiên có đủ để duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế như vẫn diễn tiến hay không. Giữa thế kỷ 19 nền kinh tế Anh phụ thuộc nặng vào nguồn năng lượng than đá và chi phí cho sản xuất than đá sẽ tăng cùng với hiệu ứng có hại đối với khả năng duy trì hoạt động kinh tế. Vì vậy sự phát triển của nguồn năng lượng dầu lửa đã thế chỗ cho than đá. Phong trào Bảo tồn Mỹ vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã đưa ra một viễn cảnh đáng ngại đối với tình trạng suy thoái các nguồn tài nguyên thiên nhiên bao gồm các nguồn quặng, rừng, đất canh tác, và các ngư trường. Tiêu điểm của phong trào này là tính hiệu quả về phương diện công nghệ. Người ta tin tưởng vững chắc rằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, vì vậy phải bảo tồn các nguồn đó cho các thế hệ tương lai [Jevons, W. Stanley 1965]. Mức tăng trưởng nhanh của kinh tế Mỹ sau Thế chiến II đã khích lệ hơn nữa mối quan tâm đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt vì các mục đích quốc phòng khi bắt đầu thời kỳ Chiến tranh lạnh. Một kết quả của mối quan tâm hậu chiến này là công trình nghiên cứu thực nghiệm hệ thống khuynh hướng lịch sử của tình trạng khan hiếm các nguồn. Công trình nghiên cứu Khan hiếm và Tăng trưởng [Barnett and Morse 1963] đã xem xét các giả thuyết về tình trạng khan hiếm đối với hàng loạt nguồn tài nguyên thiên nhiên trong giai đoạn 1870-1958. Ngoại trừ trường hợp các khu rừng, còn lại các bằng chứng kinh nghiệm đều chứng tỏ tình trạng khan hiếm các nguồn tự nhiên ngày càng giảm đi chứ không phải là tăng lên. Tác động của khan hiếm và tăng trưởng đã làm cho các mức giá tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các mức giá năng lượng đã tăng lên và làm suy giảm chất lượng không khí và chất lượng nước, cùng với các vấn đề môi trường đã dẫn đến việc ban hành hàng loạt bộ luật môi trường [Smith, V.K. and Krutilla,J.V. 1979].  

Tình trạng tăng giá tài nguyên thiên nhiên bắt đầu trước năm 1970 và đã trở  nên trầm trọng vào những năm 1970 bởi lệnh cấm vận dầu mỏ và giá dầu của khối OPEC (Organization of the Petroleum Exporting Countries) tăng. Câu lạc bộ Roma đã công bố báo cáo Các giới hạn tăng trưởng dự báo về hậu quả thảm khốc vào nửa đầu thế kỷ 21 trừ khi tỷ lệ tăng trưởng dân số và kinh tế được cắt giảm một cách đáng kể [Meadows et al. 1972]. Các giá trị tiện ích do môi trường thiên nhiên cung cấp và các hệ thống hỗ trợ cuộc sống thiết yếu của môi trường đã được đề cập như một mối quan tâm hệ trọng hơn, mặc dù tiêu điểm vẫn là các đầu vào tài nguyên thiên nhiên sinh lợi nhất. Việc tái quan tâm đến tình trạng khan hiếm các nguồn bắt đầu vào giữa những năm 1980 dưới tác động của trào lưu tư tưởng về “phát triển bền vững”. Phát triển bền vững đã trở thành định hướng cho cuộc luận chiến hiện thời về khả năng hỗ trợ cả các hoạt động tái sinh sản lẫn các hoạt động kinh tế của thế giới tự nhiên. Một khác biệt chủ chốt liên quan đến việc quan tâm  đến cuộc luận chiến về tình trạng khan hiếm tài nguyên thiên nhiên là việc tập trung nhiều hơn vào các tiện ích tài nguyên thiên nhiên do môi trường tạo ra. Người ta cũng quan tâm nhiều hơn đến tác động của các hoạt động kinh tế đối với các hệ thống hỗ trợ cuộc sống từ các môi trường cơ bản chứ không chỉ về mức độ khả dụng của các tiện ích do các nguồn tài nguyên thiên nhiên đem lại.
________________________________________

Còn nữa...

Ghi chú: * Bài viết được hoàn thành năm 2008, Đề tài cấp Bộ Nghiên cứu cơ sở lý thuyết cho việc xác định các ưu tiên trong phát triển bền vững vùng kinh tế, Viện Phát triển Bền vững vùng Bắc Bộ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, do tác giả làm Chủ nhiệm. ** Cho đến nay, ở Việt Nam khuynh hướng này đặc biệt thành công trong phong trào học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh.

Tài liệu dẫn

Arrow, Kenneth J. 1962. The Economic Implications of Learning by Doing. In AER (The American Economic Review).  

Barnett HJ, and Morse C. 1963. Scarcity and Growth: The Economics of Natural Resources Availability. Baltimore: Johns Hopkins University Press.

Chaudhuri, P.  1989. The economic theory of growth. Ames : Iowa State University Press.

Jevons W. Stanley 1965. The Theory of Political Economy. Publication Information. Augustus M. Kelley, Bookseller, New York.

Krautkramer, J. A. 1998. Nonrenewable resource Scarcity, Journal of Eco- nomic Literature, Vol. XXXVI, pp. 2065-2107.

Krautkraemer J.A. 2002. Economics of Scarcity: State of the Debate. Department of Economics Washington State University, PO Box 644741 Pullman WA  99164-4741 (509) 335-5270. 

Lucas, Robert E. 1988. On the Mechanics of Economic Development, Journal of Monetary Economics, 22, 3–42.

Meadows, Donella H., Dennis L. Meadows, Jorgen Randers, and William W. Behrens III, 1972. The Limits to Growth: A Report for The Club of Rome’s Project on the Predicament of Mankind, New York: Universe Books. 

Rebelo T. Sergio 1991. Long Run Policy Analysis and Long Run Growth, Journal of Political Economy, Vol. 99, No. 3, pp. 500-521, (June 1991).

Romer, Paul M. 1986. Increasing Returns and Long Run Growth, Journal of Political Economy, 94, 1002–37.

Romer, Paul M. 1990. Endogenous Technological Change. The Journal of Political Economy, Vol. 98, No. 5, Part 2: The Problem of Development: A Conference of the Institute for the Study of Free Enterprise Systems. Oct., 1990, pp. S71-S102.

Smith, V.K. and Krutilla,J.V. 1979. The Economics of Natural Resource Scarcity' in Smith, V. Ed. 1979 Scarcity and Growth Reconsidered, Johns Hopkins University Press, Baltimore MD.

Solow, Robert 1956. A Contribution to the Theory of Economic Growth. Quarterly Journal of Economics, No. 70(1), 65-94.

Swan T. 1956. Economic Growth and Capital Accumulation. Economic Record, No.32, 344-361.

Trần Văn Tùng (Chủ biên), Nguyễn Trọng Hậu 2002. Mô hình tăng trưởng kinh tế. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét