Powered By Blogger

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Việt Nam trước những tấm gương (IX)*



Việt Nam trước những tấm gương (IX)*

Hà Hữu Nga

 
Tính cách Dân tộc và Tôn giáo (tiếp)

Trở lại ý nghĩa thờ đá, mang tín ngưỡng phồn thực để thấy rằng vùng Dâu nguyên thủy dễ dàng chấp nhận một sự hòa nhập giữa Đá và nguyên lý Cha để thành Phật. Phật chấp nhận Đá và tất cả chịu nằm chung trong một hệ thống có danh xưng một tín ngưỡng cao cấp hơn. Ở đất Giao Chỉ, sự thờ thần ngày ấy càng trở nên hưng thịnh, mà duyên cớ của nó phải tìm ở sự phát triển của một dòng tín ngưỡng khác gần gũi với Thần hơn, đó chính là Đạo giáo. Ở Giao Chỉ, có thể cũng giống như ở Trung Quốc, vào buổi đầu phát triển Phật giáo , vì nhu cầu phát triển theo đường lối đại thừa để gần gũi với trình độ bình dân nên phải nhuốm màu sắc Đạo giáo. Nhưng vẫn phải giữ một khoảng cách, nếu không muốn đánh mất bản sắc tôn giáo của mình.      

Với triều đại Đông Hán, Đạo giáo xâm nhập Giao Chỉ mang đậm nét phương thuật qua các phong trào Huỳnh Cân, Xích Mi, Ngũ Đẩu Mễ nên nó ít chứa yếu tố lý thuyết vô vi với tư cách là một thái độ sống, một triết lý siêu hình xuất thế, đối trọng với thái độ nhập thế của Nho – Mặc. Nó hầu hết chỉ còn là những kẻ luyện đan, tìm phép trường sinh bất tử và những ông tiên khai thác từ tín ngưỡng bình dân Trung Hoa [Tạ Chí Đại Trường 1989, tr. 89].

Cùng với công cuộc đất tranh đòi độc lập dân tộc trong thời kỳ Bắc Thuộc và sau đó là sự phát triển của nhà nước quân chủ trung ương tập quyền Việt Nam, vai trò của các nam thần ngày càng nổi trội. Một trong những nhân vật ấy là thần Tô Lịch với danh hiệu “Bảo quốc Hiển linh Định bang Quốc đô Thành hoàng Đại vương”. Theo Sử ký , Giao châu ký, và Báo Cực truyện, Vương vốn họ Tô tên Lịch, làm quan lệnh tại Long Đỗ. Vương đã nhiều đời ở Long Đỗ. Gia đình không giàu có, thế lực gì lắm, mà ở trong nhà thì lấy hiếu đễ làm đầu; cả bao đời đều nhiều nhân nhượng, nên không ở riêng. Đời nhà Tấn, ông được cất lên bậc Hiếu liêm, có cờ biển biểu dương xóm làng mình. Đến đời Đường Mục tông, viên Đô hộ Lý Nguyên Hỷ thấy ngoài cửa Bắc thành Long Biên có một dòng nước chảy ngược, mà địa thế lại rất khả quan, mới dời phủ lỵ đến đó. Nhân dịp ấy, ông giết trâu, đặt rượu, mời khắp các vị bô lão hương thôn đến thuật rõ muốn tâu xin phụng vương làm Thành hoàng. Rồi đó một ngôi đền nguy nga đã được dựng lên. Đêm hôm khánh thành, Nguyên Hỷ đương yên lặng nằm bên cửa sổ, bỗng nhiên nổi lên một trận gió cát bụi mù mịt. Rồi thấy một người cưỡi một con nai trắng, từ trên không hạ xuống bảo Nguyên Hỷ rằng: Nhờ ơn Sứ quân ủy cho ta làm chủ thành này. Nếu Sứ quân giáo hóa được cư dân trong thành cho hết lòng ngay thẳng thì mới xứng với một vị quan thần lương. Tỉnh dậy mới biết là một giấc mộng.

Mãi đến khi Cao Biền đắp thành Đại La, nghe đủ mọi sự linh dị, mới lập tức sắm lễ tế, dâng tôn hiệu là “Đô phủ Thành hoàng Thần quân”. Đời Lý Thái Tổ, lúc dời đô thường mộng thấy một ông cụ đầu bạc, phảng phất đứng trước bệ rồng cúi lạy và tung hô vạn tuế. Nhà vua hỏi rõ tính danh. Ông liền tâu rõ lai lịch. Nhà vua cười bảo: “Tôn thần vẫn giữ được hương lửa tới cả trăm năm sao?” Ông liền đáp rằng: “Chỉn nguyện hoàng đồ vững như Thái Sơn, bàn thạch và thánh thọ vô cương, trong triều, ngoài quận thái hòa thì bọn thần không chỉ được hương lửa trăm năm thôi đâu”. Nhà vua tỉnh giấc, liền khiến quan Thái chúc đưa đồ tế tới tế lễ, phong làm Quốc Đô Thăng Long Thành hoành Đại Vương. Dân cư cầu đảo hay thề nguyền điều gì đều thấy họa phúc linh ứng tức thì. Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu có sắc phong hai chữ Bảo Quốc, năm thứ tư gia phong hai chữ Hiển Linh. Niên hiệu Long Hưng năm thứ 21 còn phong thêm hai chữ Định Bang [Lý Tế Xuyên 1992, tr. 104-105].

Hình ảnh Quốc đô Thành hoàng Đại vương cho ta thấy rõ chân dung của vị thần bảo hộ thủ đô. Ông là biểu tượng của sự kết hợp tín ngưỡng dân gian với những tiêu chuẩn nhân cách, đạo đức Nho giáo để rồi hiện ra một Tiên ông của Đạo giáo với mục đích khích lệ cho người cai trị đô thành Nguyên Hỷ về nhiệm vụ giáo hóa dân chúng – đương nhiên là theo tinh thần Nho giáo. Đến đời Lý Thái Tổ, một trong những ông vua anh hùng dựng nghiệp nhà Lý và dựng đô Thăng Long, đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ của nhà nước quân chủ Việt Nam thì thần sông Tô Lịch xuất hiện trong tư thế một thần thuộc của vua Lý Thái Tổ với động tác cúi lạy và tung hô vạn tuế.

Không chỉ khai thác sức mạnh từ một vị nhân thần, mà đi xa hơn thế, nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh đầu tiên của Việt Nam còn khai thác cả những sức mạnh siêu nhiên, trừu tượng – theo quan niệm thông thường – của thần Đồng Cổ phục vụ cho công cuộc cai trị của mình. Đó là “Minh chủ Linh ứng Chiêu cảm Bảo hựu Đại vương”. Sách Báo Cực truyện chép rằng Vương vốn là thần núi Đồng Cổ, ở tỉnh Thanh Hoa, tên tục là núi Khả Phong. Xưa kia khi Lý Thái Tông còn làm Thái tử, có được vua Thái tổ sai đem binh đi đánh Chiêm Thành. Đến Trường Châu, trời tối phải nghỉ lại. Tối hôm ấy, đến khoảng canh ba bỗng thấy một dị nhân, thân cao 8 thước, mày râu như chĩa, như chông, áo mũ chững chạc, mình khoác nhung phục, tay cầm binh khí tiến đến cúi đầu tâu rằng: “Thần chính là chủ núi Đồng Cổ, nghe Hoàng quân Nam chinh nên muốn xin theo để trợ lính Vương sư, ngõ hầu khiếp phục đám hồ man, lập chút công mọn”.

Lý Thái Tông cả mừng, vỗ tay chịu cho theo. Liền đó giật mình tỉnh dậy, té ra là một giấc chiêm bao. Rồi trận ấy quả nhiên đại thắng. Khi Thái tông khải hoàn, liền sai sắm đủ lễ vật đem tới tạ ơn. Nhân đó mới rước về kinh sư, để nhờ Bảo quốc, Hộ dân. Chọn mãi chưa được đất, bỗng một đêm thần báo mộng xin chọn chỗ đất trong Đại nội, bên hữu, phía sau chùa Thánh Thọ. Một đêm Đại vương lại thác mộng báo cho Thái tông biết: Ba vị vương tử lâu nay đã hoài bão dị chí, muốn dấy binh đao, nhà vua nên sớm đề phòng để tránh hậu họa. Đến trời rạng sáng, quả nhiên như vậy. Lý Thái Tông hết sức kinh dị liền ban chiếu phong thần làm Thiên hạ Minh chủ Thần, phong tước Đại vương [Lý Tế Xuyên 1992, tr. 149].

Có thể nói rằng với việc sử dụng thần Đồng Cổ như là một công cụ tư tưởng, nhà Lý đã tiến một bước rất xa trên con đường khai thác sức mạnh tôn giáo – tinh thần phục vụ cho sự nghiệp cai trị của mình. Như chúng ta đều biết, với người Việt cổ, trống đồng là biểu trưng quyền uy tối cao mà người chủ của nó có thể đạt tới. Chỉ có các thủ lĩnh, hào trưởng, những người rất giầu mạnh, quyền thế mới có thể có được trống đồng. Âm thanh của trống đồng tượng trưng cho sấm sét, là quyền năng siêu nhiên có thể ban phát ân huệ bằng mưa thuận gió hòa, khiến mùa màng phong đăng. Ngược lại, sấm sét cũng là biểu tượng của quyền uy bất khả kháng, dùng để trừng phạt kẻ có tội.

Như vậy trong tiềm thức của nười Việt xưa, trống đồng vừa là quyền năng cụ thể, hiện hữu trên trần gian – cái quyền năng cai trị trực tiếp, hàng ngày trong đời sống của con người – nhân vật thủ lĩnh, vừa là quyền năng siêu nhiên, sự liên thông với thế giới thần linh mà người thủ lĩnh làm đại diện. Nhờ sức mạnh siêu việt ấy đứng đằng sau mình, phù trợ cho mình mà Lý Thái Tông đã chiến thắng Chiêm Thành - Thể hiện sức mạnh vô địch trong công việc đối ngoại. Và cũng chính nhờ thần Đổng Cổ mà nhà vua được mách bảo nội tình đất nước, âm mưu chống đối, phản loạn ngay từ lúc còn trứng nước. Đó là việc Thần thác mộng báo về âm mưu dấy loạn của ba vị Vương tử - Thể hiện quyền năng vô địch của nhà vua trong công cuộc nội trị. Chính vì sự kiện Vũ Đức, Đồng Chinh, Dực Thánh khởi loạn mà nhà vua sau đó xuống chiếu giao cho Hữu ty dựng miếu ở bên hữu thành Đại La, sau chùa Thánh Thọ, lấy ngày 25 tháng ấy, đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Các quan từ cửa Đông đi vào, đến trước thần vị, cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường [Ngô Sỹ Liên 1983, tr. 125]. 

Những hành xử chính trị dựa trên các nền tảng tôn giáo tín ngưỡng như vậy của thời Lý, một thời đại khai phóng tư tưởng trong lịch sử Việt Nam , làm cho sử thần Ngô Sỹ Liên - vốn xuất thân Nho học, viết bộ Toàn thư dưới thời Lê Thánh Tông độc tôn Nho giáo - không thể nào hiểu nổi, và càng không thể nào chịu nổi. “Lý Thái tổ dấy lên, trời mở điềm lành hiện ra ở vết cây sét đánh. Có đức tất có ngôi bởi lòng người theo về, lại vừa sau lúc Ngọa Triều hoang dâm bạo ngược, mà vua thì vốn có tiếng khoan nhân, trời thương tìm chủ cho dân, dân theo về người có đức, nếu bỏ vua thì còn biết theo ai! Xem việc vua nhận mệnh sâu sắc, lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, cùng là đánh dẹp phản loạn, Nam Bắc thông hiếu, thiên hạ bình yên, truyền ngôi lâu đời, có thể thấy là có mưu lược của bậc đế vương. Duy có việc ham thích đạo Phật, đạo Lão là chỗ kém” [Ngô Sỹ Liên 1983, tr. 157].

Nhưng lịch sử không chỉ nhà Lý, mà cả nhà Trần nữa, đã cho thấy những ý tưởng chính trị khai thác sức mạnh tổng hợp của các lòng tin tôn giáo tín ngưỡng trong nội trị và đối ngoại , kể cả bang giao lẫn chiến tranh, đã không chứng tỏ lời phán xét của Ngô Sỹ Liên về việc nhà Lý kém cỏi ở chỗ thích Phật, Lão là đúng. Thời kỳ đầu nhà Trần thì đạo Phật chỉ giữ ở mức bình thường. Thời kỳ này các quý tộc Trần đang dốc sức vươn lên nắm lấy tri thức, cụ thể là Tam giáo (Phật, Nho, Đạo).  Thời kỳ giữa, đạo Phật có phần hưng thịnh, kinh sách được in, phổ biến rộng rãi. Nhân Tông tự làm Trúc Lâm Đệ nhất Tổ. Nhưng thực chất thịnh vượng của đạo Phật diễn ra dưới thời Anh Tông, thượng hoàng Nhân Tông [Nguyễn Duy Hinh 1986, tr. 39].

Một đặc trưng nổi nét của sinh hoạt tôn giáo dưới thời nhà Trần là trong một tôn giáo, không có sự phân rẽ, khác biệt, đấu tranh. Không những thế, người ta còn cố gắng tổng hợp cả những tôn giáo khác nhau. Nếu không làm được thế thì cũng cố gắng tìm ra những điểm tương đồng. Vì vậy rõ ràng không phải là một sự sinh hoạt tôn giáo thuần túy, mà nó luôn có xu hướng được các nhà cai trị sử dụng làm phương tiện nhận thức và quản lý xã hội. Trần Thái Tông đã bày tỏ khá rõ quan điểm của mình về phương diện này: “Trẫm trộm nghĩ: Phật không chia Nam, Bắc, đều có thể tu cầu. Tính đều có trí ngu, cùng giúp phần giác ngộ. Đó là phương tiện dụ dẫn quần mê, đường tắt tỏ nẻo sinh tử, là đại giáo của Đức Phật ta. Làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai, làm trọng trách của bậc tiên thánh. Nên Lục Tổ nói: “Bậc thánh nhân xưa cùng với đại sư không khác” [Trần Thái Tông Hoàng đế 1992, tr. 52].

Với ông, đi tìm Phật không phải là tìm con đường giải thoát. Ngược lại, ông đến với Phật để tìm cứu cánh cho những day dứt theo cung cách của một nhà Nho. Ta không rõ lý do sâu xa dẫn Thái tông tới chỗ từ bỏ ngai vàng định đi tu, nhưng theo ông nói thì: “Vào lúc 16 tuổi, Thái hậu từ giã cõi đời, trẫm thường nằm rơm gối đất, lệ huyết tuôn rơi, ruột đâu như cắt...Chỉ vài năm sau, Thái tổ hoàng đế lại kế tiếp yên giá (qua đời) ...Trẫm nghĩ công cha mẹ đối với con, nuôi nấng vỗ về, chăm sóc đủ thứ, dù có thân nát xương tan cũng chưa đủ để báo đền công ân đó trong muôn một...Trẫm tự nhủ rằng: Trên đã không cha mẹ để nương nhờ, dưới sợ chẳng đủ đáp lòng mong ngóng thành thật của lê dân...Chi bằng hãy lui về chốn núi rừng, tìm hiểu Phật giáo, để tỏ rõ việc lớn của sinh tử, để báo đáp đức cù lao, chẳng cũng tốt lắm sao” [Trần Thái Tông Hoàng đế 1992, tr. 52, 53].

Dù có những động cơ thầm kín nào khác nữa thì những lời tỏ bày trên của Trần Thái Tông cũng thể hiện rất rõ ông là con người của trách nhiệm, của cuộc đời: trách nhiệm với cha mẹ, trách nhiệm với lê dân, trách nhiệm với chính bản thân mình. Đọc những dòng trên ta thấy rất rõ con người ông và cái gánh nặng cuộc đời mà ông phải cáng đáng. Ước nguyện “cầu mong làm Phật” của ông, vì những lý do trên đã không qua khỏi con mắt tinh đời của vị Quốc sư Đại giáo chủ. Tuy là Quốc sư, nhưng tinh thần nhập thế của ông cũng mãnh liệt không kém bất cứ con người trần thế nặng gánh đời nào. Vì thế khi nghe Thái Tông nói: “Trẫm vào núi đây, chỉ cầu mong làm Phật”, Quốc sư ung dung đáp “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có trong tâm. Tâm vẳng lặng mà biết, đó gọi là Chân Phật” [Trần Thái Tông Hoàng đế 1992, tr. 55].

Không chỉ có thế, Thái Tông còn ghi lại chi tiết những lời thẳng thắn của Thái sư Trần Thủ Độ nói với ông: “Mà nay Bệ hạ lại dấu hình tích trong núi rừng, ẩn cư để thỏa chí riêng mình. Cứ theo ý thần, Bệ hạ làm kế tự tu có thể được, nhưng còn xã tắc thì sao? Xem ra lấy lời nói suông để chỉ bảo người sau, chi bằng lấy thân mình vì thiên hạ làm trước” [Trần Thái Tông Hoàng đế 1992, tr. 55]. Và kết cục, Thái Tông đã lấy lời khuyên của Quốc sư làm chính lời lòng mình: “Phàm làm đấng Nhân quân phải lấy ý muốn của Thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm Thiên hạ làm tâm của mình. Nay Thiên hạ muốn đón Bệ hạ về Triều, Bệ hạ không thể không trở về được” [Trần Thái Tông Hoàng đế 1992, tr. 55].
_____________________________________

Còn nữa...


* Ghi chú: Phần này được viết năm 1993.

Tài liệu tham khảo

Lý Tế Xuyên 1992. Việt Điện U linh. Nxb. Cửu Long.

Ngô Sỹ Liên 1983. Đại Việt Sử ký Toàn thư. Bản khắc in năm Chính hòa thứ 18 (1697). Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Nguyễn Duy Hinh 1986. Hệ tư tưởng Trần. Nghiên cứu Lịch sử, số 4, năm 1986.

Tạ Chí Đại Trường 1989. Thần, Người và Đất Việt. Nxb. Văn nghệ - California – USA.

Trần Thái Tông Hoàng đế 1992. Khóa hư lục. Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, TP. Hồ Chí Minh.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét