Powered By Blogger

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Chính sách đồng hóa bản địa hiện đại – trường hợp Úc và Canada* (I)



Chính sách đồng hóa bản địa hiện đại – trường hợp Úc và Canada* (I)

Hà Hữu Nga

Lịch sử các dân tộc bản địa ở Úc và Canada là những sự kiện khác biệt nhau. Các sự kiện, các cá tính và khuynh hướng của mỗi quốc gia, mỗi địa phương trong mỗi quốc gia đó đã tạo hình và thể hiện thực chất kinh nghiệm bản địa tại các quốc gia này. Tuy nhiên vẫn có nhiều lĩnh vực hoạt động, kinh nghiệm và hoạt động thực tiễn lại giống nhau một cách lỳ lạ trong hệ thống lập pháp và hành pháp của hai quốc gia này. Mặc dù có những khác biệt về tác động và ảnh hưởng địa phương nhưng chủ trương phân biệt chủng tộc, diệt tộc và đồng hoá trá hình thông qua các hoạt động chia tách con em bản địa khỏi gia đình chúng lại có một lịch sử giống hệt ở cả hai quốc gia. Các chính sách và việc thực hiện chính sách đồng hoá ấy đều bắt nguồn từ các niềm tin và các lý thuyết có nguồn gốc chung ở cả hai quốc gia này.

1. Khái quát về mối liên hệ giữa châu Âu và các dân tộc bản địa

Có lẽ đặc trưng chung nổi bật nhất trong các mối quan hệ bản địa giữa hai quốc gia cũng mang tính phổ quát nhất. Lịch sử quan hệ giữa người da trắng và các dân tộc bản địa đã được đánh dấu bằng các chính sách và các hoạt động thực tiễn nhằm củng cố sự kiểm soát của người da trắng đối với người bản địa. Đối với trường hợp Úc và Canada cung cách kiểm soát ấy vừa có những khác biệt là vừa có nhiều tương đồng. Ở Canada các dân tộc bản địa có vị thế quyền lực trong giai đoạn tiếp xúc đầu tiên với người da trắng khi những thương nhân da trắng muốn tiếp xúc với người bản địa thì phải học ngôn ngữ của họ để hoạt động trao đổi. Sau đó, vào các thế kỷ 18-19 các dân tộc bản địa bắt đầu thiết lập các liên minh chính trị và quân sự quan trọng với các cường quốc châu Âu tại Bắc Mỹ. Sau cuộc chiến tranh năm 1812, các dân tộc bản địa Bắc Mỹ đã mất đi các mối liên hệ giữa họ với nhau với tư cách là các liên minh quân sự, và trở thành một trở lực cần phải dọn sạch để mở đường cho các cuộc bành trướng và kiểm soát của người châu Âu. Những kinh nghiệm thực dân địa đầu tiên tại Úc hoàn toàn khác với trường hợp Bắc Mỹ. Đối với lục địa này, chính sách được theo đuổi nhất quán là không có bất cứ một ưu tiên chính sách nào [Armitage, A. 1995; Miller, J. 1994]. Mặc dù có những khác biệt cơ bản về các phương thức cai trị và thực hành tác động đến cả hai loại hình dân tộc bản địa ở hai quốc gia trên, nhưng vẫn có rất nhiều điểm tương đồng với nhau. Điểm khác biệt cơ bản nhất phân biệt chính sách dân tộc bản địa của hai quốc gia là lĩnh vực trách nhiệm của chính phủ đối với các vấn đề dân tộc bản địa. Ở Canada chính phủ Liên bang chịu trách nhiệm về các vấn đề dân tộc bản địa và Hiến pháp trao quyền cho chính phủ Liên bang giải quyết các vấn đề dân tộc bản địa. Điều 91, mục 24, Hiến pháp 1867 của Canada đặc biệt đòi hỏi chính phủ Liên bang phải kiểm soát đầy đủ đối với toàn bộ các vấn đề liên quan đến các dân tộc bản địa Canada và tất cả đất đai giành cho họ. Chương này thủ tiêu mọi quyền được hưởng độc lập và quyền được chính phủ Liên bang bảo trợ của người bản địa. Hệ thống chính sách của Úc về cơ bản khác với mô hình Canada. Năm 1901 Liên bang thành lập, theo Hiến pháp Úc, các Bang phải chịu trách nhiệm về các vấn đề người bản địa, vì người ta coi lĩnh vực này là thuộc về thẩm quyền bang. Hiến pháp Úc, Điều  51, mục xxvi, không trao quyền cho chính phủ Liên bang ban hành các đạo luật liên quan đến các dân tộc bản địa. Mãi đến cuộc trưng cầu dân ý năm 1967 thì chính phủ Liên bang mới có các quyền này [Barman, J., Herbert, Y., and McCaskill, D. 1986; Chesterman, J., and Galligan, B. 1997; Lippmann, L. 1992].

Mục đích của cuộc trưng cầu dân ý năm 1967 là tham khảo ý kiến người dân Úc xem liệu có nên sửa đổi hai điều khoản của Hiến pháp Úc không. Điều khoản sửa đổi 127 đồng ý đưa các dân tộc bản địa vào các mục thống kê dân số chính thức trong các cuộc điều tra dân số liên bang, và điều khoản khoản sửa đổi 51 (xxvi) cho phép chính phủ Liên bang ban hành các bộ luật về các dân tộc bản địa. Cuộc trưng cầu dân ý đã được thông qua với 90.77% phiếu thuận. Sau đó người ta hy vọng rằng chính phủ liên bang sẽ tiếp quản các vấn đề dân tộc bản địa và nhanh chóng cải thiện vị thế của các dân tộc bản địa Úc. Trước cuộc trưng cầu dân ý năm 1967, các bang và các vùng lãnh thổ xây dựng các hệ thống quản lý dân tộc bản địa riêng rẽ. Cách tiếp cận đa diện ấy đối với các vấn đề dân tộc bản địa ở Úc có thể có ý nghĩa là đến năm 1967 người ta vẫn không thể bàn luận được gì phương diện pháp luật liên quan đến các vấn đề bản địa ở phạm vi quốc gia, nhưng người ta lại có thể thảo luận một cách rộng rãi về các lĩnh vực chính sách và các hoạt động thực tiễn liên quan đến các dân tộc bản địa Úc ở phạm vi các bang và vùng lãnh thổ [Brock, P. 1995; Lippmann, L. 1992].

Quan niệm về việc kiểm soát của người da trắng đối với các dân tộc bản địa Úc và Canada là dựa vào các khái niệm và hệ tư tưởng được phổ biến rộng rãi ở hai quốc gia này. Hầu hết người ta đều mong muốn giải quyết các vấn đề bản địa bằng các giải pháp của người da trắng. Sau khi người châu Âu đã thiết lập được sự cai trị trên các vùng đất này, quan điểm được phổ biến thịnh hành trong xã hội là cần phải buộc các dân tộc bản địa thay đổi theo các khuôn khổ của người da trắng [Culleen, C., & Libesman, T. 1995]. Lý do để người da trắng khát khao kiểm soát được các dân tộc bản địa là dựa vào các lý thuyết và các ý thức hệ chủng tộc rất thịnh hành trong các thế kỷ 18 và 19. Armitage cho rằng toàn bộ các khái niệm về chủng tộc đều là các khái niệm châu Âu, và có một thực tế không thể chối cãi là các phương pháp phân loại và xây dựng lý thuyết của châu Âu đều thống trị lĩnh vực này. Vị thế không mấy quan trọng về chính trị/quân sự của các dân tộc bản địa đối với các cường quốc châu Âu ở Úc trong các thế kỷ 18-19 được thể hiện rất rõ là rất hiếm thấy có các thoả ước được ký kết giữa hai bên. Trong lịch sử tiếp xúc giữa người Âu và người bản địa chỉ có một trường hợp ký kết chính thức, đó là thoả ước Victoria vào năm 1835 [Armitage, A. 1995; Beresford, Q., & Omaji, P. 1998; McGrath, A. 1995].

Các hiệp ước làm cơ sở cho mối quan hệ của Canada với các dân tộc bản địa được thực hiện vào thế kỷ 19. Canada ký hơn 500 hiệp ước trong thời gian từ 1867 đến 1975 [Dickason, O. 1997]. Sau thời gian này thì chính phủ Canada bắt đầu thương lượng với các dân tộc bản địa về các thoả ước trong đó không hề có hiệp ước nào đã được ký kết trước đó. Các ví dụ về việc thoả thuận đã được đề cập bao gồm Thoả ước James Bay và Bắc Quebec (1975), Thoả ước Đông bắc Quebec (1978), Thoả ước Inuvialuit Cuối cùng (1984), Thoả ước Gwich'in (1992), Thoả ước Yêu sách Đất đai Nunavut (1993), Thoả ước Sahtu Dene and Metis Agreement (1993), v.v… Mới đây một số thoả ước mới cũng đã được thương lượng [Asch, M., & Zlotkin, N. 1997]. Tình trạng không có các thoả ước tương tự tại Úc có thể là do địa vị thấp của các dân tộc bản địa Úc đối với người châu Âu so với thế lực của người bản địa Canada đối với người châu Âu tại Canada. Các dẫn chứng trên cho thấy các nhân tố cụ thể có thể tạo ra mối quan hệ giữa người châu Âu và các dân tộc bản địa ở Úc và Canada. Các lý thuyết thịnh hành nhất của thời đó và thái độ bề trên của người châu Âu đã tác động lớn đến cung cách hành xử của họ đối với chính sách và các hoạt động thực tiễn liên quan đến các vấn đề dân tộc bản địa, trong đó có chính sách cách ly con cái họ khỏi gia đình của chúng [Buti, T. 2002]. 

2. Hoạt động lập pháp

Đạo luật số 17 về người da đỏ Canada năm 1876 là một ví dụ điển hình về phương diện lập pháp thủ tiêu bất cứ ý nghĩa nào của khái niệm chính quyền tự trị cho người Canada bản địa. Dưới cái ô bảo trợ của đạo luật này, tất cả các vấn đề tài chính, các dịch vụ xã hội kể cả giáo dục đều nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ liên bang. Đạo luật đã cho thấy rõ một thể chế “toàn trị”  khác hẳn với hình thức xây dựng thoả ước đã động chạm đến mọi khía cạnh đời sống của người bản địa Canada. Một hệ thống cai trị mới do chính phủ Liên bang áp đặt đã thay thế cho phương thức quản lý cộng đồng truyền thống và hệ thống các nhóm cai trị mới đã đơn phương áp đặt vào các xã hội bản địa. Các nhóm này lựa chọn thủ lĩnh do các uỷ viên hội đồng cùng với các đại diện của ông ta tự ý quyết định [Canadian Federal Government 1876]. Uỷ ban Hoàng gia Canada về các dân tộc bản địa báo cáo rằng Đạo luật này đã hoàn thiện nốt giai đoạn chuyển tiếp từ nhà nước bộ lạc thành người dân không còn thẩm quyền về mặt pháp lý [RCAP 1996]. Đạo luật Liên bang Canada năm 1876 đã đặt dấu chấm hết cho một lối mòn lập pháp đã thu hẹp quyền tối cao của các dân tộc bản địa nhằm biến người bản địa thành các “công dân” Canada. Năm 1851, Quốc hội Canada đã thông qua một đạo luật cải thiện việc bảo tồn đất đai và tài sản của người da đỏ ở vùng Hạ Canada [Canadian Parliament 1851]. Đạo luật đã đưa ra một định nghĩa về các dân tộc bản địa và được chính thức hoá trong các tài liệu luật pháp. Năm 1857, Đạo luật khuyến khích các thành viên bộ lạc da đỏ trở thành công dân Canada [Canadian Parliament 1857] và đó thực sự là một bước đi quan trọng trong việc tiếp tục kiểm soát chặt hơn nữa cuộc sống của người bản địa. Đạo luật này đã đưa ra khái niệm “quyền bàu cử” nhờ đó mà những người bản địa Canada, trong những hoàn cảnh đặc biệt, có thể trở thành công dân Canada. Muốn thế, những người bản địa phải từ bỏ vị thế chính thức với tư cách là “người da đỏ” của họ và tất cả những gì có liên quan đến vị thế đó [Dickason, O. 1997].

Kinh nghiệm Úc cũng rất gần với kinh nghiệm Canada, nếu không nói là hệt như vậy. Hệ thống thuật ngữ được sử dụng trong mỗi quốc gia có thể chỉ là một khác biệt nhỏ có thể thấy rất rõ. Hoạt động lập pháp của Úc thể hiện là “hoạt động lập pháp bảo hộ”. Khái niệm ‘bảo hộ’ xuất hiện trong báo cáo về người bản địa của Uỷ ban Bầu cử Hạ viện năm 1837. Mối quan tâm đến việc ký kết thoả ước với người bản địa cũng nổi lên trên toàn bộ Liên bang [HREOC 1997]. Báo cáo đã kêu gọi củng cố hệ thống quản lý các thoả ước với người bản địa [Chesterman, J., and Galligan, B. 1997] và cố gắng theo kịp với các bộ luật về người nghèo ở Anh, tìm cách sáng tạo ra những “người bảo hộ” bản địa giống như những ‘di dân’ mà các bộ luật về người nghèo đã được soạn cho những người cùng khổ. Hệ thống này lẽ ra đã thống trị cách thức hoạch định chính sách đến giữa thế kỷ 20. Vì vậy báo cáo đã xác lập các chính sách cho việc xử lý những người bản địa trên toàn bộ khối Liên hiệp Anh, nhưng không có bất cứ khuyến cáo nào liên quan đến Canada [Chesterman, J., and Galligan, B. 1997]. Hoạt động lập pháp Canada trong thế kỷ đó cũng đặt ra yêu cầu về các quyền lực bảo hộ, và sau này đã thể hiện các khuynh hướng đồng hoá trước khi các điều khoản kiểu này được sử dụng tại Úc.    

Hoạt động lập pháp bảo hộ thực sự đầu tiên tại Úc đã được thông qua tại Victoria năm 1869. Đạo luật bảo hộ bản địa [Australia 1969] đã tạo ra những người giám hộ và trao cho Thống đốc quyền ban hành các quy định những người bản địa Úc có thể hoặc không thể cư trú ở những địa điểm nào đó. Đạo luật cũng kiểm soát việc làm của người bản địa và cho phép Thống đốc đưa bất cứ đứa trẻ nào ông ta cho là bị bỏ rơi hoặc không người bảo hộ vào các cơ sở đặc biệt hoặc vào các trại cải tạo hoặc các trường dạy nghề được gọi là trường công nghiệp. Năm 1886 Đạo luật này đã được sửa đổi và mở rộng thêm quyền lực. Trẻ em bản địa và trẻ lai được đối xử bằng các phương thức khác nhau [Australia 1969]. Các quy định năm 1880 tại bang Victoria đòi hỏi tất cả trẻ em trai bản địa dưới 14 tuổi và trẻ em gái dưới 18 tuổi phải đến sống trong các khu giành riêng cho chúng [HREOC 1997]. Quy định pháp luật bảo hộ này nhằm mục đích kiểm soát người bản địa chặt chẽ hơn theo các mô thức kiểm soát ở Canada. Đạo luật bảo hộ này một mặt nhằm ngăn chặn sự huỷ hoại xã hội bản địa, mặt khác nó có tác dụng bảo vệ người da trắng khỏi phải đụng chạm với người bản địa bị coi là dơ bẩn [Broome, R. 1994].

Tại Úc, vào năm 1911 tất cả các bang và các lãnh thổ ngoại trừ Tasmania đã thông qua đạo luật ‘bảo hộ’ [Culleen, C., & Libesman, T. 1995]. Tasmania không thông qua bất cứ một đạo luật nào như vậy dựa trên cơ sở không thừa nhận có sự tồn tại của người bản địa [Brock, P. 1995]. Đạo luật bảo hộ này nói chung nhắm vào phân biệt chủng tộc và kiểm soát người bản địa Úc và còn hiệu lực mãi cho đến những năm 1950 [Brock, P. 1993]. Trong thực tế chính sách bảo hộ pháp luật có nghĩa là gần như toàn bộ đời sống với tất cả các quyền ra vào nơi cư trú, quyền hôn nhân, quyền có việc làm của người bản địa đều bị kiểm soát [HREOC 1997]. Bình luận về cơ sở đạo luật này của Úc, Evans cho rằng động lực phân biệt chủng tộc có thể được coi là tối hậu trong việc bảo hộ hoặc ngược lại, là tối hậu trong kiểm soát và thanh lọc xã hội [Evans, R. 1991]. Sau trường hợp Victoria, đạo luật bảo hộ quan trọng nhất của Úc được thông qua ở Queensland. Đạo luật bảo hộ bản địa và hạn chế bán thuốc phiện [Queensland 1897] đã thiết lập một hệ thống cai trị người Úc bản địa đã trở nên có hiệu quả trên toàn đất Úc. Đạo luật này đã xác lập vai trò của “kẻ bảo hộ”, xác định “người bản địa” và trao quyền cho Thủ hiến bang có thể di dời, cầm tù hoặc tái định cư những người bản địa một cách tuỳ thích [HREOC 1997]. Broome cho rằng đạo luật này vừa mang tính nhân văn, vừa mang tính phân biệt chủng tộc, trong đó nó tìm cách bảo vệ cho người bản địa khỏi bị bóc lột, nhưng lại đặt họ vào vị thế bị bảo hộ chính thức dù cho họ có muốn hay không [Broome, R. 1994].

Tầm quan trọng của đạo luật Queensland là ở chỗ nó đem đến một hình mẫu cho việc ban hành các đạo luật tương tự trong các bang khác. Chesterman và Galligan đã lưu ý rằng Đạo luật Tây Úc năm 1905 đã tham khảo rất sát đạo luật Queensland và đạo luật Nam Úc, còn đạo luật của Lãnh thổ Bắc thì gần với đạo luật Queensland và Tây Úc. Vì vậy vào năm 1911, tất cả các bang và vùng lãnh thổ Úc, trừ Tasmania đều có các đạo luật riêng về người bản địa trao quyền cho các chính quyền bang cách ly và di chuyển những người bản địa ra khỏi cộng đồng mình. Cũng vì vậy mà về phương diện lịch sử các công cụ lập pháp tại Úc và Canada đều thể hiện một ý định khởi đầu nhằm kiểm soát mọi sinh mạng  bản địa. Khát vọng này đã phát triển thành đạo luật di dời người bản địa có thể coi là loại kiểm soát và cách ly tuyệt đối người bản địa Úc [Chesterman, J., and Galligan, B. 1997; Culleen, C., & Libesman, T. 1995; Southern Australia 1910, 1911; Western Australia 1905].

3. Hoạch định chính sách

Giai đoạn trước Thế chiến II: Bản điều trần quốc gia Úc về chính sách cách ly trẻ em bản địa khỏi gia đình chúng cho thấy vì cơ sở của các chính sách đối với người bản địa trên toàn đất Úc là nhằm “đồng hoá trẻ em bản địa vào xã hội da trắng, hòng làm triệt tiêu tính năng động bản địa” [HREOC 1997]. “Tại Canada và Úc ngay cho đến gần đây văn hoá bản địa vẫn bị các chính sách và thực tiễn của nhà nước phân biệt đối xử. Khái niệm “đồng hoá” là mục tiêu thường hằng của các chính phủ thuộc hai quốc gia này. Khái niệm “đồng hoá” có thể có vấn đề và nó thường bị các cơ quan công quyền lẩn tránh, nhưng thực tiễn lịch sử của cả Anh, Canada và Úc cho thấy chính phủ của các quốc gia này có thể được gọi bằng một cái tên chính xác nhất là “kẻ đồng hoá”. Trong khuôn khổ đó, chính sách và thực tiễn giáo dục đã trở thành công cụ để thực hiện mục đích này. Hệ thống thuật ngữ được sử dụng để mô tả chính sách của các chính phủ có thể thay đổi theo thời gian và mặc dù các thuật ngữ này thường không trùng lặp ý nghĩa, nhưng các thực tiễn được sử dụng để hỗ trợ cho các mục đích cơ bản của các xã hội da trắng lại giống hệt như nhau. Brock đã tuyên bố rằng trong khi các chính sách lập pháp và hành pháp ở một vài bang và vùng lãnh thổ tại Úc có khác nhau, nhưng tác động của chúng đối với các dân tộc bản địa thì lại giống hệt như nhau. Có thể sử dụng khẳng định đó cho không chỉ cho Úc, mà còn cho cả Canada nữa, nhất là các chính sách và việc thực hiện chính sách trong thế kỷ 20 [Bock, P. 1995].  

Trong khoảng thời gian từ 1920 đến 1940, các chính sách và thực tiễn tại Úc và Canada đều được xây dựng dựa trên quan niệm cho rằng các dân tộc bản địa của các quốc gia này đang bị “tuyệt chủng”. Miller tuyên bố rằng ở Canada khuynh hướng suy kiệt về dân số bản địa trong thời gian dài là “một nhân tố không được đánh giá đúng mức” trong chính sách của chính phủ. Năm 1920, Phó tổng thanh tra các vấn đề người da đỏ Canada tuyên bố trước một Uỷ ban đặc biệt của chính phủ rằng mục tiêu của Bộ các vấn đề da đỏ là tiếp tục cho đến khi không còn một người da đỏ nào ở Canada không được cuốn hút vào thể chế và cho đến khi không còn có vấn đề về người da đỏ nữa, cho đến khi không còn Bộ về các vấn đề da đỏ nữa. Còn Austin thì cho rằng ở Úc vào những năm 1930 người ta vẫn nói về sự tuyệt chủng của các dân tộc bản địa tại đây  [Austin, D. 1993; Miller, J. 1994; Reaume, D., and Mackem, P. 1994].

Các chính sách của các nhiệm kỳ chính phủ khác nhau tại Úc nói chung đều phản ánh một mong muốn các dân tộc bản địa “chết dần chết mòn”. Năm 1921 Báo cáo thường niên của Sở Bảo hộ bản địa New South Wales đã khẳng định rằng “việc tiếp tục chính sách cách ly trẻ em bản địa khỏi đời sống bộ lạc thực sự cần thiết để giải quyết vấn đề người bản địa” [Kendall, C. 1993]. Mong muốn này có lẽ đã phản ánh một thực tế là vào cuối những năm 1920, dân số người bản địa đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi người châu Âu đặt chân đến lục địa này.  Năm 1933, “Nhà của Sơ Kates” giành cho trẻ em bản địa Úc đã được mở ra tại Perth, Tây Úc và được một bà sơ thuộc giáo phải Anh là Kate Clutterbuck quản lý mãi cho đến năm 1974 mới đóng cửa. Cơ sở của Sơ Ketes thực chất là do chính phủ thành lập nhằm giải quyết duy nhất một vấn đề con lai có ¼ dòng máu bản địa và Kates hy vọng là để “nhân giống da màu” từ nhóm trẻ này. Ý tưởng ấy ngay lập tức đã diễn ra rộng khắp. Năm 1937, Liên bang và Đại hội Phúc lợi Bản địa quốc gia tại Canberra lần thứ nhất đã đưa vấn đề này ra thảo luận trên phạm vi toàn quốc. Đại hội được chủ trương bởi các bang và các vùng lãnh thổ có dân số bản địa thuộc vào hàng đông nhất: Tây Úc, Queensland, và Lãnh thổ Bắc. Đại hội đã thông qua một giải pháp ủng hộ chính sách thu hút toàn bộ các dân tộc bản địa Úc vào cộng đồng da trắng. Chính sách này được một đại biểu mô tả là “giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề người bản địa” [Broome, R. 1994].

Với đại chính sách này, cư dân bản địa đã bị đập vỡ thành hai bộ phận phải chịu những cung cách đối xử khác biệt nhau. Bộ phận thứ nhất gồm những con lai “bất kể nguyện vọng thế nào” và bộ phận thứ hai là người “bản địa thuần huyết”. Như vậy có nghĩa là đại hội này đã chính thức tuyên đọc bản án “chết dần chết mòn” cho bộ phận “bản địa thuần huyết”. Nghiêm trọng hơn nữa, tại đại hội, hầu hết đều thừa nhận rằng các nhiệm kỳ chính phủ có quyền đồng hoá sinh học cũng như kinh tế đối với người bản địa [Broome, R. 1994]. Bản điều trần quốc gia Úc ghi nhận rằng mô hình thu hút đó do Chánh thanh tra các vấn đề bản địa Tây Úc A.O. Neville khởi xướng, ban đầu là một mô hình sinh học, sau đó đã trở thành hiện thân của sự đồng hoá, là một mô hình sinh học-xã hội, và cả hai loại hình đó đều mang mầm mống của quá trình thủ tiêu các dân tộc bản địa Úc.

Giai đoạn sau Thế chiến II: Sau Thế chiến II, tại Canada và Úc đã có những thay đổi cơ bản diễn ra trong chính sách đối với người bản địa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những thay đổi này, nhưng những hiểu biết về các chính sách chủng tộc của chủ nghĩa Quốc xã Đức và hậu quả của nó có tác động lớn nhất. Thêm vào đó là sự phát triển như vũ bão của các tư tưởng Freud đã đẩy nhanh kết cục của các hệ ý thức ưu sinh. Theo Miller, sự thay đổi chính sách của Canada sau Thế chiến II là kết quả của cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã được thể chế hoá tại quốc gia này. Và lý do lớn nhất cho các thay đổi đó là ở chỗ sau Thế chiến II, các cơ sở phân biệt chủng tộc cho việc xây dựng chính sách đối với người bản địa đã thực sự bị đổ vỡ [Armitage, A. 1995; Broome, R. 1994].  

Những lý do đó đã khiến cho chính phủ Úc phải huỷ bỏ các đạo luật phân biệt đối xử, đặc biệt là khi Úc đã có được vai trò nổi bật trong tổ chức Liên hợp quốc vừa mới được thành lập. Tuy nhiên các chính sách đang thay đổi không thể thay thế được cho hiện trạng của các dân tộc bản địa. Năm 1948, một báo cáo của Uỷ ban Hợp tác Canada đã kêu gọi chấm dứt tình trạng đồng hoá cưỡng bức, nhưng lại không kêu gọi chấm dứt tình trạng đồng hoá. Tuy nhiên chính sách giáo dục hội nhập mới do bản báo cáo đề xuất vẫn được đánh giá là còn nặng mùi đồng hoá [Armitage, A. 1995; Markus, A. 1995; Milloy 1996]. Áp lực đẩy tới hội nhập chủng tộc ở Canada là rất mạnh, vì trong suốt lịch sử của mình, Canada luôn cố gắng trao quyền công dân cho người bản địa nhằm gạt người bản địa ra khỏi trách nhiệm của chính phủ. Trong Thế chiến I, nhiều người bản địa Canada đã có quyền bàu cử, và năm 1920 những người bản địa sống ngoài khu cư trú giành riêng cho họ và các cựu chiến binh người bản địa cũng có được quyền đó. Năm 1944, tất cả những người bản địa Canada đã phục vụ trong quân đội và vợ của họ đều được trao quyền bầu cử liên bang. Sáu năm sau các quyền này được trao cho tất cả những người bản địa sống trong các vùng đất giành riêng cho người bản địa nhưng với điều kiện là họ đã từ bỏ vị thế được miễn thuế [RCAP 1996]. Không phải đến tận năm 1967 khi tất cả mọi người dân bản địa Canada được trao quyền bàu cử mà không cần phải từ bỏ bất cứ vị thế hoặc quyền nào của mình. Điều quan trọng là ở chỗ chính là cái “vị thế” là một người bản địa mà cái quyền được bỏ phiếu và quyền công dân của họ luôn luôn có nguy cơ bị đe doạ [Chesterman, J., and Galligan, B. 1997]. Những thực tiễn như vậy đáng tiếc là vẫn còn được duy trì tại nhiều bang và vùng lãnh thổ Úc. Năm 1902, Đạo luật về quyền bầu cử của Liên bang đã cấm chỉ người bản địa Úc quyền bàu cử Liên bang. Quốc hội bang New South Wales đã thông qua một sửa đổi Đạo luật Bảo hộ người bản địa năm 1943, đã có thể được ban hành và cắt bỏ các chứng chỉ miễn trừ thuế. Các chứng chỉ này nghiễm nhiên cho rằng người sở hữu nó không phải là một người bản địa nữa [Aborigines Protection Act 1943 (NSW); Chesterman, J., and Galligan, B. 1997; Commonwealth 1902; HREOC 1997].

Tại Tây Úc, Đạo luật Bản địa về các quyền công dân năm 1944, buộc người bản địa Úc phải lựa chọn giữa vị thế bản địa hay trở thành công dân của bang, mà không có cơ hội cho cả hai [Native (Citizenship Rights) Act 1944 (WA)]. Để có được cái nhãn vinh quang là công dân, một người bản địa phải chứng tỏ mình trước quan toà hành chính địa phương rằng mình đã cắt đứt toàn bộ các ràng buộc với gia đình, cộng đồng và bạn bè, bản thân không có bệnh tật thì mới được trao quyền công dân có “các thói quen công nghiệp” [HREOC 1997]. Tuy nhiên quốc hội liên bang đã thông qua Đạo luật quyền công dân và quốc tịch Liên bang năm 1948 trao quyền công dân cho tất cả mọi người sinh ra là người Úc [Commonwealth 1948]. Điều đó có nghĩa là giờ đây tất cả những người dân bản địa cũng đều là công dân của Liên bang, nhưng nó lại không đảm bảo rằng họ là công dân của các bang và các vùng lãnh thổ trên đất Úc. Chẳng hạn Tây Úc đã thi hành luật tước quyền bỏ phiếu cấp bang và liên bang của người dân bản địa Úc [Beresford, Q., & Omaji, P. 1998]. Theo phong cách thực hành hành chính và pháp luật kiểu này, người dân bản địa Úc có quyền công dân Úc, nhưng họ lại không có được các quyền công dân cơ bản [Chesterman, J., and Galligan, B. 1997]. Việc cấp hoặc từ chối cấp các chứng chỉ miễn thuế vẫn tiếp tục được duy trì tại Úc cho đến tận những năm 1960. Các định nghĩa chính thức về văn hoá kiểu này có nghĩa là người dân bản địa Úc phải có hộ chiếu để sống và đi lại trên một nước Úc của người châu Âu, giống như cái chứng chỉ lần đầu được thống đốc Macquarie cấp cho họ vào năm 1816 [McGrath, A. 1995]. Năm 1962, trước khi chính phủ Liên bang trao cho mọi người dân bản địa Úc quyền bàu cử Liên bang cho dù họ có hay không có quyền bàu cử tại chính bang mình. Thậm chí sau đó cách hành pháp phân biệt vẫn tiếp diễn trong một số bang, với sự thông qua đạo luật hành pháp đặc biệt của liên bang vào năm 1975 nhằm gạt bỏ các bộ luật phân biệt của bang Queensland [Markus, A. 1995]. Thực tế cho thấy rằng mãi cho đến tận nửa sau của thế kỷ 20 tại Úc và Canada, các hoạt động pháp luật và hành chính của chính phủ luôn cố cách ly người bản địa ra khỏi các nền văn hoá và xã hội của họ bằng nhiều cách.

Giai đoạn 1960 - 1980: Từ những năm 1960 tại Canada và Úc đã diễn ra nhiều đổi thay, và điều đó đã đem lại cho người bản địa một mức độ tự trị hạn chế. Tại Canada năm 1965 Đại hội Tỉnh –Liên bang về các vấn đề người bản địa đã tiến tới một thoả thuận mang tính nguyên tắc về chính sách hội nhập, theo đó dịch vụ giáo dục người da đỏ và các dịch vụ khác sẽ được tích hợp với các dịch vụ của người Canada gốc Âu [Milloy, J. 1996]. Năm 1969 chính phủ liên bang đã công bố sách trắng kêu gọi hợp nhất toàn bộ các dịch vụ bản địa Canada vào cách dịch vụ chung của toàn bộ cộng đồng. Theo Miller, khi ban hành lời kêu gọi này, Chính phủ Canada đã thấy rõ rằng tất cả các vấn đề bản địa Canada chẳng hạn như tình trạng đại diện quá mức trong việc bỏ tù, sự bất lực về chính trị, tình trạng bị gạt ra ngoài lề về kinh tế đều không phải là do các thế hệ chính sách, các hoạt động thực tiễn và định kiến phân biệt chủng tộc của chính phủ hoạt động trong các xã hội theo lề thói châu Âu, mà tuỳ thuộc vào tình trạng thiếu hội nhập vào toàn bộ xã hội Canada nói chung [Miller, J. 1994]. Theo các đề xuất được đưa ra trong sách trắng, tất cả các dịch vụ cho người bản địa Canada cần phải được chuyển giao cho các tỉnh, các khu vực giành riêng cho người bản địa sẽ trở thành tài sản tự do duy nhất của các nhóm dân bản địa, và cư dân bản địa Canada sẽ không khác biệt gì với các nhóm thiểu số khác mà không có phân biệt đối xử hoặc ưu tiên pháp luật nào khác [Milloy, J. 1996].

Các đề xuất nêu ra trong sách trắng là dựa trên quan niệm về bình đẳng cá nhân người bản địa Canada, được trả giá bằng sự sống còn về phương diện văn hoá của họ [Barman, J., Herbert, Y., and McCaskill, D. 1986]. Có lẽ kết quả quan trọng nhất của sách trắng tối thiểu liên quan đến giáo dục là sự phát triển của các trường học có kiểm soát của người bản địa. Ngay sau khi phát hành sách trắng, Bộ bản địa đã quyết định đóng cửa trường Blue Quills ở Alberta thay bằng một trường trung học mới. Bất mãn với quyết định này, những người dân bản địa Canada đã yêu sách đòi được quản lý trường học của mình. Bộ đã im lặng về vấn đề này, để rồi dẫn đến việc người bản địa chiếm giữ trường vào tháng 7 năm 1970. Ngày 1/9/1970, trường Blue Quills đã bắt đầu trở thành trường học đầu tiên do người bản địa Canada chính thức điều hành [Persson, D. 1986]. Đến năm 1986, hầu hết trong số 577 nhóm bản địa Canada đã điều hành một phần hoặc toàn bộ các hoạt động giáo dục của Bộ các vấn đề bản địa. Giống hệt như Szasz đã mô tả mối liên hệ kết cục/đồng hoá chính là cái tên duy nhất thích hợp cho mục đích của chính phủ da trắng, Armitage cho rằng hội nhập có thể đã là một từ thông dụng trong giai đoạn này tại Canada, nhưng đồng hoá mới chính là mục tiêu của chính sách hội nhập ấy [Armitage, A. 1995].

Tại Úc, các định hướng chính sách của chính phủ cũng phải thay đổi bằng nhiều cách theo kinh nghiệm của Canada. Năm 1951, Đại hội Liên bang và các bang/các lãnh thổ đã thoả thuận về một chính sách đồng hoá thay cho chính sách hấp thụ trước đây. Chính sách này đòi hỏi “một hư tưởng dân tộc chủ nghĩa…ngụ ý về sự tồn tại của một nước Úc thống nhất và đồng nhất với các lợi ích và các niềm tin chung” [Aboriginal Legal Service of Western Australia [ALS] 1995]. Đại hội 1965 đã lặp lại định nghĩa đồng hoá sao cho mục đích hướng đến là “tất cả mọi người có dòng dõi bản địa sẽ đều lựa chọn một thái độ sống giống nhau, như tất cả những người Úc khác với tư cách là thành viên của một cộng đồng duy nhất” [HREOC 1997]. Khái niệm đồng nhất của Úc có vẻ rất gần gũi với phiên bản hội nhập của Canada, vì đều có chung một mục đích. Trong khi các cơ sở ý thức hệ của việc hoạch định chính sách Úc có thể giống hệt với các cơ sở hoạch định chính sách của Canada thì vào những năm 1970, các quá trình điều hành thực thi lại rất khác biệt nhau. Trong thời gian học theo Canada nhằm nỗ lực giải tập trung hoá các vấn đề bản địa và chuyển trọng tâm ra khỏi chương trình nghị sự của chính phủ liên bang thì Úc lại mở rộng tầm quan trọng của vấn đề ra phạm vi toàn liên bang. Cuộc trưng cầu dân ý năm 1967 đã trao cho chính phủ liên bang một loạt quyền hành liên quan đến các vấn đề người bản địa và lần đầu tiên trao cho các bang và các vùng lãnh thổ các chương trình phúc lợi bản địa cùng với việc thành lập Văn phòng các vấn đề bản địa. Đó chính là lúc chính sách của Úc chuyển từ đồng hoá sang hội nhập. Tuy nhiên như bản điều trần quốc gia đã nhận xét, khó mà đánh giá được một cách chính xác có gì khác nhau giữa đồng hoá và hội nhập, và hội nhập có nghĩa là gì [HREOC 1997].

Cho đến cuộc tuyển chọn người cho văn phòng vào năm 1972, chính phủ của thủ tướng Whitlam đã lần đầu tiên lập ra Bộ các vấn đề người bản địa Liên bang. Trong giai đoạn này chính phủ thiên về thay đổi chính sách hướng đến quyền tự quyết cho người bản địa Úc. Gordon Bryant, Bộ trưởng đầu tiên được bổ nhiệm như một ngoại lệ đã mô tả quyền tự quyết là ‘các cộng đồng bản địa quyết định bước đi và thực chất quá trình phát triển tương lai của họ trong giới hạn kinh tế xã hội và luật pháp của xã hội Úc’. Sau năm 1975, chính phủ của thủ tướng Fraser đã thay thế chính sách này bằng quyền tự quản và tự lực. Năm 1976, cuộc tổng điều tra dân số đã thay thế đòi hỏi của người bản địa về nguồn gốc chủng tộc bằng quyền tự xác định. Ở Úc, mặc dù phạm vi ảnh hưởng của việc kiểm soát các trường bản địa không rộng lớn như ở Canada nhưng vẫn có những tương đồng giữa hai quốc gia trên [HREOC 1997; Stanton, J. 1988]. 

3.4. Các chính sách hiện thời

Có thể thấy rõ những thay đổi về các mô hình hoạch định chính sách trong nhiều vùng, thuộc nhiều lĩnh vực bản địa tại Úc và Canada trong một quá khứ còn rất gần kề. Kèm theo quá trình thay đổi này là một sự chấp nhận hàng loạt khó khăn và bất lợi ngày càng tăng đối với một số cấp độ trách nhiệm mà người bản địa phải gánh chịu. Những thay đổi chính sách tiếp tục được coi là sự tái hiện các loại chính sách đã được phác thảo. Có lẽ Canada là nước phát động các đổi thay đầy kịch tính về phương diện chính sách liên quan đến các dân tộc bản địa tại quốc gia này. Armitage cho rằng thay đổi chủ yếu trong chính sách của Canada chính là quá trình tăng cường sự tham gia của người bản địa vào các quá trình sáng tạo và thương lượng chính sách. Năm 1982, Canada đã đưa thêm chương về các quyền và sự tự do vào hiến pháp. Chương này đã đem lại sự thừa nhận hạn chế đối với sự tồn tại của các quyền bản địa và các thoả ước với người bản địa là thuộc về người bản địa Canada. Liên quan đến công việc giáo dục, đặc biệt là hệ thống các trường phổ thông bản địa, đã có những lời kêu gọi chính thức điều trần về sự lạm dụng trẻ em trong hệ thống này ít nhất là từ tháng 11 năm 1990. Lời kêu gọi này vẫn được Bộ các vấn đề bản địa đáp ứng một cách tích cực [Armitage, A. 1995].

Tại Úc cũng đã bắt đầu có những thay đổi cơ bản đối với chính sách bản địa. Uỷ ban Bản địa và dân đảo eo Torres (Aboriginal and Torres Strait Islander Commission (ATSIC) đã được thành lập năm 1990 khi Bộ các vấn đề bản địa Liên bang (Commonwealth Department of Aboriginal Affairs) hợp nhất với Uỷ ban Phát triển Bản địa (Aboriginal Development Commission). ATSIC là sáng kiến của Bộ trưởng các vấn đề bản địa Gerry Hand. Ngày 10/12/1989 ông đã trình bày một báo cáo tại Quốc hội với tiêu đề “Các cơ sở cho tương lai”. Mục đích của báo cáo là thành lập một tổ chức giúp người bản địa tham dự nhiều hơn nữa vào các công việc liên quan đến bản thân họ. Báo cáo cho biết về một giai đoạn tham vấn bao gồm 6000 đại diện của cộng đồng bản địa. Các cuộc thương thảo nảy sinh ra các khuyến cáo cho việc thông qua Đạo luật của Uỷ ban Bản địa và dân đảo  Torres (ATSIC). ATSIC được thành lập bởi các thành viên được lựa chọn theo vùng. Họ là các đại diện chính thức của những người dân bản địa Úc là những người đã bầu ra họ [Chesterman, J., and Galligan, B. 1997]. Một sự thay đổi ý thức hệ quan trọng liên quan đến việc cách ly trẻ em bản địa đã thúc đẩy Đại hội Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội vào năm 1986. Trong đại hội này, các Bộ trưởng đã nhất trí thừa nhận Nguyên tắc Sắp xếp Trẻ em Bản địa - Aboriginal Child Placement Principle (ACCP). Nguyên tắc này khẳng định rằng bất cứ trẻ em bản địa nào bị cách ly khỏi cha mẹ chúng cũng đều phải được sắp xếp bố trí cuộc sống cho chúng, mà không có bất cứ lý do nào trái với ý kiến của: i) một thành viên trong gia đình lớn của đứa trẻ; ii) những thành viên khác trong cộng đồng bản địa của đứa trẻ là những người có mối quan hệ hợp với đứa trẻ hoà hợp với Tục lệ Bản địa; hoặc iii) các gia đình bản địa khác là hàng xóm của gia đình đứa trẻ.

Hầu hết các chính phủ bang và vùng lãnh thổ đều đã thực hiện nguyên tắc ACCP dưới dạng hành pháp, hoặc đã giới thiệu nguyên tắc này như là một hướng dẫn chính thức [Commonwealth 1989]. Việc xem xét lịch sử chính trị Úc và Canada đã thể hiện sự phát triển của các niềm tin đã tác động đến các vấn đề bản địa. Quan điểm cho rằng người bản địa đang chết dần chết mòn đã phát triển thành cơ sở cho quá trình hoạch định chính sách từ hấp thu - đồng hoá - đến hội nhập và sau đó đến nhiều hình thức chính sách khác nhau như quyền tự quyết, hoặc quyền tự quản. Tuy nhiên vấn đề người bản địa vẫn còn đó với các câu hỏi chẳng hạn như liệu các thay đổi chính sách có phải chỉ phản ánh một thay đổi duy nhất trong hệ thống thuật ngữ dành cho các hoạt động thực tiễn hay không.
_________________________________

Còn nữa...

* Ghi chú: Bài viết năm 2008, tham gia Đề án: Luận cứ và giải pháp phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số nước ta đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do PGS. Nguyễn Đăng Thành, PGĐ Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm, Hà Nội 2008 – 2010.

Tài liệu tham khảo

Aboriginal Legal Service of Western Australia, 1995. Telling Our Story: A Report by the Aboriginal Legal Service of Western Australia (Inc) on the removal of Aboriginal children from their families in Western Australia, ALS, Perth, pp. 17-8.

Armitage, A. 1995. Comparing the Policy of Aboriginal Assimilation: Australia, Canada, and New Zealand. UBC Press, Vancouver, p.14.

Asch, M., & Zlotkin, N. 1997. Affirming Aboriginal title: A new basis for comprehensive claims negotiation. In Michael Asch, ed., Aboriginal and Treaty Rights in Canada: Essays on Law, Equality, and Respect for Difference, UBC, Vancouver, pp.208, 270.

Australia 1969. Aborigines Protection Act 1969 (Vic)

Barman, J., Herbert, Y., and McCaskill, D. 1986. The Legacy of the Past: An Overview. In Jean Barman, Y. Herbert, and D. McCaskill, eds, Indian Education in Canada: Volume 1: The Legacy, University of British Columbia Press, Vancouver, p.4.

Beresford, Q., & Omaji, P. 1998. Our State of Mind: Racial Planing and the Stolen Generations, Fremantle Arts Centre Press, Fremantle, p.32; Harris, J. 1994. One Blood. 200 Years of Aboriginal Encounter with Christianity: A Story of Hope, 2nd Ed., Albatross, Sydney, p. 25.

Brock, P. 1993. Outback Ghettoes: Aborigines, Institutionalisation and Survival, Cambridge University Press, Cambridge, p.12.

Brock, P. 1995. Aboriginal families and the law in the era of segregation and assimilation, 1890s-1950s. In Diane Kirkby, ed., Sex, Power and Justice: historical perspectives of law in Australia, Oxford University Press, Melbourne, p.136.

Broome, R. 1994. Aboriginal Australians: Black Responses to White Dominance 1788-1994, 2nd Ed., Allen & Unwin, Sydney, p. 161.

Buti, Tony 2002. The Systematic Removal of Indigenous Children from their Families in Australia and Canada: the History – Similarities and Differences. Lecture in Law, Law School, Murdoch University; JLV/ Louis St. John Johnson Memorial Trust Fellowship in Aboriginal Legal Issues and Public Policy.

Canada 1876; 1925. Indian Act 1876; and Indian Act 1925 (Canada).

Canadian Parliament 1851; 1857. An Act for the Better Protection of Lands and Property of Indians in Lower Canada 1851 (Canada); and Act to Encourage the Gradual Civilization of the Indian Tribes of the Canadas 1857 (Canada).

Chesterman, J., and Galligan, B. 1997. Citizens Without Rights: Aborigines and Australian Citizenship, Cambridge University Press, p. 60.

Commonwealth 1902; 1948; 1989. Commonwealth Franchise Act 1902; Commonwealth Nationality and Citizenship Act 1948; and Aboriginal and Torres Strait Island Commission Act 1989.

Culleen, C., & Libesman, T. 1995. Indigenous People and the Law in Australia, Butterworths, Sydney, p. 36.

Dickason, O. 1997. Canada’s First Nations: A History of Founding Peoples from Earliest Times, 2nd Ed., Oxford University Press, p. 248.

Evans, R. 1991. '"A Permanent Precedent": Dispossession, Social Control and the Fraser Island Reserve and Mission, 1897-1904', Ngulaig, 5, p. 7.

HREOC (Human Rights and Equal Opportunity Commission) 1997. Bringing them home: Report of the National Inquiry into the Separation of Aboriginal and Torres Strait Islanders from Their Families, Commonwealth of Australia, Canberra, p. 28.

Kendall, C. 1993. History, present and future issues affecting Aboriginal adults who were removed as children from their families under the NSW Aborigines Protection Act 1882-1969. In Ken Riddiford, Eric Wilson, and Barry Wright, eds, Contemporary Issues in Aboriginal and Torres Strait Islander Studies: at 4. Proceedings of the Fourth National Conference, Cairns College of Technical and Further Education, September 1993, Cairns, p. 243.

Lippmann, L. 1992. Generations of Resistance: Aborigines Demand Justice, 2nd Ed., Longman Cheshire, Melbourne, p. 18.

Markus, A. 1995. Legislating White Australia, 1900-1970. In Diane Kirkby, ed., Sex, Power and Justice: historical perspectives of law in Australia, Oxford University Press, Melbourne, p. 250.

McGrath, A. 1995. A national story. In Anne McGrath, ed., Contested Ground: Australian Aborigines under the British Crown, Allen & Unwin, Sydney, p. 14.

Miller, J. 1994. Skyscrapers Hide the Heavens: A History of Indian-White Relations in Canada, Revised Ed., University of Toronto Press, Toronto, pp. 269-70.

Milloy, J. 1996. “Suffer the little children" A History of the residential school system, 1830-1992', RCAP Notes, p. 220.

Persson, D. 1986. The Changing Experience of Indian Residential Schooling: Blue Quills, 1931-1970. In Jeanne Barman et al., eds, Indian Education in Canada. Volume 1: The Legacy, UBC Press, Vancouver, pp. 164-6.

Queensland 1897. Aboriginal Protection and Restriction of the Sale of Opium Act 1897 (Qld)

RCAP (Royal Commission on Aboriginal Peoples) 1996. Looking Forward, Looking Back, Canada Communication Group, Ottawa, p. 277.

Reaume, D., and Mackem, P. 1994. Education for subordination: Redressing the adverse effects of residential schooling, RCAP Notes, at. 7-8. Toronto University Press.

Southern Australia 1910, 1911. Northern Territory Aboriginals Act 1910 (SA); and  Aborigines Act 1911 (SA).

Stanton, J. 1988. Mt Margaret Mission and the Aftermath. In Tony Swain and Deborah Bird Rose, eds, Aboriginal Australians and Christian Missions: Ethnographic and Historical Studies, Australian Association for the Study of Religions, Adelaide, p. 292.

Western Australia 1905, and 1944. Aborigines Act 1905 (WA); and  Native (Citizenship Rights) Act 1944 (WA).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét