Các cơ sở lý
thuyết tăng trưởng và phát triển cho vùng kinh tế*
Hà Hữu Nga
1. Lý thuyết cổ
điển về thị trường
Lý thuyết này dựa
trên hai mệnh đề: i) mỗi tác nhân thực hiện tối đa các chức năng ưu tiên xử lý
trong những ràng buộc nhất định, và các ưu tiên cũng như các ràng buộc ấy được
sử dụng làm các dữ kiện trong ứng xử phát triển; ii) có mối quan hệ tuỳ thuộc
lẫn nhau giữa hành động của tất cả các tác nhân, và mối quan hệ ấy được thể
hiện trên các thị trường, với giả thiết có sức cạnh tranh thuần tuý và các thị
trường hoàn toàn đóng vai trò điều tiết giữa cung - cầu, và phân phối các yếu
tố sản xuất và tối ưu hoá tổ chức xã hội. Trước hết về lý thuyết phát triển dựa
trên các ứng xử các nhân thì mệnh này thường bị phê phán với lập luận là hầu
hết các ứng xử của các cá nhân tại các quốc gia đang phát triển là không hợp
lý. Vì vậy tính hợp lý thúc đẩy phát triển chỉ tồn tại trong xã hội phương Tây
với khái niệm “con người kinh tế”. Tuy nhiên trong các nước đang phát triển thì
các tác nhân chỉ có được một số lượng thông tin hạn chế về khả năng kỹ thuật
cũng như tình hình các thị trường. Việc nhiễu thông tin buộc các tác nhân phải
xem xét sử dụng các phương pháp hoặc các ứng xử truyền thống được coi là chưa
hợp lý. Bên cạnh đó, các tác nhân có thể tìm cách để đảm bảo an toàn tối đa cho
họ thay vì chỉ tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường. Trong nhiều trường hợp các
tác nhân kinh tế không thể thực hiện được sự lựa chọn của mình. Với các xã hội
đang phát triển, con người muốn tồn tại thì phải tuân thủ hàng loạt các hoạt
động được quy định chặt chẽ theo từng thời điểm, và phải giảm mức tiêu dùng đến
tối thiểu [Grillet G. 1989].
Về phương diện
phát triển dựa vào thị trường, thì tối thiểu phải đáp ứng các yêu cầu sau: i)
hàng hoá hoặc dịch vụ phải được thực sự đem ra trao đổi lấy tiền hoặc lấy một
mặt hàng hoặc một dịch vụ khác; ii) cần phải có đủ cung - cầu để đáp ứng với
các biến động giá cả. Mọi biến động tăng giá cả thực của hàng hoá và dịch vụ
phải làm giảm hoặc loại bớt số người tiêu dùng để khuyến khích người sản xuất.
Do đó giá cả thị trường là một thông tin, một tín hiệu cho phép điều chỉnh cách
xử sự của các tác nhân xã hội. Tuy nhiên trong chừng mực có thể có các loại tín
hiệu khác, ví dụ như thời hạn sản xuất, chờ đời giao hàng thì có thể có những
thị trường hoạt động với giá cả ổn định. Về cơ bản thị trường phải giúp phân
phối các yếu tố sản xuất quốc gia hướng tới những hoạt động có nhu cầu cao
nhất. Thực tế thì trong các nền kinh tế thuộc các quốc gia đang phát triển thì
các cơ chế thị trường thường không hoàn hảo, vì trong các khu vực này không có
cạnh. Do thị trường nội địa nhỏ bé nên hạn chế cả cung lẫn cầu. Đặc biệt trong
các nền kinh tế có hàng rào thuế quan mạnh thì các xí nghiệp công nghiệp luôn
được hưởng độc quyền, cộng với thiếu thông tin minh bạch càng làm cho thị
trường giảm đi khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên cũng cần phải thừa nhận rằng thị
trường thế giới cũng luôn có khuynh hướng áp đặt các điều chỉnh kinh tế vĩ mô
không phù hợp với quan hệ cung - cầu ở phạm vi quốc gia. Vì vậy trên thực tế
không có cái gọi là quan hệ thị trường tối ưu thuần tuý, mà bên cạnh đó cần
phải nghiên cứu cả thực tế phụ thuộc phát triển trong quan hệ thị trường
[Grillet G. 1989].
2. Lý thuyết phát
triển dựa trên tăng trưởng
Lý thuyết phát triển cho các nước thuộc thế giới thứ ba
dựa trên tăng trưởng có mục đích giải thích việc nâng cao năng suất trong dài
hạn thông qua các mô hình tăng trưởng. Các mô hình này có các cách tiếp cận
khác nhau sau đây: i) các mô hình của trường phải tân cổ điển xuất phát từ các
yếu tố sản xuất; ii) mô hình Harrod – Domar; iii) mô hình suy diễn lịch sử của
Rostow; iv) các mô hình nhị nguyên xuất phát từ quan điểm di chuyển nhân lực
hướng về các hoạt động sản xuất.
Mô
hình David Ricardo (1772-1823): với luận điểm cơ bản là
đất đai sản xuất nông nghiệp (R, Resources) là nguồn gốc của tăng trưởng kinh
tế. Nhưng đất sản xuất lại có giới hạn do đó người sản xuất phải mở rộng diện
tích trên đất xấu hơn để sản xuất, lợi nhuận của chủ đất thu được ngày càng
giảm dẫn đến chí phí sản xuất lương thực, thực phẩm cao, giá bán hàng hóa nong
phẩm tăng, tiền lương danh nghĩa tăng và lợi nhuận của nhà tư bản công nghiệp
giảm. Mà lợi nhuận là nguồn tích lũy để mở rộng đầu tư dẫn đến tăng trưởng. Như
vậy, do giới hạn đất nông nghiệp dẫn đến xu hướng giảm lợi nhuận của cả người
sản xuất nông nghiệp và công nghiệp và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Nhưng
thực tế mức tăng trưởng ngày càng tăng cho thấy mô hình này không giải thích
được nguồn gốc của tăng trưởng. Mô hình
hai khu vực tăng trưởng kinh tế dựa vào sự tăng trưởng hai khu vực nông
nghiệp và công nhiệp trong đó chú trọng yếu tố chính là lao động (L labor), yếu
tố tăng năng suất do đầu tư và khoa học kỹ thuật tác động lên hai khu vực kinh
tế [Ricardo
D. 1817, 1821, 1978].
Tiêu biểu cho mô hình hai khu vực là mô hình Lewis [1954], Tân cổ điển [Solow R. M. 1956] và Harry T. Oshima
[1984]. Mô hình
Harrod-Domar coi nguồn gốc tăng trưởng kinh tế là do lượng vốn (yếu tố
K, capital) đưa vào sản xuất tăng lên [Harrod R. F. 1939, Domar E. 1946]. Mô hình Solow với luận
điểm cơ bản là việc tăng vốn sản xuất chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế
trong ngắn hạn mà không ảnh hưởng trong dài hạn, tăng trưởng sẽ đạt trạng
thái dừng. Một nền kinh tế có mức tiết kiệm cao hơn sẽ có mức sản
lượng cao hơn không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn (tăng
trưởng kinh tế bằng 0)
[Solow R. 1956]. Mô hình Kaldor
coi tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào phát triển kỹ thuật hoặc trình độ công
nghệ [Kaldor N. 1957]. Mô hình Sung Sang Park coi nguồn
gốc tăng trưởng là tăng cường vốn đầu tư quốc gia cho đầu tư con người [Sung Sang Park 1977]. Mô hình Tân cổ điển cho rằng nguồn gốc
của tăng trưởng tùy thuộc vào cách thức kết hợp hai yếu tố đầu vào vốn(K) và
lao động (L). Trước Keynes, kinh tế học cổ
điển và tân
cổ điển không phân biệt rành mạch tăng trưởng kinh tế với phát
triển kinh tế. Hơn nữa, ngoại trừ Schumpeter, các trường phái trên đều không coi trọng vai trò của tiến
bộ kỹ thuật đối với tăng trưởng kinh tế.
Sau khi nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế của các nước phát
triển lẫn các
nước đang phát triển, những nhà kinh tế học đã phát hiện ra rằng động lực của phát triển kinh tế phải được đi cùng
trên bốn bánh xe, hay bốn nhân tố của tăng trưởng kinh tế là nguồn nhân lực,
nguồn tài nguyên, tư bản và công nghệ. Bốn nhân tố này khác nhau ở mỗi quốc gia
và cách phối hợp giữa chúng cũng khác nhau đưa đến kết quả tương ứng. Nguồn
nhân lực: chất lượng đầu vào của lao động tức là kỹ năng, kiến thức và kỷ luật
của đội ngũ lao động là yếu tố quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế. Hầu hết
các yếu tố khác như tư bản, nguyên vật liệu, công nghệ đều có thể mua hoặc vay
mượn được nhưng nguồn nhân lực thì khó có thể làm điều tương tự. Các yếu tố như
máy móc thiết bị, nguyên vật liệu hay công nghệ sản xuất chỉ có thể phát huy
được tối đa hiệu quả bởi đội ngũ lao động có trình độ văn hóa, có sức khỏe và
kỷ luật lao động tốt. Thực tế nghiên cứu các nền kinh tế bị tàn phá sau Chiến
tranh thế giới lần thứ II cho thấy mặc dù hầu hết
tư bản bị phá hủy nhưng những nước có nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn có thể
phục hồi và phát triển kinh tế một cách ngoạn mục [David B., Stanley F., Rudiger D. 2003].
Nguồn tài nguyên thiên nhiên: là một trong những yếu tố sản xuất cổ điển,
những tài nguyên quan trọng nhất là đất đai, khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ,
rừng và nguồn nước. Tài nguyên thiên nhiên có vai trò quan trọng để phát triển
kinh tế, có những nước được thiên nhiên ưu đãi một trữ lượng dầu mỏ lớn có thể
đạt được mức thu nhập cao gần như hoàn toàn dựa vào đó như Ả rập Xê út. Tuy nhiên, các nước sản xuất dầu mỏ là ngoại lệ chứ không phải quy luật,
việc sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú không quyết định một quốc
gia có thu nhập cao. Nhật Bản là một nước gần như không có tài nguyên thiên nhiên nhưng nhờ tập trung
sản xuất các sản phẩm có hàm lượng lao động, tư bản, công nghệ cao nên vẫn có
nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới về quy mô. Tư bản: là một trong những
nhân tố sản xuất, tùy theo mức độ tư bản mà người lao động được sử dụng những
máy móc, thiết bị...nhiều hay ít (tỷ lệ tư bản trên mỗi lao động) và tạo ra sản
lượng cao hay thấp. Để có được tư bản, phải thực hiện đầu tư nghĩa là hy sinh tiêu dùng cho tương lai. Điều này đặc biệt quan trọng trong sự phát triển dài hạn,
những quốc gia có tỷ lệ đầu tư tính trên GDP cao thường có
được sự tăng trưởng cao và bền vững [David B., Stanley F., Rudiger D. 2003].
Tuy nhiên, tư bản không chỉ là máy móc, thiết bị do tư nhân dầu tư cho sản
xuất nó còn là tư bản cố định xã hội, những thứ tạo tiền đề cho sản xuất và thương mại phát triển. Tư bản cố
định xã hội thường là những dự án quy mô lớn, gần như không thể chia nhỏ được
và nhiều khi có lợi suất tăng dần theo quy mô nên phải do chính phủ thực hiện. Ví dụ như hạ tầng của sản xuất bao gồm đường giao thông,
mạng lưới điện quốc gia, sức khỏe cộng đồng, thủy lợi...v.v. Trong khi đó xuyên suốt lịch sử
loài người, tăng trưởng kinh tế rõ ràng không phải là sự sao chép giản đơn, là
việc đơn thuần chỉ tăng thêm lao động và tư bản, ngược lại, nó là quá trình
không ngừng thay đổi công nghệ sản xuất. Công nghệ sản xuất cho phép cùng một
lượng lao động và tư bản có thể tạo ra sản lượng cao hơn, nghĩa là quá trình
sản xuất có hiệu quả hơn. Công nghệ phát triển ngày càng nhanh chóng và ngày
nay công nghệ thông
tin, công nghệ sinh
học, công nghệ vật liệu mới... có những bước tiến như vũ bão góp phần gia tăng hiệu quả của sản xuất.
Tuy nhiên, thay đổi công nghệ không chỉ thuần túy là việc tìm tòi, nghiên cứu;
công nghệ có phát triển và ứng dụng một cách nhanh chóng được là nhờ "phần
thưởng cho sự đổi mới", duy trì cơ chế bảo
vệ các sáng chế, phát minh và được trả tiền một cách xứng đáng.
Các chỉ tiêu đo lường mức tăng trưởng kinh tế được sử dụng làm thước đo
trình dộ phát triển nền kinh tế một cách cụ thể, dễ hiểu và nó trở thành mục
tiêu phấn đấu của một chính phủ vì nó là tiêu chí để người dân đánh giá hiệu
quả điều hành đất nước của chính phủ. Nhưng tăng trưởng kinh tế không phản ảnh
được chính xác phúc lợi của các nhóm dân cư khác nhau trong xã hội, chênh lệch
giàu nghèo có thể tăng lên, chênh lệch giữa nông thôn và thành thị có thể tăng
cao và bất bình đẳng xã hội cũng có thể tăng. Tăng trưởng có thể cao nhưng chất
lượng cuộc sống có thể không tăng, môi trường có thể bị hủy hoại, tài nguyên bị
khai thác quá mức, cạn kiệt, nguồn lực có thể sử dụng không hiệu quả, lãng phí
[Samuelson P. A., Nordhalls W. D. 2007].
Mô hình Harrod – Domar: Lý thuyết tăng trưởng kinh tế của kinh tế học vĩ mô Keynes tiêu biểu là mô hình Harrod-Domar. Mô hình này dựa trên hai giả thiết căn bản: (1) giá cả cứng nhắc, và (2) nền kinh tế không nhất thiết ở tình trạng toàn dụng lao
động. Nguồn gốc tăng trưởng kinh tế là do lượng vốn (yếu tố
K, capital) đưa vào sản xuất tăng lên. Từ đó, họ suy luận ra được rằng một khi
nền kinh tế đang ở trạng thái tăng trưởng cân bằng mà chuyển sang trạng thái
tăng trưởng không cân bằng thì sẽ càng ngày càng không cân bằng (mất ổn định
kinh tế) [Harrod R. F. 1939, Domar E. 1946]. Trong khi đó, lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển xây dựng mô hình của mình
dựa trên hệ giả thiết mà hai giả thiết căn bản là: (1) giá cả linh hoạt, và (2) nền kinh tế ở trạng thái toàn dụng lao động. Mô hình tăng trưởng
kinh tế của họ cho thấy, khi nền kinh tế đang ở trạng thái tăng trưởng cân bằng
mà chuyển sang trạng thái tăng trưởng không cân bằng thì đó chỉ là nhất thời,
và nó sẽ mau chóng trở về trạng thái cân bằng. Dựa vào tư tưởng của Keynes, vào
những năm 40 với sự nghiên cứu một cách độc lập, hai nhà kinh tế học là Roy
Harrod ở Anh và Evsay Domar ở Mỹ đã cùng đưa ra mô hình giải thích mối quan hệ
giữa sự tăng trưởng và thất nghiệp ở các nước phát triển [Harrod R. F. 1939, Domar E. 1946]. Mô hình này cũng được sử dụng rộng rãi ở các nước đang phát triển để xem
xét mối quan hệ giữa tăng trưởng và các nhu cầu về vốn. Mô hình này coi đầu ra
của bất kỳ một đơn vị kinh tế nào, dù là một công ty, một ngành công nghiệp hay
toàn bộ nền kinh tế phụ thuộc vào tổng số vốn đầu tư cho nó.
Trong mô hình trên, k được gọi là hệ số
ICOR (hệ số gia tăng vốn đầu ra)** [Harrod R. F. 1939, Domar E. 1946]. Hệ số này nói lên rằng: vốn được tạo
ra bằng đầu tư là yếu tố cơ bản của tăng trưởng; tiết kiệm của nhân dân và các
công ty là nguồn gốc của đầu tư. Hệ số này cũng phản ánh trình độ kỹ thuật của
sản xuất và là số đo năng lực sản xuất của đầu tư. Ví dụ, nếu như đầu tư
3 tỷ đồng dưới dạng xây dựng nhà máy mới và trang bị mới làm cho xí nghiệp
có khả năng tăng đầu ra thêm 1 tỷ đồng/năm trong vòng một năm tới thì hệ
số gia tăng vốn đầu ra trong trường hợp này là 3/1. Đối với các nhà làm kế
hoạch, khi cho trước phương trình đơn giản này thì nhiệm vụ không phức tạp lắm.
Bước đầu là thử đưa ra một cách tính tỷ số gia tăng vốn – đầu ra. Có hai phương
án lựa chọn cho bước tiếp theo. Hoặc là phải lập kế hoạch cần quyết định tỷ lệ
tăng trưởng kinh tế, hoặc là cần quyết định tỷ lệ tiết kiệm [Samuelson P. A., Nordhalls W. D. 2007].
Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng
của tổng
sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tổng
sản lượng quốc gia (GNP) hoặc quy mô sản
lượng quốc gia tính bình quân trên đầu người (PCI) trong một thời gian nhất định. Tăng trưởng tác động đến phát triển vì qui mô của một nền kinh tế thể hiện bằng tổng
sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tổng
sản phẩm quốc gia (GNP), hoặc tổng sản phẩm bình quân đầu người hoặc thu
nhập bình quân đầu người (Per Capita Income,
PCI). Tổng sản phẩm quốc nội (Gross Domestic Products, GDP) hay tổng sản
sản phẩm trong nước là giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất, tạo ra trong phạm vi một nền kinh tế trong một
thời gian nhất định (thường là một năm tài chính). Tổng sản phẩm
quốc gia (Gross National Products, GNP) là giá trị tính bằng tiền của
tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được tạo ra bởi công dân một nước trong
một thời gian nhất định (thường là một năm). Tổng sản phẩm quốc dân bằng tổng
sản phẩm quốc nội cộng với thu
nhập ròng. Tổng sản phẩm bình quân đầu người là tổng sản phẩm quốc
nội chia cho dân số. Tổng thu nhập bình quân đầu người là tổng sản phẩm quốc
gia chia cho dân số.
Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng của GDP hoặc GNP hoặc thu nhập bình quân
đầu người trong một thời gian nhất định. Tăng trưởng kinh tế thể hiện sự thay
đổi về lượng của nền kinh tế. Tuy vậy ở một số quốc gia, mức độ bất bình đẳng kinh tế tương đối cao nên mặc dù thu nhập bình quân đầu người cao nhưng nhiều
người dân vẫn sống trong tình trạng nghèo khổ. Phát triển kinh
tế mang nội hàm rộng hơn tăng trưởng kinh tế. Nó bao gồm
tăng trưởng kinh tế cùng với những thay đổi về chất của nền kinh tế (như phúc
lợi xã hội, tuổi thọ, v.v.) và những thay đổi về cơ
cấu kinh tế (giảm tỷ trọng của khu
vực sơ khai, tăng tỷ trọng của khu vực chế tạo và dịch vụ). Phát triển kinh tế là một quá trình hoàn thiện về mọi mặt của nền kinh
tế bao gồm kinh tế, xã hội, môi trường, thể chế trong một thời gian nhất định
nhằm đảm bảo rằng GDP cao hơn đồng nghĩa với mức độ hạnh phúc hơn. Để giải
thích nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế các nhà kinh tế học dùng các mô hình
kinh tế [Samuelson P. A., Nordhalls W.
D. 2007].
3. Lý
thuyết suy diễn lịch sử Rostow
Ý tưởng về các giai đoạn phát triển khác nhau xuất hiện từ thế kỷ 18. Adam
Smith lần đầu tiên cho rằng tất cả các xã hội đều trải qua 4 giai đoạn, cụ thể
là săn bắn, hái lượm, sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng hoá, còn Karl Marx
thì cho rằng tất cả các xã hội đều phải trải qua các chế độ phong kiến, chủ
nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Mô hình tăng trưởng và
phát triển của Walt W. Rostow là thuộc trường phái tư tưởng lịch sử tương tự
như vậy. Trong đầu những năm 1950, khi thế giới đang khôi phục lại sau Chiến
tranh Thế giới II, và hầu hết những nước là thuộc địa của các nước phát triển
đều được độc lập, đã nảy sinh một nhu cầu lớn về các chính sách phát triển đối
với các nước mới độc lập. Để chống lại sự lan rộng của các nước xã hội chủ
nghĩa, các nước tư bản phát triển cố gắng đưa ra các đề xuất chính sách cứng
rắn đối với các nước mới độc lập, các đề xuất này nhằm đưa các nước kém phát
triển đi theo quỹ đạo phát triển của mình. Kế hoạch Marshall của Mỹ nhằm giúp
các nước mới tái lập tại Tây Âu là một ví dụ và là kinh nghiệm lịch sử phát
triển trong việc chuyển đổi các xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp hiện
đại, và đã để lại những bài học quan trọng cho các nước đang phát triển. Đó
cũng chính là cội nguồn hình thành lý thuyết phát triển của Rostow [Rostow W. 1960].
Theo Rostow, việc chuyển đổi từ kém phát triển đến phát triển có thể được
nhận thấy trong hàng loạt các bước hay giai đoạn thông qua đó tất cả các nước
phải trải qua. Ông đã mô tả quá trình phát triển đó như sau: i) xã hội truyền
thống cũ, là giai đoạn đầu tiên của sự phát triển, như các xã hội săn bắn và hái
lượm của Adam Smith hay các xã hội phong kiến của Marx; ii) giai đoạn chuẩn bị
cất cánh, bắt đầu có sự tiết kiệm;
một số lĩnh vực sản xuất hàng hoá quan trọng với tiềm năng phát triển lớn
được chú ý và thực hiện đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng; iii) giai đoạn cất cánh, quan trọng nhất
trong 5 giai đoạn của mô hình Rostow, với 3 đặc điểm chính, đó là: sự gia tăng
tỷ lệ đầu tư sản xuất từ 5% hay thấp hơn, lên đến 10% hay nhiều hơn trong tổng
thu nhập quốc dân; phát triển một số lĩnh vực sản xuất quan trọng hơn với tỷ lệ
tăng trưởng cao; tồn tại và xuất hiện nhanh chóng của các khuôn khổ thể chế, xã
hội và chính trị làm nẩy sinh các động lực cho sự mở rộng khu vực hiện đại; iv)
hướng tới giai đoạn trưởng thành, trong giai đoạn này mọi
cản trở đối với giai đoạn cất cánh không còn nữa và xã hội đã tự đi vào con
đường tăng trưởng kinh tế bền vững; v) thời đại tiêu dùng hàng
loạt là giai đoạn cuối cùng, và khi đã đạt được tới giai đoạn này thì tất cả
các vấn đề mà các nước kém phát triển phải đối mặt cũng không cong nữa và các
xã hội sẽ đạt tới một giai đoạn tiêu dùng rộng lớn hơn [Rostow W. 1960].
________________________________
Còn nữa...
* Ghi chú: Bài viết được hoàn thành năm
2007, Đề tài Nghiên cứu cơ sở lý thuyết
cho việc xác định các ưu tiên trong phát triển bền vững vùng kinh tế, Viện
Phát triển Bền vững vùng Bắc Bộ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. ** Suốt ba năm lò mò theo lớp Kinh tế
học với Swinburne University of Technology tại Hà Nội là ba năm trời quên Khảo
cổ học để nuốt econometrics, thật chẳng khác nào đỉa nuốt vôi, giờ đây nghĩ lại
mà thất kinh và tự hỏi: làm sao mình có thể điên rồ đến mức đó?.
Tài liệu tham khảo
David B., Stanley F., Rudiger D. 2003. Economics, McGraw Hill 7th edition.
Domar
E. 1946. Capital Expansion, Rate of
Growth, and Employment. Published in Econometrica 14 (2): 137–47.
Grillet
G. 1989. Cơ cấu và chiến lược phát triển
kinh tế. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Hà Nội.
Harrod R. F. 1939. An Essay in Dynamic Theory. Published in
The Economic Journal 49
(193): 14–33.
Kaldor N. 1957. A Model of Economic Growth,
Economic Journal, 1957.
Lewis
A. 1954. Development with unlimited
supplies of labor, Published in Manchester School of Economics and Social
Studies 20:139–192.
Oshima,
Harry 1984. The growth of U.S. factor
productivity: The significance of new technologies in the early decades of the
twentieth century. Published in Journal of Economic History 44(1):
161–70.
Ricardo
D. 1817, 1821, 1978. Principles of Political Economy and Taxation (1817;
3rd edn. 1821); Marc Blaug, Economic Theory in Retrospect, 3rd edn. Cambridge
and New York: Cambridge University Press, 1978, chapter 4: “Ricardo’s System,”
pp. 91-112.
Rostow W. 1960. The Stages of Economic
Growth: A Non-Communist Manifesto. Cambridge, 1960.
Samuelson P. A., Nordhalls W. D. 2007. Kinh tế học, Nxb. Tài chính, Hà Nội.
Solow R. M. 1956. A Contribution to the Theory of Economic Growth. In Quarterly
Journal of Economics 70 (1):
65–94.
Sung Sang Park 1977. Growth
and Development: A Physical Output and Employment
Strategy.
Publisher, St. Martin's Press, 1977.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét