Powered By Blogger

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Khoa học vùng và Lý thuyết vùng kinh tế* (IV)



Khoa học vùng và Lý thuyết vùng kinh tế* (IV)

Hà Hữu Nga

1. Quan niệm về vùng kinh tế ở Việt Nam

Hiện tại ở Việt Nam định nghĩa vùng kinh tế của các học giả Liên Xô trước đây vẫn được sử dụng, trong số đó có định nghĩa của Alaev như sau: “Vùng kinh tế là một bộ phận lãnh thổ nguyên vẹn của nền kinh tế quốc dân, có những dấu hiệu sau: chuyên môn hoá những chức năng kinh tế quốc dân cơ bản; tính tổng hợp: được hiểu theo nghĩa rộng như là mối quan hệ qua lại giữa các bộ phận cấu thành quan trọng nhất trong cơ cấu kinh tế và cơ cấu lãnh thổ của vùng..., coi vùng như là hệ thống toàn vẹn, một đơn vị có tổ chức trong bộ máy quản lý lãnh thổ nền kinh tế quốc dân” [theo Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Văn Phú (Đồng chủ biên) 2006: 20]. Một trong những câu hỏi quan trọng nhất đối với vấn đề này là: cái gì tạo nên một vùng kinh tế? Các tác giả của một công trình nghiên cứu vùng quan trọng mới đây của Việt Nam cho rằng: “Cơ sở hình thành và phát triển vùng là các yếu tố tạo vùng, trong đó yếu tố tiền đề là phân công lao động theo lãnh thổ. Sự phân công lao động theo ngành đã kéo theo quá trình phân công lao động theo lãnh thổ. Yếu tố phân công lao động theo lãnh thổ là yếu tố lý giải quá trình tạo vùng.” [Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Văn Phú 2006: 20]. Để củng cố cho quan điểm của mình, các tác giả còn dẫn thêm một định nghĩa khác: “Một bộ phận lớn của lãnh thổ quốc gia có các hoạt động kinh tế xã hội tiêu biểu, thực hiện sự phân công lao động xã hội trên phạm vi cả nước. Đây là loại vùng có qui mô diện tích, dân số ở cấp lớn nhất, phục vụ việc hoạch định các chiến lược, các kế hoạch phát triển theo lãnh thổ cũng như để quản lý các quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên mỗi vùng của đất nước” [Viện Chiến lược phát triển 2004: 98].

Liên quan đến khái niệm vùng kinh tế còn có một số khái niệm quan trọng khác, được nhóm tác giả Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Văn Phú sử dụng trong công trình nghiên cứu của mình, đó trước hết là khái niệm vùng được dẫn lại từ các học giả Trung Quốc: Thôi Công Hào, Ngụy Thanh Tuyền, và Trần Tôn Hưng [2002]. “Vùng là một phần của bề mặt trái đất, nó dựa vào một hoặc nhiều loại tiêu chí phân biệt với phần lân cận”, “vùng là một phạm vi xác định nào đó của bề mặt trái đất” “vùng là không gian, là một trong các hình thức tồn tại của vật chất”. Nhóm tác giả Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Văn Phú cũng đưa ra định nghĩa riêng về vùng: “Trên giác độ quản lý đất nước, vùng được quan niệm là cấp trung gian giữa quốc gia và tỉnh, vùng bao gồm một số tỉnh và một quốc gia có một số vùng”. “Vùng là một khái niệm không gian, là hình thức kết cấu của vùng đất chiếm một không gian nhất định trên mặt đất, dựa vào điều kiện vật chất khác nhau làm đối tượng. Vùng có các thuộc tính cơ bản như sau: i) Một phần của bề mặt trái đất, chiếm không gian nhất định (không gian ba chiều). Một số không gian này có thể là không gian tự nhiên, không gian kinh tế, không gian xã hội...; ii) Có phạm vi và ranh giới nhất định. Phạm vi của nó có thể lớn, có thể nhỏ do căn cứ vào các yêu cầu khác nhau, hệ thống chỉ tiêu khác nhau để phân chia. Ranh giới của vùng thường có đặc trưng mang tính quá độ, là một “dải đất” biến đổi cả về lượng và chất; ranh giới vùng theo tự nhiên có lúc là đứt đoạn (còn gọi là không liền khoảnh), nhưng phần lớn có tính liên tục (liền khoảnh); iii) Có hình thức kết cấu hệ thống nhất định. Tính phân cấp hoặc tính nhiều cấp, tính phân tầng. Do vậy vùng có mối quan hệ giữa trên với dưới, dọc và ngang. Mỗi một vùng nhỏ là một phần hợp thành để tạo nên một vùng lớn hơn” [Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Văn Phú (Đồng chủ biên) 2006: 19]. 

Các tác giả trên cũng cho rằng cơ sở hình thành và phát triển vùng là các yếu tố tạo vùng, trong đó yếu tố tiền đề là phân công lao động theo lãnh thổ và phân công lao động theo ngành, trong đó phân công lao động theo ngành kéo theo quá trình phân công lao động theo lãnh thổ; và “phân công lao động xã hội theo lãnh thổ là yếu tố lý giải quá trình tạo vùng”. Để nhấn mạnh vai trò của yếu tố xã hội đối với vùng kinh tế, các tác giả trên đã chấp nhận khái niệm kép “vùng kinh tế - xã hội” và coi đó là “Một bộ phận lớn của lãnh thổ quốc gia có các hoạt động kinh tế - xã hội tiêu biểu, thực hiện sự phân công lao động xã hội trên phạm vi cả nước. Đây là loại vùng có qui mô diện tích, dân số ở cấp lớn nhất, phục vụ việc hoạch định các chiến lược, các kế hoạch phát triển theo lãnh thổ cũng như để quản lý các quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên mỗi vùng của đất nước” [Viện chiến lược phát triển 2004: 98]. So với cách quan niệm vùng kinh tế của hầu hết các quốc gia đã phát triển thì quan niệm về vùng kinh tế của các tác giả Việt Nam vừa được dẫn ở trên có khuynh hướng thiên về lượng, kế hoạch hoá, và mục đích quản lý. Ba qui chiếu thường được coi là quan trọng nhất và được nhấn mạnh nhất đó chính là: i) qui mô to nhỏ về mặt không gian địa lý, và điều đó liên quan đến thứ bậc trong hệ thống quản lý hành chính tập trung và thống nhất của quốc gia (trung ương - tỉnh - huyện – xã – thôn); ii) tương ứng với qui mô to nhỏ về địa lý là qui mô to nhỏ về dân số và liên quan chặt chẽ đến “phân công lao động xã hội” trên phạm vi quốc gia (cả nước); và iii) vùng và phân vùng có một mục đích rõ ràng là “phục vụ việc hoạch định các chiến lược, các kế hoạch phát triển theo lãnh thổ cũng như để quản lý các quá trình phát triển kinh tế - xã hội” [Viện chiến lược phát triển 2004: 98]. 

Rõ ràng là Việt Nam đang ở trình độ qui hoạch vùng từ trên xuống và còn phần nào gắn với cách nhìn bao cấp và biệt lập về vùng. Điều đó thể hiện mong muốn và ý chí của các nhà qui hoạch nhiều hơn là thực tiễn phát triển sôi động và có tính chất “tự mở đường” của các nhân tố kinh tế vùng và một quá trình tự phát hình thành vùng kinh tế bởi rất nhiều điều kiện về môi trường, vị trí địa lý, các mối quan hệ và các lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài vùng, trong và ngoài biên giới và lãnh thổ quốc gia, trong và ngoài ranh giới khu vực nhiều quốc gia, và các tương quan kinh tế, chính trị quốc tế. Trong bối cảnh đó nếu các nhà hoạch định chiến lược phát triển vùng kinh tế không đưa ra được định nghĩa rõ ràng thế nào là “phân công lao động xã hội theo lãnh thổ” thì người ta rất dễ có cảm tưởng là nền kinh tế Việt Nam nói chung và chiến lược phát triển vùng kinh tế của chúng ta là hoàn toàn biệt lập với khu vực và thế giới. 

2. Kinh tế vùng

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Chiến lược phát triển (thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư) thì “Kinh tế vùng và một trong những nội dung của nó là tổ chức sản xuất lãnh thổ”. “Tổ chức sản xuất lãnh thổ bao hàm cả việc phát triển và phân bố lực lượng sản xuất với các hình thức tổ chức của nó”. Trong quá trình phát triển của “Khoa học Kinh tế vùng” “nhiều hình thức tổ chức sản xuất lãnh thổ ra đời với nhiều tên gọi khác nhau: thể tổng  hợp sản xuất lãnh thổ hay phức hợp sản xuất lãnh thổ”. Trong lĩnh vực khoa học vùng, có hai khái niệm quan trọng, đó là khái niệm kinh tế vùng và khái niệm thứ hai là kinh tế học vùng, trong đó “Khoa học kinh tế vùng là tổng thể những nghiên cứu về phân vùng kinh tế, phân bố lực lượng sản xuất, tổ chức kinh tế theo lãnh thổ. Đối tượng của khoa học kinh tế vùng là tổng thể lực lượng sản xuất, những hiện tượng và quá trình kinh tế trong các hệ thống không gian của chúng, là vùng kinh tế và hệ thống vùng kinh tế các cấp. Khía cạnh lãnh thổ của khoa học kinh tế bàn đến sự hình thành và xác định các hình thức tổ chức sản xuất, đời sống xã hội theo lãnh thổ và một cơ cấu tổ chức không gian trong từng vùng, trong hệ thống vùng” [Ngô Doãn Vịnh (Chủ biên) 2006: 72].

Nhiệm vụ của kinh tế học vùng hay “khoa học kinh tế vùng” Việt Nam là: “Nghiên cứu tổ chức sản xuất lãnh thổ nhằm thực hiện những nhiệm vụ chính sau: i) Phân bố hài hoà về mặt địa lý trên vùng lãnh thổ nhất định những công trình công nghiệp, nông nghiệp, vận tải ở thành phố, nông thôn và những công trình khác - sự phân bố này cho phép đạt hiệu quả tối ưu về mặt kinh tế và xã hội trong thời kỳ dài; ii) Bố trí hợp lý dân cư trong giới hạn một vùng lãnh thổ nhất định và trong phạm vi cho phép, tạo điều kiện để nơi làm việc gần nơi ở, mà vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh và sức khoẻ...; iii) Bố trí cơ sở kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội như giao thông vận tải, thông tin liên lạc, viễn thông, hệ thống cấp thoát nước, cung cấp điện...và các điều kiện sinh hoạt khác nhằm thoả mãn nhu cầu chung của tổng thể và để sử dụng tối đa những nguồn tài nguyên tại chỗ; iv) Tổ chức môi trường sinh thái, làm giàu thêm và bảo vệ môi trường vùng nhằm nâng cao mức sống, cải thiện các điều kiện lao động của dân cư trong vùng” [Ngô Doãn Vịnh (Chủ biên) 2006: 72-73].
  
3. Phân vùng kinh tế

Để xác định thực chất phân vùng kinh tế, trước hết nhóm tác giả Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Văn Phú cho rằng: “Phân vùng là việc phân chia lãnh thổ đất nước ra những đơn vị đồng cấp, phục vụ cho một mục đích nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định”. “Nếu ta hiểu ‘vùng’ là một thực thể khách quan thì phân vùng là sản phẩm của tư duy khoa học dựa trên một số chỉ tiêu và phương pháp mà người nghiên cứu, người quản lý lựa chọn để phân định vùng”. “Phân vùng là một loại hệ thống hoá theo lãnh thổ, nó cùng với phân vị, phân loại, phân nhóm, phân kiểu giúp người nghiên cứu khái quát được một số nét về một không gian nào đó, từ đó có những dự báo cho không gian đó”. “Có hai cách phân vùng để xác định các vùng cho phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức lãnh thổ: - Cách thứ nhất: phân ngang theo lưu vực sông, theo ranh giới các vùng hành chính kinh tế. Cách phân vùng này gần phù hợp với cách phân vùng tổng hợp kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay; - Cách thứ hai: phân theo các dải lãnh thổ có địa hình giống nhau như giải đồng bằng và ven biển, dải trung du và cao nguyên, dải núi cao và biên giới” [Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Văn Phú (Đồng chủ biên) 2006: 21-22].

Một nghiên cứu khác của Việt Nam cũng đã khái quát “lý luận chung về phân vùng kinh tế” như sau: “Ranh giới của một vùng kinh tế là ranh giới mang tính kinh tế - xã hội – chính trị. Vì thế nó phải được vạch theo ranh giới hành chính của lãnh thổ...Nếu là vùng kinh tế của quốc gia thì phải vạch theo biên giới của các tỉnh. Ranh giới vùng kinh tế khác với ranh giới các vùng tự nhiên ở chỗ: ranh giới vùng tự nhiên có thể cắt ngang qua một tỉnh, hoặc huyện lỵ... Thế nhưng ranh giới một vùng kinh tế thì không thể cắt ngang qua một tỉnh. Không thể tồn tại vấn đề một tỉnh (một đơn vị hành chính) lại nằm ở hai vùng kinh tế khác nhau...Một vùng kinh tế phải bao gồm các tỉnh có chung biên giới (láng giềng với nhau) để tạo ra một đơn vị lãnh thổ thống nhất...Một vùng kinh tế phải thể hiện sự liên kết giữa các tỉnh láng giềng với nhau để tạo ra một tổng thể lãnh thổ phát triển kinh tế toàn diện với sự góp mặt của các ngành kinh tế chính yếu: Lâm nghiệp – Nông nghiệp – Công nghiệp - Dịch vụ. Và vì vậy lãnh thổ cần có sự kết hợp: miền rừng núi, miền đồng bằng, miền duyên hải với các đô thị và hải cảng, miền biển để có thể giao lưu với nước ngoài, sân bay để sử dụng đường hàng không” [Nguyễn Đức Tuấn 2004: 420-421]. 

4. Các vùng kinh tế Việt Nam

Từ năm 1976 đến nay, tuỳ theo đặc điểm của từng thời kỳ, Việt Nam đã đưa ra các hệ thống vùng kinh tế khác nhau, chẳng hạn như hệ thống 7 vùng nông lâm nghiệp, sau đó là hệ thống 8 vùng giai đoạn 1976-1980; hệ thống 4 vùng lớn và 7 tiểu vùng thời kỳ 1981-1985; hệ thống 8 vùng và ba vùng kinh tế trọng điểm từ năm 1986; và giai đoạn hiện nay là hệ thống 6 vùng kinh tế lớn và 3 vùng kinh tế trọng điểm: 1). Vùng Trung Du và Miền núi Bắc Bộ (Tây Bắc và Đông Bắc) gồm các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hoà Bình; 2). Vùng Đồng Bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh. 3). Vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ (còn gọi là Duyên hải miền Trung) và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận. 4). Vùng Tây Nguyên gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông và Lâm Đồng. 5). Vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm các tỉnh, thành phố: thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. 6). Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau [Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Văn Phú (Đồng chủ biên) 2006: 57-58]. 

Ba vùng kinh tế trọng điểm gồm: 1). Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, gồm 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Quảng Ninh (Quyết định phê duyệt năm 1998 không có Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, ba tỉnh này được bổ sung năm 2003). 2). Vùng kinh tế trọng điểm phía nam gồm 8 tỉnh, thành phố trực trung ương: thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. (Quyết định phê duyệt năm 1998 không có Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, các tỉnh này được bổ sung năm 2003). 3) Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (Quyết định phê duyệt năm 1998 không có Bình Định, tỉnh này được bổ sung năm 2003) [Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Văn Phú (Đồng chủ biên) 2006: 57-58].   

Ngoài ra Việt Nam cũng đã xác định các hệ thống vùng theo những chiều kích không gian khác như: i) theo chiều dọc đất nước, được gọi là các dải đồng bằng ven biển, kể cả vùng biển và hải đảo quốc gia, gồm 137 huyện, thị thuộc 28 tỉnh có biển trong cả nước; dải trung du và miền núi; ii) loại vùng khó khăn gồm 1715 xã, sau đó lên đến 2400 xã thuộc 47 tỉnh. Chúng ta cũng đã bắt đầu sử dụng các khái niệm khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế trong Luật đầu tư. Sau đây là một số loại hình đó: i) Hành lang kinh tế là “tuyến trục giao thông gắn với sự phân bố tập trung các hoạt động kinh tế dọc tuyến. Nhờ sự phát triển và phân bố như vậy đã tạo ra các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển toàn tuyến, làm cho các hoạt động kinh tế của tuyến trở thành động lực lôi kéo sự phát triển chung”; ii) Khu kinh tế là “lãnh thổ xác định mà ở đó tập trung các hoạt động kinh tế nhằm khai thác các lợi thế so sánh, đem lại lợi ích kinh tế và hiệu quả kinh tế - xã hội cao cho bản thân lãnh thổ dó và cho cả nước. Đến nay Việt Nam đã và đang hình thành các khu kinh tế Dung Quất, Cam Ranh, Vân Phong, Phú Quốc”; và iii) Khu sinh dưỡng công nghiệp là “khái niệm mới được sử dụng trong thời gian gần đây, được hiểu là một lãnh thổ có ranh giới xác định, tập hợp các hoạt động nghiên cứu cải tiến công nghệ, kỹ thuật chủ yếu phục vụ sự phát triển và đổi mới của các cơ sở công nghiệp đang hoạt động. Khu này liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học – công nghệ với các cơ sở sản xuất công nghiệp” [Viện Chiến lược phát triển 2004: 52 - 60].

5. Quan niệm về phát triển bền vững vùng kinh tế

Cho đến nay ở Việt Nam đã có một số công trình hệ thống hoá quan niệm phát triển bền vững vùng nói chung và phát triển bền vững vùng kinh tế nói riêng. Một trong số các công trình nghiên cứu đã thể hiện quan niệm đó như sau: “Phát triển bền vững là sự phát triển mang tính tổng hợp, với mục tiêu rõ ràng là vì con người, không chỉ là sự mở rộng cơ hội lựa chọn cho thế hệ hôm nay mà còn không được làm tổn hại đến những cơ hội lựa chọn của các thế hệ mai sau. Sự bền vững của phát triển được thể hiện cả ở khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Đó là quá trình gia tăng phúc lợi cho các thế hệ con người bằng cách gia tăng tài sản, bao gồm tài sản vật chất tài sản tài chính, tài sản con người, tài sản môi trường (nước sạch, không khí sạch, bãi cá, rừng cây, đất đai...) và tài sản xã hội (sự tin cậy lẫn nhau, khả năng liên kết, sự đảm bảo an ninh cho người và tài sản...). Trong thực tiễn, mỗi quốc gia để đảm bảo phát triển bền vững phải giải quyết ba mối quan hệ: tăng trưởng kinh tế đi đôi với đảm bảo các vấn đề xã hội; tăng trưởng kinh tế đi đôi với đảm bảo môi trường trong sạch; tăng trưởng kinh tế đi đôi với đảm bảo quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội. Phát triển bền vững trong phát triển vùng bao gồm: i) Phát triển bền vững về kinh tế: thể hiện phát triển có hiệu quả các nguồn lực hiện có của mỗi vùng, tăng qui mô của GDP, tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; i) phát triển bền vững về xã hội: đời sống tinh thần được nâng lên không ngừng về đảm bảo dịch vụ y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao, bình đẳng cơ hội việc làm, bình đẳng thu nhập hưởng thụ cho mọi tầng lớp dân cư của các vùng lãnh thổ; iii) phát triển bền vững môi trường: khai thác tài nguyên hợp lý, giảm thiểu lãng phí tài nguyên gây suy thoái; phát triển kinh tế xã hội luôn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái”. [Nguyễn Xuân Thu và Nguyễn Văn Phú (chủ biên) 2006: 22-23].

Có thể thấy rằng hệ thống quan điểm trên hoàn toàn thể hiện đúng tinh thần của định nghĩa về phát triển bền vững của WCED (Hội đồng Thế giới về Môi trường và Phát triển Liên hợp quốc) “là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau” và tiếp đó Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janneiro (Braxin) năm 1992 và Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg  (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002 xác định phát triển bề vững là sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa ba mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên) [Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2004: 5-6]. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng hệ thống quan điểm trên là tuyên ngôn của phong trào bảo vệ môi trường ở qui mô toàn cầu hơn là một hệ thống các luận điểm khoa học. Để làm cho tuyên ngôn mang đầy giá trị nhân văn và tính triết lý của phong trào trở thành một hệ thống luận điểm khoa học, giới học thuật thế giới còn phải tốn thêm rất nhiều công sức, và đó cũng không phải là ngoại lệ đối với Việt Nam. 

6. Đề xuất mô hình mới cho các vùng kinh tế Việt Nam

6.1. Tiêu chuẩn xác định mô hình vùng kinh tế: Trước khi đề xuất mô hình mới cho việc phát triển bền vững các vùng kinh tế Việt Nam, tôi muốn đưa ra một hệ tiêu chuẩn về tính bền vững của các mô hình vùng kinh tế như sau: i) tên gọi của mô hình phải phản ánh được một cách rõ ràng thực chất của mô hình đó; ii) mô hình đó phải tập hợp được đầy đủ các nhân tố tạo vùng; iii) mô hình đó phải khai thác được các lợi thế vùng; iv) mô hình đó phải thoả mãn tính tự qui chiếu; v) mô hình đó phải là một bộ phận hữu cơ trong tổng thể các vùng kinh tế quốc gia; vi) mô hình đó phải có yếu tố liên kết vùng, quốc gia, khu vực và thế giới; vii) mô hình đó phải thể hiện bản sắc vùng; viii) mô hình đó phải có tính khả thi; ix) mô hình đó phải có tính dự báo phát triển.

6.2. Xem xét các mô hình vùng kinh tế Việt Nam hiện tại: Khi xem xét mô hình vùng kinh tế Việt Nam hiện tại, tôi cho rằng ngoài những ưu điểm đã được phát huy trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là phục vụ cho chiến lược giảm nghèo, và xây dựng mạng lưới hạ tầng, hệ thống 6 vùng kinh tế lớn và ba vùng kinh tế trọng điểm cũng bộc lộ một số vấn đề cần được thảo luận kỹ hơn. Nếu đối chiếu với hệ tiêu chuẩn về tính bền vững của các mô hình vùng kinh tế ở trên thì một số loại vùng trong 6 vùng trên chưa thể hiện rõ chức năng và mục tiêu phát triển kinh tế.
Chẳng hạn mô hình 1: 1) Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (Tây Bắc và Đông Bắc) thì: i) trước hết tên gọi của vùng là không rõ ràng, người ta không biết “vùng trung du và miền núi Bắc Bộ”  là một vùng: trung du - miền núi, hay hai vùng: vùng trung du và vùng miền núi? Hơn nữa khái niệm “vùng trung du và miền núi” trong mô hình này được dùng để chỉ một vùng cụ thể, nhưng trên thực tế nó lại là tiêu chuẩn để phân loại địa lý, hoặc sinh thái, vì thế tên gọi ấy không nhất quán, và gây nhầm lẫn; ii) mô hình đó không tập hợp được đầy đủ các nhân tố tạo vùng, kể cả nhân tố có tính quyết định như vị trí của vùng ở đâu?, cùng những nhóm nhân tố tạo vùng quyết định khác về phương diện xã hội, con người, hạ tầng cơ sở và thể chế chính sách; iii) mô hình đó không cho thấy lợi thế vùng là gì đối với phát triển; iv) mô hình đó không có tính tự qui chiếu, vì nó không tồn tại với tư cách là một không gian vùng thống nhất, hơn nữa nó lại không phải là một vùng cụ thể, xác định; v) mô hình đó không phải là một bộ phận hữu cơ trong tổng thể các vùng kinh tế quốc gia, vì một điều đơn giản là tiêu chuẩn “trung du và miền núi” được sử dụng để phân vùng cho Bắc Bộ nhưng lại không được sử dụng để phân vùng cho miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, trong khi các vùng này cũng có “trung du và miền núi”; vi) mô hình đó không có yếu tố liên kết vùng, quốc gia, khu vực và thế giới, vì đơn giản là nó không tồn tại như một vùng cụ thể, xác định và thống nhất về không gian địa lý; vii) mô hình đó không thể hiện bản sắc vùng, vì ngay bản thân nó đã là hai loại hình khác biệt trung du và miền núi, không có bản sắc văn hoá nào chung cho hai loại hình địa lý này; viii) mô hình đó không có tính khả thi với tư cách là một mô hình phát triển, bởi vì nó không có yếu tố tạo vùng, không tồn tại ở một địa điểm cụ thể, không bản sắc, không lợi thế, không có khả năng liên kết; ix) mô hình đó không có tính dự báo phát triển, vì người ta không hình dung được nó ở đâu? là cái gì?

Mô hình 2: Vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, i) về tên gọi: người ta không biết nên hiểu đây là một vùng hay hai vùng. Nếu theo khung 6 vùng kinh tế thì đây là 1 vùng; nhưng nếu theo khung 3 vùng kinh tế trọng điểm thì đây lại là hai vùng, cách phân chia như vậy làm cho người đọc phải hiểu theo cách tuy hai mà một/tuy một mà hai; ii) mô hình không đảm bảo yếu tố tạo vùng, bởi vì tên gọi “vùng kinh tế trọng điểm” đã làm mất đi yếu tố tạo vùng quan trọng nhất là Thủ đô Hà Nội; iii) mô hình đó không thể hiện được lợi thế vùng với tư các là vùng thủ đô quốc gia; iv) mô hình đó không có tính tự qui chiếu, và không có cấu trúc, mà chỉ là mô hình tình huống nên không có tính bền vững; v) mô hình đó không phải là một bộ phận hữu cơ trong tổng thể các vùng kinh tế quốc gia, bởi vì nó vừa làm mất đi yếu tố thủ đô của Hà Nội, làm vừa làm mất đi yếu tố kinh tế biển của Hải Phòng và Quảng Ninh trong tên gọi, lại vừa mang tính tình huống; nó là tình huống bởi vì phương thức tạo vùng của Hà Nội (thủ đô - nội địa) sẽ khác với phương thức tạo vùng của Hải Phòng và Quảng Ninh (cảng – kinh tế biển); vi) mô hình đó không có yếu tố liên kết vùng, quốc gia, khu vực và thế giới, vì phương thức liên kết của Vùng Thủ đô với các vùng khác hoàn toàn với phương thức liên kết của Vùng biển với các vùng; vii) mô hình đó không thể hiện bản sắc vùng, vì tên gọi của nó vừa bỏ mất bản sắc văn hoá ngàn năm văn hiến của thủ đô lại vừa bỏ mất bản sắc văn hoá biển của Hải Phòng và Quảng Ninh; viii) mô hình đó không có tính khả thi, vì đơn giản là nó không tạo thành một vùng theo đúng nghĩa khái niệm vùng; ix) mô hình đó không  có tính dự báo phát triển vì không có yếu tố tạo vùng, không có yếu tố bản sắc, không có khả năng liên kết hữu cơ, và chắc chắn phương thức phát triển của Hà Nội sẽ khác hoàn toàn với phương thức phát triển của Quảng Ninh và Hải Phòng.

6.3. Đề xuất các mô hình mới: Dưới đây tôi thử đưa ra một phương án 12 vùng kinh tế: 1) Vùng kinh tế Đông Bắc (Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang); 2) Vùng kinh tế Tây Bắc (Phú Thọ, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái); 3) Vùng Thủ đô quốc gia (Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc); và 4) Vùng Đồng Bằng – Ven Biển Bắc Bộ (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình). 5) Vùng Bắc Trung Bộ: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế); 6) Vùng Trung Trung Bộ: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, 7) Vùng Nam Trung Bộ: Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận; 8) Vùng Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng; 9) Vùng Đông Nam Bộ: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh. 10) Vùng đô thị trung tâm thành phố HCM: thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An 11) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, 12) Vùng kinh tế ven biển cực Nam: An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Khi thay khái niệm vùng kinh tế trung du và miền núi bằng khái niệm vùng kinh tế đông bắc, vùng kinh tế tây bắc ít nhất thì người ta cũng sẽ thấy được hai điều: i) bản sắc văn hoá riêng của mỗi vùng: nói đến đông bắc là người ta nghĩ ngay đến đan xen văn hoá Tày, Nùng, Việt rất điển hình, nói đến tây bắc là người ta nghĩ ngay đến đan xen văn hoá Thái, Mường, H’Mông, Việt trong khi đó khái niệm trung du và miền núi không hề gợi lên được những khác biệt bản sắc như vậy; ii) lợi thế vị trí địa lý của mỗi vùng: đông bắc có lợi thế công nghiệp luyện kim, khai thác mỏ, khả năng phát triển các khu vực kinh tế biên giới với Trung Quốc, hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn – Hà Nội; nói đến tây bắc là nói đến lợi thế phát triển công nghiệp thuỷ điện; nói đến hành lang kinh tế Côn Minh, Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Hải Phòng, tương lai quan hệ kinh tế xuyên biên giới với Vân Nam (Trung Quốc), với Lào, và với khu vực Tiểu vùng Mê Kông phía bắc và hành lang kinh tế lớn Vân Nam, Lào, Miến Điện, Thái Lan ra biển Anamda, v.v... Những lợi thế đó khái niệm “vùng kinh tế trung du và miền núi” không bao giờ có thể gợi lên một cách cụ thể như vậy được.

Khi thay khái niệm vùng kinh tế trọng điểm bằng khái niệm vùng Thủ đô Quốc gia người ta sẽ thấy ngay những ưu điểm sau của mô hình: i) một khái niệm thủ đô đơn nhất sẽ được mở rộng thành khái niệm Vùng Thủ đô Quốc gia tối thiểu bao gồm thêm 4 tỉnh xung quanh; ii) việc xây dựng Vùng thủ đô Quốc gia thành một đầu tàu tăng trưởng là khả thi và cần thiết; iii) Vùng Thủ đô Quốc gia có sẵn lợi thế vị trí trung tâm các mối quan hệ kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quan hệ quốc tế; iv) lợi thế hạ tầng các dịch vụ giao thông vận tải; thông tin truyền  thông; ngân hàng tài chính; y tế giáo dục; nghỉ ngơi giải trí; v) lợi thế tập trung kinh tế và lợi thế của một thị trường đầu vào và đầu ra lớn nhất đất nước; vi) lợi thế thị trường lao động dày đặc và có chất lượng cao; vii) lợi thế liên kết kinh tế mạnh vì năm xu hướng tất yếu của nó là: đô thị hoá mở rộng, công nghiệp hoá mở rộng, hiện đại hoá mở rộng, quốc tế hoá mở rộng, và tri thức hoá sản xuất mở rộng; viii) lợi thế bản sắc văn hoá: nói đến Vùng Thủ đô Quốc gia là nói đến bản sắc văn hoá Việt Nam hàng ngàn đời kết tinh ở đó, trong khi đó mô hình tình huống “vùng kinh tế trọng điểm” không thể hiện được yếu tố tạo vùng quan trọng hàng đầu này; ix) mô hình này vừa có tính khả thi, vừa dễ thu hút vốn đầu tư lớn, lại vừa có tính dự báo phát triển, vì vậy rất dễ để xây dựng các chiến lược phát triển lâu dài và bền vững cho nó. Mô hình tình huống “vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ” không thể nào có được những ưu điểm đó.

Khái niệm vùng kinh tế Đồng Bằng – Ven biển Bắc Bộ có những ưu điểm sau: i) thể hiện vai trò quan trọng của kinh tế nông nghiệp, trong đó các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) có ưu thế vào loại hàng đầu. Nhưng trong một tương lai gần vùng này sẽ không phát triển nông nghiệp truyền thống mà là nông nghiệp hàng hoá, kết hợp với dịch vụ theo hướng phân đôi: i) đó sẽ là một vùng kinh tế sinh thái biển - nông nghiệp tổng hợp, bao gồm các hệ thống trang trại trồng cây lương thực và hệ thống vườn sinh thái, và các vùng kinh tế sinh thái ven biển; ii) phát triển kinh tế công nghiệp biển như các dịch vụ cảng biển, đóng tàu, giao thông vận tải biển, các tổ hợp nuôi trồng thuỷ hải - đánh bắt - chế biến hải sản với vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ nối với Quảng Đông (Trung Quốc) với vai trò hàng đầu của Quảng Ninh và Hải Phòng; iii) phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở và dịch vụ du lịch sinh thái – văn hoá – nghiên cứu biển: các khu bảo tồn sinh thái biển, du lịch, nghỉ ngơi giải trí, hệ thống các đại học và viện nghiên cứu liên quan đến biển và kinh tế biển); iv) tương lai vùng này sẽ phát triển những khu vực kinh tế biển xuyên quốc gia với các nước láng giềng như Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, và các tổ hợp kinh tế quốc tế khác.

Khái niệm Vùng đô thị trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, sẽ làm cho tương lai khu vực này từ một thành phố đơn nhất trở thành một vùng đô thị thế giới của Việt Nam, nhằm phát huy được lợi thế bản sắc vùng năng động nhất đất nước, tiếp thu cái mới nhanh nhất đất nước, lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi nhất đất nước, dân số đông nhất đất nước, lợi thế thị trường, lợi thế tập trung kinh tế, lợi thế hạ tầng cơ sở, lợi thế quan hệ khu vực và quốc tế, v.v...như một trung tâm tăng trưởng kinh tế lớn nhất của cả nước. Những lợi thế đó mô hình tình huống “vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” không bao giờ thể hiện được. Chỉ có xây dựng thành Vùng Đô thị trung tâm thì thành phố Hồ Chí Minh mới phát huy được hết mọi lợi thế để trở thành một thành phố thế giới, một đầu tàu tăng trưởng kinh tế lớn nhất của cả nước, một vùng kinh tế có năng lực cạnh tranh với khu vực và thế giới cao nhất của Việt Nam. Và chỉ có như vậy thì mới có thể thu hút được các khoản đầu tư quốc tế lớn và bền vững.

Tôi đề xuất khái niệm “Dải đô thị tăng trưởng ven biển miền Trung” thay cho khái niệm “Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” (gồm 5 tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Bình Định). Đề xuất này căn cứ vào một số thực tiễn sau: cấu trúc địa lý miền Trung dài dằng dặc, hoàn toàn khác với Bắc Bộ và Nam Bộ như vậy thì có rất ít căn cứ để chỉ chọn Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Bình Định làm vùng kinh tế trọng điểm. Và giả sử các tỉnh đó có thể trở thành đầu tàu tăng trưởng thì tác động lan toả tăng trưởng của 5 tỉnh đó với 9 tỉnh còn lại của miền Trung là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận như thế nào? Tại sao Khánh Hoà (với thành phố Nha Trang và cảng Cam Ranh), Nghệ An (với thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò), v.v... lại không thể thuộc vào vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung? Tóm lại, với đặc điểm địa hình miền Trung thì không nên chọn mô hình “vùng kinh tế trọng điểm”, bởi vì chắc chắn là hiệu ứng lan toả tăng trưởng của nó không những không cao, mà còn có thể rất thấp nữa.

Nhưng nếu chúng ta thay mô hình Vùng (Region, Area) bằng mô hình Dải (Belt) thì sẽ có một số ưu điểm sau: i) mô hình dải khắc phục được tính bất hợp lý của cách phân vùng tuy hai mà một/tuy một mà hai giữa vùng kinh tế miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; ii) khắc phục được tính không khả thi của mô hình vùng vì đặc điểm địa hình; iii) tận dụng được lợi thế sẵn có của vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng đô thị các tỉnh ven biển miền Trung; iv) phát huy hết được bản sắc văn hoá vô cùng đặc sắc của mỗi tỉnh miền Trung mà mô hình tình huống “vùng kinh tế trọng điểm” chỉ với 5 tỉnh không có cách nào làm nổi, đặc biệt là trong kinh tế du lịch và các ngành kinh tế công nghiệp biển và dịch vụ biển; v) vừa đảm bảo được tính công bằng và cân bằng giữa các bộ phận của vùng trong chiến lược phát triển miền Trung, vừa kích thích được tính cạnh tranh bình đẳng của các đô thị này trong tăng trưởng; vi) dễ dàng đầu tư để trở thành dải tăng trưởng ven biển miền Trung; vii) dễ dàng thu hút vốn đầu tư so với “vùng kinh tế trọng điển”; viii) dự báo được tương lai phát triển toàn bộ ven biển miền Trung thành dải kinh tế phát huy hết các lợi thế kinh tế biển, kinh tế du lịch sinh thái văn hoá theo cả chiều dọc chủ yếu là quốc nội, lẫn chiều ngang là lợi thế cảng biển đối với các nước Lào, Cămpuchia và Đông Bắc Thái Lan) và mở ra toàn bộ khu vực Đông Nam Á và thế giới.    

Tính bền vững của mô hình vùng kinh tế do tôi đề xuất: Đối chiếu mô hình các vùng kinh tế do đề tài đề xuất với các tiêu chuẩn trên, có thể thấy rằng: i) toàn bộ tên gọi của mô hình vùng kinh tế do đề tài đề xuất đều phản ánh một cách rõ ràng thực chất của mô hình mà không hề gây mơ hồ hoặc hiểu lầm nghĩa; ii) tất cả các mô hình đó đều tập hợp được đầy đủ các nhân tố tạo vùng đã được xác định; iii) tất cả các mô hình đó đều được xây dựng dựa trên khả năng khai thác các lợi thế của vùng; iv) tất cả các mô hình đó đều có tính tự qui chiếu, mà không phụ thuộc vào yếu tố ngoại sinh; v) tất cả các mô hình đó đều nằm trong một cấu trúc hữu cơ với toàn bộ các vùng kinh tế của cả nước; vi) tất cả các mô hình đó đều thoả mãn khả năng cho các loại liên kết nội vùng (liên kết ngang, liên kết trước, liên kết sau) và các loại liên kết ngoại vùng (liên kết với các vùng kinh tế khác, liên kết với nền kinh tế quốc gia, liên kết với các nền kinh tế khu vực và thế giới); vii) tất cả các mô hình đó đều bao quát hết và thể hiện rõ ràng bản sắc văn hoá riêng của từng vùng; viii) tất cả các mô hình trên đều có tính khả thi; ix) tất cả các mô hình đó đều có tính dự báo phát triển (trở thành vùng chuyên môn hoá, trở thành cực/trung tâm tăng trưởng, đô thị hoá vùng, trở thành Vùng Thủ đô quốc gia, trở thành vùng đô thị thế giới của đất nước...v.v), vì vậy nó tạo điều kiện cho việc xây dựng các chiến lược phát triển dài hạn và bền vững.    
_____________________________________________ 

* Ghi chú: Bài viết được hoàn thành năm 2007 cho đề tài cấp Bộ Nghiên cứu cơ sở lý thuyết cho việc xác định các ưu tiên trong phát triển bền vững vùng kinh tế, Viện Phát triển Bền vững vùng Bắc Bộ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, do tác giả làm Chủ nhiệm.

Tài liệu tham khảo

Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2004. Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam). Hà Nội tháng 8 năm 2004.

Ngô Doãn Vịnh, PGS. TS. (Chủ biên) 2006. Hướng tới sự phát triển của đất nước- Một số vấn đề lý thuyết và ứng dụng. (Sách tham khảo), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2006.

Nguyễn Đức Tuấn TS., 2004. Địa lý kinh tế học. Nhà xuất bản thống kê. Hà Nội.

Nguyễn Xuân Thu - Nguyễn Văn Phú (Đồng chủ biên) 2006. Phát triển kinh tế vùng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá (Sách chuyên khảo). Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2006.

Thôi Công Hào, Nguỵ Thanh Tuyền, Trần Tôn Hưng (biên tập) 2002. Phân tích và Qui hoạch vùng. Nhà xuất bản Giáo dục Đại học Trung Quốc. (Bản dịch tiếng Việt của Hàn Ngọc Lương, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Hà Nội).

Viện Chiến lược phát triển 2004. Qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2004.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét