Tri thức bản
địa và phát triển* (I)
Hà Hữu Nga
Theo
nghĩa rộng, nghiên cứu ứng dụng tri thức bản địa (IK – Indigenous Knowledge)
hay còn gọi là tri thức địa phương, tri thức truyền thống thuộc lĩnh vực nghiên
cứu phát triển. Đó là việc ứng dụng các phương pháp và lý thuyết phát triển vào
việc phân tích và tìm ra giải pháp cho các vấn đề thực tiễn, trong đó có nhân
học ứng dụng, một ngành của khoa học xã hội liên quan đến việc nghiên cứu và
ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào việc phân tích và giải quyết các vấn đề
thực tiễn phát triển hiện tại. Một số người coi nhân học ứng dụng là phụ bộ môn
thứ năm của nhân học, là một phụ bộ môn ứng dụng các quan điểm, lý thuyết, các
phương pháp và dữ liệu nhân học vào việc xác định, đánh giá và giải quyết các
vấn đề xã hội hiện tại. Các nhà nhân học ứng dụng thường thực hiện các hợp đồng
công việc với các khách hàng không thuộc lĩnh vực nghiên cứu hàn lâm, chẳng hạn
như các cơ quan chính phủ, các cơ quan phát triển, các tổ chức phi chính phủ,
các chương trình, dự án phát triển, các nhóm lợi ích, các cơ quan giáo dục,
dịch vụ xã hội và các doanh nghiệp. Thực địa dân tộc học và quan sát tham dự là
các công cụ nghiên cứu chính của nhà nhân học ứng dụng. Bên cạnh đó các nhà
nhân học ứng dụng còn sử dụng phương pháp phân tích văn bản, nghiên cứu khảo
sát và nhiều phương pháp nghiên cứu kinh nghiệm khác. [Benthall,
Jonathan 2002].
1. Khái niệm
Tri thức Bản địa
Tri
thức bản địa là các truyền thống lâu đời, các kinh nghiệm, thực tiễn sống
của một cộng đồng liên quan đến môi trường tự nhiên, xã hội, đời sống, tư duy của cộng đồng đó. Tri thức bản địa bao gồm các loại trí khôn, kinh
nghiệm, phong tục, lề thói ứng xử, các bài học của một cộng đồng. Tri thức bản
địa
được truyền từ thế hệ này
qua thế hệ khác, từ người này qua người khác, thông qua truyện kể, huyền thoại, văn học dân gian, các nghi lễ, lễ thức,
tập quán, lề thói, quy định, luật tục, v.v….
Tri
thức bản địa là loại tri thức truyền thống duy nhất của mỗi địa phương tồn tại
và phát triển trong các điều kiện, bối cảnh đặc hữu của người dân địa phương
của một khu vực địa lý nhất định. Việc phát triển các hệ thống tri thức bản địa
bao gồm toàn bộ các khía cạnh của đời sống, trong đó có cả hoạt động quản lý
môi trường tự nhiên là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với những con người đã
sáng tạo ra hệ thống tri thức này. Các hệ thống tri thức bản địa được tích luỹ,
đại diện cho kinh nghiệm, sự quan sát tinh tế, và phép thử sai của biết bao thế
hệ người tiếp nối nhau liên tục. Các hệ thống tri thức bản địa cũng không ngừng
biến đổi, tri thức mới liên tục được bổ sung. Các hệ thống tri thức ấy không
ngừng được đổi mới từ bên trong và các kinh nghiệm, tri thức học hỏi được từ
bên ngoài không ngừng được nội tại hoá, được sử dụng, thích ứng với điều kiện
địa phương. Tất cả các thành viên của một cộng đồng đều có những hiểu biết rất
chi tiết về điều kiện sinh thái truyền thống của mình, bất kể đó là người già,
đàn ông, đàn bà, thanh niên, hay trẻ em. Số lượng và chất lượng của tri thức
bản địa mà các cá nhân nắm được có khác biệt nhau tuỳ thuộc vào giới, tuổi tác,
mức độ được dạy dỗ, vị thế kinh tế, xã hội, mức độ trải nghiệm cuộc sống hàng
ngày, các tác động từ bên ngoài, vai trò, trách nhiệm trong gia đình, cộng
đồng, năng lực nghề nghiệp chuyên môn, quỹ thời gian, trí thông minh, năng lực
trí tuệ, mức độ ham hiểu biết và năng khiếu quan sát, khả năng di động, trình
độ tự chủ, năng lực kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên [Grenier 1997].
Tri
thức bản địa được lưu giữ trong ký ức, trong các hoạt động, thao tác và được
thể hiện trong các truyện kể, các bài hát dân gian, các tri thức dân gian, các
câu tục ngữ, các điệu múa, các truyện thần thoại, các giá trị văn hoá, các niềm
tin, các nghi lễ, lễ thức, các luật tục của cộng đồng, trong ngôn ngữ, trong hệ
thống phân loại sự vật, hiện tượng của địa phương, trong thực tiễn canh tác,
trong các vật dụng, phương tiện, chất liệu, trong các loài động thực vật mà
người dân địa phương hiểu biết và sử dụng. Tri thức bản địa được chia sẻ và
truyền bá thông qua ngôn ngữ nói, bằng các ví dụ cụ thể và thông qua luật tục,
tập quán, văn hoá của cộng đồng. Các hình thức giao tiếp và tổ chức của cộng
đồng có ý nghĩa sống còn đối với các quá trình ra quyết định ở cấp độ địa
phương; có ý nghĩa sống còn đối với việc bảo tồn, phát triển và phổ biến các
tri thức bản địa.
2. Khoa học hiện đại và tri thức
bản địa
Có
rất nhiều thách thức trong việc nghiên cứu ứng dụng tri thức bản địa liên quan
trực tiếp hoặc gián tiếp đến mối quan hệ giữa việc nghiên cứu một hệ thống tri
thức không chính thống (tri thức bản địa) bằng cách sử dụng hệ thống tri thức
thống trị (tri thức khoa học hiện đại). Trong khi đó thì thực ra hai hệ thống
tri thức này lại rất gần gũi với nhau so với sự khác biệt về hình thức của
chúng. Những tương đồng tri thức thể hiện xuyên suốt toàn bộ hai lĩnh vực, còn
các khác biệt thì chỉ thể hiện trong từng lĩnh vực mà thôi. Sự khác biệt rõ rệt
nhất giữa tri thức bản địa và tri thức khoa học hiện đại lại thể hiện ở mối
quan hệ của hai loại tri thức này với quyền lực thực thi phát triển, chứ không
phải là người nắm giữ tri thức bản địa thường khi vẫn đứng ngoài quá trình phát
triển [Agrawal 1996].
Một
số học giả và nhiều dân tộc bản địa đã cho rằng việc chia tách tri thức bản địa
khỏi khoa học hiện đại là không có ý nghĩa. Tuy nhiên tri thức bản địa chỉ thực
sự có được vị thế chính thống khi nó được biến đổi thích ứng với lý thuyết và
thực tiễn tri thức hiện đại phương Tây. Ngay cả khi các nhà khoa học và các
viên chức thúc đẩy tri thức bản địa thì họ cũng thường sử dụng các phạm trù và
các phương pháp khoa học để thu thập, phân biệt và định giá trị cho nó [Johnson
1992]. Một vấn đề có liên quan là cộng đồng khoa học thích xử lý các dữ liệu
định lượng hơn là phỏng vấn hoặc các dữ liệu định tính đặc trưng cho tri thức
bản địa, việc nghiên cứu tri thức bản địa và một số khoa học xã hội khác
[Sallevave 1994].
Nhìn
chung các vấn đề dưới đây xác định bối cảnh hiện thời của việc nghiên cứu tri
thức bản địa trong một thế giới do khoa học hiện đại phương Tây đặt định các
luật tắc: i) Tri thức bản địa thiếu vị thế chính thống và được nhận thức là nằm
ngoài phương pháp tìm hiểu khoa học truyền thống. Nhiều nhà khoa học môi trường
coi tri thức truyền thống là lỗi thời, phi phương pháp, phi định lượng, và mang
tính giai thoại; những người khác thì lại cho rằng tri thức bản địa thiếu tính
khách quan và tính nghiêm nhặt khoa học. Liên quan đến vấn đề này là những
người nắm giữ tri thức bản địa nhìn nhận tri thức của mình như thế nào. Một số
người dân địa phương có thể coi tri thức của riêng họ là ‘lạc hậu”; ii) Trong
xã hội vẫn có quan niệm phổ biến cho rằng những người được đào tạo chính thức
theo khoa học hiện đại vẫn đáng tin cậy hơn các chuyên gia tri thức bản địa
[Thrupp 1989, trích theo Wickham 1993]; iii) Khoa học phương Tây hiện đại là
“quy giản luận” có nghĩa là các hệ thống chỉ được thừa nhận và hiểu được bằng
từng phần biệt lập của chúng. Nó phân chia các đặc tính theo trật tự cao thấp,
kiểm soát, vận hành các hợp phần này một cách riêng rẽ và chia tách thế giới tự
nhiên khỏi thế giới của con người. Trong hệ thống khoa học hiện đại phương Tây
thì nông nghiệp bị tách khỏi lâm nghiệp; việc quản lý các nguồn động vật hoang
dã bị tách rời khỏi việc quản lý đất, và nước là môi trường sống của chúng, và
các nhà quản lý bị tách biệt khỏi những người khai thác. Tri thức bản địa nhấn
mạnh cách tiếp cận tổng thể dựa trên quan niệm cho rằng các hệ thống chứ không
phải là những bộ phận tách biệt mới là thực chất của thế giới. Phương thức luân
canh là một chiến lược kiếm sống không tách rời nông nghiệp khỏi lâm nghiệp;
tất cả mọi người dân địa phương đều tham gia vào công việc quản lý và khai thác
sản phẩm. Các nền văn hoá bản địa không bao giờ tách rời con người khỏi tự
nhiên; Đấng Tạo hoá thường được các nền văn hoá bản địa coi là người có trách
nhiệm đảm bảo duy trì trật tự vĩnh hằng của vũ trụ. Điều đó chứng tỏ rằng tri
thức bản địa hơn hẳn khoa học về phương diện nhận thức luận; và tri thức bản
địa luôn luôn được lồng ghép trong văn hoá. iv) Các kết quả của các dự án tham
gia dựa trên cơ sở tri thức bản địa ngày càng nhiều thêm và thực chất mang tính
định tính, làm cho việc đo lường mức độ thành công không phải lúc nào cũng dễ
dàng, nếu như cần phải đo lường mức độ thành công bằng cách sử dụng các chỉ báo
định lượng thường được ưu tiên sử dụng [Thrupp 1989, trích theo Wickham 1993].
Khoa
học hiện đại phương Tây luôn luôn biến đổi, và mọi huấn điều của nó đều phải
chịu sự thách thức, bao gồm cả duy lý luận, khách quan luận, quy giản luận, và
thực chứng luận, là thứ khẳng định rằng chỉ có những gì có thể kiểm tra và quan
sát được bằng thực nghiệm mới thực sự là khoa học [Hempel Carl G. 1950]. Nhiều học giả và người làm thực tiễn phát
triển đang cố gắng đưa các quan niệm tổng thể vào các lĩnh vực của mình nhằm
cải thiện tính tương tác của các hiện tượng sinh học, tâm lý, xã hội [Johnson
1992]. Nhưng hiện nay người ta có thể cho rằng việc sử dụng cách tiếp cận khoa
học để nghiên cứu tri thức bản địa vẫn là một khiếm khuyết. Các phương pháp
khoa học hiện đại tự thân chúng là quá đơn giản khó mà nắm bắt được tính chất
phức tạp của một hệ thống tri thức bản địa. Việc nghiên cứu tri thức bản địa
đòi hỏi phải nắm bắt được cả cái hữu hình lẫn cái vô hình.
Mặc
dù hiện có rất nhiều thách thức về mặt phương pháp luận đối với việc nghiên cứu
tri thức bản địa, nhưng lại vẫn chí có rất ít người quan tâm đến các yêu cầu
riêng đối với việc nghiên cứu tri thức bản địa. Whelan [trao đổi riêng với
Louise Grenier 1997] đã nắm bắt được những giá trị cốt lõi gắn liền với các
hoạt động nghiên cứu tri thức bản địa trong khuôn khổ 3Rs bao gồm: respect
(tương kính), reciprocity (tương nhượng), relationship (tương liên). Còn những
người khác thì nhấn mạnh 4 nguyên tắc sau:
i)
Thái độ thích hợp: Người nghiên cứu tri thức bản địa đòi hỏi phải có thái độ tự
phê và phải nhận rõ sự thiên vị của mình đối với tri thức công nghệ cao, đô thị
và khoa học hình thức. Trách nhiệm của người nghiên cứu tri thức bản địa là
phải ghi nhớ rằng các hệ thống tri thức bản địa cũng có thể thực sự giá trị,
hữu ích và giải pháp công nghệ thấp nhiều khi lại có tính thích hợp cao; ii)
Phương pháp thích hợp: Người nghiên cứu tri thức bản địa phải đảm bảo rằng các
phương pháp nghiên cứu phải thích hợp với các văn hoá, năng lực, và các yêu cầu
cũng như phải thể hiện một cách hiệu quả các quan điểm của người dân địa
phương; iii) Đa phương pháp: Công việc nghiên cứu tri thức bản địa đòi hỏi sự
kết hợp các kỹ thuật khác nhau nhằm tạo thuận lợi cho việc thu thập các loại dữ
liệu khác nhau và giúp khẳng định hoặc phủ định các phát hiện nghiên cứu bằng
các quá trình kiểm tra chéo hoặc phương pháp tam giác đạc. Việc kết hợp tốt các
phương pháp có thể giúp người nghiên cứu tiếp cận được với nguồn tri thức bị ẩn
giấu trong các chuẩn mực văn hoá hoặc các nhân tố kinh tế, chính trị, xã hội,
thể chế khác nhau; iv) Tham gia rộng rãi: Tham gia có nghĩa là công việc cuốn
hút được sự cộng tác, giúp đỡ của cả đàn ông, đàn bà, người già, trẻ em thuộc
mọi tầng lớp khác nhau và đòi hỏi cả người nghiên cứu lẫn người cung cấp thông
tin nỗ lực và nhiệt tình đóng góp cho công việc chứ không chỉ đơn thuần là tham
dự và trả lời các câu hỏi. Cách thức hiệu quả nhất để tìm kiếm được tri thức
tri thức bản địa của một cộng đồng là lôi cuốn được người dân tham gia rộng rãi
và nhiệt tình vào công việc của người nghiên cứu [Wickham 1993].
3. Các hạn chế của tri thức bản
địa
Tất
cả mọi hệ thống tri thức đều có các giới hạn và những điểm yếu, và tri thức bản
địa cũng không phải là ngoại lệ. Cả tri thức bản địa lẫn tri thức khoa học hiện
đại đều không thể thích hợp và chính xác cho mọi hoàn cảnh. Việc chấp nhận một
cách vô điều kiện khoa học hiện đại (chẳng hạn như công nghệ cách mạng xanh)
không phải là một thái độ khôn ngoan. Cũng hệt như vậy, việc chấp nhận mọi tri
thức truyền thống áp dụng vào thực tiễn cũng không phải là một thái độ khôn
ngoan. Đôi khi các dân tộc bản địa cũng mắc sai lầm trong việc quản lý và sử
dụng các nguồn của mình. Chẳng hạn theo Gadgil và cộng sự [Gadgil et al. 1993],
thì những người săn bắn và hái lượm du mục không gắn bó chặt chẽ với một địa
bàn cụ thể nào, trong lối sống của họ có thể không phát triển đạo lý bảo vệ môi
trường sinh thái. Trong thực tế, có một số thực hành IK không hiệu quả bằng các
công nghệ hiện đại. Tri thức bản địa có thể không chính xác bằng khoa học hiện
đại khi đo đếm hoặc thống kê các hiện tượng đòi hỏi tính chính xác cao. Các
thực nghiệm của nông dân bản địa thường không thể nào được thiết kế một cách
chi tiết và chính xác bằng công nghệ hiện đại. Các hoạt động thường bắt đầu
trong điều kiện mật độ dân số thấp thì giờ đây có thể không còn phù hợp nữa.
Các tri thức bản địa có thể không hoàn thiện hoặc không chính xác [McCorkle
1989, dẫn theo Wickham 1993].
Johanne
[1993] cho rằng một số văn hoá bản địa phát triển rất phong phú các đạo lý bảo
tồn môi trường sinh thái truyền thống; có những văn hoá khác thì có rất ít hoặc
không có mối quan hệ giữa các hoạt động của họ với hiện trạng môi trường của
mình; còn những văn hoá khác lại có đạo lý bảo tồn truyền thống, còn những văn
hoá khác thì lại bị tổn thương bởi những tác động từ bên ngoài. Như đã nói rõ ở
phần đầu, phương pháp luận nghiên cứu tri thức bản địa đã vay mượn và được
hưởng lợi từ đầu vào của một số chuyên ngành khoa học.
4. Vai trò của tri thức bản địa
trong phát triển
Mối
quan tâm của “những người bên ngoài” vào nguồn vốn tri thức “cũ” này xuất hiện
gần đây theo thứ tự của quá trình chính trị hoá các nhóm bản địa và các phong
trào về các quyền của người bản địa. Nhiều dân tộc bản địa đang đòi hỏi quyền
được lắng nghe trong các quyết định phát triển. Phong trào này thường bao gồm
cả đòi hỏi về việc thừa nhận chính thức về các quyền đối với đất đai và các
nguồn tài nguyên khác. Đồng thời hệ thống chính trị quốc tế và nhiều nhà nước
dân tộc cũng đã tỏ rõ thiện chí lằng nghe các nhóm dân tộc bản địa. Về phương
diện này, điều đó đã cải thiện khí hậu chính trị hỗ trợ cho các cuộc đối thoại
về tri thức bản địa. Một số chính phủ (Úc, Canada, Greenland, Mỹ) đã có các cơ
chế chẳng hạn như giải quyết các yêu sách về đất đai và thành lập các bộ phận
đồng quản lý các nguồn tài nguyên hỗ trợ cho các hệ thống tri thức bản địa bằng
cách hỗ trợ cho các chính quyền tự quản và quản lý chung các nguồn tài nguyên
thiên nhiên. (Mặc dù việc giải quyết các yêu sách về đất đai và các quyền bản
địa khác được coi là các phương diện chủ chốt của việc thừa nhận và chính thống
hoá tri thức bản địa, nhưng các sức ép của chính quyền tự trị và việc cung ứng
tài chính cho chính quyền đó đã gây khó khăn cho các chính quyền tự trị của
người bản địa nhằm phát triển khả năng sử dụng logic và trí tuệ bản địa của
riêng họ [Tester F.J. 1997. Khoa công tác Xã hội, Đại học British Columbia,
Vancouver, BC, Canada, thông tin cá nhân].
Ngoài
ra “công nghiệp đời sống” (các ngành công nghiệp thu lợi từ việc sử dụng các cơ
thể sống – công nghiệp nông hoá, dược, thực phẩm, và công nghiệp giống) và các
nhà phê bình về công nghiệp sống đã làm được rất nhiều việc nhằm làm rõ các giá
trị của tri thức bản địa trong quá khứ, hiện tại, và tương lai và những vấn đề
có liên quan đối với các dân tộc bản địa có hành vi ăn trộm tri thức bản địa
không có kiểm soát ở các nước đang phát triển. Sau đó tri thức bản địa còn được
tán dương là “một loại trí khôn tập thế thay thế đáp ứng được hàng loạt vấn đề
trong thời điểm mà các giá trị, chuẩn mực và luật tắc hiện tồn ngày càng trở nên
có vấn đề” [Berkes 1993, tr.7]. Nhu cầu về một loại hình trí khôn tập thể trong
các sáng kiến phát triển còn được hỗ trợ bởi các quan sát sau: i) Công nghệ
cách mạng xanh gắn liền với quá trình xuống cấp sinh thái, suy thoái kinh tế (ở
cấp độ địa phương) và các thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn ngày càng nghèo đi
vì hậu quả của hành động diệt trừ các loại thực phẩm truyền thống hoặc thay thế
bằng các thực phẩm phi truyền thống; ii) Qúa trình phát triển được kế hoạch hoá
và được thực hiện trong vòng 30 năm qua đã gây ra những áp lực chưa từng thấy
lên đất đai, các nguồn nước, các cánh rừng, và toàn bộ các nguồn tài nguyên
khác của hành tinh; iii) Một số giải pháp phát triển từ bên ngoài đều dựa vào
những giả định không chính xác và không khả thi về phương diện kinh tế, hoặc
không thể chấp nhận được về phương diện văn hoá, và thường xuyên bị chối bỏ
(chẳng hạn các kỹ thuật quá phức tạp hoặc đòi hỏi phải bảo dưỡng quá nhiều);
iv) Một số giải pháp kỹ thuật được đưa vào để giải quyết vấn đề đã không được
cấp địa phương chấp nhận và thường bị chối từ; v) Các can thiệp phát triển có
khuynh hướng đem lại lợi ích cho một số ít người từ các nhóm vốn đã tương đối
xung túc; vi) Một số quan điểm phê phán còn nhận ra rằng các cộng đồng tiếp
nhận sự trợ giúp phát triển được điều khiển từ bên ngoài đã trở nên ít có khả
năng xử lý được các vấn đề của nội bộ cộng đồng mình; vii) Quy trình lập kế
hoạch từ trên xuống đã thất bại trong việc thúc đẩy quản lý hiệu quả các nguồn
tài nguyên ở cấp địa phương.
Nói
tóm lại, kế hoạch hoá phát triển đã thất bại trong việc thực hiện khát vọng
phát triển bền vững. Trong một số trường hợp, “những kiểu phụ thuộc do thế giới
bên ngoài tạo ra bằng trật tự và mệnh lệnh (thông qua các đạo luật và các định
chế về tài nguyên) đã không thực sự đóng góp được cho phát triển. Các cộng đồng
nhận trợ giúp thường bị bỏ lại để tự lo các phương kế cho mình” [de Vreede
1996]. Những ý định phát triển bỏ qua hoàn cảnh, công nghệ, và các hệ thống tri
thức địa phương đều đã phung phí các nguồn lực khổng lồ về thời gian, của cải,
và công sức con người. So với nhiều công nghệ hiện đại thì các kỹ thuật truyền
thống đã từng trải qua thử thách và kiểm nghiệm đều chứng tỏ là hiệu quả, chi
phí thấp, có sẵn tại địa phương, và tương thích về phương diện văn hoá; và trong
nhiều trường hợp thì đều có cơ sở bảo tồn và xây dựng dựa trên các mô thức và
các qui trình của tự nhiên. Các cách tiếp cận khoa học công nghệ phương Tây tự
thân chúng là những phản ứng khiếm khuyết đối với một mạng thách thức vô cùng
phức tạp về các phương diện kinh tế, xã hội, môi trường, chính trị, văn hoá,
v.v…của ngày hôm nay. Hệ mẫu hỗ trợ “một công nghệ hoặc một hệ thống tri thức
thích hợp cho tất cả” đã trở nên mất thế. Các hệ thống tri thức bản địa đem đến
cho chúng ta những cách tiếp cận khác để giải quyết vấn đề. Mặc dù khoa học
phương Tây cố gắng tách biệt từng vấn đề riêng rẽ ra để thanh toán mối tương
liên của nó với nhiều nhân tố khác và để quy giản vấn đề vào một vài thông số
nhỏ hơn có thể kiểm soát được – nhưng các phương pháp tiếp cận truyền thống thì
lại thường xác định các vấn đề trong tính toàn thể của nó bao gồm tất cả các
mối tương liên và tính chất phức tạp của nó [Shankar 1996]. Chẳng hạn những
người làm trong lĩnh vực y học đang ngày càng thừa nhận tầm quan trọng của việc
làm cho toàn bộ các yêu tố vật chất, tinh thần, văn hoá – xã hội và tâm lý của
một con người trở nên mạnh khoẻ, hoàn thiện khi đề cập đến vấn đề y tế và chăm
sóc sức khoẻ. Mặc dù đây là một quan niệm khá mới mẻ đối với y học hiện đại,
nhưng cách tiếp cận tổng thể này lại rất quen thuộc và là cơ sở của các hệ
thống tri thức bản địa [Grenier 1997].
Càng
ngày các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển càng đồng ý rằng việc chú ý vào
các hệ thống tri thức bản địa sẽ có thể: i) Tạo ra được sự tôn trọng lẫn nhau,
khuyến khích sự tham gia của địa phương, và xây dựng được mối quan hệ đối tác
nhằm giải quyết các vấn đề chung; ii) Tạo thuận lợi cho việc thiết kế và thực
hiện các chương trình phát triển thích hợp về phương diện văn hoá, tránh được
chi phí tốn kém; iii) Xác định được các kỹ thuật nào có thể và cần phải chuyển
giao cho các vùng khác; iv) Giúp xác định các hoạt động thích hợp với việc tìm
tòi, thích ứng, và thực hiện các hoạt động phát triển; v) Giúp xây dựng một
tương lai bền vững hơn.
5. Tri thức bản địa sử dụng cho
phát triển bền vững
Phát
triển bền vững là “Phát triển đáp ứng được các nhu cầu của hiện tại mà không
làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai” [WCED 1987,
p. 43]. Phát triển nông lâm nghiệp và các nguồn tài nguyên bền vững có nghĩa là
“sử dụng, quản lý và bảo vệ cơ sở các nguồn tài nguyên và định hướng thay đổi
công nghệ nhằm đảm bảo đạt được và thoả mãn các nhu cầu không ngừng tăng lên
của con người, chẳng hạn như về thực phẩm, nhà ở, quần áo, chất đốt, v.v…- cho
các thế hệ hiện tại và tương lai” [Titilola 1995]. Uỷ ban Môi trường và Phát
triển Thế giới đã đề xuất 9 mục tiêu sau [WCED 1987]: i) Đảm bảo không ngừng
tăng trưởng; ii) Thay đổi chất lượng tăng trưởng; iii) Đáp ứng được các nhu cầu
thiết yếu về việc làm, thực phẩm, năng lượng, nước sạch và vệ sinh; iv) Đảm bảo
mức độ ổn định về dân số; v) Bảo tồn và làm tăng cơ sở các nguồn lực; vi) Tái
định hướng công nghệ và quản lý rủi ro; vii) Lồng ghép các môi quan tâm môi
trường và kinh tế vào quá trình ra quyết định; viii) Tái định hướng các quan hệ
kinh tế quốc tế; ix) Làm tăng mức độ tham gia vào quá trình phát triển. Phát
triển bền vững ở các cấp độ quốc gia và địa phương là sự vận hành của 5 biến số
sau [Matowanyika 1991]: i) Các nguồn lực lý sinh và kinh tế xã hội; ii) Các
nhân tố bên ngoài, chẳng hạn như các công nghệ sẵn có và các hệ tư tưởng phát
triển; iii) Các nhân tố bên trong, bao gồm các hệ thống niềm tin văn hoá – xã
hội và các cơ sở sản xuất và công nghệ địa phương; iv) Các nhân tố dân số dân
cư; và v) Các nhân tố kinh tế và chính trị [Grenier 1997].
Bất
cứ một chiến lược phát triển bền vững nào cũng phải tính đến toàn bộ các biến
số trên và sẽ phải đưa vào các nhân tố lao động, học tập, và cùng thực nghiệm ở
các cấp độ địa phương, vùng, quốc gia, và quốc tế. Trong khi đó thì ở cấp độ
địa phương, trung tâm điểm của phát triển bền vững là phải tập trung vào các
hoàn cảnh, tiềm năng, kinh nghiệm, và trí tuệ địa phương. Phát triển bền vững ở
cấp địa phương là tuỳ thuộc vào việc thực hiện các cơ chế trao quyền ở cấp địa
phương, và quốc gia. Ở cấp địa phương, chính quyền và người dân cần có
các nguồn bổ sung và cần có mức độ kiểm soát lớn hơn đối với các nguồn lực của
địa phương. Người sử dụng đất cần phải có sự đảm bảo chắc chắn về đất và quyền
sở hữu các nguồn lực - để khuyến khích các khoản tái đầu tư từ các khoản lợi
nhuận – và các chính sách kinh tế cải thiện các điều khoản thương mại liên quan
đến các thị trường ở phạm vi rộng lớn hơn. Người dân địa phương cũng cần phải
tham gia và tác động ảnh hưởng đến các quá trình ra quyết định ảnh hưởng đến
cuộc sống của bản thân và gia đình họ. Cần phát triển thể chế cấp thẩm quyền có
liên quan từ phạm vi quốc gia – vùng - tỉnh - đến địa phương. Ở cấp quốc tế,
cần tạo thuận lợi cho các mô thức thương mại và các thoả ước toàn cầu và giảm
các gánh nặng nợ nước ngoài cho các quốc gia đang phát triển [Krugmann
1996].
Cũng
cần phải lưu ý rằng việc lồng ghép tri thức bản địa vào thực tiễn phát triển và
áp dụng cho vấn đề phát triển bền vững thì không phải không có các rủi ro đối
với các dân tộc bản địa. Thường có những khác biệt lớn giữa hiệu quả do người
bản địa đạt được và người bên ngoài đạt được trong việc sử dụng tri thức bản
địa. Tri thức bản địa có thể được áp dụng vào vấn đề phát triển bền vững hoặc
vào hệ mẫu chủ đạo, bằng cách thúc đẩy các vấn đề không bền vững của thế giới
thông qua việc các công ty xuyên quốc gia sử dụng (hoặc lạm dụng) tri thức bản
địa [Tester 1997, thông tin cá nhân, 1997, tr.6].
6. Các lĩnh vực tri thức bản địa
cần nghiên cứu ứng dụng
Mặc
dù mỗi hệ thống tri thức bản địa bao gồm một tập hợp tri thức thống nhất, nhưng
các nhà nghiên cứu vẫn quan tâm đến việc học hỏi nhiều hơn về các hệ thống tri
thức truyền thống có khuynh hướng tập trung vào các khía cạnh cụ thể. Có rất
nhiều đề tài được nghiên cứu dưới cái nhãn tri thức bản địa. Vì vậy việc chuyển
tải các giá trị thực sự của tri thức bản địa cần quan tâm đến các lĩnh vực dưới
đây:
- Các hệ thống học tập
– các phương pháp phổ biến tri thức bản địa; các cách tiếp cận bản địa đối với
quá trình đổi mới và thực nghiệm; các trò chơi bản địa; và các chuyên gia bản
địa;
- Các tổ chức, cách thức kiểm soát
và cưỡng bức bản địa – các thể chế truyền thống trong quản lý môi trường; các thực
tiễn quản lý tài sản công; các quá trình ra quyết định truyền thống; các thực
tiễn giải quyết xung đột; các luật tục, các quyền, các cấm kỵ, và nghi lễ
truyền thống; cách thức kiểm soát cộng đồng đối với việc thu vén của cải, tài
nguyên.
- Cách thức phân loại và lượng hoá
bản địa – các định nghĩa và cách thức phân loại của một cộng đồng đối với
các hiện tượng, các thảm thực vật, và quần động vật bản địa; và các phương pháp
tính toán và định lượng truyền thống.
- Chăm sóc sức khoẻ
- chế độ dinh dưỡng, các hệ thống phân loại bệnh tật của con người; các phương
thuốc truyền thống và việc sử dụng cách cách chữa bệnh bằng thảo dược; các vị
trí phân bố của cây thuốc, thời gian thu hái, các bộ phận hữu ích nhất trong
các cây, con, chất liệu được sử dụng làm thuốc; các phương thức chế biến, bảo
quản, cất giữ.
- Chăm sóc vật nuôi
– các phương thức gây giống và phát triển vật nuôi; các loại cỏ lá và thức ăn
cho gia súc, các cách thức sử dụng truyền thống các loại thức ăn cho gia súc;
cách phân loại bệnh tật của gia súc; các bài thuốc thảo dược truyền thống;
- Nước
– các cách thức quản lý và phân phối nước truyền thống; các hệ thống bảo quản,
giữ gìn nước; các kỹ thuật thuỷ lợi truyền thống; việc bảo tồn các loại rừng,
cây để bảo quản, giữ gìn nguồn nước; việc quản lý, bảo tồn các thuỷ vực khai
thác thuỷ sản, đánh bắt cá;
- Đất
– các phương thức bảo quản và chăm sóc đất đai; việc sử dụng các loài động thực
vật để bảo quản và chăm sóc đất đai; các cách thức làm tăng độ màu mỡ của đất;
- Nông nghiệp –
các chỉ báo bản địa xác định thời gian thích hợp để chuẩn bị, trồng trọt, chăm
sóc và thu hoạch hoa màu; các phương thức chuẩn bị đất; các cách thức chọn, bảo
quản, xử lý và nhân giống (phơi khô, gặt đập, làm sạch, phân loại), tỉa giống;
các phương pháp bản địa trong gieo giống (vãi hạt, trồng xen; chuẩn bị và chăm
sóc cây giống; các hệ thống canh tác, thu hoạch mùa màng, bảo quản sản phẩm, xử
lý lương thực, bán ra thị trường, các hệ thống quản lý sâu bệnh và bảo vệ cây
trồng.
- Lâm nghiệp và Nương rẫy –
các kỹ thuật bản địa được sử dụng để tìm, chọn đất làm nương rẫy và các tiêu
chí được sử dụng để lựa chọn đất; các tiêu chí và kỹ thuật được sử dụng để bỏ
hoá đất rẫy; quản lý và sử dụng quá trình bỏ hoá; các phương thức bản địa hoá
công nghệ thâm canh; các thay đổi thích nghi với quá trình luân canh nương rẫy;
việc quản lý nương rẫy và sản phẩm nương rẫy; tri thức và phương pháp sử dụng
các loại lâm thổ sản và cây con trên rừng; các mối tương liên giữa các loài cây
cỏ với năng xuất hoa màu, độ phì nhiêu của đất.
- Các chủ đề khác
- nghề dệt và các nghề thủ công truyền thống bản địa; vật liệu xây dựng; chất
đốt; các công cụ, dụng cụ lao động; các biến đổi của các hệ thống tri thức,
công nghệ, kỹ thuật bản địa theo thời gian [Grenier 1997].
7. Các thách thức đối với hệ thống
tri thức bản địa
Do
những người bên ngoài ngày càng hiểu rõ về giá trị của các hệ thống tri thức
bản địa, cho nên người ta cho rằng các hệ thống tri thức bản địa, tính đa dạng
sinh học và tính đa dạng văn hoá (ba hệ thống tương liên với nhau) đang có nguy
cơ bị đe doạ tuyệt diệt. Tuy nhiên vẫn có một thực tế là một số loại tri thức
bản địa cũng bị mai một theo thời gian một cách tự nhiên khi các kỹ thuật và
công cụ đã bị cải biến hoặc không còn được sử dụng nữa; mức độ mai một của các
hệ thống tri thức bản địa ngày càng tăng tốc cùng với quá trình phát triển
nhanh chóng của dân số, sự nở rộ của hệ thống thị trường, các hệ thống giáo dục
quốc tế, quá trình suy thoái môi trường, cùng với các quá trình phát triển, tạo
ra các sức ép gắn liền với quá trình hiện đại hoá và đồng hoá văn hoá nhanh
chóng. Dưới đây là một vài ví dụ minh hoạ cho các cơ chế làm sói mòn các hệ
thống tri thức bản địa:
- Tốc
độ tăng nhanh dân số thường phụ thuộc vào quá trình nhập cư hoặc các chương
trình tái định cư của chính phủ trong các dự án phát triển ở quy mô lớn, chẳng
hạn như xây các đập thuỷ điện – trong trường hợp đó mức sống của người dân có
thể bị tổn thương. Trong tình trạng nghèo đói thì người ta dễ lựa chọn các cơ
hội đạt được trong ngắn hạn để đánh đổi những mất mát lâu dài về phương diện
môi trường. Với tình trạng nghèo đói ngày càng tăng thì những người nông dân
cũng không có nhiều thời gian và các nguồn lực để duy trì, gìn giữ, bảo tồn các
hệ thống tri thức bản địa thông qua các thử nghiệm và các quá trình đổi mới.
-
Việc gia tăng các hoạt động nông lâm định hướng thị trường tập trung vào một số
loại độc canh (cao su, cà phê, keo lai, v.v…) luôn luôn đi kèm với những mất
mát của các hệ thống tri thức bản địa thông qua những mất mát về tính đa dạng
sinh học và đa dạng văn hoá. Chẳng hạn các chính sách khuyến khích trồng các
giống mới gồm lúa nước hoặc lúa mì đơn tính sẽ làm mất giá trị đa dạng của các
loài đã thích nghi lâu dài với điều kiện địa phương.
-
Tình trạng dư thừa các loại thực phẩm thương mại làm cho tính đa dạng sinh học
của nhiều loài truyền thống trở nên không còn thích hợp nữa, nhất là các giống
loài có các đặc tính được bảo lưu qua một thời gian dài lựa chọn.
-
Trong ngắn hạn thì các loại đầu vào hoá học như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc
diệt cỏ, thuốc xử lý giống dường như đã làm suy giảm nhu cầu đa dạng giống loài
thích ứng với các điều kiện ngày càng khó khăn, góp phần lưu truyền tính đa
dạng giống loài của địa phương. (Tuy nhiên sự thất bại của công nghệ cách mạng
xanh cũng cho thấy rất rõ rằng quá trình đơn nhất hoá cũng chính là một chiến
lược nghèo nàn về dài hạn).
-
Với việc phá rừng, nhiều loài thảo dược đã ngày càng trở nên khan hiếm và có
nguy cơ bị tuyệt diệt (và tri thức hoặc văn hoá bản địa gắn với các loài thảo
dược này cũng sẽ biến mất theo).
-
Ngày càng có nhiều tri thức bản địa bị mất do những kênh giai tiếp truyền khẩu
bị mai một. Cả trẻ em lẫn người lớn đều không còn bỏ nhiều thời gian cho các
sinh hoạt truyền khẩu của cộng đồng nữa. Ngày nay các thế hệ lớn tuổi rất khó
trao truyền tri thức của họ cho các thế hệ trẻ.
-
Vì tri thức bản địa được lưu lại qua truyền khẩu nên nó rất dễ bị tổn thương vì
những biến đổi nhanh chóng của môi trường - nhất là khi người ta thay đổi chỗ ở
hoặc khi thế hệ trẻ mong muốn có những lối sống và các giá trị khác với tổ tiên
mình.
-
Người nông dân theo truyền thống thường bảo lưu nhiều loại hoa màu bằng phương
pháp tích trữ hạt giống, cây con giống trong chính các hộ gia đình hoặc thông
qua phương thức trao đổi trong mạng lưới cộng đồng hoặc ngoài cộng đồng. Ngày
nay một số mạng truyền thống này đã bị mai một hoặc không còn tác dụng nữa.
Trong
quá khứ, những người bên ngoài cộng đồng, chẳng hạn như các nhà khoa học xã
hội, khoa học tự nhiên, nông học, các nhà sinh học, các cường quốc thực dân
thường bỏ qua hoặc phỉ báng tri thức bản địa, cho đó là các quan niệm nguyên
thuỷ, sơ giản, bất động, không phải là tri thức, hoặc chỉ mang tính dân gian.
Sự hờ hững mang tính ịch sử đó (bất kể đó là nguyên nhân kỳ thị chủng tộc, dân
tộc trung tâm, hoặc chủ nghĩa hiện đại, với niềm tin tuyệt đối vào phương pháp
khoa học) đều góp phần làm mai một vốn tri thức bản địa vì không sử dụng hoặc
không ứng dụng các hệ thống tri thức này. Di sản kỳ thị này vẫn còn tồn tại đến
tận ngày nay, bằng chứng là nhiều nhà chuyên môn vẫn hoài nghi về các giá trị
đích thực của vốn tri thức bản địa. Ở một số quốc gia người ta còn chính thức
mô tả các văn hoá và phương pháp của tri thức bản địa là lạc hậu hoặc lỗi thời,
đồng thời với việc cổ vũ cho việc thiết lập một văn hoá và ngôn ngữ quốc gia
duy nhất với cái giá hy sinh các văn hoá thiểu số. Thông thường trong các nhà
trường người ta vẫn tỏ thái độ tiêu cực đối với các giá trị bản địa. Các nhận
thức của người bản địa (ngay cả hiểu nhầm) về các loài và về các hệ thống
truyền thống riêng của các nhóm bản địa cũng có thể cần phải được phục dựng.
Một số người dân và các cộng đồng địa phương đã đánh mất niền tin vào khả năng
tự cứu và ngày càng trở nên phụ thuộc vào các giải pháp bên ngoài để giải quyết
các vấn đề của cộng đồng mình [Grenier 1997].
______________________________________
Còn nữa...
PS. Hơn 20 năm
tham gia các dự án giảm nghèo và các dự án phát triển của Ngân hàng Thế giới
(WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với vị trí chuyên gia dân tộc thiểu số
tại các vùng xa xôi, hẻo lánh nhất của Việt Nam đã giúp tôi học hỏi được rất
nhiều điều từ những người Bahnar, Brâu, Bru-Vân Kiều, Chăm, Chăm Hroi, Châu,
Chu Ru, Cor, Êđê, Giáy, Giẻ, Ha Lăng, H’mông, Hrê, Jarai, Khmer, Khmu, Kơ Tu, Mạ,
M’nông, Mường, Nùng, Pa Hy, Pa Kô, Raglay, Rơ Măm, Sán Chay, Sê Đăng, Tà Ôi,
Tày, Thái, Thổ, Triêng, v.v...Những năm tháng sống với rừng, lại được trở thành
một đứa con của rừng là quãng đời không thể nào quên.
*
Ghi
chú: Bài
tham gia Hội thảo khoa học Nghiên cứu
một số giá trị tri thức bản địa, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy để
góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Ngãi 30/12/2009.
Tài liệu tham khảo
Agrawal, A. 1993. Removing ropes,
attaching strings: institutional arrangement to provide water. Indigenous
Knowledge and Develoment Monitor.
Benthall,
Jonathan 2002. The Best of Anthropology Today. London, New York:
Routledge, 2002.
Berkes, F. 1993. Traditional
ecological knowledge in perspective. In Inglis, J., ed., Traditional Ecological Knowledge: Concepts
and Cases. International Program on Traditional Ecological Knowledge;
International Development Research Centre, Ottawa, ON, Canada.
de
Vreede M. 1996. Identification of land
degradation levels at the grassroots. In Hambly, H.; Onweng Angura, T.,
ed., Grassroots indicators for
desertification: experience and perspective from eastern and southern Africa.
International Development Research Centre, Ottawa, ON, Canada.
Gadgil
M., Berkes, F., Folke C. 1993. Indigenous
knowledge for biodiversity conservation, Ambio, 22 (2-3), 151 – 156.
Grenier,
Louise 1997. Working with Indigenous
Knowledge – A Guide for Researchers. IDRC BOOKS. Ottawas – Cairo – Dakar –
Johannesburg – Montevideo – Nairobi - New Delhi – Singapore.
Hempel Carl G. 1950. Problems and Changes in the Empiricist Criterion of Meaning. In Revue
International de Philosophie 41 (1950), pages 41-63.
Johannes R.E. 1993. Integrating
traditional ecological knowledge and management with environment impact
assessment. In Inglis, J., ed., Traditional
Ecological Knowledge: Concepts and Cases. International Program on
Traditional Ecological Knowledge; International Development Research Centre,
Ottawa, ON, Canada.
Johnson
M. 1992. Research on traditional
environmental knowledge: its development and its role. In Johnson, M., ed.,
Lore: Capturing traditional environmental
knowledge. Dene Cultural Institute; International Development Research Centre,
Ottawa, ON, Canada. Pp.33-39.
Krugmann
H. 1996. Toward improved indicators to
measure desertification and monitor the implementation of the Desertification
Conservation. In Hambly, H.; Onweng Angura, T., ed., Grassroots indicators for desertification: experience and perspective
from eastern and southern Africa. International Development Research
Centre, Ottawa, ON, Canada.
Matowanyika
J.Z. 1991. Indigenous resource management
and sustainability in rural Zimbabwe: an exploration of practices and concepts
in commonlands. Development of Geography, University of Waterloo, Waterloo,
ON, Canada. PH.D thesis.
Sallevave
J. 1994. Giving traditional ecological
knowledge its rightful place in environmental impact assessment. CARC –
Northern Perspectives, 22 (1).
Shankar
D. 1996. The epistemology of the
indigenous medical knowledge systems of India. Indigenous Knowledge and
Develoment Monitor.
Thrupp
L.A. 1989. Legitimizing local knowledge:
from displacement to empowerment for Third World people. Agriculture and
Human Values, 6(3), 13-24.
Titilola
T. 1995. IKs and sustainable agricultural
development in Africa: essential linkages. Indigenous Knowledge and
Develoment Monitor.
WCED
(World Commission on Environment and Development) 1987. Our common future. Oxford University Press, New York, NY, USA., p.
43
Wickham
T.W. 1993. Farmers ain’t no fools:
exploring the role of participatory rural appraisal to access indigenous
knowledge and enhance sustainable development research and planning. A case
study of Dusun Pausan, Bali, Indonesia, Faculty of Environmental Studies,
University of Waterloo, ON, Canada. Master’s thesis, 211 pp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét