Powered By Blogger

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Nghiên cứu từ Kẻ của Trần Kinh Hòa vào năm 1950*



Nghiên cứu từ Kẻ của Trần Kinh Hòa vào năm 1950*

Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga

Kẻ là một từ tiếng Việt đã được rất nhiều học giả gia công giải thích, còn tôi thì thấy vẫn cần phải có một giải thích thuyết phục. Dưới đây là tóm tắt nghiên cứu của học giả Đài Loan Trần Kinh Hòa viết về từ này vào năm 1950.

[陳荊和 Trần Kinh Hòa, 越南東京地方之特稱 “Kẻ” – Việt Nam Đông Kinh địa phương chi đặc xưng “Kẻ”, 國力臺灣大學文史哲學報 – Quốc Lực Đài Loan Đại học Văn Sử Triết học báo  1 (1950): 201-235].

Tôi không rõ nguồn gốc của chữ kẻ, và tôi không chắc liệu nó có liên quan gì đến chữ cổ/gu như Trần Kinh Hòa viết trong bài của ông hay không. Vô số công trình đã đề cập đến từ này, và bài viết của Trần Kinh Hòa có lẽ không đem lại nhiều điều mới mẻ, nhưng nó lại là một công trình rất ấn tượng đối với một học giả trẻ viết vào năm 1950, và cho đến bây giờ nó vẫn rất đáng đọc.

Theo như tôi được biết, không giống với bài viết về từ “Giao Chỉ” mà tôi đã có đề cập đến, bài viết này chưa hề được dịch sang tiếng Việt. Vì vậy tôi có post kèm theo bản tiếng Trung. Đối với người không đọc được tiếng Trung tôi cung cấp một đoạn tóm tắt khá dài về sự diễn giải của ông dưới đây.   

Khái niệm kẻ của Trần Kinh Hòa:

Từ những thế kỷ cuối cùng TCN (Trước Công nguyên), các địa danh vùng châu thổ Sông Hồng đã được viết bằng hai từ tiếng Hán. Tuy nhiên cũng có các địa danh dân giã (tức là tiếng Việt hoặc một ngôn ngữ nào đó khác) chỉ có duy nhất một từ có một từ chỉ vật đứng trước, chẳng hạn như hồ, chợ, chùa. Các địa danh dân giã này có thể được phân loại theo ba cách:

1. Đôi khi là từ tương tự hoặc đồng âm với từ tiếng Hán được sử dụng để gọi địa danh đó.

2. Đôi khi là từ đồng nghĩa với từ tiếng Hán được sử dụng để gọi địa danh đó.

3. Cũng có trường hợp là từ không liên quan gì đến âm và nghĩa với từ tiếng Hán được sử dụng để gọi địa danh đó.

Trong khi đứng trước các địa danh dân dã là các từ chỉ vật như hồ, chợ, chùa, nhưng cũng có nhiều địa danh lại có từ kẻ đứng trước, trong đó có một địa danh nổi tiếng để gọi Hà Nội là Kẻ Chợ.

Tuy nhiên Trần Kinh Hòa lại tìm thấy nhiều ví dụ do các học giả Pháp đưa ra vào thế kỷ XX, cũng như các nhà truyền giáo Pháp viết vào thế kỷ XVII, XVIII (ông phải dựa vào các thông tin của người Pháp, bởi vì chính người Việt lại không ghi vào sử sách các địa danh đó, mà chỉ ghi bằng chữ Hán).

Các địa danh có từ kẻ đứng đầu được tìm thấy ở hầu khắp miền Bắc Việt Nam, nhưng càng vào miền Trung thì các địa danh kiểu ấy càng thưa dần, và đến miền Nam thì mất hẳn. Vậy thì vấn đề không hề là các địa danh ấy chỉ có ở “các vùng biên”. Một số ví dụ (tiếc là các từ ghi trong bài lại không ghi các dấu huyền, sắc, hỏi, nặng, ngã) địa danh được dẫn ra từ các vùng thuộc miền Bắc gồm có:

Ke Loi, Ke Tuom, Ke Noi, Ke Mai, Ke Chinh, Ke Bac, Ke Mle, Ke Som, Ke Blou, Ke Thap Tuc, Ke Dou Tri, Ke Vac, Ke Rua, Ke Coi, v.v...

Hầu hết các từ điển tiếng Việt sớm chỉ nói một cách đơn giản kẻ có nghĩa là “người”. Tuy nhiên theo bộ từ điển Dictionnaire Annamite-Chinois-Francais (Saigon: Trung Hoa, 1937) của Gustave Hue thì kẻ có nghĩa là một chữ số cho các làng và đứng trước tên làng. Lý giải đó không làm cho Trần Kinh Hòa thỏa mãn, vì vậy ông đã cất công tìm câu trả lời cho vấn đề này. Và ông đã có một phát hiện thú vị. Vào thế kỷ 17 xung quanh Hà Nội có bốn đơn vị hành chính lớn, ít nhiều tương ứng với bốn hướng mà các địa danh kia đã xác định là: Sơn Nam [Núi + hướng Nam], Sơn Tây [Núi + hướng Tây], Kinh Bắc [Thủ đô + hướng Bắc], và Hải Dương [Biển +Mặt trời].

Tuy nhiên một công trình bằng tiếng Pháp (Divers Voyages et Missions du P. Alexandre de Rhodes), công bố năm 1653 đã gọi bốn đơn vị hành chính ấy là Kenam [Kẻ Nam], Ketay [Kẻ Tây], Kebac [Kẻ Bắc], và Kedom [Kẻ Đông].

Vì vậy mà trong bản đồ thì các địa danh này được ghi chú bằng tiếng Pháp có nghĩa là “cư dân thuộc các hướng đông/tây/bắc/nam”, v.v...Chẳng hạn như “Ketay hoặc Cư dân (sic) phía Tây. Đó có lẽ là tên gọi dân giã của các vùng này, và các tên gọi ấy, bằng cách nào đó đã được dịch với nghĩa “cư dân” chứ không phải là địa danh.

Trong khi đó có thể chỉ là trường hợp sai sót trong bản dịch thì điều đó lại khiến cho Trần Kinh Hòa bắt tay vào tìm hiểu theo hướng kẻ có nghĩa là “người” hoặc “cộng đồng người”. Ông nhận ra rằng du khách châu Âu thời đó thường ghi chép về người Việt như là những “sơn man”, “ke moi” [Kẻ Mọi]. Trong tiếng Việt, mọi có nghĩa là man di, mọi rợ, và là một từ xúc phạm đối với những cư dân Tây Nguyên.  

Ông cũng lưu ý rằng kẻ được sử dụng hạn chế trong ngôn ngữ nói tiếng Việt để chỉ người, cộng đồng người. Có những thành ngữ như kẻ giầu người nghèo, trong đó kẻ được kết hợp với một từ tiếng Việt thông dụng là người.

Sau đó ông đã lạc sang vấn đề cấu trúc xã hội Việt Nam tiền hiện đại và cho rằng người Việt sống trong các làng quê đông đúc, chuyên môn hóa và kẻ có thể có nghĩa là “người”, nhưng là “một nhóm người” trong một môi trường làng như vậy. Nhưng thực ra trong cách sử dụng giới hạn của từ đó, thì kẻ đôi khi được dùng theo nghĩa đó, để chỉ một nhóm người thuộc bất cứ loại hình nào, chẳng hạn như kẻ chợ là nhóm người sống trong môi trường đô thị).

Quay trở lại với đề tài chính, Trần Kinh Hòa đã chỉ ra rằng có nhiều địa danh chính thức bằng chữ Hán ở Việt Nam bắt đầu bằng âm “k/g”. Đó là một loạt làng có chữ cổ/gu được ông liệt kê.

Ông trích dẫn công trình của học giả Trung Quốc 徐松石 Từ Tùng Thạch 泰族徨族粵族考 Thái Tộc, Choang Tộc, Việt tộc khảo (Yongning, Zhonghua shuju, 1946, 208-9) cho rằng chữ cổ/gu được sử dụng cho các địa danh có nguồn gốc Choang và đã được giải thích bằng nhiều cách từ nghĩa “Tôi” đến một vật chỉ loại hạng (cá), để biểu nghĩa ngọn núi không cây cối (mà ông gọi là “khau”, gốc của một từ rất thông dụng ở vùng Trung Thái Lan “khau”). Ông còn cho rằng các địa danh như vậy có thể thấy ở khắp An Huy đến Quảng Tây, là vùng cư trú của người Thái cổ. 

Từ Tùng Thạch cũng dẫn công trình của 徐延旭 Từ Diên Húc 越南輯略 Việt Nam Tập lược công bố năm 1877, trong đó có một bản đồ các quận huyện của Việt Nam thời nhà Minh đô hộ vào thế kỷ XV. Tên các quận huyện đó bao gồm: Cổ Bảng 古榜, Cổ Lão 古老, Cổ Lễ 古禮, Cổ Dũng 古勇, Cổ Nông 古農 (và nhiều địa danh khác bắt đầu bằng từ cổ/gu), Na Ngạn 那岸, Đa Cẩm 多錦, Tư Dung 思容, Điều Yên 調安. Theo Từ Tùng Thạch thì tất cả các từ cổ, nà (ruộng), đa, tưđiều đều là các từ tiếng Choang. Nhưng ông không nói rõ nghĩa của chúng.

Trên cơ sở các mối liên hệ với các cư dân nói tiếng Tày Thái mà Từ Tùng Thạch đã xác lập, Trần Kinh Hòa đã liên hệ từ cổ/gu với từ chỉ người trong tiếng Thái là “khon”. Ông cho rằng kẻkhon có chung một nguồn còn cổ chỉ là một cách chuyển dịch bằng tiếng Hán mà thôi.

Sau đó ông kê các từ chỉ người trong một số ngôn ngữ khác nhau. Thêm một số trường hợp khác gồm các từ kun, can và các từ sau: Thái Trắng: Ke (người lớn 25-40 tuổi, và trong trường hợp này ông dẫn “Dictionnaire Tay-blanc Francaise” BEFEO 40 (1940), 92.) của Georges Minot, [Tư liệu này không mấy thuyết phục vì chúng cũng có từ kun chỉ người/nhóm người (tr. 102)].

Thái Đỏ: Po Ke (đàn ông) và Me Ke (đàn bà) - R. Robert, Notes sur les Tay Deng de Lang Chang, Thanh-hoa, Annam (Hanoi: Impr. d’Extrême-Orient, 1941), 128. Tôi đã kiểm tra và thấy rằng còn có từ ke mo, “thầy mo” (tr. 129).

Tóm lại toàn bộ các thông tin trên là như sau: Chúng ta có các địa danh trải từ miền Trung Việt Nam đến An Huy, Trung Quốc được bắt đầu với từ cổ/gu , hoặc các từ có âm tương đồng khác. Từ Tùng Thạch và sau đó là Trần Kinh Hòa cho rằng đó là một từ tiếng Thái để chỉ người/ nhóm người.

Chúng ta cũng có tất cả các địa danh trong văn ngôn bắt đầu bằng từ kẻ ở miền Bắc và Trung Việt Nam. Trần Kinh Hòa và các học giả khác cho rằng từ này có thể có nghĩa là người/nhóm người.

Sau đó Trần Kinh Hòa kết luận rằng đó là một dấu ấn cho thấy trong lịch sử đã có người Thái sống tại vùng châu thổ Sông Hồng. Ngày nay tôi cho rằng các nhà ngôn ngữ học Thái chắc sẽ không đồng ý với quan điểm đó khi họ thấy các cộng đồng nói tiếng Tày Thái vẫn sống ở các vùng thuộc Quảng Tây cho đến khoảng 1000 năm SCN (Sau Công nguyên), rồi mới bắt đầu di cư ra khỏi vùng đó.
________________________________________

Nguồn: Chen Jinghe’s 1950 Study of Kẻ http://leminhkhai.files.wordpress.com/26Sep12/


* Ghi chú của người dịch: Tôi (Hà Hữu Nga) cũng đã đề cập đến nguồn gốc, âm và nghĩa của các từ kẻ, cổ, khả, cái, hải, tuy nhiên quan điểm của tôi hoàn toàn khác với Từ Tùng Thạch, Đào Duy Anh, Trần Kinh Hòa và hầu hết những người đã viết về vấn đề này. Ai quan tâm có thể tìm đọc trong bài Kattigara – Kinh đô huyền thoại Việt được posted tại Tiếng vọng Kattigara ngày 13/4/2012.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét