Powered By Blogger

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Khoa học vùng và phát triển* (I)



Khoa học vùng và phát triển* (I)

Hà Hữu Nga

1. Định nghĩa khái niệm vùng


Vùng là một thuật ngữ địa lý được sử dụng theo nhiều cách khác nhau tuỳ theo từng ngành khác nhau. Nhìn chung diện tích trung bình của một vùng đất hoặc nước nhỏ hơn diện tích một tổng thể (thế giới, quốc gia, lưu vực sông, rặng núi, v.v...), và lớn hơn một vị trí hoặc một địa điểm cụ thể. Một vùng có thể được coi như là một tập hợp các đơn vị nhỏ hơn, hoặc là một bộ phận của một tổng thể lớn hơn. Một vùng có thể được xác định bằng các đặc trưng vật chất, các đặc trưng xã hội - nhân văn, các đặc trưng hình thức, các đặc trưng chức năng, v.v... Là một cách mô tả các diện tích không gian, vùng là một khái niệm quan trọng và được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành khoa học khác nhau, trong đó mỗi ngành có thể mô tả các diện tích bằng những thuật ngữ vùng khác nhau. Chẳng hạn vùng sinh thái được sử dụng trong địa lý môi trường, vùng văn hoá trong địa lý văn hoá, vùng sinh học trong địa lý sinh học, v.v...Lĩnh vực địa lý nghiên cứu các vùng thì được gọi là địa lý vùng. Các vùng là những cấu trúc khái niệm cho nên chúng được quan niệm và được nhận thức rất khác nhau tuỳ theo từng bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, và từng cá nhân. 

Theo cách hiểu thông thường, một vùng là một bộ phận giới hạn của không gian trái đất. Đồng thời vùng còn được xem là những cấu trúc nhân văn có thể tự thể hiện bằng cả những cách thức hiện thực và tưởng tượng. Nhưng trên hết, vùng chỉ có ý nghĩa khi nó được tạo bởi các mối quan hệ giữa các tác nhân tạo vùng, mà trung tâm là các mối quan hệ xã hội, con người, môi trường và các nguồn của một vùng. Với cách quan niệm như vậy thì vùng tồn tại trong rất nhiều qui mô khác nhau, và việc phân vùng đã trở thành cách thức cơ bản để chia nhỏ thế giới về mặt không gian ngay cả trong thời đại cách mạng toàn cầu hóa về công nghệ truyền thông và giao thông đang không ngừng liên kết các tổ chức không gian nhân văn và rất nhiều mối gắn kết không mấy tương hợp lại với nhau như hiện nay. Cho đến nay khoa học vùng đã đề xuất nhiều khung lý thuyết nghiên cứu vùng với nhiều tên gọi khác nhau, chẳng hạn như: vùng hình thức, vùng chức năng; vùng đồng nhất, vùng phân cực; vùng trung tâm, vùng ngoại vi; vùng kinh tế, vùng hành chính, vùng kế hoạch; vùng đô thị, vùng nông thôn, vùng văn hoá, vùng ngôn ngữ tộc người v.v...Nhưng có lẽ khung lý thuyết phổ quát và hữu dụng nhất vẫn là đề xuất chia thành 3 loại vùng: 1) vùng thể chế; 2) vùng biểu thị mục tiêu; và 3) vùng cảm nhận [Ostergren 2004]. Khung lý thuyết đó sẽ được giới thiệu dưới đây:   

Vùng thể chế xuất hiện từ khi con người bước vào thời kỳ lịch sử và bắt đầu xây dựng các loại hình nhà nước khác nhau, và có lẽ đó là loại hình quản lý quen thuộc nhất đối với hầu hết các dân tộc. Về phương diện này nhà địa lý học Sack đã thể hiện một cách hết sức thuyết phục rằng việc thể chế hóa các vùng là một khuynh hướng cơ bản của việc xác định lãnh thổ nhân văn thường được thúc đẩy bởi nhu cầu thực hiện những mục tiêu hoàn toàn riêng biệt [Sack 1986, 1997]. Một khi đã được thể chế hóa, thì các vùng này nghiễm nhiên được thừa nhận là những thực thể hiện tồn với những ranh giới được xác định một cách rõ ràng trên giấy tờ, mặc dù trong thực tế không phải bao giờ các ranh giới đó cũng được xác định rõ ràng trên mặt đất. Vùng thường được thể chế hóa thành những hệ thống phân cấp, có thể được thể hiện bằng những cách thức khác nhau, chẳng hạn như các đơn vị hành chính liên bang, bang, quận, và các đơn vị hành chính địa phương ở Mỹ; hoặc các giáo phận, giáo khu, và giáo xứ thuộc Nhà thờ Công giáo La Mã, các vùng theo tỉnh ở các nước Đông Âu, v.v... [Ostegren 2005: 2].

Vùng biểu thị mục tiêu thường được các nhà khoa học, các nhà phân tích, các nhà lập kế hoạch, hoặc các nhà tổ chức tạo ra nhằm giảm thiểu tính chất phức tạp của cấu trúc không gian, phần nhiều là các không gian nhân văn sao cho có thể nhận thức và quản lý được dễ dàng hơn. Quá trình tạo ra các vùng biểu thị mục tiêu trong địa lý học cũng giống như quá trình phân loại tổng quát của hầu hết các bộ môn khoa học. Các vùng biểu thị mục tiêu bao gồm hai loại: vùng hình thức và vùng chức năng. Các vùng hình thức, còn được gọi là các vùng đồng dạng, chúng tương đồng hoặc đồng dạng liên quan đến các hiện tượng được lựa chọn ngẫu nhiên. Chẳng hạn như đó là những vùng đồi savane, những vùng trũng, những dải cát ven biển...vv; các vùng đó là sản phẩm tư duy của các nhà địa mạo, là người hiểu biết về các lĩnh vực có liên quan. Đó hoàn toàn là một khái niệm tri thức được định danh, không tồn tại độc lập với những con người đã tạo ra chúng. Các vùng chức năng đôi khi được gọi là nút cũng được định danh dựa trên cơ sở tính đồng nhất, nhưng trong trường hợp này người ta thường nhấn mạnh vào một vị trí trung tâm hoặc một điểm nút nào đó liên quan đến sự vận động, các hoạt động của con người, tư tưởng hoặc sự vật. Nói cách khác, toàn bộ các địa điểm trong vùng trải qua các tương tác về không gian với vị trí trung tâm hoặc nút nhiều hơn là với bất cứ vị trí nào khác. Trong trường hợp này sự sáng tạo vùng hoàn toàn phụ thuộc vào các tiêu chuẩn phân tích được xây dựng để đo lường mức độ tương tác bởi một nhóm người nào đó. [Ostegren 2005: 4].

Vùng cảm nhận: khác với vùng thể chế và các vùng biểu thị mục tiêu là những sáng tạo có mục đích của các nhà chức trách hoặc các nhà phân tích không gian, vùng cảm nhận được tạo ra một cách không chính thức. Chúng tồn tại thông qua nhận thức của công chúng và có thể không được hệ thống quan phương phê chuẩn. Vì vậy yếu tố trung tâm tạo nên vùng cảm nhận, quyết định sự tồn tại của vùng cảm nhận chính là bản sắc địa phương. Việc thừa nhận bản sắc của một vùng có thể phát sinh ra từ những người đang sống cả ở bên trong lẫn bên ngoài phạm vi vùng. Đó là tâm thức về một nơi chốn cụ thể nào đó. Việc xác định các vùng cảm nhận không giống với các kiểu loại vùng khác vì nó mang tính chủ quan nhiều hơn. Nhận thức về vùng có thể chỉ được kết nối một cách thụ động, và mức độ rộng lớn cũng như các ranh giới của vùng chỉ có thể được nhận thức hoặc được hiểu đại khái, chứ không phải bao giờ cũng được hiểu một cách chính xác tuyệt đối. [Ostegren 2005: 4]. Tuy nhiên vùng cảm nhận lại có một sức sống rất mãnh liệt của ký ức và thoại tích, của tâm thức và các hệ thống biểu tượng tạo nên một sự đồng nhất sâu sắc.


2. Một số loại vùng chủ yếu

Vùng sinh thái: Được các nhà khoa học định nghĩa là một bộ phận mặt đất rộng lớn có chứa một tập hợp các cộng đồng tự nhiên khác nhau về phương diện địa lý với các ranh giới xấp xỉ với ranh giới gốc của các cộng đồng tự nhiên trước khi thay đổi sử dụng vùng đất đó. Các vùng sinh thái: i) có chung đa số các loài và động thái sinh thái của chúng; có chung các điều kiện môi trường tương tự; và về phương diện sinh thái, tương tác bằng những cách thức quyết định nhằm duy trì sự tồn tại dài hạn của chúng. Động cơ để phân loại hệ sinh thái là ở chỗ các nguồn khan hiếm và ngày càng thu nhỏ lại đã buộc các nhà bảo vệ môi trường phải định hướng các hành động của con người nhằm ngăn chặn sự mất mát tính chất đa dạng sinh học, tình trạng phân bố bất cân bằng của các loài và các mối đe doạ đến sự tồn tại của chúng. Thật không may là khả năng tập trung chiến lược bảo vệ vùng sinh thái lại thường bị cản trở bởi tình trạng không có bất cứ một bản đồ đa dạng sinh học nào có thể giúp đưa ra giải pháp địa sinh đầy đủ để phản ánh được một cách chính xác sự phân bố phức tạp của các cộng đồng tự nhiên trên trái đất. Các khu sinh thái phản ánh sự phân bố của hàng loạt quần động vật và thảm thực vật rộng lớn trên toàn bộ hành tinh từ vùng sa mạc Sahara mênh mông ở Châu Phi đến đảo Clipperton nhỏ bé ở Đông Thái Bình Dương. Chúng được phân loại bằng một hệ thống tương tự với các lĩnh vực địa sinh và các quần xã. Các hệ sinh thái thể hiện các khu sinh vật khác nhau gắn kết chặt chẽ với các quần xã sinh vật và các vùng. Chúng cung cấp cho người nghiên cứu một khuôn khổ để so sánh giữa các đơn vị và việc xác định các khu sinh cư và các tập hợp loài đại diện. Hệ thống phân loại WWF (World Wildlife Fund) đã chia thế giới thành 14 quần xã sinh vật và 8 vùng địa sinh gắn liền với 867 vùng sinh thái. Có ba loại vùng sinh thái chính là vùng sinh thái trên cạn, vùng sinh thái biển và vùng sinh thái nước ngọt.

Loại hình vùng sinh thái trên cạn: được chia thành 8 vùng theo các ranh giới thảm thực vật và quần động vật chính được các nhà động vật và thực vật học xác định bằng cách phân biệt các cộng đồng động vật và thực vật chủ yếu với nhau. Các ranh giới vùng sinh thái nói chung tuân theo các ranh giới lục địa, những rào cản chủ yếu đối với sự phân bố thực vật và động vật. Tuy nhiên các ranh giới này không được xác định một cách rạch ròi hoặc được nhận ra một cách dễ dàng, chúng luôn luôn gây ra các tranh cãi. Các vùng sinh thái được phân chia theo các kiểu quần xã sinh vật là các cộng đồng thực vật chủ yếu của địa cầu được xác định bằng khí hậu và chế độ mưa. Các khu rừng, đồng cỏ và các sa mạc được phân biệt bằng khí hậu. Loại hình vùng sinh thái biển: là các khu vực đại dương thế giới bao gồm các kiểu khu sinh cư chủ yếu được xác định bằng các cực, các thềm biển, các biển tương ứng với các quần xã trên cạn. Các khu vực địa sinh chủ yếu tương đồng với 7 vùng sinh thái trên cạn đại diện cho các vùng lòng chảo đại dương rộng lớn. Việc phân loại các vùng sinh thái biển không được phát triển theo cùng một cấp độ chi tiết và toàn diện như các vùng sinh thái trên cạn, người ta chủ yếu liệt kê các vùng ưu tiên bảo vệ. Loại hình  vùng sinh thái nước ngọt: đại diện cho các khu sinh cư nước ngọt thuộc những vùng địa lý đặc biệt, bao gồm các dòng sông, các dòng suối, các hồ nước và các vùng đất ngập nước. Các vùng sinh thái nước ngọt phân biệt với các vùng sinh thái trên cạn là những vùng xác định các cộng đồng sinh vật trên đất, và các vùng sinh thái biển là các cộng đồng sinh vật dưới đại dương. Quỹ WWF xác định được 7 loại khu sinh cư chính của các vùng sinh thái nước ngọt gồm: các dòng sông lớn, các đầu nguồn sông lớn, các vùng tam giác châu sông lớn, các hồ lớn, và các vùng thung lũng khô. 

Vùng thuỷ văn: Các lĩnh vực thuỷ học (hydrology) và thuỷ văn học (hydrography) liên quan đến việc nghiên cứu và mô tả nước trong môi trường. Thuỷ học nước bề mặt tập trung vào các dòng sông, suối, hồ, các vùng đất ngập nước, và các loại nước bề mặt khác, khác với nước ngầm. Thuỷ học là một lĩnh vực rộng lớn với nhiều chủ đề nghiên cứu, bao gồm cả việc phác thảo các vùng dựa trên cơ sở thuỷ văn nói chung. Có nhiều hệ thống định nghĩa các vùng nước bề mặt. Một loại vùng cơ bản của các dòng thuỷ lưu là lưu vực hoặc lưu vực sông. Tầm quan trọng đặc biệt của các vùng lưu vực sông là chúng thường trực tiếp gắn liền với các vùng lịch sử, kinh tế, văn hoá, chính trị rất lâu đời. Chính vì vậy người ta thường gắn các lưu vực với các nền văn minh lâu đời nhất, lớn nhất trên thế giới, chẳng hạn nền văn minh sông Nil của người Ai Cập, nền văn minh sông Hằng của người Ấn Độ, nền văn minh sông Hoàng Hà – Dương Tử của người Trung Quốc, nền văn minh sông Hồng của người Việt, v.v...Ở Mỹ, vùng thuỷ vực Vịnh Hudson được định nghĩa về phương diện chính trị là Rupert’s Land, lãnh thổ lịch sử của Công ty Vịnh Hudson. Các đường ranh giới giữa các lưu vực sông được gọi là các đường phân thuỷ thường được sử dụng làm các ranh giới chính trị hành chính. Khái niệm lưu vực sông được mở rộng dựa vào các hệ thống phân cấp các đơn vị thuỷ học. Ở Mỹ người ta đã cố gắng phác thảo các đơn vị thuỷ học theo hệ thống phân loại 6 cấp bao gồm toàn bộ cả nước và gắn liền với một tiêu chuẩn được gọi là “Chuẩn phân chia ranh giới các đơn vị thuỷ học liên bang”. Sáu cấp vùng đơn vị thuỷ học được đặt tên từ lớn nhất đến nhỏ nhất là các vùng, các tiểu vùng, các lưu vực, các phụ lưu, các thuỷ vực, và các tiểu thuỷ vực. Tại Mỹ hệ thống này xác định 21 vùng đơn vị thuỷ học (HU - hydrologic unit) 222 tiểu vùng, 352 lưu vực, và 2149 phụ lưu vực. Việc phân chia các thuỷ vực và tiểu thuỷ vực chưa hoàn thành, nhưng ước tính có khoảng 22.000 thuỷ vực và 160.000 tiểu thuỷ vực trong toàn Liên bang. 

Vùng lịch sử: Lĩnh vực địa lý lịch sử tham gia vào việc nghiên cứu lịch sử con người vì nó liên quan đến các vị trí và các vùng, hoặc ngược lại, nó nghiên cứu quá trình và cách thức thay đổi của các vị trí, các vùng theo thời gian. D.W. Meinig, một nhà địa lý lịch sử Mỹ đã mô tả nhiều vùng lịch sử trong cuốn sách Tạo hình nước Mỹ: một viễn cảnh địa lý 500 năm lịch sử. Chẳng hạn trong việc xác định các vùng nguồn nguyên vật liệu châu Âu trong giai đoạn đầu thực dân địa Mỹ, ông đã định nghĩa và mô tả “Vùng Tin lành Đại tây dương Tây Bắc Âu”, bao gồm các khu vực như “Cộng đồng Western Channel”, được tạo bởi các tiểu vùng như “Vùng đất miền Tây thuộc Anh” gồm Cornwall và Devon. Trong khi mô tả các vùng lịch sử Mỹ, ông cũng đã viết về “Đại Ngư trường” ngoài khơi Newfoundland và New England, một vùng đại dương bao gồm các dải đất mênh mông được gọi là Grand Banks. Ông phản đối cách sử dụng các vùng được sử dụng một cách truyền thống trong việc mô tả lịch sử Mỹ như New France, West Indies, Middle Colonies, và các vùng thực dân địa riêng rẽ như tỉnh Maryland chẳng hạn. Thay vào đó ông viết về “các vùng thực dân địa cụ thể”, có thể có tên gọi, nhưng ít khi gắn liền với các ranh giới chính trị - hành chính. Các vùng lịch sử được Meinig đề cập đến bao gồm "Greater New England" và các tiểu vùng Plymouth, New Haven Shores bao gồm cả các bộ phận thuộc Long Island, "Rhode Island" (hoặc "Narragansett Bay"), " Piscataqua", "Massachusetts Bay", "Connecticut Valley", và ở một mức độ ít hơn, các vùng trong phạm vi ảnh hưởng của Greater New England, "Acadia" (Nova Scotia), "Vùng đất mới và Vùng Ngư trường/ Vùng duyên hải". Ở Việt Nam các vùng lịch sử được khai thác rất phổ biến trong ngôn ngữ khoa học cũng như trong đời sống thường nhật. Người dân Việt Nam không ai không biết những loại vùng thời Hùng Vương như Tây Âu, Lạc Việt, Việt Thường, rồi vùng được gọi là “Bộ”, với 15 bộ, sau đó là Châu như Phong Châu, Lục Châu, Hoàng Châu, Châu Hoan, Châu Ái. Mới đây là các tên gọi mới như “Vùng Đất tổ”, vùng Quê lụa, vùng quê Năm tấn, vùng Kinh Bắc, hoặc các tên gọi khác của vùng cũng rất phổ biến, đặc biệt là “xứ” là cách gọi vừa theo lối địa lý cổ vừa theo lối địa danh: Xứ Bắc, Xứ Đông, Xứ Đoài, Xứ Sơn Nam Hạ, Xứ Thanh, Xứ Nghệ, Xứ Quảng; vùng được gọi theo lối địa lý mới như: vùng Đông Bắc, vùng Tây Bắc, vùng Việt Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Trung Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Nam Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ, v.v... 

Vùng văn hoá: Vùng văn hoá là một thuật ngữ được sử dụng chủ yếu trong nghiên cứu địa lý học. Các văn hoá khác nhau thường không giới hạn phạm vi của chúng vào trong các biên giới quốc gia hoặc vào những đơn vị nhỏ hơn quốc gia. Để vạch ra được bản đồ một văn hoá người ta thường phải xác định một “vùng văn hoá” thực thụ và khi thực hiện công việc đó có thể nhận thấy rất rõ là nó có rất ít mối quan hệ với các đường biên giới luật pháp được các cơ quan hải quan, biên phòng, các hiệp ước, các hiến chương vạch ra. Có những loại vùng văn hoá khác nhau mà một bản đồ văn hoá có thể mang tên, chẳng hạn như vùng văn hoá tôn giáo và văn học dân gian có thể khác biệt ít nhiều với vùng văn hoá ngôn ngữ tộc người, vùng văn hoá kiến trúc chẳng hạn. Nhưng nhìn chung các loại vùng văn hoá thường gắn liền với các ranh giới địa lý. Cho đến nay các nhà địa lý học vẫn sử dụng rộng rãi ba khái niệm vùng tổng quát để nghiên cứu các vùng văn hoá: vùng hình thức, vùng chức năng và vùng ngôn ngữ. 

Vùng văn hoá hình thức bao gồm những cư dân có chung một số đặc điểm văn hoá chẳng hạn như ngôn ngữ, tôn giáo hoặc các hệ thống sinh kế. Nó là một vùng tương đối đồng nhất liên quan đến một hoặc một số đặc điểm văn hoá chung. Vì các văn hoá thường đan xen và chồng chéo với nhau cho nên các ranh giới phân biệt vùng văn hoá không phải bao giờ cũng rõ ràng, ngay cả khi chỉ vẽ bản đồ về một đặc điểm văn hoá duy nhất nào đó. Vì vậy có thể nhận thấy các khu vực hoặc các vùng văn hoá dễ hơn là vạch ra các ranh giới văn hoá. Các vùng này được mở rộng bằng mỗi đặc điểm văn hoá bổ sung, vì không thể có hai đặc điểm cùng phân bố trong một không gian. Kết quả là thay vì có các ranh giới rõ ràng, các vùng văn hoá hình thức lại thể hiện một trung tâm hoặc một lõi bao gồm tất cả các đặc điểm nhất định. Bên ngoài vùng lõi, các đặc trưng yếu dần và biến mất. Vì vậy nhiều vùng văn hoá hình thức thể hiện một mô thức quan hệ trung tâm - ngoại vi khá điển hình.  

Các vùng văn hoá chức năng: dấu hiệu phân biệt của một vùng văn hoá hình thức là tính đồng nhất văn hoá. Nó trừu tượng chứ không cụ thể. Ngược lại, một vùng văn hoá chức năng không cần phải đồng nhất về phương diện văn hoá; thay vào đó, nó là một vùng được tổ chức để thực hiện chức năng kinh tế, chính trị hoặc xã hội với tư cách là một đơn vị. Một thành phố, một bang độc lập, một tỉnh, một giáo khu hoặc giáo xứ, một khu thương mại hoặc một vùng nông trang. Các vùng văn hoá chức năng có các điểm nút hoặc các điểm trung tâm trong đó các chức năng được điều phối và được hướng dẫn. Chẳng hạn các hội đồng thành phố, các thủ đô quốc gia, các đơn vị bầu cử theo thôn xã, quận huyện, các nhà thờ giáo xứ, các nhà máy, và các ngân hàng. Theo nghĩa đó các vùng chức năng cũng có một cấu trúc trung tâm - ngoại vi giống như các vùng văn hoá hình thức vậy. Nhiều vùng chức năng được vạch ranh giới rõ ràng bao gồm toàn bộ một vùng đất thuộc quyền của một chính quyền đô thị riêng biệt; được xác định rõ ràng trên bản đồ vùng bằng một tuyến phân biệt giữa khu vực hành chính này với khu vực hành chính khác.

Các vùng văn hoá ngôn ngữ: là loại vùng tồn tại phụ thuộc vào nhận thức của cư dân sống trong vùng đó như đã thấy phổ biến cùng với việc sử dụng tên vùng đặc biệt. Một số vùng ngôn ngữ được phân biệt dựa trên các đặc điểm môi trường vật chất; các loại vùng khác được xác định dựa trên các đặc trưng lịch sử, chính trị, hoặc kinh tế. Các vùng ngôn ngữ giống như hầu hết các vùng văn hoá, nhìn chung không có những ranh giới rõ ràng, và các cư dân của một vùng nào đó có thể khẳng định quyền cư trú trong các vùng như vậy. Nó phát triển vượt khỏi ý thức của mọi người về sự gắn kết và việc xác định bằng một vùng riêng biệt, chẳng hạn một vùng riêng biệt ở “Dixie” Hoa Kỳ. Cho đến nay các vùng chức năng thường không được tổ chức một cách đầy đủ, mặc dù chúng có thể tập trung xung quanh một điểm nút đô thị duy nhất, và chúng thường không thể hiện tính đồng nhất văn hoá đặc trưng cho các vùng hình thức.

Vùng tộc người: Thường thể hiện dưới hình thức các nhóm tộc người, trong khi đó một nhóm tộc người hoặc một tộc người là một nhóm cư dân bao gồm các thành viên đồng nhất với nhau dựa trên cơ sở phả hệ hoặc tổ tiên được giả định là chung hoặc được những tộc người khác hoặc các nhóm khác thừa nhận là một nhóm riêng biệt, hoặc bằng các đặc điểm thể chất, tôn giáo, ngôn ngữ và văn hoá chung. Các quá trình nảy sinh cùng với sự xuất hiện của sự đồng nhất hoá như vậy được gọi là quá trình phát sinh tộc người. Các thành viên của một nhóm tộc người về tổng thể đều khẳng định những tính chất liên tục văn hoá theo thời gian, mặc dù các sử gia và các nhà nhân học đều đã chứng minh rằng nhiều thực tiễn văn hoá mà nhiều nhóm tộc người khác nhau lấy làm cơ sở chung thì đều là kết quả của những biến đổi tương đối gần đây.

Về phương diện tộc người, nhà xã hội học Max Weber đã từng lưu ý rằng “Toàn bộ quan niệm về các nhóm tộc người đều phức tạp và mơ hồ đến mức tốt hơn hết là nên từ bỏ quan niệm đó đi”. Tuy nhiên Weber đã đề xuất một định nghĩa về nhóm tộc người sau đó đã trở thành chuẩn mực cho các nhà khoa học xã hội: “Những nhóm người ấp ủ một niềm tin chủ quan về dòng dõi chung của họ vì những tương đồng về kiểu loại thể chất hoặc về các phong tục tập quán hoặc cả hai, hoặc vì những ký ức về quá trình thực dân hoá và di cư; niềm tin này phải rất quan trọng đối với việc hình thành nhóm; hơn nữa cũng không còn vấn đề về việc liệu mối quan hệ ruột thịt có thực sự tồn tại hay không” [dẫn theo Mommsen W.J. 1992: 327]. Nhà nhân học R. Cohen [1981, 1988] đã khẳng định rằng trong khi nhiều nhóm tộc người khẳng định một cách chủ quan về tính liên tục văn hoá và một tổ tiên chung thì về mặt khách quan vẫn thường có những bằng chứng kinh nghiệm ngược lại với các khẳng định ấy. Isaacs H. [2004] đã đồng nhất các dấu hiệu riêng biệt khác của tộc người, trong đó có các biểu hiện về thể chất, tên gọi, ngôn ngữ, lịch sử và tôn giáo; định nghĩa này cũng đã được đưa vào một số từ điển. Vì vậy các nhà khoa học xã hội đã tập trung vào những dấu hiệu khác biệt tộc người, và nhà nhân học Vincent J. đã thấy rằng các ranh giới tộc người thường có đặc trưng biến động không ngừng. “Đặc trưng tộc người có thể bị thu hẹp hoặc mở rộng trong khuôn khổ các ranh giới liên quan đến các nhu cầu riêng của các quá trình vận động chính trị. Chính vì vậy mà tổ tiên dòng dõi đôi khi lại là một dấu hiệu của đặc trưng tộc người, đôi khi thì lại không phải: đặc trưng tộc người nào nổi bật là tuỳ thuộc vào việc liệu người ta có vạch các ranh giới tộc người cao hay thấp, và cách thay đổi ranh giới tộc người còn tuỳ thuộc vào các trạng huống chính trị nữa”  [Vincent J. 2002: 45].  


Vấn đề tộc người còn liên quan đến chủng tộc ở chỗ cả hai khái niệm này đều được xác định trong khuôn khổ của một phả hệ chung. Đôi khi đặc trưng tộc người còn bao hàm các đặc trưng tôn giáo, ngôn ngữ, và văn hoá chung. Ngược lại, chủng tộc lại bao hàm các đặc trưng sinh học như đặc trưng di truyền hoặc đặc trưng kiểu hình. Năm 1950 tuyên ngôn về vấn đề chủng tộc của UNESCO được các học giả danh tiếng ký tên, trong đó có Ashley Montagu, Claude Lévi-Strauss, Gunnar Myrdal, Julian Huxley, v.v... đã quan niệm rằng nếu mọi người thuộc về một nhóm được đánh dấu bởi văn hoá, tôn giáo, ngôn ngữ, hoặc địa lý chung thì họ cần phải từ bỏ hoàn toàn thuật ngữ “chủng tộc” và chỉ dùng thuật ngữ “các nhóm tộc người”. Trong một số trường hợp, đặc biệt liên quan đến các cuộc di cư xuyên quốc gia hoặc bành trướng thực dân địa thì tộc người thường gắn liền với dân tộc tính. Các công trình nghiên cứu của Gellner [1959, 1983a, 1983b, 1993, 1995, 1998] và Anderson [1981, 1983, 1985, 1990, 1991, 1998] đã coi dân tộc và chủ nghĩa dân tộc là phát triển cùng với sự phát triển của hệ thống nhà nước cận đại trong thế kỷ 18, lên đến cực điểm trong sự thịnh hành của “các nhà nước dân tộc” trong đó các ranh giới có cơ sở của dân tộc trùng khớp với các ranh giới nhà nước. Vì vậy ở phương Tây, khái niệm tộc người giống như chủng tộc và dân tộc được phát triển trong bối cảnh bành trướng thực dân khi thương mại và chủ nghĩa tư bản thúc đẩy các cuộc di dân đồng thời với việc ranh giới các nhà nước ngày càng được xác định rõ ràng và nghiêm nhặt hơn.

Vào thế kỷ 19, các nhà nước hiện đại đã tìm được tính chất chính thống thông qua nhu cầu đại diện cho “các dân tộc” của nó. Tuy nhiên nhà nước dân tộc luôn luôn bao gồm cả những nhóm người vì lý do này hay khác bị loại ra khỏi đời sống dân tộc. Hệ quả là các thành viên của các nhóm này vẫn mong muốn được tái hoà nhập vào dân tộc trên cơ sở bình đẳng, hoặc tìm cách đạt được quyền tự trị, thậm chí đôi khi, ở một mức độ nào đó còn tách riêng thành nhà nước dân tộc của mình. Trong các điều kiện đó khi người ta vận động từ nhà nước này sang nhà nước khác hoặc một nhà nước bị chinh phục hoặc bị thực dân địa thì các dân tộc vượt khỏi ranh giới dân tộc – các nhóm tộc người đợc hình thành bởi những con người đồng nhất bản thân mình với một dân tộc, còn những người sống trong một nhà nước khác thì không.
________________________________________

Còn nữa...

* Ghi chú: Bài viết năm 2007, thuộc đề tài cấp Bộ (Viện Phát triển Bền vững vùng Bắc Bộ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) Nghiên cứu cơ sở lý thuyết cho việc xác định các ưu tiên trong phát triển bền vững vùng kinh tế do tác giả làm Chủ nhiệm. 


Tài liệu tham khảo

Anderson, Benedict 1972. Java in a Time of Revolution: Occupation and Resistance, 1944-1946. Ithaca, N.Y.: Cornell University Press.  

Anderson, Benedict 1983, 1991. Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism, rev. ed., London: Verso.  

Anderson, Benedict 1985. In the Mirror: Literature and Politics in Siam in the American Era. Bangkok: Editions Duang Kamol.

Anderson, Benedict 1990. Language and Power: Exploring Political Cultures in Indonesia. Ithaca, N.Y.: Cornell University Press.  

Anderson, Benedict 1998. The Spectre of Comparisons: Nationalism, Southeast Asia, and the World. London: Verso.  

Anderson, Benedict 2005. Under Three Flags: Anarchism and the Anti-colonial Imagination. London: Verso.  

Cohen, R.B. 1981. The New International Division of labor, Multinational Corporations and Urban Hierarchy. In Michael Dear and Allan J. Scott (eds) Urbanization and Urban Planning in Capitalist Society, London: Methuen.

Cohen, R.B. 1988. State Formation and Political Legitimacy. Edited by Ronald Cohen and Judith D. Toland. Myron J. Aronoff. 

Gellner, Ernest 1959. Words and Things, A Critical Account of Linguistic Philosophy and a Study in Ideology, London: Gollancz; Boston: Beacon

Gellner, Ernest 1983a. Nations and Nationalism (Ithaca: Cornell University Press, 1983, pp.8-14).

Gellner, Ernest 1983b. New Perspectives on the Past Series. Ithaca, NY: Cornell University Press, 1983

Gellner, E. 1993. “Foreword.” In Socialism. Ideals, Ideologies and Local Practise, ed. by C. Hann. London: Routledge.

Gellner, E. 1995. Anthropology and Politics. Revolutions in the Sacred Grove. Oxford: Blackwell Publishers Ltd.

Gellner, E. 1998. Language and Solitude. Wittgenstein, Malinowski and the Habsburg Dilemma. Cambridge: Cambridge University Press.

Isaacs, Harold  2004 (Ed.)  Exploring Conflicts and conflict Resolution in the Contemporary Third World. In ATWS Proceedings, Twenty Second Annual Meeting (2004) Americus, GA: Association of Third World Studies, Inc., 2005, 97 pp.

Mommsen W.J. 1992. The Political and Social Theory of Max Weber. University of Chicago Press.

Ostergren R. C. 2005. Concepts of Region: A Geographical Perspective. In The Evolving Meaning of Region in Canada. In Regionalism in the Age of Globalism – Concepts of Regionalism. Volume 1. Edited by Lothar Honnighausen, Marc Frey, James Peacock, Nicolaus Steiner. Center for the Study of Upper Midwestern Cultures 901 University Bay Dr. Madison, W1 53705.

Ostergren R. C. and Rice J. G. 2004. The Europeans: A Geography of People, Culture and Environment (New York: Guilford Press).

Vincent J. 2002. Anthropology of Politics: A Reader in Ethnography, Theory, and Critique. Blackwell Publisher. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét