Norman Long
Người dịch: Hà Hữu Nga
[Tr.31] Bài viết này gồm hai phần. Phần đầu cung cấp tổng quan lý thuyết về ba quan điểm tác nhân liên quan đến các vấn đề can thiệp phát triển: a) Lý thuyết hoạt động, b) Lý thuyết Mạng-Tác nhân, và c) Phân tích giao diện Định hướng-Tác nhân. Phần thứ hai thảo luận minh họa về tính hữu ích của quan điểm tác nhân trong việc hiểu các cuộc gặp gỡ diễn ra giữa các “chuyên gia phát triển” (địa phương - bên ngoài) và những kẻ được gọi là “người thụ hưởng”. Lập luận này dựa trên dữ liệu dân tộc học liên quan đến các vấn đề về giao diện phát triển, actor identities bản sắc tác nhân, các mạng và diễn ngôn.
1. Tương đồng và Khác biệt Quan điểm
Dưới hình thức cô đọng, các nguyên lý cơ bản của ba phương pháp tiếp cận có thể được tóm tắt như sau. Lý thuyết hoạt động1 được xây dựng dựa trên lý thuyết hoạt động văn hóa-lịch sử, ban đầu được phát triển như một hệ mẫu [paradigm] đa ngành để hiểu mối quan hệ giữa hành động và nhận thức. Lý thuyết này đã được sử dụng để hiểu các chuyển đổi trong công việc, tổ chức và công nghệ. Nó mô hình hóa các hệ thống hoạt động, những mâu thuẫn phát triển của chúng, và bao gồm một lý thuyết về các chu kỳ học tập mở rộng trong các tổ chức và cộng đồng. Lý thuyết này chấp nhận một phương pháp can thiệp ứng dụng dựa trên nghiên cứu trường hợp chi tiết (xem Học tập bằng cách Mở rộng của Yrjo Engelstrom 1987). Phương pháp này đã được sử dụng rộng rãi trong phát triển, trên cơ sở tham gia, những cải tiến trong quản lý các tổ chức công nghiệp cũng như các dịch vụ công ở Phần Lan và các nơi khác. Phương pháp này bắt đầu từ giả định rằng một hoạt động bao gồm một “chủ thể” và “đối tượng” có một “công cụ” trung gian nào đó.
Chủ thể (cá nhân hoặc nhóm) được thúc đẩy bởi một đối tượng hoặc “mục tiêu” để tham gia vào một hoạt động nào đó. Quá trình này bao gồm sự trung gian thông qua một số công cụ nhất định, chẳng hạn như các công nghệ, văn bản, lược đồ nhận thức, biểu tượng văn hóa và các phương thức tổ chức. Sau đó, lý thuyết tiến hành vạch ra cái gọi là “cấu trúc phân cấp của hoạt động” theo khuôn khổ sự khác biệt giữa hoạt động (được định nghĩa là sự tham gia của một [tr.32] chủ thể hướng tới giải pháp cho một vấn đề hoặc nhu cầu), hành động (hướng tới mục tiêu rõ ràng hơn và bao hàm các mối quan hệ ngầm ẩn hoặc rõ ràng với các chủ thể khác và được đóng khung bởi các cam kết xã hội và văn hóa) và các vận hành (phản ứng theo thói quen, được coi là hiển nhiên hoặc tự động được thúc đẩy bởi các điều kiện và công cụ có sẵn). Người ta cũng chú ý đến việc giải thích mối quan hệ giữa “bối cảnh” và “hành vi” theo khuôn khổ thống nhất hơn là sự đối lập của các yếu tố. “Bối cảnh không phải là một vật chứa bên ngoài hay lớp vỏ mà bên trong đó mọi người hành xử theo những cách thức nhất định” (Nardi 1996). Thay vào đó, các hoạt động trở thành bối cảnh trong đó các hành động cá nhân hoặc tập thể có thể xảy ra trong tương lai hình thành về mặt nhận thức và tổ chức, do đó cho phép cả các quá trình trung gian mang tính “nội tại” và “ngoại tại”. Điều này, đến lượt nó, cho phép chúng ta xem xét cách thức các quy tắc điều chỉnh hành động và tương tác trong hệ thống hoạt động, dẫn đến việc phân tích cách thức, ví dụ, sự phân công lao động, hệ thống quyền lực và vị thế có thể củng cố hoạt động và định hình ý thức xã hội (Engestrom 2002).
Trong mô hình do lý thuyết hoạt động đề xuất, “chủ thể” đề cập đến cá nhân hoặc phụ nhóm liên quan đến các hoạt động hoặc hoạt động cụ thể; và “đối tượng” đề cập đến “nguyên liệu thô” hoặc “không gian vấn đề” mà hoạt động hướng đến, được định hình và chuyển hóa thành kết quả với sự trợ giúp của các dụng cụ trung gian vật lý và biểu tượng, bên ngoài và bên trong, bao gồm cả công cụ và dấu hiệu. Cộng đồng bao gồm nhiều cá nhân hoặc phụ nhóm chia sẻ cùng một đối tượng chung và tự kiến tạo mình khác biệt với các cộng đồng khác. Phân công lao động đề cập đến cả sự phân chia nhiệm vụ theo chiều ngang giữa các thành viên trong cộng đồng và sự phân chia quyền lực và vị thế theo chiều dọc. Cuối cùng, các quy tắc đề cập đến các quy định, chuẩn mực và quy ước rõ ràng và ngầm ẩn hạn chế các hành động và tương tác trong hệ thống hoạt động. Một minh họa cụ thể cho những thành phần này là một phòng khám chăm sóc sức khỏe bao gồm nhiều nhân viên chuyên môn y tế và phi y tế, được tổ chức tại các đơn vị hành nghề khác nhau và được phân định rõ ràng với nhau bởi các công nghệ chuyên môn và phong cách hành chính, và tất nhiên là bởi nhiều loại bệnh nhân khác nhau. Một hệ thống hoạt động luôn không đồng nhất và đa thanh. Do sự khác biệt về lịch sử cuộc đời và vị trí trong phân công lao động, các chủ thể khác nhau kiến tạo các “đối tượng” và các thành phần hoạt động khác liên quan đến chúng theo những cách khác nhau, có phần chồng chéo và xung đột. Liên tục có kiến tạo và tái thỏa thuận trong hệ thống hoạt động. Phải có sự phối hợp giữa các phiên bản khác nhau của đối tượng để đảm bảo hoạt động liên tục. Các nhiệm vụ luôn được tái phân công và tái phân chia, các quy tắc được điều chỉnh và tái diễn giải. Cũng có sự chuyển động không ngừng giữa các nút khác nhau của hoạt động, theo đó, những gì ban đầu xuất hiện như một đối tượng có thể sớm được chuyển đổi thành một kết quả, sau đó trở thành một công cụ, và có lẽ rồi trở thành một quy tắc (Engestrom 1996). Ví dụ, một trường hợp y khoa bất thường ban đầu xuất hiện như một vấn đề, được chuyển thành một chẩn đoán và điều trị thành công, được sử dụng như một nguyên mẫu hoặc mô hình cho các trường hợp tương tự, và dần dần được củng cố và hóa thạch thành một quy tắc đòi hỏi các quy trình nhất định trong mọi trường hợp thích ứng với phạm trù đó. Mặt khác, các quy tắc có thể bị chất vấn, tái diễn giải và biến thành các công cụ và đối tượng mới.
Như vậy, hoạt động về cơ bản là một hình thái tập thể, có hệ thống, có cấu trúc trung gian phức tạp. Một hệ thống hoạt động tạo ra các hành động và được thực hiện thông qua các hành động tiếp theo. Tuy nhiên, hoạt động không thể quy giản về hành động. Các hành động tồn tại tương đối ngắn ngủi và có điểm khởi đầu và kết thúc rõ ràng, trong khi các hệ thống hoạt động phát triển qua những giai đoạn lịch sử dài, thường mang hình thức của các thể chế và tổ chức. Leontiev (1978: 52) chỉ ra thêm rằng khái niệm đối tượng đã nằm sẵn trong chính khái niệm hoạt động; do đó, không có thứ gì là hoạt động “phi đối tượng” cả. Đối tượng vừa là cái được cho sẵn, vừa là cái được dự kiến hay dự đoán. Một sự vật hay hiện tượng trở thành đối tượng của hoạt động khi nó đáp ứng nhu cầu của con người. Chủ thể kiến tạo đối tượng, tức là “chỉ ra những thuộc tính được chứng minh là thiết yếu cho sự phát triển thực tiễn xã hội” (Lektorsky 1984: 137). Trong năng lực được kiến tạo, liên quan đến nhu cầu này, đối tượng có được động lực thúc đẩy, định hình và định hướng cho hoạt động. Chính đối tượng quyết định chân trời của các mục tiêu và hành động khả thể. Một hệ thống hoạt động không tồn tại trong chân không; nó tương tác trong một mạng các hệ thống hoạt động khác và được khớp nối với các hệ thống bên ngoài, vốn - mượn ngôn ngữ của chủ nghĩa duy vật lịch sử - thường tạo ra các mâu thuẫn biện chứng. Những quá trình này chỉ ra tầm quan trọng của việc nghiên cứu cách thức các quá trình học tập chung mở rộng diễn ra trong các mạng tác nhân không đồng nhất và do đó dẫn đến các phương thức hợp tác cụ thể cùng các công cụ, khái niệm và quy tắc liên quan. Điều này cũng đòi hỏi việc nghiên cứu xem ý tưởng cho các dự án (ví dụ: dự án công nghệ hoặc viện trợ phát triển) bắt nguồn từ đâu và cách thức đàm phán nội dung và phương thức của chúng ra sao. Trọng tâm của tất cả những điều này là câu hỏi về việc xác định một “đối tượng chung” của hoạt động và tính đối thoại cơ bản của nhiều tiếng nói và quan điểm. Theo cách này, lý thuyết hoạt động gần như nhận ra tầm quan trọng trong động lực học của các mối quan hệ giao diện, mặc dù, như Inna Kontinen (2004) đã nhấn mạnh một cách chính xác, nó đánh giá thấp các phức tính trong việc các nhóm khác nhau dàn xếp các đối tượng hoạt động chung.
Điều này chủ yếu nảy sinh do thiếu một khái niệm vững chắc về các mối quan hệ quyền lực và questions of agency các vấn đề về tác tố liên quan đến cả cấu phần con người và không phải con người. Phần lớn nó vẫn tiếp tục gắn liền với quan điểm hệ thống, định hướng cấu trúc về trật tự và biến đổi xã hội, vốn bộc lộ nguồn gốc sâu xa của nó trong tư duy duy vật lịch sử. Nó phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp phân tích diễn dịch, coi sự tồn tại của các hệ thống hoạt động với các tham số được phân định rõ ràng là điều hiển nhiên. Một khó khăn cốt lõi liên quan đến việc xác định cái gọi là “các đối tượng chung” đóng vai trò trung gian giữa các actors tác nhân và hệ thống hoạt động. Điều này phát sinh do sự tồn tại của vô số tác nhân với thế giới quan, ý nghĩa và lợi ích đa dạng. Do đó, quan điểm “được chia sẻ” hoặc “chung” về những hoạt động cần thiết để giải quyết vấn đề gặp phải cũng sẽ rất khác nhau. Trên thực tế, cần rất nhiều đàm phán và tái đàm phán để hình thành và đạt được bất cứ điều gì giống như một quan điểm và phương tiện hành động chung. Hơn nữa, những gì trông giống như một lập trường “chung” thường hóa ra chỉ là một liên minh tạm thời và mong manh, thay đổi theo sự phát triển của các sự kiện. Tất cả những điều này gợi nhớ đến mô hình tư duy “hệ thống mềm” của Checkland, cũng dựa trên các phương thức tham gia để xác định một hoặc nhiều vấn đề chung cần giải quyết. Sau khi đạt được sự hiểu biết chung về vấn đề, một kế hoạch hành động (hoặc một loạt các hoạt động) được xác định để đưa ra giải pháp (xem Checkland 1988, Röling 1988). “Ý tưởng là các quy trình tham gia gần như tự động trở thành sự đồng thuận và định hướng-hợp tác (với điều kiện là chú ý đầy đủ đến việc học tập xã hội), và đồng thuận là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và đổi mới.” (Leeuwis 2004: 163). Cũng cần lưu ý đến vấn đề mà Röling gọi là “nền tảng” trong đó “các bên liên quan khác nhau được tập hợp lại để giám sát tình hình và tìm hiểu cũng như đàm phán hướng tới những kết quả hiệu quả hơn (tức là hành động được phối hợp)” (Leeuwis 2004: 34)
Lý thuyết Mạng-Tác nhân
Trong khi ở một số khía cạnh tương tự như lý thuyết hoạt động là ở chỗ lý thuyết mạng-tác nhân cũng dành tầm quan trọng cốt lõi cho các đối tượng vật chất, tác vật công nghệ, văn bản và diễn ngôn trong quá trình tạo ra “cái xã hội”, thì lý thuyết này lại bác bỏ tư duy hệ thống hoàn toàn, các loại cấu trúc luận khác nhau và kiến tạo luận xã hội, ủng hộ một phương thức hiểu biết lai tạp, kết hợp giữa văn hóa và tự nhiên, không phân biệt và theo cách này, nó thách thức chính nền tảng của khoa học xã hội. Lý thuyết mạng-tác nhân (ANT) có thể bắt nguồn từ công trình đầu tiên của Michel Callon và Bruno Latour tại Ecóle des Mines ở Paris vào đầu những năm 1990. Phân tích của họ tập trung vào cấu thành tiến bộ của các mạng trong đó cả tác nhân là con người và những kẻ hành động phi-con người đều đảm nhận các danh tính phù hợp với các chiến lược tương tác đang thịnh hành. Danh tính và phẩm chất của các tác nhân được xác định trong các cuộc đàm phán giữa các “đại diện” của các loại tác nhân khác nhau. Theo quan điểm này, đại diện được hiểu theo chiều góc chính trị của nó, tức là, như một quá trình ủy quyền. Quan trọng nhất trong các cuộc đàm phán này là cái mà họ gọi là translation “phiên dịch”. Điều này bao gồm các tương tác đa diện trong đó các tác nhân (1) xây dựng các định nghĩa và ý nghĩa chung, (2) xác định các tính đại diện và (3) hợp tác với nhau trong việc theo đuổi các mục tiêu hoặc “dự án” cá nhân và tập thể. Trong lý thuyết mạng-tác nhân, cả các actors tác nhân và actants kẻ hành động đều chia sẻ bối cảnh trong việc tái cấu trúc các tương tác mạng này dẫn đến sự ổn định của hệ thống. Nhưng điểm khác biệt quan trọng giữa chúng là chỉ có các actors tác nhân mới có thể đưa các actants kẻ hành động vào lưu thông.2 [Trong Lý thuyết Mạng-Tác nhân (ANT), actors tác nhân và actants kẻ hành động là những thuật ngữ được sử dụng để mô tả bất kỳ thực thể nào có thể tác động hoặc bị tác động trong một mạng, bất kể đó là con người hay không phải con người; ANT thách thức quan điểm xã hội học truyền thống vốn phân biệt agency tác tố con người với các tác động không phải con người, thay vào đó, nó cho rằng cả hai đều có vai trò trong việc định hình các thực tại xã hội và vật chất; Trong Lý thuyết Mạng-Tác nhân, cả actors tác nhân và actants kẻ hành động đều là những thực thể trong một mạng có thể tác động đến hệ thống, nhưng chúng khác nhau về cấp độ tác động và cách định nghĩa; Actant là một thuật ngữ rộng hơn bao gồm bất kỳ thứ gì có thể được tạo ra agency tác tố và tham gia vào các hành động trong mạng, bao gồm cả thực thể con người và phi con người; mặt khác, actor là một loại actant cụ thể được xác định bởi các hành động và tương tác của nó bên trong mạng, thường được xem là hiện thân cụ thể hơn về tiềm năng của actant. HHN] Các thành phần cốt lõi của mạng không đồng nhất bao gồm một tập hợp các yếu tố con người, xã hội, vật chất, công nghệ và văn bản (Latour 1994, Callon và Law 1995). Quan điểm này cố gắng xóa bỏ sự phân biệt thông thường giữa “sự vật” và “con người” bằng cách lập luận rằng “hành động có mục đích và tính ý hướng không phải là các thuộc tính của vật thể nhưng cũng không phải là các thuộc tính của các tác nhân con người. Thay vào đó, chúng là các thuộc tính của các thể chế, của các tập thể” (Verschoor 1997: 27). Nghĩa là, chúng là những hiệu ứng mới nổi được tạo ra bởi sự tương tác của nhiều thành phần con người và phi con người, chứ không phải bởi một nhóm cá nhân quyết định cùng nhau thực hiện một nỗ lực chung (Long 2001: 57).
Cách tiếp cận này tập trung vào việc xây dựng các mô tả về “cách mà các actants kẻ hành động [con người và phi con người] mà họ xác định chức năng là signifiers những cái biểu đạt trong một lĩnh vực diễn ngôn” (Golinski 1998: 40). Do đó, trọng tâm trong lý thuyết mạng-tác nhân nằm ở các chiều kích ký hiệu học hơn là nghiên cứu cận cảnh về thực tiễn xã hội được đặt định, hay những gì Golinski mô tả là “các sự kiện của sự tham gia thực tiễn vào thế giới vật chất”. Như David Mosse (2005: 34-35) chỉ ra, các quá trình trung tâm của “phiên dịch” và “ghi nhận” ANT có thể được áp dụng hữu ích vào “mối quan hệ tinh tế giữa việc xây dựng khuôn khổ các vấn đề và quá trình ghi nhận xã hội trong việc thiết kế [và, người ta có thể nói thêm, việc thực hiện] một dự án phát triển”. Việc xây dựng khuôn khổ cho phép các tác nhân chủ chốt (tức là “có thẩm quyền”) thu hút sự quan tâm của các nhóm cử tri lớn hơn, những người cung cấp nhiều ý tưởng và cốt truyện khác nhau nhằm hợp pháp hóa nỗ lực “tập thể”. Thiết kế dự án là một nỗ lực giành được sự ủng hộ chính trị và bao gồm việc chuyển đổi một loạt các quan điểm và lợi ích khác nhau thành một tổng thể (rõ ràng) mạch lạc hoặc một vật chứa nhiều khái niệm và văn bản. Để đạt được điều này, cần có một mức độ mơ hồ và thiếu chính xác, nếu không “Dự án” sẽ không bền vững. Vì vậy, Latour (1996) lập luận rằng điều quan trọng là phải biến “Dự án như một thế giới ký hiệu thành một thế giới vật thể”. Còn Mosse (2005: 35) thì cho rằng, “một thiết kế Dự án trở nên phức tạp và chứa đựng những quan điểm không thể dung hòa; nhưng để thuyết phục nó đòi hỏi sự thống nhất, mạch lạc và đơn giản” (hay những gì Latour gọi là “hộp đen”). Điều này đạt được theo nhiều cách khác nhau: thông qua việc định vị lại quan điểm của một ai đó sao cho các giá trị và lợi ích của người đó tương thích hơn với các tác nhân khác, khuất phục trước áp lực hoặc sự thao túng chiến lược, và/hoặc cho phép bản thân bị quyến rũ bởi các phần thưởng đủ loại (hiệu ứng cà rốt). Do đó, ngoài các phương tiện biểu tượng khác nhau (được nhấn mạnh trong cả Lý thuyết Hoạt động và ANT) liên quan đến những cái biểu đạt vật chất, kỹ thuật và văn hóa cụ thể, tất nhiên, cũng cần phải thừa nhận vai trò quan trọng của các loại “kẻ môi giới” và “kẻ gác cổng” khác nhau, là những kẻ chiếm giữ các nút quan trọng trong một mạng hoặc lĩnh vực hoạt động cụ thể.
Những yếu tố sau hoạt động trong không gian (thường là “phi chính thức”) giữa các tổ chức và nhóm lợi ích khác nhau trong các lĩnh vực can thiệp phát triển cụ thể. Tôi xin kết thúc phần tổng quan ngắn gọn về ANT này bằng cách thảo luận về vấn đề mà Latour gọi là “tính đối xứng” của các thành phần con người và phi-người. Quan điểm này xuất phát về mặt phương pháp luận từ nhu cầu chỉ ra cách thức mà công nghệ, diễn ngôn (bằng lời nói và không phải lời nói) và các văn bản khác, nguồn lực vật chất, các yếu tố biểu tượng, chính sách của chính phủ, cũng như các dạng sống của con người và phi-người tham gia vào bối cảnh phát triển. Nhưng những yếu tố phi-người khác nhau này liên quan đến con người như thế nào? Liệu chúng ta có thể gán cho phi-người một mức độ tác tố ngang bằng với con người hay không? Liệu cách tiếp cận này có thúc đẩy sự hiểu biết của chúng ta về các mạng không đồng nhất và các hình thức hành động xã hội tập thể hay không? Và nếu chúng ta quá tin tưởng vào ý tưởng cho rằng các tập thể bằng cách nào đó là những tác nhân tự thân, thì tại sao chúng ta lại cần phân biệt giữa các tác nhân “cá thể” và “tập thể”? Thực ra, làm thế nào để phân biệt giữa tập thể và hành động tập thể? Chắc chắn chúng ta nên chú ý chi tiết hơn đến các “liên minh” của các tác nhân và cách chúng được hình thành và củng cố?
Một vấn đề nan giải khác là tại sao chúng ta lại bị quyến rũ bởi ngôn ngữ của Latour và cộng sự? Thực tế, việc sử dụng từ “ngôn ngữ” trong khía cạnh này rất phù hợp, bởi vì phương pháp nghiên cứu do các nhà lý thuyết ANT phát triển dường như nhấn mạnh vào các chiều góc ký hiệu học mà bỏ qua việc nghiên cứu cận cảnh các thực hành xã hội xác định. Thật vậy, thay vì đặt những phát hiện của mình vào nghiên cứu dân tộc học chuyên sâu và do đó nhấn mạnh vào tính thực dụng của cuộc sống hàng ngày và các quá trình can thiệp, chúng ta lại thấy hứng thú với việc kể chuyện dựa trên những câu chuyện chủ chốt được thiết kế để bộc lộ các quá trình phiên dịch, tiếp nhận và hình thành các tập thể. Hơn nữa, điều này thường được thực hiện từ góc nhìn của những người phiên dịch anh hùng (hoặc những tác nhân có thẩm quyền hoặc thống trị - bao gồm cả chính các nhà nghiên cứu), thay vì nhìn nhận theo khuôn khổ động lực học xung đột và dung hòa giữa tính đa dạng của các tác nhân và các khuôn khổ khác biệt về ý nghĩa và giá trị đi kèm. Thực ra, việc đóng kín hộp đen [Trong nghiên cứu, quá trình xã hội của việc tạo hộp đen dựa trên khái niệm trừu tượng về một hộp đen; trích dẫn Bruno Latour, hộp đen là “cách thức mà công trình khoa học và kỹ thuật trở nên vô hình bởi chính thành công của nó; khi một cỗ máy hoạt động hiệu quả, khi một vấn đề thực tế được giải quyết, người ta chỉ cần tập trung vào đầu vào và đầu ra của nó chứ không phải vào sự phức tạp bên trong của nó; do đó, nghịch lý thay, khoa học và công nghệ càng thành công thì chúng càng trở nên mờ mịt và khó hiểu”.HHN] về các tập thể không giúp ích gì. Điều hữu ích là việc mở chúng ra để khám phá thêm nhiều mối quan hệ xã hội, mạng lưới và nhiều diễn ngôn phức tạp và vướng víu liên quan.
Tiếp cận-Định hướng-Tác nhân đối với Can thiệp Phát triển
Tiếp cận-Định hướng-Tác nhân bắt đầu với ý tưởng đơn giản rằng các hình thái xã hội khác nhau phát triển trong cùng một hoàn cảnh cấu trúc hoặc tương tự. Những khác biệt như vậy phản ánh các biến thể trong cách thức mà các tác nhân cố gắng nắm bắt, về mặt nhận thức và tổ chức, khác với các tình huống mà họ phải đối mặt. Do đó, việc hiểu các mô hình hành vi xã hội khác biệt phải dựa trên “chủ thể biết, chủ động” (Knorr-Cetina 1981: 4), chứ không chỉ đơn thuần được xem là do tác động khác biệt của các lực lượng xã hội rộng lớn [chẳng hạn như thay đổi sinh thái, áp lực nhân khẩu học hoặc hội nhập vào chủ nghĩa tư bản thế giới]. Do đó, nhiệm vụ chính của phân tích là xác định và mô tả các chiến lược và lý lẽ khác nhau của các tác nhân, các điều kiện mà chúng/họ phát sinh, cách chúng/họ liên kết với nhau, khả năng tồn tại hoặc hiệu quả của chúng/họ trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể và các hệ quả xã hội rộng hơn của chúng/họ.
Tác tố agency đề cập đến tri thức, năng lực và sự gắn kết xã hội liên quan đến các hành động [và suy ngẫm] tác động hoặc định hình hành động và cách diễn giải của chính mình và của kẻ khác. Tác tố thường được công nhận ex post facto sau khi sự việc đã xảy ra thông qua các tác động được thừa nhận hoặc giả định của nó. Các cá nhân hoặc mạng cá nhân đều có tác tố. Ngoài ra, họ có thể gán tác tố cho nhiều đối tượng và ý tưởng khác nhau, đến lượt nó, có thể định hình nhận thức của các tác nhân về những gì khả thể. Do đó, tác tố bao gồm một hỗn hợp phức tạp các yếu tố xã hội, văn hóa và vật chất. Tác tố chiến lược biểu thị sự tham gia của nhiều tác nhân vào “dự án” của một hoặc nhiều cá nhân khác. Tác nhân xã hội là tất cả những thực thể xã hội có thể được coi là có tác tố ở chỗ họ sở hữu khả tính tri thức và năng lực để đánh giá các tình huống có vấn đề và tổ chức các phản ứng “thích hợp”. Các tác nhân xã hội xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: cá nhân đơn lẻ, nhóm không chính thức hoặc các mạng liên nhân, các tổ chức, các nhóm tập thể và những gì đôi khi được gọi là tác nhân “vĩ mô” [chính phủ, giáo hội, tổ chức quốc tế, vv...]. Nhưng phải luôn cẩn thận để tránh sự vật hóa; nghĩa là, không nên cho rằng các tổ chức hoặc tập thể như các phong trào xã hội hành động đồng thời hoặc đồng thanh. Trên thực tế, các nỗ lực “tập thể” và “tổ chức” được mô tả tốt hơn dưới dạng “liên minh các tác nhân”, “các dự án tác nhân đan xen” và “tương tác diễn ngôn”.
Để thúc đẩy một phân tích như vậy, cần phải tạo ra một số khái niệm có liên quan – một số được mượn từ các tác giả khác và được đúc kết lại theo các câu hỏi nghiên cứu “mới” đang phát triển (ví dụ: “lĩnh vực”, “phạm vi”, “đấu trường” và “mạng lưới” xã hội), một số khác để đáp ứng các phát hiện nghiên cứu cụ thể (ví dụ: “liên minh hộ gia đình”, “nhiều doanh nghiệp”, “các dự án tác nhân đan xen” và “kho tri thức”), và một số khác nữa phát sinh từ quá trình tái tư duy hoặc “giải huyền thoại hóa” các khái niệm và ẩn dụ xã hội học hiện có (ví dụ: “can thiệp có kế hoạch” như một quá trình được xây dựng và thương lượng về mặt xã hội, “hàng hóa hóa” được định hình lại dưới dạng các cuộc tranh giành giá trị xã hội và các “giao diện” được nhìn nhận trong khuôn khổ “tính gián đoạn” hơn là liên kết3). Chúng tôi cho rằng giá trị của một vốn từ vựng định-hướng-tác-nhân nằm ở chỗ nó mở ra những viễn cảnh hữu ích cho nghiên cứu và tư duy lý thuyết trong tương lai. Nó cũng nhằm mục đích thách thức các nhà thực hành cũng như các bên liên quan và các tác nhân khác tham gia vào các đấu trường phát triển, để họ có thể nắm bắt tốt hơn những phức tạp đang diễn ra, các “chiến trường tri thức” và các cơ hội đàm phán trong không gian chính trị xã hội. Chúng tôi tin rằng việc tìm ra một cách thảo luận mới về các lợi ích xung đột và những tình huống khó xử chung là một bước quan trọng hướng tới việc thúc đẩy các phương thức phát triển và phân bổ nguồn lực công bằng hơn.4
Người ta cũng đưa ra một chương trình nghị sự mở để khám phá những cách khái niệm hóa mới “cấu trúc” như là “các dấu mốc ranh giới trở thành mục tiêu cho đàm phán, xem xét lại, hủy bỏ và/hoặc thay đổi” (Long 2001: 63)5 . Do đó, nó bác bỏ các khuôn khổ hoàn toàn dựa trên các giả định tiên nghiệm và “động lực” hoặc giải thích. Việc tái khái niệm hóa cấu trúc xã hội này dường như là một trong những yếu tố chung của các định hướng “hậu cấu trúc”, nhưng không phải của cái gọi là phân tích “hậu phát triển”. “Đời sống xã hội của phát triển” [và không chỉ là các quá trình phát triển hoặc can thiệp] rất đa dạng và đầy rẫy “vô số thực tế”. Điều này đòi hỏi chúng ta phải vượt ra ngoài ngữ nghĩa của các hiểu biết về phát triển theo định hướng cấu trúc hoặc được chính sách xác định để bao hàm một loạt các phương thức hành động của con người tập trung vào các xung đột và đàm phán về ý nghĩa và các nguồn lực (Arce 2003a, 2003b và Arce & Fisher 2003). Điều này hướng chú ý vào tầm quan trọng của việc xác định các chiến lược tự tổ chức của các tác nhân [so sánh với khái niệm “các lĩnh vực bán-tự trị” của Sally Moore 1973] phần lớn độc lập với các kế hoạch hoặc chương trình phát triển được hình thành từ bên ngoài; mặc dù tất nhiên các chiến lược đó có thể được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ sự hiện diện của nhân viên dự án hoặc quan chức chính phủ và các nguồn lực mà họ mang lại. Đồng thời, các nhân viên hoặc quan chức đó có khả năng phát triển không gian hoạt động riêng và xây dựng mạng lưới hỗ trợ và trao đổi của riêng mình.
Tuy nhiên, vẫn còn một sự phân biệt quan trọng giữa các hành động xã hội xuất phát từ các quá trình tự tổ chức tương đối tự chủ và các hành động được chính phủ hoặc một số cơ quan có thẩm quyền khác “ủy quyền”. Nói một cách đơn giản, các hành động xã hội tập trung vào năng lực của các tác nhân /nhóm trong việc xác định mục tiêu và chiến thuật riêng của họ đối với các tác nhân và lợi ích khác, với mục đích áp đặt, bất cứ khi nào có thể, các yêu cầu hoặc quyền hạn của riêng họ. Ngược lại, các hành động của chính phủ hoặc cơ quan có thẩm quyền lại tập trung vào cách thức thuyết phục hoặc kêu gọi người khác chấp nhận hoặc hỗ trợ tích cực hơn cho những nỗ lực của nhân viên dự án hoặc các cơ quan nhằm thực hiện các mục tiêu chính sách do bên ngoài xây dựng. Rõ ràng, các quá trình phát triển nhất thiết đòi hỏi sự kết hợp phức tạp của cả hai loại hành động trên. Thật vậy, có những lập luận mạnh mẽ cho việc đưa vào các nghiên cứu đánh giá dự án không chỉ các quá trình thực thi chính sách do chính phủ hoặc các cơ quan bên ngoài khởi xướng, mà còn cả các mục tiêu và dự án “chính sách” ít chính thức hơn do các nhóm và tổ chức địa phương xây dựng và thực hiện. Hơn nữa, điều tối quan trọng là phải khám phá không chỉ tác động của các can thiệp được lên kế hoạch đối với “các nhóm mục tiêu” và cái gọi là các “bên liên quan” khác mà còn cả các chiến lược và hành động của nhóm mà người ta có thể gọi là các tác nhân “hậu phương”. Đó là những nhóm dường như là “bọn ngoài cuộc” hoặc bọn vẫn ở bên lề của quá trình can thiệp chính thức. Một vấn đề liên quan là cần phải thừa nhận rằng phần lớn những gì xảy ra trong bối cảnh các chương trình phát triển, và đặc biệt là đối với các dự án phát triển cụ thể tại địa phương, đòi hỏi phải hiểu được tầm quan trọng và tác động của một loạt ký ức cá nhân và tập thể về các kịch bản phát triển trước đây. Những ký ức này thường gợi nhớ lại các ví dụ về mối quan hệ nhà nước-xã hội dân sự trước đây, các sáng kiến địa phương và các cuộc đấu tranh liên-thể chế, và qua đó định hình sự hiểu biết và phản ứng của các tác nhân. Những chiều hướng này nhấn mạnh “giá trị gia tăng” của nghiên cứu dân tộc học chi tiết so với các nghiên cứu đánh giá dự án (so sánh Crewe & Harrison 1998 và Mosse 2005). Một lợi thế lớn của phân tích định-hướng-tác-nhân là nó nhằm mục đích khám phá hàng loạt năng lực của tác nhân trong việc định hình thế giới xã hội và vật chất, đặc biệt chú trọng đến các loại xung đột và đàm phán liên quan đến các hình thức giao diện xã hội và sự xuất hiện của các thực hành làm thay đổi sinh kế và bản sắc hiện có, vốn không dễ dàng đồng hóa vào các thói quen hiện tồn hàng ngày. Những mối quan hệ và giao diện xã hội như vậy làm phong phú thêm trải nghiệm sống của các tác nhân thông qua cách chúng/họ tác động đến sự gắn bó và cảm xúc cá nhân6 không thể đơn giản, như Olivier de Sardan (2005) đã lập luận gần đây, được quy giản thành tình trạng “vướng víu của logic xã hội”.7
_________________________________________
Nguồn: Norman Long (2015). Activities, Actants and Actors: Theoretical Perspectives on Development Practice and Practitioners. Research in Rural Sociology and Development, March 2015, N0 22, pp. 31-58.
Notes
1 Ở đây tôi thể hiện Lý thuyết Hoạt động như hiện trạng. Công thức đầu tiên của Vigotsky trong những năm 1920 và 1930 là một mô hình hành động định-hướng-đối-tượng và được tác-vật-trung-gian-hóa (Vigotsky 1978). Sau đó, Leontiev, một học trò của Vigotsky, đã nhấn mạnh bản chất trung gian-xã hội của hoạt động và do đó lập luận rằng ý thức và ý nghĩa luôn được hình thành trong hoạt động chung, mang tính tập thể (Leont’ev 1981).
2 Chuyển thể từ Thierry Bardini, trang web tổng hợp các tuyên bố tóm tắt được đưa ra bởi nhiều nhà nghiên cứu về chủ đề “Lý thuyết-Mạng-Tác nhân là gì?”
3 Việc nhấn mạnh vào mối liên kết và các tập hợp hoạt động được liên kết với nhau thường là đặc trưng của các mô hình hệ thống, ngay cả những mô hình thúc đẩy phân tích hệ thống “mềm”. Xem ví dụ, Checkland (1981), Röling (1988) và Engel (1990: 29-30). Ngược lại, cuốn Encounters at the Interface (Những cuộc gặp gỡ tại Giao diện) của Long (1989) nhấn mạnh sự cần thiết phải vượt ra ngoài các vấn đề về hội nhập và phối hợp để khám phá tầm quan trọng của sự gián đoạn trong các mối quan hệ xã hội và quy trình tri thức.
4 Nghiên cứu gần đây về “Quy trình Chính sách và Tri thức về Nghèo đói” do DFID tài trợ đã xem xét kỹ lưỡng các vấn đề quản trị và sự phức tạp của các chính sách giảm nghèo cả trong và ngoài các thể chế chính phủ ở Uganda và Nigeria. Khung phân tích, chủ yếu dựa trên quan điểm hướng đến viễn cảnh định-hướng-tác-nhân, khám phá mối liên hệ giữa các tác nhân, quy trình tri thức và việc tạo ra các không gian chính trị xã hội. Nó giải quyết một số khía cạnh quan trọng liên quan đến quyền công dân, công bằng, trách nhiệm giải trình của thể chế và sự tham gia (Brock, McGee và Gaventa 2004).
5 Xem Schatzki, Knorr Cetina và Von Savigny (2001) để biết cuộc thảo luận giữa các nhà triết học, nhà xã hội học và học giả khoa học về vai trò trung tâm của các hoạt động của con người trong việc tái khái niệm hóa các khái niệm “cấu trúc” và “trật tự”. Một tiền thân quan trọng của mối quan tâm này đối với thực hành xã hội hàng ngày là công trình của de Certeau (1984).
6 Unni Wikan (1990) đã đưa ra một minh chứng thuyết phục về tầm quan trọng xã hội học của các thành phần cá nhân và cảm xúc trong đời sống xã hội trong nghiên cứu dân tộc học Bali của bà. Bà vạch trần những quy ước và hình thức của các màn trình diễn văn hóa công cộng và nghi lễ (mối bận tâm chính của nhiều công trình nhân học ở Bali) để hé lộ cách các cá nhân và gia đình đối phó với khủng hoảng, khó khăn và đau khổ trong cuộc sống hàng ngày.
7 Ý tưởng về “logic xã hội” mang theo khái niệm về một dòng lập luận rõ ràng hoặc một tập hợp các nguyên tắc chuẩn mực giải thích các thực hành nội tại tạo nên một nhóm xã hội cụ thể so với các nhóm khác. Do đó, nó bị vấy bẩn bởi một mức độ “chủ nghĩa bản chất”, coi nhẹ các yếu tố ngẫu nhiên, mơ hồ, không đồng nhất và mang tính khám phá của hành động xã hội, đặc biệt là khi đối mặt với những bất định của sự phát triển xã hội. Do đó, từ viễn cảnh định-hướng-tác-nhân, nó tạo ra một hình ảnh sai lệch.
8 Theo quan điểm của Gluckman, việc hiểu các sự kiện ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của con người, chẳng hạn như ảnh hưởng của lượng mưa, loại đất, sách vở và sự khác biệt ngôn ngữ, có nghĩa là các nhà khoa học xã hội không nên phân biệt giữa các lĩnh vực thực hành độc quyền liên quan đến khoa học xã hội hoặc khoa học sự sống. Ông cho rằng “bất kỳ sự kiện nào ảnh hưởng đến các cách thức mà con người chung sống với nhau đều có thể là một phần của lĩnh vực mà một nhà nhân học nghiên cứu” (Gluckman 1964: 159). Mặc dù Gluckman nhấn mạnh vào tác động của các sự kiện ngẫu nhiên lên cá nhân và cách thức các sự kiện này phản ứng và tạo ra ý nghĩa cho những tình huống này, cuối cùng ông lại viện đến một lý thuyết cân bằng cấu trúc-chức năng về biến đổi xã hội, vốn không hoặc ít có không gian cho sự đổi mới cá nhân và không gian cho sự vận động (xem Gluckman 1968). Cần chú ý thêm là Bourdieu nhận ra ảnh hưởng của Trường phái Manchester đối với tư duy của chính mình khi ông lần đầu tiên xây dựng khái niệm “habitus-thói quen” (Bourdieu 1977).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét