Powered By Blogger

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2025

Dự án Phát triển dưới Lăng kính Lý thuyết Mạng-Tác nhân (II)

Tom Scott‐Smith

Người dịch: Hà Hữu Nga

5.1. Hình thành một Dự án Phát triển

Điều này đã được thực hiện như thế nào? Để xem xét việc xây dựng “vấn đề” trước hết, Dự án đã giải quyết một vấn đề đã được lưu hành trong các giới hạn phát triển quốc tế trong một thời gian. Đây là ý tưởng về “khoảng cách protein”, tình trạng thiếu hụt protein lan rộng trong chế độ ăn uống của các nước đang phát triển, do sự phụ thuộc vào các loại thực phẩm giàu tinh bột và thiếu nguồn lực để mua thịt. Quan điểm về vấn đề này đã nằm trong một hộp đen, được đóng kín và là chủ đề của sự đồng thuận rộng rãi được một thẩm quyền lớn hỗ trợ - do đó, Dự án không cần nỗ lực nhiều để được chấp nhận. Từ năm 1935, đã có một nhãn cho tình trạng thiếu hụt protein cụ thể, được gọi là “kwashiorkor” [Thuật ngữ “kwashiorkor” bắt nguồn từ tiếng Ga của Ghana, Tây Phi, có nghĩa là “tình trạng ốm yếu của trẻ sơ sinh”. Cụm từ này mô tả chính xác mối liên hệ giữa tình trạng này với việc cai sữa cho trẻ mới biết đi khi một em bé nữa được sinh ra, dẫn đến chế độ ăn thiếu protein.HHN] và được mô tả lâm sàng (Williams, 1935, 1973); từ đầu những năm 1950, đã có một số báo cáo có thẩm quyền về tình trạng “thiếu hụt protein”, bao gồm một nghiên cứu có ảnh hưởng do Tổ chức Y tế Thế giới ủy quyền (Brock & Autret, 1952); Từ năm 1955, đã có một bộ phận của Liên Hợp Quốc chuyên trách vấn đề này, được gọi là Nhóm Tư vấn Protein (Ruxin, 2000); cũng có nhiều Dự án tập trung vào vấn đề thiếu hụt protein, và cả một ngành công nghiệp với lợi ích gắn liền với việc cung cấp sữa tách béo khô dư thừa cho các nước đang phát triển (Newman, 1995). Hiện tại, “vấn đề” thiếu hụt protein có thể được coi là đã được giải quyết.7

Tuy nhiên, “giải pháp” mà Dự án đề xuất lại mới mẻ hơn: nó cũng được coi là một hộp đen khép kín, nhưng lại có mạng lưới nhỏ hơn nhiều và ít được đồng thuận hơn. Mặc dù ý tưởng chiết xuất protein từ lá đã tồn tại hàng thế kỷ, nhưng nó chỉ trở nên phổ biến và thực tế trong Thế chiến Thứ hai, khi các nhà khoa học Cambridge bắt đầu nghiên cứu các giải pháp công nghệ cho tình trạng thiếu lương thực tiềm tàng ở Anh. Trong quá trình nghiên cứu không liên quan đến [tr.17] virus thực vật, một nhà hóa sinh tên là N.W. Pirie đã bắt đầu nếm thử protein được tạo ra khi ly tâm một khối lục lạp từ nhựa lá cây. [Chloroplast Lục lạp/ sáp diệp lục là một bào quan có trong tế bào thực vật và tảo, nơi diễn ra quá trình quang hợp, chúng chứa sắc tố diệp lục, có khả năng hấp thụ năng lượng ánh sáng mặt trời, và chuyển đổi năng lượng này thành năng lượng hóa học, tạo ra thức ăn cho cây và giải phóng oxy. HHN] Pirie nghĩ rằng đây có thể trở thành cơ sở của một loại thực phẩm mới, và đến những năm 1960, việc nghiên cứu protein lá đã trở thành một phần cốt lõi trong công trình học thuật của ông (Morrison & Pirie, 1961; Pirie, 1966).8 Đây là kỷ nguyên hiện đại hóa, khi khoa học và công nghệ được cho là mang lại hy vọng lớn lao cho sự tiến bộ của con người, vì vậy ý tưởng về một dạng protein mới giá rẻ đã nhanh chóng được cộng đồng các nhà khoa học và sau đó là toàn xã hội đón nhận. Ý tưởng này đã xuất hiện trên một số bài báo và tạp chí, và được phổ biến thông qua các cuốn sách khoa học phổ thông, chẳng hạn như Món mới Tuyệt vời Brave New Victuals (1965) của Elizabeth Huxley.

Thông qua các kênh này, nó cũng thu hút sự chú ý của các cơ quan phát triển và họ đã ra rất quan tâm.9 Do đó, khi đề xuất về một Dự án protein lá ở Nigeria xuất hiện, thì giải pháp cụ thể này cho vấn đề “khoảng trống protein” đã là một mạng-tác nhân vô cùng mạnh mẽ theo đúng nghĩa của nó: một hộp đen lý tưởng để xây dựng Dự án.10 Trên cơ sở những nền tảng này, Dự án cần tuyển dụng các đồng minh mới cho mục tiêu của mình. Thông qua quá trình phiên dịch, Dự án đã thuyết phục được một số actants “bên hành động” khác nhau mà lợi ích của họ có thể phù hợp với Dự án, và Dự án đã thể hiện rõ những mong muốn (đôi khi chưa được nói ra) của họ. Việc này trở nên dễ dàng hơn với nền tảng hộp đen: việc thu hút lợi ích của những bên khác sẽ đơn giản hơn khi vấn đề và giải pháp đã được xem xét một cách thấu đáo. Nhưng để có thể bắt đầu và duy trì như một mạng, dự án cần phải lên tiếng thay mặt cho những bên khác và hành động như một tổng thể, điều này đòi hỏi sự hợp tác của năm nhóm actants “hành động” chính.

[Tr.18] Nhóm đầu tiên là cộng đồng các nhà khoa học và kỹ sư, những người có tri thức chuyên môn về protein lá và chiết xuất protein từ lá. Ngay từ đầu, Dự án đã phụ thuộc rất nhiều vào các nhà sinh hóa học tại Đại học Ife [Đại học Obafemi Awolowo (OAU), trước đây gọi là Đại học Ife, là một trường đại học liên bang tại Ile-Ife, bang Osun, Nigeria; Trường được thành lập năm 1961 và bắt đầu tuyển sinh vào tháng 10 năm 1962 với tên gọi Đại học Ife bởi chính quyền khu vực Tây Nigeria, do Samuel Ladoke Akintola đứng đầu; Trường được đổi tên thành “Đại học Obafemi Awolowo” vào ngày 12 tháng 5 năm 1987, do Ibrahim Badamasi Babangida lãnh đạo, để vinh danh Obafemi Awolowo (1909–1987), thủ tướng đầu tiên của Khu vực Tây Nigeria, người đã nảy ra ý tưởng thành lập trường đại học. HHN], và sự hỗ trợ không chính thức từ Pirie và các đồng nghiệp của ông tại Rothamsted. Sau đó, một nhà công nghệ thực phẩm người Anh cũng được tuyển dụng vào Dự án, hỗ trợ phát triển máy móc kỹ thuật để xử lý lá. Sự tham gia của cộng đồng chuyên gia này là rất quan trọng đối với thành công của Dự án, vì vai trò của họ là cung cấp một nguồn thẩm quyền khẳng định sự tồn tại của khoảng trống protein và giá trị của LPC [Leaf Protein Concentrate Cô đặc Protein Lá] như một giải pháp - trên thực tế, để giữ cho các hộp đen được đóng kín. Về việc thống nhất lợi ích của riêng họ, có thể có một mức độ quan tâm cá nhân nhất định đến những tác động thực tiễn của khoa học và các ứng dụng của nó để giúp đỡ người khác, nhưng trên hết là mối quan tâm hàng đầu đối với kết quả nghiên cứu.11 Dự án đã mang đến cho cộng đồng chuyên gia cơ hội viết bài báo trên các tạp chí được bình duyệt, cho phép họ thúc đẩy các mục tiêu nghiên cứu và nâng cao danh tiếng của mình.12 Sự bận tâm này với việc xuất bản được chứng minh trong biên bản cuộc họp của Ủy ban, trong đó có những kế hoạch sản xuất các bài báo, được liệt kê theo tiêu đề, tác giả tiềm năng và ngày hoàn thành dự kiến.13

Nhóm hành động thứ hai là nhà tài trợ, một lần nữa đóng vai trò thiết yếu cho sự thành công của Dự án; như bất kỳ chuyên gia phát triển nào cũng biết, không có tiền thì chẳng làm được gì. Nhà tài trợ Dự án – Hội đồng Viện trợ Cơ đốc giáo – đã áp dụng cách tiếp cận tương đối thụ động trong quá trình triển khai. Điều này một phần là do nhu cầu, vì chỉ có hai cán bộ Dự án được tuyển dụng [tr.19] cho toàn bộ Châu Phi, và việc thiếu viễn thông trong giai đoạn này đồng nghĩa với việc phải phụ thuộc vào các báo cáo bằng văn bản và dịch vụ bưu chính. Tuy nhiên, khoảng cách này so với các hoạt động hàng ngày của Dự án là điều bình thường đối với các nhà tài trợ vào thời điểm đó, thay vì tham gia trực tiếp, họ có xu hướng yêu cầu hai điều chính. Thứ nhất, họ yêu cầu một dòng tài liệu đáp ứng các yêu cầu nội bộ của riêng họ (chủ yếu dưới dạng báo cáo về các hoạt động của Dự án, kèm theo các đề xuất thiết kế Dự án và báo cáo đánh giá). Thứ hai, họ yêu cầu một dòng tiền vào và ra khỏi sổ sách của họ.14 Do đó, các yêu cầu của nhà tài trợ xoay quanh việc nộp các bản ghi chép bằng văn bản tóm tắt hoạt động gần đây của Dự án và chuyển tiền cho nhóm thực hiện. Xét đến vai trò thể chế khá hạn chế này, người ta dễ dàng coi nhà tài trợ chỉ là một cỗ máy khổng lồ xử lý giấy tờ và tiền mặt: tiếp nhận nhiều loại tài liệu được lưu trữ cẩn thận, đồng thời giải ngân vốn. Điều này không có nghĩa là các cá nhân trong tổ chức không bị cuốn hút bởi lý tưởng của Dự án và cam kết làm việc để giúp đỡ kẻ khác; cũng không có nghĩa là toàn bộ tổ chức tài trợ không công khai cam kết với một loạt các nguyên tắc đạo đức và mục tiêu phát triển rộng lớn hơn. Điều này chỉ đơn giản là lập luận rằng xét về các hoạt động cụ thể của họ, nội dung tài liệu trong kho lưu trữ của cơ quan xoay quanh việc thu thập báo cáo hoặc phân phối tiền mặt. Mối quan tâm của họ luôn quay trở lại việc chuyển giao các văn bản để lấy tiền. Các mục tiêu hoặc lý tưởng cao hơn hiếm khi được trích dẫn hoặc định nghĩa; từ kho lưu trữ, dường như việc huy động liên minh của nhà tài trợ luôn đòi hỏi phải đảm bảo đáp ứng được hai yêu cầu cốt lõi.15

Nhóm hành động thứ ba là những người thụ hưởng; tức là những người thực sự ăn protein từ lá cây. Do vai trò trung tâm của họ đối với thành công của Dự án [tr.20], điều đáng chú ý là họ chưa bao giờ được ghi danh đầy đủ. Quá trình chuyển đổi thường yêu cầu phải tham khảo ý kiến đại diện của một nhóm nhất định và sau đó chính thức tham gia, nhưng không có bằng chứng nào về việc tham vấn trong bất kỳ kế hoạch, cuộc họp hoặc báo cáo nào từ Dự án protein lá.16 Điều này không có nghĩa là tầm quan trọng của sự hợp tác của họ không được công nhận; trên thực tế, ai cũng thấy rõ rằng nếu mọi người không ăn protein, Dự án sẽ không có mục đích. Nhưng việc ghi danh họ diễn ra thông qua một loạt giả định về cách họ sẽ hành động, chứ không phải thông qua tham vấn trực tiếp. Ví dụ, người ta cho rằng sẽ dễ dàng thuyết phục người dân địa phương về giá trị của LPC hơn nếu nó liên quan đến sức khỏe, được trình bày như một loại thuốc và được phân phối thông qua các phòng khám của Chính phủ. Do đó, bệnh viện địa phương trở thành trung tâm phân phối chính cho thành phẩm và những tác dụng có lợi của nó đối với sức khỏe đã được nhấn mạnh.17 Người ta cũng cho rằng bột protein khô của lá có thể dễ dàng được tích hợp vào chế độ ăn uống và lối sống của người dân địa phương. Người ta cho rằng đặc tính của LPC có nghĩa là nó có thể được xử lý như bất kỳ loại gia vị nào khác, và dễ dàng thêm vào súp, món hầm và nước chấm, vốn luôn được ăn kèm với tinh bột, giúp hấp thụ và ngụy trang bột rất tốt.18 Ngoài ra, người ta còn cho rằng người dân địa phương sẽ hưởng ứng một loạt quảng cáo thu hút sự quan tâm của họ. Kết quả là, một số áp phích đã được thiết kế, gợi ý cho các bà mẹ rằng LPC sẽ ngăn ngừa chứng kwashiorkor và cho phép “trẻ em sau cai sữa phát triển bình thường, khỏe mạnh”; Các quảng cáo riêng biệt cũng được soạn thảo cho trẻ em trong trường, có hình ảnh một cầu thủ bóng đá và lời tuyên bố rằng ăn protein lá sẽ “làm bạn mạnh mẽ!” Những quảng cáo này thu hút những người quen thuộc, bằng tuyên bố rằng sản phẩm là “tinh túy cô đặc của những chiếc lá mà bạn thích” và giải thích [trang 21] rằng sản phẩm là protein “lấy từ” những chiếc lá “mọc khắp xung quanh bạn”.19 Điều này có thể được coi là Dự án cố gắng thu hút người dân địa phương làm đồng minh bằng cách kêu gọi sở thích, mong muốn và thói quen của chính họ, mặc dù nhóm này chưa bao giờ được đại diện trực tiếp trong các Ủy ban Dự án.

Nhóm hành động thứ tư là lá. Để dự án thành công, lá phải được nghiền thành bột, chiết xuất nước ép, lọc lấy protein và sấy khô. Họ không chỉ cần làm điều này mà còn cần tạo ra một dạng protein lá có vẻ ngoài hấp dẫn, tương đối ngon miệng, bền và dễ mang theo. Đội ngũ Dự án đã tốn rất nhiều công sức để thuyết phục lá cây hợp tác theo tất cả những cách này. Các loại lá khác nhau đã được thử nghiệm, và tất cả đều cho kết quả khác nhau; năng suất và đặc tính protein của chúng được ghi chép cẩn thận. Cuối cùng, một sự kết hợp của hai loại lá có tính hợp tác cao hơn đã được quyết định. Lá soto, [Lá soto, hay còn gọi là lá sotol, thuộc họ Agavaceae và có tên khoa học là Dasylirion texanum, được sử dụng cho nhiều mục đích, đặc biệt là trong dệt may và ẩm thực] một loại rau bina [Rau bina, được gọi là spinach, hoặc rau chân vịt, là một loại rau lá xanh thuộc họ Dền, có nguồn gốc từ Trung và Tây Nam Á; nó thường được biết đến với các tên gọi như rau chân vịt, rau cải bó xôi hoặc rau bina, rau này rất phổ biến và được trồng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. HHN] địa phương, tạo nên một nửa hỗn hợp protein, bởi vì nó hợp tác bằng cách phát triển cực kỳ nhanh và rất dễ sống trên đồng ruộng. Lá đậu đũa tạo nên nửa còn lại của hỗn hợp, vì nó tạo ra một loại protein có màu nhạt hơn, được cho là đẹp mắt hơn đối với người dùng tiềm năng. Ngoài việc thương lượng với các loại lá khác nhau, quá trình phiên dịch còn lại đòi hỏi sức mạnh thô bạo, quyền năng trần trụi. Những chiếc lá bị buộc phải hợp tác bằng cách thay đổi hình dạng từ cùi thành nước ép, thành protein đông đặc và bột khô, bằng các loại máy móc ép nghiền.20

Cuối cùng, Dự án đã ghi nhãn, logo và hình ảnh: các thành phần giúp cho sản phẩm protein cô đặc cuối cùng có độ bền cao hơn nữa. Ngay cả sau khi ai đó đã ăn LPC, thì nhãn hiệu và tên gọi vẫn sẽ tồn tại trong tâm trí họ, và bao bì sẽ tồn tại lâu hơn khi được sử dụng, đóng vai trò như một vật nhắc nhở trên sàn nhà. Kế hoạch là phân phối LPC trong túi bóng kính với nhãn in đậm, sáng, cùng một cái tên dễ nhận biết như “Cow and Gate”. [Cow & Gate Bò&Cổng là một công ty sản xuất sữa của Anh, mở rộng sang lĩnh vực đóng chai sữa, phân phối và sản xuất thức ăn trẻ em; Năm 1959, công ty sáp nhập với United Dairies để thành lập Unigate plc, ngày nay được gọi là Uniq plc.; Thương hiệu Cow & Gate tồn tại như một thương hiệu thức ăn trẻ em chuyên biệt, thuộc sở hữu của Numico có trụ sở tại Hà Lan, hiện thuộc sở hữu của Danone; Cái tên “Cow & Gate” bắt nguồn từ doanh nghiệp ban đầu của anh em nhà Gates, chuyên bán các sản phẩm sữa đựng trong những chiếc bình màu nâu in hình một chú bò đang nhìn qua cổng; Hình ảnh này đã trở thành logo biểu tượng của công ty và cuối cùng đã truyền cảm hứng cho tên gọi của công ty, được chính thức thông qua vào năm 1929. HHN] Nhiều khả năng đã được đưa ra. “Agunmu” đã được đề xuất, nhưng sau đó bị bác bỏ vì “những liên tưởng địa phương không may” [tr.22] của nó: đó là một từ dùng để chỉ một số loại thảo mộc xay được sử dụng trong y học cổ truyền, không phù hợp với hình ảnh hiện đại, tiên tiến về công nghệ của dự án. “Milki Dudu” (sữa đen) cũng được cân nhắc, dựa trên giả thuyết rằng bột đen của LPC có thể liên quan đến bột trắng của sữa khô, vốn đã trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng địa phương. Các tên gọi khác gồm “chất lượng cô đặc của lá” cũng được cân nhắc nhưng sau bị loại bỏ vì quá rườm rà. Cuối cùng, quyết định chọn “Sokotein”, từ ghép giữa “protein” và “soko”, một trong hai loại cây được sử dụng để sản xuất chất cô đặc.21    

5.2. Giải thể một Dự án Phát triển

Tóm lại lập luận cho đến nay, quá trình hình thành Dự án này bao gồm một số bước. Đầu tiên, nền tảng của nó được xây dựng dựa trên một loạt các hộp đen, những ý tưởng và khám phá quan trọng được coi là đã khép lại: “vấn đề” về khoảng trống protein và giải pháp đề xuất về chất cô đặc protein từ lá. Thứ hai, Dự án đã thu hút được một số đồng minh quan trọng bằng cách khơi gợi mong muốn và lợi ích của họ: cộng đồng chuyên gia, cơ quan tài trợ, người thụ hưởng, lá và máy móc. Thứ ba, các đồng minh phi-nhân đã có thể mang lại cho dự án một hình thức bền vững hơn những gì mà các mối quan hệ thuần túy giữa con người có thể cho phép: lá và cục đông, cối xay và thùng chứa, dao và cuốc, và gói protein lá cô đặc với logo và thiết kế đều cho phép Dự án tự đưa mình vào thế giới dưới một hình thức ổn định và lâu dài hơn. Vậy điều gì đã khiến Dự án này sụp đổ? Theo cách tiếp cận của ANT, chúng ta có thể giải thích sự thất bại của Dự án này bằng cách đảo ngược các quy trình đã khám phá ở trên - việc mở lại các hộp đen mà Dự án được xây dựng trên các cơ sở đó và sự tan rã của các liên minh đã gắn kết nó lại với nhau. Các hộp đen mà Dự án dựa vào đã bị rò rỉ trong nhiều năm. Đặc biệt, ý tưởng về “khoảng trống protein” ngày càng bị nghi ngờ. Năm 1974, tạp chí Lancet đã xuất bản một bài báo có ảnh hưởng mang tên “thảm họa lớn về protein” [tr.23], lập luận rằng tình trạng thiếu hụt protein lan rộng ở các nước đang phát triển không bao giờ tồn tại, thực tế thì vấn đề cốt lõi mà mọi người phải đối mặt là nạn đói chứ không phải tình trạng thiếu hụt protein, và cho rằng một liên minh các bên liên quan đã dung dưỡng cho ý tưởng về khoảng trống protein không được xem xét trong một thời gian dài như vậy (McLaren, 1974).

Các nhà nhân học đã tham gia cuộc tranh luận, lập luận rằng mối bận tâm về sự thiếu hụt protein là kết quả của các yếu tố văn hóa, một “cuộc-tình” Phương Tây với thịt không phản ánh lối sống của đa số thế giới (Diener, 1984; Diener, Moore, & Mutaw, 1980). Các nhà môi trường và chuyên gia dinh dưỡng cũng đã mở hộp đen đặc biệt này, lập luận rằng mối bận tâm về thịt và protein là lãng phí và không hiệu quả, và không có lợi ích đáng chú ý nào cho chế độ ăn uống (Lappé, 1971). Vấn đề, như đã sớm xuất hiện, là thiếu năng lượng, hay nói đơn giản hơn, là thiếu thực phẩm. Ý tưởng về khoảng trống protein dần dần bị phá vỡ. Trong một quá trình tương tự, giải pháp “hộp đen” cho tình trạng thiếu protein cũng được mở ra và khả năng tồn tại của protein lá như một phương pháp để giảm tình trạng suy dinh dưỡng đã bị đặt thành vấn đề. Thái độ dần thay đổi, một phần là do tính thời thượng của hiện đại hóa đang giảm sút, một phần là do nhận thức rằng các giải pháp khoa học áp đặt từ trên xuống có những hạn chế, và một phần là do nhận thức ngày càng tăng về những bất lợi của chính protein lá. Thái độ mâu thuẫn mới này đối với protein lá được minh họa bằng nhận xét của một nhà khoa học đến từ Đại học Ife, người đã tham gia vào giai đoạn đầu của Dự án. Trong biên bản cuộc họp đầu những năm 1980, ông tuyên bố rằng LPC không có lợi thế gì so với bất kỳ nguồn protein nào khác, và người dân địa phương “thà trồng thêm một vài loại đậu còn hơn”.22 Quan điểm này cũng được nhiều người khác đồng tình, họ chỉ ra rằng protein lá đòi hỏi một quá trình chiết xuất tốn công hơn nhiều, và hơn nữa, nó còn mang theo những rủi ro và bất trắc đối với người tiêu dùng.23

[Tr.24] Không chỉ các hộp đen bị rò rỉ. Hơn nữa, các liên minh gắn kết Dự án cũng dần tan rã. Điều này một phần là do khâu phiên dịch ngay từ đầu đã yếu kém: như tôi đã giải thích, những người thụ hưởng của Dự án chưa bao giờ được tham gia đầy đủ thông qua việc đăng ký đại diện. Nhưng nguyên nhân cũng là do sự đổ vỡ của các mối quan hệ, và Dự án không thể thống nhất lợi ích của các bên liên quan. Ví dụ, cộng đồng chuyên gia và nhà khoa học đã chuyển sự chú ý sang những việc khác, đặc biệt là khi các bài báo học thuật chính đã được viết xong, và việc tạo ra dữ liệu mới từ Dự án đang dần suy yếu. Các cuộc họp của Uỷ ban trở nên rời rạc hơn, và các báo cáo dường như chỉ là sự tổng hợp của các nghiên cứu đã được công bố trước đó.24 Tương tự như vậy, các nhiệm vụ kỹ thuật chính đã được hoàn thành. Các máy móc đã được chế tạo hoạt động tốt, quy trình sản xuất đã được tinh chỉnh, và sản phẩm LPC đã được chứng minh là có thể ăn được và tương đối kinh tế khi sản xuất. Đặc biệt, vai trò của chuyên gia công nghệ thực phẩm đã được thực hiện thành công, và vị trí của anh ta ở Nigeria cũng kết thúc.25 Không chỉ cộng đồng chuyên gia mà mối quan hệ với Dự án cũng tan vỡ; mối quan hệ với nhà tài trợ cũng tan vỡ. Tôi đã lập luận rằng nhà tài trợ đóng vai trò như một trung tâm xử lý, tiếp nhận giấy tờ và giải ngân. Mối quan tâm của họ đối với Dự án phụ thuộc vào giao dịch này, và một khi giấy tờ cạn kiệt và tiền không được chi tiêu, sự nhiệt tình của họ đối với Dự án cũng giảm sút. Khi đọc các tài liệu lưu trữ, điều đặc biệt thú vị là sự kiên nhẫn tuyệt đối của nhà tài trợ, miễn là  các báo cáo được nộp thường xuyên, tiền được chi tiêu thường xuyên và biên lai cùng biên bản cuộc họp được nộp. Bất chấp sự yếu kém của các mối quan hệ khác - chẳng hạn như giữa Dự án và người thụ hưởng, hoặc giữa Dự án và các nhà khoa học - mối quan hệ nhà tài trợ vẫn có thể được duy trì thông qua giao dịch tài liệu-tài chính. Ngay cả những hộp đen ngày càng rò rỉ cũng không làm gián đoạn mối quan hệ này, và mối liên kết giữa nhà tài trợ và Dự án chỉ bị suy yếu khi các báo cáo dừng lại và khi tiền ngừng chuyển qua [tr.25] sổ sách.26 Đến năm 1978, có khoảng 30.000 bảng Anh tiền chưa chi trong các tài khoản ngân hàng của Hội đồng Viện trợ Cơ đốc giáo và thêm 30.000 bảng Anh đã được cam kết nhưng không được yêu cầu. Các yêu cầu báo cáo và lập kế hoạch liên tục được gửi đi mà không có bất kỳ phản hồi chi tiết nào.27 Hội đồng Viện trợ Cơ đốc giáo đã nỗ lực hết sức để tiếp tục Dự án và chi tiêu số tiền đã được phân bổ, nhưng cuối cùng, lợi ích của nhà tài trợ trong việc duy trì dòng tiền dự án thông qua các tài khoản đã không được đáp ứng, và do thiếu giấy tờ và nguồn tài trợ được luân chuyển qua hệ thống của mình, nên mối quan hệ giữa nhà tài trợ và Dự án đã tan vỡ.

Một Liên minh chủ chốt khác cũng đã tan vỡ chính là với lá cây. Mặc dù báo cáo này đến báo cáo khác đều khẳng định rằng protein lá sẽ hữu ích cho người tiêu thụ, nhưng lá cây lại không hợp tác với mục tiêu cốt lõi này của Dự án. Chúng được giao hai vai trò mà chúng từ chối chấp nhận: chuyển hóa thành một dạng mới giàu protein, có tuổi thọ cao, và sử dụng dạng này trong chế độ ăn uống của con người. Vấn đề là dạng khô của protein lá cô đặc có “màu sẫm không ngon”, “sần sùi” và làm thay đổi kết cấu của món hầm và súp, có vị hơi giống “rong ao”, và làm phân có màu xanh lá cây, khiến các bà mẹ thường lo lắng khi được yêu cầu cho con ăn.28 Kết quả là, các nhân viên Dự án đã phải phân phối LPC dưới dạng sữa đông tươi thay vì bột khô. Loại này có thể được đông lạnh ngay sau khi sản xuất - cho đến khi được vận chuyển đến các phòng khám bệnh viện - nhưng bản chất của loại sáp đông tươi này lại rất dễ hỏng, không dễ đóng gói, tên và nhãn hiệu đã chọn không dễ sử dụng, và phải được ăn tương đối nhanh. Do đó độ bền của LPC bị đặt dấu hỏi, vì giờ đây nó có tuổi thọ ngắn hơn nhiều và hình dạng vật liệu kém ổn định hơn. Loại sáp đông này cũng tỏ ra khá hạn chế [tr.26] trong việc sử dụng: vì không dễ vận chuyển, nó chỉ có thể được sử dụng để nuôi dưỡng điều trị cho trẻ em suy dinh dưỡng nghiêm trọng tại bệnh viện địa phương. Có một thời gian, nó thay thế đậu nghiền được sử dụng trước đây, nhưng có nhiều hạn chế hơn. Không giống như các nguồn protein khác, nó không thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau; so với trứng, có thể nướng, đánh bông, chiên, luộc, v.v., protein lá chỉ có thể được thêm vào thực phẩm. Và vì nó làm thay đổi màu sắc, hương vị và kết cấu của thực phẩm này theo những cách không quen thuộc với mọi người, nên nó chưa bao giờ được người dân ưa chuộng.

6. Kết luận

Vậy điều gì đã thay đổi từ khi bắt đầu đến khi kết thúc Dự án? Điều gì đã xảy ra khiến vận mệnh của nó thay đổi sâu sắc đến vậy? Câu trả lời là: không nhiều. Không có gì mang tính cách mạng xảy ra dẫn đến thất bại của Dự án, nhưng thay vào đó, có sự tan rã dần dần của các liên minh gắn kết toàn bộ ý tưởng. Không có đột phá khoa học nào hoàn toàn lật đổ những giả định làm cơ sở cho Dự án; thay vào đó, càng ngày người ta càng hoài nghi cái ý tưởng về khoảng trống protein và khả năng tồn tại của loại thực phẩm cho con người dựa trên protein lá. Lá cây không đột nhiên nổi loạn chống lại những nỗ lực làm cho chúng có thể ăn được và hữu ích cho con người; thay vào đó, những hạn chế về protein của chúng dần trở nên rõ ràng, và những lời phàn nàn về màu sắc, kết cấu và hương vị của chúng xuất hiện. Không có sự cạn kiệt nguồn tài trợ đột ngột, hay cắt đứt mối quan hệ giữa nhà tài trợ và Uỷ ban Dự án; thay vào đó, dần dần xuất hiện quá trình làm cho lợi ích của mỗi bên không được Dự án thúc đẩy: nhà tài trợ không nhận được tài liệu hoặc không được hưởng lợi từ việc luân chuyển vốn, và các nhà khoa học không còn cần đến Dự án để viết bài nghiên cứu. Trong mỗi yếu tố tạo nên phân tích ANT này – việc mở và đóng các hộp đen, quá trình phiên dịch và việc tuyển dụng các đồng minh không phải con người – chúng ta được cung cấp một bức tranh phức tạp, tinh tế về Dự án, được nhìn qua lăng kính của các liên minh liên tục thay đổi. ANT không cung cấp cho chúng ta một lý thuyết bao quát, một câu chuyện lớn hay một tập hợp các nguyên nhân mang tính cách mạng hoặc có thể sao chép được về thành công hay thất bại: nó cung cấp một mô tả kiên nhẫn, tỉ mỉ, và chi tiết.

[Tr.27] Ưu điểm của ANT trong việc xem xét thành công và thất bại của Dự án nằm ở chi tiết này: nó cho phép chúng ta vượt ra khỏi mối quan tâm hạn hẹp với các mục tiêu đã nêu, và nhìn vào bối cảnh rộng hơn của các ý tưởng, thể chế, cá nhân và đối tượng, tất cả đều đóng góp vào quá trình phát triển. Nó cũng mang lại cho chúng ta một sự hoài nghi rất cần thiết về bất kỳ tuyên bố nào cho rằng các Dự án phát triển có giá trị khách quan cố hữu. Xét cho cùng, lịch sử phát triển là một lịch sử của những câu trả lời vĩ đại liên tiếp, những khám phá sâu sắc, những giải pháp tối thượng, những khoảnh khắc “eureka” [Từ εὕρηκα heúrēka gốc tiếng Hy Lạp cổ, là dạng chủ động hoàn thành ngôi thứ nhất số ít của động từ εὑρίσκω heurískō, có nghĩa là “tìm thấy”; tích truyện gắn liền với nhà toán học Hy Lạp Archimedes, được cho là đã thốt lên từ này khi khám phá ra nguyên lý lực đẩy của nước trong khi tắm. HHN], tất cả đều mang đến những cách thức mới mẻ và thú vị để cải thiện điều kiện sống của con người. Nó đã đưa ra những câu trả lời vĩ đại với những ý định cao cả, hấp dẫn, nhưng những câu trả lời và những ý định này hiếm khi được xem xét với một thái độ đủ mức hoài nghi. Các câu trả lời được đề xuất, các giải pháp được đề xuất, các ý tưởng được đưa ra đều hướng đến sự đơn giản hóa – chúng giản lược sự phức tạp của thế giới thành một tập hợp các giải pháp kỹ thuật hoặc quy trình Dự án mà các thể chế có thể đạt được. Nhưng ưu điểm lớn nhất của Lý thuyết Mạng-Tác nhân là nó nhắc nhở chúng ta về sự phức tạp tuyệt đối của thế giới, cách thức tạo dựng mỗi “hộp đen” dựa trên một chuỗi các hộp đen khác, và nó cho phép chúng ta, thông qua việc phân tích cẩn thận, xem xét từng chút một và mở từng hộp đen một.

Nhược điểm lớn nhất của cách tiếp cận này trong việc đánh giá các Dự án là tính phi đạo đức của nó. Bằng cách nhấn mạnh sự phổ biến của quyền lực trong việc xây dựng các mạng-tác nhân thành công, ANT dường như hợp pháp hóa quyền lực này, hoặc ít nhất, nó có vẻ không quan tâm đến quyền lực này. Như Langdon Winner (1993) ngay từ đầu đã chỉ ra, cách tiếp cận như vậy vừa mang tính tinh hoa (ở chỗ nó đi theo các tác nhân quyền lực nhất), vừa phi đạo đức (ở chỗ nó không cung cấp công cụ nào để đánh giá hiện trạng một cách đạo đức). Trong các Dự án phát triển, sự kết hợp này đặc biệt đáng lo ngại. Như một người cung cấp th ông tin cho bài viết này đã đề xuất, việc sử dụng ANT để xem xét sự phát triển dường như dẫn đến câu châm ngôn “cái gì cũng được”: nếu thành công được các liên minh quyết định, thì bất cứ  nguyên nhân nào dẫn đến việc xây dựng các liên minh đều phải là một công thức thành công có thể chấp nhận được. Nói cách khác, ANT trích xuất bất kỳ khái niệm đạo đức nào từ thành công, để lại nó như một khái niệm hoàn toàn mang tính hình thức (và thậm chí là lặp lại). Điều này dẫn đến một tình huống mà chúng ta phải đánh giá các Dự án phát triển lớn là một “thành công” vì chúng đã xây dựng nên các liên minh rộng rãi [tr.28], ngay cả khi chúng ta coi chúng là hoàn toàn khủng khiếp theo quan điểm đạo đức - chẳng hạn như, chỉ đưa ra một ví dụ, các chiến dịch triệt sản hàng loạt ở Ấn Độ những năm 1970.29 Vấn đề này ít gây phiền nhiễu hơn so với cái nhìn đầu tiên, một phần vì nó giúp chúng ta làm rõ ý nghĩa của “thành công”, nhưng cũng vì nó cho phép chúng ta thấy những cách mà ANT hữu ích và những cách mà nó không hữu ích. Xét cho cùng, việc áp dụng ANT làm khuôn khổ cho nghiên cứu không ngăn cản chúng ta hình thành các phán đoán đạo đức độc lập về các vấn đề; Thật vậy, việc tách biệt những phán đoán đạo đức khỏi các mô tả sự việc có thể thực sự hữu ích. ANT rất tốt cho việc mô tả và phân tích chi tiết, nhưng lại kém hiệu quả hơn trong việc giải quyết các vấn đề đạo đức, và miễn là chúng ta ghi nhớ điều này, nó vẫn là một công cụ cực kỳ hữu ích. Chúng ta phải chấp nhận rằng ANT không thể giúp chúng ta xác định đạo đức nào chúng ta nên tuân theo, bởi vì đây không phải là mục đích chính của cách tiếp cận này, mà lợi thế thực sự nằm ở nền tảng siêu hình và bản thể học vững chắc của nó (Harman, 2009).30

Với sự nhấn mạnh vào mô tả hơn là phán đoán, ANT có một số ứng dụng quan trọng trong Nghiên cứu Phát triển. Một trong những đóng góp chính của ANT là cung cấp một khuôn khổ mới để đánh giá thành công và thất bại của Dự án – điều mà tôi đã gọi trong bài báo này là cách tiếp cận thành công theo “tính liên tưởng” thay vì “tính hiệu lực”. Nhưng ANT cũng cho phép chúng ta quan sát một động lực trung tâm xuyên suốt tất cả các Dự án phát triển: đó là để có quy mô lớn và sâu rộng, các Dự án phát triển phải đi theo con đường ít gây tranh cãi nhất. Ai cũng thấy khá rõ là sức mạnh và tuổi thọ của một Dự án là sản phẩm của các liên minh mà nó xây dựng; nhưng vấn đề lại ít rõ ràng hơn ở chỗ việc xây dựng các liên minh đạt được mức độ tốt nhất bằng cách không thách thức các cấu trúc quyền lực và các tác nhân quyền lực, mà là bằng cách đưa họ vào cuộc. Bằng cách chú ý đến quá trình vòng đời Dự án, ANT làm nổi bật yếu tố phi đạo đức luôn tồn tại trong các cuộc đàm phán thực dụng của các tác nhân phát triển, sự đấu tranh không ngừng giữa cái đúng đắn và [tr.29] cái sẽ thành công. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng các Dự án thường thành công bằng cách chấp nhận các giả định chủ đạo, bằng cách không đe dọa, bằng cách thuần hóa thay vì cực đoan, bằng cách hình thành liên minh với các tác nhân mạnh mẽ và bằng cách tránh một số vấn đề cấu trúc lớn nhất duy trì sự chia rẽ xã hội. Có lẽ, cuối cùng, đây là lý do tại sao sự phát triển đã không thể chuyển đổi bất bình đẳng trên thế giới và tạo ra rất ít tác động như vậy để đáp ứng hàng tỷ đô la được đầu tư: bởi vì, như những người theo chủ nghĩa Marxism vẫn luôn tuyên bố, cuối cùng nó lại tái tạo các lợi ích thống trị và chấp nhận các ý tưởng thống trị thay vì thách thức chúng. Và có lẽ cũng là lý do tại sao tiềm năng của ANT đối với sự phát triển vượt xa các ứng dụng khiêm tốn trong bài viết này - xét cho cùng, bài viết chỉ cung cấp một minh họa về việc ứng dụng của nó, dựa trên một Dự án protein lá khá nhỏ ở Nigeria31 vào những năm 1970 - vì nó có thể cung cấp một khuôn khổ mới để phân tích lý do tại sao sự phát triển nói chung thường không đáp ứng được kỳ vọng.

________________________________________

Nguồn: Tom Scott‐Smith (2013). The Least Provocative Path: An ANT Lens on Development Project Formation and Dissolution. Paper No. 3, Published by: Centre for Development Informatics; Institute for Development Policy and Management, SED; University of Manchester, Arthur Lewis Building, Manchester, M13 9PL, UK.

Notes

7 Việc Dự án được xây dựng dựa trên khái niệm phổ biến về khoảng trống protein này được thể hiện rõ trong đề xuất ban đầu và biên bản cuộc họp của Ủy ban đầu tiên. Xem hồ sơ CA4/A/2/10, đặc biệt là biên bản cuộc họp khai mạc của Ủy ban cố vấn, có tiêu đề “Dự án Posho Mill sản xuất protein lá”, ngày 22 tháng 6 năm 1973, và hồ sơ CA4/A/1, đặc biệt là mẫu đơn đăng ký Dự án, có tiêu đề “Dự án Posho Mill” không ghi ngày tháng (khoảng năm 1972).

8 Để biết thêm chi tiết về lịch sử này, xem N.W. Pirie trong Cuộc trò chuyện với Tiến sĩ W. S. Pierpoint, ngày 27 tháng 6 năm 1988, tại Film and Sound Online, Bộ sưu tập của Hội Hóa sinh: http://edina.ac.uk/purl/isan/00280000 26570000 0000 00000 0. Xem thêm Fowden và Pierpont (1997).

9 Điều này được chứng minh qua các bài báo được cắt dán cẩn thận và những chú thích đầy nhiệt huyết trong kho lưu trữ của một số cơ quan phát triển; xem các bài báo trong hồ sơ CA4/A/1 và mối quan tâm tương tự được thể hiện trong kho lưu trữ của Oxfam, Bicester, Vương quốc Anh, hồ sơ DIR/2/3/2/57. Một Tổ chức phi Chính phủ hoàn toàn mới, ‘Find Your Feet’, đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp protein lá cây, và trở thành một nhân tố quan trọng trong việc thuyết phục Christian Aid tài trợ cho Dự án.

10 Tất nhiên, Dự án còn dựa vào những yếu tố khác: thẩm quyền của khoa học, mạng lưới các tổ chức tài trợ, toàn bộ ý tưởng về ‘phát triển’, sự sẵn có của các dịch vụ bưu chính, dịch vụ của các ngân hàng, v.v. Danh sách này có thể được trình bày chi tiết, nhưng điểm mấu chốt là để minh họa rằng Dự án cụ thể này được xây dựng dựa trên một loạt mạng-tác nhân khác với sức mạnh khác nhau, được coi là vấn đề đồng thuận.

11 Mối quan tâm rộng rãi hơn về cách khoa học có thể hỗ trợ xã hội được thể hiện qua một số tài liệu do các chuyên gia biên soạn, ví dụ như trong phần mục tiêu cốt lõi ở trang 8 của báo cáo tóm tắt “Nghiên cứu Protein Lá ở Nigeria” của O.L.O, một nhà hóa sinh tại Đại học Ife, người đã tư vấn cho Dự án (hộp CA4/A/3/1). Tuy nhiên, nhìn chung, cộng đồng chuyên gia đã trình bày sự tham gia của họ vào Dự án bằng ngôn ngữ nghiên cứu và lợi ích khoa học (thay vì lợi ích xã hội). Điều này thể hiện rõ trong toàn bộ phần còn lại của báo cáo được trích dẫn ở trên, cũng như trong các thư từ và bản ghi nhớ khác trong hồ sơ CA4/A/3/1.

12 Việc viết các bài báo trên tạp chí là nền tảng để xây dựng sự nghiệp học thuật, nhưng Latour và Woolgar (1986, tr. 4563) cũng lập luận rằng việc tạo ra các văn bản khắc ghi lại là mục đích cốt lõi của khoa học.

13 Xem ví dụ, biên bản cuộc họp của Ủy ban Cố vấn về protein lá, ngày 10 tháng 4 năm 1976, và bản ghi nhớ “các bài báo cần viết”, ngày 20 tháng 1 năm 1976, trong hộp CA4/A/2/11. Trên thực tế, một số lượng lớn các bài báo đã được công bố (Fafunso & Oke, 1976; Oke, 1971, 1973; Olatunbosun, 1976; Olatunbosun, Adadevoh, & Oke, 1972) nhưng nhiều bài báo không khớp với kết quả dự kiến được nêu trong các tài liệu Dự án. Thật khó để xác định chính xác mối liên hệ giữa các bài báo học thuật và Dự án phát triển protein lá thực tế, mặc dù mong muốn của các chuyên gia trong việc viết bài báo chắc chắn được thể hiện rõ trong biên bản cuộc họp, và có thể là lý do chính cho sự tham gia của họ. Diễn ngôn của họ chắc chắn nhấn mạnh đến kết quả nghiên cứu, như tài liệu được trích dẫn trong chú thích 11 có thể chứng minh.

14 Biên bản của Hội đồng Viện trợ Cơ đốc giáo từ năm 1972 đến năm 1982, trong hộp CA2/D/26 và CA2/D/27. Là cơ quan giải ngân bất kỳ khoản tiền nào cho các Dự án, hai yêu cầu này được nêu rõ ràng và thúc đẩy các hoạt động còn lại của tổ chức. Chính Hội đồng yêu cầu các báo cáo cần thiết trước khi giải ngân tiền mặt, và mặc dù các nhân viên Dự án cá nhân có thể có mối quan hệ phức tạp hơn với hoạt động của Dự án và có thể đã tìm kiếm sự đảm bảo chi tiết hơn theo những cách khác, nhưng họ chủ yếu tham gia vào việc đảm bảo rằng các báo cáo cần thiết được biên soạn cho Hội đồng, và họ cam kết tiếp tục Dự án thông qua dòng chảy tuần hoàn của tài liệu và tiền mặt này.

15 Quan điểm này cũng xuất phát từ nghiên cứu về “chuỗi viện trợ”, cho thấy các nhà tài trợ chủ yếu quan tâm đến trách nhiệm giải trình lên cấp trên (việc nộp báo cáo) và áp lực phải chi tiền: tóm lại, họ thường quan tâm nhiều hơn đến tăng trưởng và dòng tiền hơn là những gì thực sự diễn ra trên thực tế (Bebbington, 2005; Bornstein, 2003; Wallace, 2000).

16 Việc xem xét tất cả các báo cáo họp Ủy ban và thư từ giữa các nhân viên Dự án cho thấy không có sự tham gia nào của các nhóm thụ hưởng vào quá trình lập kế hoạch và khởi động Dự án, mặc dù thường xuyên có những tuyên bố thay mặt họ, nêu rõ điều gì có thể hấp dẫn người dân địa phương và điều gì sẽ không. Có một đề cập đến “thử nghiệm chấp nhận tại địa phương” dường như đã không diễn ra. Sau đó, Dự án đã có kế hoạch đưa người thụ hưởng tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng để xem xét tác động của protein lên các đặc điểm thể chất, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy điều này đã diễn ra. Mặc dù vậy, những kế hoạch này cho thấy LPC được hình thành như một can thiệp y tế đối với con người, chứ không phải là một can thiệp xã hội có sự tham gia của họ.

17 ‘Biên bản cuộc họp thứ ba của Ủy ban Cố vấn’, ngày 13 tháng 10 năm 1973, hồ sơ CA4/A/2/10

18 Ba cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Cố vấn, ý kiến của O.L.O; ‘Một số vấn đề về phân phối’, của J.N. (giám đốc tổ chức đối tác tôn giáo địa phương chủ trì sản xuất protein lá); không ghi ngày tháng, nhưng có thư giới thiệu năm 1977, cả hai đều trong ô CA4/A/2.

19 ‘Báo cáo dự án Protein Lá’, Phụ lục 2, của P.F (một chuyên gia công nghệ thực phẩm của Dự án và là nhân viên Dự án toàn thời gian tại Ibadan), không ghi ngày tháng, nhưng có thư giới thiệu năm 1977, ô CA4/A/3.

20 ‘Báo cáo sơ bộ về các thử nghiệm protein lá’, của P.F, ngày tháng 7 năm 1977; ‘việc sản xuất một đơn vị chế biến để sản xuất protein lá khô cô đặc’, không ghi ngày tháng, hồ sơ CA4/A/3/1.

21 Báo cáo của Ủy ban Cố vấn, đặc biệt là ngày 22 tháng 6 năm 1973 và ngày 2 tháng 3 năm 1977, hộp CA4/A/2/11.

22 Bản ghi nhớ gửi S.H. (cán bộ dự án Christian Aid phụ trách Tây Phi) dựa trên các cuộc trò chuyện với Giáo sư G.H (cựu Trưởng khoa Công nghệ tại Đại học Ife), ngày 24 tháng 11 năm 1980, hồ sơ CA4/A/2/12.

23 Trọng tâm của nhiều chuyên gia chuyển sang việc sử dụng protein lá làm thức ăn chăn nuôi thay vì cho người tiêu dùng, và những lo ngại đã được nêu ra trong thư từ trao đổi với các cán bộ Dự án; xem ví dụ, thư từ W.A, (Điều phối viên Hội đồng về các đề xuất cho Nhóm Phát triển Công nghệ Trung gian) gửi B.W (cán bộ Dự án Christian Aid), ngày 30 tháng 10 năm 1979, trong hồ sơ CA4/A/2/12. Ngay từ năm 1974, đã có sự do dự trong việc công bố Dự án thí điểm, với lý do rằng “đã có một lịch sử đáng tiếc về ‘thực phẩm kỳ diệu’ được du nhập [vào Nigeria]”, xem thư gửi C.W. (một cán bộ Dự án Christian Aid) từ J.N, ngày 17 tháng 8 năm 1974.

24 Thư từ G.D (chuyên gia tư vấn công nghệ thực phẩm cho Dự án, trước đây làm việc tại Rothamsted) gửi B.W., ngày 12 tháng 10 năm 1979, hồ sơ CA4/A/2/12.

25 Thư từ P.F. gửi B.W., ngày 4 tháng 7 năm 1977, hồ sơ CA4/A/2/11; “Dự án sản xuất protein lá, ghi chú bàn giao” của P.F., không ghi ngày tháng khoảng tháng 8 năm 1977, hồ sơ CA4/A/3/1.

26 Không có nhân viên nào của Christian Aid trong kho lưu trữ tỏ ra hoài nghi về khoảng trống protein và giá trị của protein cô đặc từ lá cây, và ngay cả khi tiếp xúc với quan điểm hoài nghi của các học giả, những nỗ lực tiếp tục Dự án vẫn tiếp diễn (xem bản ghi nhớ, op cit, chú thích 22). Thay vào đó, mối quan tâm tập trung vào việc thiếu báo cáo được gửi đi và thiếu ngân sách yêu cầu tài trợ; cả hai đều được coi là kết quả của chính trị cá nhân và quản lý yếu kém tại địa phương, chứ không phải là các vấn đề mang tính hệ thống của toàn bộ Dự án (xem thư từ giữa B.W và P.F, ngày 1 tháng 10 năm 1979, hồ sơ CA4/A/2/12).

27 Xem thư của B.W. gửi E.A (giám đốc tổ chức chủ nhà địa phương của Dự án), ngày 27 tháng 4 năm 1978, hồ sơ CA4/A/2/12, và các yêu cầu tiếp theo trong cùng hồ sơ. Ngoài ra, các tài liệu gửi Hội đồng Quản trị Christian Aid, hộp CA2/D/27, với bản cập nhật cuối cùng từ Dự án than phiền về việc thiếu báo cáo.

28 Những bình luận này, theo thứ tự, được trích từ cuộc phỏng vấn với P.F, ngày 11 tháng 1 năm 2011; biên bản cuộc họp của Ủy ban Cố vấn, ngày 26 tháng 11 năm 1977, hồ sơ CA4/A/1; cuộc phỏng vấn với B.W, ngày 7 tháng 1 năm 2011; O.L.O trong biên bản cuộc họp của Ủy ban Cố vấn, ngày 22 tháng 6 năm 1973, hồ sơ CA4/A/2/10.

29 Tôi biết ơn Henrik Ernstson vì đã giúp làm rõ điểm này.

30 Để làm rõ điều này, hãy xem xét sự đóng góp của ANT cho những câu hỏi đạo đức rõ ràng hơn. Mặc dù ANT không giúp ích gì trong việc trả lời cách chúng ta nên hành động, nhưng nó sẽ giúp trả lời cách chúng ta áp dụng một số khuôn khổ nhất định cho việc ra quyết định đạo đức. ANT đưa ra một góc nhìn phê phán về chính ý tưởng đạo đức: nó giúp chúng ta hiểu tại sao một số chuẩn mực đạo đức lại được chấp nhận rộng rãi như vậy, cách các chuẩn mực đạo đức chuyển từ người này sang người khác và trở nên nổi bật, và cách các chuẩn mực đạo đức đã thay đổi theo thời gian. Do đó, mối quan tâm của bài viết này là việc tạo ra đạo đức như một mạng lưới hành động, chứ không phải là những vấn đề thực tế trong việc lựa chọn giữa các lập trường đạo đức khác nhau. Tuy nhiên, việc hiểu được quá trình này không ngăn cản chúng ta lựa chọn một lập trường đạo đức về bất kỳ vấn đề nào, và việc hiểu cách thức hoạt động của các mạng lưới thực sự có thể giúp chúng ta định nghĩa lại, tinh chỉnh và diễn đạt lại các lập trường đạo đức của chính mình. Tôi rất biết ơn cuộc trò chuyện với Geoff Walsham vì đã giúp tôi làm rõ lập trường này.

31 Cần nhấn mạnh rằng quy mô của Dự án và sự tồn tại của nó trong quá khứ không làm suy yếu lập luận trung tâm của bài viết này. Trên thực tế, nguyên tắc “tổng quát hóa sự chú ý hoàn toàn giống nhau đối với các dự án cận biên, đối với những thất bại, đối với khoa học ‘không hiệu quả’ hoặc những khám phá ‘không chính xác’ như chúng ta dành cho những thành công, các Dự án Quốc tế lớn, những đột phá khoa học và những kỳ quan công nghệ. Cả hai đều có thể minh họa và soi sáng; cả hai đều có thể cho thấy cách thức hoạt động của các mạng lưới.

Bibliography

Amsterdamska, O. (1990). Surely you are joking, Monsieur Latour! Science, Technology, & Human Values, 15, 495‐504.

Appleby, J. O., Hunt, L. A., & Jacob, M. (1994). Telling the truth about history. London: Norton.

Bakewell, O., & Garbutt, A. (2005). The use and abuse of the logical framework approach. In. Stockholm: SIDA.

Bebbington, A. (2005). Donor‐NGO relations and representations of livelihood in nongovernmental aid chains. World Development, 33, 937‐950.

Bornstein, L. (2003). Management standards and development practice in the South African aid chain. Public Administration and Development, 23, 393‐404.

Brock, J. F., & Autret, M. (1952). Kwashiorkor in Africa. Geneva: World Health Organization.

Callon, M. (1986). Some elements of a sociology of translation: domestication of the scallops and the fishermen of St Brieuc Bay. In J. Law (Ed.), Power, action, and belief: a new sociology of knowledge? (pp. 196‐233). London: Routledge & Kegan Paul.

Callon, M., & Latour, B. (1981). Unscrewing the big leviathan: how actors macro‐structure reality and how sociologists help them to do so. In K. Knorr‐Cetina & A. V. Cicourel (Eds.), Advances in social theory and methodology: toward an integration of micro‐and macro‐sociologies (pp. 277‐303). Boston: Routledge & Kegan Paul.

Collins, H. M., & Yearley, S. (1992). Epistemological chicken. In A. Pickering (Ed.), Science as practice and culture (pp. 301‐326). Chicago: University of Chicago Press.

Cracknell, B. (1996). Evaluating development aid. Evaluation, 2, 23‐33.

Crawford, P., & Bryce, P. (2003). Project monitoring and evaluation: a method for enhancing the efficiency and effectiveness of aid project implementation. International Journal of Project Management, 21, 363‐373.

Diallo, A., & Thuillier, D. (2005). The success of international development projects, trust and communication: an African perspective. International Journal of Project Management, 23, 237‐252.

Diener, P. (1984). Humanism and science in cultural anthropology: the great protein fiasco. Journal of Social Philosophy, 15, 13‐20.

Diener, P., Moore, K., & Mutaw, R. (1980). Meat, markets, and mechanical materialism: the great protein fiasco in anthropology. Dialectical Anthropology, 5, 171‐192.

Evans, R. (2004). In defence of history. London: Granta.

Fafunso, M. A., & Oke, O. L. (1976). Leaf protein from different cassava varieties. Nutrition Reports International, 14, 629‐632.

Fowden, L., & Pierpoint, S. (1997). Obituary: Norman Pirie (1907‐97). Nature, 387, 560‐560.

Fowler, A. (1995). Assessing NGO performance: difficulties, dilemmas and a way ahead. In M. Edwards & D. Hulme (Eds.), Non‐governmental organisations, performance and accountability: beyond the magic bullet (pp. 143‐156). London: Earthscan.

Gasper, D. (2000). Evaluating the 'logical framework approach' towards learning‐oriented development evaluation. Public Administration and Development, 20, 17‐28.

Green, A., & Troup, K. (1999). The houses of history: a critical reader in twentieth‐century history and theory. Manchester: Manchester University Press.

Harman, G. (2009). Prince of networks: Bruno Latour and metaphysics. Melbourne: re.press.

Huxley, E. J. G. (1965). Brave new victuals: an inquiry into modern food production. London: Chatto & Windus.

Lappé, F. M. (1971). Diet for a small planet. New York: Ballantine Books.

Latour, B. (1987). Science in action: how to follow scientists and engineers through society. Milton Keynes: Open University Press.

Latour, B. (1992). Where are the missing masses? The sociology of a few mundane artefacts. In W. Bijker & J. Law (Eds.), Shaping technology/building society: studies in sociotechnical change (pp. 225‐258). Cambridge: MIT Press.

Latour, B. (1999). On recalling ANT. In J. Law & J. Hassard (Eds.), Actor network theory and after (pp. 15‐25). Oxford: Blackwell.

Latour, B. (2005). Reassembling the social: an introduction to actor‐network‐theory. Oxford: Oxford University Press.

Latour, B., & Woolgar, S. (1986). Laboratory life: the construction of scientific facts ([2nd ] / ed.). Princeton: Princeton University Press.

Law, J. (1992). Notes on the theory of the actor‐network: ordering, strategy, and heterogeneity. Systemic Practice and Action Research, 5, 379‐393.

Law, J., & Hassard, J. (1999). Actor network theory and after. Oxford: Blackwell.

Lee, N., & Brown, S. (1994). Otherness and the actor network. American Behavioral Scientist, 37, 772‐790.

Marwick, A. (2001). The new nature of history: knowledge, evidence, language. Basingstoke: Palgrave.

McLaren, D. (1974). The great protein fiasco. The Lancet, 304, 93‐96.

Morrison, J. E., & Pirie, N. W. (1961). The large‐scale production of protein from leaf extracts. Journal of the Science of Food and Agriculture, 12, 1‐5.

Newman, J. (1995). From definition, to geography, to action, to reaction: the case of Protein‐Energy Malnutrition. Annals of the Association of American Geographers, 85, 233‐245.

Oke, O. L. (1971). Some aspects of leaf protein work in Nigeria. Indian Journal of Nutrition and Dietetics, 8, 121‐&.

Oke, O. L. (1973). Leaf protein research in Nigeria ‐ Review. Tropical Science, 15, 139‐155.

Olatunbosun, D. A. (1976). Leaf protein for human use in Africa. Indian Journal of Nutrition and Dietetics, 13, 168‐173.

Olatunbosun, D. A., Adadevoh, B. K., & Oke, O. L. (1972). Leaf protein: A new protein source for the management of protein calorie malnutrition in Nigeria. Nigerian Medical Journal, 2, 195‐199.

Pirie, N. W. (1966). Leaf protein as a human food. Science, 152, 1701‐1705.

Ruxin, J. (2000). The United Nations Protein Advisory Group. In D. Smith & J. Phillips (Eds.), Food, science, policy and regulation in the twentieth century: international and comparative perspectives (pp. 151‐166). London: Routledge.

Smith, P. (2000). A comment on the limitations of the logical framework method, in reply to Gasper, and to Bell. Public Administration and Development, 20, 439‐441.

Tosh, J. (2006). The pursuit of history: aims, methods and new directions in the study of modern history (4th / ed.). Harlow: Pearson Longman.

UNDP. (2009). Handbook on Planning, Monitoring and Evaluating for Development Results. New York: UNDP.

Wallace, T. (2000). Development management and the aid chain: the case of NGOs. In T.

Wallace (Ed.), Development and management : selected essays from Development in practice (pp. 18‐38). Oxford: Oxfam GB.

Williams, C. (1935). Kwashiorkor: a nutritional disease of children associated with a Maize diet. The Lancet, 226, 1151‐1152.

Williams, C. (1973). The story of kwashiorkor. Nutrition Reviews, 31, 334‐340.

Winner, L. (1993). Upon opening the black box and finding it empty: social constructivism and the philosophy of technology. Science, Technology, & Human Values, 18, 362‐378.

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét