Powered By Blogger

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2025

Dự án Phát triển dưới Lăng kính Lý thuyết Mạng-Tác nhân (I)

Tom Scott‐Smith

Người dịch: Hà Hữu Nga

Tóm tắt: [Tr.1] Bài viết này sử dụng Lý thuyết-Mạng-Tác nhân [ANT] để xem xét sự thành công và thất bại của các dự án phát triển. Bác bỏ quan điểm phổ biến cho rằng các dự án thành công dựa trên các mục tiêu, kế hoạch và triển khai vượt trội, bài viết đề xuất một góc nhìn khác xuất phát từ Lý thuyết-Mạng-Tác nhân: thành công hay thất bại là sản phẩm của các liên minh được huy động, chứ không phải là những phẩm chất vốn có. Lập luận này được minh họa bằng việc tham khảo một dự án phát triển vào những năm 1970, liên quan đến việc chiết xuất protein từ lá cây để cung cấp một chất bổ sung dinh dưỡng cho chế độ ăn uống ở Nigeria. Bằng cách sử dụng các nguồn lưu trữ, bài viết tái hiện các tác nhân chính tham gia vào dự án, phân tích nguyên nhân khiến họ tham gia, và sau đó tập trung vào cách thức tan rã của các liên minh này.

1. Giới thiệu

[Tr.2] Năm 1971, Hội đồng Viện trợ Cơ đốc giáo [“Board Christian Aid - Hội đồng Viện trợ Cơ đốc giáo - dùng để chỉ cơ quan quản lý của Viện trợ Cơ đốc giáo, một tổ chức phát triển và nhân đạo quốc tế; Hội đồng này chịu trách nhiệm giám sát chiến lược, chính sách và định hướng chung của tổ chức, đảm bảo tổ chức hoạt động hiệu quả và hoàn thành sứ mệnh xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy nhân phẩm, bình đẳng và công lý. HHN] đã họp bàn để thống nhất tài trợ cho một dự án mới. Dự án này bao gồm việc sản xuất một loại thực phẩm bổ sung giàu protein tại Nigeria, có nguồn gốc từ lá cây. Sản phẩm được giới thiệu như một giải pháp kỹ thuật hiện đại cho nạn suy dinh dưỡng, một tiến bộ khoa học quan trọng trong cuộc chiến chống đói nghèo. Thực phẩm bổ sung được chiết xuất từ thực vật bằng cách nghiền nát lá, đun sôi nước ép lá, sau đó lọc và sấy khô protein đông tụ trên bề mặt chất lỏng. Kết quả của quá trình này là một loại bột được gọi là “protein lá cô đặc” [Leaf Protein Concentrate LPC], có thể được bổ sung để tăng cường chế độ ăn uống hiện có. Một thìa cà phê loại bột này có thể được thêm vào cháo, rau xanh nấu chín, hoặc món ăn kèm với bữa ăn chính. Người ta tuyên bố rằng sản phẩm này sẽ giúp người dân địa phương có chế độ ăn uống cân bằng hơn và giảm tỷ lệ mắc các bệnh thiếu hụt dinh dưỡng trong khu vực.

Các tổ chức phát triển thời bấy giờ đặt nhiều kỳ vọng vào các loại thực phẩm bổ sung như thế này. Protein lá dường như cung cấp một giải pháp công nghệ hiện đại hợp lý cho các vấn đề dinh dưỡng, có lợi thế kinh tế và hiệu quả. Xét cho cùng, protein lá sẽ được chiết xuất từ thực vật địa phương, quá trình này sẽ được một trường đại học địa phương giám sát và sản phẩm cuối cùng sẽ giúp lấp đầy khoảng trống protein trong chế độ ăn uống của người dân địa phương, vốn đã là mối quan tâm rộng rãi trong hơn một thập kỷ. Hội đồng Viện trợ Cơ đốc giáo đã quyết định cung cấp một khoản tài trợ khiêm tốn để nghiên cứu tính khả thi của Dự án, và chỉ trong vòng vài năm, họ đã trang trải toàn bộ chi phí của Dự án. Việc tài trợ tiếp tục trong suốt những năm 1970, và các nguồn lực bổ sung, cả về nhân lực và vật lực, đã được cung cấp để mở rộng phạm vi của Dự án. Tuy nhiên, đến năm 1979, dự án ngày càng trở nên không khả thi: máy móc chế biến lá bị hỏng và bị bỏ mặc cho gỉ sét, cây trồng không được chăm sóc và bắt đầu ra hạt, trong các báo cáo đã phát hiện nhiều bất thường và toàn bộ khái niệm đằng sau Dự án đang bị đặt câu hỏi. Cuối cùng, đến đầu những năm 1980, Hội đồng Viện trợ Cơ đốc giáo đã cắt đứt liên kết, tài trợ, và dự án đã sụp đổ.1

Khi xem xét lại những Dự án như thế này thì câu hỏi then chốt là “Tại sao nó lại thất bại?” Tại sao lại chi quá nhiều tiền, với quá nhiều hy vọng, mà lại chẳng mang lại kết quả gì? Có nhiều cách để trả lời câu hỏi này, nhưng cách tiếp cận được sử dụng trong bài viết này là áp dụng Lý thuyết Mạng Tác nhân [ANT Actor‐Network Theory] để xem xét vòng đời dự án. ANT cho rằng thành công hay thất bại của các Dự án phát triển không dựa trên bất kỳ sự vượt trội hay kém cỏi vốn có nào, mà dựa trên mức độ và độ bền vững của các liên minh mà chúng tạo ra. Nói cách khác, một Dự án thành công là Dự án thuyết phục được nhiều người ủng hộ mục tiêu của mình hơn, Dự án thu hút được nhiều tổ chức tham gia tài trợ hơn, Dự án huy động được nhiều chuyên gia tham gia triển khai và sử dụng hiệu quả hơn các vật chất, mang lại cho Dự án một hình thái vật chất bền vững hơn. Mạng liên minh bền vững và rộng khắp này giải thích cho sự thành công của một Dự án, chứ không chỉ đơn thuần là sản phẩm giá trị hay tính hợp lệ vốn có của dự án. Hơn nữa, mạng iên minh này được tạo ra không phải vì một Dự án “đúng” hay “sai”, mà người ta đều tin rằng Dự án có thể thúc đẩy lợi ích của chính họ, tùy thuộc vào vai trò mà họ được giao trong Dự án.

Bài viết này sẽ sử dụng Dự án protein lá ở Nigeria để minh họa cách thức áp dụng ANT vào phát triển. Bài viết bắt đầu bằng cách phác thảo những đặc điểm chính của Lý thuyết-Mạng-Tác nhân, bảo vệ tính ứng dụng của lý thuyết này vào các nghiên cứu phát triển và cho rằng giá trị của nó nằm ở cách nó cho phép chúng ta suy nghĩ lại về khái niệm thành công. Tiếp theo, tôi mô tả bản chất của dữ liệu tài liệu được sử dụng trong nghiên cứu cụ thể này, biện minh cho việc sử dụng kho lưu trữ để khám phá các vấn đề trong nghiên cứu phát triển và tóm tắt điểm mạnh và điểm yếu của các tài liệu này làm tài liệu nguồn. Trong phần cuối, tôi đưa ra mô tả tường thuật về Dự án protein lá, dựa trên kho lưu trữ của Dự án. Bài viết này khám phá cách Dự án hình thành, cách nó được duy trì trong khoảng một thập kỷ và cuối cùng nó sụp đổ ra sao, dựa trên những suy ngẫm lý thuyết được đưa ra trong phần đầu của [tr.4] bài viết. Phần kết luận của bài viết sẽ tổng hợp những ưu điểm và nhược điểm chính của ANT như một cách để xem xét các dự án phát triển.

2. Lý thuyết-Mạng-Tác nhân

Lý thuyết-Mạng-Tác nhân [ANT] lần đầu tiên xuất hiện trong lĩnh vực Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ, trong công trình của các tác giả như Bruno Latour (1987), Michel Callon (1986) và John Law (1992). Trong công thức ban đầu của nó, ANT quan tâm đến việc kiểm tra bản chất của các sự kiện khoa học, khi cho rằng các sự kiện được tạo ra bởi một mạng, điều này mang lại cho người ta sự tin cậy và chấp nhận. Tính vững chắc của một sự kiện cụ thể được xác định bởi tất cả những con người và sự vật hợp tác trong việc chấp nhận nó, và việc làm suy yếu sự kiện sẽ liên quan đến việc phá vỡ hợp tác này. Trung tâm của cách tiếp cận đó đã bao gồm nhân tố khiêu khích, đảo ngược cách thức nhìn nhận về khoa học. Thay vì bắt đầu từ ý tưởng cho rằng mọi người được các sự kiện thuyết phục vì các sự kiện đó là đúng, ANT cho rằng các sự kiện là đúng vì mọi người được thuyết phục. Nói cách khác, các sự kiện không tồn tại trong thế giới tự nhiên, chỉ chờ được khám phá; đúng hơn, chúng là sản phẩm của một mạng hợp tác để duy trì tính chân thực của một sự kiện hoặc khám phá nhất định (để biết thêm bình luận giới thiệu về ý tưởng trung tâm này, xem Latour, 2005; Law, 1992; Law & Hassard, 1999).

ANT không chỉ bao gồm sự hoài nghi về những điều được chấp nhận rộng rãi, mà còn là nỗi tò mò sâu sắc về quá trình dẫn đến sự chấp nhận này. Nó có các khả năng ứng dụng vượt xa phạm vi hẹp của khoa học và công nghệ, và nhanh chóng được điều chỉnh để xem xét sự hình thành không chỉ của các sự kiện, mà còn của các thể chế, lý tưởng, sắp xếp chính trị, khái niệm, lý thuyết, máy móc, thực vật, phạm trù và các đồng nhất tính. Trong mỗi trường hợp, mục đích của ANT là mở ra “hộp đen” giữ những điều này ngoài phạm vi thảo luận hàng ngày và duy trì chúng trong phạm vi “được coi là hiển nhiên”. Trong lĩnh vực khoa học, hộp đen là “những sự thật đã được xác lập”, những tranh cãi của chúng đã được gác lại và giờ đây được chấp nhận là chân lý. Trong các lĩnh vực khác, “hộp đen” có thể là các phạm trù như “chủng tộc” và “dân tộc”, các thể chế như “ngân hàng" hay “thư viện”, các ý tưởng trừu tượng như “tiền tệ” hay “cá nhân”, và thậm chí là chính ý niệm về bản thân “cái xã hội” (Latour, 2005). Tất cả [tr.5] những đối tượng, thể chế và phạm trù này thường xuyên được sử dụng trong diễn ngôn hàng ngày, và thường được coi là những mô tả tương đối dễ hiểu về các hiện tượng trên thế giới. ANT không chỉ tìm cách phân tích những quy ước này mà còn xem xét cách thức chúng được chấp nhận rộng rãi.

Một nhiệm vụ quan trọng của ANT là giải thích quy mô và phạm vi của các mạng-tác nhân khác nhau, hay nói cách khác, xem xét lý do tại sao một số mạng-tác nhân nào đó lại thành công hơn những mạng khác. Điều gì khiến một số sự thật được chấp nhận rộng rãi hơn những sự thật khác? Điều gì khiến một số thể chế mạnh hơn những thể chế khác? Điều gì khiến một số cộng đồng chính trị ổn định hơn những cộng đồng khác? Điều gì khiến một số doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn những doanh nghiệp khác? Trong mỗi trường hợp ấy, ANT cho rằng sự thành công của mạng tác nhân có thể được quy cho mức độ liên minh của nó. Càng nhiều người và vật cùng làm việc để duy trì mạng thì nó càng thành công. Như tôi sẽ giải thích, ý tưởng này rất quan trọng, bởi vì nó tách biệt các quan niệm về thành công ra khỏi tính hiệu lực có thể đo lường khách quan, và thay vào đó, giải thích thành công thông qua việc huy động các đồng minh.         

Có ba yếu tố cụ thể mà ANT đã xác định là chìa khóa để xây dựng các mạng tác nhân lớn và thành công. Yếu tố đầu tiên đưa chúng ta trở lại với ý tưởng về “hộp đen” - mặc dù liên quan đến việc đóng lại chứ không phải mở ra (Latour, 1987). Các mạng tác nhân lớn và thành công được xây dựng trên một số lượng lớn hơn các hộp đen đóng, chứa đựng các ý tưởng, mối quan hệ, phạm trù và đối tượng thiết yếu cho việc duy trì mạng. Để tự ổn định, các mạng tác nhân lớn đặt các sự vật và mối quan hệ vào một tình huống mà chúng được coi là hiển nhiên, trong “hộp đen” nơi chúng không thể bị tranh cãi. Càng nhiều yếu tố có thể được đặt vào tình huống đồng thuận hay thờ ơ này – ý tưởng, thói quen, nghi lễ, mối quan hệ, lực lượng, đối tượng, v.v. – thì mạng tác nhân càng lớn. Các mạng tác nhân thành công được xây dựng dựa trên những hộp đen này, về cơ bản chỉ là những mạng tác nhân khác đã đạt đến mức độ ổn định cao theo đúng nghĩa của chúng.

Yếu tố thứ hai tạo nên một mạng-tác nhân mạnh mẽ là quá trình “phiên dịch” (Callon, 1986). Quá trình này liên quan đến cách một tác nhân phiên dịch ý chí của các tác nhân khác thành một ý chí duy nhất, lớn hơn. Quá trình phiên dịch thường được mô tả theo hướng một tác nhân trung tâm đóng vai trò là “điểm chuyển tiếp bắt buộc”, qua đó các tác nhân khác [tr.6] có thể hiện thực hóa mục tiêu và mục đích của riêng mình. Tác nhân trung tâm áp đặt và ổn định đồng nhất tính của các tác nhân khác, gán cho họ một loạt vai trò và cuối cùng tự định vị mình ở vị trí có thể lên tiếng thay mặt cho những tác nhân khác. Kết quả cuối cùng là một tình huống mà lợi ích của các tác nhân khác nhau được thống nhất, và mạng-tác nhân có thể lên tiếng như một tổng thể. Quá trình phiên dịch, nếu thành công, sẽ tạo ra một mạng-tác nhân bao gồm nhiều tác nhân khác bằng cách diễn đạt những gì họ mong muốn và sự cần thiết hợp tác của họ. Phiên dịch là một quá trình liên quan đến sự đồng thuận, hợp tác và các mối quan hệ quyền lực phức tạp.

Yếu tố thứ ba tạo nên một mạng-tác nhân mạnh mẽ là sự tham gia của các đối tượng vật chất (Callon & Latour, 1981). ANT khẳng định rằng các mạng-tác nhân được xây dựng không chỉ dựa trên các liên kết của con người mà còn dựa trên sự tham gia của các đồng minh phi-nhân. Các đối tượng, máy móc, biểu tượng, dấu hiệu, công nghệ, tác phẩm nghệ thuật, logo, động vật và thực vật đều được ghi vào một mạng-tác nhân mạnh mẽ và tạo thành một phần quan trọng trong sức mạnh của nó. Trên thực tế, có thể lập luận rằng những đồng minh phi-nhân này thực sự mang lại cho các mạng-tác nhân hình thức bền vững nhất của chúng. Xét cho cùng, các liên kết của con người rất yếu và có thể bị thay thế: mọi người đều chết, chuyển đổi công việc, thay đổi quan điểm, chuyển nơi ở, v.v.

Để tồn tại lâu hơn cuộc sống phù du và tính thất thường của con người, một mạng-tác nhân phải được xây dựng dựa trên các liên kết tồn tại lâu hơn các tương tác ban đầu hình thành nên chúng. Trong nhiều trường hợp, điều này liên quan đến việc cụ thể hóa những tương tác này bằng cách ghi nhận các vật thể vật chất – chẳng hạn như hợp đồng, biểu hiệu hoặc pieces of technology vật mẫu công nghệ – thể hiện và thúc đẩy mục tiêu của mạng-tác nhân. Bruno Latour (1992) đã lập luận rằng những vật thể vật chất này từ missing masses “đám đông mất tích” thời hiện đại thường bị các nhà xã hội học bỏ qua. Những “đám đông mất tích” này có vô số tác động đến cuộc sống của chúng ta: ảnh hưởng đến hành động của chúng ta, ngăn cản hành động, tạo điều kiện cho hành động, biến hành động thành hiện thực, khuyến khích hành động, v.v. Do đó, chúng mang tính quyết định để xây dựng một mạng-tác nhân mạnh mẽ, nhưng hiếm khi được thừa nhận hoặc xem xét.

Như đã nói rõ, ANT là một lý thuyết rất lớn, cố gắng xem xét cách thức mà hầu như bất cứ thứ gì có thể gắn kết với nhau và tạo ra ảnh hưởng. Tham vọng kiêu ngạo này, tất nhiên, là điểm yếu lớn của ANT, bởi vì nó dẫn đến những sai sót không thể tránh khỏi. Cụ thể, ANT không đưa ra lý thuyết nào về actor tác nhân, vì nó dựa vào việc mô tả bất cứ thứ gì và mọi thứ như một tác nhân [hay actant “kẻ hành động”, thuật ngữ đã được chấp nhận]; nó đặt con người và các sinh vật không phải con người ngang hàng một cách phô trương, điều này khiến hầu hết các học giả trong cả khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên nổi giận, trong khi không đưa ra bất cứ giải thích nào phân biệt một actant và điều gì cho phép chúng act hành động; nó cũng không đưa ra lời giải thích nào về lý do tại sao các mạng được hình thành và duy trì ngay từ đầu, mà lại tập trung vào việc mô tả cách thức nó diễn ra; và theo quan điểm của constructivism chủ nghĩa kiến tạo, ANT để lộ quá nhiều cho những người theo thuyết quyết định luận và các triết gia khoa học thực chứng, chỉ đơn giản là “chủ nghĩa bản chất phân tán” và do đó đang chơi trò “thắng thua nhận thức luận” (Amsterdamska, 1990; Collins & Yearley, 1992; Lee & Brown, 1994).

Mặc dù nhiều phản đối như vậy đối với ANT có sức thuyết phục, nhưng những lập luận này không làm suy yếu lợi thế thực sự của nó với tư cách một thiết bị khám phá. Về bản chất, ANT là một sự khiêu khích, buộc chúng ta phải nhìn nhận các tình huống theo những cách mới và nhấn mạnh rằng chúng ta phải tạm gác lại những giả định mà chúng ta vẫn luôn coi trọng. Ví dụ, nó khiến chúng ta gạt bỏ những định kiến về sự phân chia giữa tự nhiên và xã hội, và nó yêu cầu chúng ta xem xét các tình huống như thể không có sự khác biệt đáng kể nào giữa con người và các vật thể không phải con người. Nó đặt ra câu hỏi đầy khiêu khích về việc tại sao người ta lại chấp nhận rằng con người có agency tác tố nhiều hơn chó, mà chó lại có nhiều tác tố hơn sò điệp, mà sò điệp lại có tác tố nhiều hơn cửa ra vào. Nó khiến chúng ta xem xét cách thức mà các thuộc tính như tác tố được phân bổ, bằng cách cho mọi thứ một equal weight trọng số ngang nhau trong quá trình phân tích. Nó buộc chúng ta phải xem xét vai trò của các vật thể và các vật thể “vô tri” khác một cách nghiêm túc.

Kiểu khiêu khích này cũng buộc chúng ta phải tái xem xét cái cách thức mà chúng ta hiểu về thành công. Đặc biệt, nó thách thức quan niệm cho rằng thành công có thể được định nghĩa một cách khách quan. Cho dù là các sự thật, thể chế, ý tưởng hay các thỏa thuận chính trị, thì ANT cũng đều yêu cầu chúng ta vượt ra khỏi quan niệm cho rằng mọi thứ thành công là do sức mạnh và giá trị tính vốn có của chúng, thay vào đó, nó khiến chúng ta nhìn nhận các cách thức mà những thứ này trở nên thành công thông qua việc đưa những thứ khác vào làm đồng minh. Điều này mở ra cơ hội cho một số phân tích rất sáng tỏ, đưa chúng ta vượt ra khỏi cách tìm kiếm thực chứng đối với chân lý khách quan nhưng vẫn giữ cho chúng ta có cơ sở vững chắc hơn so với một phân tích hậu cấu trúc luận thuần túy. Cách tiếp cận này đặc biệt được hoan nghênh trong các nghiên cứu phát triển, vốn thường bị chia rẽ giữa những người theo cách tiếp cận kinh tế, quy giản thế giới thành lựa chọn duy lý, và cách tiếp cận hậu-phát triển, quy giản mọi thứ thành diễn ngôn và văn hóa. [Tr.8] Lý thuyết Mạng-Tác nhân mang đến một cách hiểu mới mẻ về phát triển, vượt qua những phân chia này và diễn giải thành công của phát triển theo một cách độc đáo.

3. Lý thuyết Mạng-Tác nhân và Phát triển

Với những mục tiêu đầy tham vọng của ANT, có rất nhiều cách để sử dụng nó trong các nghiên cứu phát triển. Nó có thể được áp dụng cho toàn bộ khái niệm “phát triển”, cho các tổ chức cụ thể như “Ngân hàng Thế giới”, hoặc cho một số phương pháp tiếp cận nhất định như “đánh giá nông thôn có sự tham gia”. Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi tập trung vào cấp độ Dự án phát triển: mục đích của tôi là xem xét các Dự án phát triển như những mạng-tác nhân, vốn dựa vào việc huy động các đồng minh để thành công. Tôi cho rằng các Dự án phát triển lớn hơn và có ảnh hưởng hơn là những Dự án đã huy động được các liên minh rộng rãi và bền vững hơn, còn các Dự án phát triển nhỏ hơn và kém thành công hơn được xây dựng dựa trên các liên minh hạn chế và yếu hơn. Quan điểm về thành công này khá khác biệt so với quan điểm phổ biến trong giới thực hành phát triển. Thành công thường được định nghĩa dựa trên các mục tiêu của Dự án và được giải thích bởi các phẩm chất vốn có của Dự án. Các Dự án được coi là thành công vì chúng có một tập hợp các đặc điểm tốt chung, có thể được nhân rộng trong các bối cảnh khác nhau. Điều này bao gồm việc đặt ra đúng mục tiêu, diễn đạt các mục tiêu theo một cách nhất định, thiết lập đúng loại cơ cấu tổ chức, sử dụng đúng loại kế hoạch triển khai, v.v. Quan điểm về thành công như vậy dẫn đến hàng lố sổ tay và các hướng dẫn khác nhau, cung cấp thông tin cho các nhà thực hành về cách thức thực hiện một can thiệp phát triển thành công. Mặc dù chúng khác nhau về mức độ, nhưng hầu hết đều nhấn mạnh tầm quan trọng của Quản lý Chu kỳ Dự án và việc sử dụng một khuôn mẫu cấu trúc cho các tổ chức và can thiệp phát triển (để minh họa cho cách tiếp cận này, xem Cracknell, 1996; Crawford & Bryce, 2003; Diallo & Thuillier, 2005; để biết một Sổ tay mẫu, xem UNDP, 2009).

Chúng ta có thể gọi cách nhìn nhận thành công này là cách tiếp cận “hiệu lực phát triển”, vì nó nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa thành công và mục tiêu. Trong phương pháp khoa học, tính hiệu lực liên quan đến việc liệu một nghiên cứu có thể trả lời các câu hỏi mà nó đặt ra [tr.9] hay không, và liệu có bằng chứng tốt để đưa ra các kết luận có cơ sở hay không. Tương tự, “tính hiệu lực của phát triển” liên quan đến việc liệu một Dự án có thể đạt được những gì nó đặt ra hay không, và liệu có bằng chứng xác đáng để tuyên bố thành công vững chắc đối với các mục tiêu đó hay không. Theo quan điểm này, một Dự án phát triển tốt là một Dự án có hiệu lực: đó là một Dự án được cấu trúc theo một cách nhất định, có khả năng chính thức đáp ứng các mục tiêu đã đề ra, tạo ra những kết quả có thể đo lường được và có thể được xác minh bằng các chỉ số nhất định. Việc xem xét thành công theo khía cạnh tính hiệu lực thể hiện phát triển như một sự can thiệp có thể kiểm soát và đo lường được, góp phần vào một loạt các mục tiêu được chấp nhận rộng rãi. Điều này thường gắn liền với phân tích khuôn khổ logic trong thiết kế Dự án, vốn đã chịu một chỉ trích nào đó, nhưng nó cũng thể hiện rõ trong các cách tiếp cận ít duy lý hơn, vốn vẫn xem xét thành công thông qua khuôn khổ hẹp của chu trình lập kế hoạch Dự án (Bakewell & Garbutt, 2005; Fowler, 1995; Gasper, 2000; Smith, 2000; Wallace, 2000).

Chịu ảnh hưởng của Lý thuyết Mạng-Tác nhân, tôi đề xuất một quan điểm khác về thành công của Dự án, có thể được gọi là phương pháp tiếp cận development associability “tính liên kết phát triển”. Theo quan điểm này, một Dự án phát triển thành công không phải là một Dự án hiệu lực, mà là một Dự án được xây dựng dựa trên những liên tưởng sâu rộng. Nền tảng của phương pháp này là sự đảo ngược đầy khiêu khích mà ANT mang lại khi nghiên cứu khoa học: ý tưởng cho rằng con người bị thuyết phục bởi sự thật không phải vì sự thật là đúng, mà sự thật là đúng vì con người bị thuyết phục. Quan điểm này về sự thật cho rằng chúng không tồn tại trong một thế giới riêng biệt “ngoài kia”, nơi chúng ta đang tìm cách tiếp cận, và chúng không có một phẩm chất cố hữu hay phổ quát nào khiến chúng trở thành sự thật. Thay vào đó, sự thật trở thành sự thật nhờ vào các liên minh được huy động để hỗ trợ chúng, bao gồm số lượng người bị thuyết phục, các giải thưởng được trao cho chúng, các tạp chí công bố chúng, loại công nghệ dựa trên chúng, v.v.2 Điều tương tự cũng có thể nói về phát triển. Con người không bị thuyết phục bởi một Dự án phát triển cụ thể vì nó thành công; các Dự án phát triển thành công vì con người bị thuyết phục. “Thành công”, giống như các sự kiện, không thể được coi [tr.10] là một điều gì đó vốn có, một điều gì đó tồn tại độc lập ngoài kia trong thế giới. Thành công của một Dự án không phải là một trạng thái khách quan: nó không nằm ở một tập hợp các phẩm chất vốn có, một hệ thống quản lý Dự án tốt trên toàn thế giới, hay một công thức thành công nào đó có thể tuân theo. Thay vào đó, thành công của một Dự án là điều xảy ra khi đủ số người được nó thuyết phục, bằng cách thuyết phục đủ số người về giá trị của Dự án.3 Do đó, cách tiếp cận “tính liên kết phát triển” từ chối liên kết thành công với bất kỳ thành tựu mục tiêu nào thuần túy mang tính hình thức. Theo quan điểm này, thành công của các Dự án phát triển phụ thuộc vào mức độ mạnh mẽ và phạm vi của các mối liên hệ xung quanh dự án. Những mối liên hệ này được tạo ra theo nhiều cách khác nhau, nhưng trong bài viết này, tôi sẽ thảo luận về ba cách: i) Đóng các hộp đen; ii) Quy trình phiên dịch; và iii) Kết nạp các đối tượng vật chất. Mỗi cách này đã được giới thiệu trong phần trước và được trích dẫn trực tiếp từ ANT, nhưng chúng được trình bày chi tiết ở đây để minh họa việc ứng dụng chúng trong phát triển.   

Trước hết, một Dự án phát triển lớn và thành công được xây dựng trên một loạt các hộp đen đóng kín. Mỗi hộp đen này là một mạng-tác nhân theo đúng nghĩa của nó, có thể được mở ra để xem xét kỹ lưỡng; tuy nhiên, điều quan trọng đối với sự thành công của một Dự án phát triển là chúng được coi là đóng kín. Xét cho cùng, một Dự án thành công phụ thuộc vào rất nhiều điều được coi là hiển nhiên. Các tổ chức thực hiện Dự án phải hoạt động và có khả năng thanh toán (nhân viên của họ phải đến làm việc mỗi ngày, máy tính của họ phải hoạt động, email của họ phải được trả lời và tiền phải vào và ra); công nghệ được sử dụng trong Dự án phải hiệu quả trong việc hoàn thành vai trò đã được giao (ô tô phải chạy, ngân hàng phải chuyển tiền và các tòa nhà không được đổ sụp); những người tham gia vào Dự án phải tiếp tục hợp tác và sẵn sàng (chính phủ không được cản trở việc thực hiện Dự án, người thụ hưởng phải tham gia ít nhất ở một số cách hạn chế và người lao động trong Dự án phải hoàn thành vai trò được giao); Mục tiêu của Dự án phải được chấp nhận rộng rãi là có giá trị (nhiều người, từ giới học thuật, nhà tài trợ, đến đồng nghiệp, phải chấp nhận rằng Dự án này dự định làm [tr.11] điều gì đó tốt đẹp); ngay cả khái niệm “phát triển” cũng phải khả thi về mặt chính trị, được phổ biến rộng rãi và được thừa nhận rộng rãi là quan trọng. Danh sách các hộp đen mà một Dự án được xây dựng trên cơ sớ đó, về nguyên tắc, là vô tận, nhưng càng nhiều yếu tố được đưa vào lĩnh vực được coi là hiển nhiên, thì dự án sẽ càng thành công.

Thứ hai, một Dự án phát triển lớn và thành công sẽ xây dựng các liên minh của mình bằng quy trình chuyển đổi. Điều này liên quan đến việc huy động các actant “kẻ hành động” khác nhau, thống nhất lợi ích của họ và đại diện cho các cộng đồng rộng lớn hơn để lên tiếng như một ý chí duy nhất. Các Dự án phát triển lớn và thành công có thể xác định vai trò cho mọi người, ổn định tính đồng nhất và lên tiếng thay mặt cho mọi người. Mô tả đáng nhớ của Callon và Latour không chỉ nắm bắt tốt quá trình này mà còn có vẻ đặc biệt phù hợp với phát triển. Họ chỉ ra rằng các mạng-tác nhân lớn và thành công “cho bạn biết bạn muốn gì, bạn sẽ có thể làm gì trong 5, 10 hoặc 15 năm tới, bạn sẽ làm theo thứ tự nào, bạn sẽ vui mừng khi sở hữu những gì, và bạn sẽ có khả năng làm được những gì…” (1981, tr. 288). Thật vậy, một Dự án phát triển thành công không chỉ làm điều này cho những kẻ thụ hưởng mà còn cho tất cả các “bên liên quan”. Nó lôi kéo các nhà tài trợ, nhân viên phát triển, các tổ chức đối tác và chính phủ, diễn đạt mong muốn, kỳ vọng và ý định của từng bên, và đưa chúng vào khuôn khổ. Thông qua một quá trình phức tạp của các mối quan hệ quyền lực nhỏ nhặt, nó quyết định những gì các kẻ hành động khác muốn làm và những gì họ sẽ có khả năng làm.

Thứ ba, các Dự án phát triển lớn và thành công liên quan đến các đồng minh phi nhân, tạo cho Dự án một hình thái vật chất bền vững. Các Dự án phát triển thường làm điều này bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như trường học, bệnh viện, đường sá, v.v., những thứ tồn tại lâu hơn các mối quan hệ con người trong giai đoạn đầu của Dự án. Không gì thể hiện rõ ràng mục đích của một Dự án phát triển hơn việc huy động cần cẩu và máy trộn xi măng; không gì cho thấy sự thành công của một Dự án rõ ràng hơn khả năng chỉ ra một điều gì đó cụ thể và tuyên bố một thành tựu cụ thể. Hơn nữa, các Dự án phát triển sử dụng hình ảnh và thiết kế để công bố sự hiện diện của chúng. Việc phát tờ rơi, treo cờ và dựng biển quảng cáo đều đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên chất liệu cho Dự án, đặc biệt là khi chúng có logo dễ nhận biết, chú thích hấp dẫn và mô tả về Dự án được quan tâm. Khung logic, báo cáo, kế hoạch chiến lược và báo cáo thường niên cũng góp phần tạo nên chất liệu này, vì đây là [tr.12] những biểu hiện vật chất chủ chốt của bất kỳ Dự án nào. Tính đồng nhất của Dự án bền vững như vậy cũng được thể hiện rõ nét thông qua các vật dụng mà nhân viên phát triển sử dụng trong cuộc sống hàng ngày: những chiếc xe bốn bánh họ điều khiển, những bìa kẹp hồ sơ họ cầm, những bảng câu hỏi họ đưa ra và những văn phòng họ ngồi. Tất cả những vật dụng này đều rất quan trọng đối với các Dự án phát triển, vì chúng tồn tại lâu hơn những mối quan hệ cá nhân thuần túy, chúng giúp huy động các đồng minh và mang lại cho mạng một hình thức hữu hình hơn.

4. Lý thuyết Mạng-Tác nhân và nguồn Lưu trữ

Mặc dù tên gọi là ANT, nhưng nó không thực sự là một lý thuyết, mà là một phương pháp tiếp cận mang tính phương pháp luận (Latour, 1999). Mục đích của nó không phải là giải thích thế giới, mà là mô tả thế giới một cách chi tiết, và đặc biệt là mô tả các mối liên kết tạo nên một mạng-tác nhân. Điều này thường được thực hiện thông qua các cuộc phỏng vấn và quan sát dân tộc học chi tiết, nhưng trong bài viết này, tôi sẽ sử dụng các nguồn lịch sử. Dựa trên kho lưu trữ của một Dự án protein lá những năm 1970 (mà tôi đã trình bày trong phần giới thiệu), phần tiếp theo của bài viết này sẽ áp dụng lý thuyết này: mô tả sự hình thành và tan rã của một mạng-tác nhân phát triển, xem xét các liên minh đã cho phép nó hình thành và phát triển, và xem xét các lực lượng cuối cùng đã đẩy nó ra xa nhau. Tuy nhiên, trước khi chuyển sang phần mô tả này, tôi muốn thảo luận về những tác động của việc sử dụng các nguồn lưu trữ theo cách này.

Các nguồn lưu trữ mang lại hai lợi thế chính khi áp dụng ANT vào các Dự án phát triển. Trước hết, chúng cung cấp nhiều góc nhìn đa dạng hơn. Khi các nhà nghiên cứu bắt đầu xem xét một Dự án phát triển, họ thường bị hạn chế bởi những rào cản mà các cơ quan phát triển dựng lên nhằm duy trì hình ảnh tích cực trước công chúng. Các học giả thường chỉ được tiếp cận một số lượng hạn chế các tài liệu, phần lớn đã thuộc phạm vi công cộng, và hầu hết chỉ cung cấp một cái nhìn khá cứng nhắc về quá trình thực hiện. Nếu họ chuyển sang quan sát dân tộc học hoặc phỏng vấn, các nhà nghiên cứu thường thấy mình phải đối mặt với những phản hồi dè dặt, sự lặp lại của các kết quả tích cực, hoặc những giải thích sự kiện đầy thuật ngữ chuyên ngành. Do đó, những gì thường nằm ngoài tầm với của các học giả là những ghi chép hàng ngày về Dự án khi nó diễn ra: các bản ghi nhớ riêng tư, hướng dẫn cá nhân, [tr.13] báo cáo tiến độ và biên bản cuộc họp thể hiện các chính sách đa dạng của các Dự án phát triển. Những tài liệu này thường thể hiện những quan điểm thẳng thắn, sự ganh đua cá nhân và những cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng; chúng cũng có xu hướng mô tả những bất định, sai lầm và những tình huống bất trắc của sự can thiệp phát triển. Tất nhiên, đây là lý do tại sao chúng thường bị che giấu, nhưng cũng chính vì vậy mà chúng trở nên rất quan trọng đối với việc nghiên cứu các quá trình phát triển. Những tài liệu này giúp chúng ta khám phá toàn bộ sự phức tạp của một Dự án và cách thức hình thành mạng-tác nhân. Ngày nay, chúng có thể không có sẵn nếu các cơ quan phát triển yêu cầu, nhưng vẫn thường dễ dàng thấy trong kho lưu trữ Dự án.4

Thứ hai, kho lưu trữ cung cấp một cái nhìn toàn diện hơn nhiều về vòng đời Dự án. Trong khi các phương pháp dân tộc học thường chỉ cho phép một bức ảnh chụp nhanh, một lát cắt duy nhất trong vòng đời của một Dự án, thì một kho lưu trữ toàn diện cho phép nhìn nhận toàn bộ Dự án phát triển: từ cách thức nó được đề xuất ban đầu, đến những sự kiện dẫn đến sự tan rã cuối cùng của nó. Chỉ những nhà dân tộc học cần cù, bền bỉ và có nguồn lực tốt nhất mới có thể quan sát trực tiếp một Dự án trong suốt vòng đời của nó, và điều này càng khó khăn hơn khi Dự án hoạt động lâu dài; nhưng một kho lưu trữ được bảo quản tốt cho phép chúng ta xem xét ý tưởng Dự án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc, khiến những nguồn này đặc biệt có giá trị để hiểu được cách các Dự án phát triển thành công và thất bại, cũng như xem xét cách các Dự án phát triển hình thành và tan rã. Điều này không có nghĩa là kho lưu trữ là nguồn hoàn hảo; Tất nhiên, chúng có những vấn đề riêng, giống như tất cả dữ liệu, nhưng một số hạn chế thường được đặt ra cho các nguồn tài liệu - đặc biệt là đối với các nhà sử học - có thể trở thành điểm mạnh từ góc nhìn của ANT. Một trong những vấn đề chính trong phương pháp lịch sử là sự thiên vị: vấn đề là các nguồn tài liệu lịch sử chỉ có thể cung cấp một bản tường thuật không đầy đủ và rất phiến diện về quá khứ. Đối với hầu hết các học giả sử học, đây là mối bận tâm chính (Appleby, Hunt, & Jacob, 1994; Evans, 2004; Green & Troup, 1999; Marwick, 2001; Tosh, 2006), nhưng từ góc nhìn của ANT, sự thiên vị thực sự là điều chúng ta đang tìm kiếm. Mục tiêu cốt lõi của chúng tôi trong ANT là theo dõi các tác nhân khác nhau [tr.14] tham gia vào một Dự án và chấp nhận quan điểm của họ như là sự phản ánh hợp pháp những mối quan tâm của họ. Nói cách khác, mục tiêu của chúng tôi trong ANT không phải là tái tạo pháp y quá khứ, mà là xem xét cách thức hình thành các tương tác. Chúng tôi không quan tâm đến việc thành kiến ảnh hưởng đến kiến thức lịch sử hay sự thật lịch sử như thế nào, vì trọng tâm của chúng tôi là “theo dõi các tác nhân”, nghĩa là không chỉ xem xét những gì mọi người đã làm trong quá khứ mà còn xem xét những gì họ đã nghĩ, thấy và tin tưởng.

Các tài liệu lịch sử có thể rất hiệu quả trong việc thu thập loại thông tin này, và trong nhiều tài liệu, chúng có thể hiệu quả hơn cả phỏng vấn hay phương pháp dân tộc học. Trong kho lưu trữ, chúng ta có thể đọc, phân tích và diễn giải những từ ngữ được viết ra trong những khoảnh khắc vội vã, không được cảnh giác, mà hầu như không nhận thức được cái nhìn ám ảnh của nhà nghiên cứu. Mỗi lá thư và bản ghi nhớ là một tuyên bố quan điểm, một sự diễn đạt niềm tin, một tuyên bố ý định, một hành động đàm phán, hoặc một nỗ lực kết nạp hay sa thải, và mục tiêu của chúng ta, với tư cách là những nhà nghiên cứu sử dụng ANT, là theo dõi những liên minh đang thay đổi này từ người này sang người khác. Chúng ta tập trung vào những gì được tạo ra và giải thể bởi các từ ngữ trong kho lưu trữ, và lợi thế của các nguồn lịch sử là những ý định và kết quả này dễ thấy hơn, bởi vì mối quan tâm của tác giả tập trung vào hiện tại, thay vì những mục đích có thể có của các nhà nghiên cứu trong tương lai. Do đó, sự thiếu hiểu biết của tác giả lịch sử về ý định nghiên cứu của chúng ta giúp chúng ta nhẹ gánh: ít vấn đề về phản xạ hơn, ít thiên kiến hơn xuất phát từ sự hiện diện của nhà nghiên cứu, và không cần phải tiết lộ đầy đủ và đồng ý có hiểu biết. Tóm lại, quan điểm của các tác nhân được thể hiện trực tiếp hơn, chúng ta có thể có được mối quan hệ trực tiếp hơn với các ý kiến, động cơ và niềm tin của họ.5

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta có thể tiếp cận tất cả các ý kiến và niềm tin trong các nguồn tài liệu. Ngay cả trong những kho lưu trữ chứa đựng vô số hồ sơ và ý kiến đa dạng, vẫn có một số tiếng nói đáng chú ý vắng bóng. Ví dụ, kho lưu trữ của Dự án protein lá này [tr.15] chứa đựng quan điểm từ nhiều người khác nhau (nhân viên cơ quan tài trợ, cán bộ Dự án, nhân viên địa phương, học giả, nhà xuất bản, phương tiện truyền thông, ban quản lý cấp cao, quan điểm của người châu Phi và châu Âu, nam và nữ, già và trẻ...) nhưng lại hoàn toàn vắng bóng nhóm lớn nhất và quan trọng nhất: những người Nigeria sẽ ăn protein lá, những người thụ hưởng dự kiến của Dự án. Điều này không nhất thiết làm suy yếu tính phân tích. Xét cho cùng, đây là một cuộc khảo sát về Dự án protein lá như một mạng-tác nhân, tập trung vào quan điểm của các tác nhân khác nhau đã được ghi danh. Như sẽ được trình bày bên dưới, những “người hưởng lợi” của Dự án rõ ràng không được ghi danh vào Dự án, họ không tham gia vào mạng-tác nhân ngoại trừ trong tâm tư và trí tưởng tượng của những người khác. Vì vậy, không có dấu vết nào về ý kiến của họ trong hồ sơ Dự án chỉ vì họ không tham gia vào chính Dự án; thực tế, chính sự vắng mặt này đã kể một câu chuyện quan trọng, và, như chúng ta sẽ thấy, là một lý do chính khiến Dự án thất bại.6

5. Ứng dụng Lý thuyết Mạng-Tác nhân

Giờ tôi xin chuyển sang ví dụ: Dự án protein lá ở Nigeria. Tóm lại, ý tưởng là sản xuất một loại thực phẩm bổ sung tại địa phương để ngăn ngừa suy dinh dưỡng, được chiết xuất từ lá của các loại cây thông thường. Dự án này, giống như tất cả các Dự án khác, bao gồm việc xây dựng một vấn đề và đưa ra một giải pháp cụ thể. Vấn đề này liên quan đến một công thức cụ thể về suy dinh dưỡng, trong đó protein là sự thiếu hụt chính trong chế độ ăn uống của người dân địa phương. Giải pháp liên quan đến việc cung cấp chất dinh dưỡng này theo cách tiết kiệm nhất có thể: dưới dạng thực phẩm bổ sung phổ biến, được chiết xuất từ lá cây thông thường. Hai yếu tố này, vấn đề và giải pháp được đề xuất, tạo thành hai hộp đen đầu tiên làm thành cơ sở xây dựng Dự án. Để cho Dự án thành công – hay nói đúng hơn, để được xem xét – vấn đề mà nó giải quyết cần được hiểu rộng rãi là cấp bách, và giải pháp mà nó đề xuất cần được coi là khả thi. Tóm lại, Dự án cần đưa [tr.16] hai yếu tố này ra khỏi phạm vi tranh luận, và đặt vào phạm vi được coi là hiển nhiên.

______________________________________________

(Còn nữa…)

Nguồn: Tom Scott‐Smith (2013). The Least Provocative Path: An ANT Lens on Development Project Formation and Dissolution. Paper No. 3, Published by: Centre for Development Informatics; Institute for Development Policy and Management, SED; University of Manchester, Arthur Lewis Building, Manchester, M13 9PL, UK.

Notes

1 Các nguồn dữ liệu làm cơ sở cho nghiên cứu này được giữ tại kho lưu trữ của Christian Aid, Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi, London, Vương quốc Anh; hộp CA4/A/1, CA4/A/2, CA4/A/3, CA2/D/26 và CA4/D/27. Mặc dù các kho lưu trữ này được công khai để công chúng tham khảo, nhưng vẫn có một số vấn đề đạo đức [tr.3] liên quan đến việc trích dẫn chúng. Trong thư từ trao đổi với các cựu nhân viên Dự án, rõ ràng là không có cảnh báo nào được đưa ra liên quan đến vấn đề là các bản ghi nhớ cá nhân từ thời kỳ này hiện đã thuộc phạm vi công cộng, và tại thời điểm viết bài, hầu như không có nhận thức nào cho rằng tất cả các bình luận và thư từ cuối cùng sẽ được công khai. Liên quan đến mong muốn của các cựu nhân viên Dự án, tôi đã quyết định ẩn danh tác giả của các tài liệu lưu trữ được trích dẫn trong bài viết này. Tất cả các tác giả đều được gọi bằng chữ cái đầu của họ, và trong phần tham khảo đầu tiên của mỗi tác giả, tôi đã thêm một mô tả ngắn gọn về bài đăng của người đó. Điều này sẽ cho phép người đọc hiểu được chuyên môn và vị trí của tác giả, và cho phép đánh giá một số bằng chứng từ góc độ độ tin cậy và thiên vị. Nếu cần thông tin chi tiết đầy đủ về tác giả, tất cả các tài liệu gốc có đầy đủ thông tin chi tiết đều có sẵn tại các bộ sưu tập đặc biệt của SOAS.

2 Cần phải hiểu rõ là ANT không phải là một quan điểm kiến tạo về khoa học, mà là một quan điểm kết hợp các yếu tố của cả thuyết tất định và thuyết kiến tạo. ANT lập luận rằng ảnh hưởng của bất kỳ tuyên bố khoa học nào không thể được coi là phản ánh bất kỳ phẩm chất nội tại nào của thế giới tự nhiên (quan điểm tất định), cũng không thể được giải thích đầy đủ bằng các hoàn cảnh xã hội và chính trị của quá trình xây dựng nó (tuyên bố kiến tạo); thay vào đó, ảnh hưởng của một sự kiện hoặc tuyên bố bắt nguồn từ sự kết hợp tạo thành mạng của cả hai yếu tố này.

3 Điều này không có nghĩa là việc có một kế hoạch rõ ràng, khung logic, tổ chức tốt, v.v. không góp phần vào thành công của Dự án: thực tế là chúng có, nhưng không phải vì chúng là những phẩm chất khách quan của thành công - những điều này chỉ đóng góp trong chừng mực chúng thuyết phục được một số người chủ chốt (chẳng hạn như các nhà tài trợ) tham gia với tư cách là đồng minh.

4 Tất nhiên, phạm vi ý kiến và tài liệu này chỉ khả dụng khi kho lưu trữ được bảo quản tốt, toàn diện và dễ tiếp cận. Kho lưu trữ được xem xét trong bài viết này được chọn chính xác vì nó có phạm vi rộng lớn và nội dung phong phú.

5 Những ý kiến và quan điểm thiếu thận trọng này ít phổ biến hơn trong kho lưu trữ của các Dự án gần đây. Điều này một phần là do sự chuyên nghiệp hóa và quan liêu hóa của viện trợ, nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi các sự kiện gần đây như vụ Wikileaks và luật tự do thông tin. Ngay cả những nhà quản lý cấp thấp nhất cũng ngày càng nhận thấy rõ ràng rằng các tài liệu họ đã soạn thảo có thể quay trở lại ám ảnh họ. Do đó, tính trung thực và sự đa dạng của các quan điểm đặc trưng trong kho lưu trữ của nhiều cơ quan phát triển từ những năm 1960-1980 không còn kéo dài đến ngày nay, và có thể chỉ có một số ít Dự án có thể tiếp nhận các phân tích như thế này. Tôi biết ơn Richard Heeks vì nhận xét này.

6 Về nguyên tắc, có thể có những nhân tố quan trọng đóng vai trò quan trọng trong Dự án nhưng không để lại dấu vết nào trong hồ sơ lưu trữ, dẫu sao thì điều này vừa không chắc chắn lại vừa không thể tránh khỏi, và trong mọi trường hợp, không phải là vấn đề lớn hơn so với bất kỳ phương pháp nghiên cứu nào khác.

Bibliography

Amsterdamska, O. (1990). Surely you are joking, Monsieur Latour! Science, Technology, & Human Values, 15, 495‐504.

Appleby, J. O., Hunt, L. A., & Jacob, M. (1994). Telling the truth about history. London: Norton.

Bakewell, O., & Garbutt, A. (2005). The use and abuse of the logical framework approach. In. Stockholm: SIDA.

Bebbington, A. (2005). Donor‐NGO relations and representations of livelihood in nongovernmental aid chains. World Development, 33, 937‐950.

Bornstein, L. (2003). Management standards and development practice in the South African aid chain. Public Administration and Development, 23, 393‐404.

Brock, J. F., & Autret, M. (1952). Kwashiorkor in Africa. Geneva: World Health Organization.

Callon, M. (1986). Some elements of a sociology of translation: domestication of the scallops and the fishermen of St Brieuc Bay. In J. Law (Ed.), Power, action, and belief: a new sociology of knowledge? (pp. 196‐233). London: Routledge & Kegan Paul.

Callon, M., & Latour, B. (1981). Unscrewing the big leviathan: how actors macro‐structure reality and how sociologists help them to do so. In K. Knorr‐Cetina & A. V. Cicourel (Eds.), Advances in social theory and methodology: toward an integration of micro‐and macro‐sociologies (pp. 277‐303). Boston: Routledge & Kegan Paul.

Collins, H. M., & Yearley, S. (1992). Epistemological chicken. In A. Pickering (Ed.), Science as practice and culture (pp. 301‐326). Chicago: University of Chicago Press.

Cracknell, B. (1996). Evaluating development aid. Evaluation, 2, 23‐33.

Crawford, P., & Bryce, P. (2003). Project monitoring and evaluation: a method for enhancing the efficiency and effectiveness of aid project implementation. International Journal of Project Management, 21, 363‐373.

Diallo, A., & Thuillier, D. (2005). The success of international development projects, trust and communication: an African perspective. International Journal of Project Management, 23, 237‐252.

Diener, P. (1984). Humanism and science in cultural anthropology: the great protein fiasco. Journal of Social Philosophy, 15, 13‐20.

Diener, P., Moore, K., & Mutaw, R. (1980). Meat, markets, and mechanical materialism: the great protein fiasco in anthropology. Dialectical Anthropology, 5, 171‐192.

Evans, R. (2004). In defence of history. London: Granta.

Fafunso, M. A., & Oke, O. L. (1976). Leaf protein from different cassava varieties. Nutrition Reports International, 14, 629‐632.

Fowden, L., & Pierpoint, S. (1997). Obituary: Norman Pirie (1907‐97). Nature, 387, 560‐560.

Fowler, A. (1995). Assessing NGO performance: difficulties, dilemmas and a way ahead. In M. Edwards & D. Hulme (Eds.), Non‐governmental organisations, performance and accountability: beyond the magic bullet (pp. 143‐156). London: Earthscan.

Gasper, D. (2000). Evaluating the 'logical framework approach' towards learning‐oriented development evaluation. Public Administration and Development, 20, 17‐28.

Green, A., & Troup, K. (1999). The houses of history: a critical reader in twentieth‐century history and theory. Manchester: Manchester University Press.

Harman, G. (2009). Prince of networks: Bruno Latour and metaphysics. Melbourne: re.press.

Huxley, E. J. G. (1965). Brave new victuals: an inquiry into modern food production. London: Chatto & Windus.

Lappé, F. M. (1971). Diet for a small planet. New York: Ballantine Books.

Latour, B. (1987). Science in action: how to follow scientists and engineers through society. Milton Keynes: Open University Press.

Latour, B. (1992). Where are the missing masses? The sociology of a few mundane artefacts. In W. Bijker & J. Law (Eds.), Shaping technology/building society: studies in sociotechnical change (pp. 225‐258). Cambridge: MIT Press.

Latour, B. (1999). On recalling ANT. In J. Law & J. Hassard (Eds.), Actor network theory and after (pp. 15‐25). Oxford: Blackwell.

Latour, B. (2005). Reassembling the social: an introduction to actor‐network‐theory. Oxford: Oxford University Press.

Latour, B., & Woolgar, S. (1986). Laboratory life: the construction of scientific facts ([2nd ] / ed.). Princeton: Princeton University Press.

Law, J. (1992). Notes on the theory of the actor‐network: ordering, strategy, and heterogeneity. Systemic Practice and Action Research, 5, 379‐393.

Law, J., & Hassard, J. (1999). Actor network theory and after. Oxford: Blackwell.

Lee, N., & Brown, S. (1994). Otherness and the actor network. American Behavioral Scientist, 37, 772‐790.

Marwick, A. (2001). The new nature of history: knowledge, evidence, language. Basingstoke: Palgrave.

McLaren, D. (1974). The great protein fiasco. The Lancet, 304, 93‐96.

Morrison, J. E., & Pirie, N. W. (1961). The large‐scale production of protein from leaf extracts. Journal of the Science of Food and Agriculture, 12, 1‐5.

Newman, J. (1995). From definition, to geography, to action, to reaction: the case of Protein‐Energy Malnutrition. Annals of the Association of American Geographers, 85, 233‐245.

Oke, O. L. (1971). Some aspects of leaf protein work in Nigeria. Indian Journal of Nutrition and Dietetics, 8, 121‐&.

Oke, O. L. (1973). Leaf protein research in Nigeria ‐ Review. Tropical Science, 15, 139‐155.

Olatunbosun, D. A. (1976). Leaf protein for human use in Africa. Indian Journal of Nutrition and Dietetics, 13, 168‐173.

Olatunbosun, D. A., Adadevoh, B. K., & Oke, O. L. (1972). Leaf protein: A new protein source for the management of protein calorie malnutrition in Nigeria. Nigerian Medical Journal, 2, 195‐199.

Pirie, N. W. (1966). Leaf protein as a human food. Science, 152, 1701‐1705.

Ruxin, J. (2000). The United Nations Protein Advisory Group. In D. Smith & J. Phillips (Eds.), Food, science, policy and regulation in the twentieth century: international and comparative perspectives (pp. 151‐166). London: Routledge.

Smith, P. (2000). A comment on the limitations of the logical framework method, in reply to Gasper, and to Bell. Public Administration and Development, 20, 439‐441.

Tosh, J. (2006). The pursuit of history: aims, methods and new directions in the study of modern history (4th / ed.). Harlow: Pearson Longman.

UNDP. (2009). Handbook on Planning, Monitoring and Evaluating for Development Results. New York: UNDP.

Wallace, T. (2000). Development management and the aid chain: the case of NGOs. In T.

Wallace (Ed.), Development and management : selected essays from Development in practice (pp. 18‐38). Oxford: Oxfam GB.

Williams, C. (1935). Kwashiorkor: a nutritional disease of children associated with a Maize diet. The Lancet, 226, 1151‐1152.

Williams, C. (1973). The story of kwashiorkor. Nutrition Reviews, 31, 334‐340.

Winner, L. (1993). Upon opening the black box and finding it empty: social constructivism and the philosophy of technology. Science, Technology, & Human Values, 18, 362‐378.

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét