Enrique Dussel
Người dịch: Hà Hữu Nga
Đối với nhiều người (ví dụ như Jürgen Habermas hay Charles Taylor), thời hiện đại1 là một hiện tượng Châu Âu về bản chất hoặc loại biệt. Trong những bài giảng của mình, tôi cho rằng thời hiện đại thực chất là một hiện tượng Châu Âu, nhưng được cấu thành trong một mối quan hệ biện chứng với một sự khác biệt phi-Châu Âu, vốn là nội dung tối hậu của nó. Thời hiện đại xuất hiện khi Châu Âu tự khẳng định mình là “trung tâm” của một Lịch sử Thế giới mà nó khai sinh; do đó, “ngoại vi” bao quanh trung tâm này là một phần tự-định nghĩa của nó. Việc che khuất ngoại vi này (vai trò của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong việc hình thành hệ thống thế giới hiện đại từ cuối thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVII) đã dẫn các nhà tư tưởng đương đại chủ chốt của cái “trung tâm” này vào một ngụy biện Châu Âu-Trung tâm trong cách hiểu của họ về thời hiện đại. Nếu cách hiểu của họ về nguồn gốc của thời hiện đại như vậy là phiến diện và cục bộ, thì những nỗ lực phê phán hay bảo vệ nó của họ cũng đơn phương và, một phần, là sai lầm. Vấn đề ở đây là khám phá nguồn gốc của cái mà tôi gọi là “huyền thoại về [tr.66] thời hiện đại” ấy. Thời Hiện đại bao gồm một “khái niệm” lý tính về sự giải phóng mà chúng ta khẳng định và tiếp thu. Nhưng đồng thời, nó cũng phát triển một huyền thoại phi lý tính, một sự biện minh cho bạo lực diệt chủng. Những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại chỉ trích lý tính hiện đại là lý tính khủng bố; chúng tôi chỉ trích lý tính hiện đại vì cái huyền thoại phi lý tính mà nó che giấu. Chủ đề của những bài giảng này sẽ là nhu cầu về “phủ định” và “siêu việt” của thời hiện đại được hiểu theo nghĩa thứ hai này.
Theo luận điểm chính của tôi, năm 1492 là năm “khai sinh” của thời hiện đại, [HHN ghi chú: Năm 1492 thường được coi là thời điểm then chốt đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên hiện đại do gắn liền với một số sự kiện lịch sử quan trọng, đặc biệt là những sự kiện liên quan đến việc thám hiểm của châu Âu và hậu quả của nó; Mặc dù bản thân khái niệm hiện đại là một khái niệm phức tạp và đang phát triển, năm 1492 đóng vai trò là điểm khởi đầu mang tính biểu tượng nhờ các chuyến thám hiểm của Châu Âu, Giao lưu Columbia và sự trỗi dậy của chủ nghĩa thực dân Châu Âu; Các chuyến đi của Columbus đến Châu Mỹ vào năm 1492 đã khởi đầu một thời kỳ thám hiểm, chinh phục và thuộc địa hóa mạnh mẽ của Châu Âu; Sự bành trướng này đã dẫn đến sự hội nhập của Châu Mỹ vào mạng lưới thương mại và quyền lực toàn cầu, với những tác động sâu sắc và lâu dài đến cả “Cựu Thế giới” và “Tân Thế giới”; Trao đổi thực vật, động vật, bệnh tật và văn hóa giữa Châu Mỹ và Châu Âu, được gọi là Giao lưu Columbia, đã làm thay đổi thế giới; Các loại cây trồng mới từ Châu Mỹ, như khoai tây và ngô, đã cách mạng hóa nền nông nghiệp ở Châu Âu và các khu vực khác trên thế giới, trong khi sự du nhập của các loại bệnh Châu Âu đã tàn phá các cộng đồng bản địa ở Châu Mỹ; Năm 1492 được coi là một bước ngoặt vì nó thách thức những hiểu biết hiện có về địa lý và Thế giới; Việc “khám phá” ra Châu Mỹ đã buộc người Châu Âu phải suy nghĩ lại về thế giới và vị trí của họ trong đó, góp phần tạo nên cảm giác kết nối toàn cầu và thúc đẩy những cách suy nghĩ mới về lịch sử, tiến bộ và văn minh; Các sự kiện năm 1492 và giai đoạn tiếp theo thường được coi là khởi đầu của “thời kỳ đầu hiện đại” trong lịch sử Châu Âu, thu hẹp khoảng cách giữa thời Trung cổ và thời kỳ hiện đại; Mặc dù năm 1492 là một mốc thời gian quan trọng, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là hiện đại không phải là một sự kiện đơn lẻ mà là một quá trình chuyển đổi xã hội, chính trị và văn hóa phức tạp và liên tục; Tuy nhiên, các sự kiện năm 1492 và hậu quả của chúng rất quan trọng để hiểu được nguồn gốc và sự phát triển của hiện đại.HHN] mặc dù cuộc thai nghén của nó bao gồm một quá trình phát triển “trong tử cung” trước đó. Khả tính của thời hiện đại bắt nguồn từ các thành phố tự do của Châu Âu Trung cổ, vốn là những trung tâm sáng tạo lớn lao. Nhưng thời hiện đại tự thân đã “ra đời” khi Châu Âu ở vị thế đối lập với một thế giới khác, nói cách khác, khi châu Âu có thể tự định hình mình như một bản ngã thống nhất, khám phá, chinh phục, khai phá một sự khác biệt, một sự khác biệt trả lại hình ảnh của chính nó. Sự khác biệt này, nói cách khác, không phải được “khám phá” (descubierto), hay được thừa nhận, theo đúng nghĩa, mà bị che giấu, hay “che đậy” (encubierto), giống như những gì Châu Âu vẫn luôn cho rằng nó đã từng như thế. Vậy nên, nếu năm 1492 là thời điểm “ra đời” của thời hiện đại như một khái niệm, thời điểm khởi nguồn của một huyền thoại rất đặc biệt về bạo lực hy sinh, thì nó cũng đánh dấu sự khởi nguồn của một quá trình che giấu hoặc nhận thức sai lệch về những điều phi-Châu Âu. Vì tôi đang thuyết trình những bài giảng này tại Frankfurt, theo lời mời của Đại học Johann Wolfgang Goethe, nên tôi sẽ thảo luận về một số nhà tư tưởng vĩ đại gắn liền với thành phố này, từ Hegel, người đã dành một phần sự nghiệp ban đầu của mình tại đây, đến Habermas và ngôi trường nổi tiếng mang tên thành phố. Nhân tiện, tôi xin nhắc lại rằng chính một người Do Thái ở quê tôi, tham gia vào hoạt động xuất khẩu nông sản giữa Argentina và Anh, đã cung cấp khoản tài trợ ban đầu cho cái Học viện mà Horkheimer và những người khác thành lập tại thành phố này. Nghĩa là, chính giá trị được tạo ra từ sức lao động của những người chăn bò và người làm thuê ở vùng đồng bằng Pampa, được vật hóa thành lúa mì hoặc thịt bò và được các gia đình địa chủ và thương gia lớn ở Argentina dành riêng, đã được chuyển sang Đức và khai sinh ra trường phái Frankfurt. Vậy nên, nhân danh những người bán-Indians, người peons [người lao động Mỹ gốc Tây Ban Nha] và người gauchos chăn bò ở quê tôi, theo một cách nào đó, họ đang đòi hỏi một sự giải trình về cách sử dụng thành quả cuộc đời và công sức của họ, mà tôi cam kết trình bày những bài giảng này tại đây và ngay lúc này. Tôi cần bổ sung thêm một chi tiết nữa: Năm 1870, một người thợ mộc nghèo, một người theo chủ nghĩa xã hội và Lutheran [Tin lành cải cách] đến từ thị trấn Schweinfurt am Main, chỉ cách đây vài cây số, đã đến Buenos Aires để tìm kiếm việc làm, thoát khỏi sự đàn áp và để được bình yên. Tên ông là Johannes Kaspar Dussel. Ông được chào đón ở Argentina, được trao cơ hội để làm lại cuộc đời, nuôi dạy gia đình và [tr.67] đã qua đời tại vùng đất đó. Ông là ông cố của tôi. Ngày nay, khi rất nhiều người nước ngoài đến Đức tìm kiếm những điều tương tự, thì ngược lại, họ bị từ chối, trục xuất, đối xử... như người Thổ Nhĩ Kỳ! Nước Đức đã quên mất lòng hiếu khách mà các quốc gia khác đã dành cho người nghèo của mình vào thế kỷ 19.
Tôi đã nói rằng khái niệm thời hiện đại đã che khuất vai trò của vùng ngoại vi Iberia của châu Âu, và đặc biệt là Tây Ban Nha, trong quá trình hình thành nên vùng này. Vào cuối thế kỷ 15, Tây Ban Nha là cường quốc Châu Âu duy nhất có khả năng chinh phục lãnh thổ bên ngoài, như đã được chứng minh trong cuộc chinh phục Vương quốc Granada từ ách thống trị của Hồi giáo vào năm 1492, giai đoạn cuối cùng trong cuộc “tái chinh phục” và thuộc địa hóa Andalusia kéo dài hàng thế kỷ. Cho đến thời điểm đó, Châu Âu vẫn chỉ là vùng ngoại vi của một thế giới Hồi giáo hùng mạnh và “phát triển” hơn (cũng giống như, cho đến thời Columbus, Đại Tây Dương chỉ là một đại dương thứ yếu). Cuộc tái Chinh phục Iberia, với bạo lực giáo phái cực đoan mà nó gây ra trong giai đoạn cuối (phá vỡ hiệp ước, loại bỏ giới tinh hoa địa phương, thảm sát và tra tấn triền miên, yêu cầu kẻ bị chinh phục phải phản bội tôn giáo và văn hóa của họ, nếu không sẽ bị xử tử hoặc trục xuất, tịch thu và phân chia lại đất đai, thị trấn và cư dân theo hình thức phong kiến cho các sĩ quan của quân đội chinh phục), đến lượt nó, lại là hình mẫu cho quá trình thuộc địa hóa Tân Thế giới. Tôi tin rằng, việc hiểu được điều này cũng cho phép Mỹ Latinh tìm lại “vị thế” của mình trong lịch sử thời hiện đại. Chúng ta là vùng ngoại vi đầu tiên của Châu Âu hiện đại; nghĩa là, ngay từ khi xuất hiện, chúng ta đã phải chịu đựng trên toàn cầu một quá trình hiện đại hóa mang tính cấu thành (mặc dù thuật ngữ này chưa được sử dụng vào thời điểm đó) mà sau này sẽ được áp dụng ở Châu Phi và Châu Á. Mặc dù lục địa của chúng ta đã được Châu Âu biết đến - như bản đồ thế giới năm 1489 của Henricus Martellus tại Rome minh họa - nhưng chỉ có Tây Ban Nha, nhờ năng lực chính trị của các vị vua Công giáo và sự táo bạo của Columbus, mới chính thức và công khai nỗ lực, với những quyền lợi và đặc quyền tương ứng (và cạnh tranh công khai với Bồ Đào Nha), tiến về phía Đại Tây Dương để tìm kiếm con đường đến Ấn Độ. Quá trình khám phá và chinh phục này, với lễ kỷ niệm 500 năm thành lập được tổ chức trong năm nay, không chỉ đơn thuần mang tính giai thoại hay lịch sử: Nó là một phần của quá trình cấu thành nên chính chủ thể tính thời hiện đại.
Huyền thoại về nguồn gốc ẩn giấu trong “khái niệm” giải phóng của thời hiện đại, và tiếp tục là nền tảng cho sự phản tư triết học và nhiều lập trường lý thuyết khác trong tư tưởng châu Âu và Bắc Mỹ, trước hết liên quan đến mối liên hệ giữa chủ nghĩa Châu Âu-Trung tâm với “ngụy biện phát triển luận” đi kèm. Ngụy biện phát triển luận [tr.68] là ở tư tưởng cho rằng con đường phát triển hiện đại của Châu Âu phải được mọi nền văn hóa khác đơn phương đi theo. Phát triển ở đây được hiểu là một phạm trù bản thể học, chứ không chỉ đơn thuần là một phạm trù xã hội học hay kinh tế. Đối với Hegel, đó là “vận động tất yếu” của Tồn tại, là “phát triển” tất yếu của nó.2 Câu trả lời của Kant cho câu hỏi được đặt ra bởi tiêu đề bài luận “Khai sáng là gì?” của ông giờ đây đã hơn hai thế kỷ. “Khai sáng là exodus cuộc di cư của nhân loại bằng chính nỗ lực của mình khỏi trạng thái non nớt tội lỗi”, ông viết. “Lười biếng và hèn nhát là lý do tại sao phần lớn nhân loại vẫn thoải mái ở trong trạng thái non nớt này.” Đối với Kant, sự non nớt, hay tuổi vị thành niên, là một trạng thái đáng trách, sự lười biếng và hèn nhát là đặc tính hiện sinh của nó: Unmündig. [Unmündig tiếng Đức có nghĩa là “chưa đủ tuổi” hoặc “trẻ vị thành niên”, cụ thể là ám chỉ người chưa đến tuổi trưởng thành theo quy định pháp luật; nó cũng có thể được sử dụng theo nghĩa bóng, nghĩa là phụ thuộc hoặc chưa trưởng thành, đặc biệt khi ám chỉ người chưa tự lập về mặt tinh thần. HHN] Ngày nay, chúng ta sẽ hỏi ông: Một người Phi ở Châu Phi hay là một nô lệ ở Hoa Kỳ vào thế kỷ thứ mười tám; một người Indian ở Mexico hay một người lai Mỹ Latinh: Liệu tất cả những chủ thể này có nên được coi là cư trú trong trạng thái non nớt tội lỗi không? Hegel đã trả lời câu hỏi này theo cách sau. Trong Vorlesungen über die Philosophie der Weltgeschichte Các bài giảng về Triết học Lịch sử, ông đã chỉ ra rằng Lịch sử Thế giới là sự tự nhận thức về Chúa (một theodicy thần học sự biện minh cho lòng tốt và sự quan phòng của Chúa trước sự tồn tại của cái ác), Lý tính và Tự do. Đó là quá trình hướng tới khai sáng: Lịch sử Phổ quát đại diện cho...sự phát triển của ý thức mà Tinh thần có liên quan đến tự do của mình và cũng là tiến hóa của hiểu biết mà Tinh thần có được thông qua ý thức đó. Sự phát triển này ngụ ý một loạt các giai đoạn, một loạt các quyết định về tự do, được sinh ra từ tự thân-khái niệm của nó, tức là từ bản chất của tự do để trở nên có ý thức về chính nó...Tính tất yếu này và chuỗi tất yếu của những quy định trừu tượng thuần túy của khái niệm là lĩnh vực của Logic.3
Trong bản thể học Hegel, Entwicklung “phát triển” là yếu tố quyết định chính sự vận động của Begriff “khái niệm” cho đến khi nó đạt đến đỉnh cao trong “Ý niệm” (từ Hữu thể bất định đến Tri thức Tuyệt đối của Logic). Sự phát triển [tr.69] mang tính tuyến tính biện chứng: Nó là một phạm trù bản thể học nguyên thủy, đặc biệt trong trường hợp Lịch sử Thế giới. Hơn nữa, nó có một định hướng trong không gian: “Vận động của Lịch sử Phổ quát đi từ Đông sang Tây. Châu Âu là điểm kết thúc tuyệt đối của Lịch sử Phổ quát. Châu Á là điểm khởi đầu của nó” (Bài giảng, 243). Ta có thể dễ dàng nhận thấy ý tưởng về một vận động “tất yếu” của lịch sử từ Đông sang Tây này trước hết phải loại bỏ Mỹ Latinh và Châu Phi khỏi sự vận động của Lịch sử Thế giới, đặt chúng, giống như Châu Á, vào trạng thái “chưa trưởng thành” hoặc Kindheit “trẻ thơ”. Trên thực tế, thế giới được chia thành Cựu Thế giới và Tân Thế giới. Tên gọi Tân Thế giới xuất phát từ thực tế là Châu Mỹ...chỉ mới được người Châu Âu biết đến gần đây. Nhưng không nên vì lý do đó mà nghĩ rằng sự phân biệt này chỉ là bề ngoài. Nó là điều cốt yếu. Thế giới này không chỉ mới mẻ mang tính tương đối mà còn mới mẻ mang tính tuyệt đối; nó mới mẻ về mọi mặt, cả vật chất lẫn chính trị...Biển đảo trải dài giữa Mỹ Latinh và Châu Á cũng cho thấy một sự non trẻ nhất định về nguồn gốc của nó...Tân Hà Lan [Tân Hà Lan có hai ý nghĩa lịch sử chính: chủ yếu, nó ám chỉ tên gọi lịch sử của lục địa Úc, được các nhà thám hiểm và nhà bản đồ học người Hà Lan sử dụng từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19; nó cũng ám chỉ cựu thuộc địa của Hà Lan ở Brazil ngày nay; ngoài ra, New Holland còn là tên của một quận thuộc Lancaster, Pennsylvania. HHN] cũng mang những đặc điểm của một địa lý học non trẻ, bởi vì nếu rời khỏi các thuộc địa của Anh, bước vào lãnh thổ của nó, chúng ta sẽ khám phá ra những dòng sông khổng lồ vẫn chưa tìm được dòng chảy ...Chúng ta có bằng chứng về sự phát triển của Châu Mỹ và trình độ văn minh của nó, đặc biệt là ở Mexico và Peru, nhưng là một nền văn hóa hoàn toàn đặc thù, sẽ kết thúc ngay khi Tinh thần Tuyệt đối đến gần...Sự thấp kém của những cá nhân này về mọi mặt là hiển nhiên. (Bài giảng, 199-200)
Unreife “Tính non nớt” này là hoàn toàn, mang tính vật chất (ngay cả thực vật và động vật cũng nguyên thủy, tàn bạo, quái dị hơn, hoặc đơn giản là yếu đuối hay thoái hóa hơn). Đó là dấu hiệu của Châu Mỹ (Latinh).4 Hegel viết: Xét về các yếu tố cấu thành nên nó, Châu Mỹ vẫn chưa hoàn thiện quá trình hình thành...Do đó, Châu Mỹ là vùng đất của tương lai. Chỉ trong những thời đại tương lai, tầm quan trọng lịch sử của nó mới trở nên rõ ràng...Nhưng với tư cách là một vùng đất của tương lai, Châu Mỹ Latinh không có gì hấp dẫn chúng ta, bởi vì triết gia không đưa ra lời tiên tri. (Bài giảng, 209-210) [tr.70] Vậy thì, với tư cách là một vùng đất ấu thơ, Châu Mỹ Latinh vẫn nằm ngoài Lịch sử Thế giới.5 Điều tương tự cũng xảy ra với Châu Phi. Hegel vẫn chia sẻ quan niệm thời trung cổ, tiền hiện đại về thế giới như một bộ ba gồm Châu Âu, Châu Á và Châu Phi, nhưng đó là một bộ ba mà trục lịch sử đã bị dịch chuyển về phía Châu Âu. Do đó: Ba phần của thế giới duy trì giữa chúng một mối quan hệ thiết yếu và tạo thành một Totalität tổng thể tính... [Nhưng] Biển Địa Trung Hải là yếu tố hợp nhất giữa chúng, và điều này biến nó thành trung tâm của toàn bộ Lịch sử Phổ quát…Địa Trung Hải là trục của Lịch sử Phổ quát. (Bài giảng, 210) Hegel có một số trang về Châu Phi đáng đọc, mặc dù cần tiếp cận vấn đề này với một khiếu hài hước, bởi vì chúng là một dạng thần thánh hóa kỳ quái của hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc, đầy rẫy những định kiến hời hợt và những quan điểm được chấp nhận, cùng với một cảm giác tự tôn dường như vô hạn, minh họa rõ nét cho trạng thái thần trí của Châu Âu vào đầu thế kỷ 19. Ví dụ: Châu Phi nói chung là một vùng đất khép kín, và điều này vẫn duy trì tính chất cơ bản của nó. (Bài giảng, 212)
Ở những người da đen, ý thức thậm chí còn chưa đạt được trực giác về bất kỳ loại khách quan tính nào, chẳng hạn như Chúa hay luật pháp, trong đó con người liên hệ với ý chí của mình và có trực giác về bản chất của mình... [Người da đen] là con người như một loài thú. (Bài giảng, 218) Cách sống này của người Châu Phi giải thích tại sao việc biến họ thành những kẻ cuồng tín lại dễ dàng đến vậy. Cõi giới của Tinh thần Tuyệt đối quá nghèo nàn trong họ, còn Tinh thần tự nhiên thì quá mãnh liệt đến nỗi bất kỳ hình ảnh nào được khắc ghi vào tâm trí họ cũng đủ để thúc đẩy họ không còn tôn trọng bất cứ điều gì, phá hủy mọi thứ...Châu Phi... không có lịch sử theo đúng nghĩa. Do đó, chúng ta từ bỏ Châu Phi, không bao giờ nhắc đến nó nữa. Nó không phải là một phần của thế giới lịch sử; nó không chứng minh được sự vận động hay phát triển lịch sử...Những gì chúng ta hiểu đúng về Châu Phi là một cái gì đó biệt lập và không có lịch sử, vẫn còn sa lầy trong [tr.71] Tinh thần tự nhiên, và do đó chỉ có thể được định vị ở đây, tại cổng vào của Lịch sử Phổ quát. (Bài giảng, 231-34) Lòng tự hào chủng tộc châu Âu - thói “vô độ” theo kiểu Hegel mà Kierkegaard rất thích mỉa mai - không ở đâu rõ ràng hơn trong những nhận xét này. Là “Phương Nam”, cả Mỹ Latinh và Châu Phi đều nằm ngoài chuyển động Đông-Tây của Lịch sử Thế giới. Nhưng Hegel cũng gán cho Châu Á một vai trò chuẩn bị, khởi đầu: Châu Á là cái phần của thế giới mà người ta có thể xác minh nguồn gốc như vậy…Nhưng Châu Âu thì lại hoàn toàn là das Zentrum und das Ende Trung tâm và Kết cục của thế giới cổ đại và của Phương Tây theo đúng nghĩa, Châu Á thì là tuyệt đối Phương Đông. (Bài giảng, 235)
Châu Á chỉ là Tinh thần trong giai đoạn trứng nước. Chế độ chuyên chế Phương Đông chỉ cho phép đấng Duy nhất (hoàng đế) được tự do. Do đó, nó là bình minh, nhưng không hề là đỉnh cao của Lịch sử Thế giới. “Khởi đầu” và “kết cục” của Lịch sử phải là Châu Âu.6 Nhưng có nhiều Châu Âu khác nhau. Có Nam Âu: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, miền Nam nước Pháp và Ý. Tinh thần ngự trị ở đó từ thời cổ đại, khi phương Bắc vẫn còn unkultiviert “hoang man”. Nhưng Nam Âu “không được đánh dấu bằng một Kern hạt nhân của sự phát triển tự thân” (Bài giảng, 240); đúng hơn, vận mệnh nằm ở Bắc Âu. (Với quan điểm này, theo cách mà hầu hết các nhà tư tưởng Châu Âu và Bắc Mỹ đương đại, như tôi đã đề cập trước đó, Hegel bác bỏ tầm quan trọng của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong giai đoạn từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII – tức là thời đại trọng thương – trong sự phát triển của thời hiện đại. Nhưng cũng có hai Bắc Âu riêng biệt. Một là Đông Âu, bao gồm Ba Lan và Nga, vốn luôn tồn tại trong mối quan hệ với Châu Á. Tuy nhiên, Bắc Âu cần được nhắc đến là Tây Âu: “Đức, Pháp, Đan Mạch, các nước Scandinavia là trái tim của Châu Âu” (Bài giảng, 240). Liên quan đến ý tưởng này, văn phong của Hegel mang âm hưởng của tiếng kèn trumpet của Wagner: Tinh thần Đức là Tinh thần của neuen Welt Thế giới Mới, mục đích của nó là hiện thực hóa chân lý tuyệt đối, như sự tự quyết vô hạn [tr.72] của tự do, mà nội dung của nó là hình thức tuyệt đối riêng. Nguyên tắc của Đế chế Đức phải được điều chỉnh cho phù hợp với Kitô giáo. Sứ mệnh của người Đức là cung cấp những nhà truyền giáo theo Nguyên lý Cơ đốc giáo.7
Bày tỏ luận đề hoàn toàn trái ngược với luận đề mà tôi muốn phát triển trong các bài giảng này, Hegel tiếp tục: Thông qua việc tái lập tự do của Cơ đốc giáo, ý thức về sự tự biện minh của Tinh thần nảy sinh. Nguyên lý Cơ đốc giáo đã trải qua thứ kỷ luật văn hóa ghê gớm; Cải cách [Trong quan điểm của Hegel, Cải cách [Tin lành] là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử, đánh dấu sự xuất hiện của tự do cá nhân và ý thức tự giác, đặc biệt là trong các dân tộc Đức; nó đại diện cho sự chuyển dịch từ quan niệm tự do như một đặc quyền của số ít sang nhận thức rằng nhân loại, về bản chất, là tự do; theo Hegel, loại tự do mới mẻ này không chỉ là một khái niệm tôn giáo mà còn là một nguyên lý cơ bản định hình sự phát triển của xã hội và tư tưởng hiện đại. HHN] mang lại cho nó chiều kích bên ngoài với việc khám phá ra Châu Mỹ...Nguyên lý của Tinh thần tự do tự biến mình thành biểu ngữ của toàn thế giới, và từ đó phát triển các nguyên tắc phổ quát của lý tính...Phong tục và truyền thống không còn hiệu lực nữa; các hình thức quyền khác nhau cần phải tự hợp thức hóa như được xây dựng trên các nguyên tắc lý tính. Do đó, tự do của Tinh thần được hiện thực hóa. (Werke/Toàn tập, 12:413-14; nhấn mạnh của tôi) Nói cách khác, đối với Hegel, Châu Âu Cơ đốc giáo hiện đại không có gì để học hỏi từ các thế giới khác, các nền văn hóa khác. Nó tự thân có nguyên lý riêng và đồng thời là “hiện thực hóa” trọn vẹn nguyên lý đó: “Nguyên lý đã đạt được, và vì thế, Ngày Tận thế đã đến: ý niệm về Kitô giáo đã đạt được sự hiện thực hóa trọn vẹn” (Werke/Toàn tập, 12:414). Ba giai đoạn của “thế giới Đức” là “sự phát triển” của chính Tinh thần này. Chúng là các vương quốc của Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần. Đế chế Đức là “vương quốc của Toàn thể tính, trong đó chúng ta thấy sự lặp lại của các thời đại đã qua” (Werke/Toàn tập, 12:417). Đó là Thời đại Thứ nhất, những cuộc di cư của các bộ lạc Đức trong thời kỳ Đế chế La Mã, và Thời đại Thứ hai, thời Trung cổ Phong kiến. Thời đại Thứ hai này kết thúc với ba sự kiện: thời Phục hưng, việc khám phá ra Châu Mỹ, và việc khám phá ra con đường đến Ấn Độ qua Cape Horn. Những sự kiện này báo hiệu cuộc chung cục của đêm đen kinh hoàng thời Trung Cổ, nhưng bản thân chúng không tạo nên thời đại mới, hay Thời đại Thứ ba. Thời đại này, thời hiện đại, bắt đầu bằng một sự kiện đúng chất Đức: Cải cách Luther, mà nguyên lý của nó, đến lượt mình, được “phát triển” đầy đủ trong thời Khai sáng và Cách mạng Pháp.8
[Tr.73] Cách hiện thân này của Lịch sử Thế giới tại Châu Âu mang đến cho Châu Âu một loại quyền phổ quát, như Hegel giải thích trong một đoạn Bách khoa Toàn thư của ông: Lịch sử là sự cấu hình của Tinh thần dưới hình thức trở thành…Dân tộc tiếp nhận yếu tố đó như một nguyên lý tự nhiên…là dân tộc thống trị tại thời điểm này của Lịch sử Thế giới… Đối lập với quyền tuyệt đối mà một dân tộc như vậy sở hữu nhờ là kẻ mang sự phát triển của Tinh thần thế giới, tinh thần của các dân tộc khác không có rechtlos các quyền.9 Dân tộc này, tức Bắc Âu (và, đối với Hegel, đặc biệt là Đức và Anh), nói cách khác, có một “quyền tuyệt đối” bởi vì họ là Träger “người mang” Tinh thần trong Entwicklungstuffe “thời điểm phát triển” của nó. Trước tình hình này, không một dân tộc nào khác có thể được coi là có bất kỳ quyền nào thích hợp với nó, và chắc chắn không phải là cái có thể dựa vào châu Âu. Đây là một trong những định nghĩa rõ ràng nhất không chỉ về chủ nghĩa Châu Âu Trung tâm mà còn về sự thần thánh hóa quyền lực đế quốc của phương Bắc hay Trung tâm lên phương Nam, vùng Ngoại vi, thế giới thuộc địa và phụ thuộc của thời cổ đại. Không cần bình luận thêm. Các văn bản, với sự tàn nhẫn đáng sợ, nói lên một chủ nghĩa hoài nghi vô hạn, đội lốt “phát triển” của chính Aufklärung “lý tính”. Hơn nữa - và đây là điều mà nhiều nhà bình luận và phê bình Hegel, bao gồm cả Marx, đã bỏ qua - điều đáng lưu ý là đối với Hegel, tính chất mâu thuẫn của “xã hội dân sự” châu Âu được vượt qua trong “nhà nước” một phần nhờ vào sự cấu thành của các “thuộc địa”: Thông qua một động lực biện chứng để vượt qua chính mình vốn là đặc trưng của nó, một xã hội như vậy, trước hết, được thúc đẩy tìm kiếm bên ngoài bản thân mình những kẻ tiêu dùng mới. Vì lý do này, nó tìm cách di chuyển giữa các dân tộc khác kém hơn nó về mặt tài nguyên mà nó có sẵn, hay nói chung là công nghiệp của nó... Sự phát triển các mối quan hệ này cũng tạo ra phương tiện thực dân hóa, mà theo đó, một xã hội dân sự hoàn chỉnh được thúc đẩy theo hướng đó, một cách ngẫu nhiên hoặc có hệ thống. Thực dân hóa cho phép một bộ phận dân cư [tr.74] trở về với nguyên tắc sở hữu gia đình trên lãnh thổ mới, và đồng thời, nó có được cho mình một khả tính và lĩnh vực lao động mới.10
Do đó, châu Âu “cư chiếm” các vùng đất bên ngoài. Hegel dường như không nhận ra rằng điều này có nghĩa là chúng phải được các dân tộc khác cho chiếm đoạt. Ngoại vi của châu Âu là một “không gian tự do” cho phép những người nghèo, được tạo ra bởi những mâu thuẫn của sự phát triển tư bản chủ nghĩa, trở thành những nhà tư bản hoặc chính họ là chủ sở hữu tài sản ở các thuộc địa.11 Habermas về cơ bản vẫn theo phương thức Hegelian này khi ông viết rằng “các sự kiện lịch sử quyết định cho việc thực thi nguyên tắc chủ thể tính [hiện đại] là Cải cách, Khai sáng và Cách mạng Pháp.”12 Đối với Habermas, cũng như đối với Hegel, việc khám phá ra Châu Mỹ không phải là một sự kiện cấu thành thời hiện đại.13 Habermas cũng noi gương Hegel khi hạ thấp vai trò của Tây Ban Nha trong các cội nguồn của thời hiện đại.14 Ý định của tôi trong những bài giảng này là đưa ra một lý giải về thời hiện đại cho thấy điều ngược lại: ở chỗ trải nghiệm không chỉ về “khám phá” mà đặc biệt “chinh phục” mới là thiết yếu trong việc cấu thành nên cái bản ngã hiện đại, không chỉ với tư cách chủ thể tính tự thân mà còn là một chủ thể tính với tư cách “trung tâm” và “chung cục” của lịch sử. Do đó, Mỹ Latinh là “bộ mặt khác” [teixtli, trong tiếng Aztec], là tha tính căn cốt của thời hiện đại. Bản ngã, hay chủ thể Châu Âu non nớt, trong thời Trung cổ, vốn nằm ngoài và phụ thuộc vào thế giới Hồi giáo, bắt đầu “phát triển” cho đến khi nó xuất hiện, cùng với Cortés và cuộc Chinh phục Mexico (không gian ngoài Châu Âu đầu tiên mà nó có thể thực hiện một cách “phát triển” nguyên mẫu, tại thời điểm trở thành “chủ-nhân-của-thế giới” - một Ý chí Quyền lực đặc trưng cho ý thức tự thân của nó. Cảm nhận về mối quan hệ giữa cuộc chinh phục [tr.75] Châu Mỹ và sự hình thành của Châu Âu hiện đại cho phép có một định nghĩa mới, một tầm nhìn toàn cầu mới về thời hiện đại, không chỉ cho thấy khía cạnh giải phóng mà còn cả khía cạnh hủy diệt và diệt chủng của nó.
Vậy là, chúng ta đã có thể tóm tắt các yếu tố của huyền thoại thời hiện đại như sau: (1) Nền văn minh hiện đại [Châu Âu] tự coi mình là nền văn minh phát triển nhất, vượt trội nhất. (2) Cảm giác vượt trội này buộc nó, dưới hình thức một mệnh lệnh tuyệt đối, phải “phát triển” [văn minh hóa, nâng cao, giáo dục] các nền văn minh nguyên thủy, man rợ, kém phát triển hơn. (3) Con đường phát triển như vậy phải là con đường mà Châu Âu đã đi qua trong quá trình phát triển của chính mình từ thời cổ đại đến thời Trung cổ. (4) Khi bọn người man rợ hay bọn người nguyên thủy chống đối quá trình văn minh hóa, thì thực tiễn của thời hiện đại, cuối cùng, phải dùng đến bạo lực cần thiết để loại bỏ những trở ngại cho quá trình hiện đại hóa. (5) Bạo lực này, theo nhiều cách khác nhau, tạo ra nạn nhân, mang tính chất gần như nghi lễ: người anh hùng văn minh đầu tư cho nạn nhân của mình [bọn bị thực dân hóa, nô lệ, phụ nữ, sự hủy diệt sinh thái của trái đất, v.v.] bằng cái đặc điểm của những kẻ tham gia vào một quá trình hy sinh cứu chuộc. (6) Theo quan điểm của tính hiện đại, bọn người man rợ hay bọn người nguyên thủy đang ở trong trạng thái tội lỗi [vì, trong nhiều lý do khác, có việc chúng chống lại quá trình văn minh hóa]. Điều này cho phép thời hiện đại tự thể hiện mình không chỉ là vô tội mà còn là một sức mạnh sẽ giải phóng hoặc cứu chuộc các nạn nhân của nó khỏi tội lỗi. (7) Với đặc tính “văn minh” và cứu chuộc này của thời hiện đại, nỗi đau khổ và hy sinh [cái giá phải trả] của quá trình hiện đại hóa áp đặt lên các dân tộc “chưa trưởng thành”, các chủng tộc bị nô dịch, phái “yếu”, vân vân, là điều tất yếu và cần thiết.
Cách hiểu này về huyền thoại thời hiện đại mang một ý nghĩa khác đối với chúng ta so với Horkheimer và Adorno trong tác phẩm Biện chứng Khai sáng của họ, hay đối với những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại như Lyotard, Rorty và Vattimo. Không giống như những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại, chúng tôi không đề xuất một sự phê phán lý tính như vậy; nhưng chúng tôi chấp nhận phê phán của họ về một lý tính bạo lực, cưỡng bức, diệt chủng. Chúng tôi không phủ nhận hạt nhân lý tính của chủ nghĩa duy lý phổ quát của thời Khai sáng, mà chỉ phủ nhận khoảnh khắc phi lý tính của nó như một huyền thoại hy sinh. Nói cách khác, chúng tôi không phủ nhận lý tính, mà phủ nhận tính phi lý tính của bạo lực do huyền thoại hiện đại tạo ra. Chống lại chủ nghĩa phi lý tính hậu hiện đại, chúng tôi khẳng định “lý tính của Kẻ Khác”.15 [Tr.76] Cái “hiện thực hóa” của thời hiện đại không còn nằm ở việc chuyển từ tiềm năng trừu tượng của nó sang hiện thân “thực tại” của nó, mang tính Châu Âu. Ngày nay, nó nằm trong một quá trình sẽ vượt lên trên hiện đại tính như vậy, một siêu-hiện đại tính, trong đó cả hiện đại tính và dị biệt tính [nạn nhân] bị phủ định của nó đồng-hiện thực hóa trong một quá trình thụ tinh sáng tạo lẫn nhau. Siêu hiện đại tính [như một dự án giải phóng chính trị, kinh tế, sinh thái, tình dục, sư phạm và tôn giáo] là đồng-hiện thực hóa điều mà hiện đại tính không thể tự mình đạt được: đó là đoàn kết hợp nhất, mà tôi gọi là phép so sánh, giữa trung tâm/ngoại vi, đàn ông/đàn bà, các chủng tộc khác nhau, các nhóm tộc người khác nhau, các giai cấp khác nhau, văn minh/tự nhiên, văn hóa Phương Tây/văn hóa Thế giới Thứ ba, v.v. Tuy nhiên, để điều đó diễn ra, thì “bộ mặt-khác” của thời hiện đại bị phủ nhận và bị nạn nhân hóa - ngoại vi thuộc địa, người Indians, nô lệ, phụ nữ, trẻ em, các văn hóa đại chúng bị hạ thấp - trước hết phải tự nhận ra mình vô tội, là “nạn nhân vô tội” của một nghi lễ hiến tế, những kẻ, trong quá trình tự nhận ra mình vô tội, giờ đây có thể phán xét thời hiện đại là thủ phạm của một bạo lực căn cội, mang tính cấu thành và phi lý.
_____________________________________________
Nguồn: Enrique Dussel (1993). Eurocentrism and Modernity. In John Beverley-José Oviedo, The Postmodernism Debate in Latin America, Duke University Press, Vol. 20-3, Durham, 1993, pp. 65-76.
Tác giả: Enrique Domingo Dussel Ambrosini [1934 – 2023] là một học giả, triết gia, sử gia và nhà thần học người Argentina-Mexico. Ông từng là quyền hiệu trưởng của Đại học Autónoma de la Ciudad de México từ năm 2013 đến năm 2014. Enrique Dussel sinh ngày 24 tháng 12 năm 1934 tại La Paz, Mendoza. Ông học tại Đại học Quốc gia Cuyo ở Mendoza từ năm 1953 đến năm 1957, nhận bằng cử nhân triết học, sau đó sang Châu Âu để tiếp tục học tập. Ông nhận bằng tiến sĩ của Đại học Complutense Madrid, bằng tiến sĩ lịch sử của Đại học Sorbonne ở Paris, và bằng cử nhân thần học sau khi học tập tại Paris và Münster. Từ năm 1959 đến năm 1961, ông sống ở Israel, học tiếng Ả Rập và tiếng Do Thái, đồng thời làm công việc chân tay tại một hợp tác xã do tu sĩ Dòng Tên người Pháp Paul Gauthier lãnh đạo, là người có ảnh hưởng lớn đến Dussel và quan điểm của ông về thần học giải phóng. Ông trở về Argentina vào năm 1969 và chịu ảnh hưởng của lý thuyết phụ thuộc và các tác phẩm của Emmanuel Levinas. Trong các sự kiện dẫn đến chế độ độc tài quân sự ở Argentina giai đoạn 1976–1983, ông ngày càng trở thành mục tiêu của bạo lực, bao gồm các mối đe dọa giết người, vụ đánh bom nhà ông và bị đuổi khỏi trường đại học. Ông trốn sang Mexico vào năm 1975 với tư cách là một người lưu vong chính trị, tiếp tục công việc giáo sư triết học tại cơ sở Iztapalapa của Đại học Tự trị Metropolitana (UAM) và giảng dạy tại Đại học Quốc gia Tự trị Mexico (UNAM). Dussel nhận bằng tiến sĩ danh dự từ Đại học Fribourg năm 1981, Đại học San Andrés năm 1995, Đại học Buenos Aires năm 2012, Đại học Santo Tomás năm 2015, Đại học Quốc gia San Martín năm 2015 và Đại học Chile năm 2017. Ông đã biên soạn một khối lượng công trình đồ sộ, bao gồm khoảng bốn mươi cuốn sách về nhiều chủ đề, bao gồm triết học giải phóng, đạo đức, kinh tế chính trị, thần học, lịch sử và hiện đại/hậu hiện đại. Phần lớn các tác phẩm của ông cho đến nay chỉ được xuất bản hạn chế bằng tiếng Anh, và một số người cho rằng công trình của ông chưa nhận được sự quan tâm rộng rãi như mong đợi. Ngoài ra, ông còn là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Frankfurt, Đại học Notre Dame, Đại học Bang California, Los Angeles, Chủng viện Thần học Liên hiệp [Tin lành], Đại học Loyola Chicago, Đại học Vanderbilt, Đại học Duke, Đại học Harvard, và nhiều trường khác. Vào tháng 3 năm 2013, ông được bổ nhiệm làm quyền hiệu trưởng của Đại học Autónoma de la Ciudad de México trong thời gian một năm. Dussel đã duy trì đối thoại với các triết gia như Karl-Otto Apel, Gianni Vattimo, Jürgen Habermas, Richard Rorty và Emmanuel Lévinas. Là tác giả của hơn 50 cuốn sách, tư tưởng của ông bao trùm nhiều chủ đề, bao gồm: thần học, chính trị, triết học, đạo đức học, triết học chính trị, mỹ học và bản thể học. Ông là một nhà phê bình hậu hiện đại, ưa chuộng thuật ngữ “siêu hiện đại”.
Notes
1. Jürgen Habermas, Der Philosophische Diskurs der Moderne Diễn ngôn Triết học của Thời hiện đại (Frankfurt: Suhrkamp, 1988); Charles Taylor, Sources of the Self: The Making of Modern Identity Nguồn gốc của Bản thân: Sự hình thành Bản sắc Hiện đại (Cambridge: Harvard University Press, 1989).
2. Từ Hegel, phạm trù “phát triển” được truyền lại cho Marx, và từ đó được sử dụng trong xã hội học và lý thuyết kinh tế hiện đại. Nếu ở đây tôi nhấn mạnh về nội dung “triết học” ban đầu của nó, thì đó là để nhắc lại rằng một quốc gia “kém phát triển”, đối với Hegel, là “không hiện đại”, trước thời kỳ Aufklärung Khai sáng.
3. Ở đây tôi sử dụng văn bản của các Bài giảng trong G. W. F. Hegel, Sämtliche Werke, J. Hoffmeister biên tập (Hamburg: F. Meiner, 1955), 167, phần in nghiêng của tôi. Tác phẩm này sau đây được trích dẫn là Bài giảng. Tôi biết ơn Martin Bernal đã thảo luận về triết lý Lịch sử Phổ quát của Hegel trong cuốn Black Athena: Nguồn gốc phi-Á của Nền văn minh Cổ điển, tập 2 (New Brunswick: Nhà xuất bản Đại học Rutgers, 1991).
4. Về quan điểm của Châu Âu, và đặc biệt là của Hegel về hệ động thực vật Châu Mỹ, xem Antonello Gerbi, La naturaleza de las Indias Nuevas (Mexico: Fondo de Cultura Económica, 1978).
5. Đối với Hegel, trẻ em chỉ đại diện cho “tiềm năng thực sự” của lý tính. Do đó, tính “trực tiếp” của ý thức trẻ em cho phép nó chỉ là ngoại vi (hay khả tính) trải nghiệm chứ không phải là trung tâm của nó. “Chỉ người lớn mới có trí thông minh… và là trung tâm của mọi thứ” (Bài giảng, 16).
6. Luận điểm được bàn luận nhiều của Francis Fukuyama - trong tiểu luận “Chung cục của Lịch sử”, The National Interest (Mùa hè 1989) - bắt nguồn trực tiếp từ nhận xét này của Hegel. Chính xác mà nói Fukuyama khẳng định rằng Hoa Kỳ và thị trường tự do tư bản chủ nghĩa, với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở “Phương Bắc” sau năm 1989, là mô hình xã hội và chính thể duy nhất khả thi, không có lựa chọn thay thế nào khác, và do đó là “chung cục” của lịch sử.
7. Ở đây tôi trích dẫn từ G. W. F. Hegel, Werke, tập 12 (Frankfurt: Suhrkamp, 1970), 413, chữ nghiêng là của tôi. Tác phẩm này sau đây được trích dẫn là Werke.
8. Như các đoạn trích dẫn ở trên cho thấy, Hegel đã áp dụng vào quá khứ của Đức - cụ thể là vào Cải cách [Tin lành] - những tác động triệt để mà việc khám phá ra Tân Thế giới đã tạo ra ở Châu Âu vào cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI. Nếu Mỹ Latinh bị loại trừ khỏi Lịch sử Thế giới, thì Bắc Mỹ, hay Anglo-Saxon, Mỹ là phương Tây ở cấp độ thứ hai đối với Hegel, và do đó có một vị trí trong Lịch sử Thế giới.
9. G. W. F. Hegel, Bách khoa toàn thư về Triết học: trong Grundrisse, biên tập bởi F. Nicolin và O. Pöggler (Hamburg: F. Meiner, 1969), 430, mục 346 và 347, chữ in nghiêng của tôi.
10. G. W. F. Hegel, Triết học Pháp quyền (Oxford: Nhà xuất bản Clarendon, 1957), mục 246 và 248.
11. Như tôi đã lưu ý, vào thời Hegel và sau đó, khi Châu Âu có nạn “nhân mãn” hoặc nghèo đói kinh niên, thì Châu Âu đã gửi dân số này đến Thế giới Thứ ba. Ngày nay, Châu Âu đóng cửa biên giới với những dân số tương tự từ Thế giới Thứ ba.
12. Habermas, Der philosophische Diskurs, 27.
13. Habermas có đề cập đến khám phá này, nhưng không coi trọng nó (xem Der philosophische Diskurs, 15).
14. Ví dụ, Hegel viết: “Giờ đây chúng ta đến vùng đất Maroc, Fez, Algeria, Tunis, Tripoli. Có thể nói rằng khu vực này không thực sự thuộc về Châu Phi mà thuộc về Tây Ban Nha, tạo thành một lưu vực địa lý với Tây Ban Nha. Trên cơ sở này nhà bác học de Pradt khẳng định rằng Tây Ban Nha là một phần của Châu Phi...[Tây Ban Nha] là một quốc gia tự giới hạn mình trong việc chia sẻ vận mệnh của các quốc gia lớn, một vận mệnh được định đoạt ở nơi khác; nó không có được cá tính riêng [như một tác nhân lịch sử]” (Bài giảng, 213).
15. Ví dụ, trong tác phẩm Nous et les autres – Chúng ta và Kẻ khác của Tzvetan Todorov (Seuil: Paris, 1989), “chúng ta” là người châu Âu, “Kẻ khác” là chúng tôi, những dân tộc ở vùng ngoại vi. Tương tự, khi Rorty lập luận về sự cần thiết của “đối thoại” thay cho nhận thức luận duy lý, ông không coi trọng tình huống bất đối xứng của bên kia, sự bất khả thi thực nghiệm cụ thể rằng những kẻ “bị loại trừ”, “bị trị” hoặc “bị cưỡng bức” có thể can thiệp hiệu quả vào một cuộc thảo luận như vậy. Ông lấy điểm xuất phát là “chúng ta, những người Mỹ tự do”, chứ không phải “chúng ta, những người Aztec, liên quan đến Cortés”, hay “chúng ta, những người Mỹ Latinh, liên quan đến một người Bắc Mỹ vào năm 1992”. Trong những trường hợp như vậy, ngay cả đối thoại cũng không thể thực hiện được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét