Powered By Blogger

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2025

Hegel - Chung cục Lịch sử và Khủng hoảng Châu Âu Trung tâm (I)

Martina Barnaba

Người dịch: Hà Hữu Nga

Tóm tắt

[Tr.25] Bài viết này phân tích triết lý lịch sử "dĩ Âu vi trung" của Hegel, xem xét kỹ lưỡng những thành kiến ​​ trong cách ông miêu tả Châu Âu như đỉnh cao của sự phát triển lịch sử và tinh thần. Lấy những hiểu biết sâu sắc của Biagio De Giovanni làm điểm khởi đầu, bài viết đi sâu vào hệ thống phân cấp chủng tộc của Hegel, làm sáng tỏ những mâu thuẫn trong cách ông miêu tả Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ. Nhấn mạnh phép biện chứng vốn có trong chủ nghĩa Châu Âu Trung tâm của Hegel, bài viết phơi bày Châu Âu như một nghịch lý - vừa là đỉnh cao của tự do và lý trí, vừa là một khu vực chất chứa những phức tạp chưa được giải quyết. Khảo sát triết lý Hegel trong bối cảnh đương đại, đặc biệt là giữa cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Châu Âu và sự trỗi dậy của các tích truyện thay thế như Trung Quốc, bài viết thách thức các tuyên bố lấy Châu Âu làm trung tâm trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và sinh thái. Tóm lại, bài viết khẳng định rằng triết học Hegel, mặc dù bắt nguồn từ chủ nghĩa Châu Âu Trung tâm, nhưng lại thúc đẩy quá trình tự phản ánh và thách thức quan niệm về một kết thúc dứt khoát cho lịch sử. Các cuộc khủng hoảng diễn ra ở Châu Âu và các biến động toàn cầu đòi hỏi phải tái đánh giá tinh tế, thừa nhận sự xuất hiện tiềm tàng của những tích truyện thế giới mới vượt khỏi các quan điểm truyền thống của phương Tây.

1. Giới thiệu

Năm 2003, Biagio De Giovanni đã đề xuất một sự đánh giá lại chủ nghĩa Châu Âu Trung tâm áp đảo của Hegel, nhấn mạnh những cách thức mà sự trỗi dậy của Châu Âu để trở thành vị thế vùng đất hiện thực hóa lịch sử tối cao của cái Tinh thần thực chất đã đạt được, nhưng đồng thời cũng bị suy yếu, trong thời hiện đại. Điều đó khiến cho bản thân vị triết gia Swabia [Swabia tiếng Đức - Schwaben, tiếng Swabia: Schwaabe, tiếng Bavaria: Schwobm - là một trong bảy vùng hành chính của Bavaria, Đức; vùng này bao gồm mười huyện và 340 đô thị, trong đó có bốn thành phố, với Augsburg là thủ phủ hành chính;  Swabia nằm ở phía tây nam nước Đức; tên gọi này bắt nguồn từ một công quốc gốc Đức, đại diện cho khu vực định cư lịch sử của các liên minh bộ lạc Đức. HHN] này nói về sự suy tàn của “thế giới cũ” và sự kết thúc của tiến trình lịch sử. Do đó, Hegel hẳn là nhà lý luận vĩ đại nhất về sự thống trị của Châu Âu và đồng thời là một trong những người đầu tiên báo trước sự sụp đổ của nó, hay đúng hơn là báo trước sự kết thúc của một kỷ nguyên thực sự đã đánh dấu vận mệnh của [tr.26] lịch sử thế giới, trong khi đó, nhiệm vụ của nó đã hoàn thành. “Theo nghĩa này, Hegel đại diện cho một bước ngoặt thực sự trong lịch sử tư tưởng về Châu Âu, hội tụ trong ông niềm tin sâu sắc nhất về vị trí trung tâm của Châu Âu và nhận thức rằng một thế giới mới sắp sửa thay thế cái thế giới cũ kỹ kia” (De Giovanni 2003, 39). Ở đây, chúng ta đang nói đến nước Mỹ, một quốc gia, theo Hegel, thuộc về tương lai của thế giới, nhưng vẫn còn trong giai đoạn phôi thai và khiếm khuyết. Câu hỏi liệu trải nghiệm của nước Mỹ có phải là sự tiếp nối của lịch sử châu Âu, như được suy ngẫm trong tư tưởng Hegel, hay không, là một chủ đề tranh luận rộng rãi, bao hàm nhiều mơ hồ không thể đào sâu ở đây.1 Liên quan đến nghiên cứu của chúng tôi là mô tả ngụ ngôn của De Giovanni về Châu Âu hiện thân cho tự do và tính phổ quát của Tinh thần, rồi tự hoàn thiện trong nhận thức này, mở đường cho “các thế giới mới”.

Thực tế, chủ nghĩa Châu Âu Trung tâm của Hegel dựa trên sự kết hợp giữa lịch sử và tự ý thức tâm linh, mà ở châu Âu đạt đến đỉnh cao. Điều này có nghĩa là các dân tộc Châu Âu thấy mình đại diện cho đỉnh cao của văn minh và lý tính trong một lịch sử được tạo thành từ những giai đoạn xác định. Những giai đoạn này bao gồm các nền văn minh trước đây và trong một số trường hợp là các nền văn minh đương đại mà trong đó Tinh thần đã phát triển, mặc dù chỉ một phần, vì chúng không bao giờ thể hiện sự trưởng thành khiến một dân tộc hoàn toàn tự do, lý tính và tự ý thức. Thông qua việc tái cấu trúc sự phát triển lịch sử dẫn từ thế giới phương Đông sang phương Tây, nhờ đó Hegel truyền đạt cho chúng ta một triết lý lịch sử phác thảo một hệ thống phân cấp dân tộc và chủng tộc, được ghi lại trong câu chuyện nổi tiếng, hiện đang có vấn đề hơn bao giờ hết, về “chủng tộc Châu Âu” như là dân tộc tự do và khoa học. Theo quan điểm của Hegel, đây sẽ là kết quả [tr.27] của thời cổ đại cổ điển, Kitô giáo và Khai sáng: Tinh thần Hy Lạp, Cải cách Tin lành và Cách mạng Pháp đều quy tụ trong việc hệ thống hóa nhà nước hiện đại mà Hegel phác thảo trong Triết học Pháp quyền của ông, đồng thời xác định bản sắc Châu Âu như nhà triết học đã biết và ngày nay chúng ta phần nào đã biết.

Đồng thời, Hegel cũng thể hiện một nhận thức nhất định về cuộc khủng hoảng bản sắc đó: Như De Giovanni đã gợi ý, Hegel biết rằng Châu Âu hiện đại đang hướng tới một kết luận không loại trừ những vấn đề chưa được giải quyết, bao gồm cả vấn đề tổng quát hơn về sự cáo chung của lịch sử. Chính nút thắt cuối cùng này mà chúng ta sẽ phải tháo gỡ để làm rõ cách thức diễn đạt cuộc khủng hoảng về bá quyền của Châu Âu và mở ra những diễn biến giả định mới về thế giới. Mặc dù bản thân Hegel nhấn mạnh rằng tương lai của lịch sử không phải là điều mà triết học quan tâm hay có thể nắm bắt được, nhưng ngày nay chúng ta không thể bỏ qua một thực tế là tương lai đó đã trở thành hiện tại của chúng ta: Châu Âu, bao gồm cả nhánh Châu Mỹ của nó, đang trải qua một cuộc khủng hoảng bản sắc và kinh tế chính trị trước những thực tế văn hóa thay thế, chẳng hạn như văn hóa Trung Quốc, vốn ngày càng kiên định muốn thay thế nó trong vị thế bá chủ thiên niên kỷ của nó. Tóm lại, sau đây bài viết tiếp tục đi sâu vào sự vận động của parabol [Trong toán học, parabol, bắt nguồn từ Hy Lạp παραβολή là một đường conic được tạo bởi giao của một hình nón và một mặt phẳng song song với đường sinh của hình đó; một parabol cũng có thế được định nghĩa như một tập hợp các điểm trên mặt phẳng cách đều một điểm cho trước và một đường thẳng cho trước; trường hợp đặc biệt xảy ra khi mặt phẳng cắt tiếp xúc với mặt conic, trong trường hợp này, giao tuyến sẽ suy biến thành một đường thẳng; parabol là một khái niệm quan trọng trong toán học trừu tượng, tuy nhiên, nó cũng được bắt gặp với tần suất cao trong thế giới vật lý, và có nhiều ứng dụng trong kỹ thuật, vật lý, và các lĩnh vực khác. HNN] lịch sử và triết học, vốn cho phép ta nói về chủ nghĩa Châu Âu-Trung tâm trong triết học Hegel cũng như kết luận của nó, cho thấy thứ Verwirklichung nhận thức cuối cùng về sự tự do của Tinh thần trong trạng thái hiện đại của thế giới Đức thực sự đặt cái gọi là tính ưu việt của Châu Âu này trước những điểm then chốt vốn có trong chính cấu thành của nó. Xuất phát từ một sự hiểu biết được sửa đổi và cẩn thận hơn về ý nghĩa của Hegel khi nói đến cuộc chung cục của lịch sử, chúng tôi cũng sẽ cố gắng vận dụng chính những khái niệm phê phán và sự hình thành lịch sử của ông để mở ra cái kết cục này cho những thực tại mới, không nhất thiết là những thực tại Châu Âu. Theo nghĩa này, trường hợp của Trung Quốc và mối quan hệ của nước này với phương Tây sẽ được đề cập một cách ngắn gọn.

2. Triết học Lịch sử Hegel - Hệ thống Phân cấp Chủng tộc

Trước hết, chúng ta hãy nhớ lại rằng Hegel quan niệm triết học lịch sử là sự mô tả hiện thân của tự do “cụ thể” trong thế giới, và do đó cũng là hiện thân của lý trí trong sự thống nhất của nó với thực tại. Như đã đề cập, sự phát triển này được phân chia thành một loạt các giai đoạn, tương ứng với sự kế thừa [tr.28] của các nền văn minh khác nhau, trong đó Tinh thần dần dần được định nghĩa rõ ràng hơn: từ thực thể tính tự nhiên của địa hạt phương Đông, Tinh thần chuyển sang cá tính trong thời cổ đại Hy Lạp và sau đó là chủ nghĩa phổ quát trừu tượng trong đế chế La Mã; cuối cùng, nó đạt đến thế giới Cơ Đốc giáo-Đức, nơi tự do được hiện thực hóa một cách cụ thể trong nhà nước. Trong sự mặc khải đầu tiên và trực tiếp của mình, tinh thần-thế giới có nguyên tắc là hình thức của tinh thần thực thể, trong đó cá nhân tính đồng nhất tính bị chìm đắm trong bản chất của nó và không có sự biện minh rõ ràng. Trong nguyên tắc thứ hai, tinh thần thực chất nhận thức được chính nó. Ở đây, tinh thần là nội dung thực chứng và điền đầy, đồng thời cũng là hình thức sống động, tự quy chiếu về bản chất của nó. Nguyên tắc thứ ba là cuộc rút lui vào chính nó của sự tồn tại tự quy chiếu có ý thức này. Do đó, nảy sinh một loại phổ quát tính trừu tượng, và cùng với nó là sự đối lập vô hạn với khách quan tính, vốn bị coi là mất tinh thần. Trong nguyên tắc thứ tư, sự đối lập này của tinh thần bị lật đổ để tinh thần có thể tiếp nhận vào bên trong mình chân lý và bản chất cụ thể. Nhờ đó, tinh thần trở nên quen thuộc với khách quan tính, và hai bên được hòa giải. Bởi vì tinh thần đã trở về với thực tại thực chất hình thức và nội tại của mình bằng cách thoát khỏi sự đối lập vô hạn này, nên nó tìm cách tạo ra và biết rõ chân lý của mình như một tư tưởng, và như một thế giới của thực tại đã được thiết lập (PR, §353/269–70).

Chỉ có con người của “đế chế lịch sử-thế giới” cuối cùng, vương quốc Cơ đốc giáo-Đức, mới đạt được sự trưởng thành về mặt tinh thần, bởi vì sự chia rẽ giữa cá nhân với tư cách là công dân và tính phổ quát của các thể chế cuối cùng được giải quyết bằng một sự hòa giải thoát khỏi cả chế độ chuyên chế châu Á lẫn tính võ đoán trừu tượng của La Mã (ý chí cá nhân). Do đó, lãnh địa Cơ Đốc giáo-Đức tái khẳng định sự hòa hợp giữa công dân và thành bang mà ở Hy Lạp vẫn chỉ được quan niệm là tức thời. Bằng cách này, nó khiến người dân tự ý thức và tự do: Tự do trong nhà nước hiện đại thực chất là dành cho tất cả mọi người, trong khi ở các vương quốc cổ điển, nó là đặc quyền của một số ít và ở phương Đông chỉ dành cho một người. Nói cách khác, chân lý của Tinh thần kết thúc câu chuyện ngụ ngôn về hiện thân tiến bộ ở Bắc Âu: từ buổi bình minh phương Đông, trên thực tế, khi nó vẫn còn ngủ lịm, thì Tinh thần lần đầu tiên xuất hiện trong triết học Hy Lạp, sau đó đến Rome và thông qua các cuộc xâm lược lãnh thổ của Julius Caesar [tr.29], mang văn hóa cổ điển đến các lãnh thổ của người Đức, nó đã định cư ở Đức để hoàn tất sự hòa giải với thực tại. Cuộc hòa giải này thể hiện rõ ràng trong Vorstellungsweise hình thức tư duy của Kitô giáo, là hiện thân “trong tự thân và cho bản thân nó” của Tinh thần với tư cách là tự do và hòa giải trong tự-ý thức của chủ thể (Chúa đã trở thành một con người).

Tự do, lý trí, và Kitô giáo được cải cách và sau đó được hợp lý hóa là những đặc điểm của văn hóa Châu Âu. Theo Hegel, những đặc điểm này còn thiếu ở Châu Á và Châu Phi, những nơi mà sự tiến hóa của những gì ông coi là chân lý, cụ thể và “trưởng thành” hầu như chưa bao giờ diễn ra. Ví dụ, Châu Á là điểm khởi đầu của lịch sử thế giới: “Ánh sáng của Tinh thần đã xuất hiện ở châu Á, và do đó lịch sử thế giới” (LPH, 117/123) và cụ thể hơn là “Lịch sử phải bắt đầu từ Đế chế Trung Quốc” (LPH, 132/141). Tuy nhiên, đồng thời, Hegel tin rằng Trung Quốc là nền văn minh thực chất nhất và do đó là bất động nhất trong tất cả và đứng ở ngưỡng cửa lịch sử như một thứ chưa tham gia đầy đủ vào lịch sử: “Vì sự tương phản giữa sự tồn tại khách quan và tự do chủ quan của vận động vẫn còn thiếu sót”, nên thực chất có nghĩa là “mọi thay đổi đều bị loại trừ, và tính cố định của một đặc điểm lặp lại liên tục, thay thế cho cái mà chúng ta gọi là lịch sử thực sự” (LPH, 132–33/141). Thuộc tính này của cái thực chất ấy được phản ánh trước hết và quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa lãnh đạo và thần dân, được cấu hình như một chế độ chuyên chế trong đó ý chí phổ quát của lãnh đạo và ý chí cá nhân thần dân bị khóa chặt trong đồng nhất tính trực tiếp không có phản ánh, do đó không có khoảnh khắc chân thực của chủ thể tính có ý thức.

Từ tính khan hiếm tự-nhận thức này, đạo đức, tôn giáo và triết học khiếm khuyết, chưa tinh tế, thiếu phê phán2 xuất hiện, đó là lý do tại sao Hegel [tr.30] lại mô tả Trung Quốc là một nhà nước “trẻ con”, tức là một vương quốc của những công dân “giống trẻ con” mù quáng tôn trọng quyền lực gia trưởng của hoàng đế, tự giới hạn mình trong một phạm vi hành động giống như gia đình và do đó mà nặng tính tự nhiên. Như đã biết, địa hạt của tự nhiên và gia đình cấu thành cho Hegel một giai đoạn ngay tức thời, có phần sơ khởi mà cả cá nhân và người dân phải tự giải phóng mình để đạt được tính cụ thể tinh thần. Tính tự nhiên là một phạm trù mà Hegel sẽ sử dụng để ám chỉ các nền văn hóa khác, chẳng hạn như nền văn hóa Châu Phi, đặt chúng vào vị trí thấp kém một cách vô vọng. Châu Phi, thậm chí còn hơn cả Châu Á, được coi là ‘vùng đất ấu thơ’, nơi ‘điểm đặc trưng, trên thực tế, là ý thức vẫn chưa đạt đến hiện thực hóa bất kỳ tồn tại khách quan thực chất nào’ và con người chỉ là ‘con người tự nhiên trong trạng thái hoàn toàn hoang dã và chưa thuần hóa của mình’ (LPH, 110-11/115). Nói cách khác, người Châu Phi, và cả người Mỹ, đều bị ngăn cản đạt được nhân tính trọn vẹn bởi vì họ vẫn sống một cuộc sống tự nhiên, mà tinh thần vẫn chưa tự “tách rời” khỏi đó (Bernasconi 2007; Kuykendall 1993). Biện minh địa lý của Hegel cho sự thiếu hụt này xung đột rất lớn với triết lý “chủ nghĩa lịch sử” của ông về Tinh thần: Bất chấp mô hình triết học phản tự nhiên luận/phản quy giản luận, ông coi tự nhiên là nguyên lý nền tảng của các chủng tộc và các “đặc tính” của họ. Trên thực tế, các đặc tính này phụ thuộc vào địa lý học của các lãnh thổ.3

Hegel sử dụng hai hình ảnh, một lần nữa với bối cảnh địa lý tự nhiên, để giới thiệu giai đoạn cuối cùng của triết học lịch sử do Châu Âu tạo ra và để đánh dấu sự vượt trội của nó so với “điểm khởi đầu” Châu Á, tính tự nhiên “hoang dã” của Châu Phi và [tr.31] Châu Mỹ. Trước hết, ông sử dụng ẩn dụ về mặt trời, tức là ngôi sao vẽ nên một nửa vòng tròn, trong đó phần hướng lên nằm ở bình minh của Châu Á, thời thơ ấu của Tinh thần, và phần hướng xuống nằm ở hoàng hôn của Châu Âu, thời kỳ già nua của Tinh thần: Ban đầu, con người bị lóa mắt bởi buổi bình minh của mặt trời rực rỡ này, nhưng đến cuối cùng, con người đã đủ trưởng thành để nhận thức được những gì mình nhìn thấy, “bởi vì giờ đây con người đang ở trong một mối quan hệ có ý thức với Tinh thần của mình, và do đó là một mối quan hệ tự do” (LPH, 121/128).

Một hình ảnh khác được sử dụng để chỉ ra sự khác biệt giữa trạng thái tĩnh tại và trạng thái tâm linh là hình ảnh đất liền và biển cả. Châu Á, với sự bao vây và chế độ chuyên chế, vẫn bị giới hạn trong một chân trời tĩnh tại của đất liền, nơi biển cả chỉ được xem như một giới hạn (LPH, 108/112). Trái ngược hoàn toàn là Châu Âu, nơi đã biến biển, và đặc biệt là Địa Trung Hải, thành một yếu tố của tính vận động, trao đổi và chinh phục theo đúng nghĩa, nhưng cũng theo nghĩa bóng nữa là một biểu tượng của tính vô hạn và tự do (LPH, 108/111–12). Châu Âu hoàn toàn nhận ra chính mình trong xu thế hướng ngoại này, được giải thích về phương diện lịch sử bằng sức mạnh quân sự, văn hóa và bằng chủ nghĩa thực dân bắt nguồn từ nó. Trên hết, Châu Âu thể hiện đỉnh cao của triết học lịch sử mà chúng ta vừa mô tả: Lãnh địa Đế quốc Đức, như chúng ta đã nhắc lại, là nơi chứa đựng ý thức tự thân của Tinh thần đã được hiện thực hóa trong phạm vi lịch sử. Do đó, bản sắc châu Âu xuất hiện như kết quả của sự tách biệt mang tính tiến hóa khỏi các nền văn hóa phi-Kitô giáo và phi-Đức, có thể cổ xưa hơn theo quan điểm niên đại nhưng trẻ hơn (thô phác hơn) theo quan điểm tâm linh (LPH, 358/415). 

3. Chủ nghĩa Châu Âu-Trung tâm và Chung cục Lịch sử

Liệu đây có phải là một viễn kiến Châu ​​Âu-Trung tâm? Chắc chắn là có, bởi vì Châu Âu hiện nay, trên thực tế, đã là “trung tâm của thế giới”. Chủ đề về chủ nghĩa thực dân mà chúng ta vừa đề cập là bằng chứng không thể chối cãi cho thái độ Châu ​​Âu-Trung tâm mà Hegel, tiếp nối truyền thống Khai sáng, đã áp dụng trong triết học của mình. Thật vậy, do đó việc biện minh cho chủ nghĩa bành trướng thuộc địa và bạo lực xảy ra thường dựa trên sự vượt trội của Châu Âu, xuất phát từ quan niệm về lãnh địa tinh thần mà Hegel xây dựng thông qua triết học lịch sử của ông. Sự vượt trội này được nhận thấy [tr.32] đối với những nền văn hóa không đáp ứng được các yêu cầu trưởng thành về lịch sử-triết học Tinh thần, chẳng hạn như Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ (Kimmerle 2016; Dussel 1993; Tibebu 2010). Alison Stone giải thích rõ ràng chủ nghĩa thực dân là hậu quả trực tiếp của một triết lý lịch sử được xây dựng dựa trên tất yếu logic và bản thể học mặc khải của tự do: vì Tinh thần phải tự hiện thân trên thế giới và phải tự đạt tới ý thức về tự do, nên sẽ có lý khi nói rằng Châu Âu, với tư cách là nơi đặc quyền của hiện thân này, phải áp đặt quyền bá chủ về trí tuệ và lãnh thổ của mình lên các quốc gia có các chủng tộc phi lý trí sinh sống để văn minh hóa họ và truyền bá chính ý thức đó. Theo lời của Stone: “Mặc dù sự áp đặt này phủ nhận tự do cho những người dân bị đô hộ, nhưng sự phủ nhận này là chính đáng vì đó là điều kiện duy nhất để những dân tộc này có thể đạt được tự do về lâu dài. Hơn nữa, chủ nghĩa thực dân là cần thiết cho sự mở rộng liên tục của tự do, vốn là mục tiêu của lịch sử thế giới” (Stone 2020, 247–48).

Một lần nữa, Alison Stone, tiếp nối định nghĩa của Ella Shohat và Robert Stam về chủ nghĩa Châu ​​Âu-Trung tâm (1994), lập luận rằng Hegel thể hiện tất cả các đặc điểm của mô hình chủ nghĩa Châu ​​Âu-Trung tâm.4 Đồng thời, Stone đề cập đến khả năng phê phán và tự phản tư mà triết học Hegel đã truyền đạt cho tư tưởng Châu Âu: Tư tưởng Châu Âu có thể phân tích chủ nghĩa Châu ​​Âu-Trung tâm của chính mình thông qua những công cụ như vậy, nhận diện những sai lầm của nó. Thay vì coi những ý tưởng và khái niệm phi-trung gian là đã được thiết lập, như chúng ta có thể coi là tính ưu việt của Châu Âu, triết học Hegel, trên thực tế, nên đảm bảo việc liên tục đặt vấn đề về những điều tuyệt đối này. Việc đặt câu hỏi này trùng khớp với sức mạnh phê phán-phủ định của phép biện chứng, mà trong hệ thống của Hegel, nằm ở nền tảng của cả tiến trình lịch sử (khách quan tính) lẫn lập luận cá nhân (chủ quan tính). Sự hình thành của chúng luôn biến đổi không ngừng giống như phép ẩn dụ “biển châu Âu” vậy. [Tr.33] Bài viết nhằm mục đích làm nổi bật thái độ thực sự phê phán, vốn bắt đầu từ Hegel và Hiện tượng học của ông, đã ảnh hưởng đến rất nhiều nhà tư tưởng, từ phái tả Hegel đến Trường phái Frankfurt. Cụ thể hơn, chúng tôi dự định sử dụng di sản tư tưởng biện chứng này để chống lại chính Hegel khi ông tuyên bố rằng lịch sử hiện đại, hay thậm chí triết học nói chung, đã “chung cục” ở Bắc Âu và trong triết học của chính Hegel. Ông nói cứ như thể một dạng kết tinh đã chặn đứng sự phát triển của Tinh thần ở Đức, do đó, dường như không tìm được chỗ đứng ở những dân tộc bị coi là khác biệt về văn hóa và triết học (do đó là thấp kém). Tuy nhiên, đây không phải là điều ông muốn nói về lý tính biện chứng: ngược lại, như Stone đã nhắc nhở chúng ta, lý tính biện chứng được mô tả như một quá trình lao động vĩnh cửu và vô tận, không chỉ làm sống động khái niệm logic mà còn cả thực tại của lịch sử nữa.

Trên thực tế, cốt lõi lý tính biện chứng của Hegel có thể được gợi lên trong quan niệm của ông về “lao động của cái phủ định”, được chứa đựng trong Lời tựa của Hiện tượng học. Lao động của sự hiểu biết và đối mặt với cái phủ định tương ứng với việc liên tục vượt qua và lĩnh hội những mâu thuẫn đặc trưng cho trải nghiệm cá nhân và Tinh thần. Sự sống và Thượng đế không chỉ là các đồng nhất tính tĩnh tại, mà là quá trình trở thành không ngừng. Đây thực sự là một kết quả, nếu không, theo Hegel, quá trình này sẽ kết thúc trong “tính vô cực xấu”, nhưng nó là một kết quả vận động mở không ngừng tự thể hiện. Chúng tôi tin rằng kịch bản này hé lộ một chân lý bất ngờ về vị thế tối cao của Châu Âu đã được phác họa cho đến nay: Châu Âu, ngay cả khi được xem là nơi phát triển tối đa của tự do và lý tính tâm linh, vẫn có thể không đại diện cho điểm đến cuối cùng và trọn vẹn mà luận đề về cuộc chung cục lịch sử dường như đang hướng chúng ta đến. Thật vậy, như chúng ta sẽ thấy, nó không chỉ đặt ra những vấn đề chưa được giải quyết, mà chính cái “chân lý vĩnh cửu” mà nó làm sáng tỏ trong vị thế tối cao của nó như là lĩnh vực của lý tính, lại mâu thuẫn với tính bất động và tính toàn vẹn hoàn hảo của chính nó. Trọng tâm phê phán của triết học Hegel hiện đại, mà chúng ta đã đề cập ở trên, cấu thành mục đích, hay nói cách khác là sự hoàn thiện của triết học, bởi vì phép biện chứng với mômen phủ định-phê phán của nó chính là chân lý tối hậu của thực tại. Tuy nhiên, đồng thời, [tr.34], chân lý này không thể thực sự được coi là một mục đích, bởi vì nó bao gồm việc liên tục đặt vấn đề về tình trạng của sự việc, quá khứ và hiện tại, vốn được áp đặt từ bên ngoài như một điều gì đó đã cho sẵn hoặc dứt khoát. Do đó, luận điểm chính của chúng tôi cho rằng cuộc chung cục lịch sử, cũng như cuộc chung cục triết học, không nhất thiết phải được quan niệm như một sự trì trệ do việc đạt được một mục tiêu tổng thể trong châu Âu hiện đại của Hegel, mà đúng hơn là một sự vận động mở liên tục.

Tính phê phán nghiêm ngặt của Hegel cũng được Buchwalter nhấn mạnh, đến lượt mình, ông tìm cách giảm nhẹ phán đoán tiêu cực của Chủ nghĩa Châu Âu Trung tâm rất dễ gặp trong triết học lịch sử Hegel. Theo Buchwalter, Hegel không xây dựng một mô hình lấy Châu Âu làm trung tâm một cách tiên nghiệm để áp dụng vào lịch sử các dân tộc, mà đề xuất khám phá một cách phê phán tính hợp lý vốn đã tiềm ẩn trong chuỗi sự kiện và hiện thực lịch sử, do đó vẫn trung thành với phương pháp logic-biện chứng của ông, mà về lý thuyết, nên giữ tính khách quan. Hơn nữa, Buchwalter còn viện dẫn đến sự phân biệt rõ ràng trong tư tưởng Hegel giữa tự do được hiện thực hóa trong Tinh thần khách quan, vốn chỉ có thể đạt đến một mức độ hoàn thiện nhất định, và tự do được hình thành trọn vẹn trong Tinh thần tuyệt đối, vốn cuối cùng đã hoàn thiện. Ông nhắc lại rằng, vì lý do này, bất kỳ trạng thái tồn tại nào trong lịch sử cũng không thể hoàn hảo. Ngay cả thực tính của Châu Âu hiện đại, nếu nhìn qua lăng kính lý tính phê phán, cũng thực sự bộc lộ các thiếu sót.5

________________________________________

Nguồn: Martina Barnaba (2023). Hegel, the End of History and the Crisis of European Primacy, Perspectives: UCD Postgraduate Journal of Philosophy, Vol 10 (2023).

Notes

1 Hegel quả thực đã viết rằng “Do đó, nước Mỹ là vùng đất của tương lai, nơi mà trong những thời đại trước mắt, gánh nặng của Lịch sử Thế giới sẽ tự bộc lộ” (LPH: 104/107), nhưng ông cũng mô tả các quốc gia Mỹ là những hậu duệ trẻ tuổi của văn hóa Châu Âu, là những người thừa kế những khiếm khuyết của Châu Âu. Hơn nữa, ông còn nói rằng nước Mỹ, giống như Châu Phi, bị mắc kẹt trong trạng thái tự nhiên và thô sơ về tinh thần đến mức nó thậm chí không thể tham gia vào sự phân chia bốn lần của triết học lịch sử giữa thế giới phương Đông, Hy Lạp, La Mã và Đức (Gerbi 2000; Parekh 2009; Kelly 1972).

2 Các quan niệm của Hegel về tư tưởng và triết học phương Đông hoàn toàn không chi tiết và khách quan. Ông coi những lời dạy của Khổng Tử chỉ là những châm ngôn đạo đức của chính khách, hoàn toàn thiếu tính chất suy đoán. Hơn nữa, Đạo của Lão Tử lại quá trừu tượng, còn Kinh Dịch thì bị chỉ trích vì sử dụng các vạch và quẻ (những hình tượng kém tiến hóa hơn ngôn ngữ hay thần thoại) trong việc mô tả thực tại. Tuy nhiên, Hegel sử dụng bản dịch chứ không phải bản gốc, và bỏ qua một loạt các trường phái và trào lưu triết học đa dạng và phong phú, khiến việc gán cho Trung Quốc hàm ý về một “quốc gia tĩnh tại” trở nên rất khó khăn (Kim 1978). Về mối quan hệ giữa Hegel và Trung Quốc và các nguồn được triết gia này sử dụng, xem thêm Bernasconi (2016).

3 Khi đề cập đến Châu Phi, Hegel cho rằng “trong vùng Torrid, không thể tìm thấy vị trí của các dân tộc lịch sử thế giới. Bởi vì ý thức thức tỉnh trỗi dậy chỉ được bao quanh bởi những ảnh hưởng tự nhiên, và mỗi sự phát triển của nó là sự phản chiếu của Tinh thần trở lại chính nó, đối lập với tính chất trực tiếp, không được phản ánh của tự nhiên đơn thuần” (LPH, 97/99). Từ quan điểm này, dường như Tinh thần thực sự phụ thuộc vào tự nhiên. Một số chủng tộc bị mắc kẹt trong sự phụ thuộc tự nhiên này bất chấp sự giải phóng “tinh thần” mà theo Hegel, mọi chủ thể, khi là con người, được cho là phải trải qua. Một diễn ngôn tương tự có thể được hình thành liên quan đến cách Hegel đối xử với phụ nữ, những người nằm ngoài sự xem xét “tinh thần” của ông về con người như một sinh vật “tự nhiên thứ hai”, và, phù hợp với những câu chuyện bản chất luận nhất của lịch sử tư tưởng, vẫn bị giới hạn trong phạm vi trực tiếp của tính tự nhiên và gia đình (bản chất đầu tiên). Do đó, chúng ta có thể nói rằng trong quan điểm của Hegel về chủng tộc và phụ nữ, có một mâu thuẫn gay gắt giữa những gì chúng ta có thể đánh giá là chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa duy linh của triết gia (Arthur 1988).

4 “Hegel là một người theo chủ nghĩa Châu Âu Trung tâm điển hình theo mô tả của Shohat và Stam: (i) ông tin rằng các giá trị và tư tưởng tiên tiến nhất là của Châu Âu, và (ii) Châu Âu phát triển hoàn toàn nội tại, thông qua Hy Lạp, La Mã và thế giới Cơ đốc giáo-Đức, hướng tới (iii) hiểu biết và áp dụng đầy đủ hơn nguyên tắc tự do của nó. Hegel cũng tin rằng (iv) các nền văn minh ngoài Châu Âu không công nhận tự do và (v) các giai đoạn áp bức trong lịch sử Châu Âu hoặc bắt nguồn từ việc Châu Âu chưa hoàn toàn thực hiện được nguyên tắc tự do của chính mình hoặc, đáng tiếc thay, là cần thiết cho quá trình thực hiện đó” (Stone 2017, 92).

5 Về triết học Hegel, Buchwalter theo đuổi ý thức toàn cầu hóa hơn là chủ nghĩa Châu Âu-Trung tâm mang tính thực dân, và, dựa trên các khái niệm của Hegel về tự do phổ quát và sự công nhận liên chủ thể, ông cũng cho rằng những hình thức tương hỗ như vậy, nghịch lý thay, lại gần gũi với văn hóa Châu Phi và Châu Á hơn là Châu Âu: “Cuối cùng, cách diễn đạt của chính Hegel về những gì được coi là tự do thực hiện lại khác biệt với những hiện thân hiện đại thông thường của nó. Đối với ông, tự do gắn liền với các khái niệm về tính tương hỗ, tư cách thành viên xã hội và đức hạnh cộng đồng – những khái niệm gần gũi với các lý giải của Châu Á và Châu Phi hơn là Phương Tây” (Buchwalter 2009, 93–94).

References

Arthur C.1988.“Hegel as Lord and Master.” Radical Philosophy 50:19–25.

Bell, D.A. 2015. The China Model: Political Meritocracy and the Limits of Democracy. Princeton: Princeton University Press.

Bernasconi, R. 2007. “The Return of Africa: Hegel and the Question of the Racial Identity of the Egyptians.” In Identity and Difference, edited by P. T. Grier. Albany NY: SUNY.

Bernasconi, R. 2016. “China on Parade: Hegel’s Manipulation of his Sources and his Change of Mind.” In China in the German Enlightenment, edited by B. Brandt and D. L. Purdy. Toronto: University of Toronto Press.

Buchwalter, A. 2009. “Is Hegel’s Philosophy of History Eurocentric?” Proceedings of the Hegel Society of America 19: 87–110.

Cardenal, J.P., Araújo, P. 2016. Come la Cina sta conquistando l’Occidente. Milano: Feltrinelli.

De Boer, K. 2009. “Hegel’s Account of the Present: An Open-Ended History.” Proceedings of the Hegel Society of America 19: 51–67.

De Giovanni, B. 2003. “Hegel e Nietzsche: Europa e nihilism.” Filosofia Politica 1: 39–60.

Dudley, W. 2000. “Freedom in and Through Hegel’s Philosophy.” Canadian Philosophical Review 39: 683–704.

Dussel, E. 1993. “Eurocentrism and Modernity.” Boundary 2 (20):65–76.

Gerbi, A. 2000. La Disputa del Nuovo Mondo. Milano: Adelphi.

Habermas, J. 2006. “On the Relations between the Secular Liberal State and Religion.” In Political Theologies: Public Religions in a Postsecular World, edited by H. De Vries and L. E. Sullivan. New York: Fordham University Press.

Hegel, G.W.F.. 2001 The Philosophy of History. Translated by J. Sibree. Ontario: Kitchener/Vorlesungen über die Philosophie der Geschichte. (Berlin: Duncker und Humboldt, 1840).

Hegel, G.W.F.. 1991. Elements of the Philosophy of Right. Translated by H.B. Nisbet. Cambridge: Cambridge University Press,)/ Philosophie des Rechts (Stuttgart: Reclam, 1970).

Hirschman, A. 1976. “On Hegel, Imperialism and Structural Stagnation.” Journal of Development Economics 3: 1–8.

HoulgateS.1990.“World History as Progress of Consciousness: An Interpretation of Hegel’s Philosophy of History.” The Owl of Minerva 22:69 80.

Houlgate, S. 2004. An Introduction to Hegel. Freedom, Truth and History. New York: John Wiley and Sons Ltd.

Kelly, G.A. 1972. “Hegel’s America.” Philosophy & Public Affairs 2: 3–36.

Kim, Y.K. 1978. “Hegel’s Criticism of Chinese Philosophy.” Philosophy East and West 28: 173–180.

Kimmerle, H. 2016. “Hegel’s Eurocentric Concept of Philosophy.” Confluence: Journal of World Philosophies 1: 99–117.

Kolb, D. 1999. “Circulation and Constitution at the End of History.” In Endings: Questions of Memory in Hegel and Heidegger, edited by R. Comay and J. McCumber. Evanston: Northwestern University Press.

Kuykendall R.1993.“Hegel and Africa: An Evaluation of the Treatment of Africa in The Philosophy of History.” Journal of Black Studies 23: 571–581.

León, A.N., Moya, P.P. 2022. “From Nation to Religion. Hegel’s Critique of the Political Economy of Colonialism.” In Hegel’s Political Philosophy, edited by E. Sembou. Oxford: Peter Lang.

Lo, A.A. 1994. Hegel’s Interpretation of Chinese History. http:// hdl.handle.net/.

Maker, W. 2009. “The End of History and the Nihilism of Becoming”. Proceedings of the Hegel Society of America 19: 15–34.

Mertens, T. 2003. “Hegel and the End of Europe”. Archives for Philosophy of Law and Social Philosophy 89: 38–52.

Parekh, S. 2009. “Hegel’s New World History, Freedom, and Race”.

Shohat, E., Stam, R. 1994. Unthinking Eurocentrism: Multiculturalism and the Media. New York: Routledge.

Stone A. 2017. “Europe and Eurocentrism.” Aristotelian Society 91:83–104.

Stone, A. 2020. “Hegel and Colonialism.” Hegel Bulletin 41:247–270.

Tibebu, T. 2010. Hegel and the Third World: The Making of Eurocentrism in World History. Syracuse NY: Syracuse University Press.

Winfield, R.D. 1989. “The Theory and Practice of the History of Freedom: The Right of History in Hegel’s Philosophy of Right.” In Overcoming Foundations, ed. R.D. Winfield. New York: Columbia University Press.

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét