Powered By Blogger

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Đọc quá khứ – những cách tiếp cận lý giải Khảo cổ học hiện nay (I)


Đọc quá khứ – những cách tiếp cận
lý giải Khảo cổ học hiện nay (I)

Ian Hodder

Người dịch: Hà Hữu Nga
      

1. Vấn đề

Càng ngày người ta càng hiểu rõ rằng cái gọi là KCH Mới của những năm 60 – 70 của thế kỷ XX có rất nhiều khiếm khuyết. Tuy nhiên người ta ít đồng ý với nhau về thực chất và mức độ của những khiếm khuyết đó. Có thể khẳng định rằng KCH Mới đã thực sự ngăn chặn sự phát triển của bản thân KCH [Khảo cổ học] bằng cách cố gộp nó vào những lĩnh vực nghiên cứu khác (nhân học và đặc biệt là các khoa học tự nhiên). Mặc dù Davis Clarke đã kiên trì “KCH là KCH là KCH” [1968], nhưng cách tiếp cận của ông vẫn là dựa vào các ý tưởng thống kê học, địa lý học và các khoa học thông tin, nên đã không đi tới một KCH độc lập và có thể phát triển. Mặc dù KCH Mới có đóng góp to lớn về mặt phương pháp luận, nhưng nhiều vấn đề được đặt ra từ giai đoạn trước KCH Mới cần phải được xem xét lại nếu chúng ta thảo luận đến nơi đến chốn về KCH. Tất nhiên những cách tiếp cận truyền thống, bản thân chúng có những khiếm khuyết, và những khiếm khuyết đó cần phải được khắc phục. Nhưng những cách tiếp cận cổ lỗ hơn đã không được đồng thời vứt bỏ, theo đúng những cách thức mà KCH Mới đã đối xử với KCH “định chuẩn” [Flannery 1967, Binford 1962; 1965].

Tôi có cách đi riêng để đến với lập trường này chủ yếu thông qua công trình điền dã dân tộc khảo cổ học với tên đề tài là Biểu tượng Hành động [1982a]. Từ công trình đó tôi phát triển thành ba ý tưởng chính, tất cả đều song hành trong giai đoạn KCH trước KCH Mới. Đó là: 1) văn hoá vật chất là có ý nghĩa; 2) cá nhân cần phải là một bộ phận của các lý thuyết văn hoá vật chất và biến đổi xã hội; và 3) mặc dù KCH tồn tại độc lập nhưng nó có những mối quan hệ chặt chẽ nhất với lịch sử. Giờ đây tôi muốn tóm tắt thành ba “vấn đề”. Schiffer [1976; 1987] đã cho rằng những biến đổi văn hoá tác động đến mối quan hệ giữa các di tích vật chất và hành vi của những con người đã sản xuất ra chúng. Biểu tượng Hành động đã chứng tỏ thêm tầm quan trọng của những “biến đổi – c” theo cách gọi của Schiffer.

Ngay từ đầu, nhận thức như vậy đã không hề đe doạ gì cho KCH với tư cách là một bộ môn khoa học khái quát hoá. Schiffer đã chứng tỏ người ta có thể khái quát hoá về “biến đổi - c”. Chẳng hạn có thể chứng tỏ rằng khi độ dài thời gian và cường độ sử dụng một di chỉ tăng thì tính tổ chức sẽ tăng cùng với sự vận động thứ sinh của vật được thải bỏ từ các hoạt động của con người. Trong công trình của tôi ở Baringo, rõ ràng văn hoá vật chất thường không phải là một phản ánh trực tiếp hành vi của con người; đúng ra thì đó là sự biến đổi của chính hành vi đó. Chẳng hạn trước đây người ta đã cho rằng sự tương đồng về kiểu dáng giữa các hiện vật tăng khi tương tác giữa các con người tăng. Thực tế thì ở gianh giới giữa các nhóm tộc người ở Baringo, trong khi những tương tác giữa con người tăng nhưng tính tương đồng về kiểu dáng lại giảm đi. Những phát hiện ấy có thể được liên tưởng tới KCH Mới vì nó có thể khái quát hoá và ấn định cái “qui luật” mà tính độc đáo văn hoá vật chất tương quan với những tương tác âm giữa các nhóm [Hodder 1979]. Vì vậy càng có nhiều sự cạnh tranh giữa các nhóm thì gianh giới giữa các văn hoá vật chất càng rõ ràng.

Táng thức là một ví dụ khác, cho thấy rõ ràng văn hoá vật chất không phải là một phản ánh đơn giản, cũng không phải là một phản ánh trực tiếp các hành vi của con người. Binford [1971] đã đưa ra một mối tương liên tổng quát giữa tính phức hợp của táng thức và tính chất phức hợp của tổ chức xã hội. Như Parker Pearson [1982] đã chứng tỏ một cách tinh tế rằng việc nghiên cứu về các thực hành táng thức gần đây ở Cambridge, cho thấy những khái quát như vậy đã không lý giải được sự biến đổi văn hoá trong mối quan hệ giữa các táng thức và con người. Ngay cả trong cái xã hội đã phân cấp rõ ràng hơn ở Cambridge ngày nay người ta dường như cũng vẫn lựa chọn cách mai táng người chết theo một lễ thức “bình quân chủ nghĩa”.

Một lần nữa công trình như vậy đã không nhất thiết đưa đến cuộc chia tay đau đớn cuối cùng khi bị ném vào các công trình KCH Mới. Có thể tìm thấy những khái quát hoá giống - như - qui luật về việc tại sao các xã hội lại biểu hiện và phô trương bản thân một cách khác nhau thông qua các táng thức. Chẳng hạn trong những giai đoạn phát triển sớm của một xã hội phân cấp cao, thì lúc chết vị thế xã hội có thể được cường điệu hoá và “tự nhiên hoá”, trong khi ở các giai đoạn sau thì sự phân cấp xã hội có thể bị “khước từ” thông qua táng thức. Nhưng trong trường hợp thực hành táng thức, những khái quát hoá như vậy là không thuyết phục và tác động của quan niệm cho rằng văn hoá vật chất là một sự phản ánh gián tiếp xã hội con người trở nên rõ ràng hơn. Vậy là chúng ta đã nhận ra rằng các tư tưởng, tín ngưỡng và ý nghĩa đã nảy sinh giữa con người và sự vật. Mộ táng phản ánh xã hội như thế nào rõ ràng là phụ thuộc vào thái độ của con người đối với cái chết.

Hoàn toàn có thể nói như vậy về các gianh giới văn hoá và quá trình tích tụ trầm tích văn hoá. Cho dù một kiểu loại hiện vật đặc thù thể hiện hoặc không thể hiện thì gianh giới của một nhóm tộc người vẫn tuỳ thuộc vào những ý tưởng mà con người trong các xã hội đó có đối với các hiện vật khác nhau và tuỳ thuộc vào cái gì là một hiện vật thích hợp cho việc ghi dấu ấn nhóm tộc người. Mối quan hệ giữa tổ chức xã hội và trầm tích KCH phụ thuộc vào thái độ của con người đối với cái dơ bẩn. Vì vậy ngay cả những nơi ở tạm thời cũng có thể thu gom rác thải một cách cẩn thận và những nơi cư trú lâu dài cũng có thể tạo điều kiện cho việc thải bỏ những loại chất thải mà ngày nay chúng ta cho là dơ bẩn và mất vệ sinh. Những thái độ văn hoá và các ý nghĩa ấy về văn hoá vật chất dường như đã làm mất tác dụng khái quát hoá các mục đích của KCH Mới, vì toàn bộ nền văn hoá vật chất giờ đây có thể coi là có ý nghĩa. Theo cách đó thì trên thế giới này đều có những khác biệt giữa việc xem xét tính chất biểu tượng trong KCH và người chị em “nhân học biểu tượng” của nó. Nhân học biểu tượng vẫn là một tập con trong nhân học, cùng với nhân học kinh tế...vv. Có thể cho rằng nhân học kinh tế được nghiên cứu mà không phải nhờ cậy vào nhân học biểu tượng. Nhưng trong KCH toàn bộ các suy luận đều phải thông qua văn hoá vật chất. Nếu toàn bộ văn hoá vật chất đều có phương biểu tượng chẳng hạn như mối quan hệ giữa con người và các sự vật thì toàn bộ KCH, kể cả KCH kinh tế, xã hội đều được bao hàm trong đó.

Vậy thì vấn đề không còn là “chúng ta nghiên cứu biểu tượng trong quá khứ như thế nào” mà là “chúng ta làm KCH thế nào đây?”. Đối với KCH Mới, phương pháp luận được khai thác để lý giải quá khứ là “cứng” và phổ quát. Nói một cách đơn giản nhất thì có thể liên hệ việc xây dựng mô thức văn hoá vật chất với việc xây dựng mô thức con người, và đọc mô thức con người từ mô thức văn hoá vật chất bằng cách áp dụng các qui luật phổ quát và Lý thuyết Tầm trung. Cuối cùng thì văn hoá vật chất có thể được coi là sản phẩm của sự thích ứng với môi trường, cả về phương diện vật chất lẫn xã hội. Vì vậy nếu ai đó hỏi tại sao mô thức văn hoá vật chất lại như vậy thì người đó cần phải quay trở lại với các câu hỏi về sự sinh tồn mang tính vật chất. Với một cách tiếp cận “qui giản luận” như vậy người ta luôn luôn tiên đoán được văn hoá vật chất có ý nghĩa gì, nó phản ánh cái gì trong một bối cảnh môi trường nào đó.

Nhưng việc khẳng định rằng văn hoá là có ý nghĩa thì đó chính là khẳng định rằng không thể qui giản được các thuộc tính của văn hoá. Mối liên hệ giữa văn hoá vật chất và tổ chức con người một phần mang tính xã hội như chúng ta sẽ thấy dưới đây. Nhưng nó cũng tuỳ thuộc vào một tập hợp các thái độ văn hoá không thể được tiên đoán từ, hoặc qui giản vào một môi trường. Các mối liên hệ văn hoá vật chất không được tạo bởi bất cứ một cái gì khác ngoài bản thân chúng. Tuyệt đối là như vậy. Nhiệm vụ của các nhà KCH là lý giải cái hợp phần không thể qui giản của văn hoá ấy sao cho có thể đọc được cái xã hội ẩn sau bằng chứng vật chất ấy.

Vậy thì làm thế nào để bắt tay vào một “cách đọc” như vậy được? Người ta vẫn cho rằng các đối tượng vật chất là câm lặng, chúng không nói được, vậy thì làm thế nào để hiểu được chúng? Chắc chắn rằng một hiện vật từ quá khứ không nói bất cứ điều gì về bản thân nó. Cầm trên tay một hiện vật từ một nền văn hoá xa lạ, các nhà KCH thường gặp những khó khăn trong việc đưa ra một lý giải nào đó. Nhưng việc xem xét các hiện vật chỉ với chính bản thân chúng thì thực sự không phải là KCH. KCH quan tâm đến việc phát hiện các hiện vật trong các lớp văn hoá và trong những ngữ cảnh khác nhau (các căn phòng, di chỉ, hố, các mộ táng) nhằm mục đích giải thích các niên đại và ý nghĩa của chúng.

Ngay khi ngữ cảnh của một hiện vật được phát hiện thì hiện vật đó đã không còn câm lặng nữa. Các manh mối giúp lần ra ý nghĩa của nó được chính ngữ cảnh của nó cung cấp. Các hiện vật được phát hiện trong các ngôi mộ xung quanh cổ của bộ xương thì được lý giải là chuỗi hạt. Các hiện vật tìm thấy trong những ngữ cảnh được tạo dựng công phu, không phải ở khu cư trú thì được gọi là lễ thức. Rõ ràng chúng ta không thể khẳng định rằng ngay trong một ngữ cảnh thì các hiện vật vẫn nói với chúng ta về ý nghĩa văn hoá của chúng, nhưng mặt khác chúng lại không hoàn toàn câm lặng. Việc lý giải ý nghĩa bị hạn chế bởi việc lý giải ngữ cảnh. Trong cuốn Biểu tượng Hành động, việc nhấn mạnh vào ngữ cảnh đã dẫn tới việc đề cập đến táng thức, phong cách, sự trao đổi, các đồ thải, tổ chức khu cư trú. Toàn bộ các lĩnh vực văn hoá vật chất giờ đây có thể được coi là những ngữ cảnh khác trong mối liên hệ với nhau. Các hiện vật có thể có ý nghĩa của những sự vật khác trong những ngữ cảnh khác nhau, nhưng các ý nghĩa từ một lĩnh vực thì có thể lại được liên hệ theo cách bị biến đổi, với những ý nghĩa trong những lĩnh vực khác. Việc “đọc” di tích KCH phải tính đến những biến đổi văn hoá như vậy.

Một số vấn đề và câu hỏi xuất hiện từ quan điểm ấy. Trước hết, ngữ cảnh gì? Ngữ cảnh tự thân nó phải được lý giải bằng dữ liệu, và định nghĩa ngữ cảnh là một vấn đề còn phải tranh luận. Có phải ngữ cảnh của một loại hiện vật đặc thù được phát hiện trong các nghĩa địa là một phần của cơ thể, ngôi mộ, một nhóm mộ, cái nghĩa địa đó, khu vực đó hay bất cứ một cái gì khác? Giới hạn của ngữ cảnh được xác định như thế nào?

Thứ hai, ngay cả khi giả định rằng chúng ta có thể tạo dựng ý nghĩa từ những kết hợp ngữ cảnh, những tương đồng và những khác biệt, thì liệu đó có phải là những ý nghĩa văn hoá trong tư duy của người ta không?. Chắc chắn là hầu hết ý nghĩa văn hoá của các đối tượng vật chất là không có ý thức. Một số người hiểu được đầy đủ các nguyên do đưa ta đến lựa chọn một loại trang phục nào đó phù hợp với một bối cảnh nhất định. Nhưng liệu chúng ta có cần tìm hiểu những ý nghĩa có ý thức và mang tính tiềm thức trong tư duy của con người, hoặc có tồn tại những qui tắc văn hoá đơn giản và những thực tiễn có thể được người bên ngoài quan sát không? Có phải chúng ta chỉ đơn giản mô tả những qui tắc văn hoá vô thức về một xã hội hay chúng ta phải hiểu được cả các qui tắc như vậy của những con người trong quá khứ? Chẳng hạn chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng trong một truyền thống văn hoá đặc thù thì sự khác biệt về táng thức liên quan đến sự khác biệt về xã hội hoặc táng thức được tổ chức bởi một biến đổi văn hoá/ tự nhiên, hay là chúng ta cần phải hiểu các thái độ của con người đối với cái chết, bằng cách đạt tới cấp độ “tư duy của người trong cuộc”?.

Vấn đề thứ ba đã được đề cập đến. Trong một mức độ nào chúng ta có thể khái quát hoá về các tư tưởng trong tư duy của con người? Những nguyên tắc khái quát nào đó liên quan đến những mối quan hệ giữa các đối lập cấu trúc, các liên tưởng, các tương đồng, các ngữ cảnh và các ý nghĩa đã được sử dụng để lý giải quá khứ và cái thế giới mà chúng ta đang sống. Ngay cả quan niệm cho rằng ý nghĩa có nguồn gốc từ các liên tưởng ngữ cảnh cũng là một lý thuyết tổng quát. Trong một mức độ nào thì những khái quát hoá như vậy có giá trị? Lại nữa, mục đích của KCH là gì? Có phải nó đưa ra các khái quát hoá không? Nếu chúng ta nói rằng các ý nghĩa là ngữ cảnh phụ thuộc thì tất cả những gì chúng ta có thể làm là bắt tay vào tìm hiểu mỗi ngữ cảnh văn hoá theo các thứ tự riêng của nó với tư cách là một tập hợp độc lập các cấu trúc và thực tiễn văn hoá. Chúng ta không thể khái quát hoá từ văn hoá này đến văn hoá khác. Ngay cả khi có một số tiền đề chung mà chúng ta cần phải sử dụng để lý giải quá khứ thì căn cứ vào thực chất rất chung của chúng, các tiền đề này cũng chỉ là những tiêu điểm vô giá trị đối với việc khảo sát có tính khoa học. Trong một mức độ nào thì chúng ta có thể khái quát hoá về những ngữ cảnh văn hoá thống nhất và tại sao chúng ta lại muốn khái quát hoá trong bất kỳ trường hợp nào?

Những câu hỏi này cũng liên quan đến vấn đề thứ hai xuất phát từ cuốn sách Biểu tượng Hành động.

Cá nhân năng động

Văn hoá vật chất thực sự không tồn tại. Nó được tạo ra bởi ai đó. Nó được tạo ra để làm một cái gì đó. Vì vậy nó không phản ánh xã hội một cách thụ động - đúng ra nó sáng tạo ra xã hội thông qua các hành động của các cá nhân. Câu hỏi về tầm quan trọng của cá nhân trong xã hội là một vấn đề đã cũ. Một mặt chúng ta đã biết đến câu nói nổi tiếng của John Donne “Không phải mỗi người là một hòn đảo, mà trong tính toàn thể của nó, mỗi người là một mảnh của lục địa, một bộ phận của cái toàn thể”. Đây là một thuộc tính của cái chân lý cho rằng chúng ta cần nhìn tác động của xã hội đối với một cá nhân như thế nào. Cuối cùng quan điểm này nói rằng các cá nhân là ít có ý nghĩa trong cơn sóng triều của lịch sử nhân loại. Mặt khác, J.S. Mill, một nhà cá nhân luận cổ điển đã nói: “Khi kết hợp lại mọi người không bị biến thành một loại bản chất khác” [Mill, J. S., 1963].

Trong KCH Mới, vấn đề cá nhân hoặc bị lẩn tránh, hoặc được bàn luận vượt khỏi các lý thuyết xã hội. Như Flannery đã lưu ý [1967], cái đích cần đạt tới không phải là hiểu biết cá nhân người Anh điêng đàng sau một hiện vật, mà là vươn tới hiểu biết cái hệ thống đằng sau cả người Anh điêng lẫn hiện vật. Trường phái KCH Qúa trình đã lý luận rằng có những hệ thống nền tảng mà một văn hoá và các cá nhân không thể có đủ sức mạnh để làm chệch hướng vận động của chúng. Đó là khuynh hướng quyết định luận – mà người ta cho rằng việc xây dựng lý thuyết liên quan đến việc phát hiện những mối quan hệ nhân quả mang tính quyết định luận. Có một mối quan hệ chặt chẽ giữa việc loại bỏ các khái niệm về niềm tin văn hoá và về cái cá nhân. Cả hai đều được coi là không thể bị bác bỏ thông qua bằng chứng KCH, và cả hai đều không thể tiên đoán trước và đều hạn chế việc khái quát hoá.

Nhưng cái quan niệm cho rằng KCH không thể “thấy” các cá nhân thì chỉ là một quan niệm dối trá. Thực ra thì các nhà KCH hiếm khi có thể biết được tên của những người chế tạo ra những chiếc bình, hoặc tên của những thủ lĩnh lớn trong các xã hội. Bằng việc nhấn mạnh vào cái cá nhân trong lý thuyết xã hội tôi không có ý nói rằng chúng ta nên xác định “những người đàn ông vĩ đại” và “những phụ nữ vĩ đại”; nhưng mỗi hiện vật KCH đều được một cá nhân (hoặc một nhóm các cá nhân) sản xuất, chứ không phải bởi một hệ thống xã hội. Mỗi chiếc bình được  một cá nhân tạo dáng và trang trí hoa văn. Vì vậy KCH đã làm nổi nét vấn đề quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Vậy thì mối quan hệ giữa chiếc bình cá thể và xã hội tổng thể là cái gì?. 

Trong KCH Mới vấn đề trung tâm này đã bị bỏ qua một cách quá đơn giản. Những chiếc bình cá thể được xem xét độc lập như là những phản ánh thụ động của cái hệ thống văn hoá xã hội đó. Mỗi chiếc bình, mỗi hiện vật đều có thể được xem xét nó vận hành như thế nào trong hệ thống với tư cách một tổng thể. Chẳng hạn chiếc bình phản ánh vị thế của chủ sở hữu, vì vậy nó hỗ trợ cho người chủ đó phân phối dòng năng lượng và các nguồn tài nguyên bên trong hệ thống. Hơn nữa hệ thống được xem là đang phát triển “một khoảng thời gian quá dài”. Vì vậy các ví dụ đơn lẻ về tính khác biệt không tác động đến sự hoàn chỉnh của hệ thống như một toàn thể có lẽ lại không có ý nghĩa đối với sự mưu sinh dài hạn của hệ thống và trong bất cứ trường hợp nào có lẽ cũng là rõ ràng về phương diện KCH.

Hai quan niệm – hệ thống thích nghi tổng thể và một khoảng thời gian dài - đã dẫn tới sự khước từ cái cá nhân trong lý thuyết KCH. Kết quả là văn hoá vật chất trở thành một sự phản ánh thụ động hệ thống xã hội. Khi tạo tác chiếc bình, bất kỳ cá nhân nào cũng hình dung trong đầu họ, một vật duy nhất quan trọng là cái bình có chức năng gì trong hệ thống xã hội đó. Cái gì mà một cá nhân cố gắng thực hiện với đối tượng thì lại trở thành không thích hợp. Công trình dân tộc học miêu tả  Biểu tượng Hành động đã chỉ rõ tính chất khiếm khuyết của quan niệm này. Chẳng hạn trong một làng người Lozi, những tương đồng về gốm không phản ánh một cách thụ động các mạng lưới học việc và tần số tương tác giữa những người thợ gốm. Đúng ra phong cách gốm đã được sử dụng để tạo ra những khác biệt và bổn phận xã hội trong ngôi làng; nó được tạo ra để có một vai trò năng động. Tương tự như vậy, một số hiện vật đã vạch rõ những gianh giới xã hội ở Baringo, Kenya, nhưng những cây giáo chẳng hạn thì lại không. Đó là vì các kiểu dáng của cây giáo do các thanh niên sử dụng là để xúc phạm đến uy thế của những người già. Chúng đã đóng một vai trò tích cực.

Cái văn hoá vật chất ấy có thể tác động trở lại và ảnh hưởng đến xã hội và hành vi của con người là cái tạo ra nó, có thể được KCH Quá trình chấp nhận [Rathje 1978: 52]. Đặc biệt kiến trúc đô thị và nhà cửa đều hướng về và tác động đến hành vi của con người. Mặt khác, văn hoá vật chất tự thân nó không thể làm được bất cứ điều gì: nếu nó “tác động trở lại” xã hội thì nó phải làm như vậy trong các khuôn khổ ý nghĩa bên trong xã hội. Cung cách mà văn hoá vật chất tác động đến con người là có tính xã hội; hành động đó chỉ có thể tồn tại trong một khuôn khổ niềm tin, khái niệm và cấu trúc xã hội.

Văn hoá vật chất và các ý nghĩa đi liền với nó đóng vai trò là những bộ phận của các chiến lược xã hội. Các cá nhân không đơn giản chiếm giữ các vai trò mang tính tiền định bằng cách tác động vượt khỏi các nguyên bản của nó. Nếu họ chiếm giữ các vai trò đó thì có lẽ ít có nhu cầu sử dụng văn hoá vật chất một cách tích cực để thoả thuận vị trí xã hội và tạo ra sự biến đổi xã hội. Chúng ta không đơn giản chỉ là những con tốt đen trong một ván cờ được quyết định bởi một hệ thống - đúng hơn, chúng ta sử dụng vô số ý nghĩa bao gồm cả biểu tượng văn hoá vật chất để tạo ra những vai trò mới, để tái xác định những vai trò đang tồn tại và để khước từ sự tồn tại của những vai trò khác.

Điều đó có thể được lập luận là KCH Quá trình thực sự liên quan đến tính chất khác biệt cá nhân. Trên hết, có phải nó đã không phản ứng lại những cách tiếp cận định chuẩn và nhấn vào tầm quan trọng của hành vi thích nghi tình huống? Câu hỏi liệu KCH Quá trình có thoát khỏi một lập trường định chuẩn không sẽ được đề cập đến trong suốt tập sách này. Ngay lúc này cần phải xác định một ngữ cảnh bằng cách làm rõ một số ý nghĩa đã được xác định cho thuật ngữ định chuẩn trong KCH. Trước hết nó thường được dùng để chỉ cách tiếp cận lịch sử – văn hoá. Trong ngữ cảnh này, đôi khi nó tiềm ẩn những ý nghĩa không hay; nó để chỉ lịch sử văn hoá mang tính mô tả. Trong tập sách này tôi không sử dụng thuật ngữ ấy theo nghĩa như vậy. Thứ hai “định chuẩn” là để chỉ cái quan niệm cho rằng văn hoá được tạo lập bởi một tập hợp các niềm tin chung. Đôi khi điều đó hàm chứa những ý tưởng chung (các chuẩm mực) ẩn sau sự khác biệt tình huống. Thứ ba, có một thành tố đề xuất các qui tắc chuẩn mực – chúng chỉ rõ cái gì sẽ được làm. Theo nghĩa này, các chuẩn mực dùng để ấn định những qui tắc hành xử. Tất nhiên người ta có thể phê phán cách tiếp cận định chuẩn (theo nghĩa thứ nhất) trong khi vẫn quan tâm đến các chuẩn mực theo nghĩa thứ hai và thứ ba, nhưng cả hai nghĩa thứ hai và thứ ba của từ đó đều ít khẳng định vai trò cá nhân với tư cách là những tác nhân xã hội. Tập sách này cũng sẽ thực hiện một phê phán khái quát hơn về các lập trường định chuẩn.

Việc nhấn đi nhấn lại về cái cá nhân trong lý giải KCH không phải nhằm khẳng định rằng sự biến đổi tiền sử là kết quả của “ý chí tự do” hoặc cái cá nhân đặc thù trong quá khứ có thể hoặc sẽ được khẳng định. Đúng ra mục đích của tôi là kết hợp cả ý nghĩa và tác dụng vào lý thuyết KCH. Các lý giải của chúng ta về quá khứ cần phải kết hợp những ý nghĩa văn hoá, các ý định và các mục đích (xem ở trên). Các xã hội không phải là những tác nhân có tính mục đích luận [Shank và Tilley 1987a: 124], mà là những tác nhân cá thể. Có thể khẳng định rằng các mục đích, ý nghĩa và ý định tự thân chúng luôn luôn được cấu trúc trong những quĩ đạo lịch sử, nhưng khái niệm tác dụng lại tạo điều kiện cho các cá nhân biến đổi các cấu trúc trong những trạng huống cụ thể. Các chủ thể được đặt vào vị trí thao tác văn hoá vật chất như là một nguồn và như là một hệ thống dấu hiệu để tạo ra và biến đổi các mối liên hệ quyền lực và sự thống trị. Cần phải tránh quyết định luận, bởi vì nó thừa nhận rằng trong những hoàn cảnh cụ thể thì xuất hiện những tình huống ngẫu nhiên, những cấu trúc ý nghĩa và sự thống trị dần dần được tái cấu trúc [Giddens 1979; Bourdieu 1977]. Johnson [1989] đã đưa ra một phê phán xây dựng trong các cuộc thảo luận về mối quan hệ biện chứng giữa cấu trúc và tác nhân trong các bài viết về KCH gần đây. Ông lưu ý rằng những lý giải về lý thuyết đã không có bản sao dự phòng bằng những ứng dụng mối quan hệ thực sự linh hoạt giữa cấu trúc xã hội và tác nhân con người. Những nghiên cứu chi tiết qui mô nhỏ về tính khác biệt rất cần cho việc xác định mối liên hệ giữa các sự kiện đơn lẻ, được cấu tạo nghĩa và những cấu trúc dài hạn. Ví dụ riêng của Johnson xuất phát từ KCH Lịch sử và là bộ phận của một khuynh hướng rộng lớn hơn hướng về những nghiên cứu lịch sử qui mô nhỏ [chẳng hạn Ladurie 1980; Le Goff 1985; Duby 1980; và chương 5 của tập này] nhưng những phương pháp luận qui mô nhỏ tương tự lại liên quan đến các ngữ cảnh tiền sử [Hodder 1987a và b] trong đó sự đối lập giữa sự kiện cá thể và cấu trúc dài hạn được làm nổi bật.
______________________________________________

Còn nữa…

Tác giả: GS. Ian Hodder sinh năm 1949, tốt nghiệp cử nhân tại Đại học London năm 1971, nhận học vị tiến sĩ tại Đại học Cambridge năm 1975, trở thành giáo sư Đại học Cambridge từ năm 1977.


Nguồn: Reading the Past – Current approaches to Interpretation in Archaeology. Second Edition. Cambridge University Press 1991.

Tài liệu Tham khảo


Binford, L. R., 1962. Archaeology as Anthropology. American Antiquity 28, 217–25.

Binford, L. R., 1965. Archaeological Systematics and the Study of Cultural Process. American Antiquity 31, 203–10.

Binford, L. R., 1971. Mortuary Practices: Their Study and Their Potential. In J. Brown (ed.), Approaches to the Social Dimensions of Mortuary Practices, Memoirs of the American Archaeology Society 25.
 
Bourdieu, P., 1977. Race, Language and Culture. New York: Macmillan Press.

Clarke, D. L., 1968. Analytical Archaeology. London: Methuen.

Duby, G., 1980. The Three Orders. Chicago: University of Chicago Press.

Flannery, K. V., 1967. Culture History v. Culture Process: a Debate in American Archaeology. Scientific American 217, 119–22.

Giddens, A., 1979. Central Problems in Social Theory. London: Macmillan.
 
Hodder, I., 1979. Social and Economic Stress and Material Culture Patterning. American Antiquity 44, 446–54.

Hodder, I., 1982a. Symbols in Action. Cambridge University Press.

Hodder, I., (ed.), 1987a. The Archaeology of Contextual Meanings. Cambridge University Press.

Hodder, I.,  (ed.), 1987b. Archaeology as Long-Term History. Cambridge University Press.

Johnson, M. H., 1989. Conceptions of Agency in Archaeological Interpretation. Journal of Anthropological Archaeology 8, 189 –211.

Ladurie, E., 1980. Montaillou. London: Penguin.

Le Goff, J., 1985. The Medieval Imagination. Chicago: University of Chicago Press.

Mill, J. S., 1963. Collected Works of John Stuart Mill, J. M. Robson (ed.), Toronto: University of Toronto Press.

Parker Pearson, M., 1982. Mortuary Practices, Society and Ideology: An Ethnoarchaeological Study. In I. Hodder (ed.), Symbolic and Structural Archaeology, Cambridge University Press.

Rathje, W., 1978. Archaeological Ethnography…Because Sometimes It Is Better to Give than to Receive. In R. Gould (ed.), Explorations in Ethnoarchaeology. Albuquerque: University of New Mexico Press.

Schiffer, M. B., 1976. Behavioural Archaeology. New York: Academic Press.

Schiffer, M. B., 1987. Formation Processes of the Archaeological Record. Albuquerque: University of  New Mexico Press.

Shanks, M. and Tilley, C. 1987b. Re-Constructing Archaeology: Theory and Practice. Cambridge: Cambridge University Press. Introduction: The Red Book .  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét