Powered By Blogger

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Một siêu ngữ cảnh - một siêu văn bản


© 2006 talawas

8.4.2006

Hà Hữu Nga

Một siêu ngữ cảnh - một siêu văn bản


(Đọc số 35 trong tập III Do đó nó lại đến của Nguyễn Thuý Hằng)
Tôi thật sự bất ngờ khi phát hiện ra một chiều góc khác - chiều góc duy lý đáng kinh ngạc – trong thi pháp của Nguyễn Thuý Hằng. Tôi sẽ cố gắng, mà không dám chắc, thể hiện cái chiều góc duy lý đó trong thế giới siêu ngã của cô, khi cùng các bạn đọc tác phẩm số 35 trong tập III Do đó, nó lại đến của bộ Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý của cô.

Về mặt hình thức, đây là một tác phẩm không có gì đồ sộ. Nó chỉ là một vài dữ liệu sau:
35
Ăn cắp được 7 nắp cống
1 và 2 3 và 4 5 6 và 7: mở nắp cống lên thấy tôi nằm dưới lỗ

1. Tạo dựng ngữ cảnh

Nếu không đặt trong tổng thể tác phẩm thì đây là gì? Một câu thơ dở dang, một bức ảnh tầm thường, một đoạn nhật ký vớ vẩn, một tự sự lẩn thẩn, một lời thú nhận lơ mơ, một phép toán nhóm các con số chưa thành, một giấc mơ không đầu không cuối, một câu nói đùa khó cười, và cũng có thể là lời lẩm bẩm của một kẻ điên rồ? Hay đó là một Enigma (câu đố) để chúng ta cùng giải với cô? Có thể thêm nhiều phán đoán khác nữa, hoặc tất cả các phán đoán đó về cái tác phẩm kỳ quặc này của Nguyễn Thuý Hằng cũng vẫn chưa đủ? Khi nào chúng ta còn đặt được các câu hỏi thì tất cả đều có thể! Tất cả đều có thể vì hình như cô biết cô không thể bắt người khác phải đọc, phải học những kinh nghiệm của riêng cô, trong khi tất cả những cái đó có thể lại chẳng mảy may có một chút ý nghĩa nào đối với họ, v.v. Cô chỉ muốn chuyện trò, và dường như cô chỉ có hai đối tượng để trò chuyện: với chính mình và với phần thế giới còn lại; hoặc ngược lại, im lặng để nghe chính mình và nghe cái phần thế giới còn lại kia. Trong trường hợp này, có lẽ là cả hai, có lẽ cô muốn tất cả chúng ta, kể cả các đồ vật nữa, cùng trò chuyện với cô, chia sẻ kinh nghiệm với cô, lắng nghe cô, hoặc nói cho cô cùng nghe. Ðối diện với cô là cả một thế giới. Ðể đọc được ý nghĩa của sự vật, cô mời chúng ta tham gia tạo dựng một ngữ cảnh, một văn bản chỉ với một chút vật liệu – 7 chiếc nắp cống – tưởng chừng như rất nghèo nàn, nhưng có lẽ không phải như vậy?

Theo cách hiểu thông thường, ngữ cảnh (context) là những tình huống liên quan giúp người tiếp nhận hiểu được ý nghĩa của văn bản một cách chính xác, trọn vẹn. Khi Hằng viết: “ăn cắp được 7 nắp cống” thì về phương diện văn bản học, đó là một thông tin không có ngữ cảnh. Bởi vì người đọc không biết ai ăn cắp (chủ thể, chủ ngữ), ăn cắp ở đâu (địa điểm), ăn cắp khi nào (thời gian), v.v. Một thông tin như vậy không hề có ngữ cảnh tình huống, và làm cho người tiếp nhận bối rối, không hiểu, hiểu sai, hoặc cho là vô nghĩa. Tuy nhiên nếu thông tin đó được truyền đạt một cách đầy đủ trong một ngữ cảnh tình huống trọn vẹn như sau: “7 giờ sáng ngày 5/3/2004, tại khu Mineapolis, Minnesota, tôi đã ăn cắp được 7 nắp cống” thì người tiếp nhận thông tin này sẽ không còn gì phải bận tâm, bởi vì mọi chuyện đã rõ ràng. Người đọc/nghe tiếp nhận thông tin đó dưới dạng một báo cáo, và ông/bà ta sẽ tìm cách để biết thêm: “cô ta ăn cắp nắp cống để làm gì? Cùng với ai? Giấu giếm thế nào? Chuyên chở bằng gì? Đưa đi đâu?”... Trong trường hợp này, người nghe/đọc là người tiếp nhận thụ động những thông tin duy nhất từ phía câu trả lời của cô, và vì vậy, toàn bộ ngữ cảnh là do cô tạo ra và hành động, còn chúng ta hoàn toàn là những người ngoài cuộc, như một quan toà chúng ta chỉ cần kết luận: “đồ ăn cắp, phạt tù!” là đủ.

Nhưng chúng ta, với tư cách là người đọc một tác phẩm của Hằng, chúng ta không cần phải đọc cô trọn vẹn theo nghĩa một báo cáo, vả lại, cô cũng không cho chúng ta đọc cô trọn vẹn theo nghĩa một văn bản báo cáo. Vì vậy chúng ta không đặt ra những câu hỏi của người tiếp nhận thụ động, và ngoài cuộc, chúng ta không đóng vai quan toà để kết tội. Qua sự kiện cô thông báo trên trang giấy, chúng ta sẽ có cách đặt câu hỏi khác, và mong muốn nhận được câu trả lời theo một cách khác. Chẳng hạn như bạn sẽ hỏi: (i) tại sao lại nói chuyện “ăn cắp”? (ii) tại sao lại ăn cắp “nắp cống”? (iii) tại sao lại lấy “7” chiếc? Khi đặt ra những câu hỏi như vậy, chúng ta đều biết chúng ta sẽ chẳng tìm thấy câu trả lời ở ai khác ngoài bản thân người hỏi là chính mình, vì nếu có hỏi cô ta thì chắc chắn cô ta cũng sẽ trả lời là: “chính tôi cũng không biết nữa”! Vậy là chỉ cần đến đây thôi, cô ta đã kéo được chúng ta tự nguyện tham gia vào trò chơi của cô rồi. Và khi chúng ta phải vất vả tìm câu trả lời cho những câu hỏi do mình đặt ra thì có nghĩa là chúng ta đã cùng với cô đang tạo dựng một ngữ cảnh để lý giải và tìm cho ra ý nghĩa của sự kiện mà cô đã thông báo. Khi tôi đã tự trả lời được cho mình về những câu hỏi do mình đặt ra, có nghĩa là tôi đã cùng cô tạo dựng được ngữ cảnh của sự kiện. Theo nghĩa đó, tôi và cô ta là người đồng sáng tạo trên văn bản của cô. Nếu có 1000 người đọc cô thì sẽ có 1000 người cùng cô tạo dựng 1000 ngữ cảnh theo kinh nghiệm riêng của bản thân họ. Như vậy văn bản “ăn cắp được 7 nắp cống” đương nhiên đã có một siêu ngữ cảnh.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là: không bao giờ ngữ cảnh do tôi tạo ra lại hệt như ngữ cảnh do sự kiện mà cô ám chỉ. Vì đặc thù khác biệt cá thể, cho nên dù có cố đặt mình vào địa vị của cô thì ngữ cảnh do tôi tạo ra cho mẩu thông tin dang dở của cô cũng chỉ là sản phẩm những kinh nghiệm cuộc đời của chính bản thân tôi mà thôi. Muốn thế, tôi buộc phải quay lại cuốn phim toàn bộ đời mình để xem sự kiện kia có thể đặt được vào bất kỳ tình huống tương tự có thực nào của cuộc đời tôi không? Tôi có thể tìm thấy, hoặc không thể tìm thấy bất cứ một tình huống nào tương tự, điều đó không có vấn đề gì. Tuy nhiên một vấn đề hệ trọng đã nảy sinh: khi tham gia vào trò chơi của cô, tôi đã trở thành một người bạn cùng chơi và khoảng cách giữa Tôi và Người khác đã rút ngắn bớt lại. Người ta hiểu nhau hơn, dễ đồng cảm và chia sẻ hơn. Và như vậy cùng với kinh nghiệm của người khác, tôi đã thêm được những giá trị ngoài tôi, làm cho cuộc đời tôi phong phú hơn lên.

2. Hoàn thiện văn bản

Khi đã là người tham gia cuộc chơi với cô và với những người đọc khác, tôi và những người khác không còn là người ngoài cuộc với cô. Tôi và những người khác không chỉ tạo dựng ngữ cảnh cho sự kiện “7 nắp cống” của cô. Ðiều cốt yếu trong cuộc chơi này chính là mục đích cuối cùng của nó: đi tìm ý nghĩa của cuộc chơi. Theo nghĩa đó, những người chơi đã không còn đơn thuần chỉ là những người tạo dựng ngữ cảnh nữa, bởi vì khi chúng ta cùng cô tạo dựng ngữ cảnh, có nghĩa là chúng ta tạo dựng ngữ cảnh đó “vì cô”, để lý giải câu đố “của cô”, nếu không thì chí ít đó cũng là một phần “do cô”. Trong khi đó ngữ cảnh do tôi xây dựng dựa trên kinh nghiệm của chính bản thân tôi cũng có tính độc lập tương đối của nó. Khi ngữ cảnh do tôi tạo dựng ngày càng hoàn chỉnh thì lúc ấy mối liên hệ của nó với văn bản gốc của cô ngày càng trở nên mờ nhạt. Tôi bắt đầu quên đi nguyên cớ của nó. Và cho dù tôi vẫn còn nhớ nguyên cớ thì vấn đề đó đã không còn nhiều ý nghĩa nữa, bởi vì lúc đó chỉ còn cuộc đối/độc thoại giữa tôi và bản thân mình. Tôi tự đặt câu hỏi, tự trả lời các câu hỏi đó, và tự lý giải ý nghĩa của sự kiện. Ðến đây tôi đã hoàn toàn hành động “vì tôi”, và kết quả của cái hành động đó là “của tôi”, tôi bỏ thời gian, công sức ra để suy nghĩ là “do tôi”. Như vậy, một ngữ cảnh khác đã được hoàn thiện, và một văn bản khác đã ra đời không chỉ đơn thuần từ một văn bản gốc, mà chủ yếu là từ kinh nghiệm riêng của cuộc đời tôi.

Như vậy Hằng đã không làm thay được cho chúng ta. Cô chỉ đơn thuần là người khởi xướng cuộc chơi, và cùng chơi. Giống như bất cứ một người chơi nào khác, cô cũng phải tham gia vào các tương tác giữa những người chơi, để tạo ra những tác động vào các sở thích (hoặc các tiện ích) của những người chơi. Trong cuộc chơi này, mục đích của người chơi là tối đa hoá lợi ích cho bản thân mình. Tuy nhiên, khác với tất cả những người tham gia cuộc chơi, cô không có bất cứ ý định nào để đạt được lợi lộc từ bất cứ người chơi nào, dù đó là sự thành công về mặt tâm lý của chủ thể. Có thể cô có một triết lý khác khi nhận chân rằng cuộc chơi ấy buộc người chơi phải “rốc cạn tờ bạc” (“Chơi game với chủ thể”, trong tập I - Cửa sổ đập) để nhận được một lợi lộc từ thất bại đúp của người chơi: ta mất (tiền) để được (một ảo tưởng). Vậy thì cái được cuối cùng sẽ là ý nghĩa kinh nghiệm của cuộc chơi. Cuối cùng cô giúp chúng ta đi tới việc hoàn thiện văn bản “ăn cắp được 7 nắp cống” của riêng mỗi cá nhân chúng ta bằng một trò chơi duy lý. Không có ý định làm thầy chúng ta, nhưng cô đã chỉ chỗ để chúng ta học được ở cuộc đời một ý nghĩa duy nhất: tỉnh táo! Như vậy, cùng với cô đã có hàng nghìn văn bản khác được tạo dựng, và chính văn bản gốc của cô đã tạo thành một siêu văn bản bằng những cách chơi và người chơi duy lý.

3. Khắc hoạ ẩn dụ

3.1. Ẩn dụ ăn cắp: là thông điệp đầu tiên cô muốn truyền đạt. Thông thường ăn cắp là một tội lỗi rất nặng. Trong mọi xã hội, các hành động tội lỗi đều bị trừng phạt, không kiểu này thì cũng kiểu khác. Và các hành động tội lỗi đều liên quan đến phạm trù đạo đức, và một hành động như vậy là lệch chuẩn, nếu xã hội không trừng phạt mình thì bản thân mình cũng phải tự trừng phạt mình, chí ít là bằng cách hối lỗi. Vì vậy không ai muốn ăn cắp và cũng không ai muốn trưng ra cho bàn dân thiên hạ biết mình là kẻ cắp cả. Trong trường hợp này Hằng cũng không phải là một ngoại lệ. Cô chỉ thông báo “ăn cắp được 7 nắp cống”. Theo một bản năng nguyên uỷ, cô tuyệt nhiên không nói thẳng “tôi” ăn cắp. Nhưng vì một lý do nào đó cô đã phải nói ra sự kiện đó. Chúng ta có thể biết rằng sức ép mà lý do đó tạo ra có lẽ còn lớn hơn sức ép đạo lý do chuẩn mực xã hội áp đặt hình phạt lên hành vi ăn cắp. Vì vậy cô đã phải nói ra. Ðó là ẩn ý đầu tiên của cô. Và đối với cô, vì mặc cảm tội lỗi do hành vi ăn cắp gây ra dường như không có gì đáng kể (nói theo Pierre Bourdieu (1930 – 2002, nhà xã hội học theo trường phái Marxist Pháp) đó là hành vi do tập tính – habitus - chi phối, nên cô đã nói ra. Dường như bằng lời tuyên bố đó cô muốn nói rằng còn có một vấn đề gì nữa hệ trọng không kém đạo lý truyền thống. Ðó là cái gì? Tôi đoán ý cô là, bên cạnh nguy cơ đạo lý, còn một nguy cơ khác không kém, đó chính là nguy cơ cuộc sống đang bị đồ vật hoá.

Ẩn ý cảnh báo ngầm của cô thể hiện rất rõ trong việc cô chọn chất liệu để xây dựng một ngữ cảnh giúp ta đọc được ý nghĩa tác phẩm mà cô muốn truyền đạt. Thông thường hành động ăn cắp xảy ra trong một số trạng huống: (i) ăn cắp do tính táy máy, gian tham, (ii) ăn cắp khi những nhu cầu mang tính bản năng thúc giục phải được thoả mãn (đói, khát), (iii) ăn cắp vật có giá trị lớn hòng thay đổi cuộc đời (tiền, vàng, của cải khác), (iv) ăn cắp danh tiếng, địa vị… Nhưng dường như kẻ cắp nắp cống lại không rơi vào bất cứ trường hợp nào trong tất cả các tình huống trên. Vậy thì hành động ăn cắp ấy phải được lý giải như thế nào? Ăn cắp mà không cảm thấy có tội; ăn cắp để rồi lại trưng đồ ăn cắp ra cho mọi người cùng biết; với cô tội ăn cắp dường như còn nhỏ hơn cái tội mà cô sẽ gây ra nếu cô không làm cái công việc gì đó với 7 chiếc nắp cống ăn cắp kia.

Vậy là một vấn đề hệ trọng đã được hình thành trong ngữ cảnh mà cô muốn bạn, muốn tôi, muốn tất cả chúng ta, những người thực sự đọc cô, đều tham gia tạo dựng. Ðến đây, như một tình cờ, chính ngữ cảnh do tôi cùng tạo dựng với cô trên văn bản ấy đã đưa tới một phát hiện quan trọng: trong số những song đề mà thế hệ các cô đối mặt, phải chăng bên cạnh phạm trù đạo đức truyền thống cô đã bổ sung được một phạm trù mỹ học mới, đó là nhân hoá thế giới đồ vật, làm cho nó cũng có cuộc sống như chính cuộc sống của con người. Tôi thấy ý tưởng này thấm đẫm trong từng dòng chữ, trong từng hoạ phẩm của cô. Vì vậy, bằng ẩn dụ về hành động ăn cắp của mình, dường như cô muốn tạo nên một cú sốc trong cảm thức của mỗi độc giả về một nguy cơ băng hoại không kém nguy cơ băng hoại đạo đức, đó chính là sự băng hoại nhân tính trong cái thế giới mà chúng ta đang sống này.

3.2. Ẩn dụ nằm dưới cống: Chúng ta tồn tại trong các không gian vật chất thông thường, vì vậy dù Hằng có bào chữa theo cách nào thì việc cô lấy cắp nắp cống cũng vẫn gây ra cho người đọc cô một câu hỏi (hay đúng ra là một day dứt) cũng rất thông thường: cô có nghĩ đến hậu quả của việc cô lấy trộm những chiếc nắp cống ấy không? Nhỡ có ai, nhất là trẻ em, sa chân xuống cống thì sao? Ðây là hệ quả tất yếu của một lối tư duy logic theo cách thông thường nhất của người đời, dù đó là bạn, là tôi thì tất cả chúng ta cũng đều liên tưởng đến một trong những kết cục xấu ấy của hành động ăn cắp của cô. Và như đã dự cảm trước được những mối bận tâm như vậy, cô đã làm cho khách bộ hành yên tâm là cô luôn có mặt dưới những lỗ cống bị lấy trộm nắp đó. Vậy là ở cấp độ tâm lý bình thường, thông điệp “tôi nằm dưới lỗ” cống mà cô đưa ra đã giải toả cho chúng ta ít nhất là một băn khoăn: vậy thì sẽ không có ai (ngoài cô) bị sa chân xuống cống nữa, vì cô đang đó!

Tuy nhiên văn bản mà Hằng đưa ra cho chúng ta – với tư cách một siêu văn bản - lại mang một ý nghĩa khác, ý nghĩa nghệ thuật biểu tượng. Vậy thì sau khi yên tâm ở cấp độ tâm lý thông thường về chuyện liệu có ai sa chân xuống cống hay không, chúng ta lại bị cuốn vào một lớp ý nghĩa khác, đó là lớp ý nghĩa ẩn dụ của hình ảnh cô ta nằm dưới cống. Lẽ nào cô ăn cắp nắp cống để rồi chỉ làm có mỗi một việc ngớ ngẩn và “nhân đạo” là chui xuống cống để thông báo với mọi người đừng sa chân xuống những lỗ cống bị cô lấy trộm nắp? Ðối với tất cả mọi nền văn hoá, khi nói đến chiếc cống, tự nhiên người ta liên tưởng ngay lập tức đến một thứ dùng để thải nước. Nhưng trong siêu văn bản của Hằng, chiếc cống không đơn giản chỉ là hệ thống thoát nước. Trong văn bản của cô, chiếc cống là ẩn dụ về một con đường đi tới những chiều sâu không cùng của thế giới, mà ở đó có thể là thiên đường, cũng có thể là địa ngục, nhưng ở đó, có thể cũng không có thiên đường, không có địa ngục. Có thể ở đó chỉ có một bầu trời vô ngã như Long Thọ (Nagaruna) đã tìm thấy khi xuống Long Cung.

3.3. Ẩn dụ con đường: Nếu Hằng chỉ lấy trộm một chiếc nắp cống thì chúng ta khó hình dung về một ẩn dụ khác, ẩn dụ con đường. Nhưng khi cô thông báo cho chúng ta rất rõ về quá trình ăn cắp nắp cống thì trong trí tưởng tượng của bất kỳ ai đọc cô cũng tự nhiên xuất hiện một con đường. Ẩn dụ con đường có vẻ như đã được cô khắc hoạ một cách không hề cố ý, bởi dường như cô vẫn tin vào tính chân thật và vẻ đẹp của cái ngẫu nhiên. Nhưng logic của hình tượng lại cho ta thấy rất rõ dựa vào cách cô nhóm dãy số từ 1 đến 7. Qua cách nhóm các số hạng đó, tôi nhìn thấy rõ cô đã 4 lần đi lấy trộm nắp cống, và không mang theo phương tiện chuyên chở. Cô đem nắp cống về bằng cách cắp mỗi tay một chiếc: lần thứ nhất cô lấy 2 chiếc: “1 và 2”; lần thứ hai cô lấy 2 chiếc: “3 và 4”; lần thứ ba không hiểu sao cô chỉ lấy (được) 1 chiếc “5”. Và lần thứ 4 cô lại lấy được 2 chiếc: “6 và 7”. Sự kiện lấy trộm nắp cống, một sự kiện thật, đã từng xảy ra bởi hành động của cô (giả sử chuyện ấy là có thật) như vậy đã được soi sáng đến từng chi tiết.

Nhưng ẩn dụ của sự kiện lấy trộm nắp cống thì không hề dễ lý giải, bởi vì ta không thể đoán biết được mục đích của hành vi ấy là gì? Ta có thể đưa ra vô số giả định về mục đích của hành vi đó, nhưng công việc đó chắc chắc sẽ là vô nghĩa. Vậy thì tốt nhất là ta hãy giả định một cách trung tính nhất: cô ăn trộm nắp cống chẳng để làm gì, thì dường như chúng ta có thể tin tưởng rằng mình đang tiến đến gần sự thật nhất. Nhưng tại sao lại là 4 lần với 7 chiếc nắp cống? 4 lần chỉ là giả định của tôi, một người tự nguyện tham gia vào việc tạo dựng một siêu văn bản. Vì vậy có thể nhận ngay rằng 4 lần là kinh nghiệm của riêng bản thân tôi, là một phần văn bản của tôi, chưa chắc đã trùng hợp với thực tiễn mà bản thân cô đã trải nghiệm. Nhưng chẳng sao, bởi vì cô cần điều đó. Cô cần tôi tham gia tạo dựng văn bản ấy cho tôi, chứ không phải cho cô, bằng kinh nghiệm của tôi chứ không phải bằng kinh nghiệm của cô, tôi tham gia là do tôi chứ không phải do cô. Và với tôi, ẩn dụ con đường đã mang một ý nghĩa duy nhất: đó chính là ẩn dụ về sự thăng tiến ý thức siêu ngã của cô trải qua 4 sự kiện trọng đại trong cuộc đời cô cho đến khi cô xây dựng lên siêu văn bản đó.

3.4. Ẩn dụ mở nắp cống: Nhưng trong 4 lần đó, cảm thức của tôi đã bị cuốn hút nhiều nhất vào lần thứ 3, tương ứng với chiếc nắp cống thứ 5. Trong kinh nghiệm tri thức của tôi, số 5 là một con số trọng đại, nó là yếu tố trung tâm trong âm dương ngũ hành, nó hình vuông, màu vàng, hành thổ, nó là đất, nó là biểu tượng của hoàng đế, v.v. Có nghĩa là không ai cấm tôi liên tưởng đến tất cả những gì mà tôi có trong đầu, mà tôi tin tưởng, v.v. Còn ba lần kia, khi những sự kiện tinh thần quyết định tưởng như đã thay đổi hẳn đời cô thì dường như lại có một sự kiện khác níu giữ, nếu không thì chí ít nó cũng làm cân bằng khả năng thăng tiến ý thức của cô. Và cho đến tận bây giờ (là khi cô xây dựng tác phẩm số 35 ấy) thì vật đối trọng đó vẫn là một quả cân trên một bàn cân thăng tiến ý thức cô, làm cho cô có cảm tưởng mình không thể thoát ra được, và quan trọng hơn, mình cũng không muốn thoát ra khỏi cái đó, mà đối với cô có thể ái lực đó vẫn quá đỗi ngọt ngào?

Ẩn dụ mở nắp cống gắn liền với ẩn dụ về con đường, tuy nhiên đây là hai khía cạnh của cùng một sự vật, đó là việc Hằng muốn đi tìm chính bản thân mình trong một chiều không gian và một chiều thời gian khác. Con đường xuống cống của cô, nói theo cách của các nhà phân tâm học là con đường “thăm dò tiềm thức”. Tuy nhiên, hoàn toàn khác với các nhà phân tâm học chọn đối tượng thăm dò là “người khác” (tha nhân), với mục đích là “chữa bệnh” tâm thần cho họ thì ngược lại, Hằng thăm dò tiềm thức để hoà đồng với tha nhân, để cả mình và họ cùng “khỏi bệnh” vô minh (theo ngôn ngữ thông thường là ngu dốt). Vì vậy, mỗi lần mở nắp cống là mỗi lần cô thăng tiến thêm trí tuệ của mình.

4. Những cái tôi

Theo tôi, bí ẩn lớn nhất tạo nên thành công của câu truyện ăn cắp được 7 nắp cống và làm cho nó trở thành một “bài thơ” chính là tính “phi chủ thể” của hành động. Trong câu truyện này có bốn hành động: 1) “ăn cắp”; 2) “mở nắp cống”; 3) “thấy”; 4) “nằm dưới lỗ”. Về mặt cấu trúc ngữ pháp cả bốn hành động này không một hành động nào có chủ ngữ. Ngay cả hành động “tôi nằm dưới lỗ” thì cái “tôi” đó cũng không phải là chủ ngữ, nó chỉ là đối tượng của hành động “thấy”. Dù chắc chắn là chủ thể của hành động “nằm”, nhưng tôi lại “nằm” trong thế hoàn toàn bị động. “Nằm” đã bị động rồi, nhưng “nằm” dưới lỗ thì mức độ bị động lại tăng thêm gấp bội. Không chỉ có thế, đã nằm im, đã nằm dưới lỗ rồi mà lại còn bị “thấy” nữa thì rõ ràng một cái tôi như vậy là một cái tôi đã quá thảm bại.

Bằng cách đặt chủ thể hành động ở thế hoàn toàn bị động, câu truyện dường như đã dẫn chúng ta đi rất xa. Một cái tôi bị tấn công, một cái tôi bị dồn ép. Dường như “tôi” đã trở thành một bi kịch, không còn đường thoát. Nhưng câu truyện của Hằng lại không đi theo hướng xã hội học kiểu như vậy. Cô không bi kịch hóa ở cấp độ tâm lý – cho dù cả tâm lý chiều sâu. Dường như tâm lý đã bị loại hoàn toàn ra khỏi bầu trời thi ca của cô. Khác với tâm linh, tâm lý thể hiện qua các mối quan hệ giữa tôi và người khác dựa trên các chuẩn mực xã hội thông thường. Trong khi đó tâm linh không đơn thuần chỉ là các mối quan hệ xã hội, và thậm chí không cần bất cứ một mối quan hệ xã hội trực tiếp nào, bởi vì mối quan hệ tâm linh chính là mối quan hệ giữa những cái tôi trong bản thân tôi. Nếu trong tôi không có một cái tôi khác thì không bao giờ tôi có thể xây dựng được cho mình một môi trường tâm linh. Bi kịch của văn học hiện sinh chính là ở ranh giới này. Các tác gia văn-triết hiện sinh mắc kẹt trong cái bẫy giăng mắc ở hàng rào giữa lãnh địa của tâm lý và tâm linh, giữa xã hội và tinh thần. Họ mắc kẹt giữa cái tôi của mình và cái tôi của người khác, trong khi đó cái tôi tâm linh không bị rơi vào bất cứ cái bẫy tha nhân nào ngoài cái bẫy do chính mình giăng ra như một thách thức với chính bản thân mình.

“Bi kịch” của cô phát triển theo hướng tâm linh cá nhân. Cái bi kịch của “tôi” là do chính tôi tạo ra cho mình. Tôi gây sự với bản thân mình bằng cách đối diện với chính mình. Nhưng thật ra thì chúng ta cũng chẳng thấy có gì là “bi kịch” trong toàn bộ câu truyện của cô. Cái mà chúng ta thấy có chăng chỉ là những vấn đề mà cô/các cô, anh/các anh cùng thời với cô phải đối mặt. Qua toàn bộ câu truyện ta thấy vấn đề sẽ trở thành bi kịch nếu tôi không tìm được ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Tôi với tư cách là người sáng tạo sẽ chết nếu tôi không còn sáng tạo được nữa. Tôi với tư cách là một thi sĩ sẽ chết nếu các tác phẩm của tôi không còn là thi ca đích thực nữa. Tôi với tư cách là một nghệ sĩ sẽ chết nếu nghệ thuật của tôi không còn có sức sống nữa. Tôi với tư cách là một trí thức sẽ chết nếu tôi chỉ có một mớ tri thức giả, v.v. Tôi không thể sống một cuộc sống bình lặng được. Ðó chính là những lý do tôi tự dồn ép mình trở thành kẻ cắp, tự dồn ép mình xuống cống, tự dồn ép mình dưới chính ánh sáng soi rọi của tôi, một cái tôi khác, một siêu tôi. Tôi muốn trong tôi một cái tôi phải bị hoàn toàn thất bại trước một cái tôi khác, cái tôi tâm linh - cái Siêu Tôi.

Về cấu trúc văn bản, câu truyện ăn cắp nắp cống được xây dựng thành một vòng tròn. Ðó chính là cái vòng khép kín của số phận những cái tôi – một cái tôi tâm lý (hay xã hội – ngã) và một cái tôi tâm linh (hay tinh thần-siêu ngã). Trong vòng xoay của “7 nắp cống”, ngã đã hành động như một con người sống trong xã hội. Dù tác giả không chỉ mặt đặt tên cái ngã đó, nhưng ai cũng biết rằng kẻ cắp nắp cống chính là nó, một cái tôi bằng xương, bằng thịt, một cái tôi vật chất. Chính nó là kẻ gây ra hành động, và đối tượng hành động của nó cũng là vật chất, những chiếc nắp cống thật. Nếu sự cố chỉ dừng lại ở đó thôi thì câu chuyện kết thúc không gây ra bất cứ điều gì phải bàn cãi, và kẻ có thẩm quyền tiếp tục can thiệp vào sự cố chính là các chuẩn mực xã hội mang danh đạo đức và luật pháp. Hình phạt sẽ do đạo đức và luật pháp quyết định. Nhưng vấn đề đã được đặt ra từ một góc độ hoàn toàn khác. Nếu hành động ăn cắp kia là có mục đích thì việc trừng phạt và chịu trừng phạt là hiển nhiên. Nhưng vì hành động này không có mục đích, hoặc nói một các khác, nó là siêu mục đích nên nó đã lái phản ứng xã hội theo một hướng không ngờ tới.

Nếu là kẻ cắp thì tôi với tư cách là cái tôi xã hội đã tự trừng phạt mình bằng cách nằm dưới cống rồi. Nhưng không phải tôi nằm dưới cống để đền tội ăn cắp của mình, có nghĩa là tôi nằm dưới cống không phải vì những luân lý và chuẩn mực xã hội. Tôi nằm dưới đó là vì tôi còn có một cái tôi khác, vì một cái tôi khác. Cái tôi nằm dưới cống đã chứng tỏ cho cái tôi mở nắp cống thấy rằng nó – cái tôi mở nắp cống ấy - mới chính là chủ thể. Nó ở đâu đó vô hình, nhưng nó thực sự tồn tại, vì nó đã hành động: nó “mở nắp”, nó “thấy”. Chính tôi đã thấy nó thấy. Có nghĩa là nó có thật. Trong câu truyện của Hằng cái tôi kẻ cắp và cái tôi nằm dưới lỗ dường như là một – ngã. Còn cái tôi “mở nắp” và cái tôi “thấy” chắc hẳn cũng là một – siêu ngã. Nhưng vẫn còn một cái tôi thứ ba nữa dường như đứng ngoài tất cả các sự cố này. Ðó chính là cái tôi của tác giả, một cái tôi hợp nhất cả ngã và siêu ngã để làm thành tác giả của tác phẩm sắp đặt. Cái tôi đó chính là cái tôi nhà thơ - nghệ sĩ của Nguyễn Thuý Hằng. Ðiều bí ẩn cuối cùng mà cái tôi này thực hiện là hành động đưa ra vật chứng, hay là tự thú bằng tấm ảnh trưng bày đồ ăn cắp được. Cùng với một loạt hành động của những cái tôi khác của cô, ở rất nhiều cương vị khác nhau, công trình nghệ thuật sắp đặt của cô là bằng cớ vật chất làm chứng cho tất cả, không thiếu bất cứ một cái tôi nào.

5. Kiểm tra thông tin văn bản

5.1. Dữ liệu có sẵn: Hình như cô đã biết trước rằng khi cùng cô xây dựng một siêu văn bản, người đọc sẽ không hoàn toàn yên tâm với những giả định của mình, và họ chí ít cũng muốn tìm đến cô để nhờ cô khẳng định xem những khía cạnh liên quan đến cô trong văn bản mà họ tạo dựng kia có chính xác không. Và cô đã trả lời trước bằng cách đưa ra các dữ liệu kiểm định. Ðó chính là bức ảnh kèm theo ở bài số 35. Các dữ liệu kiểm định đó được trình bày, có lẽ dưới dạng một tác phẩm thuộc cái gọi là trường phái nghệ thuật sắp đặt. Vì chỉ nhìn trên ảnh - mà ảnh chụp và in lại bằng đen trắng -, không đặt thước tỷ lệ nên không dễ để người xem có thể tả lại một cách chính xác các chi tiết, đặc biệt là chất liệu, màu sắc, kích thước, hiện trạng của những cấu phần tạo nên tác phẩm. Dẫu sao chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế đó để cố quan sát và mô tả phần nào bộ dữ liệu kiểm định này.

Tác phẩm sắp đặt được bố trí trên một nền đá (hoặc xi măng, hoặc giả đá), với 4 thớt kê tròn, cũng được đúc bằng xi măng hoặc một loại chất liệu nào đó tương tự, màu xám. Dù bốn thớt kê này hơi lệch, nhưng vẫn gây cho người xem một cảm giác chắc chắn. Dưới nền nhà, sát cạnh thớt kê vương vãi vài đốm nhỏ như vệt mực khô, như phân dơi, như bụi bẩn, v.v. Ðặt trên thớt kê là một dàn khung sắt sơn trắng, gồm những thanh sắt nhỏ cách nhau đều đặn, nhẹ nhàng. Ðặt trên khung sắt là một tấm ván đã khá mục, màu xám thẫm, có độ dày khoảng 8 - 10 cm, tấm ván rộng khoảng 60 – 70cm, dài khoảng 2,5m – 3m. Trên bề mặt tấm ván xếp đều đặn 7 chiếc nắp cống bằng sắt hoặc gang, màu xám xẫm; mỗi chiếc cách nhau từ 20 – 25cm; theo trật tự từ trái sang phải là: chiếc 1: vuông; chiếc 2: tròn; chiếc 3: vuông; chiếc 4: tròn; chiếc 5: vuông; chiếc 6: tròn; chiếc 7: vuông. Nếu thay đổi trật tự từ phải sang trái thì các đặc điểm mô tả trên cũng không có gì khác biệt. Ðường kính nắp tròn khoảng 45 – 50 cm; cạnh của nắp vuông cũng khoảng 45 – 50cm; các nắp sắt này dày khoảng 2,5cm. Tất cả các nắp cống đều trổ lỗ tròn để thoát nước, nắp vuông 16 lỗ; nắp tròn 21 lỗ, mỗi lỗ đường kính khoảng 1,5 – 2cm. (Tất cả những số đo mô tả ở trên chỉ là cảm giác, không thể chính xác được). Còn một chi tiết có lẽ không phải vô tình là ngay ở cận cảnh của bức ảnh, có một mảnh giấy, có lẽ là một tờ báo cũ nằm lăn lóc trên nền nhà.

5.2. Cảm nhận: (i) Ấn tượng 1: đập ngay vào mắt một người lớn lên trong bối cảnh văn hoá phương Đông (Việt Nam, Trung Quốc chẳng hạn) là hình ảnh trời (tròn), đất (vuông) do các nắp cống gây ra. Chúng được đặt theo trật tự: 1: địa – 2: thiên – 3: địa – 4: thiên – 5: địa – 6: thiên – 7: địa, dù đếm từ trái qua phải hay ngược lại. Như vậy, nắp cống thứ 5 là địa, hành thổ; (ii) ấn tượng 2: tấm ván đã mục cho người ta một cảm thức rõ ràng về chiều thời gian, về sức mạnh làm thay đổi (hay tàn phá) của thời gian, một cảm thức vô thường và phi lý của đời người và của vũ trụ, nó như một chất men, hoặc mạnh hơn, một loại ma tuý cuốn hút người ta vào vòng xoáy vô tận của vũ trụ; (iii) ấn tượng 3: khung sắt sơn trắng, nhẹ nhàng, với những thanh sắt nhỏ được xếp đều đặn khoảng 5cm/thanh tạo ấn tượng tỉnh thức, duy lý, vĩnh hằng và bình yên, bất khả huỷ; (iv) ấn tượng 4: 4 thớt xi măng tròn, đỡ lấy toàn bộ các yếu tố sắp đặt được mô tả ở trên, tạo ấn tượng vận động phát triển, nhưng vững chắc, đáng tin cậy, giống như một cột vũ trụ, một thứ vũ trụ luận vừa nguyên thuỷ, vừa vô hạn; (v) ấn tượng 5: tờ báo gây một cảm giác về một sợi dây nối với đời thường, thoáng chốc; những vui buồn nơi trần thế, những khát vọng đơn giản, hàng ngày, cho dù có thể nó do ai tình cờ ném bỏ, hoặc thậm chí do gió thổi tới ngay khi tác giả của bức ảnh bấm máy.

5.3. Phân tích: Đối với tôi, đối với cái văn bản do tôi tham gia xây dựng cùng với cô thì rõ ràng là Hằng đã cố gắng tạo dựng cho mình một vũ trụ nhận thức theo quan niệm của cô. Ðể tạo dựng vũ trụ đó, Hằng đã tự phân thân, hoặc nói cách khác, cô đã vượt thoát ra khỏi cái ngã tính thường tình của các mối quan hệ, các rung động tình cảm thông thường của một cá nhân bình thường để khẳng định một ngã khác – mà tôi gọi là siêu ngã. Siêu ngã không đơn thuần chỉ là một ngã xã hội tính, siêu ngã là một ngã tâm linh, một ngã ý thức tính. Ðiểm đặc trưng tiêu biểu nhất của một siêu ngã là quá trình thăm dò cảm thức của chính mình để vượt lên chính bản thân mình. Quá trình đó được thể hiện trước hết bằng một lối nhìn khác về thế giới thông qua việc quan sát bản thân. Khi quan sát bản thân mình có nghĩa thay vì đối lập mình với thế giới, cô đã đối lập mình chỉ duy nhất với bản thân mình để tự vấn. Khác với cách tiếp cận tự vấn về đạo đức - bởi những mặc cảm đạo đức, Hằng có một cách tiếp cận riêng của thế hệ cô, để tự vấn về cuộc chiến giữa cô và thế giới đồ vật. Ai sẽ thắng? Cô trở thành đồ vật hay thế giới đồ vật sẽ bị cô chinh phục? Với lối tiếp cận đó cô muốn chinh phục thế giới đồ vật bằng nhân tính và trí tuệ.

6. Tạm kết

Chỉ với bảy chiếc nắp cống, một tấm ván mục, một khung sắt, vài cái hòn kê Hằng đã mời gọi chúng ta cùng với cô tham gia tạo dựng được không chỉ một bài thơ, không chỉ một tác phẩm nghệ thuật (sắp đặt?), mà còn kể được một câu chuyện hệ trọng hơn nhiều. Ðó là câu chuyện sáng thế hiện đại, một sáng thế không phải do Chúa, không phải do một chủ thể nào khác ngoài những con người bình thường như cô, như bạn, như tôi, như tất cả chúng ta, những người có đủ năng lực để cùng xây đắp chính cái thế giới mà chúng ta hình dung, chúng ta mong muốn bằng trí tuệ và bằng nhân tính.

© 2006 talawas

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét