Powered By Blogger

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Trước Iban và Việt



Trước Iban và Việt

Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga


Tôi đang đọc cuốn sách năm 1970 của Robert Pringle Rajahs and Rebels: The Ibans of Sarawak under Brook Rule, 1841-1941 (Ithaca: Cornell University Press) – Các vị vua và Những kẻ nổi loạn: Người Iban Sarawak dưới Triều đại Brook 1841-1941, và phát hiện được một số thông tin đáng chú ý về cái gọi là “sự hình thành tộc người” hoặc một quá trình mà một nhóm người cho rằng họ là một tộc người riêng biệt. 

Nếu chúng ta quay ngược thời gian để nói về những năm 1950, thì sẽ thấy lúc đó nhiều người tin rằng các nhóm tộc người đại diện cho các cộng đồng lâu đời có chung ngôn ngữ, lãnh thổ, tổ tiên và các truyền thống.

Sau đó, vào năm 1969, nhà nhân học Na Uy là Fredrick Barth đã xuất bản một công trình, trong đó ông cho rằng các nhóm tộc người không phải có tính căn nguyên và không thay đổi, mà thay vào đó, chúng được tạo ra thông qua các tương tác. Trong các quá trình tương tác này, một số người nảy sinh ý thức đồng nhất với người khác, và phân biệt mình khỏi các nhóm người khác.

Thế có nghĩa là ngay trong những trường hợp này khi con người vạch ranh giới giữa họ và những người khác, thì các ranh giới này cũng luôn luôn có khả năng bị chọc thủng, và tính không đồng nhất tiếp tục tăng lên trong chính cái nhóm đã xác định mình riêng biệt với các nhóm khác. [Xem Fredrick Barth, Ethnic Groups and Boundaries: The Social Organization of Culture Difference (London: Allen & Unwin, 1969) – Các nhóm Tộc người và các Ranh giới: Tổ chức Xã hội của sự Khác biệt Văn hóa].

Công trình của Pringle về người Iban công bố năm 1970 rõ ràng là ủng hộ cho các tư tưởng của Barth. Chẳng hạn, Pringle nói về quá trình hình thành người Iban, một trong số những nhóm tộc người chủ yếu trên đảo Borneo:

“... Trước khi người Iban bắt đầu tiếp xúc với những người Châu Âu thì họ không có từ nào để thể hiện tính thống nhất văn hóa tương đối của mình, không khác gì các thành viên của các xã hội bộ lạc khác ở Sarawak. Họ tự xác định mình bằng con sông: “Chúng ta là Skrang” (kami Skrang) hoặc “Chúng ta là Undup” (kami Undup), và đôi khi chỉ đơn giản “Chúng ta là vùng này” (kami menoa) – trong đó menoa có thể là một khúc sông, hoặc chỉ là một lãnh thổ của một đơn vị làng – duy nhất một nhà dài” [18-19].

Theo Pringle, thì nhờ có quá trình tương tác với người Châu Âu mà người ta muốn biết “tên gọi” của mỗi bộ lạc, mà trước đó bản thân họ không hề tưởng đến các tên gọi như vậy.

Khi đọc người Iban tôi lại nghĩ về “người Việt”. Giống như mọi nhóm tộc người, ý nghĩ là người “Việt” có lẽ đã xuất hiện thông qua quá trình tiếp xúc với các nhóm người được hiểu là khác nhau, mà không mong muốn tự phân biệt khỏi các nhóm người khác đó. 

Vậy thì ai là những nhóm khác đó? Tôi cho rằng ngày nay nhiều người sẽ nói ngay đó là “người Trung Quốc”. Tuy nhiên, như tôi đã đề cập ở đây [có đường link đến bài The Problem of the Term “Việt” In a National History, 06Sep12 – Vấn đề từ “Việt” trong một bộ Quốc sử], việc lần đầu tiên sử dụng tên gọi “Việt” trong các bối cảnh chính trị mà cái tên này được những con người vốn là một phần của thế giới văn hóa Hán sử dụng. Hơn nữa, một số người này lại sống ở chính những nơi mà ngày nay gọi là những vùng đất “Trung Quốc”. 

Vậy thì nếu trong thời gian đó “Việt” được sử dụng để phân biệt giữa nhóm này với nhóm khác, thì đó chính là sự phân biệt do giới tinh hoa chính trị tạo ra để có chung một thỏa thuận lớn trong khuôn khổ văn hóa và tư tưởng. Sự khác biệt ấy phải liên quan đến việc kiểm soát chính trị, mà không hề là tộc thuộc. Tôi cho rằng Lí Bí và Lâm Sĩ Hoằng* (được đề cập trong bài có đường link ở trên) có nhiều điểm chung với nhau hơn là những gì họ đã có với nhiều người xung quanh mình.

Vì vậy liệu từ “Việt” có bắt đầu xác định một nhóm tộc người không? Nó đã được tạo ra như thế nào? Nó được tạo ra để đối lập với nhóm người nào? Những người khẳng định mình là “Việt” đã sống ở đâu? Đó chắc là một vùng nhỏ hơn nhiều so với vùng đất Việt Nam ngày nay, hoặc thậm chí đó chính là nơi mà ngày nay chúng ta gọi là bắc Việt Nam.
______________________________________


* Ghi chú của người dịch: Để tiện cho người đọc hiểu rõ hơn ý tưởng của Le Minh Khai - Liam Christopher Kelley trong nhận xét về sự tương đồng giữa hai nhân vật trên, chúng tôi xin cung cấp thêm thông tin vắn tắt về Lâm Sĩ Hoằng (?-622), được sử sách Trung Quốc ghi lại như sau: 林士弘,江西鄱陽人,隋末隨同鄉操師乞,任為大將軍率眾攻占豫章郡城,操師乞戰死,他繼領其眾,大敗隋軍於鄱陽湖殺隋將劉子翊,眾至十餘萬,遂佔據虔州,起初稱南越王”,後稱,國號楚”,定都豫章,年號太平,大業十二年[新唐書,宰相世系表]. Lâm Sĩ Hoằng là người Bà Dương, Giang Tây, vào thời Tùy mạt, theo người đồng hương là Tháo Sư Khất, nhậm chức đại tướng quân, dẫn chúng nổi dậy, đánh chiếm quận thành Dự Chương; Tháo Sư Khất chết trận, Hoằng lên thay, đánh cho quân Tùy đại bại tại hồ Bà Dương, giết chết tướng Tùy Lưu Tử Dực và hơn mười vạn người, rồi chiếm Kiền Châu [nay là Cám Châu, tỉnh Giang Tây], buổi đầu xưng Nam Việt vương, sau xưng đế, lấy quốc hiệu là Sở, đóng đô tại Dự Chương, niên hiệu Thái Bình, đại nghiệp kéo dài 12 năm, [Tân Đường thư, Tể tướng Thế hệ biểu].


Nguồn: Before Iban and Việt, leminhkhai.wordpress.com/2012/10/09/


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét