Powered By Blogger

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

UNESCO, Vua Hùng, và các Lợi ích Mù mờ



UNESCO, Vua Hùng, và các Lợi ích Mù mờ

Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga


Lời người dịch: Trên trang mạng leminhkhai.wordpress.com có một số bài viết ngắn đề cập đến các vấn đề quan trọng về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Chúng tôi cố gắng dịch và chuyển tải đến những ai liên quan - quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các trao đổi giúp làm rõ vấn đề mà tác giả Le Minh Khai [Liam Christopher Kelley] đặt ra nhằm thúc đẩy học thuật phát triển.


Vậy là UNESCO vừa đưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương vào “Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại”. Tin này lan nhanh, và thật thú vị khi nhận thấy những khác biệt về điều đang được nói đến.

Thông tin đầu tiên mà tôi đọc được bằng tiếng Việt nói rằng “Việc Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận, cho thấy thế giới đánh giá rất cao, đồng thời cũng thừa nhận đời sống tâm linh của người Việt Nam, vốn đã có từ hàng nghìn năm nay”.

Quay qua tiếng Anh, tôi nhanh chóng nhận ra một bài viết trên Báo Mới nói rằng “Có hơn 1400 đền thờ Vua Hùng ở trên cả nước, thể hiện lòng tôn kính của người Việt với tổ tiên”.

Điều đó làm tôi băn khoăn – Có phải UNESCO đã thực sự chứng tỏ rằng tổ chức này vừa mới công nhận một di sản văn hóa phi vật thể “dân tộc” đã tồn tại trong “hàng ngàn năm”?

Trở lại với trang web của UNESCO, tôi đọc được thông báo chính thức này với đầu đề “Worship of Hùng kings in Phú Thọ, Viet Nam” Tín ngưỡng thờ cùng Hùng vương tại Phú Thọ, Việt Nam:

“Hàng năm những người hành hương về Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh tại tỉnh Phú Thọ để tưởng niệm tổ tiên họ và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người may mắn, khỏe mạnh. Lễ hội Thờ cúng Tổ tiên được tổ chức trọng thể trong vòng một tuần vào tháng Ba âm lịch. Người dân địa phương mặc lễ phục lộng lẫy và tổ chức hội thi chọn những chiếc kiệu đẹp nhất cùng những lễ vật quý nhất. Các cộng đồng người chế biến những loại cao lương, mỹ vị bằng gạo và trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian, đánh trống đồng, hát Xoan, tế lễ và cầu cúng”.    

Vậy là ở đây chẳng hề có cái gì về dân tộc, cũng chẳng có cái gì về thời gian. Đó thực ra là một lễ hội đương đại hàng năm trong đó “người hành hương” tưởng niệm “các tổ tiên họ”. Đó có phải là tổ tiên của riêng họ? Những người dựng nước?

Quay trở lại với trang web của UNESCO trong đó có mô tả chi tiết hơn về di sản văn hóa phi vật thể này, tôi đọc thêm được một câu sau: “Truyền thống đó là hiện thân của sự gắn bó tâm linh và tạo cơ hội hiểu biết về các cội nguồn dân tộc và cội nguồn bản sắc đạo đức và văn hóa Việt Nam”.

Thật là một nhận định tuyệt vời mù mờ!

“Truyền thống đó là hiện thân của sự gắn bó tâm linh” đối với ai? Những người hành hương ư? Người dân Phú Thọ à? Toàn thể dân tộc Việt Nam sao?

Và “truyền thống đó” cũng “tạo cơ hội hiểu biết về các cội nguồn dân tộc và cội nguồn bản sắc đạo đức và văn hóa Việt Nam”. Chính xác ra thì điều đó có nghĩa gì? Phải chăng ý nghĩa đó là “Hùng vương [đã] dựng nước”? Điều đó có nghĩa là “Hùng vương có thật”? Đó là các quan điểm mà các học giả ở Bắc Việt Nam đã nhấn mạnh vào cuối những năm 1960. Có phải UNESCO cũng đồng ý với các quan điểm này?

Vậy nếu các bạn đọc các báo tiếng Việt thì sẽ thấy rằng UNESCO phải đồng ý với một cái gì đó bằng những dòng này. Nhưng nếu các bạn đọc những gì mà UNESCO thực sự viết ra thì các bạn có thể thấy rằng những người ở cơ quan UNESCO cực kỳ thận trọng về những gì họ nói, và trong một số cách thì họ rất chính xác trong cái mù mờ của mình.

Tuy nhiên ở đoạn cuối đập vào mắt tôi là một câu đặc biệt chính xác trong một thông báo bằng tiếng Việt cho rằng đây là một tin hết sức vui đối với tỉnh Phú Thọ: “Niềm vui này đối với tỉnh Phú Thọ còn tăng lên gấp đôi. . .”. Bất kể những gì người ta nghĩ về vấn đề lớn lao hơn về các vua Hùng (và mọi người thực sự có những quan điểm khác nhau) thì khách du lịch sẽ đến Phú Thọ nhiều hơn, và điều đó chắc chắn sẽ làm cho một số người rất vui sướng. Và ở một mức độ ít nhạo báng hơn thì chắc chắn điều đó cũng sẽ làm cho người ta thực sự hạnh phúc và tự hào. Vì vậy đó là tin tốt đối với họ. Nhưng còn các sử gia...
__________________________________


Nguồn: Le Minh Khai [Liam Christopher Kelley] UNESCO, Hùng  Kings, and the Benefits of Being Vague, leminhkhai.wordpress.com/ 6th December, 2012.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét