Jessica Marian
Người dịch: Hà Hữu Nga
Một loạt đoạn trích từ những bức thư giữa Hegel và Niethammer, trong đó nêu chi tiết về mong muốn của Hegel là không công bố lễ đính hôn của mình và trì hoãn đám cưới (cả ngăn cản của Niethammer). Sau đó, được tái hiện trong Glas, là hai bức thư do Hegel viết cho Marie vào buổi tối trước lễ cưới của họ, dường như là để trả lời về một số bất đồng hoặc tranh cãi. Hegel nhắc lại rằng tình yêu của họ là sự trở thành một của họ—“phân biệt tình yêu của em dành cho anh và tình yêu của anh dành cho em […] sẽ chia cắt tình yêu của chúng ta: tình yêu này chỉ dành riêng cho chúng ta, chỉ là nhất tính này, mối liên kết này”62—tuy nhiên, bức thư thứ hai kết thúc bằng một ghi chú khá đen tối. Hegel viết, “[E]m biết rằng có những người đàn ông độc ác hành hạ vợ mình chỉ để hành vi của họ, cùng với sự kiên nhẫn và tình yêu của họ, có thể liên tục chịu thử thách. Anh không tin rằng mình độc ác đến vậy. Tuy nhiên, mặc dù không bao giờ phải làm hại một con người đáng yêu như em, anh gần như không hối hận vì đã làm tổn thương em […] hãy yên ủy rằng những gì có thể không mấy tử tế và gay gắt trong lời đáp của anh sẽ biến mất thông qua thực tế là anh cảm thấy và nhận ra sâu sắc hơn bao giờ hết rằng em thật đáng yêu, em đang yêu và tràn đầy tình yêu.”63 Phần trích đoạn dài này từ các bức thư của Hegel thường bị bỏ qua trong các phản hồi đối với Glas. Tuy nhiên, tôi tin rằng những bức thư này thực sự đóng một vai trò quan trọng trong việc phá vỡ và làm xáo trộn diễn ngôn lớn hơn của cột Hegel và trong việc đưa các yếu tố mâu thuẫn vào hệ thống dường như toàn diện của phép biện chứng Hegelian (và rất đáng chú ý vì đây là những bức thư cá nhân của Hegel, nên những yếu tố này được coi là nội tại đối với hệ thống đó). Tập hợp các bức thư này làm sáng tỏ vô số mối quan tâm lãng mạn của Hegel, Marie và Nanette—vì vậy có lẽ Hegel không còn thực hành chế độ một vợ một chồng nữa. Người ta cũng cho rằng Hegel kín tiếng về việc công bố và tiến tới việc đính hôn với Marie—vì vậy có thể Hegel đang sao nhãng nghĩa vụ đạo đức của mình đối với hôn nhân. Hơn nữa, tình yêu của Hegel không chỉ đòi hỏi kết hợp, mà còn tiềm ẩn tính tàn nhẫn và đe dọa bạo lực.
[Tr.227] Phần này cũng bao gồm một nhận xét ngắn thú vị, trong đó Derrida viết: “Marie (một trong ba người).”64 Ai sẽ là người thứ ba trong phương trình này? Câu trả lời được đưa ra ngay ở dòng judas đầu tiên: “người sẽ được xướng tên ở đây là Christiane”, người em gái của Hegel65. Thật bổ ích khi đọc judas này cùng với một judas khác được tìm thấy sau đó một chút trong văn bản tập trung vào bệnh tâm thần của Christiane như được [thêm một lần] giải thích thông qua các bức thư của Hegel, một số được gửi cho Christiane và những bức khác được gửi cho “anh họ Göriz” của họ, người dường như đã hỗ trợ Hegel trông coi điều trị và công việc của em gái mình trong thời gian cô ấy đau ốm. Như một dạng giới thiệu cho những lá thư này, Derrida ghi chú một số chi tiết tiểu sử của Christiane và Hegel theo cách rất chọn lọc và gợi ý—ông viết, “Em gái của Hegel, Christiane, đã tự tử vào năm 1832, ngay sau cái chết của anh trai mình. Vào năm 1820 cô đã bị nhốt tại nhà thương điên Zwiefalten […] ‘Những rắc rối về thần kinh’ của cô bắt đầu vào năm 1814 (sau cái chết của Georg Ludwig [cha của họ], khi Marie Hegel đang mong đợi đứa con trai đầu lòng của mình).”66
Thông qua các judas, Derrida tạo dựng lối ám chỉ hướng đến khả tính khát khao lãng mạn hoặc ham muốn tình dục giữa ả em gái này và gã anh trai nọ. Điều đó đặc biệt đáng chú ý khi xét đến vị trí của nó trong một thảo luận về cách Hegel đọc Antigone, là tích truyện đã xác quyết và ngợi ca mối quan hệ phi tình dục độc đáo giữa người anh trai và cô em gái: “Mối quan hệ anh-trai-và-em-gái, một mối quan hệ phi tình dục”67, “Anh trai và em gái ‘không khao khát nhau’.”68 Thật vậy, như Sina Kramer đã thảo luận, “do đó một luồng đam mê âm ỉ chảy ngầm bên dưới” thì việc thảo luận về Christiane trong Glas, đã ám chỉ “một ham muốn loạn luân đối với em gái, điều này hỗ trợ ngầm tuyên bố của Hegel cho rằng giữa anh trai và em gái chỉ khả thể thừa nhận vì trong mối quan hệ đó không có ham muốn tình dục.”69 Theo góc nhìn này, ham muốn của Hegel mang một màu sắc hoàn toàn khác; đó là đa thê, phi-Cơ đốc giáo, loạn luân, bạo lực, đồi trụy, hoàn toàn có xu hướng vi phạm và phi lý. Trong khi đó, về phía Genet, sự lưu thông và thay thế các đối tượng chỉ tạo ra các mảnh vỡ. Nếu chúng ta hiểu các đoạn trích của Genet là đối lập và có lẽ là giải cấu trúc hệ thống của Hegel thì bản thân điều này lại nảy sinh một vấn đề mới—liệu việc trao đặc ân cho đoạn trích này có đơn thuần là bái vật giáo đoạn trích, biến đoạn trích thành đối tượng thiết yếu không? Vấn đề này được nêu ra trong một đoạn chính mà Derrida trích dẫn từ Journal du voleur - Nhật ký của Tên trộm của Genet; đoạn trích khá dài, nhưng có thể trích dẫn thêm: ‘“Bắt đầu đi!”’ ‘Với cử chỉ của bàn tay linh hoạt, hắn ra hiệu cho tôi là hắn muốn cởi đồ. Như những buổi tối khác, tôi quỳ xuống để tháo chùm nho. [Tr.228] ‘Bên trong quần của anh ta có ghim [epinglé] một chùm nho mỏng bằng sợi xenluloza nhồi bông. (Chúng to như quả mận xanh; những người phụ nữ Tây Ban Nha thanh lịch thời đó treo chúng trên chiếc mũ rộng vành của họ.) Bất cứ khi nào một kẻ đồng tính nào đó ở Criolla bị kích động bởi đã sưng lên, đều đặt tay vào khóa quần, những ngón tay kinh hoàng của anh ta sẽ chạm phải vật này, mà họ sợ rằng đó là một chùm kho báu thực sự của anh ta, chiếc cành cây - thật buồn cười - có quá nhiều trái treo lủng lẳng. ‘Criolla không chỉ là một quán rượu của các nàng tiên. Một số chàng trai mặc váy nhảy ở đó, mà cả phụ nữ cũng vậy. Gái điếm mang theo ma cô [macs] và khách hàng của họ. Stilitano sẽ kiếm được rất nhiều tiền nếu không khạc nhổ vào lũ đồng tính. Anh ta khinh thường họ. Anh ta tự mua vui cho mình bằng sự khó chịu của họ đối với chùm nho. Trò chơi kéo dài một vài ngày. Vậy nên tôi tháo chùm nho được ghim vào chiếc quần xanh của anh ta bằng một chiếc ghim băng [épingle de nourrice], nhưng thay vì đặt nó lên lò sưởi như thường lệ và cười (vì chúng tôi sẽ phá lên cười [éclations] và đùa cợt trong suốt quá trình thao tác), tôi không thể kiềm chế được mà không giữ nó trong hai bàn tay khum lại và áp má vào đó. Ngay trên đầu tôi, khuôn mặt của Stilitano trở nên gớm guốc. “‘Thả nó xuống (ça), đồ khốn!’” ‘Để mở khóa quần, tôi đã ngồi xổm trên hai chân, nhưng cơn thịnh nộ của Stilitano, nếu sự nhiệt tình thường ngày của tôi không đủ, đã khiến tôi quỳ xuống. Đó là tư thế mà khi đối mặt với anh ta, tôi thường lấy tinh thần bất chấp bản thân mình. Tôi không nhúc nhích. Stilitano nện tôi bằng cả hai chân và một nắm đấm. Tôi đã có thể trốn thoát. Nhưng tôi vẫn ở đó. “‘Chìa khóa ở trong cửa”, tôi nghĩ. Qua cú tung chân đá tôi trong cơn thịnh nộ của Stilitano, tôi thấy chìa khóa kẹt trong ổ khóa, và tôi muốn xoay hai vòng để được nhốt riêng với tên đao phủ của mình. Tôi không gắng hiểu nguyên do cơn giận dữ của hắn, cơn giận dữ quá mức vô cớ, vì thần trí [esprit] tôi không quá để ý đến động cơ tâm lý. Còn Stilitano, từ ngày đó trở đi, hắn không còn đeo chùm nho nữa. […] ‘Chùm nho trên bệ lò sưởi làm tôi ghê tởm [m’écoeurait]. Một đêm [tr.229] Stilitano thức dậy để ném nó vào đống rác bẩn thỉu. Trong thời gian hắn đeo nó, nó không làm hỏng vẻ đẹp của hắn. Ngược lại, vào buổi tối, nó hơi vướng víu chân hắn, khiến chúng hơi cong và bước chân của hắn [pas] hơi vòng tròn và nhẹ nhàng, và khi hắn đi [marchait] gần tôi, trước hoặc sau tôi, tôi cảm thấy một sự kích động thích thú vì chính tay tôi đã chuẩn bị nó. Tôi vẫn nghĩ rằng chính nhờ quyền năng quỷ quái của những quả nho này mà tôi đã gắn bó với Stilitano.70
Ở đây, chùm nho ghim trên bộ phận sinh dục của Stilitano rõ ràng thay thế cho dương vật. Giống như dương vật, nó là một vật thể có thể tháo rời và chủ yếu là một vật thể biểu nghĩa. Rõ ràng là chùm nho trở thành một bái vật đối với người kể chuyện, là kẻ cho rằng những quả nho có một “quyền lực ma quái” và thấy mình không thể không cầm nó trong tay, như một vật thể quý giá, và áp má vào nó. Đáp lại, yêu cầu của Stilitano—“Bỏ nó xuống, đồ khốn”—có lẽ là cái còn lại/lời nhắc nhở về khả tính thay thế và lưu thông triệt để của các vật thể gắn chặt với Genet nói chung—đừng chạm vào nó, đừng giữ nó trong tay, đây không phải là vật thể đặc quyền, hãy bỏ nó xuống. Stilitano (và Genet) phủ nhận thứ bái vật đó thông qua lời khẳng định về khả tính thay thế và lưu thông, vốn phủ nhận một vật thể đặc quyền duy nhất. Nhưng đoạn văn cũng mô tả cụ thể phản ứng dữ dội của Stilitano là “quá không cân xứng với nguyên do của nó” - do đó, cũng có ý nghĩa rằng nền kinh tế thay thế có khả năng tự nhấn chìm trong vận động bái vật và ngắm-dương vật của chính nó. Nếu chùm nho bị làm rơi (“Bỏ nó xuống, đồ khốn”), thì khả tính thay thế của nó trở thành một đặc điểm thiết yếu, vốn phải được bảo vệ nghiêm ngặt; do đó, chùm nho trở thành cả hư vô và tất cả, nó trở nên không thể chạm tới, thậm chí là linh thiêng. Nền kinh tế của ham muốn dựa trên sự tương đương chung của các đối tượng và sự thay thế vô tận của chúng được thấy đang vận hành trong cột Genet do đó bị đặt thành vấn đề. Đây là một vấn đề cốt yếu trong Glas vì nó gợi ý rằng tình trạng phân mảnh không còn có thể được ban đặc ân với tư cách là cơ sở để giải cấu trúc hệ thống hoặc tổng thể tính nữa.
Điều tôi muốn rút ra không chỉ đơn giản là các judase dàn dựng một sự đảo ngược các khuôn khổ; không phải là vấn đề Genet trở nên giống Hegel hay Hegel trở nên giống Genet, mà đúng ra là vấn đề liên quan đến tình trạng mất ổn định các công cụ phân loại và phạm trù được sử dụng để xác định lập trường liên quan đến Genet hay Hegel hoặc cách thức mà chúng có thể được tạo ra để liên hệ trong văn bản này. Derrida sử dụng một phong cách lập luận gián tiếp thiên về cách chơi chữ với tên gọi và từ ngữ cũng như ý nghĩa hoặc hàm ý ngầm. Trong Glas, sự vận động làm mất ổn định này không chỉ đơn thuần là mục đích tự thân. Thay vào đó, nó liên quan đến nỗ lực của Derrida nhằm tránh [tr.230] việc nắm giữ một lập trường tuyệt đối. Đây là nỗ lực phủ nhận khả tính có một lập trường tuyệt đối, nhằm moi ruột tước đi lập trường hiểu biết tuyệt đối. Trong chừng mực Derrida định vị Hegel là triết gia của tri thức tuyệt đối (saviour absolu), điều này cũng có nghĩa là nỗ lực tránh lập trường của Hegel. Nhưng lập trường Hegelian không thể tránh được chỉ bằng cách liên kết với Genet, được khái niệm hóa như một nhân vật hoàn toàn đối lập với Hegel—vì điều này cuối cùng cũng sẽ giả định một lập trường tri thức tuyệt đối. Logic của phép biện chứng Hegel đã ngăn chặn trước sự khác biệt tuyệt đối. Bằng cách làm mất ổn định và làm suy yếu lập luận và diễn giải tuyến tính, hai cột bị khóa trong tình huống không thể quyết định trong đó người ta không thể lựa chọn liệu chúng có chống lại (đối lập) nhau hay chống lại (trong tính kề cận) nhau hay không. Do đó, phong cách gián tiếp, gợi cảm và phức tạp của Glas hướng tới sự phá vỡ quá trình tự-thừa nhận một lập trường tri thức tuyệt đối.
Trích dẫn/Loại trừ
Trong Glas, người ta có thể nhận thấy đôi khi thiếu dấu trích dẫn và liên tục loại trừ các tham khảo trang theo các tiêu chuẩn trích dẫn học thuật đã được thiết lập. Derrida trích dẫn hoặc tham khảo Genet, Hegel, và một số người khác bao gồm Kant, Sartre, Kierkegaard, Freud, Saussure, Poe, Bataille và Mallarmé một cách tự do, dài dòng, nguyên văn hoặc không, đôi khi không sử dụng dấu ngoặc kép, và luôn không có chi tiết trích dẫn như số trang hoặc số đoạn. Tôi cho rằng, cách làm này có ba tác động quan trọng: thứ nhất, nó tạo ra một loại nhầm lẫn về giọng nói trong văn bản khiến người ta khó phân biệt được tác phẩm của Derrida với tác phẩm của Genet, Hegel hoặc Kant, v.v.; thứ hai, nó khiến người đọc cực kỳ khó phân biệt được liệu một trích dẫn đã được rút gọn, thay đổi, cắt xén hay chưa; và thứ ba, nó làm suy yếu khả tính có một văn bản khép kín, hoàn chỉnh hoặc độc lập bằng cách làm mờ ranh giới giữa văn bản này và những văn bản mà nó trích dẫn.
Marie Maclean đã cho rằng, “[t]rong suốt Glas, một trò chơi với ngôi thứ nhất không hề thay đổi ở cột bên phải (Genet)”, và “thường cố tình không chắc chắn liệu giọng nói mà chúng ta nghe thấy có phải là Genet đang nói hay không, hay đó là giọng của Jacques Derrida.”71 Trong khi các thảo luận về giọng nói có xu hướng chỉ xuất hiện trong các phân tích chịu ảnh hưởng của Genet về Glas, thì hiệu ứng này cũng không kém phần chính xác đối với cột Hegel. Tình trạng thiếu các tham khảo số trang và việc sử dụng dấu ngoặc kép không nhất quán, cũng như độ dài cực lớn của một số trích dẫn, nhiều trích dẫn trong số đó có xu hướng [tr.231] không được tiếp nối trước hoặc sau nó bằng bất kỳ loại bình luận hoặc phản ánh liên quan nào, khiến cho trải nghiệm đọc trở nên khó khăn vì việc trích dẫn trực tiếp, diễn giải, tóm tắt, bình luận và lập luận có thể xuất hiện nhưng không thể phân biệt được với nhau. Như Magedera viết, việc bỏ đi “dấu ngoặc kép và tham khảo số trang cho phép trích dẫn được định vị chính xác bên ngoài Glas,” khiến cho các trích dẫn “không còn chức năng […] với tư cách bằng chứng có thể xác minh bên ngoài”, do đó làm suy yếu “sự phân chia nghiêm ngặt giữa trích dẫn và bình luận.”72
Liên quan đến tình trạng này, việc thiếu các chi tiết trích dẫn khiến cho người đọc không thể phân biệt được liệu Derrida có cắt, viết tắt hay tách bất kỳ trích dẫn cụ thể nào ra khỏi ngữ cảnh hay không và khi nào. Thật vậy, Derrida viết về các trích dẫn của mình là “cần thiết phải cắt, xén tỉa [coupures], lặp lại, hút, cúp, treo, chọn, vá [coutures], đẽo, ghép, nhại, các cơ quan không có cơ thể riêng của chúng”.73 Hơn nữa, nếu không có thông tin trích dẫn, sẽ rất khó để biết Derrida trích dẫn và không trích dẫn văn bản nào. Tina Chanter đã rất tinh tế chỉ ra cái vắng mặt khá dễ thấy.74 Cô lưu ý đến sự kết hợp của các khoảnh khắc trong cọc Hegel: đầu tiên, cọc Hegel có một thảo luận kỹ càng về khác biệt giới tính và quan hệ vợ chồng; thứ hai, văn bản nhiều lần đề cập và ám chỉ đến phép biện chứng ông chủ/nô lệ của Hegel; và thứ ba, Derrida lồng vào một thảo luận tương đối ngắn gọn nhưng khá chói tai quan điểm khủng khiếp của Hegel về châu Phi và chế độ nô lệ (trích từ Vorlesungen über die Philosophie der Weltgeschichte - Bài giảng về Triết học Lịch sử Thế giới của ông).
Với sự kết hợp các điểm này trong tâm trí, Chanter lập luận rằng “điều đáng chú ý là Derrida không đề cập đến gợi ý của Hegel [trong Ethiksystem - Hệ thống Đạo đức] cho rằng mối quan hệ chủ nô/nô lệ phải được hiểu liên quan đến sự khác biệt giữa các giới tính”75 và lưu ý đến thực tế là Derrida “đặc biệt loại trừ văn bản này khỏi cân nhắc của mình, khi tuyên bố rằng, trong số các văn bản đề cập đến “cuộc tử chiến để được công nhận”, “văn bản duy nhất giải thích cuộc đấu tranh trong các vấn đề gia đình” là Philosophie des Geistes - Triết học Tinh thần.”76 Chanter dựa vào một phân tích của Christopher Arthur giải thích rằng một vài trang đóng của Hệ thống Đạo đức, phát triển lập luận sau: “Mối quan hệ giữa chủ nô và nô lệ bắt nguồn từ các sự kiện tự nhiên (ở tr. 125) nhưng nó có thể đạt tới ổn định của một hình thức xã hội, đó có thể là “đạo đức” (ở tr. 126): điều này thấy rõ trong gia đình (ở tr. 127).”77 Do đó, Arthur cho rằng Hegel rút ra một “gắn kết rõ ràng giữa mối quan hệ chủ nô-nô lệ và hôn nhân”78, và Hegel “tạo ra mối liên hệ giữa quyền lực và hôn nhân”79, “ông khái niệm hóa gia đình trên cơ sở phát triển của quyền lực và ràng buộc.”80
[Tr.232] Có lẽ là hữu ích khi tái hiện khoảnh khắc trong Glas mà Chanter đã chú ý đến: Ở đây, cuộc đấu tranh đến chết để được công nhận diễn ra. Nó thường được biết đến dưới hình thức mà Phänomenologie des Geistes - Hiện tượng học Tinh thần mang lại. Trước đây, ba văn bản đã đề cập đến nó: System der Sittlichkeit - Hệ thống Đạo đức (sớm hơn một chút so với Jenaer Philosophie des Geistes - Triết học Tinh thần Jena), Jenaer Realphilosophie - Triết học Thực tế Jena (gần như cùng thời với Phänomenologie des Geistes - Hiện tượng học Tinh thần) và Philosophie des Geistes - Triết học Tinh thần. Câu cuối cùng này là câu duy nhất giải thích về cuộc tranh đấu trong một hệ vấn đề gia đình.81 Chanter lập luận rằng việc không đề cập đến mối quan hệ chủ nô/nô lệ-chồng/vợ trong System der Sittlichkeit - Hệ thống Đạo đức “là một trong những điểm mà Derrida có thể chịu ảnh hưởng, một cách có ý thức hoặc vô thức, bởi một điểm mù khi nói đến việc suy nghĩ về mối quan hệ giữa sự khác biệt giới tính và chế độ nô lệ”.82 Sơ xuất của Derrida, như được gợi ra, là một thất bại trong lập luận, một lỗ hổng khiến cho lập luận không toàn diện, quá dễ bị bác bỏ, không đầy đủ, phi tổng thể. Nhưng có lẽ cần phải chỉ ra rằng System der Sittlichkeit - Hệ thống Đạo đức được đề cập cụ thể vào đúng thời điểm mà nó có vẻ phù hợp nhất, và sau đó bị lập tức chủ động bác bỏ. Có lẽ chúng ta có thể hiểu lỗi bỏ sót này, ở một mức độ nào đó, như một loại trừ năng động.83 Khi làm như vậy, chúng ta có thể thấy cử chỉ loại trừ này khiến người đọc có tính phê phán rời xa Glas, hướng đến các văn bản và các liên-văn bản khác.
Theo logic này, tôi muốn đề xuất một văn bản Hegelian khác liên quan đến mối gắn kết phương ngữ chủ nô/nô lệ với mối quan hệ giữa chồng và vợ—một văn bản được Arthur chỉ ra, trong cùng một bình luận mà Chanter sử dụng. Đó là một lá thư khác, do Hegel viết cho người bạn Caroline Paulus vào tháng 7 năm 1811 (vài tháng trước lễ cưới của Hegel và Marie vào tháng 9). Hegel kể về hạnh phúc của mình; Marie xen vào với những bình luận ở lề. Có một lúc, Hegel gọi chồng của Caroline, Giáo sư Paulus, là “lãnh chúa và chủ nô”.84 Ở lề lá thư, Marie nói thêm, “Mặc dù lãnh chúa và chủ nô của tôi viết rất dài dòng trong bức thư của mình, và dù góc nhỏ mà ông ấy giao cho tôi có khiêm tốn đến đâu, thì tôi vẫn biết rằng Caroline Paulus tốt bụng sẽ không quên tôi. Tôi đã thì thầm cất tiếng trong suốt bài diễn thuyết của chủ nhân tôi. Nhưng mỗi lần tôi vẫn đều kính cẩn lắng lại, mặc dù tôi rất muốn hân hạnh củng cố [tr.233] nhiều điều một cách dài dòng hơn.”85 Ở đây mối kết nối được tạo ra giữa vợ và chồng, giữa ông chủ và nô lệ, khó có thể minh bạch hơn. Cũng có một liên quan hiển hiện đến đoạn thảo luận của Glas về họ tộc Hegel/gia đình riêng của Hegel và việc sử dụng một cách cẩn trọng các lá thư riêng tư của Hegel trong văn bản. Lá thư này và các ghi chú bên lề của nó không xuất hiện ở bất kỳ đâu trong các trang của Glas, nhưng lá thư có thể được [đọc lại] dưới góc nhìn của Glas và lá thư có thể [tái] thông tin về cách đọc Glas của chúng ta. Điều tôi muốn gợi ý là hành vi loại trừ trong Glas, được che giấu bởi việc không sử dụng các thông lệ trích dẫn của văn bản, có chức năng lật ngược văn bản.
Lối thực hành phê phán khi đọc Glas, vốn nhất thiết phải tham gia vào các văn bản phụ và liên văn bản của Glas, làm suy yếu khả tính tiếp cận Glas như một văn bản khép kín, hoàn chỉnh hoặc độc lập. Ranh giới giữa văn bản này, những ranh giới mà nó trích dẫn, những rang giới mà nó nêu tên, và thậm chí cả những ranh giới mà nó loại trừ bắt đầu có vẻ kém rõ ràng hơn. Thật vậy, như Marian Hobson đã lập luận, trong Glas, “phần lớn các văn bản xa lạ bị giữ lại trong trạng thái treo”, theo đúng nghĩa “[n]hững gì đang được đọc có thể xuất hiện như một loại sản phẩm ảo hóa từ những gì không có ở đó, hoặc đúng hơn là ở một nơi nào đó khác”.86 Hành vi loại trừ này có vẻ đặc biệt quan trọng xét theo cách mà Glas tham gia vào quá trình khái niệm hóa đại gia đình Hegelian và với cách Hegel đọc Antigone, và đặc biệt chú ý đến việc Hegel loại trừ hình tượng người mẹ và chủ thể tính nữ tương ứng. Như đã đề cập, hệ thống biện chứng của Hegel được phát hiện là dựa trên những loại trừ như vậy. Kramer gọi khía cạnh này của hệ thống Hegelian là “loại trừ cấu thành” của nó; thuật ngữ của cô biểu thị “cái cấu trúc và quá trình mà một cơ thể chính trị được cấu thành thông qua việc loại trừ một khác biệt nào đó mà nó không thể chấp nhận được và chống lại những gì mà nó tự định nghĩa hoặc cấu thành nên”.87 Như Kramer đề cập, câu hỏi về sự loại trừ cấu thành này “vang vọng khắp hệ thống của Hegel vì cách thức mà hệ thống được tổ chức: mỗi bộ phận đều phản ánh cái tổng thể, một chiến lược triết học về quyền làm chủ”.88 Nếu, trong phép biện chứng của Hegel, việc cấu thành hệ thống phụ thuộc vào loại trừ, thì thật đáng ngạc nhiên khi nhận thấy rằng trong Glas, hành vi loại trừ thay vào đó dường như lại vận hành giải cấu trúc của hệ thống.
Thất bại, Cái còn lại và Bổ nhào Siêu việt
Glas thấm đẫm một số bình luận tự phản ánh, lo lắng [tr.234] đặt câu hỏi về toàn bộ dự án của văn bản và than thở về một thất bại sắp xảy ra dường như không thể tránh khỏi. Ở cột bên phải: “Có phải bạn sắp rơi tuột vào bẫy không?”89; “Tôi không biết liệu mình có cố hiểu hắn không. Nhưng nếu hắn nghĩ rằng tôi hiểu hắn, thì hắn sẽ không ủng hộ điều đó […] Thật là cám cảnh […] Hắn sẽ cảm thấy mình đã bị cuốn vào […] Tôi lẻn vào như một kẻ thứ ba”90; “Dù sao đi nữa, cảnh tượng ấy sẽ kết thúc tồi tệ”91; “Thế nào ta chẳng mất, chẳng được”.92 Ở cột bên trái: “điều gì xảy ra khi văn bản của Hegel không được đọc hoặc khi nó được đọc hời hợt?”93; “không đọc Hegel hoặc đọc hời hợt nghĩa là gì”94; “Không hiểu văn bản [Hegel] thì có nghĩa là gì”95. Xuyên suốt Glas người ta có cảm nhận rõ ràng rằng để đối đầu với Hegel-triết gia tri thức tuyệt đối, thì cần phải thủ tiêu tâm trạng bại trận trong việc thoát khỏi Hegel và vòng tròn tri thức tuyệt đối— Derrida viết, “[m]ọi thứ […] tự hiểu trước, một cách nghiêm ngặt, trong vòng tròn [tri thức tuyệt đối], vốn luôn quay trở lại vòng tròn, giả định sự khởi đầu của nó, và chỉ đạt đến sự khởi đầu đó ở chung cuộc.”96 Nói cách khác, xuất hiện một cảm nhận trong đó Glas phải thất bại. Khái niệm thất bại này liên quan đến tình tiết “cái còn lại”. Dòng đầu tiên cột Hegel viết: “Rốt cuộc, cái còn lại, ngày hôm nay, đối với chúng ta, ở đây, bây giờ, của một Hegel là gì?”97 Dòng đầu tiên cột Genet ám chỉ đến Ce qui est resté d’un Rembrandt déchiré en petits carrés bien réguliers, et foutu aux chiottes “Cái còn lại của một bức tranh Rembrandt bị xé thành những ô vuông nhỏ, rất đều đặn và nhét vào hố xí” của Genet, và sau đó viết: “Với tư cách là [những] cái còn lại.”98 Mặc dù khá khó hiểu, nhưng “cái còn lại” có lẽ là tình tiết quan trọng nhất và duy nhất nhất quán xuất hiện trong Glas. Trong Glas, Derrida tìm kiếm cái còn lại, đặt ra câu hỏi: “Chẳng phải luôn có một yếu tố bị loại trừ khỏi hệ thống đảm bảo cho không gian khả tính của hệ thống sao? […] Bãi nôn ấy của hệ thống.”99 Như bài viết này đã tìm cách khám phá, trong Glas, phụ nữ, người mẹ, ham muốn tình dục, tình trạng phân mảnh và người vợ-nô lệ đều được thấy là “cái còn lại”. Khó khăn đối với Glas là giải quyết vấn đề bái vật hoặc siêu việt hóa những cái còn lại, điều này có thể khiến chúng được phục hồi theo logic của tri thức tuyệt đối. Với suy nghĩ này, tôi muốn tập trung vào một hình ảnh kết thúc trong Glas. Ở cột Genet, trong một judas, có bình luận sau: “Tôi không ngừng chặt đầu siêu ngôn ngữ, hay đúng hơn là luôn quăng đầu nó vào văn bản để trích xuất nó ra khỏi văn bản, thường xuyên, quảng từng nhịp thở một.”100
Tôi đã cho rằng trong suốt Glas, Derrida cố làm suy yếu khả tính về một lập trường tri thức tuyệt đối và nỗ lực này luôn có nguy cơ bị hấp thụ vào hệ thống tri thức tuyệt đối. Mối bận tâm này [tr. 235] đối với đoạn văn trên có liên quan đến phong cách của Derrida trong Glas. Trong đó, Derrida đã tìm kiếm một cách viết khác. Đây là một phong cách viết không quan tâm đến lập luận tuyến tính, thay vào đó sử dụng các kỹ thuật như chơi chữ/tên gọi, hàm ý, ẩn ý, và tái sử dụng các tiêu chuẩn của lối văn tự học thuật và triết học truyền thống liên quan đến trích dẫn và tham chiếu nguồn tư liệu của ai đó. Một trong những câu hỏi phổ biến nhất được nêu ra để trả lời Glas liên quan đến vị thế của nó với tư cách là một tác phẩm triết học hoặc văn chương, nhưng điều mà câu hỏi này bỏ lỡ là Derrida đang tìm kiếm thứ gì đó vẫn còn lại giữa hai phạm trù này. Phong cách của Glas là một phong cách vận động bổ nhào siêu việt, qua đó cái còn lại bị loại trừ [“bãi nôn ấy của hệ thống”] được tiếp nhận và sau đó lại bổ nhào vào lĩnh vực loại trừ trước đó của chúng. Đây là một hình thức kháng cự và phê bình cơ bản mang tính nội tại. Phong cách của Glas gắn chặt với nỗ lực nhằm phá bỏ lập trường triết học của trithức tuyệt đối—người ta thấy các lập luận mâu thuẫn nhau, các từ có vô số nghĩa, tên gọi và chữ ký ở những nơi không phù hợp, văn bản và bối cảnh nằm ngoài bản thân văn bản, và người ta chạm trán cả với khả tính thất bại ở mọi bước ngoặt.
___________________________________________
Nguồn: Jessica Marian (2015). Styling against Absolute Knowledge in Derrida's Glas, In Parrhesia 24 · 2015 · 217-238
Note
61. Derrida, Glas, 297.
62. Derrida, Glas, 159ai.
63. Derrida, Glas, 160ai.
64. Derrida, Glas, 155ai.
238 · jessica marian
65. Derrida, Glas, 151ai.
66. Derrida, Glas, 177ai.
67. Derrida, Glas, 149a.
68. Derrida, Glas, 149a.
69. Sina Kramer, “Derrida’s ‘Antigonanette’: On the Quasi-Transcendental” Southern Journal of Philosophy 52:4 (2014, 536).
70. Derrida, Glas, 210b-212b.
71. Maclean, Writing Illegitimacy, 207.
72. Magedera, “Seing Genet, Citation and Mourning; a propos Glas by Jacques Derrida”, 36.
73. Derrida, Glas, 168b.
74. Tina Chanter, “‘What color is mythology?’ Antigone’s Achievement of Self-Consciousness Through a Failure to Recognize the Humanity of Slaves” Labrys, études féministes/ estudos feministas 23 (2013).
75. Chanter, “What color is mythology?”; and see Derrida, Glas, 135a.
76. Chanter, “What color is mythology”; quoting Derrida, Glas, 135a.
77. Christopher Arthur, “Hegel as Lord and Master” Socialism, Feminism and Philosophy: A Radical Philosophy Reader. Eds S. Sayers and P. Osborne. New York: Routledge, 1990, 38.
78. Arthur, “Hegel as Lord and Master”, 40.
79. Arthur, “Hegel as Lord and Master”, 39.
80. Arthur, “Hegel as Lord and Master”, 39.
81. Derrida, Glas, 135a.
82. Chanter, “What color is mythology?”.
83. Chanter herself made this suggestion at the London Graduate School’s 2014 Summer Academy.
84. G. W. F. Hegel, Hegel, the Letters. Trans. Clark Butler and Christine Seiler. Indiana University Press, Bloomington, 1984, 247.
85. Hegel, Hegel, the Letters, 248.
86. Marian Hobson, “Derrida’s Irony” Derrida’s Legacy: Literature and Philosophy. Eds Simon Glendinning and Robert Eaglestone. Oxon: Routledge, 2008, 111.
87. Kramer, “Derrida’s ‘Antigonanette’”, 522.
88. Kramer, “Derrida’s ‘Antigonanette’”, 532.
89. Derrida, Glas, 27b.
90. Derrida, Glas, 203b
91. Derrida, Glas, 199b.
92. Derrida, Glas, 66b.
93. Derrida, Glas, 227a.
94. Derrida, Glas, 231a.
95. Derrida, Glas, 231a.
96. Derrida, Glas, 226a.
97. Derrida, Glas, 1a.
98. Derrida, Glas, 1b.
99. Derrida, Glas, 162a.
100. Derrida, Glas, 115b.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét