Ian Hodder
Người dịch: Hà Hữu Nga
Chức năng luận và Khảo cổ học Mới
Khi định nghĩa chức năng luận, người ta thường sử dụng một phiên bản giải thích đơn giản hóa của Radcliffe-Brown (1952) vì cách tiếp cận của ông có thể gần với cách tiếp cận của nhiều Nhà khảo cổ Mới (trong những năm 1960 - 1970 những người này đã quan tâm đến các giải thích và các loại tiếp cận do Binford và các cộng sự của ông phác thảo). Chức năng luận đưa ra phép loại suy giữa đời sống xã hội và đời sống hữu cơ. Emile Durkheim (Règles de la Methode Sociologique – Các Quy tắc của Phương pháp Xã hội học, 1895) đã định nghĩa “chức năng” của một thể chế xã hội là sự tương ứng giữa nó và các nhu cầu của cơ thể xã hội. Cũng giống như cách mà dạ dày cung cấp một chức năng cho toàn bộ cơ thể và cho phép nó tồn tại, vì vậy bất kỳ khía cạnh nào của một xã hội trong quá khứ cũng đều có thể được đánh giá theo khuôn khổ sự đóng góp của nó cho hoạt động của toàn xã hội. Một xã hội được tạo thành từ các bộ phận có liên quan với nhau và chúng ta có thể giải thích một cấu phần bằng cách chỉ ra cách thức hoạt động của nó trong mối quan hệ với các cấu phần khác. Nhưng đây đều là những tuyên bố rất chung chung, và vẫn có chỗ cho nhiều quan điểm khác nhau trong những mệnh đề tổng quát này. Thật vậy, Radcliffe-Brown (1952, 188) đã tuyên bố thẳng thừng rằng “Trường phái Chức năng không thực sự tồn tại; nó là một huyền thoại”. Chức năng luận thường có vẻ giống như một “từ bẩn” được các địch thủ của các nhà nhân học như Malinowski, Boas và bản thân Radcliffe-Brown sử dụng, và nó có thể truyền đạt rất ít ý nghĩa. Vì vậy, nếu nó được sử dụng cho Khảo cổ học Mới, thì cần phải đưa ra được một định nghĩa cụ thể hơn.
Khái niệm chức năng gắn liền với khái niệm hệ thống. Vào giữa thế kỷ thứ XVIII, Montesquieu đã sử dụng một quan niệm về xã hội, trong đó tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội có thể được liên kết thành một tổng thể cố kết. Cái mà Comte gọi là “quy luật đầu tiên của tĩnh học xã hội” cho rằng có các mối quan hệ liên kết và phụ thuộc lẫn nhau, hay các mối quan hệ đoàn kết, giữa các khía cạnh khác nhau của xã hội. Về mặt phân tích, có thể tách biệt một số nhóm có mối liên quan đặc biệt chặt chẽ với nhau thành các hệ thống.
Theo quan điểm chức năng luận như đã nêu trong lý thuyết hệ thống, các xã hội đạt đến trạng thái cân bằng hữu cơ lành mạnh, được gọi là nội cân bằng. Plato, trong Cuốn sách Thứ tư về nền Cộng hòa của ông, đã nhìn nhận sức khỏe của một xã hội là kết quả của sự phối hợp vận hành hài hòa giữa các bộ phận của nó. Người Hy Lạp phân biệt trật tự tốt đẹp, sức khỏe xã hội (eunomia), với rối loạn, bệnh hoạn xã hội (dysnomia), trong khi quan niệm về sai chức năng và bệnh lý xã hội là mối quan tâm trung tâm của Durkheim. (Trong khảo cổ học hệ thống gần đây, các bệnh lý đã được liệt kê và tác động của chúng được Flannery xem xét (1972).)
Các bệnh lý xảy ra trong các giai đoạn khi sự thống nhất hữu cơ và trạng thái cân bằng bị đảo lộn do kết quả của tình trạng kém thích nghi. Một xã hội chỉ có thể tiếp tục tồn tại nếu nó được điều chỉnh tốt từ bên trong và bên ngoài. Có thể phân biệt ba loại thích ứng. Loại đầu tiên liên quan đến sự điều chỉnh đối với môi trường vật lý, sự thích nghi sinh thái. Loại thứ hai là sự sắp xếp, điều chỉnh nội tại các thành phần của xã hội trong mối quan hệ với nhau. Cuối cùng, là quá trình mà một cá nhân có được một vị trí trong xã hội mà kẻ đó đang sống. Chính nhờ ba loại thích ứng này mà các xã hội tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, nhiều nhà nhân học và khảo cổ học đã thảo luận về sự thay đổi chủ yếu trong khuôn khổ thích nghi sinh thái, sự đáp ứng của các ràng buộc bên ngoài. Đó là loại chức năng luận sinh thái ngày nay thịnh hành trong khảo cổ học. Trong chương này, thuật ngữ chức năng luận là để chỉ việc sử dụng một phép loại suy hữu cơ và quan điểm cho rằng việc giải thích đầy đủ về một xã hội quá khứ bao gồm việc tham chiếu đến hệ thống, trạng thái cân bằng và sự thích nghi như đã nêu ra ở trên. Mặc dù chức năng luận, và đặc biệt là chức năng luận sinh thái, là rường cột của khung lý thuyết của một thế hệ các nhà khảo cổ học trước đó như Gordon Childe và Grahame Clark, nhưng chúng đã trở nên quan trọng hơn nhờ kết quả của Khảo cổ học Mới những năm 1960 và 1970. Thật vậy, theo định nghĩa, khảo cổ học quá trình và hệ thống gần như là khảo cổ học chức năng luận. Như Leach (1973a, 761–2) đã chỉ ra, nhận xét của Binford cho rằng “hành vi là phụ phẩm của sự tương tác của một tập hợp văn hóa với môi trường” có thể là nguyên-kiểu của khảo cổ học “mới”, nhưng đối với một nhà nhân học xã hội nó được hiểu như một trích dẫn từ bài viết của Malinowski vào thời điểm chức năng luận ngây thơ đang ở đỉnh cao - nghĩa là vào khoảng năm 1935. Quan điểm này là quá cực đoan, nhưng Renfrew (1972, 24) cũng khẳng định rằng việc xem xét các kết nối giữa các hệ thống con như trong lý thuyết hệ thống “tất nhiên, chỉ đơn giản là một tuyên bố của chức năng luận nhân học, rằng các khía cạnh khác nhau của một nền văn hóa đều có mối liên hệ với nhau”.
Mức độ mà khảo cổ học chấp nhận quan niệm chức năng luận về xã hội và văn hóa được thể hiện rõ ràng trong công trình của các nhân vật chính của ngành học ‘mới’ này. Mặc dù những đóng góp về khảo cổ học của những tác giả này khác nhau, nhưng các khái niệm về tổng thể hữu cơ, các hệ thống tương liên, trạng thái cân bằng và thích nghi đều có thể được xác định rõ ràng nhất. Chẳng hạn, trong mô hình hệ thống của Flannery về sự phát triển của các xã hội phức tạp, hoạt động tự-điều chỉnh trong hệ thống văn hóa xã hội “là giữ cho tất cả các biến số trong hệ thống con nằm trong phạm vi mục tiêu thích hợp - phạm vi duy trì nội cân bằng và không đe dọa sự tồn tại của hệ thống” (1972, 409). Theo Binford (1972, 107) “chúng ta có thể… mong đợi sự thay đổi trong và giữa các cấu phần của một hệ thống là kết quả hoạt động của các bộ điều chỉnh nội cân bằng trong hệ thống văn hóa nhằm duy trì các mối quan hệ cân bằng giữa hệ thống và môi trường của nó”. Tương tự, đối với Clarke (1968, 88), “toàn bộ hệ thống văn hóa ở trạng thái cân bằng động bên ngoài với môi trường địa phương của nó”. “Trạng thái cân bằng được định nghĩa là trạng thái mà tình trạng biến vị trong đa tính thành phần được giảm thiểu. …Tình trạng biến vị thường xuyên xảy ra nhất… khi các mạng khác nhau truyền độc lập thông tin mâu thuẫn lẫn nhau - thể hiện tính dị thường tại các nút trong cấu trúc của hệ thống. Các hệ thống văn hóa xã hội liên tục thay đổi để giảm thiểu tối đa mức biến vị hệ thống trực tiếp” (ibid., 129). Theo Hill (1971, 407), một tập các biến chỉ là một hệ thống nếu “sự ăn khớp của chúng…được điều chỉnh (duy trì ở trạng thái ổn định) bởi các quá trình nội cân bằng”.
Tầm quan trọng của việc duy trì trạng thái cân bằng với “môi trường” cũng đã được Renfrew (1972) nhấn mạnh. Thật vậy, mối quan hệ của con người với môi trường được ông coi là một trong những khía cạnh chính của lý thuyết hệ thống. “Toàn bộ mục đích của việc sử dụng phương pháp tiếp cận hệ thống là nhấn mạnh các mối tương quan con người-môi trường, đồng thời thừa nhận rằng nhiều thay đổi cơ bản trong môi trường của con người là do chính con người tạo ra” (ibid., 19–20). “Văn hóa… về cơ bản là một thiết bị nội cân bằng, một ảnh hưởng bảo thủ đảm bảo rằng sự thay đổi trong hệ thống sẽ được giảm thiểu. Đó là một cơ chế thích ứng linh hoạt cho phép xã hội tồn tại bất chấp những biến động của môi trường tự nhiên” (sđd, 486).
Do đó, người ta cho rằng các hệ thống văn hóa xã hội của con người có thể được mô tả như thể chúng đang thích nghi với tổng thể môi trường và xã hội. Renfrew (1972, 24–5) nói về “tính nhất quán và tính bảo thủ cần thiết của tất cả các nền văn hóa… tình trạng “điều chỉnh” hay “thích nghi” của xã hội với môi trường tự nhiên được duy trì: các khó khăn, gian khổ đều vượt qua”. Binford (1972, 20) cũng bày tỏ quan điểm tương tự: “Thay đổi trong tổng thể hệ thống văn hóa phải được nhìn nhận trong bối cảnh thích ứng cả về xã hội và môi trường”. (ibid., 22) Thật vậy, định nghĩa của Binford về văn hóa “như một phương tiện thích ứng ngoại vi đối với cơ thể người” (ibid., 22) là một trong những nguyên lý chính của các nhà khảo cổ học hệ thống. “Văn hóa, từ góc độ hệ thống, được định nghĩa… là các hệ thống hành vi tương tác. Người ta đặt câu hỏi liên quan đến các hệ thống này, mối tương quan giữa chúng, ý nghĩa thích ứng của chúng” (Plog 1975, 208). “Văn hóa là tất cả các phương tiện mà các hình thức của nó không nằm trong sự kiểm soát di truyền trực tiếp… phục vụ cho việc điều chỉnh các cá nhân và nhóm bên trong các cộng đồng sinh thái của họ… Thích ứng luôn là một vấn đề địa phương, và những áp lực chọn lọc đối với các hình thức văn hóa mới là kết quả của các điều kiện không cân bằng trong hệ sinh thái địa phương” (Binford 1972, 431).
Việc nhấn mạnh của chức năng luận và quá trình trong khảo cổ học một cách khách quan nhằm mục đích xác định mối quan hệ giữa các biến trong hệ thống văn hóa. Có một mối gắn kết tự nhiên với một khái niệm thực nghiệm và thực chứng về khoa học. “Ý nghĩa mà lời giải thích có được trong khung quy chiếu khoa học chỉ đơn giản là việc chứng minh sự khớp nối hằng xuyên của các biến trong một hệ thống và phép đo sự biến thiên đồng thời giữa các biến trong hệ thống đó. Do đó, sự thay đổi quá trình trong một biến có thể được chứng minh là có liên quan theo cách có thể dự đoán và định lượng được với những thay đổi trong các biến khác, đến lượt mình các biến đó thay đổi liên quan đến những thay đổi trong cấu trúc của toàn bộ hệ thống” (ibid., 21). Khẳng định này chứng minh mối gắn kết giữa chức năng luận và một quan niệm giải thích với tư cách là dự đoán về mối quan hệ giữa các biến. Người ta cho rằng các mối quan hệ có thể được quan sát theo kinh nghiệm và phương pháp định lượng có thể được sử dụng để đánh giá tầm quan trọng của các mối liên hệ. Do đó, con đường mở ra cho việc khôi phục các khái quát hóa xuyên-văn hóa, và “các quy luật của quá trình văn hóa” (ibid., 199). Mặc dù gần đây Binford (1977, 5) tỏ ra nghi ngờ giá trị giải thích của số liệu thống kê xuyên-văn hóa, nhưng thái độ trên đối với việc giải thích đôi khi lại được phát triển thành một phương pháp giả thuyết-diễn dịch cứng nhắc dựa trên cách hiểu của Hempel (ví dụ Fritz và Plog 1970; Watson, Leblanc và Redman 1971).
Phê phán chức năng luận
Tôi không có ý định xem xét các vấn đề của việc ứng dụng lý thuyết hệ thống trong khảo cổ học (Doran 1970), hoặc liệu lý thuyết hệ thống có thực sự hỗ trợ các nhà khảo cổ trong các mục đích chức năng luận của họ hay không (Salmon 1978). Thực ra, tôi muốn xem xét những phê phán đối với bản thân chức năng luận. Martins (1974, 246) mô tả việc phê phán chức năng luận như một khởi đầu lễ thức chuyển qua để bước vào tuổi trưởng thành về phương diện xã hội học, và ở một chỗ khác tôi đã gợi ý (Hodder 1981) cần thiết phải có một cuộc tranh luận rộng hơn trong khảo cổ học liên quan đến các phê phán khác nhau và các lựa chọn thay thế cho chức năng luận sinh thái.
Nhiều vấn đề và hạn chế của phép loại suy hữu cơ ứng dụng cho các hệ thống xã hội đã được thừa nhận từ lâu. Radcliffe-Brown (1952, 181) lưu ý rằng trong khi một cơ thể động vật, trong quá trình sống, không thay đổi hình thức của nó, thì một xã hội, trong quá trình lịch sử của nó, lại có thể trải qua những thay đổi lớn về tổ chức. Các vấn đề khác không thuộc về cách tiếp cận này mà là kết quả của sự nhấn mạnh đặc biệt của các nhà khảo cổ học, có lẽ là kết quả của những hạn chế về dữ liệu của họ. Ví dụ, một cách tiếp cận hệ thống giả định rằng nội cân bằng là trạng thái tự nhiên của sự vật, dẫn đến quan niệm rằng tất cả các thay đổi cuối cùng đều phải bắt nguồn từ bên ngoài hệ thống. Hồi tiếp âm xảy ra trong phản ứng với các kích thích bên ngoài, cũng như hồi tiếp dương và các quá trình khuếch đại độ lệch cần những cú hích ban đầu từ bên ngoài. Theo Hill (1977, 76) “không hệ thống nào có thể tự thay đổi; sự thay đổi chỉ có thể được kích hoạt bởi các nguồn bên ngoài. Nếu một hệ thống ở trạng thái cân bằng, nó sẽ vẫn như vậy trừ khi các đầu vào (hoặc tình trạng thiếu đầu ra) từ bên ngoài hệ thống làm xáo trộn trạng thái cân bằng.” Kết quả của quan điểm này là đặt mạnh trọng tâm vào tác động của các biến được cho là “độc lập” từ bên ngoài hệ thống văn hóa xã hội đang được nghiên cứu. Các biến bên ngoài được ưa thích là các yếu tố môi trường (ví dụ Carneiro 1968), thương mại đường dài (Renfrew 1969), và gia tăng dân số (Hill 1977, 92), mặc dù không thường xuyên rõ ràng tại sao biến số sau được giả định là một biến độc lập. Đã có rất ít tiến bộ trong việc nghiên cứu các yếu tố trong các xã hội ảnh hưởng đến bản chất của sự thay đổi (tuy nhiên, xem Friedman và Rowlands 1977). Nhưng Flannery (1972) đã chỉ ra cách tiếp cận hệ thống có thể được mở rộng để bao gồm các nội lực của sự thay đổi và các dạng thích ứng nội tại trong tổng thể hữu cơ đã được mô tả ở trên.
Hạn chế cơ bản hơn của quan điểm chức năng luận tập trung vào sự bất cập của chức năng và tiện ích trong việc giải thích các hệ thống văn hóa và xã hội, và về sự tách biệt giữa tiện ích chức năng và văn hóa. Tất cả các khía cạnh của văn hóa đều có mục đích thực dụng theo khuôn khổ mà chúng có thể được giải thích. Tất cả các hoạt động, dù là đổ bỏ đồ thải, phát triển thứ bậc xã hội hay thực hiện các lễ nghi, đều là kết quả của tính thiết thực. Nhưng chỉ có thể tìm được lời giải thích ở khía cạnh thích nghi và chức năng. Đối với quan điểm như vậy vấn đề không phải là quá chú trọng vào chức năng vì điều quan trọng là phải biết các hạng mục vật chất, thể chế, biểu tượng và nghi lễ vận hành như thế nào, và sự đóng góp của Khảo cổ học Mới cho những nghiên cứu như vậy là rất ấn tượng. Đúng ra là sự phân đôi đã được xác lập giữa văn hóa và tiện ích thích ứng đã hạn chế sự phát triển của phương pháp tiếp cận.
Trong khảo cổ học, sự phân chia giữa văn hóa và chức năng diễn ra dưới hình thức một cuộc tấn công vào cái được gọi là cách tiếp cận “định chuẩn”. Trong lời bác bỏ của Binford (1965) đối với “trường phái định chuẩn” (normative school), ông đề cập đến các nhà khảo cổ học người Mỹ như Taylor, Willey, Phillips, Ford, Rouse và Gifford, những người đã quan tâm đến việc xác định “những tổng thể văn hóa” trong đó có cơ sở tư tưởng cho sự biến đổi lối sống của con người trong mỗi đơn vị văn hoá. Các nhà khảo cổ học như vậy nhằm mục đích xác định các khái niệm định chuẩn trong tâm trí của những người giờ đây đã chết. Binford chỉ trích cụ thể hơn các nghiên cứu định chuẩn cố gắng mô tả sự truyền bá và chuyển tải các đặc điểm văn hóa. Ở đây, tôi không quan tâm đến việc xác định xem liệu hệ mẫu định chuẩn, như Binford mô tả, đã từng tồn tại hay chưa. Chắc chắn, như sẽ được trình bày bên dưới, các nhà khảo cổ học châu Âu như Childe đã có thể tích hợp mối quan tâm tới các chuẩn mực văn hóa và khái niệm về khả năng thích ứng hành vi. Nhưng theo quan điểm của Binford, cách tiếp cận định chuẩn nhấn mạnh những tổng thể đồng nhất về văn hóa tương phản với nghiên cứu về tính biến đổi chức năng bên trong và giữa các đơn vị văn hóa. Trường phái định chuẩn được coi là có tính lịch sử và mô tả, không cho phép giải thích bằng khuôn khổ quy trình chức năng. Vì vậy, ông đã chuyển sang một thái cực ngược lại, trong đó văn hóa, chuẩn mực, hình thức và thiết kế chỉ có giá trị chức năng, chẳng hạn như trong việc tích hợp và khớp nối các cá nhân và các đơn vị xã hội thành các thực thể hợp thành rộng lớn hơn.
Trên thực tế, Binford đã gợi ý rằng các thành phần khác nhau của văn hóa có thể vận hành độc lập với nhau. Do đó, các mối quan hệ chức năng có thể được nghiên cứu mà không cần tham chiếu đến bối cảnh văn hóa, và các mối quan hệ thường xuyên, ổn định và khả dĩ dự đoán có thể được tìm thấy giữa các biến trong các hệ thống xã hội. Kết quả là, một vực thẳm tuyệt đối đã được thúc đẩy giữa các nghiên cứu định chuẩn và quá trình. “Một phương pháp tiếp cận được đưa ra trong đó văn hóa không bị quy giản thành những ý tưởng mang tính định chuẩn về cách thức hoạt động thích hợp mà được xem như là hệ thống của tổng số các phương tiện thích ứng ngoại thể” (Binford 1972, 205). Gần đây hơn (1978a) Binford vẫn lại chân thành tách biệt việc nghiên cứu các chuẩn mực khỏi nghiên cứu quá trình. Ông đã công kích sự nhấn mạnh về lịch sử và bối cảnh của Kroeber và Kluckhorn (sđd, 2). Mặt khác (sđd, 3), hiện vật là sự phản ánh các khuôn mẫu tinh thần của người tạo tác và những ý tưởng này trong tâm trí con người không thể thích ứng một cách thông minh với các tình huống mới. Mặt khác, tính biến đổi văn hóa chỉ đơn giản là kết quả thích ứng thiết thực. Ông ấy có thể hỏi (ibid., 11) “người ta có tiến hành các hoạt động liên tục của họ bằng khuôn mẫu tinh thần bất biến để đưa ra các chiến lược thích hợp bất kể bối cảnh mà họ nhận thấy hay không?”. Quả thực, môn khảo cổ dân tộc học người Nunamiut của ông được giới thiệu như một nỗ lực để xác định xem liệu các di tích quần động vật có thể được nghiên cứu là “không-văn hóa” hay không. Sự thiên lệch văn hóa chỉ có thể được xác định (sđd, 38) khi một sự bất thường xảy ra; khi không tìm thấy các kỳ vọng thiết thực mang tính thích ứng.
Tình trạng phân đôi được thiết lập giữa văn hóa và chức năng hạn chế sự phát triển của lý thuyết khảo cổ học vì “giá trị chức năng luôn có tính tương đối với lược đồ văn hóa nhất định” (Sahlins 1976, 206). Tất cả các hành động diễn ra trong các khuôn khổ văn hóa và giá trị chức năng của chúng được đánh giá dựa trên các khái niệm và định hướng xung quanh chúng. Điều mà một hạng mục hoặc thể chế “tốt đẹp cho” việc đạt được mục đích nào đó một phần là một sự lựa chọn văn hóa, cũng như là chính mục đích đó. Ở đầu chương này, định nghĩa của Durkheim về chức năng của một thể chế xã hội là sự tương ứng giữa nó và các nhu cầu của cơ thể xã hội đã được mô tả. Nhưng nhu cầu của xã hội là những lựa chọn ưu tiên trong một ma trận văn hóa. Theo đó, chức năng và thích ứng không phải là những thước đo tuyệt đối. Tất cả các hoạt động hàng ngày, từ ăn uống đến dọn rác, không phải là kết quả của một tính thiết thực thích nghi tuyệt đối nào đó. Các chức năng khác nhau này diễn ra trong một khuôn khổ văn hóa, một tập ý tưởng hoặc chuẩn mực, và chúng ta không thể hiểu đầy đủ các hoạt động khác nhau ấy bằng cách phủ nhận bất kỳ vai trò nào đối với văn hóa. Một điểm giống nhau được Deetz (1977) đưa ra khi so sánh các truyền thống văn hóa trong hai giai đoạn lịch sử ở Bắc Mỹ.
Cuộc thảo luận trên đây đặc biệt liên quan đến quan điểm chức năng luận đối với các hạng mục vật chất. Như đã lưu ý, Binford giả định rằng văn hóa là phương tiện thích ứng thể ngoại của con người. Theo David Clarke (1968, 85) “văn hóa là một hệ thống thông tin, trong đó các thông điệp là thông tin sinh tồn được tích lũy lại”. Theo cách này, văn hóa vật chất được coi là hoạt động đơn giản ở giao diện giữa cơ thể người và môi trường vật chất và xã hội để cho phép thích ứng. Nó có một chức năng thực dụng (Sahlins 1976). Kết quả của quan điểm này là các di vật văn hóa được xem là phản ánh, một cách khá đơn giản, những gì con người làm. Ngay cả công trình nghiên cứu các quá trình trầm tích và hậu trầm tích (Schiffer 1976), trong khi làm tăng thêm sự phức tạp cho tình huống, vẫn cho rằng văn hóa vật chất chỉ đơn giản là sự phản ánh trực tiếp, gián tiếp hoặc bị bóp méo các hoạt động của con người. Đây là sự tiếp nối của những quan điểm trước đó về văn hóa vật chất là “hành động được hóa thạch”. Như Fletcher (1977b, 51–2) đã chỉ ra, văn hóa vật chất được nhìn nhận đơn giản như một đối tượng thụ động của chức năng sử dụng; một hậu-hiện tượng đơn thuần của cuộc sống “thực”. Nhưng đối với văn hóa còn nhiều thứ khác hơn là các chức năng và hoạt động. Đằng sau hoạt động và thực hiện còn có một cấu trúc và nội dung phần nào được hiểu theo khuôn khổ riêng, với logic và tính cố kết của riêng nó. Điều này áp dụng nhiều cho việc từ chối các phân phối và “kinh tế” cũng như đối với việc chôn cất, hoa văn gốm và nghệ thuật.
Thực tế suy giảm mức độ nhấn mạnh vào khảo cổ học như một bộ môn lịch sử gắn liền với sự tách biệt giữa chức năng và văn hóa. Nếu các hạng mục vật chất và các thể chế xã hội có thể được giải thích bằng hiệu quả thích ứng của chúng, thì cũng rất ít khi người ta bận tâm xếp đặt chúng vào khuôn khổ lịch sử. Quan điểm tiến hóa đã nhấn mạnh các mối quan hệ thích nghi ở các mức độ phức tạp khác nhau, nhưng nó không khuyến khích việc xem xét bối cảnh lịch sử cụ thể. Tuy nhiên, ở đây quan niệm rằng khuôn khổ văn hóa mà chúng ta hành động, và chúng ta tái tạo trong hành động của mình, có nguồn gốc lịch sử và mỗi nền văn hóa là một sản phẩm lịch sử cụ thể. Và cần phải công nhận tính độc đáo của các nền văn hóa và các chuỗi diễn tiến lịch sử. Trong Khảo cổ học Mới đã có một mối quan tâm lớn về việc xác định tính biến đổi. Nhưng khi áp dụng cách tiếp cận xuyên-văn hóa, theo nghĩa trên, tính biến đổi đã bị quy giản thành tính giống hệt nhau. Các chuỗi diễn tiến lịch đại được chia thành các giai đoạn trong đó hoạt động của các hệ thống có thể được hiểu theo nghĩa đồng đại như là các trường hợp của một mối quan hệ chung nào đó. Một mặt, sự phân đôi giữa tính đồng đại và tính lịch đại có liên quan đến sự phân chia giữa văn hóa và lịch sử, và mặt khác là giữa chức năng và sự thích nghi. Giải pháp phân đôi văn hóa / chức năng được xem xét trong tập sách này (Hodder 1982c) cũng sẽ tái giới thiệu cách giải thích lịch sử như một chủ đề hợp thức được quan tâm trong khảo cổ học.
Một hạn chế khác của quan điểm chức năng luận của Khảo cổ học Mới là mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Quan điểm chức năng ít nhấn mạnh đến tính sáng tạo và tính chủ ý của cá nhân. Những con người cá nhân trở nên không hơn gì phương tiện để đạt được các nhu cầu của xã hội. Hệ thống xã hội được tổ chức thành các hệ thống con và các vai trò mà mọi người thực hiện. Các vai trò và các phạm trù xã hội vận hành trong mối quan hệ với nhau tạo ra sự cân bằng hiệu quả của toàn bộ hệ thống. Tuy nhiên, trên thực tế, các cá nhân không chỉ đơn giản là công cụ trong một trò chơi được dàn dựng và rất khó để thấy cách thức mà các hệ thống con và vai trò có thể có các “mục tiêu” của riêng mình. Các giải thích đầy đủ về các hệ thống xã hội và biến đổi xã hội phải liên quan đến các đánh giá và mục tiêu của cá nhân. Đây không phải là vấn đề xác định các cá nhân (Hill và Gunn 1977) mà là vấn đề đưa cá nhân vào lý thuyết xã hội. Một số nhà Khảo cổ học Mới đã nhận ra tầm quan trọng của điều này. “Mặc dù hành vi của nhóm, của nhiều đơn vị riêng lẻ, thường có thể được mô tả một cách hiệu quả bằng các thuật ngữ thống kê mà không tham chiếu đến đơn vị riêng lẻ, nhưng nó lại không thể dễ dàng được giải thích theo cách này. Đây là một vấn đề mà khảo cổ học tiền sử vẫn chưa giải quyết được” (Renfrew 1972, 496). Tình trạng thiếu giải pháp là cố hữu trong việc nhấn mạnh mang tính chức năng luận trong khảo cổ học.
Những chỉ trích sâu hơn đối với khảo cổ học chức năng luận liên quan đến việc nhấn mạnh vào những khái quát hóa xuyên-văn hóa. Sau giai đoạn sơ khởi mà khảo cổ-dân tộc học được sử dụng chủ yếu để sản xuất ra những câu chuyện cảnh giác và những “kẻ phá hoại” (Yellen 1977), là mối quan tâm đến việc cung cấp những tuyên bố xuyên-văn hóa có giá trị tiên đoán cao. Do tính chất giả thuyết-diễn dịch được ưa thích hơn, thì điều quan trọng là phải xác định các quy tắc hành vi và quá trình trầm tích hiện vật được sử dụng bất kể bối cảnh văn hóa. Như đã lưu ý, cách tiếp cận như vậy là khả thi vì các chiều góc lịch sử và văn hóa cụ thể của hoạt động đã bị phủ nhận. Các phụ hệ thống khác nhau đã được xác định, chẳng hạn như hoạt động sinh nhai, trao đổi, định cư, rác thải và chôn cất cũng như các quy tắc xuyên-văn hóa đã được tìm kiếm. Vì vai trò của các yếu tố văn hóa và lịch sử không được xem xét, nên nhất thiết trường hợp các kết quả khái quát hóa cũng chỉ giới hạn ở các khía cạnh cơ học hoặc vật lý của cuộc sống hoặc đơn giản và ít nội dung. Một số khía cạnh của hoạt động con người bị hạn chế bởi các biến mang tính quyết định luận. Ví dụ, con người khó có thể đi chân trần trên những mảnh đá lửa sắc nhọn, hay làm việc, hoặc ngồi giữa khói lửa (Binford 1978b; Gould 1980). Một số loại xương có ít nhiều thịt hoặc tủy, và chúng bị gãy vỡ theo nhiều cách khác nhau (Binford 1978a; Gifford 1978). Các loại hạt được gom lại theo gió trong quá trình quạt phụ thuộc một phần vào vận tốc gió và mật độ hạt (Jones, thông tin cá nhân). Những hiện vật nhỏ hơn con người khó giữ và tìm lại so với những hiện vật lớn hơn và do đó các mô thức mất mát có thể khác nhau (Schiffer 1976). Các quy luật dự đoán hoặc các khái quát hóa xuyên-văn hóa có thể được phát triển cho những ràng buộc máy móc này đối với hành vi con người và khảo cổ-dân tộc học đã thành công nhất trong các lĩnh vực này, nhưng những nỗ lực mở rộng cách tiếp cận này đối với hành vi xã hội và văn hóa đã bị chỉ trích nghiêm trọng như được thể hiện qua cuộc tranh luận về giả thuyết của Longacre (1970), Deetz (1968), và Hill (1970) (ví dụ Allen và Richardson 1971; Stanislawski 1973), và kết quả là sự thất vọng được hàm ngụ bởi sự mô tả của Flannery (1973) về các định luật Chuột Mickey. Ngay khi có bất kỳ sự lựa chọn nào của con người, thì các quy luật hành vi và chức năng có vẻ đơn giản và không đầy đủ bởi vì hành vi của con người hiếm khi hoàn toàn mang tính cơ học. Vai trò của khảo cổ-dân tộc học cũng phải là việc xác định bối cảnh văn hóa liên quan đối với hành vi xã hội và sinh thái.
Gắn liền với sự nhấn mạnh vào các quy luật chức năng xuyên-văn hóa là ý tưởng về việc “dự đoán quá khứ” (Thomas 1974). Tỷ lệ phần trăm của các xã hội hiện đại trong đó phụ nữ làm bình gốm (Phillips 1971) hoặc trong đó quy mô định cư có liên quan đến việc cư trú sau hôn nhân (Ember 1973) khó được sử dụng làm thước đo xác suất để diễn giải quá khứ vì các xã hội hiện đại không độc lập cũng như không bao gồm một mẫu ngẫu nhiên hoặc đại diện cho các hình thái xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là tình trạng thiếu đồng nhất giữa dự đoán và hiểu biết. Có thể dự đoán nhiều khía cạnh của hành vi con người với độ chính xác nhất định mà không có bất kỳ hiểu biết nào về các mối quan hệ nhân quả liên quan. Tương tự, hiểu biết tốt về một sự kiện xã hội có thể không dẫn đến khả năng dự đoán kết quả của một tập cảnh huống tương tự. Mức độ xác suất và bằng chứng thống kê về mối tương quan không thể thay thế cho sự hiểu biết về các mối liên hệ nhân quả và bối cảnh liên quan đối với hành động của con người. Việc sử dụng các công thức toán học và thống kê phù hợp với dữ liệu khảo cổ học dẫn đến việc hiểu biết rất ít về quá khứ. Việc tôi tham gia vào khảo cổ học không gian, lĩnh vực mà dự đoán thống kê thành công nhất, đã cho thấy rõ ràng nhất rằng dự đoán không liên quan nhiều đến giải thích.
Việc ứng dụng phương pháp giả thuyết-diễn dịch và dự đoán trong mối quan hệ với việc diễn giải quá khứ đã cho phép xác định các cấp độ độc lập của lý thuyết. Một “lý thuyết tầm trung” khác biệt đã được xác định bởi vì người ta cho rằng có thể có được thước đo khách quan hoặc công cụ đo lường để nghiên cứu các hệ thống trong quá khứ và các di tồn khảo cổ học của chúng (Binford 1978a, 45). Chúng ta có những lý thuyết tổng quát về sự phát triển xã hội và những lý thuyết cấp thấp hơn liên quan đến việc xây dựng hồ sơ khảo cổ học. Tương tự như vậy, Clarke (1973) cho rằng có thể phân biệt các lý thuyết tiền trầm tích, trầm tích, hậu trầm tích, phân tích và diễn giải mặc dù có sự tồn tại của các mô hình kiểm soát tổng thể. Sự tách biệt các cấp độ hoặc các loại lý thuyết này một phần có thể do mô hình con người phân tách các hoạt động chức năng khác nhau và thiết lập các mối quan hệ tiên đoán giữa chúng. Do đó, lý thuyết trầm tích có thể được tách ra khỏi lý thuyết diễn giải bởi vì trầm tích hiện vật là thiết thực mang tính thích ứng và có thể được dự đoán mà không cần tham chiếu đến các lý thuyết xã hội rộng lớn hơn. Các giả thuyết liên quan đến thể chế xã hội và biến đổi xã hội được cho là khác về bản chất so với các giả thuyết liên quan đến mối quan hệ giữa xã hội và văn hóa vật chất. Nhưng cả các hạng mục vật chất và quá trình trầm tích của chúng đều tham gia tích cực vào các quan hệ xã hội và chúng ta không thể tách rời các cấp độ lý thuyết độc lập. Các khuôn khổ ý nghĩa văn hóa cấu trúc nên toàn bộ các khía cạnh thông tin khảo cổ học. Leone (1978) đã chỉ ra rõ ràng nhất cách thức mà dữ liệu, phân tích và diễn giải có mối liên hệ găng khít với nhau như thế nào. Các cấp độ lý thuyết khác nhau phải tương đẳng với nhau, và ngoài các quá trình tự nhiên, không thể có các công cụ đo lường tuyệt đối.
Mục đích của Khảo cổ học Mới là chỉ ra tính hợp lý của các thể chế đối với môi trường của chúng. Những chỉ trích chính về cách tiếp cận chung này như được mô tả ở trên là như sau: 1) Sự phân đôi được thiết lập giữa hình thái văn hóa, còn chức năng thiết thực khách quan là sai lầm, và các hạng mục vật chất còn hơn cả các công cụ lưu giữ thông tin sinh tồn. 2) Quan điểm chức năng luận không thể giải thích đầy đủ về tính đa dạng và tính độc đáo văn hóa. 3) Các hệ thống xã hội trở nên vật chất hóa đến mức mà cá nhân đóng góp rất ít. 4) Các khái quát hóa xuyên-văn hóa là kết quả của các nghiên cứu chức năng luận của các nhà khảo cổ học đã không thể xác định được các tuyên bố có đủ giá trị về hành vi xã hội và văn hóa vì bối cảnh liên quan chưa được khám phá đầy đủ. 5) Các mức độ hoặc các loại giả thuyết khác nhau đã được xác định, nhưng trên thực tế, tất cả các giả thuyết đều phải và cần được tích hợp trong một lý thuyết văn hóa và xã hội nhất quán. Tập sách này sẽ đáp trả những lời chỉ trích kia bằng cách phát triển các phương pháp tiếp cận thay thế. Tôi muốn bắt đầu bằng việc xem xét các định nghĩa khác nhau về “cấu trúc”.
______________________________________________
(Còn nữa…)
Nguồn: Hodder I. (1992). Theoretical Archaeology: A Reactionary View, In Book Theory and Practice in Archaeology, First published in 1992 by Routledge, London.
Tác giả: Ian Richard Hodder, sinh ngày 23 tháng 11 năm 1948, tại Bristol là một nhà khảo cổ học người Anh và là nhà tiên phong của lý thuyết hậu quá trình trong khảo cổ học. Ông theo học ngành khảo cổ học thời tiền sử tại Viện Khảo cổ học của Đại học London, tốt nghiệp với bằng Cử nhân Hạng nhất vào năm 1971. Sau đó, ông theo học tại Peterhouse, Cambridge, và được Đại học Cambridge trao học vị Tiến sĩ vào năm 1975: người hướng dẫn ông là David L. Clarke và luận án của ông có tiêu đề “Một số ứng dụng Phân tích Không gian trong Khảo cổ học”. Ông là giảng viên tại Đại học Leeds từ năm 1974 đến năm 1977. Từ năm 1990 đến năm 2000, ông là giám đốc Đơn vị Khảo cổ học Cambridge và là thành viên của Đại học Darwin, Cambridge. Ông được bổ nhiệm là Phó Giáo sư Tiền sử năm 1990, và Giáo sư Khảo cổ học vào năm 1996. Năm 1999, Hodder chuyển đến Đại học Stanford ở Hoa Kỳ. Ông là Giám đốc của Dự án Khảo cổ học Çatalhöyük nhằm bảo tồn di chỉ cùng bối cảnh để giới thiệu với công chúng. Ông đã cố gắng khám phá tác động của các phương pháp phi thực chứng trong khảo cổ học, bao gồm việc cung cấp cho mỗi người khai quật cơ hội ghi lại diễn giải của cá nhân họ về di chỉ. Ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh Quốc (FBA) vào năm 1996.
References
Allen, W.L. and Richardson J.B. (1971) The reconstruction of kinship from archaeological data: the concepts, the method, and the feasibility’, American Antiquity 36: 41–53.
Ardener, E. (1978) ‘Some outstanding problems in the analysis of events’, in E. Schwimmer (ed.) The Yearbook of Symbolic Anthropology 1, London: Hurst.
Barth, F. (1975) Ritual and Knowledge among the Baktaman of New Guinea, Oslo: Universitetsforlaget.
Binford, L.R. (1965) ‘Archaeological systematics and the study of cultural process’, American Antiquity 31: 203–10.
——(1972) An Archaeological Perspective, New York: Seminar Press.
——(1977) ‘General introduction’, in L.R. Binford (ed.) For Theory Building in Archaeology, New York: Academic Press.
——(1978a) Nunamiut Ethnoarchaeology, New York: Academic Press.
——(1978b) ‘Dimensional analysis of behaviour and site structure: learning from an Eskimo hunting stand’, American Antiquity 43:330–61.
Bourdieu, P. (1977) Outline of a Theory of Practice, Cambridge: Cambridge University Press.
Braithwaite, M. (1982) ‘Decoration as ritual symbol: a theoretical proposal and an ethnographic study in southern Sudan’, in I. Hodder (ed.) Symbolic and Structural Archaeology, Cambridge: Cambridge University Press.
Carneiro, R. (1968) ‘Cultural adaptation’, in D.Sells (ed.) International Encyclopaedia of the Social Sciences 3:551–4.
Childe, V.G. (1935) ‘Changing aims and methods in prehistory’, Proceedings of the Prehistoric Society 1:1–15.
——(1936) Man Makes Himself, London: Collins.
——(1949) Social Worlds of Knowledge, Oxford: Oxford University Press.
Clark, J.G.D. (1939) Archaeology and Society, London: Methuen.
——(1975) The Earlier Stone Age Settlement of Scandinavia, Cambridge: Cambridge University Press.
Clarke, D.L. (1968) Analytical Archaeology, London: Methuen.
——(1972) ‘A provisional model of an Iron Age society and its settlement system’, in D.L. Clarke (ed.) Models in Archaeology, London: Methuen.
——(1973) ‘Archaeology: the loss of innocence’, Antiquity 47:6–18.
Conkey, M. (1977) ‘Context, structure and efficacy in Palaeolithic art and design’, Paper
presented at the Burg Wartenstein Symposium, 74.
Daniel, G.E. (1962) The Idea of Prehistory, Harmondsworth: Penguin.
Deetz, J. (1967) Invitation to Archaeology, New York: Natural History Press.
——(1968) ‘The inference of residence and descent rules from archaeological data’, in S.R. Binford and L.R. Binford (eds) New Perspectives in Archaeology, Chicago: Aldine.
——(1977) In Small Things Forgotten, New York: Anchor Books.
Doran, J. (1970) ‘Systems theory, computer simulations and archaeology’, World Archaeology 1:289–98.
Ember, M. (1973) ‘An archaeological indicator of matrilocal versus patrilocal residence’,
American Antiquity 38:177–82.
Ferguson, L. (ed.) (1977) Historical Archaeology and the Importance of Material Things, Society for Historical Archaeology, Special Series Publication 2.
Flannery, K.V. (1972) The cultural evolution of civilisations’, Annual Review of Ecology and Systematics 3:399–426.
——(1973) ‘Archaeology with a capital S’, in C. Redman (ed.) Research and Theory in Current Archaeology, New York: Wiley.
Flannery, K.V. and Marcus, J. (1976) ‘Formative Oaxaca and the Zapotec Cosmos’, American Scientist 64:374–83.
Fletcher, R. (1977a) ‘Settlement studies (micro and semi-micro)’, in D. L. Clarke (ed.) Spatial Archaeology, New York: Academic Press.
——(1977b) ‘Alternatives and differences’, in M. Spriggs (ed.) Archaeology and Anthropology, Oxford: British Archaeological Reports Supplementary Series 19.
Frankfort, H. (1951) The Birth of Civilisation in the Near East, London: Ernest Benn.
Friedman, J. and Rowlands, M. (eds) (1977) The Evolution of Social Systems, London: Duckworth.
Fritz, J.M. (1978) ‘Paleopsychology today: ideational systems and human adaptation in prehistory’, in C. Redman et al. (eds) Social Archaeology Beyond Dating and Subsistence, New York: Academic Press.
Fritz, J.M. and Plog, F.T. (1970) ‘The nature of archaeological explanation’, American Antiquity 35:405–12.
Giddens, A. (1979) Central Problems in Social Theory, London: Macmillan Press.
Gifford, D.P. (1978) ‘Ethnoarchaeological observations of natural processes affecting cultural materials’, in R.A. Gould (ed.) Explorations in Ethnoarchaeology, Albuquerque: University of New Mexico Press.
Glassic, H. (1975) Folk Housing in Middle Virginia: a Structural Analysis of Historical Artifacts, Knoxville: University of Tennessee Press.
Godelier, M. (1977) Perspectives in Marxist Anthropology, Cambridge: Cambridge University Press.
Gould, R. (1980) Living Archaeology, Cambridge: Cambridge University Press.
Harstrup, K. (1978) The post-structuralist position of social anthropology’, in E. Schwimmer (ed.) The ‘Yearbook of Symbolic Anthropology 1, London: Hurst.
Hawkes, C. (1954) ‘Archaeological theory and method: some suggestions from the Old
World’ , American Anthropologist 56:155–68.
Hill, J.N. (1970) Broken K Pueblo: Prehistoric Social Organisation in the American Southwest, Anthropological Papers of the University of Arizona 18.
——(1971) ‘Report on a seminar on the explanation of prehistoric organisational change’, Current Anthropology 12:406–8.
——(ed.) (1977) The Explanation of Prehistoric Change, Albuquerque: University of New Mexico Press.
Hill, J.N. and Gunn, J. (eds) (1977) The Individual in Prehistory, New York: Academic Press.
Hillier, B., Leaman, A., Stansall, P. and Bedford, M. (1976) ‘Space syntax’, Environment and Planning B 3:147–85.
Hodder, I.R. (1979) ‘Social and economic stress and material culture patterning’, American Antiquity 44:446–54.
——(1981) Towards a mature archaeology’, in I. Hodder, G. Isaac and N. Hammond (eds) Pattern of the Past, Cambridge: Cambridge University Press.
——(1982a) Symbols in Action, Cambridge: Cambridge University Press.
——(1982b) ‘The identification and interpretation of ranking in prehistory: a contextual
perspective’ in C. Renfrew and S. Shennan (eds) Ranking, Resource and Exchange, Cambridge: Cambridge University Press.
——(ed.) (1982c) Symbolic and Structural Archaeology, Cambridge: Cambridge University Press.
——(1982d) ‘Sequences of structural change in the Dutch Neolithic’, in I. Hodder (ed.) Symbolic and Structural Archaeology, Cambridge: Cambridge University Press.
Hodder, I.R. and Lane, P. (1982) ‘Exchange and reduction’ in J. Ericson and T. Earle (eds) New Approaches to Exchange Studies in Prehistory, New York: Academic Press.
Hymes, D. (1970) ‘Comments on Analytical Archaeology’, Norwegian Archaeological Review 3:16–21.
Isbell, W.H. (1976) ‘Cosmological order expressed in prehistoric ceremonial centres’, Paper given in Andean Symbolism Symposium Part 1: Space, time and mythology, International Congress of Americanists, Paris.
Leach, E. (1973a) ‘Concluding address’, in C. Renfrew (ed.) The Explanation of Culture Change , London: Duckworth.
——(1973b) ‘Structuralism in social anthropology’, in D. Robey (ed.) Structuralism: an Introduction, Oxford: Clarendon Press.
——(1977) ‘A view from the bridge’, in M. Spriggs (ed.) Archaeology and Anthropology, Oxford: British Archaeological Reports Supplementary Series 19.
——(1978) ‘Does space syntax really “constitute the social” ‘, in D. Green, C. Haselgrove and M. Spriggs (eds) Social Organisation and Settlement, Oxford: British Archaeological Reports British Series 47.
Leone, M.P. (1977) ‘The new Mormon temple in Washington DC, in L. Ferguson (ed.) Historical Archaeology and the Importance of Material Things, Society for Historical Archaeology, Special Series Publication 2.
——(1978) Time in American archaeology’, in C. Redman et al. (eds) Social Archaeology Beyond Subsistence and Dating, New York: Academic Press.
Leroi-Gourhan, A. (1965) Prehistoire de l’ Art Occidental, Paris: Mazenod.
Lévi-Strauss, C. (1968) Structural Anthropology, London: Allen Lane.
Longacre, W. (1970) ‘Archaeology as anthropology’, Anthropological Papers of the University of Arizona 17, Tucson.
Marshak, A. (1977) ‘The meander as a system: the analysis and recognition of iconographic units in upper Palaeolithic compositions’, in P.J. Ucko (ed.) Form in Indigenous Art, London: Duckworth.
Martins, H. (1974) Time and theory in sociology’, in J. Rex (ed.) Approaches to Sociology, London.
Miller, D. (1982) ‘Artefacts as products of human categorisation processes’, in I. Hodder (ed.) Symbolic and Structural Archaeology, Cambridge: Cambridge University Press.
Muller, J. (1977) ‘Individual variation in art styles’, in J. Hill and J. Gunn (eds) The Individual in Prehistory, New York: Academic Press.
Pettit, P. (1975) The Concept of Structuralism: a Critical Analysis, Dublin: Gill and Macmillan.
Phillips, P. (1971) ‘Attribute analysis and social structure of Chassey—Cortaillod—Lagozza populations’, Man 6:341–52.
Piaget, J. (1971) Structuralism, London: Routledge and Kegan Paul.
——(1972) The Principles of Genetic Epistemology, London: Routledge and Kegan Paul.
Piggott, S. (1959) Approach to Archaeology, Harvard: McGraw Hill.
Plog, F.T. (1975) ‘Systems theory in archaeological research’, Annual Review of Anthropology 4:207—24.
Radcliffe-Brown, A.R. (1952) Structure and Function in Primitive Society, London: Cohen and West.
Renfrew, C. (1969) Trade and culture process in European prehistory’, Current Anthropology 10:151—69.
——(1972) The Emergence of Civilisation, London: Methuen.
——(1973) Social Archaeology, Southampton: Southampton University Press.
Sahlins, M. (1976) Culture and Practical Reason, Chicago: University of Chicago Press.
Salmon, M.H. (1978) ‘What can systems theory do for archaeology?’, American Antiquity 43:174–83.
Schiffer, M.B. (1976) Behavioural Archaeology, New York: Academic Press.
Shanks, M. and Tilley, C. (1982) ‘Ideology, symbolic power and ritual communication: a
reinterpretation of Neolithic mortuary practices’, in I. Hodder (ed.) Symbolic and Structural Archaeology, Cambridge: Cambridge University Press.
Stanislawski, M.B. (1973) ‘Review of Archaeology as anthropology: a case study by W.A. Longacre’, American Antiquity 38:117–22.
Thomas, D.H. (1974) Predicting the Past, New York: Holt, Rinehart & Winston.
Tilley, C. (1982) ‘Social formation, social structures and social change’, in I. Hodder (ed.) Symbolic and Structural Archaeology, Cambridge: Cambridge University Press.
Trigger, B. (1980) Gordon Childe: Revolutions in Archaeology, London: Thames and Hudson.
Van de Velde, P. (1980) Elsloo and Hienheim: Bandkeramik Social Structure, Analecta Praehistorica Leidensia 12.
Washburn, D.K. (1978) ‘A symmetry classification of Pueblo ceramic designs’, in P. Grebinger (ed.) Discovering Past Behaviour, New York: Academic Press.
Watson, P.J., Leblanc, S.A. and Redman, C.L. (1971) Explanation in Archaeology: an Explicitly Scientific Approach, London: Columbia University Press.
Wobst, H.M. (1977) ‘Stylistic behaviour and information exchange’, University of Michigan Museum of Anthropology, Anthropological Paper 61:317–42.
Wylie, M.A. (1982) ‘Epistemological issues raised by a structuralist archaeology’, in I. Hodder (ed.) Symbolic and Structural Archaeology, Cambridge: Cambridge University Press.
Yellen, J. (1977) Archaeological Approaches to the Present, New York: Academic Press.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét