Powered By Blogger

Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2021

Khảo cổ học Phân tích (I)

Stephen Shennan 

Người dịch: Hà Hữu Nga 

“Việc công nhận và định nghĩa một hoạt động thuần túy bằng cách sản xuất ra hàng loạt tác vật kèm theo tạo thành việc truyền tải thông tin hoặc một thông điệp… Một đứa trẻ được sinh dưỡng giữa những chiếc ô tô và những tòa nhà chọc trời có được lượng thông tin khác hẳn với một đứa trẻ khác được sinh ra giữa rìu đá và những cuộc săn lợn hoang.” Clarke (1968: 86) 

 

Giới thiệu 

 

Khảo cổ học ngày nay chịu sự chuyên chế của hiện tại. Ý tưởng của nó bị quy giản thành nguồn lực của chính các ý tưởng trong xã hội đương đại hoặc xã hội gần đây và bị khước từ hồi cố. Việc nguồn gốc của lịch sử văn hóa bắt nguồn từ chủ nghĩa dân tộc được thúc đẩy một cách đáng ngờ, hay việc “Khảo cổ học Mới” có thể được coi là một phương diện của chủ nghĩa đế quốc Mỹ những năm 1960, khuyến khích cho giả định là các phương pháp tiếp cận không có giá trị nội tại, còn hơn cứ như thể nguồn gốc của một số ý tưởng của Darwin trong kinh tế học tư bản thế kỷ 19 phải biện minh cho việc loại bỏ thuyết tiến hóa do chọn lọc tự nhiên vậy (xem Klejn 1998). Với sự hưng khởi của trào lưu di sản văn hóa, người ta quan tâm nhiều hơn đến quyền sở hữu tư liệu khảo cổ và các tác động chính trị và kinh tế của nó, hơn là những gì tư liệu cho chúng ta biết về quá khứ. Hơn nữa, trọng tâm của việc diễn giải hiện nay đặt các nhà khảo cổ học vào vai trò của các nhà dân tộc học của một “hiện tại dân tộc học” đã mất, vật lộn vô vọng trước thực tế là những nhóm người chúng ta cần nói chuyện cùng đã chết từ lâu và hầu hết những gì còn sót lại trong cuộc sống của họ đã bị phân hủy hết rồi. Một ví dụ là mối bận tâm hiện tại về cách người tiền sử nhìn nhận các cảnh quan quá khứ, trong đó các nghiên cứu vẫn chẳng có cách nào rạch ròi được liệu các nhận thức được đề xuất là của người khảo sát hay của chính những con người trong quá khứ đang được nghiên cứu. Cuối cùng, khát vọng của chúng ta xem con người trong quá khứ như những tác nhân tích cực, hiểu biết mà chúng ta tin rằng chính mình là như vậy, có nghĩa là đòi hỏi mọi khác biệt văn hóa vật chất là kết quả của tín hiệu đồng nhất tự ý thức và mọi thay đổi đều là kết quả lựa chọn có ý thức của các cá nhân có tinh thần hiện sinh, những kẻ sáng suốt cất bước tới tương lai. 

 

Ngược lại, chương này giả định rằng mục đích của khảo cổ học là thu được kiến ​​thức hợp lệ về quá khứ. Nó cố gắng cho thấy rằng các nhà khảo cổ học không cần phải là những nhà dân tộc học thất bại. Nó lập luận rằng có những mô thức khác nhau trong quá khứ mà chúng ta có thể phân biệt bằng cách hồi tưởng nhưng vào thời điểm đó có lẽ người ta hoàn toàn không nhận thức được về điều đó, hoặc chỉ nhận thức được từ một viễn kiến hạn chế, và điều này chỉ có thể được giải thích theo quan điểm của nhà khảo cổ học hôm-nay. Như vậy không có nghĩa là chúng ta bị buộc phải tạo ra những tường thuật từ xa về “sự tiến bộ” dẫn đến hiện tại, mà là chúng ta nên khảo sát quá khứ theo đúng thế mạnh của các nhà khảo cổ học, điều này chắc chắn thuộc về quá trình đặc trưng hóa việc xây dựng mô thức dài hạn trong các xã hội quá khứ. Hơn nữa, các cuộc khảo sát như vậy phải tạo cơ sở để hỗ trợ cho các tuyên bố của họ, vượt ra ngoài những xác quyết đơn thuần từ phía kẻ khảo sát viện vào một số khái niệm chưa xác định được tính xác đáng. Theo đó, chương này là một luận đề cho Khảo cổ học Phân tích theo cả hai nghĩa mà Clarke dự định: mô tả đặc điểm của các mô thức và các quy trình lịch đại thông qua việc áp dụng hệ phương pháp phân tích. 

 

Các Mô thức Lịch đại và Lịch sử Văn hóa 

 

Trong phạm vi các truyền thống của Mỹ hoặc châu Âu, cách tiếp cận khảo cổ duy nhất từng nghiên cứu về việc xây dựng mô thức lịch đại trong hồ sơ khảo cổ là lịch sử văn hóa một cách nghiêm túc, bắt nguồn từ Kossinna và Childe ở châu Âu và với Kroeber và Kidder ở Bắc Mỹ. Mục đích của cách tiếp cận này liên quan đến việc mô tả đặc điểm của các truyền thống văn hóa, bao gồm phạm vi không gian và những thay đổi theo thời gian. Hai phiên bản này có sự khác biệt đáng kể. Ở Châu Âu, các “văn hóa” được đặc trưng bởi các loại hình tác vật đặc biệt được kết hợp theo thứ tự thời gian, địa lý và ngữ cảnh. Chúng được thể hiện bằng bản đồ phân bố tĩnh của các giai đoạn cụ thể, dẫn đến sự thay đổi được coi là sự so sánh của các bản đồ “ảnh chụp nhanh” liên tiếp. Điều này một phần là do các mô tả văn hóa châu Âu mang tính định tính hơn là định lượng; ví dụ, các nền văn hóa có thể được xác định bằng sự hiện diện của một loại gốm tô màu cụ thể.

 

Ngược lại, ở Bắc Mỹ, cách tiếp cận lịch sử văn hóa mang tính định lượng, với việc xây dựng cái  được gọi là “đường cong thiết giáp hạm” [Hình dạng trên một biểu đồ tuần tự được hình thành bởi các điểm biểu đồ, biểu thị chẳng hạn như sự gia tăng phổ biến của một loại tác vật, khoảng thời gian phổ biến tối đa của nó, và sự suy giảm sau cùng của nó - HHN]: các trình tự được sắp xếp theo thứ tự thời gian cho thấy tần suất của các loại gốm được xác định theo phong cách khác nhau trong các tập hợp liên tiếp (xem Lyman và cộng sự, 1997). Theo thời gian, những loại hình này cho thấy một mô thức gốc đặc trưng, ​​sau đó là sự phổ biến ngày càng tăng lên đến đỉnh điểm, rồi lần lượt kế tiếp bằng sự suy giảm và biến mất. Đường cong hình thấu kính kép tạo ra có hình dạng của thân tàu chiến. Bằng cách xem xét các mô thức trong các đường cong này đối với các địa điểm hoặc khu vực cụ thể, có thể thấy tại một số thời điểm có những điểm đứt gãy lớn theo trình tự như vậy, trong đó một số loại kết thúc và một số loại khác bắt đầu; phổ biến hơn, có nhiều loại mô thức khác nhau dần dần trở thành thịnh hành rồi lại trở nên lỗi thời.

Điều mà cả hai phiên bản lịch sử văn hóa ở châu Âu và châu Mỹ đều chia sẻ, đó là sự quan tâm đến việc giải thích sự biến đổi văn hóa và một loạt các giả định làm cho điều này trở nên khả thi. Giả định trung tâm cho rằng các thực thể không gian hoặc trật tự niên đại được xác định đại diện cho các truyền thống của nhóm người. Sau đó, những thay đổi lớn đã xảy ra thông qua việc thay thế truyền thống này bằng truyền thống khác và do đó của nhóm người này bằng nhóm người khác, ít nhất là ở nơi sản xuất văn hóa vật chất là thuộc gia đình, chứ không phải trong tay của các chuyên gia. Trong truyền thống châu Âu, ý tưởng này phù hợp với khoảng thời gian tương đối ngắn có sẵn để thay đổi, và quan điểm dân tộc chủ nghĩa coi các dân tộc như những tác nhân lịch sử có quá khứ và số phận. Truyền bá được cho là ít tạo ra thay đổi hơn. Cả di cư và truyền bá đều được coi là những khái niệm không có vấn đề gì.

Khi Khảo cổ học Mới xuất hiện vào những năm 1960, có một mối quan tâm nào đó đến việc phát triển các ý tưởng lịch sử văn hóa (ví dụ, Deetz 1965), nhưng khuynh hướng Binfordian chiếm ưu thế đã bác bỏ các chuẩn mực và truyền thống. Nó cho rằng chìa khóa để hiểu biến đổi văn hóa là xem các tác vật do cộng đồng con người tạo ra như một phương tiện thích ứng, thay vì phản ánh sự thay thế dân cư hoặc ảnh hưởng văn hóa. Mặc dù vậy, về mặt chi tiết, các vai chính của phái này đánh giá cao văn hóa vật chất là đa chiều, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố và đã bắt tay vào khám phá những tác động của cách tiếp cận này. Ví dụ, những thay đổi về kích cỡ đồ gốm được dùng làm đồ đựng có thể báo hiệu sự thay đổi kích cỡ của các nhóm ăn uống cùng nhau, chứ không phải là sự xâm nhập của một nhóm dân cư mới ưa thích các đồ đựng có kích cỡ khác, trong khi các hình dáng đồ đựng mới có thể chỉ ra các thực tiễn tiêu thụ thực phẩm mới, có lẽ gắn liền với sự xuất hiện của các mô thức tương tác xã hội mới hoặc sự khác biệt hóa.

Lyman và cộng sự (1997: 224) cho rằng lịch sử văn hóa Bắc Mỹ đã thất bại vì nó sử dụng các đơn vị khảo cổ mà nó đã tạo ra, phần lớn là theo phong cách và được nhà khảo cổ xác định là có ý nghĩa về mặt nhân học, khi cho rằng chúng tương ứng với các phân loại văn hóa của những người sử dụng tác vật, hoặc để cung cấp thông tin hữu ích về chức năng và sự thích nghi. Thật vậy, lập luận chủ chốt của Khảo cổ học Mới là việc phân loại dữ liệu bằng cách nào đó không thể được coi là tự nhiên. Thay vào đó, việc phân loại được phát triển cho các mục đích cụ thể và tùy theo mục đích, người ta có thể sử dụng các tập thuộc tính hoàn toàn khác nhau của một nhóm tác vật làm cơ sở cho việc phân loại. Hàm ý của quan điểm này là các phức hợp văn hóa được các nhà sử học văn hóa xác định là không tồn tại hoặc không quan trọng. Những gì còn lại của các vấn đề mà họ nêu ra được gộp lại dưới cái tiêu đề “phong cách”, được coi là phần còn lại, mà sự biến đổi trong tác vật dường như không có bất kỳ lời giải thích chức năng rõ ràng nào (xem Binford 1962).

Khảo cổ học Phân tích

Nỗ lực có hệ thống quy mô lớn duy nhất nhằm biến đổi truyền thống lịch sử văn hóa này dưới ánh sáng của những sự khuấy động ban đầu của Khảo cổ học Mới và sự phát triển song hành trong các ngành học khác, chẳng hạn như địa lý, là Khảo cổ học Phân tích của David Clarke (bị Binford chỉ trích mạnh mẽ năm 1972). Clarke (1968: 20) đã trình bày khảo cổ học như một bộ môn theo đúng bản thân nó, bằng cách cho rằng dữ liệu mà nó nghiên cứu không giống với những dữ liệu của các bộ môn khác nên khảo cổ học phải phát triển cách tiếp cận có hệ thống của riêng mình. Điều này liên quan đến ba mục tiêu chính: định nghĩa các thực thể cơ bản; tìm kiếm các quy luật lặp đi lặp lại bên trong và giữa chúng; mục tiêu cuối cùng được ông gọi là “sự phát triển của tri thức thể loại cao hơn” (Clarke 1968: 21). Ông đã xác định một tập hợp phân cấp của các thực thể cơ bản, từ thuộc tính (cấp độ “nguyên tử”), thông qua tác vật, tập hợp và văn hóa, cho đến cái mà ông gọi là phức hợp công nghệ, một phản ứng rộng rãi đối với các điều kiện môi trường và / hoặc công nghệ cụ thể. Một tập hợp duy nhất các quy trình vận hành trên các thực thể khác nhau này, mặc dù khác nhau ở các cấp độ khác nhau của hệ thống phân cấp, bao gồm phát minh, truyền bá và chọn lọc văn hóa. Trong những trường hợp cụ thể, sự vận hành kết hợp của các quá trình này, với nhiều sự kết hợp khác nhau, có thể dẫn đến các quá trình khác, chẳng hạn như tăng trưởng, suy tàn và tan rã văn hóa (Clarke 1968: 22). Ngược lại với các nhà lịch sử văn hóa, các cấp độ khác nhau của các thực thể văn hóa được quan niệm không phải là danh sách các đặc điểm mà là các hệ thống động được đặc trưng bởi các quá trình hệ thống như hồi tiếp âm và hồi tiếp dương vậy.

Ở tất cả các cấp độ ngoài bản thân thuộc tính “nguyên tử”, các thuộc tính chủ chốt có thể được xác định mà đồng biến chung liên tục của nó thể hiện sự sống còn của một mô thức hoặc cấu trúc cụ thể bên trong (Clarke 1968: 71). Các tập đồng biến này được đặc trưng bởi các quá trình hồi tiếp âm mạnh mẽ, đảm bảo rằng chúng luôn ở trong cùng một mối quan hệ với nhau theo thời gian. Các thực thể văn hóa, dù là các loại hình tác vật hay các văn hóa, thì đều không còn tồn tại khi một tập các mối tương quan cụ thể theo thời gian giữa các thuộc tính tan rã và các thực thể văn hóa mới ra đời khi các nhóm thuộc tính tương đối cố định mới xuất hiện. Bên ngoài tập thuộc tính cốt lõi, những thuộc tính khác được tự do thay đổi nhiều hơn. Bởi vì các thực thể văn hóa không có năng lực chuyển đổi ngay lập tức và hoàn toàn, nên chúng có thể được coi là hệ thống (bán-)Markovian: các hệ thống trong đó xác suất chuyển đổi từ trạng thái này sang trạng thái tiếp theo phụ thuộc vào các trạng thái của hệ thống trước đó (Clarke 1968: 63).

Trên thực tế, hệ thống văn hóa thực chất là hệ thống truyền tải thông tin thu nhận được; ngay cả việc công nhận và định nghĩa một hoạt động của một tập hợp tác vật kèm theo cũng tạo ra truyền tải thông tin (Clarke 1968: 86). Thông tin mới sẽ không được chấp nhận nếu sự sai lệch được đưa vào không thể bị quy giản đến điểm biến mất (Clarke 1968: 97). Tuy nhiên, vì tốc độ đổi mới chung của các nhóm văn hóa do đó lớn hơn tốc độ đổi mới của một văn hóa riêng lẻ, nên việc tích hợp và biến đổi của các đổi mới bắt nguồn từ sự truyền bá sẽ cung cấp hầu hết tính đa dạng trong một hệ thống nhất định (Clarke 1968: 122 ; xem Neiman 1995).

Vậy là, đối với Clarke, các quỹ đạo lịch đại là trung tâm - các mô thức tương quan giữa các thuộc tính khác nhau theo thời gian ở bất kỳ cấp độ nhất định nào của hệ thống phân cấp. Theo đó, mục đích chính trong việc phân loại dữ liệu là xác định các truyền thống dọc khác nhau (Clarke 1968: 148), và chỉ là thứ sinh để gán mọi thứ vào các giai đoạn, là những thực thể nhân tạo hơn là các truyền thống dọc, do bản chất có vấn đề của tính đương đại trong hầu hết các tình huống khảo cổ. Trong khuôn khổ này, loại hình tác vật không chỉ đơn giản là thứ được xác định võ đoán bởi hệ thống phân loại tác vật của một nhà phân tích cụ thể, mà còn có một thực tế là một lõi thuộc tính có tương quan cao kèm theo một đám mây thuộc tính bên ngoài có mức độ tương quan giảm dần so với lõi (Clarke 1968 : 196). Các loại hình hợp lực là thực nhưng mờ.

Theo thời gian, các loại hình như vậy thay đổi và các loại hình mới xuất hiện, đó là các loại hình biến đổi, được liên kết bởi nguồn gốc với các loại hình trước đó và khác biệt với các loại hình độc lập, “không được kết nối hoặc có nguồn gốc với nhau mặc dù chúng có thể được sử dụng trong một tập hợp văn hóa duy nhất” (Clarke Năm 1968: 211). Sự thay đổi được thể hiện bằng các loại hình biến đổi được liên kết bởi nguồn gốc rất khác với sự thay đổi được đặc trưng bằng sự thay thế của một tập loại hình bằng các loại hình độc lập mới. Ở cấp độ tập hợp văn hóa, sự thay đổi vận hành theo cách tương tự. Các thực thể văn hóa lịch đại có các giai đoạn hình thành trong đó nhiều tính đa dạng được tạo ra từ nhiều nguồn và dần dần được tích hợp thành một mô thức, sau đó vẫn tương đối ổn định (Clarke 1968: 279). Một cách mà điều này thường xảy ra là thông qua việc chiếm lĩnh các môi trường sinh thái và / hoặc xã hội mới, dẫn đến tốc độ thay đổi nhanh chóng: “Khi sự thay đổi tích lũy này tiến triển, các quỹ đạo hoặc định dạng phát triển khả thể ngày càng bị hạn chế do các đặc tính được tích hợp cao trong một tổng thể chức năng” (Clarke 1968: 253). Tuy nhiên, ở các cấp độ của hệ thống phân cấp cao hơn xã hội hoặc văn hóa - nhóm văn hóa hoặc phức hợp kỹ thuật – thì các thực thể được tích hợp ít chặt chẽ hơn (Clarke 1968: 287). Clarke đã tóm tắt cách tiếp cận của mình bằng cách gợi ý rằng khảo cổ học có một số lượng nhỏ các quy tắc hữu ích trong việc diễn giải khảo cổ học (Clarke 1968: 435–6).

(1) Các quy tắc dân cư theo không-thời gian vốn có của các thực thể khảo cổ. Chúng bao gồm mô thức đường cong tàu chiến trong đó các trạng thái thuộc tính và loại hình tăng sau đó giảm mức độ phổ biến theo thời gian, và mối tương quan mô thức theo thời gian của các thuộc tính tạo thành các loại hình cụ thể ở các cấp độ thấp của hệ thống phân cấp thực thể hoặc của các loại hình thành các tập hợp văn hóa cụ thể ở cấp độ cao hơn. (2) Các quy tắc hệ thống vốn có của các thực thể khảo cổ như các loại liên quan của hệ thống đặc biệt. Chúng bao gồm mô hình tổng quát của ông về các hệ thống khảo cổ như các hệ thống bán-Markovian được liên kết với các hệ thống ngữ cảnh, với các khả tính chuyển đổi được tạo ra trong lịch sử từ trạng thái này sang trạng thái khác, và năng lực thay đổi hệ thống kịch tính khi đưa vào các đặc tính mới đạt đến một ngưỡng cụ thể. (3) Các quy tắc hệ thống vốn có của các thực thể khảo cổ học như là các bộ phận của hệ thống thông tin văn hóa xã hội, đặc biệt là “giả thuyết liên tục tính”, ý tưởng cho rằng các hệ thống văn hóa xã hội thay đổi sao cho giảm thiểu sự gián đoạn ngắn hạn của hệ thống. (4) Các quy tắc phân bố và truyền bá vốn có của các thực thể khảo cổ học với tư cách là các bộ phận của các mạng lưới dân cư văn hóa xã hội. Ví dụ, vì sự tích hợp nội tại xác định một văn hóa phụ thuộc vào một tập tác vật chủ chốt, nên bất kỳ khu vực nào được khẳng định là nguồn gốc của một thực thể văn hóa phải cho thấy một tập nguồn cội mà từ đó các yếu tố chủ chốt này phát triển và sau đó được tích hợp với một tập khác.

Việc hệ thống hóa cuối cùng về truyền thống lịch sử văn hóa này của Clarke đã không bao giờ được theo đuổi; nó lắt lay mãi hơn hai mươi năm trời trong ngành khảo cổ học Anh-Mỹ (xem Shennan 1989a) và thực sự không có hậu duệ. Như đã nói, khảo cổ học quá trình bị chi phối bởi các nghiên cứu đồng đại về chức năng và sự thích nghi, trong khi khảo cổ học hậu quá trình quan tâm đến phê phán chính trị và các nghiên cứu về ý nghĩa quá khứ. Kế hoạch của Clarke được phác thảo bằng những thuật ngữ trừu tượng theo cách mà sự phê phán tàn khốc về lịch sử văn hóa của Binford có thể được siêu vượt và việc nghiên cứu về biến đổi văn hóa nhắm đến, nhưng không ai quan tâm và thực sự có lẽ rất khó để xem phương pháp này có thể được đưa ra như thế nào tại thời điểm đó, bất chấp việc Clarke trình bày một loạt các kỹ thuật phân tích hiện đại trong phần thứ hai cuốn sách của mình.

Các loại Khảo cổ học Darwin

Tuy nhiên, kể từ cuối những năm 1980, các vấn đề do lịch sử văn hóa nêu ra đã thu hút sự quan tâm mới từ một nguồn có tiền thân lý thuyết rất khác nhau, thông qua sự xuất hiện của nhiều loại khảo cổ học “tiến hóa” hoặc “Darwinian”. Giống như hầu hết các nhãn như vậy, nhãn này bao gồm một loạt các quan điểm thường đối nghịch lẫn nhau (xem Boone và Smith 1998; Lyman và O’Brien 1998). Yếu tố thống nhất là ở chỗ tất cả đều dựa trên các khía cạnh của quá trình tổng hợp tiến hóa tân-Darwin hiện đại trong sinh học nhằm cố gắng giải thích sự thay đổi văn hóa (ví dụ Teltser 1995; Maschner 1996; Steele và Shennan 1996; O'Brien 1996; Shennan Năm 2002). Ở đây không thể mô tả chi tiết các khuynh hướng khác nhau, nhưng chúng ta có thể phân biệt hai cực của cách tiếp cận này.

Một trong số chúng xuất phát từ giả định rằng về mặt tiến hóa, con người cũng giống như bất kỳ loài động vật nào khác. Theo đó, do kết quả của chọn lọc tự nhiên, con người có khuynh hướng đưa ra quyết định, một cách có ý thức hoặc cách khác, dựa trên chi phí và lợi ích của các hệ quả đối với sự thành công trong sinh sản hoặc khả năng hòa nhập chung của họ. Văn hóa tạo ra ít khác biệt cho quá trình này bởi vì hành vi văn hóa dẫn đến sai lệch so với phép tính chi phí - lợi ích này sẽ không kéo dài lâu. Cách tiếp cận thiết yếu nổi tiếng nhất dựa trên những giả định này là lý thuyết kiếm ăn tối ưu (ví dụ, Kaplan và Hill 1992), đưa ra các dự đoán về các chiến lược sinh nhai đáp ứng tốt nhất các tiêu chí này trong một tập tình huống nhất định và so sánh chúng với các chiến lược sinh nhai thực tế hoặc các tồn dư vật chất của chúng (ví dụ, Mithen 1990; Broughton 1997). Mặc dù kết cục của phổ tiếp cận tiến hóa này là thú vị và quan trọng, nhưng đó là kết cụ văn hóa của liên tục tính, và mối liên quan của nó với chương trình nghị sự của Khảo cổ học Phân tích, sẽ được khám phá thêm ở đây.

Chương trình nghị sự này cho rằng sự biến đổi văn hóa không thể được giải thích chỉ theo các tiêu chí liên quan đến sự thành công sinh sản của con người với tư cách là những “kẻ mang văn hóa”,mà là văn hóa có thể được coi là một loại hệ thống kế thừa riêng biệt, vì các truyền thống văn hóa được lưu truyền theo thế hệ, và thực sự là từ đời này sang đời khác, bằng các cơ chế văn hóa cụ thể. Theo đó, chúng ta có thể khám phá những tương đồng giữa sự vận hành của hệ thống kế thừa văn hóa và hệ thống kế thừa sinh học của các gen. Điều hấp dẫn là các quá trình tiến hóa sinh học và sự truyền gen, và các yếu tố ảnh hưởng đến chúng từ thế hệ này sang thế hệ khác, được hiểu rõ hơn nhiều so với trao truyền văn hóa, vì vậy chúng ta có thể học hỏi từ việc khám phá những tương đồng cả tích cực và tiêu cực giữa hai hệ thống và cách chúng vận hành. Quá trình này có thể dẫn đến sự phát triển của lý thuyết hữu ích giúp chúng ta hiểu các trường hợp cụ thể của tính ổn định và biến đổi văn hóa. Phiên bản nổi tiếng nhất của tính tương đồng giữa trao truyền văn hóa và di truyền gen là khái niệm meme [Thuật ngữ meme là sự rút ngắn, được mô phỏng trên gen của mimeme, có gốc từ tiếng Hy Lạp cổ đại mīmēma μίμημα, có nghĩa là “sự vật được bắt chước” do nhà sinh học tiến hóa người Anh Richard Dawkins đặt ra trong công trình The Selfish Gene (1976) như một khái niệm để thảo luận về các nguyên tắc tiến hóa trong việc giải thích sự lan truyền của các ý tưởng và hiện tượng văn hóa-HHN] của Richard Dawkins (Dawkins 1976; 1982: 109–12; xem thêm Blackmore 1999 để có phân tích mở rộng hơn): “Một đơn vị thừa kế dạng hạt, được giả thuyết tương tự như gen hạt, và được chọn lọc tự nhiên nhờ các hệ quả “loại hiện tượng” (phenotypic) của nó đối với sự sinh tồn và nhân rộng của chính nó trong môi trường văn hóa.”

Mặc dù thực tế có những vấn đề nghiêm trọng với khái niệm meme (tóm tắt, xem Shennan, 2002) và sự hiểu biết đầy đủ về cách thức mà văn hóa vận hành như một hệ thống kế thừa vẫn chưa đạt được, nhưng có bằng chứng đáng kể là nó vận hành theo cách này. Boyd và Richerson (1985: 46–55) đã xem xét các bằng chứng xã hội học và đo lường tâm lý tăng cường ủng hộ quan điểm cho rằng học tập xã hội hoạt động như một cơ chế kế thừa bằng cách tạo ra những tương đồng đáng kể giữa người học và những người mà họ học hỏi được, điều này không thể được giải thích bởi sự trao truyền gen hoặc môi trường có tương quan . Họ kết luận: “Khả tính di truyền được tính toán cho các đặc điểm hành vi của con người cao bằng hoặc cao hơn các phép đo cho các đặc điểm hành vi và ‘loại hiện tượng’ khác trong các quần thể sinh vật tự nhiên phi-văn hóa… Vì vậy, có thể [học tập xã hội] là một cơ chế kế thừa chính xác và ổn định như các gen vậy” (Boyd và Richerson 1985: 55).

Các nghiên cứu dân tộc học cho thấy rằng các cách thức thực hiện nhiều hoạt động của con người thể hiện yếu tố học tập xã hội mạnh mẽ, bao gồm nhiều thực hành tạo ra các thể chế xã hội (ví dụ, Toren 1990) và những thể chế liên quan đến sản xuất thủ công (Shennan và Steele 1999). Nói cách khác, chúng là những hiện tượng chịu sự kế thừa. Bằng chứng khảo cổ học củng cố hỗ trợ thêm. Một số thực hành cụ thể đạt được nhờ học tập xã hội cho thấy sự tương đồng đáng kể theo thời gian ngay cả khi không có các ràng buộc chức năng mạnh mẽ; thực hành trang trí gốm xác định truyền thống khu vực cho thấy một ví dụ rõ ràng. Điều này đưa chúng ta trở lại chương trình nghị sự lịch sử văn hóa, ít nhất là trong khuôn khổ mô tả: chúng ta cần tái tạo dựng các loại phát sinh loài về văn hóa, lịch sử của các truyền thống cụ thể, bởi vì chúng ta không thể hiểu được sự biến đổi văn hóa theo thời gian hoặc không gian mà không có chúng, cũng như chúng ta không thể hiểu được sự tiến hóa hữu cơ nếu không tái tạo các phát sinh loài về sinh học. Liệu những phát sinh loài như vậy sẽ có cấu trúc phân nhánh tương đối đơn giản của hầu hết các cây sinh học hay liệu các nhánh có hoàn toàn đan xen vào nhau hay không là điều vẫn còn phải giải quyết (xem Moore 1994; Mace và Pagel 1994; Collard và Shennan 2000).

Vậy thì việc công nhận sự kế thừa văn hóa có những hệ quả quan trọng đối với các loại khảo cổ mà chúng ta nên tiến hành, vì chúng ta phải xem xét lại những mối quan tâm của lịch sử văn hóa. Nhưng đây không phải là hệ quả duy nhất như vậy. Điều này cũng dẫn đến việc chúng ta không thể xác định một tập thuộc tính hoặc các loại hình chức năng do các quy trình thích ứng và một tập đặc tính phong cách khác nhau đơn giản phản ánh lịch sử học tập và tương tác. Mọi thực hành học được về phương diện xã hội, cho dù đó là cách săn bắn hay cách trang trí gốm, nói cách khác, cho dù rõ ràng là có chức năng hay không, đều sẽ có một lịch sử nguồn gốc. Hơn nữa, trong bất kỳ trường hợp cụ thể nào, chúng ta cũng không thể xác định liệu sự hiện diện của một đặc điểm cụ thể trong một số bối cảnh văn hóa lân cận khác nhau có phát sinh từ một sự thích nghi hội tụ chung mà không thực hiện phân tích phát sinh loài trước tiên hay không: thích nghi chỉ có thể được hiểu biết thông qua cách tiếp cận lịch đại nhận ra được nguồn gốc. Tương tự, phong cách không phải là thứ tồn dư sau khi chức năng đã bị loại bỏ. Phong cách chỉ đơn giản là một “cách làm”. Một số “cách làm” được thiết kế với những hệ quả thực tế trực tiếp, nhưng chúng cũng có thể sở hữu một dấu ấn mang tính lịch sử.

___________________________________________

(Còn nữa…) 

Nguồn: Shennan S. (2006). Analytical Archaeology, In A Companion to Archaeology Edited by John Bintliff, Copyright © 2004, 2006 by Blackwell Publishing Ltd, pp.3-20. 

 

Tác giả: Stephen Shennan, FBA là một nhà khảo cổ học và học thuật người Anh. Từ năm 1996, ông là Giáo sư Khảo cổ học Lý thuyết; Giám đốc Viện Khảo cổ học tại Đại học College London từ năm 2005 đến năm 2014. Mối quan tâm chủ yếu của Shennan là quá trình tiến hóa văn hóa và khảo cổ học Darwin, áp dụng các lý thuyết từ sinh thái học tiến hóa và khoa học hệ thống vào khảo cổ học. Vào tháng 7 năm 2006, Shenann được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh quốc.

References

Barth, F. (1987). Cosmologies in the Making: A Generative Approach to Cultural Variation in Inner New Guinea. Cambridge: Cambridge University Press.

Bentley, R. A. and H. D. G. Maschner (2000). ‘Subtle nonlinearity in popular album charts. Advances in Complex Systems 2: 1–10.

Bentley, R. A. and H. D. G. Maschner (2001). Stylistic change as a self-organised critical phenomenon. Journal of Archaeological Method and Theory 8: 35–66.

Bettinger, R. L. and J. Eerkens (1999). Point typologies, cultural transmission, and the spread of bow-and-arrow technology in the prehistoric Great Basin.’ American Antiquity 64: 231–42.

Binford, L. R. (1962). Archaeology as anthropology. American Antiquity 28: 217–25.

Binford, L. R. (1972). ‘Contemporary model building: paradigms and the current state of Palaeolithic research.’ In D. L. Clarke (ed.), Models in Archaeology, pp. 109–66. London: Methuen.

Blackmore, S. (1999). The Meme Machine. Oxford: Oxford University Press.

Boone, J. L. and E. A. Smith (1998). Is it evolution yet?’ Current Anthropology 39: 141–73.

Bourdieu, P. (1977). Outline of a Theory of Practice. Cambridge: Cambridge University Press.

Boyd, R. and P. Richerson (1985). Culture and the Evolutionary Process. Chicago: University of Chicago Press.

Boyd, R., M. Borgerhoff-Mulder, W. H. Durham, and P. J. Richerson (1997). Are cultural phylogenies possible? In P. Weingart, S. D. Mitchell, P. J. Richerson, and S. Maasen (eds.), Human by Nature, pp. 355–86. Mahwah, NJ: Lawrence Erlbaum.

Broughton, J. (1997). ‘Widening diet breadth, declining foraging efficiency and prehistoric harvest pressure: Ichthyofaunal evidence from the Emeryville shellmound, California.’’ Antiquity 71: 845–62.

Clarke, D. L. (1968). Analytical Archaeology. London: Methuen.

Collard, M. and S. J. Shennan (2000). Processes of culture change in prehistory: a case study from the European Neolithic. In C. Renfrew and K. Boyle (eds.), Archaeogenetics: DNA and the Population Prehistory of Europe, pp. 89–97. Cambridge: MacDonald Institute of Archaeological Research.

Dawkins, R. (1976). The Selfish Gene. Oxford: Oxford University Press.

Dawkins, R. (1982). The Extended Phenotype. Oxford: Oxford University Press.

Deetz, J. (1965). The Dynamics of Stylistic Change in Arikara Ceramics (Illinois Studies in Anthropology No. 4). Urbana: University of Illinois Press.

Diamond, J. (1998). Guns, Germs and Steel: A Short History of Everybody for the Last 13,000 Years. London: Jonathan Cape.

Douglas, M. (1978). Cultural Bias. London: Royal Anthropological Institute.

Giddens, A. (1984). The Constitution of Society. Cambridge: Polity Press.

Gould, S. J. and R. C. Lewontin (1979). The spandrels of San Marco and the Panglossian paradigm: A critique of the adaptationist programme. Proceedings of the Royal Society of London, Series B, 205: 581–98.

Hodder, I. (1982). Symbols in Action. Cambridge: Cambridge University Press.

Hodder, I. (1990). The Domestication of Europe. Oxford: Blackwell.

Kaplan, H. and K. Hill (1992). The evolutionary ecology of food acquisition. In E. A. Smith and B. Winterhalder (eds.), Evolutionary Ecology and Human Social Behavior, pp. 167–202. New York: Aldine de Gruyter.

Klejn, L. (1998). Comment on ‘Archaeologists and migrations: a question of attitude’, by H. Haerke. Current Anthropology 39: 30–1.

Lyman, R. L. and M. J. O’Brien (1998). The goals of evolutionary archaeology. Current Anthropology 39: 615–52.

Lyman, R. L., M. J. O’Brien, and R. C. Dunnell (1997). The Rise and Fall of Culture History. New York: Plenum.

Mace, R. and M. D. Pagel (1994). The comparative method in anthropology. Current Anthropology 35: 549–64.

Maschner, H. (ed.) (1996). Darwinian Archaeologies. New York: Plenum Press.

Mithen, S. (1990). Thoughtful Foragers: A Study of Human Decision-Making. Cambridge: Cambridge University Press.

Moore, J. H. (1994). Putting anthropology back together again: the ethnogenetic critique of cladistic theory. American Anthropologist 96: 925–48.

Neiman, F. D. (1995). Stylistic variation in evolutionary perspective: inferences from decorative diversity and interassemblage distance in IllinoisWoodland ceramic assemblages.’’ American Antiquity 60: 7–36.

Nettle, D. (1999). Linguistic Diversity. Oxford: Oxford University Press.

O’Brien, M. J. (ed.) (1996). Evolutionary Archaeology: Theory and Application. Salt Lake City: University of Utah Press.

Petrequin, P. (1993). North wind, south wind: Neolithic technological choices in the Jura Mountains, 3700–2400 bc. In P. Lemonnier (ed.), Technological Choices, pp. 36–76. London: Routledge.

Rosenberg, M. (1994). Pattern, process and hierarchy in the evolution of culture. Journal of Anthropological Archaeology 13: 307–40.

Rushforth, S. and J. S. Chisholm (1991). Cultural Persistence: Continuity in Meaning and Moral Responsibility among Bearlake Athabascans. Tucson: University of Arizona Press.

Shennan, S. J. (1978). Archaeological ‘cultures’: an empirical investigation. In I. Hodder (ed.), The Spatial Organization of Culture, pp. 113–39. London: Duckworth.

Shennan, S. J. (1989a). ‘Archaeology as archaeology or anthropology? Clarke’s Analytical Archaeology and the Binfords’ New Perspectives in Archaeology 21 years on. Antiquity 63: 831–5.

Shennan, S. J. (1989b). Introduction: archaeological approaches to cultural identity. In S. J. Shennan (ed.), Archaeological Approaches to Cultural Identity, 1–32. London: Unwin Hyman.

Shennan, S. J. (2002). Genes, Memes and Human History: Darwinian Archaeology and Cultural Evolution. London: Thames and Hudson.

Shennan, S. J. and J. Steele (1999). Cultural learning in hominids: a behavioral ecological approach. In H. Box and K. Gibson (eds.), Mammalian Social Learning: Comparative and Ecological Perspectives, pp. 367–88 (Symposia of the Zoological Society of London 72). Cambridge: Cambridge University Press.

Shennan, S. J. and J. R. Wilkinson (2001). Ceramic style change and neutral evolution: A case study from Neolithic Europe. American Antiquity 66: 577–93.

Skyrms, B. (1996). Evolution of the Social Contract. Cambridge: Cambridge University Press.

Sperber, D. (1985). Anthropology and psychology: towards an epidemiology of representations.’’ Man 20: 73–89.

Steele, J. and S. J. Shennan (eds.) (1996). The Archaeology of Human Ancestry: Power, Sex and Tradition. London: Routledge.

Teltser, P. (ed.) (1995). Evolutionary Archaeology: Methodological Issues. Tucson: University of Arizona Press.

Toren, C. (1990). Making Sense of Hierarchy: Cognition as Social Process in Fiji. London: Athlone Press.

Vansina, J. (1990). Paths in the Rainforests: Towards a History of Political Tradition in Equatorial Africa. Madison: University of Wisconsin Press.

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét