Powered By Blogger

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

Biểu tượng, Ý nghĩa và Ngữ cảnh (I)

Ian Hodder

Người dịch: Hà Hữu Nga

Đối với nhiều người, một trong những khía cạnh hấp dẫn nhất của khảo cổ học là nó xoãi giữa vực thẳm ngăn cách nghệ thuật với khoa học. Cụ thể hơn, nó kết hợp các khoa học xã hội và nhân văn ‘mềm hơn’ với các khoa học vật lý và tự nhiên ‘cứng hơn’. Lý do cơ bản cho mối liên hệ này là đặc trưng kép của văn hóa vật chất. Các hiện vật được các nhà khảo cổ nghiên cứu cho chúng ta biết về lịch sử nhưng không phải bằng ngôn ngữ của nhà sử học. Nhà khảo cổ học quan tâm đến sự vật hơn là từ ngữ. Văn hóa vật chất vừa là sản phẩm của mục đích con người, vừa là vật chất tuân theo các quy luật của thế giới phi con người. Bản thân thuật ngữ này đã hàm chứa tính nhị nguyên của “vật chất” và “văn hóa”.

Các nhà khảo cổ ngày càng sử dụng nhiều bộ dụng cụ của các kỹ thuật khoa học để giải quyết khía cạnh vật chất của tính nhị nguyên này. Tuy nhiên, trong những năm 1960 và 1970, cái gọi là các nhà Khảo cổ Mới đã cố gắng mở rộng cách tiếp cận khoa học tự nhiên vào tất cả các lĩnh vực của ngành này. Ngay cả các vấn đề văn hóa cũng được cho là có thể tiếp cận được bằng cách sử dụng một thứ triết học có nguồn gốc từ khoa học tự nhiên, bằng cách nhấn mạnh các quy luật tổng quát, kiểm tra giả thuyết và tính độc lập của lý thuyết và dữ liệu. Cách tiếp cận này thành công nhất trong các lĩnh vực của đời sống văn hóa như hoạt động sinh nhai đã tích hợp chặt chẽ hơn với môi trường tự nhiên. Nó ít chú ý đến thế giới xã hội và thậm chí ít chú ý đến các vấn đề biểu tượng và ý thức. Sử dụng phép ẩn dụ của khoa học tự nhiên, khảo cổ học được coi là chỉ giải quyết một cách tiếp cận tường giải. Với điều này, tôi muốn nói rằng các nhà khảo cổ học và dữ liệu mà họ nghiên cứu đều được cho là nằm trong một khuôn khổ ý nghĩa, một cách tiếp cận tường giải, được gọi là khoa học phương tây. Nhưng cũng có thể xem văn hóa vật chất là một bộ phận biểu hiện văn hóa và ý nghĩa khái niệm. Có thể vượt ra ngoài những cách sử dụng vật lý trực tiếp và những ràng buộc của các đối tượng vào các ý nghĩa biểu tượng trừu tượng hơn. Trong trường hợp này, việc hiểu văn hóa vật chất giống như việc diễn giải một ngôn ngữ vì nó xử lý các ý nghĩa vốn chỉ có mối liên hệ lỏng lẻo, nếu có chút nào liên quan đến các thuộc tính vật chất của các vật thể. Những ý nghĩa biểu tượng này được tổ chức theo các quy tắc và các mã dường như rất khác nhau giữa các nền văn hóa và dường như không được xác định chắc chắn bởi các vấn đề kinh tế, sinh học và vật lý. Đối mặt với tính bất định lịch sử này, mô hình khoa học tự nhiên cho khảo cổ học bị sụp đổ. Sử dụng phép ẩn dụ của các khoa học xã hội và nhân văn, khảo cổ học có thể được xem là xử lý một cách tiếp cận tường giải kép. Giống như khuôn khổ ý nghĩa của khoa học phương Tây mà các nhà khảo cổ học sử dụng, cũng có khuôn khổ ý nghĩa, có lẽ được tạo dựng rất khác nhau và theo các luật lệ và nguyên tắc khác nhau, đối với nền văn hóa đang được nghiên cứu. Vậy là, vấn đề trở thành cách thức chuyển dịch từ cách tiếp cận tường giải này đến cách tiếp cận tường giải khác. Trong hai chương tiếp theo, vấn đề cần phải làm sáng tỏ là văn hóa vật chất phải được diễn giải bằng phép tường giải của riêng nó. Tuy nhiên, vào thời điểm soạn thảo, tôi đã không nhận ra vấn đề của việc dịch từ văn hóa này sang văn hóa khác. Thật vậy, thậm chí tôi còn không nhận ra thế giới khoa học phương Tây mà tôi làm việc là văn hóa. Mục đích của tôi chỉ đơn giản là chỉ ra tính bất cập của cách tiếp cận khoa học tự nhiên phổ quát vốn coi các vật thể như thể chúng chỉ thuần túy là sản phẩm của thế giới vật chất. Kết quả là công trình khảo cổ dân tộc học chi tiết được thực hiện ở Châu Phi và được xuất bản trong tập Symbols in Action (1982), trong đó chương kết luận được tái bản ở đây là Chương 3, tôi muốn nêu ra ba điểm (xem thêm Hodder 1986).

Thứ nhất, văn hóa vật chất được cấu thành theo cách có ý nghĩa. Như đã nói rõ ở Chương 3, tôi hiểu điều này có nghĩa là có những ý tưởng và khái niệm gắn liền với đời sống xã hội ảnh hưởng đến cách thức sử dụng, tôn tạo và loại bỏ văn hóa vật chất. Mọi hành động của con người đều có ý nghĩa không chỉ đơn giản là vì nó truyền thông điệp đến người khác. Các cách tiếp cận xử lý thông tin có nguy cơ quy giản ý nghĩa của các đối tượng thành các ‘bit’ thông tin được nghiên cứu đơn giản theo khuôn khổ hiệu quả của chúng trong việc truyền tải thông điệp. Nhưng cho dù văn hóa vật chất vận hành như một công cụ hay thông tin, thì nó cũng được tổ chức bằng các khái niệm và ý tưởng mang lại ý nghĩa cho nó. Mặc dù giờ đây tôi nghi ngờ việc những khái niệm này nhất thiết phải được tổ chức chặt chẽ thành các ‘mã’, các ‘tập hợp’ và các ‘cấu trúc’, mà tôi kiên trì ở Chương 3 rằng một hình thức nào đó về phân tích cấu trúc luận là phù hợp. Mặt khác, trong Chương 4, lược đồ tổ chức mà “các ngôi mộ có nghĩa là nhà ở” bắt nguồn từ, mặc dù không thể quy giản nó vào, một bối cảnh kinh tế và xã hội cụ thể và không xem là được tổ chức bằng các cấu trúc trừu tượng. Cho dù ai đó nghĩ rằng các khái niệm của chúng ta được cấu trúc sâu xa bởi các đối lập nhị phân và những thứ tương tự (cách tiếp cận được thực hiện trong Chương 3) hoặc liệu các ý nghĩa có gắn chặt với một bối cảnh xã hội cụ thể (như được gắng thực hiện ở Chương 4) hay không, thì vẫn phải khẳng định rằng văn hóa vật chất được cấu thành bằng các khuôn khổ của ý nghĩa khái niệm.

Mặc dù văn hóa vật chất luôn được cấu thành theo cách có ý nghĩa, nhưng nó cũng có thể được đem đến những ý nghĩa khái niệm theo những cách khác nhau. Chẳng hạn, điều quan trọng là phải phân biệt ý nghĩa với ý định. Ở một cấp độ cụ thể, nhà khảo cổ học có thể đặt câu hỏi về các ý định như “Mục đích của hình dạng của con mương đó là gì?”, “Tại sao bức tường này lại được làm bằng đất, còn bức tường kia lại bằng đá?”, “Tại sao ngôi mộ này trong giống ngôi nhà kia?” Merriman (1987) đã chỉ ra rằng các nhà khảo cổ học tiền sử có thể trả lời các câu hỏi về những ý định thậm chí trừu tượng nhất. Ông cho thấy rằng một bức tường ở trung tâm Châu Âu thời kỳ đồ sắt được xây dựng giống như các ví dụ ở Địa Trung Hải nhằm tạo uy tín bằng cách liên tưởng tới các nền văn minh Địa Trung Hải kỳ lạ. Thật vậy, các nhà khảo cổ học thường lập luận rằng một số vật phẩm nhất định có giá trị cao, thể hiện địa vị thế hoặc tạo uy tín cao. Trong tất cả những trường hợp như vậy, nhà khảo cổ học phải giả định rằng ở một mức độ nào đó, những người tham gia vào nền văn hóa đang được nghiên cứu có chủ đích đưa ra hàm nghĩa uy tín cho các đối tượng liên quan. Rốt cuộc, sẽ rất khó để thấy một đối tượng có thể tạo được uy tín bằng cách nào nếu không ai vào thời điểm đó công nhận nó theo đúng nghĩa. Ngay cả khi một người lần đầu làm ra một tác vật không có ý định gì về việc nó là sản phẩm có uy tín, thì một đồ vật có uy tín thường sẽ được sử dụng một cách có chủ ý.

Nhưng ý định không làm cạn kiệt ý nghĩa của các đối tượng. Điều này là do có thể có những ý nghĩa khái niệm không được người tạo ra và người sử dụng vật thể công nhận. Có lẽ có thể phân biệt ý nghĩa không được nhận thức và ý nghĩa ngoài ý định. Ý nghĩa không được nhận thức: một mặt, có những lĩnh vực ý nghĩa mà các tác nhân không có ý thức hoặc chỉ có ý thức lờ mờ và không thường xuyên. Chúng ta có thể hành động một cách hiệu quả mà không cần phải khơi dậy trong tâm trí chúng ta tất cả những ý nghĩa văn hóa của những sự vật mà chúng ta làm. Ví dụ: tôi có thể chỉ cho một vị khách đến thăm nhà tôi phòng khách và phòng ăn chứ không phải phòng ngủ và nhà bếp mà không nhận ra rằng tôi đang sử dụng một mã phổ biến ở Anh nhằm tách biệt công cộng và riêng tư bằng những cách thức cụ thể. Ý nghĩa ngoài ý định: mặt khác, những con người khác nhau sẽ gán cho những điều khác nhau là các hành động. Người sản xuất hoặc sử dụng một vật ở một mức độ nào đó luôn khó mà chắc chắn được về việc vật đó sẽ được những người khác gán cho ý nghĩa như thế nào. Những con người khác nhau có thể liên kết cùng một đối tượng với các lược đồ khái niệm khác nhau. Với lời nói, ở một mức độ nào đó, có thể theo dõi tác động của những gì người ta đang nói và sau đó nhấn mạnh, tóm tắt lại, diễn đạt lại bằng một câu để ý nghĩa đã định được rõ ràng. Nhưng với chữ viết, và với phần nhiều văn hoá vật chất, văn bản và đối tượng trở nên tách biệt khỏi tác giả và người làm ra. Vì khoảng cách về không gian và thời gian tạo ra chúng, nên các văn bản và hiện vật có thể được gán cho nhiều ý nghĩa trong các bối cảnh khác nhau. Chỉ cần nhìn vào các ý nghĩa khác nhau gán cho Stonehenge (Chippindale 1983) để đánh giá cách thức mà các hiện vật khảo cổ học, tồn tại hàng thiên niên kỷ, có thể được cung cấp những cách diễn giải mới.

Do những lĩnh vực ý nghĩa không được nhận ra, không được dự kiến ​​này, và bởi vì các nhóm khác nhau trong xã hội có thể đưa ra những ý nghĩa thường là tương phản, của riêng họ cho cùng một đối tượng, nên sự nhấn mạnh trong Chương 3 về các ‘tổng thể’ có cấu trúc cần được ôn luyện với sự hiểu biết đầy đủ hơn về các ý nghĩa mâu thuẫn được gắn cho về phương diện xã hội. Nói cách khác, các lược đồ khái niệm và ý nghĩa biểu tượng cần liên quan đến thực tiễn. Trong các thực hành của cuộc sống hàng ngày, cho dù chủ yếu là kinh tế, xã hội hay ý thức, thì các tác nhân đều dựa trên các lược đồ khái niệm và các nguồn lực, nhưng họ làm như vậy theo cách khác nhau tùy thuộc vào lập trường và ý định kinh tế, xã hội và ý thức của họ. Trong trường hợp người Nuba được thảo luận ở Chương 3, rất có thể các nghiên cứu sâu hơn sẽ chỉ ra rằng đàn ông và phụ nữ xem những đối lập giữ tinh khiết / không tinh khiết = trâu bò / lợn = nam / nữ theo cách khác nhau (xem Hodder 1986). Barrett (1987b) đã chỉ ra liên quan đến nghiên cứu được trình bày ở Chương 4 là không có tài liệu nào được đưa ra về việc liệu các ngôi mộ có nghĩa là các ngôi nhà cho tất cả hay chỉ một số người. Tất nhiên có thể xảy ra trường hợp là các ý nghĩa khác nhau mà các nhóm trong xã hội đưa ra theo một nghĩa nào đó là các tập con của một ‘tổng thể’ lớn hơn, nhưng sự tích hợp như vậy cần được chứng minh hơn là giả định.

Điểm chung thứ hai là kết quả của việc viết Biểu tượng trong Hành động được tiếp nối từ điểm đầu tiên. Nếu văn hóa vật chất được cấu thành một cách có ý nghĩa, và nếu các ý nghĩa khái niệm ít nhất là phần nào mang tính võ đoán, thì văn hóa vật chất phải được nghiên cứu theo ngữ cảnh. Khái niệm về tính võ đoán cần được làm rõ. Tôi đã lập luận ở trên rằng ý nghĩa trừu tượng và biểu tượng của các vật thể văn hóa vật chất không thể bị quy giản thành các thuộc tính sinh học và vật lý của chúng cũng như không thể quy giản thành các mục đích sử dụng của chúng. Ví dụ, không có ý nghĩa tôn giáo nội tại nào trong hai mảnh gỗ được đóng đinh với nhau dưới hình thức cây thánh giá. Việc nói rằng ý nghĩa của các vật thể văn hóa vật chất phần nào mang tính võ đoán là nói rằng những ý nghĩa đó không thể được quyết định từ nghiên cứu khoa học xuyên văn hóa về các thuộc tính và chức năng vật chất của các vật thể. Trong khi các ý nghĩa văn hóa vật chất có thể là võ đoán về phương diện lịch sử theo nghĩa này, thì chúng lại không võ đoán theo nghĩa khác. Bất kỳ việc sử dụng hiện vật nào cũng đều phụ thuộc vào việc sử dụng và ý nghĩa trước đây của hiện vật đó hoặc của các hiện vật tương tự trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Tuy nhiên, bối cảnh chắc chắn đó đang làm thay đổi ý nghĩa của các hiện vật tại thời điểm t không phải là võ đoán vì chúng phụ thuộc một phần vào ý nghĩa của các hiện vật tại thời điểm t - 1.

Do đó, ý nghĩa biểu tượng của các hiện vật không hoàn toàn võ đoán bởi vì chúng bị ràng buộc trong các ngữ cảnh. Vì vậy, đối với nhà khảo cổ học muốn hiểu ý nghĩa quá khứ của các đối tượng, thì điều thiết yếu là phải xác định ngữ cảnh trong đó một đối tượng có các liên kết góp phần tạo nên ý nghĩa của nó. Tôi sẽ thảo luận đầy đủ hơn về định nghĩa ngữ cảnh trong Chương 11. Hiện tại, tôi định nghĩa ngữ cảnh là tổng thể môi trường liên quan (Hodder 1991, 143). Ngữ cảnh của một ‘đối tượng’ khảo cổ học (bao gồm đặc điểm, địa điểm, văn hóa) là tất cả những liên kết có liên quan đến ý nghĩa của nó. Tính tổng thể này tất nhiên không cố định theo bất kỳ cách nào vì ý nghĩa của một đối tượng phụ thuộc vào việc nó được so sánh với cái gì, với ai, với mục đích gì, v.v. Do đó, có một mối quan hệ giữa tổng thể tính và vấn đề về mức độ phù hợp. Định nghĩa tổng thể tính phụ thuộc vào quan điểm, sở thích và tri ​​thức. Ngoài ra, có một mối quan hệ động giữa một đối tượng và ngữ cảnh của nó. Bằng cách đặt một đối tượng trong một ngữ cảnh, ngữ cảnh đó sẽ tự thay đổi. Do đó, có mối quan hệ biện chứng giữa đối tượng và ngữ cảnh, giữa văn bản và ngữ cảnh. Ngữ cảnh vừa cung cấp ý nghĩa cho đối tượng, lại vừa có được ý nghĩa từ đối tượng.

Do đó, khảo cổ học ngữ cảnh liên quan đến việc “mô tả dày” (Geertz 1973) theo nghĩa nó nhấn mạnh sự cần thiết phải hiểu ý nghĩa của một đối tượng bằng cách đặt nó ngày càng đầy đủ hơn vào các bối cảnh khác nhau của nó. Nhưng mặt khác, như đã được trình bày rõ trong Chương 3, bất kỳ bối cảnh hóa nào như vậy đều phụ thuộc vào các tính tổng quát. Như đã lưu ý ở Chương 1, bất kỳ cách tường trình nào về quá khứ đều liên quan đến việc chuyển dịch các khuôn khổ “khác” thành “của chúng ta”. Chúng ta thậm chí không thể hiểu ngay được dữ liệu khảo cổ học mà không đưa ra các giả định chung. Nhưng điều nguy hiểm đã xảy ra trong khảo cổ học là những khái quát hóa này đã được áp dụng một cách thiếu nhạy bén, không thừa nhận khía cạnh văn hóa nhân loại mà về mặt lịch sử là không mang tính võ đoán. Cần phải diễn giải các khái quát hóa trong mối quan hệ với bối cảnh cụ thể. Theo đúng nghĩa, khảo cổ học ngữ cảnh không phải là tương đối luận. Ý tôi là nó chấp nhận khả năng di chuyển giữa các bối cảnh văn hóa, bằng cách sử dụng các khái quát hóa, để hiểu được kẻ ‘khác’. Nhưng có lập luận cho rằng các khái quát này phải phù hợp với ngữ cảnh “khác” theo những cách thức nhạy bén và “dày”. Trong quá trình ấy các khái quát hóa, tự chúng biến đổi. Sự chuyển động giữa khái quát hóa và ngữ cảnh, giống như giữa ngữ cảnh và đối tượng, là liên tục và không ổn định.

Điểm chính thứ ba đạt được từ Biểu tượng trong Hành động là văn hóa vật chất có tính chủ động chứ không phải bị động. Điểm cốt yếu này làm nền tảng cho hai điều đầu tiên. Nó cho rằng văn hóa vật chất không phải là phụ phẩm thụ động của hành vi con người. Về bản chất, lập luận đang được đưa ra ở đây để chống lại quan điểm máy móc về xã hội. Với nỗ lực nhìn xã hội và văn hóa con người thông qua các tiếp cận tuyệt vời trong khoa học tự nhiên, các nhà khảo cổ học mới nổi vào những năm 1960 và 1970 thường nhấn mạnh các mối quan hệ có thể dự đoán được giữa hành vi, văn hóa vật chất và môi trường. Do đó, chúng ta đã được biết chính xác mang tính thống kê rằng các khu định cư với một diện tích mặt bằng nhất định sẽ chứa một số lượng người nhất định, hoặc tính phức tạp về mộ táng liên quan đến tính phức tạp xã hội theo một cách trực tiếp nào đó. Trên thực tế, tất nhiên, xã hội không được tạo thành từ những con người kiên định tuân theo các quy tắc phi lịch sử. Các nhóm trong xã hội có những mục tiêu và chiến lược khác nhau để đạt được các quy tắc đó và chúng mang lại những ý nghĩa khác nhau cho thế giới xung quanh. Kết quả là, các cá nhân phải đối mặt với một mức độ bất chắc nào đó trong việc áp dụng các quy tắc lịch sử vào hành động xã hội. Vì ý nghĩa và hệ quả của hành động không được nhận ra và không định trước, nên liên tục cần phải theo dõi và diễn giải hành động. Do đó, toàn bộ hành động của con người đều mang tính sáng tạo và diễn giải. Các quy tắc tổng quát phải được diễn giải trong mối quan hệ với ngữ cảnh giống như cách thức mà các nhà khảo cổ học phải hiểu các ý nghĩa là không hiển nhiên. Chúng không thể được hấp thụ một cách thụ động, mà phải được tích cực tạo dựng.

Kiểm nghiệm

Ba điểm được thảo luận ở trên đặt ra một loạt các câu hỏi khó. Ví dụ, nếu văn hóa vật chất được cấu thành một cách có ý nghĩa, thì làm thế nào các nhà khảo cổ học có thể tái tạo lại những ý nghĩa khác nhau mà những kẻ đã chết từ lâu trao cho các hiện vật? Nếu ý nghĩa mang tính ngữ cảnh, thì làm thế nào chúng ta biết được bối cảnh liên quan trong quá khứ là gì? Nếu văn hóa vật chất đang hoạt động và các ý nghĩa được tạo dựng nên, thì chúng ta có thể sử dụng các khái quát hóa như thế nào? Có phải toàn bộ nỗ lực để hiểu được ý nghĩa “của chúng” đã đến hồi kết sao? Làm thế nào chúng ta có thể hy vọng “đi guốc” trong bụng ‘họ’? Một số nhà khảo cổ học thấy những câu hỏi này khó đến mức họ muốn đưa tay lên mà phán rằng chúng ta không nên cố tìm hiểu ý nghĩa ‘của chúng’. Rõ ràng là có một quan điểm, mà tôi sẽ thảo luận ở Chương 11, là chúng ta nên chấp nhận một cách đơn giản rằng các nhà khảo cổ học không thể tái tạo lại quá khứ. Tất cả những gì họ có thể làm là kiến tạo nó, áp đặt ý nghĩa của chúng ta lên dữ liệu và chỉ vậy thôi. Trong Chương 11, tôi sẽ bác bỏ quan điểm quá cực đoan này. Tôi cho rằng ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể điều chỉnh các kiến tạo của mình để hiểu được ý nghĩa ‘của chúng’. Nhưng đối với những người có mục đích tái tạo thay vì chỉ kiến tạo quá khứ, điều tôi thấy hoàn toàn không thể hiểu được là quan điểm cho rằng chúng ta có thể làm điều này mà không cần hiểu ý nghĩa “của chúng”. Nhiều người dường như chấp nhận rằng văn hóa nhân loại là có ý nghĩa và có mục đích, nhưng đồng thời họ dường như tự thuyết phục mình rằng văn hóa nhân loại có thể được nghiên cứu mà không cần viện đến ý nghĩa.

Ban đầu, ý tưởng cho rằng các nhà khảo cổ học khó tiếp cận với các ý nghĩa biểu trưng trong quá khứ đã được cổ võ bởi chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa hoài nghi được thể hiện trong thang suy luận của Hawkes (1954). Theo thang đo này, các nhà khảo cổ học có thể tái tạo lại các công nghệ và nền kinh tế trong quá khứ một cách tương đối dễ dàng so với các ý tưởng và tổ chức xã hội trong quá khứ. Sự tách biệt giữa vật chất và văn hóa này thường được gắn với một chủ nghĩa duy vật, từ Childe đến Binford, theo đó có thể suy ra tính xã hội và tư tưởng từ vật chất. Ngày nay nhiều nhà khảo cổ học có lẽ đã bác bỏ những cách tiếp cận như vậy và chấp nhận rằng văn hóa vật chất được cấu thành cả về mặt vật chất và ý nghĩa. Nhưng do dư vị từ chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa thực chứng và chủ nghĩa duy vật, nên các nhà khảo cổ học ấy, đã một mạch phủ nhận khả năng hiểu được tư duy quá khứ. Ví dụ, Earle và Preucel (1987) chấp nhận tầm quan trọng của hệ biểu tượng nhưng lại cho rằng chúng ta không thể hiểu được tâm trí của người tiền sử. Điều này cũng đúng với Bintliff (1990, 13). Nhưng sẽ có ích gì khi giải thích các biểu tượng trong quá khứ (như tượng trưng cho uy tín, vị thế, bên trong hay bên ngoài) nếu chúng ta không nghĩ rằng chúng có những ý nghĩa đó đối với ‘họ’?

Binford thường lập luận rằng cần phải tránh đưa ra các diễn giải về vai trò của tâm trí và các ý nghĩa biểu tượng trong việc hiểu cả dữ liệu khảo cổ học và dữ liệu ‘thực tại’. Nhưng sau đó, ông vẫn gợi ý khái quát sau “nếu ai đó có dự kiến quan tâm đến di chỉ ấy trong một thời gian mà không quan tâm đến việc tìm được các vật chất thải bỏ từ một hoạt động nào đó thì đã hạn chế việc thực hiện hoạt động khác, hoạt động mở ra các khu vực sử dụng riêng biệt bên ngoài khu vực nhà ở” (1989, 256, chữ in nghiêng của tôi). Trung tâm của khái quát này là niềm tin hoặc nhận thức mà ‘họ’ nắm giữ: ‘mà không quan tâm đến’. Cốt lõi của toàn bộ các khái quát hóa về hành động thải bỏ là những giả định như vậy về tâm trí “của họ”.

Một ví dụ khác, theo Barrett (1987b) việc tuyên bố rằng chúng ta có thể hiểu thế giới “của họ” là đáng ngờ và không cần thiết. Ông cho rằng chúng ta có thể nghiên cứu diễn ngôn mà không cần khám phá ra ý tưởng trong đầu mọi người và chúng ta có thể từ chối mô hình “văn bản” cho văn hóa vật chất mặc dù ông vẫn thấy hành động xã hội là có ý nghĩa, là được tạo dựng, là tích cực. “Tôi không tin rằng những văn bản như vậy có khả năng chuyển dịch đầy đủ” (Barrett 1987a, 6). Tuy nhiên, toàn bộ cách tiếp cận diễn ngôn của ông đều chấp nhận rằng văn hóa vật chất không có những ý nghĩa khách quan duy nhất (sđd, 9), còn thế giới vật chất được sử dụng để mang lại ý nghĩa và nó được làm thành có ý nghĩa. Ông khẳng định rằng các mã có thẩm quyền được biểu đạt bằng các biểu tượng mà qua đó “những người tham gia biết được” (ibid., 10) và chấp nhận giá trị của các điều kiện mà họ hành động. Vì Barrett dường như bác bỏ một thứ chủ nghĩa duy vật ngây thơ, nên để áp dụng cách tiếp cận của mình, ông phải diễn giải các ý nghĩa trong đầu “của họ”, bất chấp cách diễn đạt ngược lại của ông. Và điều này thực sự rất rõ ràng trong công trình ứng dụng của chính ông. Ví dụ, ông đã tuyên bố cần thiết phải hiểu được thứ “địa lý chủ quan” về cách mọi người “cảm thụ” cảnh quan của họ (Barrett 1989, 122–3). Ông đã diễn giải vị trí của một nghĩa địa ở rìa các cánh đồng nông nghiệp được xác định “bởi các hoạt động tăng trưởng và khả năng sinh sản” (ibid., 124). Đối với việc diễn giải về cách mà các thức chôn cất trao quyền cho mọi người trong quá khứ để tạo ra bát kỳ ý nghĩa nào, thì cần phải giả định rằng, ở một mức độ nào đó, những ý tưởng về tăng trưởng và khả năng sinh sản đã có sẵn trong đầu “của họ”.

Dù muốn hay không thì Barrett, giống như những người khác trong chúng ta, cũng đã tự diễn giải các ý nghĩa khái niệm trong đầu “của họ”. Tôi chưa bao giờ đọc một văn bản khảo cổ học trong đó một diễn giải nào đó về những gì ‘họ’ đang nghĩ lại không phải là một phần cần thiết của lập luận, tuy nhiên phần nhiều tác giả có thể phủ nhận điều đó. Khi tôi gọi một số di tích còn sót lại trên một di chỉ là một ngôi nhà hoặc nơi ở, tôi phải ngụ ý rằng “họ” đã sử dụng nó và nhận rõ nó theo cách giống như một ngôi nhà. Nếu không, có lẽ tôi sẽ gọi nó là một chỗ chứa đồ hoặc một cái gì đó khác. Tất nhiên, tôi có thể khẳng định rằng thuật ngữ “ngôi nhà” là một cách gọi trung tính, nhưng tôi ngờ rằng quá trình phân tích sẽ diễn ra theo cách khác, với các kết luận khác nhau nếu tôi gắn cho các di tích đó các tên gọi trung tính khác như đền thờ, chuồng gia súc, hoặc thậm chí sàn nhảy hoặc sào huyệt của bọn cờ bạc! Tương tự, các diễn giải về ý nghĩa của những thứ liên quan đến “chúng” làm cơ sở cho các nhãn “trung tính” như khu cư trú, tường, hố. Nếu ‘họ’ không xem khu cư trú như-khu cư trú và do đó không sử dụng nó theo cách giống như-khu cư trú, thì sẽ vô nghĩa nếu nói về nó như một khu cư trú.

. Ngay cả khi tôi tái tạo một hoạt động kinh tế từ xương động vật trong một di chỉ, thì ít nhất tôi cũng phải giả định rằng ‘họ’ nghĩ về những loài động vật mà từ đó xương có ích cho thực phẩm, quần áo, v.v. Khi Renfrew (1982) tái tạo một hệ thống cân đo cổ xưa, chúng ta phải giả định rằng bản thân ‘họ’ cũng hiểu rõ hệ thống đó. Nếu không, làm thế nào nó có thể hoạt động? Tôi đã đưa ra ví dụ về các hiện vật mà các nhà khảo cổ học chỉ định là hàng hóa uy tín hoặc thể hiện vị thế cao hay thấp. Làm thế nào một hiện vật có thể có uy tín hoặc đem lại vị thế nếu ‘họ’ không coi nó là có uy tín hoặc thể hiện một vị thế nào đó?

_______________________________________

(Còn nữa…)

Nguồn: Hodder I. (1992). Symbolism, Meaning and Context, In Book Theory and Practice in Archaeology, First published in 1992 by Routledge, London.

Tác giả: Ian Richard Hodder, sinh ngày 23 tháng 11 năm 1948, tại Bristol là một nhà khảo cổ học người Anh và là nhà tiên phong của lý thuyết hậu quá trình trong khảo cổ học. Ông theo học ngành khảo cổ học thời tiền sử tại Viện Khảo cổ học của Đại học London, tốt nghiệp với bằng Cử nhân Hạng nhất vào năm 1971. Sau đó, ông theo học tại Peterhouse, Cambridge, và được Đại học Cambridge trao học vị Tiến sĩ vào năm 1975: người hướng dẫn ông là David L. Clarke và luận án của ông có tiêu đề “Một số ứng dụng Phân tích Không gian trong Khảo cổ học”. Ông là giảng viên tại Đại học Leeds từ năm 1974 đến năm 1977. Từ năm 1990 đến năm 2000, ông là giám đốc Đơn vị Khảo cổ học Cambridge và là thành viên của Đại học Darwin, Cambridge. Ông được bổ nhiệm là Phó Giáo sư Tiền sử năm 1990, và Giáo sư Khảo cổ học vào năm 1996. Năm 1999, Hodder chuyển đến Đại học Stanford ở Hoa Kỳ. Ông là Giám đốc của Dự án Khảo cổ học Çatalhöyük nhằm bảo tồn di chỉ cùng bối cảnh để giới thiệu với công chúng. Ông đã cố gắng khám phá tác động của các phương pháp phi thực chứng trong khảo cổ học, bao gồm việc cung cấp cho mỗi người khai quật cơ hội ghi lại diễn giải của cá nhân họ về di chỉ. Ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh Quốc (FBA) vào năm 1996.

References

Barrett, J. (1987a) ‘Fields of discourse’, Critique of Anthropology, 7, 5–16.

——(1987b) ‘Contextual archaeology’, Antiquity 61, 468–73.

——(1989) ‘Time and tradition: the rituals of everyday life’, in H.-A. Nordstrom and A.Knape (eds) Bronze Age Studies, Stockholm: Statens Historiska Museum.

Binford, L.R. (1989) Debating Archaeology, New York: Academic Press.

Bintliff, J. (ed.) (1990) Extracting Meaning from the Past, Oxford: Oxbow Books.

Bogucki, P. (1987) The establishment of agrarian communities on the north European plain’, Current Anthropology 28, 1–24.

Chippindale, C. (1983) Stonehenge Complete, London: Thames and Hudson.

Earle, T. and Preucel, R. (1987) ‘Processual archaeology and the radical critique’, Current Anthropology 28, 501–38.

Geertz, C. (1973) The Interpretation of Cultures, New York: Basic Books.

Hawkes, C. (1954) ‘Archaeological theory and method: some suggestions from the Old World’, American Anthropologist 56, 155–68.

Hodder, I. (1982) Symbols in Action, Cambridge: Cambridge University Press.

——(1984) ‘Burials, houses, women and men in the European Neolithic’, in D. Miller and C.Tilley (eds) Ideology, Power and Prehistory, Cambridge: Cambridge University Press.

——(1986) Reading the Past, Cambridge: Cambridge University Press.

——(1990) The Domestication of Europe, Oxford: Basil Blackwell.

——(1991) Reading the Past, 2nd edn, Cambridge: Cambridge University Press.

Kinnes, I. (1982) ‘Les Fouaillages and megalithic origins’, Antiquity, 61, 24–30.

Merriman, N. (1987) ‘Value and motivation in prehistory: the evidence for “Celtic spirit”’, in I.Hodder (ed.) The Archaeology of Contextual meanings, Cambridge: Cambridge University Press.

Midgley, M. (1985) The Origin and Function of the Earthen Long Barrows of Northern Europe, Oxford: British Archaeological Reports International Series 259.

Renfrew, C. (1982) Towards an Archaeology of Mind, Cambridge: Cambridge University Press.

Richards, C. (1991) ‘The late Neolithic house in Orkney’, in R.Samson (ed.) The Social Archaeology of Houses, Edinburgh: Edinburgh University Press.

——(1992) ‘Monumental choreography: architecture and spatial representation in late Neolithic Orkney’, in M.Shanks and C.Tilley (eds) Interpretative Archaeology, London: Routledge.

Sharples, N. (1985) ‘Individual and community: the changing role of megaliths in the Orcadian Neolithic’, Proceedings of the Prehistoric Society 51, 59–74.

Sherratt, A. (1990) The genesis of megaliths’, World Archaeology 22, 147–67.

Thevenot, J.-P. (1985) ‘Informations archeologiques: circonscription de Bourgogne’, Gallia Prehistoire 28, 171–210.

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét