Powered By Blogger

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

Phân loại học Khảo cổ và Nghiên cứu Quá trình Văn hóa (I)

Lewis Binford

Người dịch: Hà Hữu Nga

Tóm tắt: Người ta ​​cho rằng lý thuyết định chuẩn văn hóa, được phổ biến rộng rãi trong giới khảo cổ học, là không đủ để tạo ra các giả thuyết giải thích hiệu quả về quá trình văn hóa. Một thiếu sót dễ thấy của lập trường lý thuyết này là sự phát triển của hệ thống phân loại khảo cổ học đã loại bỏ bất kỳ khả năng nào của các hiện tượng đa biến và chỉ cho phép đo lường “những khác biệt và tương đồng về văn hóa” không xác định, như thể đây là những hiện tượng đơn biến vậy. Để thay thế cho cách tiếp cận này, người ta đề xuất xem văn hóa như một hệ thống bao gồm các phụ hệ thống, và cho rằng các khác biệt và tương đồng giữa lớp di tích khảo cổ học khác nhau phản ánh các phụ hệ thống khác nhau và do đó có thể dự kiến ​​ sẽ thay đổi lẫn nhau trong sự vận hành bình thường của hệ thống hoặc trong quá trình thay đổi hệ thống. Một cuộc thảo luận chung về phân loại gốm và phân loại sự những khác biệt và tương đồng giữa các tập hợp được trình bày như một ví dụ về cách tiếp cận đa biến để nghiên cứu biến đổi văn hóa. Người ta gợi ý rằng một cách tiếp cận đa biến sẽ khuyến khích nghiên cứu sự biến đổi văn hóa và nguyên nhân của nó và do đó nâng cao việc nghiên cứu quá trình văn hóa.

Willey và Phillips (1958: 50) đã bày tỏ nghi ngờ về việc các khái niệm khảo cổ học hiện tại như “giai đoạn” có ý nghĩa nhất quán về các đơn vị xã hội của con người. Mục đích của bài viết này là tìm hiểu một số nguyên do dẫn đến sự thiếu thống nhất này và đưa ra một khung lý thuyết phù hợp hơn với hiện thực xã hội. Trong bất kỳ khung lý thuyết chung nào cũng đều có ít nhất hai cấu phần chính: (1) một cấu phần đề cập đến các tiêu chí phân lập hiện tượng đang nghiên cứu và với các giả định cơ bản về bản chất của các đơn vị hoặc các lần xuất hiện bộ phận trong lớp hiện tượng chung được công nhận, và (2) các giả định liên quan đến các đơn vị bộ phận này được khớp nối trong sự vận hành của một hệ thống hoặc trong quá trình thay đổi.

Hầu hết các phương tiện phân tích và công cụ khái niệm của hệ thống phân loại khảo cổ học đã phát sinh trong bối cảnh của một bộ lý thuyết mà ở đây được gọi là “trường phái định chuẩn” (normative school). Theo quan điểm định chuẩn này, hiện tượng đang nghiên cứu được định nghĩa rất đa dạng, nhưng có sự thống nhất chung là văn hóa với chữ V hoa là chủ thể. Về điều này, các nhà lý thuyết định chuẩn đồng thuận với những người khác. Đó là trong việc định nghĩa về các khái niệm bộ phận và các giả định liên quan đến các quá trình giữa động thái đơn vị mà các nhà lý thuyết định chuẩn phân biệt rõ rệt khỏi lập trường được đưa ra ở đây. Taylor (1948: 110) đã đưa ra một tuyên bố định chuẩn điển hình: “Bằng vào văn hóa như một khái niệm bộ phận, ý tôi là một hệ thống các đặc điểm văn hóa có nguồn gốc lịch sử, là một phân đoạn ít nhiều có thể tách rời và gắn kết của tổng thể-văn hóa- đó và những đặc điểm riêng biệt của chúng có xu hướng được chia sẻ bởi tất cả hoặc bởi những cá nhân được chỉ định đặc biệt của một nhóm hoặc xã hội”.

Quan điểm tương tự cũng được Willey và Phillips (1958: 18) thể hiện khi nói về sự phân chia không gian của các hiện tượng văn hóa: “Theo đúng thuật ngữ khảo cổ học, tính địa phương là một không gian địa lý đủ nhỏ để cho phép giả định về tính đồng nhất hoàn toàn về văn hóa tại bất kỳ thời điểm nào.” Hai trích dẫn trên và các bài viết của các nhà khảo cổ học khác (Ford 1954: 47; Rouse 1939: 15-18; Gifford 1960: 346) nhấn mạnh về những đặc trưng chung của hành vi con người trong khuôn khổ tư tưởng này, được định nghĩa là toàn bộ trừu tượng từ hành vi của con người. “Theo khái niệm văn hóa đang được phát triển ở đây, văn hóa là một cấu trúc tinh thần bao gồm các ý tưởng” (Taylor 1948: 101). Hoặc như Ford (1954: 47) đã lập luận: “Trước hết, cần phải nhắc lại rằng những công trình xây dựng này là các sản phẩm văn hóa – chứ không phải văn hóa. Những cách sắp xếp gỗ, tranh tre này được các nhà dân tộc học quan tâm chỉ vì chúng minh họa cho ý tưởng của người thổ dân về những cách thức xây dựng nhà ở thích hợp.”

Tóm lại, một nhà lý thuyết định chuẩn là người coi lĩnh vực nghiên cứu của mình là cơ sở tư tưởng cho việc thay đổi các cách thức sống của con người - văn hóa. Thông tin thu được bằng cách nghiên cứu các sản phẩm văn hóa hoặc các quá trình khách thể hóa các ý tưởng định chuẩn về cách sống thích hợp được các dân tộc hiện đã tuyệt chủng thực hiện. Vậy thì nhiệm vụ của nhà khảo cổ học là ở việc trừu tượng hóa thành các khái niệm định chuẩn từ các sản phẩm văn hóa tồn tại trong tâm trí của những con người giờ đã chết. (Để biết những lời chỉ trích về quan điểm này, xem White 1954: 461-8.)

Khi xem xét vấn đề làm thế nào chúng ta có thể quan sát và nghiên cứu các hiện tượng văn hóa, thì một câu hỏi quan trọng được đặt ra: Những loại hình đơn vị nào có thể được phân lập cho việc nghiên cứu văn hóa có ý nghĩa? Đối với những người chủ trương trường phái định chuẩn, thì giả định về các đơn vị hoặc các “gói” tự nhiên trong đó văn hóa xuất hiện tùy thuộc vào các giả định về động lực của sự truyền tải ý tưởng. Cơ sở không thể chối cãi của sự trao truyền văn hóa giữa các thế hệ chính là học tập và truyền bá là cơ sở trao truyền giữa các đơn vị xã hội không được liên kết bởi hành vi giáo dưỡng thường xuyên. Hệ quả của mệnh đề này là văn hóa được truyền giữa các thế hệ và giữa các quần thể có giáo dưỡng theo tỷ lệ nghịch với khoảng cách xã hội giữa các nhóm được đề cập. Vì văn hóa được xem như một “tổng thể” lớn được truyền qua thời gian và xuyên không gian, nên bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá vỡ cái “tổng thể” văn hóa này đều bị coi là võ đoán và chỉ là một mưu chước phương pháp luận (Ford 1954: 51; Brew 1946: 49). Phân chia văn hóa thường được gọi là một thuật giải để đo lường khoảng cách xã hội giữa các nhóm có sản phẩm văn hóa đang được quan sát. (Có thể đọc một phê phán xuất sắc về quan điểm này ở Spaulding 1957: 85-7). Các đoạn tính không gian trong việc phân bố các đặc trưng hình thức tương tự cũng được coi là kết quả của (1) các rào cản tự nhiên đối với các giao kết xã hội, hoặc (2) sự hiện diện của một hệ thống giá trị tạo ra một ma trận tâm lý bảo thủ cấm cản việc chấp nhận các đặc điểm ngoại lai, hoặc (3) di cư hay xâm nhập vào khu vực của các tộc mới, những kẻ phá vỡ mô thức giao kết xã hội trước đó. Những thay đổi hình thức trong phân bố thời gian của các hạng mục được xem là kết quả của những đổi mới hoặc hoạt động của một động thái cài đặt đôi khi được gọi là “trôi dạt” (Ford 1954: 51; Herskovits 1948: 581-2). (Để biết việc phê phán khái niệm này, xem Binford 1963: 89-93.) Cả đổi mới và trôi dạt đều được coi là tự nhiên đối với văn hóa, và như Caldwell (1958: 1) đã nói: “những thứ khác đều như nhau, còn những thay đổi trong văn hóa vật chất theo thời gian và không gian sẽ có xu hướng quy củ.” Các đoạn tính về tốc độ thay đổi hoặc tính liên tục hình thức qua thời gian được xem là kết quả của các sự kiện lịch sử có xu hướng thay đổi cấu hình của các đơn vị xã hội thông qua các cơ chế như mở rộng thương mại, di cư và truyền bá các ý tưởng “cốt lõi” chẳng hạn như các hệ phái tôn giáo (Ritchie 1955).

Những tương đồng và khác biệt văn hóa được trường phái định chuẩn thể hiện trong khuôn khổ “các mối quan hệ văn hóa”, nếu được xử lý một cách chặt chẽ, sẽ chuyển thành một mô hình diễn giải tổng quát. Mô hình này dựa trên giả định về một “trung tâm văn hóa”, mà ở đó tỷ lệ đổi mới, vì những lý do không xác định, vượt quá tỷ lệ đổi mới ở các khu vực xung quanh. Văn hóa mới lan tỏa từ trung tâm và hòa trộn với các văn hóa xung quanh cho đến khi nó bị hòa tan ở các vùng rìa, để lại những nền văn hóa cận biên. Các mối quan hệ văn hóa được xem là mức độ “ảnh hưởng” lẫn nhau hoặc đơn phương giữa các trung tâm hoặc tiểu trung tâm văn hóa.

Khuôn khổ diễn giải này ngụ ý điều mà tôi chọn để gọi là quan điểm thủy sinh về văn hóa. Văn liệu diễn giải có rất nhiều cụm từ như “dòng văn hóa” và liên quan đến “dòng chảy” của các yếu tố văn hóa mới vào một khu vực. Văn hóa được xem như một dòng chảy mênh mông với những biến đổi nhỏ trong các chuẩn mực ý tưởng liên quan đến cách thức thích hợp trong việc làm gốm, hôn nhân, cư xử nội/ ngoại, dựng nhà, cất chùa (hoặc không xây cất, tùy từng trường hợp), và thậm chí cả tình cảnh hấp hối. Những biến thể ý tưởng này được định kỳ “kết tinh” ở những điểm khác nhau trong thời gian và không gian, dẫn đến những đỉnh cao văn hóa đặc biệt và đôi khi nổi bật, cho phép chúng ta tách dòng văn hóa liên tục thành các giai đoạn văn hóa.

Một trong những chỉ trích tao nhã và đầy đủ nhất đối với các nhà lý thuyết định chuẩn xuất hiện trong những năm gần đây là của David Aberle (1960). Ông đã chỉ ra rằng những người chủ trương lập trường định chuẩn buộc phải giải thích những tương đồng và khác biệt văn hóa bằng hai nhân tố, lịch sử và tâm linh. Ông tóm tắt lập trường định chuẩn như sau: “Không văn hóa nào có thể được hiểu chỉ dựa vào tình hình hiện tại của nó. Do hệ quả của những tình cờ lịch sử, nó đã tiếp xúc với nhiều văn hóa khác. Các văn hóa khác ấy cung cấp nguồn chất liệu văn hóa tiềm năng mà các văn hóa có thể thu hút được. Vì không có cơ sở chung để dự đoán các văn hóa sẽ tiếp xúc với những gì khác, nên yếu tố lịch sử có tính cách tình cờ và ngẫu nhiên. Đối với yếu tố tâm linh, có những phẩm chất trong tâm trí của con người - cho dù xu hướng chung là mô phỏng hay thái độ cụ thể của một nhóm cụ thể - điều này quyết định liệu có hay không bất kỳ hạng mục văn hóa sẵn có nào sẽ được vay mượn. Mặc dù các cuộc tiếp xúc không thể đoán trước được, nhưng các quy luật tâm lý học có thể giải thích cho sự chấp nhận và từ chối. Do đó các quy luật của văn hóa là quy luật tâm lý” (Aberle 1960: 3).

Quan điểm định chuẩn khiến nhà khảo cổ học tự cho mình là nhà sử học văn hóa và / hoặc nhà cổ-tâm lý học (mà hầu hết các nhà khảo cổ học đều chẳng được dạy dỗ gì nhiều). Điều này khiến ông ta có đủ năng lực để theo đuổi việc khảo sát lịch sử văn hóa, một tình huống có thể phần nào giải thích cho sự thất bại trong việc phát triển cấp độ giải thích của lý thuyết khảo cổ học được Willey và Phillips lưu ý (1958: 5).

Lập luận được đưa ra ở đây cho rằng một hệ thống phân loại học mới, dựa trên một khái niệm khác về văn hóa là cần thiết để giải thích một cách thỏa đáng quá trình văn hóa. Nếu chúng ta định nghĩa văn hóa là phương tiện thích ứng thể ngoại của con người (White 1959: 8), thì theo nghĩa phiến diện, văn hóa là một hệ thống thích ứng thể ngoại được sử dụng để tích hợp một xã hội với môi trường của nó và với các hệ thống văn hóa xã hội khác. Văn hóa theo nghĩa này không nhất thiết phải được chia sẻ; nó được người ta tham gia. Trong các hệ thống văn hóa, con người, sự vật và địa điểm là các cấu phần trong một lĩnh vực bao gồm các phụ hệ thống môi trường và văn hóa xã hội, còn quỹ đạo của quá trình văn hóa nằm trong các khớp nối động của các phụ hệ thống này. Tập hợp các mối tương liên phức tạp này không thể giải thích được bằng cách quy giản vào một ý tưởng thành phần duy nhất - bất kỳ điều gì hơn là hoạt động của một động cơ có thể giải thích được bằng khuôn khổ của một cấu phần đơn lẻ, chẳng hạn như xăng, pin hoặc dầu bôi trơn.

Ở trên đã khẳng định rằng trong định nghĩa của chúng tôi, văn hóa không nhất thiết phải được chia sẻ mà được tham gia vào - được tham gia một cách khác biệt. Đặc trưng cơ bản của các hệ thống văn hóa là sự tích hợp của các cá nhân và đơn vị xã hội thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, thường xuyên tại các địa điểm khác nhau; các cá nhân và đơn vị xã hội này được khớp nối bằng nhiều thể chế khác nhau thành những đơn vị rộng lớn hơn có mức độ bao quát chung khác nhau. Trong bất kỳ một hệ thống văn hóa nào thì mức độ mà những người tham gia chia sẻ cùng một cơ sở ý tưởng phải thay đổi theo mức độ phức tạp văn hóa của toàn bộ hệ thống. Trên thực tế, thước đo về tính phức tạp văn hóa thường được coi là mức độ khác biệt về cấu trúc nội tại và tính đặc thù về chức năng của các phụ hệ thống tham gia (White 1959: 144-5). Trong bất kỳ hệ thống văn hóa nào, thì mức độ mà tất cả những người tham gia chia sẻ sở thích ý tưởng chung cũng phải thay đổi tỷ lệ nghịch với mức độ phức tạp của toàn bộ hệ thống. Việc chia sẻ các yếu tố văn hóa bởi các hệ thống khác biệt sẽ là một chức năng thuộc về bản chất của các phương tiện văn hóa khớp nối các nhóm riêng biệt với nhau.

Hiện tại, hệ thống phân loại học đã được khẳng định rõ ràng của chúng tôi có cơ sở ở mức độ mà các đặc điểm văn hóa được chia sẻ. Hệ thống phân loại miền Trung Tây (Mc-Kern 1935: 70-82; và 1939: 301-13) là sự sắp xếp theo thứ bậc các đặc điểm văn hóa được xác định về mặt khảo cổ học như chúng xuất hiện trong các biểu hiện rời rạc về mặt không gian hoặc thời gian. Tương tự, các đơn vị như giai đoạn (Willey và Phillips 1958: 50; Rouse 1955: 713-14) là các nhóm phức hợp khảo cổ học trên cơ sở các đặc điểm chung.

Điều này nhấn mạnh vào các đặc điểm chung trong hệ thống phân loại của chúng tôi dẫn đến che khuất các khác biệt và kết hợp các hiện tượng, có lẽ rời rạc theo một phương pháp phân loại khác, lại với nhau. Văn hóa không phải là một hiện tượng đơn biến, cũng không phải là sự vận hành của nó phải được hiểu hoặc đo lường theo một biến duy nhất - sự truyền tải ý tưởng theo không gian-thời gian. Ngược lại, văn hóa là đa biến, và vận hành của nó phải được hiểu trong khuôn khổ của nhiều biến có liên quan nhân quả có thể hoạt động độc lập hoặc kết hợp các khác biệt với nhau. Nhiệm vụ của chúng ta là phân lập các yếu tố nhân quả này và tìm kiếm các mối quan hệ thường xuyên, ổn định và có thể dự đoán được trong số đó.

Các đơn vị phân loại của chúng ta nên được khuôn lại với mục đích này. Chúng ta nên phân tách các trường quan sát của mình để có thể nhấn mạnh bản chất của tính biến thiên trong các quần thể nhân tạo và tạo điều kiện phân lập các yếu tố có liên quan nhân quả. Các phạm trù của chúng ta phải chính đáng theo nghĩa sở hữu các đặc tính cấu trúc hoặc chức năng chung trong vận hành bình thường của các hệ thống văn hóa. Sau đó các phạm trù này sẽ phải được phân tích theo khuôn khổ hành vi của chúng trong các hệ thống khác nhau và trong các tình huống thay đổi mang tính hệ thống. Bằng một phương pháp như vậy, chúng ta có thể đạt được mục đích của mình là thể hiện các quy luật của quá trình văn hóa. Hệ thống phân loại khảo cổ cần phải trợ giúp hoàn thành các nhiệm vụ phân tích. Là một ví dụ được đưa ra về phương pháp phân tách khuôn khổ quan sát của chúng tôi, hai vấn đề chung sẽ được thảo luận là phân loại gốm và phân loại các tập hợp khảo cổ học.

Sự khác biệt hình thức trong gốm sứ xuất hiện do những khác biệt trong kỹ thuật sản xuất hoặc trong thiết kế chung của thành phẩm; cả hai loại biến đổi có thể xảy ra độc lập với nhau. (Sự khác biệt này tương tự như sự phân biệt của Rouse [1960: 3141] giữa các cách thức mang tính thủ tục và khái niệm). Một ví dụ là việc tạo ra vai gốm dốc đột ngột trái ngược với vai dốc nhẹ trong khi vẫn tiếp tục thực hiện cùng một tập hợp kỹ thuật sản xuất cơ bản. Sự biến đổi như vậy được gọi là sự biến đổi hình dáng. Ngoài biến đổi về hình dáng, còn có sự sửa đổi hoặc biến đổi trang trí được thực hiện như là các bước riêng biệt trong các công đoạn cuối của quá trình sản xuất. Các thiết kế hoa văn khắc hoặc tô màu là những điển hình về biến thể trang trí. Do đó, chúng ta có thể nói về hai lớp biến đổi hoặc các chiều kích phân tích chủ yếu bằng khuôn khổ mà các hình dạng gốm có thể được nghiên cứu – các chiều kích kỹ thuật thiết kế. Sự thay đổi hình dáng và trang trí có thể được quan sát thấy theo cả hai chiều kích.

Liên quan đến bối cảnh văn hóa xã hội của sự biến đổi hình thức, có thể nhận ra hai lớp biến thể lớn cắt ngang các thể loại được đề cập ở trên. Biến đổi chức năng chủ yếu là biến đổi liên quan trực tiếp đến mục đích sử dụng cụ thể của đồ gốm được đề cập; ví dụ, sự khác biệt giữa một cái đĩa và một cái vại đựng đồ. Biến đổi chức năng thứ yếu là sản phẩm phụ của bối cảnh xã hội của người sản xuất đồ gốm hoặc bối cảnh xã hội của mục đích sử dụng vật phẩm hoặc cả hai. Sự khác biệt này có thể phát sinh từ cách làm truyền thống trong gia đình hay một đơn vị xã hội lớn hơn, hoặc nó có thể là một biểu hiện có ý thức về tình đoàn kết giữa các nhóm. Một số đặc trưng thiết kế nhất định có thể được tiêu chuẩn hóa thành các biểu tượng phù hợp với các đồ gốm được sử dụng trong các bối cảnh xã hội cụ thể. Ở cấp độ phân tích này, chúng ta có thể nhớ lại khẳng định của Linton (1936: 403-21) cho rằng bất kỳ vật phẩm văn hóa nhất định nào cũng có thể khác nhau về hình thức, ý nghĩa, cách sử dụng và chức năng trong các bối cảnh văn hóa khác nhau. Sự khác biệt như vậy đặc biệt quan trọng nếu bối cảnh xã hội của việc sản xuất và sử dụng không phải mang tính đẳng cấu, như trong trường hợp các mặt hàng được lưu thông rộng rãi thông qua các hệ thống trao đổi, hoặc được sử dụng chủ yếu trong bối cảnh các thể chế vận hành để khớp nối giữa các xã hội.

Sự biến đổi hình thức trong các hiện vật không cần thiết và trong hầu hết các trường hợp, có lẽ không có một ý nghĩa nào trong bối cảnh của hệ thống văn hóa đang vận hành. Nghiên cứu về biến đổi chức năng chủ yếu là điều cần thiết để hiểu được các hệ thống văn hóa xã hội được thể hiện bằng hiện vật, trong trường hợp này là đồ gốm sứ. Bản chất và số lần xuất hiện của các loại đồ đựng khác biệt về chức năng có thể mang lại thông tin có giá trị về quy mô của các phân khúc xã hội thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Ngay cả trong những trường hợp không thể xác định được các chức năng cụ thể cho các loại được thừa nhận, thì cấu hình không gian của sự xuất hiện của chúng lại cho biết một điều gì đó về cấu trúc không gian của các hoạt động khác biệt trong hoặc giữa các địa điểm.

____________________________________________

(Còn nữa…)

Nguồn: Binford L. (1964). Archaeological Systematics and the Study of Culture Process. This paper was presented at the 29th Annual Meeting of the Society for American Archaeology, Chapel Hill, North Carolina, 1964.

Tác giả: Lewis Roberts Binford (1931 - 2011) là một nhà khảo cổ học người Mỹ được biết đến với những công trình có ảnh hưởng trong lý thuyết khảo cổ học, dân tộc-khảo cổ học và thời kỳ Đồ đá cũ. Ông được coi là một trong những nhà khảo cổ học có ảnh hưởng nhất của cuối thế kỷ 20, và được ghi nhận là người đã thay đổi cơ bản lĩnh vực này với việc xây dựng Khảo cổ học Quá trình (hay Khảo cổ học Mới) vào những năm 1960. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Binford đã gây tranh cãi và hầu hết các công trình lý thuyết trong khảo cổ học vào cuối những năm 1980 và 1990 được hiểu rõ ràng là phản ứng hoặc ủng hộ hệ mẫu quá trình. Các đánh giá gần đây cho rằng phương pháp tiếp cận của ông mắc nợ nhiều ở các công trình trước đó vào những năm 1940 và 50 hơn là những chỉ trích mạnh mẽ của Binford đối với những người tiền nhiệm. Sau khi rời quân ngũ, Binford đã theo học ngành nhân học tại Đại học Bắc Carolina (UNC). Ông lấy bằng Cử nhân thứ hai tại UNC và sau đó vào năm 1957 chuyển sang Đại học Michigan để hoàn thành bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ kết hợp. Luận án của ông là sự tương tác giữa người Mỹ bản địa và những người Anh thực dân đầu tiên ở Virginia, một chủ đề mà ông quan tâm khi còn ở UNC. Trước hết, Binford không hài lòng với tình trạng khảo cổ học hiện thời khi còn là sinh viên đại học tại UNC. Ông cảm thấy rằng lịch sử văn hóa phản ánh tâm lý giống hệt “sưu tập tem” đã khiến ông xa rời sinh học. Tại Michigan, ông thấy sự tương phản rõ rệt giữa “sự phấn khích” của các nhà nhân học văn hóa của khoa nhân học (trong đó có Leslie White) và “những kẻ mặc áo khoác trắng đếm mảnh gốm” trong Bảo tàng Nhân học. Vị trí học thuật đầu tiên của ông là trợ lý giáo sư tại Đại học Chicago, nơi ông dạy Khảo cổ học Thế giới Mới và các phương pháp thống kê trong khảo cổ học.

Ngay sau khi được bổ nhiệm, ông đã viết bài báo quan trọng đầu tiên của mình, Khảo cổ học là Nhân học (1962), được kích thích bởi các vấn đề trong phương pháp luận khảo cổ học đã trở nên rõ ràng với việc sử dụng cacbon phóng xạ để xác định niên đại và các loại hình học văn hóa được tạo ra bằng các kỹ thuật xác định niên đại tương đối theo trật tự sớm muộn. Binford chỉ trích xu hướng coi hiện vật là những đặc điểm không khác biệt, và giải thích những biến đổi theo khuôn khổ truyền bá văn hóa. Ông cho rằng mục tiêu của khảo cổ học hoàn toàn giống với mục tiêu của nhân học nói chung, đó là “thuyết minh và giải thích toàn bộ phạm vi các tương đồng và khác biệt về vật chất và văn hóa và đặc trưng của toàn bộ khoảng không-thời gian tồn tại của con người.” đạt được bằng cách liên hệ các hiện vật với hành vi của con người và liên hệ hành vi với các hệ thống văn hóa (theo cách hiểu của người thầy của ông, nhà nhân học văn hóa Leslie White). Một số nhà khảo cổ học khác tại Chicago đã chia sẻ ý tưởng của Binford, và các nhà phê bình họ bắt đầu gọi là các “Nhà khảo cổ Mới”. Năm 1966, họ trình bày một tập bài viết tại một cuộc họp của Hiệp hội Khảo cổ học Hoa Kỳ, sau này được tập hợp thành cuốn sách Những quan điểm mới về Khảo cổ học (1968), được Binford và sau đó là vợ ông, Sally cũng là một nhà khảo cổ học, biên tập. Vào thời điểm cuốn sách này được xuất bản, ông đã rời Chicago - theo lời Binford, vì căng thẳng ngày càng tăng giữa ông và các nhà khảo cổ học kỳ cựu trong khoa, đặc biệt là Robert Braidwood. Ông chuyển đến Đại học California, Santa Barbara trong một năm và sau đó chuyển sang UCLA. Không thích bầu không khí tại một khoa lớn của UCLA, vì vậy nhân cơ hội, ông chuyển đến Đại học New Mexico vào năm 1969. Binford rút lui khỏi các cuộc tranh luận lý thuyết sau khi nhanh chóng chấp nhận Khảo cổ học Mới (còn được gọi là khảo cổ học quá trình) trong những năm 1960 và 70, thay vào đó ông tập trung vào công trình về Mousterian, một công nghệ Trung kỳ Đá cũ được tìm thấy ở Châu Âu, miền Bắc Phi và Cận Đông.

Năm 1969, ông quyết định thực hiện nghiên cứu thực địa dân tộc học người Nunamiut ở Alaska, để hiểu rõ hơn về môi trường hậu băng mà người Mousterian đã cư chiếm, và để tận mắt chứng kiến ​​hành vi săn bắn hái lượm được phản ánh trong các di tích vật chất. Phương pháp luận này - tiến hành điền dã dân tộc học để thiết lập mối tương quan chắc chắn giữa hành vi và văn hóa vật chất - được gọi là dân tộc khảo cổ học. Hầu hết các công trình sau này của Binford đều tập trung vào thời kỳ đồ đá cũ và những người săn bắn hái lượm trong hồ sơ khảo cổ học. Binford gia nhập đội ngũ giảng viên Đại học Southern Methodist vào năm 1991, sau khi giảng dạy 23 năm với tư cách là giáo sư xuất sắc tại Đại học New Mexico. Cuốn sách xuất bản cuối cùng của Binford, Xây dựng Khung tham chiếu (2001), được người vợ khi đó của ông, Nancy Medaris Stone biên tập. Người vợ cuối cùng, Amber Johnson, đã nói rằng bà và một đồng nghiệp sẽ hoàn thành việc biên tập một cuốn sách mà Binford đang thực hiện vào thời điểm ông qua đời. Ông mất ngày 11 tháng 4 năm 2011 tại Kirksville, Missouri, ở tuổi 79. Binford đã kết hôn sáu lần. Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông là với Jean Riley Mock, và ông có con gái duy nhất, Martha. Binford cũng có một con trai, Clinton đã chết vì chấn thương trong một vụ tai nạn xe hơi năm 1976. Ông thường xuyên hợp tác với người vợ thứ ba, Sally Binford, cũng là một nhà khảo cổ học; cặp đôi kết hôn khi đang là sinh viên cao học tại Đại học Chicago, và đồng biên tập New Perspectives in Archaeology (1968), và các tác phẩm khác.

Sau khi cuộc hôn nhân với Sally kết thúc, Binford kết hôn với Mary Ann Howell nee Wilson, một giáo viên tiểu học. Người vợ thứ năm của ông là Nancy Medaris Stone, một nhà khảo cổ học. Trước khi qua đời, ông đã kết hôn với Amber Johnson, giáo sư và chủ nhiệm xã hội học và nhân học tại Đại học Truman State, bà đã từng làm việc với Binford khi còn là nghiên cứu sinh tại Đại học Southern Methodist. Binford chủ yếu được biết đến với những đóng góp cho lý thuyết khảo cổ học và việc thúc đẩy nghiên cứu dân tộc khảo cổ học. Là một người chủ trương hàng đầu trào lưu Khảo cổ học Mới trong những năm 1960, ông đã đề xuất một số ý tưởng trở thành trọng tâm của khảo cổ học quá trình. Binford và các nhà Khảo cổ học Mới khác cho rằng cần phải ứng dụng nhiều hơn các phương pháp luận khoa học và phương pháp giả thuyết-diễn dịch trong khảo cổ học. Ông nhấn mạnh vào những tính tổng quát và cách thức mà con người tương tác với các vị trí sinh thái của họ, bằng cách xác định văn hóa là phương tiện thích ứng thể ngoại. Quan điểm này phản ánh ảnh hưởng của người thầy hướng dẫn luận án Tiến sĩ của ông, Leslie White. Công trình của Binford phần lớn có thể được coi là phản ứng đối với cách tiếp cận lịch sử văn hóa đối với khảo cổ học trước đó. Khảo cổ học Mới được coi là một cuộc cách mạng trong lý thuyết khảo cổ học. Binford đã tham gia vào một số cuộc tranh luận có tiếng bao gồm tranh luận với James Sackett về bản chất và chức năng của phong cách cũng như về biểu tượng và phương pháp luận với Ian Hodder. Binford đã lên tiếng và phản ứng với một số trường phái tư tưởng, đặc biệt là trường phái hậu quá trình, trường phái hành vi, và các loại nhân học biểu tượng và hậu hiện đại. Binford cũng được biết đến với mối quan hệ thân thiện với nhà khảo cổ học người Pháp François Bordes, người mà ông đã tranh luận về việc diễn giải các địa điểm của người Mousterian. Sự bất đồng của Binford với Bordes về việc diễn giải các hiện vật đá Mousterian đã tạo động lực cho phần lớn công trình lý thuyết của Binford. Bordes diễn giải sự biến đổi trong các tập hợp Mousterian là bằng chứng về các bộ lạc khác nhau, trong khi Binford cảm thấy rằng cách diễn giải chức năng đối với các tập hợp hiện vật khác nhau có lẽ thích hợp hơn. Sau đó, việc ông không thể giải thích các diện mạo Mousterian bằng cách tiếp cận chức năng đã dẫn đến công trình dân tộc khảo cổ học ở người Nunamiut và sự phát triển lý thuyết tầm trung của ông.

References

Aberle, David R. (1960). The Influence of Linguistics on Early Culture and Personality Theory. In Essays in the Science of Culture: In Honor of Leslie A. White, edited by Gertrude Dole and Robert Carneiro, pp. 1-49. Thomas Y. Crowell, New York.

Binford, Lewis R. (1962). Archaeology as Anthropology. American Antiquity, Vol. 28, No. 2, pp. 217-25. Salt Lake City.

Binford, Lewis R. (1963). Red Ocher Caches from the Michigan Area: A Possible Case of Cultural Drift. Southwestern Journal of Anthropology, Vol. 19, No. 1, pp. 89-108. Albuquerque.

Brew, John Ortis (1946). Archaeology of Alkali Ridge: Southeastern Utah. Papers of the Peabody Museum of American Archaeology and Ethnology, Harvard University, Vol. 21. Cambridge.

Caldwell Joseph R. (1958). Trend and Tradition in the Prehistory of the Eastern United States. Memoirs of the American Anthropological Association, No. 88. Menasha.

Caldwell Joseph R. (1962). Interaction Spheres in Prehistory. Unpublished paper presented at the Annual Meeting of the American Association for the Advancement of Science, Philadelphia 1962.

Cronin Constance (1962). An Analysis of Pottery Design Elements Indicating Possible Relationships between Three Decorated Types. In Chapters in the Prehistory of Eastern Arizona I, by Paul S. Martin and others. Fieldiana: Anthropology, Vol. 53, pp. 105-41. Chicago Natural History Museum, Chicago.

Deetz, James. F. (1960). An Archaeological Approach to Kinship Change in Eighteenth Century Arikara Culture. Unpublished Ph.D. dissertation, Harvard University, Cambridge.

Ford, James A. (1954). The Type Concept Revisited. Amerian Anthropologist, Vol. 56, No. 1, pp. 42-57. Menasha.

Freeman L.G., Jr. and James A. Brown (1964). Statistical Analysis of Carter Ranch Pottery. In Carter Ranch Site by Paul S. Martin and others. Fieldiana: Anthropology (in press). Natural History Museum, Chicago.

Gifford James C. (1960). The Type-Variety Method of Ceramic Classification as an Indicator of Cultural Phenomena. In American Antiquity, Vol. 25, No. 3, pp. 341-7. Salt Lake City.

Herskovits Melville J. (1948). Man and his Works.Alfred A. Knopf, New York.

Linton, Ralph (1936). The Study of Man. Appleton-Century-Crofts, New York.

Longacre, Willian A. (1963). Archaeology as Anthropology: A Case Study. Unpublished Ph.D. dissertation, University of American Antiquity, Vol. 25, No. 3, pp. 324-9. Chicago, Chicago.

McKern W.C. (1935). Certain Culture Classification Problems in Mid- Western Archaeology. In The Indianapolis Archaeological Conference, pp. 70-82, issued by the Committee on State Archaeological Survey. National Research Council Circular No. 17. Washington.

McKern W.C. (1939). The Midwestern Taxonomic Method as an Aid to Archaeological Culture Study. In American Antiquity, Vol. 4, No. 4, pp. 301-13. Menasha.

Redfield, Robert (1941). The Folk Culture of Yucatan. Universiry of Chicago Press, Chicago.

Ritchie William A. (1955). Recent Discoveries Suggesting an Early Woodland Burial Cult in the Northeast. New York State Museum and Science Service, Circular No. 40. Albany.

Rouse Irving (1939). Prehistory in Haiti: A Study in Method. Yale University Publications in Anthropology, No. 21. New Haven.

Rouse Irving (1955). On the Correlation of Phases of Culture. In American Anthropologist, Vol. 57, No. 4, pp. 713-22. Menasha.

Rouse Irving (1960). The Classification of Artifacts in Archaeology. In American Antiquity, Vol. 25, No. 3, pp. 313-23. Salt Lake City.

Sears William H. (1960). Ceramic Systems and Eastern Archaeology. In American Antiquity, Vol. 25, No. 3, pp. 324-9. Salt Lake City.

Smith Watson (1962). Schools, Pots and Pottery. In American Anthropologist, Vol. 64, No. 6, pp. 1165-78. Menasha.

Spaulding Robert C. (1957). Review of Method and Theory in American Archaeology, by Gordon W. Willey and Philip Phillips. In American Antiquity, Vol. 23, No. 1, pp. 85-7. Salt Lake City.

Taylor Walter W. (1948). A Study of Archeology. Memoirs of the American Anthropological Association, No. 69. Menasha.

White Leslie A. (1954). Review of "Culture: A Critical Review of Concepts and Definition by A. L. Kroeber and Clyde Kluckhohn. In American Anthropologist, Vol. 56, No. 3, pp. 461-8. Menasha.

White Leslie A. (1959). The Evolution of Culture. McGraw-Hill, New York.

Willey Gordon R. and Philip Philips (1958). Method and Theory in American Archaeology. University of Chicago Press, Chicago.

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét