Người dịch: Hà Hữu Nga
Suy lý khảo cổ học và thay đổi hệ mẫu
Có thể cho rằng cả phê bình văn chương và khảo cổ học đều là những thực hành tường giải học, quan tâm đến mối liên hệ giữa các hiện tượng văn hóa và bối cảnh của chúng. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học đôi khi lại quan tâm đến việc tìm hiểu ý nghĩa của các tác vật có sẵn đối với họ, và đôi khi để suy luận các tương tác năng động với các sinh vật sống mà chúng có liên quan trong quá khứ. Mặc dù cả hai cách theo đuổi này thường liên quan đến việc sử dụng ngầm ẩn hoặc hiển lộ phản ánh lý thuyết, nhưng trong trường hợp thứ hai, tính bất khả thể thực tế của khảo cổ học phi lý thuyết được bộc lộ rõ ràng nhất. Tất nhiên, David Clarke đã vạch ra rõ ràng mức độ mà các nhà khảo cổ học phó mặc cho các ‘mô hình kiểm soát’ của chính họ, kết quả là họ có thể chọn lý thuyết một cách ngầm ẩn và tiềm thức hoặc hiển lộ và mang tính phê phán, nhưng họ lại không thể khử bỏ hoàn toàn lý thuyết được (Clarke 1972: 5). Clarke cho rằng trong những năm 1960 và 1970, khảo cổ học trải qua một quá trình chuyển đổi sang một giai đoạn tự ý thức mang tính phê phán, trong đó những phát triển công nghệ đang thúc đẩy phản ánh triết học. Các phương pháp mới như xác định niên đại bằng phóng xạ, khảo sát thực địa chuyên sâu và máy tính đã tạo ra các loại quan sát mới, mà các lược đồ khái niệm hiện có không thể đáp ứng được. Đánh giá mang tính phê phán về thực hành khảo cổ học đã dẫn đến tình trạng lu mờ của các truyền thống nghiên cứu đặc thù luận khu vực, và mối quan tâm ngày càng tăng đối với lý thuyết chung. Cái mà Clarke gọi là ‘lý thuyết về suy lý khảo cổ học’ do đó đã trở thành trung tâm của bản sắc của ngành (Clarke 1973: 16).
Tuy nhiên, lại bộc lộ ra là Clarke đã chia lý thuyết khảo cổ học nói chung thành một loạt các lĩnh vực phụ: lý thuyết tiền trầm tích và lý thuyết trầm tích; lý thuyết hậu trầm tích; lý thuyết phục hồi; lý thuyết phân tích; và lý thuyết diễn giải (Clarke 1973: 17). Nói cách khác, Clarke cho rằng phần lớn tư duy khảo cổ học liên quan đến mối quan hệ giữa các dữ liệu khảo cổ và sự hình thành của chúng, trong khi việc diễn giải phải hiểu là cái gì đó được đưa vào cuối quá trình, sau khi dữ liệu đã được tập hợp và phân loại. Clarke thừa nhận một vị trí cho lý thuyết xã hội, nhưng rõ ràng ông coi nó như một phần phụ cho việc xem xét các thực thể khảo cổ học thuần túy. Rất đáng kể là, những lập luận này song hành với những lập luận của Lewis Binford, mà dù sao ông cũng đã rút ra sự phân biệt quan trọng giữa động và tĩnh, lại không hề ít sử dụng lý thuyết tầm trung như một phương tiện trình bày hồ sơ khảo cổ học như một lĩnh vực vật lý tác vật được bịt kín ( Binford 1972: 89; 1977: 6; 1983: 119). Vậy là cả Binford và Clarke đều coi khảo cổ học chủ yếu quan tâm đến cấu trúc của bằng chứng vật chất, và các câu hỏi về cả cách diễn giải và mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại chỉ là những vấn đề thứ yếu. Đặc biệt, đối với Binford, đây là một lập trường chính trực cần trụ giữ, vì các nhà khảo cổ học thường quá vội vàng tường trình về các quá trình xã hội, sinh thái và kinh tế trong quá khứ mà không hiểu trước về đặc trưng và cấu trúc của bằng chứng. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta nên nhớ rằng các nhà khảo cổ học quá trình thuộc thế hệ đầu tiên đã tạo dựng sự nghiệp dựa trên công trình của những người đi trước như Walter Taylor, người đã trình bày rõ ràng khảo cổ học như một phương pháp luận (xem thêm Flannery và Marcus 2011: 24). Ngay sau khi tiến từ mô tả và phân loại sang giải thích, người ta đã thực sự tham gia vào nhân học. “Khảo cổ học per se tự nó không có gì khác ngoài phương pháp và một tập kỹ thuật chuyên biệt để thu thập thông tin văn hóa. Nhà khảo cổ học, với tư cách là nhà khảo cổ học, thực sự không là gì khác ngoài một kỹ thuật viên” (Taylor 1948: 43). Vì vậy, đối với Clarke và Binford thì việc tuyên bố rằng các nhà khảo cổ học phải phát triển các công cụ để giải thích bằng chứng của họ, theo một cách nào đó, là một bước đi triệt để.
Clarke đã dựa trên công trình triết học khoa học của Thomas Kuhn để đưa ra một tường trình về sự phát triển rất nhanh chóng của ngành khảo cổ học từ sự ngây thơ trong ngành học đến tự-thức phê phán. Ông mô tả đầu những năm 1970 là thời kỳ của sự bất an và không chắc chắn trong nghề nghiệp, trong đó các nhà khảo cổ học đang dao động giữa một loạt các hệ mẫu đối địch (Clarke 1972b: 28). Thuật ngữ ‘hệ mẫu’ của Kuhn đề cập đến các mô hình quy trình được minh họa bằng các khảo sát cụ thể, phục vụ cho việc lưu giữ các phương thức điều tra cụ thể. Các hệ mẫu phân định một cách hiệu quả những dữ liệu nào là hợp thức, những dữ liệu nào không hợp thức, và làm sao để giải quyết một cách có lợi (Kuhn 1970: 45). Clarke cho rằng môi trường mới của khảo cổ học những năm 1970 đã làm nảy sinh bốn hệ mẫu cạnh tranh: hình thái học, nhân học, sinh thái học và địa lý học. Nhưng điều quan trọng là khi nói về ‘hệ mẫu nhân học’, ông không có ý áp dụng phép loại suy hoặc những thấu hiểu rút ra từ nhân học xã hội vào bằng chứng khảo cổ học, mà là việc sử dụng các tài liệu khảo cổ học để tạo ra các giả thuyết liên quan đến tổ chức xã hội, như trong trường hợp cái gọi là ‘xã hội học gốm sứ’ của Deetz, Hill và Longacre (Clarke 1972b: 7; Deetz 1968; Hill 1970). Đây là ‘khảo cổ học với tư cách nhân học’, khảo cổ học có nghĩa là nhân học, chứ không phải khảo cổ học với tư cách là một yếu tố của nhân học bốn-lĩnh vực, mà trong đó một cuộc trò chuyện tích cực diễn ra giữa các nhà khảo cổ học và các nhà nhân học. Do đó, nói chung, lập luận của Clarke là sự thay đổi hệ mẫu nhanh chóng là thứ được tạo ra bên trong khảo cổ học, từ sự chuyển đổi công nghệ và xã hội nội tại của ngành này (Clarke 1968: 25).
Tuy nhiên, ít nhất là ngầm ẩn trong lập luận của ông về những quá trình nội sinh này được bổ sung bởi những phát triển ngoài khảo cổ học, và song hành với sự xuất hiện của một địa lý học mới, một lịch sử học mới, một kinh tế học mới và một xã hội học mới (ví dụ, xem Chorley và Haggett 1967; Lloyd 1986: 59). Máy tính, kỹ thuật thống kê, kiểm nghiệm giả thuyết, các mô hình không gian, lý thuyết các hệ thống và các ý tưởng tân tiến hóa đã được đưa vào một loạt ngành học, với những tác động tương tự, và khảo cổ học được phân biệt bằng cách áp dụng gói này hệt như các cộng đồng học thuật khác bắt đầu đánh giá cao những thất bại của nó. Thật vậy, có thể cho rằng cách Clarke viện vào Kuhn có vai trò trong việc tạo ra mầm mống của sự bất mãn với thực chứng luận và chức năng luận, vì gánh nặng của lập luận chức năng luận là tiến bộ khoa học hiếm khi đạt được bằng cách kiểm nghiệm các giả thuyết, thậm chí bằng sự thay đổi đồng thuận học thuật. Kuhn thấy các sự kiện luôn được giải quyết thông qua bộ máy khái niệm của một hệ mẫu cụ thể, thay vì có một giá trị tuyệt đối, hoặc có thể phân xử giữa các lý thuyết đối địch. Những lập luận như vậy có thể được coi là bước đầu tiên trong định hướng của các nghiên cứu tường giải học, chủ nghĩa Marxism, hoặc các nghiên cứu khoa học kiểu Latourian.
Giờ đây, chắc chắn là trường hợp mà ngày nay chúng ta gọi là ‘khảo cổ học hậu-quá trình’ xuất hiện vào đầu những năm 1980, nó được hiểu chung là thêm một thay đổi hệ mẫu, theo thuật ngữ Kuhnian. Nhưng điều đáng nhớ là các ví dụ về sự thay đổi hệ mẫu mà Kuhn tự cung cấp là các phép biến đổi mang tính thời đại theo cách mà thế giới được hiểu: từ thiên văn học Ptolemaic đến Copernican; từ động lực học Aristotlian đến Newtonian; từ dạng hạt đến quang học sóng, v.v. (Kuhn 1970: 10). Kuhn đã thừa nhận rằng các cuộc cách mạng khoa học có thể thuộc nhiều mức độ quan trọng khác nhau. Và ông gợi ý rằng cái phân biệt một hệ mẫu mới là nó cung cấp một cách thức hoạt động mới trong khi vẫn chừa lại không gian cho những biến đổi hầu tìm ra điều gì đó mới để khảo sát. Tuy nhiên, có thể quá khoa trương khi khẳng định rằng khảo cổ học đã diễn ra trong không gian của một phần tư thế kỷ qua hai đợt bùng phát nội tại riêng biệt xét lại khái niệm. Một quan điểm khiêm tốn hơn về sự phát triển tự-thức phê phán của khảo cổ học có thể là ở chỗ cho đến tận bây giờ mà lý thuyết của ngành học này (mặc dù không phải là hoàn toàn vắng bóng), nhưng vẫn còn kém phát triển đã tự mở ra những ảnh hưởng trước hết của khoa học tự nhiên và sau đó là các khoa học nhân văn, may vá những gì nó vay mượn từ mỗi ngành theo mối quan tâm và đối tượng nghiên cứu của riêng mình. Thật vậy, hệ quả của lập luận ‘tự-thức phê phán’ của Clarke là mặc dù các nhà khảo cổ học luôn bị thúc đẩy bởi một tập ý tưởng nào đó về quá khứ và nhân loại, nhưng ‘lý thuyết khảo cổ học’ với tư cách là một thực thể khả dĩ nhận diện chỉ được thảo luận rõ ràng từ những năm 1960 (Johnson Năm 2006: 119).
Tôi mắc nợ Bjørnar Olsen với nhận xét rằng so với các ngành khác, khảo cổ học có nhiều ‘khoảng trắng’ hơn để điền đầy khi nó bắt đầu phát triển khung lý thuyết của mình. Tác động của cả hai bộ máy khái niệm đối với những người hành nghề chắc chắn là sâu sắc, dù tích cực hay tiêu cực, và tôi không muốn xem nhẹ tác động biến đổi đối với ngành học trong việc đưa vào các khái niệm như tác tố, giới, bản sắc, hệ tư tưởng, quyền lực, và nhân vị. Tuy nhiên, điều trở ngại trong việc coi Khảo cổ học Mới và Khảo cổ học Hậu-Quá trình là hai thay đổi hệ mẫu liên tiếp là nhận thức cho rằng sự thay đổi cơ bản mang tính định kỳ phải là chuẩn mực - một ‘chu kỳ hai mươi năm’ (Pearce 2011: 82). Nói cách khác, chúng ta đã kỳ vọng vào một kiểu cách mạng liên tục theo chủ nghĩa Maoist, hệt như phương Tây hiện đại nói chung đã chấp nhận tình trạng khủng hoảng là có tính chuẩn thường (Benjamin 1970: 245). Chính quan điểm này đã làm nảy sinh một cảm giác thất vọng mơ hồ rằng ‘không có gì mới’ đã khởi xuất kể từ tình trạng chán ghét hậu-quá trình. Đối với thế hệ sinh viên tốt nghiệp thời tôi, có đôi chút ngạc nhiên (nếu có gì đó khuây khỏa) là ‘điều lớn lao tiếp theo’ vẫn chưa xuất hiện, khiến cho những ý tưởng của chúng ta trở nên thừa thãi. Những lời khẳng định đã được đưa ra đối với các dạng thuyết tiến hóa mới như một cuộc cách mạng cơ bản (Shennan 2002: 10), nhưng những cách tiếp cận này cho đến nay chỉ tỏ ra thuyết phục và hữu ích đối với một số ít các nhà khảo cổ học nhiệt tình (Pearce 2011: 82). Các hội nghị liên tiếp của Nhóm Khảo cổ học Lý thuyết đến và đi, dường như chỉ xuất trình những điều ‘giống nhau hơn’. Đâu rồi những kẻ cấp tiến mới, những kẻ lật đổ thần tượng mới? Tôi muốn gợi ý rằng đây chỉ là một lối nhìn bi quan vô cớ.
Đồng hóa và tái bối cảnh hóa ý tưởng
Có lẽ bởi vì khảo cổ học là một ngành nghiên cứu mà các ý tưởng và phương pháp của các khoa học cứng, các khoa học xã hội và nhân văn mang tính mỹ học đều có đóng góp gì đó, nên sau năm 1960, việc đồng hóa các ý tưởng bên ngoài với tốc độ điên cuồng đã tạo ra một số dị thường gây tò mò. Do đó, cả cấu trúc luận và các phê phán hậu cấu trúc luận lẫn lý thuyết thực hành đều được các nhà khảo cổ học khám phá cùng một lúc. Về mặt này, Khảo cổ học Biểu tượng và Cấu trúc (1982a) của Ian Hodder được bộc lộ như một tập sách hơi gây tò mò, vừa đưa ra cách tiếp cận mới, lại vừa bác bỏ chúng. Tự thân điều đó không phải là tồi, dẫn đến tính không mạch lạc về mặt lý thuyết, nhưng nó đã tạo ra cảm giác hỗn loạn, và các ý tưởng được thực hiện và đánh giá bằng cách làm cho chúng tương phản với nhau. Quan trọng hơn, mặc dù khảo cổ học hậu-quá trình không được đặc trưng bởi một tập hợp các quan điểm đồng dạng và cố kết, mà phần lớn nó liên quan đến tính đặc thù lịch sử và văn hóa, nên việc bác bỏ các quy luật xuyên-văn hóa và việc nhấn mạnh vào chủ nghĩa đa nguyên phương pháp luận. Nhưng tất nhiên, đây chính xác là điều đặc trưng cho thứ phản ứng lại Lý thuyết Lớn trong phê bình văn học. Vì vậy, có thể cho rằng trong ngành khảo cổ học chúng ta đã có những bước ngoặt lý thuyết và hậu lý thuyết. Ban đầu, Ian Hodder lập luận rằng chính việc bác bỏ chức năng luận đặc trưng cho sự đột phá quyết định giữa khảo cổ quá trình và hậu-quá trình, cũng như thành tựu chín muồi của chủ đề (Hodder 1982b: 3). Nhưng cũng có thể tương tự là thay đổi cơ bản nhất đã đột ngột diễn ra với ngành học này trong nửa thế kỷ qua là việc dần dần nhận ra rằng khảo cổ học chủ yếu quan tâm đến việc điều hòa mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, đó là mối quan hệ suy luận bất khả quy giản, do đó toàn bộ khảo cổ học đều là khảo cổ học lý thuyết.
Nếu chúng ta cho rằng cái phân biệt ngành khảo cổ học của những năm 1960 đến 1990 chính là sự đồng hóa của trạng thái thừa mứa ý tưởng rút ra từ các lĩnh vực khảo sát khác, thì thật dễ hiểu tại sao hiện nay có thể có thứ cảm giác nào đó về sự thoái dần. Khảo cổ học Mới nương nhờ vào Leslie White, Carl Hempel, Ludwig von Bertalanffy và Peter Haggett. Làn sóng đầu tiên ập đến khảo cổ học hậu-quá trình là Anthony Giddens, Pierre Bourdieu, Michel Foucault và Louis Althusser. Thêm vào danh sách này là Hans-Georg Gadamer, Judith Butler, Gayatri Spivak và Gilles Deleuze. Đồng thời, việc mở rộng dần trọng tâm khảo sát theo tiến độ của ngành học đã diễn ra, bao gồm các đối tượng mới như văn hóa vật chất hiện đại và những cam kết với các cộng đồng khác, bao gồm cả các nghệ sĩ, diễn viên (Johnson 2006: 119). Trong suốt hậu bán thế kỷ 20, người ta không thể phủ nhận được cảm giác phấn khích về cách mà các lý thuyết mới có thể tạo ra những hiểu biết mới về các vấn đề khảo cổ hiện có và các tập bằng chứng, cũng như mở ra những quan điểm mới về những gì ngành học có thể đạt được. Việc tìm kiếm không ngơi nghỉ các nhà lý thuyết văn hóa mới để đồng hóa ấy đã bị chê bai là một cách tiếp cận ‘vắt chanh bỏ vỏ’ đối với lý thuyết (Bintliff 2011: 8). Tuy nhiên, điều mà lời phàn nàn ấy bỏ qua là chiến lược này thực sự vận hành khá hiệu quả: một loạt bài viết kinh điển từ những năm 1960 trở đi đã đạt được điều mà Richard Rorty (1989: 16) gọi là tái mô tả các tài liệu khảo cổ đã được xác lập đơn giản bằng cách đưa các hệ quy chiếu mới lạ vào các tài liệu đó.
Một ví dụ rất rõ có lẽ là bài viết “Nghi lễ và uy tín trong thời tiền sử Wessex khoảng 2200-1400 năm Trước Công nguyên” của Mary Braithwaite xuất hiện lần đầu tại Hội nghị Khảo cổ học Lý thuyết năm 1981 tại Đại học Reading (Braithwaite 1984). Braithwaite đã dựa trên ý tưởng của Pierre Bourdieu và Talal Asad để giải quyết các vai trò của nghi lễ và biểu tượng ở Wessex Hậu kỳ Đá mới và Thời Đồ đồng, bằng cách tập trung vào sự thay đổi từ các hoạt động tập thể trong các di tích vòng tròn đá đến việc xác lập một hệ thống uy tín cá nhân hóa mới trong giai đoạn Beaker (Braithwaite 1984: 102). Mặc dù lúc đó cô đang là nghiên cứu sinh, nhưng bài viết của Braithwaite đã có ảnh hưởng xứng đáng và đã có tác động lâu dài đến sự phát triển sau này của các nghiên cứu tiền sử ở Anh (ví dụ: Clarke, Cowie và Foxon 1985: 36). Hạn chế của chiến lược tái mô tả không phải là nó hời hợt hay đáng ngờ về mặt đạo đức, mà là nó dễ đạt được hơn trong một thời điểm cụ thể của quá trình phát triển của ngành học theo hướng chín chắn nào đó. Không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ luôn có những nhà triết học và lý thuyết văn hóa mới khiến ta khám phá, nhưng cái thời đại mà toàn bộ các lĩnh vực khoa học nhân văn vẫn cần phải được các nhà khảo cổ học khám phá lần đầu tiên giờ đã qua rồi. Tôi nghĩ đây là lý do tại sao một cuộc cách mạng khái niệm khác có tầm cỡ tương tự như sự xuất hiện của khảo cổ học quá trình và hậu-quá trình khó có thể diễn ra trong tương lai cận kề.
Tôi đã cho rằng sự phát triển vượt bậc trong hơn năm mươi năm qua đã khiến ngành khảo cổ học tham gia vào việc trao đổi ý tưởng và khái niệm tự do hơn với các ngành khác. Lời phàn nàn quen thuộc về nỗi chúng ta chỉ là kẻ tiêu dùng lý thuyết, và chúng ta cần phát triển một lý thuyết của riêng mình chẳng khác nào một món bả thơm: truyền thống lý thuyết nói chung vốn mang tính liên ngành và linh động, đâu phải đặc quyền của một chủ thể duy nhất. Bất cứ ai đã từng cộng tác chặt chẽ với các đồng nghiệp về địa lý nhân văn, lịch sử, văn học, kịch nghệ, nhân học xã hội, nghiên cứu tôn giáo hoặc lịch sử nghệ thuật đều biết rằng họ cũng thường xuyên phải đối mặt với trách nhiệm ‘nhập khẩu’ lý thuyết từ ‘kẻ ngoại’. Nhưng kết quả của việc làm này có xu hướng cố gắng hiểu thấu sự phát triển của tư duy khảo cổ học bằng khuôn khổ chủ yếu là tự thân, hơn là liên quan đến thế giới tri thức rộng lớn hơn. Thiết tưởng rằng không có vấn đề gì đặc biệt nếu một cảm hứng lý thuyết nào đó của chúng ta xuất hiện bên ngoài ranh giới ngành học của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng là lao động trí tuệ cần thiết để làm cho những ý tưởng đó tương thích với vấn đề trọng tâm của chúng ta là thế giới vật chất mà con người sinh sống, và cách thức mà những thay đổi này diễn ra theo thời gian. Có thể có một vài cách tiếp cận lý thuyết riêng biệt trong khảo cổ học, nhưng chắc chắn có những cách thức sử dụng lý thuyết thuần khảo cổ học.
Chuẩn thường mới?
Giờ đây, nếu khảo cổ học đã thiết lập cho mình một mối quan hệ đối thoại hơn với cả khoa học tự nhiên và các khoa học nhân văn, thì chúng ta dự kiến sự phát triển trong tương lai của lý thuyết khảo cổ học như thế nào? Thực tế, trong giai đoạn diễn ra cuộc tranh luận về ‘cái chết của lý thuyết’, bất chấp lý thuyết khảo cổ học đang vật vã tự làm mới chính nó, và các chi tiết của quá trình này để lại nhiều điều hữu ích. Kể từ bước ngoặt thiên niên kỷ mới, một loạt các phát triển liên quan trong triết học và lý thuyết văn hóa đã dựa trên công trình của các nhà tư tưởng đa dạng như Latour, Deleuze, Whitehead, Serres, Heidegger, Adorno và Spinoza nhằm phát triển một bộ khuôn khổ khái niệm khác biệt nhưng chồng khớp đã được mô tả khác nhau là ‘chủ nghĩa hiện thực suy luận’, ‘lý thuyết tập hợp’, ‘chủ nghĩa duy vật mới’ và ‘triết học định hướng đối tượng’ (Bennett 2010; Bryant, Srnicek và Harman 2011; DeLanda 2006; Harman 2010; Meillassoux 2008). Những cách tiếp cận này tiềm tàng mối quan tâm lớn nhất có thể đối với khảo cổ học, bởi vì trên hết, chúng phản ứng chống lại sự lãng quên vật chất trong tư tưởng đương đại. Điều đặc biệt trong việc tiếp nhận những ý tưởng này của giới khảo cổ học là thay vì khám phá chúng sau nhiều trì hoãn, hệt như những kẻ nào khác đang mất hứng, các nhà khảo cổ học đã cam kết với chúng khi chúng xuất hiện. Điều này một phần là do một số chủ đề mà họ đề cập đã được ngành học chấp nhận: mối quan tâm với các mạng và các mối quan hệ (Watts 2013), việc nhấn mạnh vào vai trò tích cực của các tác vật (Hodder 1982b), và thái độ phê phán, ‘hậu nhân văn luận’ hướng tới quan niệm con người là những tác nhân độc lập (Fowler 2004). Khi các lập trường mới về những vấn đề này bắt đầu xuất hiện trong thế giới học thuật rộng lớn hơn, thì hàm ý của chúng đã được nhiều nhà khảo cổ học nghiên cứu, bao gồm (nhưng không giới hạn ở) những nhà khảo cổ học có liên quan đến ‘khảo cổ học đối xứng’ (Olsen và cộng sự 2012).
Trong số đó, nhiều cách tiếp cận dựa trên sự phê phán nhân trung tâm luận, niềm tin cho rằng con người có một vị trí đặc quyền duy nhất trong sự sáng tạo là hệ quả của khả năng lĩnh hội thế giới về phương diện tinh thần và làm cho nó có ý nghĩa. Nhân trung tâm luận cho rằng con người khác biệt về chất so với những sinh vật khác bởi lý trí của họ, và với tư cách là kẻ diễn giải duy nhất về thực tại, họ cũng là bậc thầy của bản thân thực tại (Heidegger 1977; 1993). Theo quan điểm này, các khía cạnh thực sự quan trọng về hoạt động của con người diễn ra trong không gian tách biệt của tâm trí, trong khi thế giới bên ngoài của sự vật được cấu tạo bởi sự sắp xếp của vật chất trơ. Do đó, xã hội được quan niệm là bao gồm các mối quan hệ liên chủ thể giữa các trí tuệ duy lý, và sự vật chỉ thuộc về tầm quan trọng ngoại vi (Webmoor 2007: 567). Kết quả là, những sự vật vật chất thường bị lãng quên trong phân tích xã hội, và gần đây đã có lập luận rằng ngay cả ‘nghiên cứu văn hóa vật chất’ cũng chủ yếu tập trung vào cấu trúc xã hội của các đối tượng và tác vật, sao cho các chiều kích biểu tượng và khái niệm được đánh giá cao hơn thuộc tính trần tục và hữu hình của chúng (Olsen 2003: 87).
Thay cho nhân trung tâm luận, Bruno Latour và những người khác đã đề xuất một cách phân cấp khái niệm, trong đó thừa nhận rằng con người và các vật thể giống nhau ở chỗ đều là những kẻ tham gia vào bất kỳ hành động nào diễn ra trên thế giới (Latour 2005: 70; Sørenson 2013, 2). Động thái này liên quan đến khái niệm ‘hữu thể học phẳng’ được Manuel DeLanda (2004: 58) xây dựng, phủ nhận vai trò nhân quả của các thực thể siêu việt, đặc quyền hoặc các nguyên tắc tổ chức trong việc tạo ra cấu trúc của thực tại, thay vào đó coi sự thay đổi là nội tại trong các hệ thống kết nối giữa các thực thể. Trong bối cảnh khảo cổ học, việc ngoại biên hóa sự vật được xác định là tự thể hiện nó trong việc bắt buộc phải nghiên cứu về ‘người da đỏ đằng sau tạo vật’ (Flannery 1967: 120). Có nghĩa là, văn hóa vật chất không được coi là mối quan tâm tự thân, mà chỉ được coi là một phương tiện để đạt được một cái gì đó khác, dù là ý nghĩa hay xã hội (Olsen 2003: 98). Tiếp cận ‘đối xứng’ tìm cách đặt con người và vạn vật ngang hàng với nhau, với tư cách là những kẻ đồng-cấu thành xã hội và với tư cách những hoạt tác nhân (actants) tham gia vào mạng lưới hành động. Đồng thời, khi chấp nhận chương trình nghị sự hậu-nhân văn luận, nó chối bỏ mối quan tâm đến sự vật với tư cách là vật chứa những suy nghĩ và biểu tượng, hoặc như những thế nhân, thay vì tập trung vào những phẩm chất độc lập của việc tham gia của chúng/họ với con người (Olsen 2012: 21). Việc bác bỏ sự phân biệt của Descartes giữa tư duy và vật chất cho phép chúng ta nghĩ về các vật thể và các chất là sống động, liên tục chuyển động và có năng lực thực hiện mọi thứ, có sức mạnh của riêng chúng chứ không phải là chỉ là vô số vật liệu chết (Bennet 2010: 6). Trên cơ sở đó, có thể kết luận rằng mối quan hệ tương tác giữa con người với sự vật không khác biệt một cách rõ ràng với sự tương tác giữa sự vật với sự vật khác:
“Việc nước xối ào ạt vào các cột bê tông sẽ ‘diễn giải’ hoặc ‘cảm nhận’ bề mặt bê tông cũng hệt như bất kỳ nhà tường giải hoặc nhà hiện tượng luận nào” (Olsen et al. 2012: 10).
Cuối cùng, lập trường này gần với quan điểm của Alfred North Whitehead cho rằng nhận thức và hiểu biết của con người hơi khác so với cách mà các thực thể khác ‘nắm bắt’ lẫn nhau (Shaviro 2011: 281). Không còn nghi ngờ gì nữa, các nhà khảo cổ học phải nhận thức rõ hơn về cách mà động vật, thực vật, tác vật và các chất ‘ăn ý với nhau’ khi không có con người, và cần phải coi con người chỉ là một thành phần của hệ sinh thái thế giới tổng thể. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều căng thẳng giữa quan điểm cho rằng khảo cổ học phải là một ‘ngành học của sự vật’, theo đó con người, lịch sử và việc diễn giải là ngẫu nhiên (Olsen 2012: 25), và mối quan ngại rằng nếu không chấp nhận ‘ngoại lệ luận người’, thì các nhà khảo cổ học cũng không nên xin lỗi vì đã quan tâm đến mọi người (Fowles 2010: 23). Khảo cổ học đối xứng quan tâm đến các hỗn hợp và các thể lai (Webmoor và Witmore 2008: 60), nhưng những hỗn hợp này không đồng nhất, và chỉ những hỗn hợp liên quan đến con người mới tạo ra thành phố, nhà nước và ô tô có động cơ. Có lẽ, có thể có một quan điểm hậu-nhân văn luận về ‘sự nghiệp người’, thừa nhận rằng bất cứ điều gì đặc biệt về con người (hoặc rộng hơn là sinh vật sống) đều không nằm trong bất kỳ kiểu hiện tượng (phenotype) cá thể nào, mà chỉ liên quan đến cách thức chúng/họ đang ở trong thế giới này. Đó là, việc là một sinh vật có liên quan đến một phương thức quan hệ cụ thể.
_________________________________________
(Còn nữa…)
Nguồn: Thomas J. (2015). Why ‘The Death of Archaeological Theory’? In Book Debating Archaeological Empiricism, Edition 1st Edition, First Published 2015, Imprint Routledge.
Tác giả: Julian Stewart Thomas sinh năm 1959, là GS. Khảo cổ học người Anh, tại Đại học Manchester. Từ năm 1987 đến năm 2000, Thomas là giảng viên khảo cổ học tại Đại học Wales, Lampeter (1987–1993) và tại Đại học Southampton (1994–2000). Thomas đảm nhận vị trí Chủ nhiệm Khoa Khảo cổ học tại Đại học Manchester vào tháng 4 năm 2000, là đồng giám đốc của Dự án Stonehenge Riverside. Ông cũng là Phó Chủ tịch Viện Nhân học Hoàng gia kể từ khi được bầu vào năm 2007 và là thành viên của Hiệp hội Cổ vật London.
References
Barry, P. 2009 Beginning Theory: An Introduction to Literary and Cultural Theory. Manchester: Manchester University Press.
Barthes, R. 1973 Mythologies. St. Albans: Paladin.
Benjamin, W. 1970 Theses on the philosophy of history. In: Illuminations, 245-55. London: Pimlico.
Bennett, C. 2010 Vibrant Matter: A Political Ecology of Things. London: Duke University.
Bertens, H. 2014 Literary Theory: The Basics. London: Routledge.
Binford, L.R. 1972 Comments on evolution. In: L.R. Binford, An Archaeological Perspective, 105-13. New York: Seminar Press.
Binford, L.R. 1977 General introduction. In: L.R. Binford (ed.) For Theory Building in Archaeology, 1-10. New York: Academic Press.
Binford, L.R. 1983 In Pursuit of the Past: Decoding the Archaeological Record. London: Thames and Hudson.
Binford, L.R. 2001 Where do research problems come from? American Antiquity 66, 669-78.
Bintliff, J.L. 2011 The death of archaeological theory? In: J.L. Bintliff and M. Pearce (eds.) The Death of Archaeological Theory?, 7-22. Oxford: Oxbow.
Bintliff, J.L. and Pearce, M. 2011 Introduction. In: J.L. Bintliff and M. Pearce (eds.) The Death of Archaeological Theory?, 1-6. Oxford: Oxbow.
Boyd, B. 2006 Theory is dead – like a zombie. Philosophy and Literature 30, 289-98.
Braithwaite, M. 1984 Ritual and prestige in the prehistory of Wessex c. 2000-1400 BC: a new dimension to the archaeological evidence. In: D. Miller and C. Tilley (eds.) Ideology, Power and Prehistory, 93-110. Cambridge: Cambridge University Press.
Bryant, L.R. 2011 The Democracy of Objects. Ann Arbor: Open Humanities Press.
Bryant, L. Srnicek, N. and Harman, G. (eds.) 2011 The Speculative Turn: Continental Materialism and Realism. Melbourne: re.press.
Butler, J. 1997 Excitable Speech: A Politics of the Performative. London: Routledge.
Chapman, J. 2009 Plenary session: the death of theory? Theoretical Archaeology Group Conference, University of Durham.
Chorley, R.J. and Haggett, P. 1967 Models in Geography. London: Methuen.
Clarke, D.L. 1968 Analytical Archaeology. London: Methuen.
Clarke, D.L. 1972a A provisional model of an Iron Age society and its settlement system. In: D.L. Clarke (ed.) Models in Archaeology, 801-69. London: Methuen.
Clarke, D.L. 1972b Models and paradigms in contemporary archaeology. In: D.L. Clarke (ed.) Models in Archaeology, 1-60. London: Methuen.
Clarke, D.L. 1973 Archaeology: the loss of innocence. Antiquity 47, 6-18. Clarke, Cowie and Foxon 1985
Culler, J. 1980 On Deconstruction: Theory and Criticism After Structuralism. London: Routledge and Kegan Paul.
Deetz, J. 1968 The inference of residence and descent rules from archaeological data. In: L. Binford and S. Binford (eds.) New Perspectives in Archaeology, 41-8. Aldine: New Mexico University.
DeLanda, M. 2002 Intensive Science and Virtual Philosophy. London: Continuum.
Dillon, M. 2014 Introduction to Sociological Theory: Theorists, Concepts, and Their Applicability to the Twenty-First Century. Oxford: Wiley Blackwell.
Eagleton, T. 1983 Literary Theory: An Introduction. Oxford: Blackwell.
Eagleton, T. 2003 After Theory. Harmondsworth: Penguin.
Easthope, A. 1988 British Post-Structuralism Since 1968. London: Routledge.
Flannery, K.V. 1967 Culture history vs. culture process: a debate in American archaeology. Scientific American 217, 119-122.
Flannery, K.V. and Marcus, J. 2011 A New World perspective on the ‘death’ of archaeological theory. In: J.L. Bintliff and M. Pearce (eds.) The Death of Archaeological Theory?, 23-30. Oxford: Oxbow.
Fowler, C. 2004 The Archaeology of Personhood. London: Routledge.
Fowles, S. 2010 People without things. In: M. Bille, F. Hastrup and T.K. Sørenson (eds.) An Anthropology of Absence: Materialities of Transcendence and Loss, 23-41. London: Springer.
Giddens, A. 1971 Capitalism and Modern Social Theory: An Analysis of the Writings of Marx, Durkheim and Weber. Cambridge: Cambridge University Press.
Gouldner, A. 1970 The Coming Crisis of Western Sociology. London: Heinemann.
Harman, G. 2010 Towards Speculative Realism: Essays and Lectures. Winchester: Zero Books.
Harman, G. 2011 Response to Shaviro. In: L. Bryant, N. Srnicek and G. Harman (eds.) The Speculative Turn: Continental Materialism and Realism, 291-303. Melbourne: re.press.
Hawking, S. and Mlodinow, L. 2010 The Grand Design: New Answers to the Ultimate Questions of Life. New York: Random House.
Hebdige, D. 1979 Subculture: The Meaning of Style. London: Methuen.
Hegmon, M. 2003 Setting theoretical egos aside: issues and theory in North American archaeology. American Antiquity 68, 213–43.
Heidegger, M. 1977 The age of the world-picture. In: M. Heidegger, The Question Concerning Technology and Other Essays, 115-54. New York: Harper and Row.
Heidegger, M. 1993 Letter on humanism. In: D.F. Krell (ed.) Martin Heidegger: Basic Writings (Second edition), 213-65. London: Routledge.
Henare, A., Holbraad, M. and Wastell, S. 2007 Thinking through things. In: A. Henare, M. Holbraad and S. Wastell (eds.) Thinking Through Things. London: Routledge.
Hill, J.N. 1970 Prehistoric social organisation in the American southwest: theory and method. In: W.A. Longacre (ed.) Reconstructing Prehistoric Pueblo Societies, 11-58. Albuquerque: New Mexico University.
Hodder, I.R. (ed.) 1982a Symbolic and Structural Archaeology. Cambridge: Cambridge University Press.
Hodder, I.R. 1982b Theoretical archaeology: a reactionary view. In: I.R. Hodder (ed.) Symbolic and Structural Archaeology, 1-16. Cambridge: Cambridge University Press.
Ingold, T. 2011 Being Alive: Essays on Movement, Knowledge and Description. London: Routledge.
Ingold, T. 2012 Toward an ecology of materials. Annual Reviews of Anthropology 41, 427-42.
Jameson, F. 2008 How not to historicise theory. Critical In quiry 34, 563-82.
Johnson, M. 2006 On the nature of archaeology and archaeological theory. Archaeological Dialogues 13, 117-32.
Kristiansen, K. 2011 Theory does not die, it changes direction. In: J.L. Bintliff and M. Pearce (eds.) The Death of Archaeological Theory?, 72-9. Oxford: Oxbow.
Kuhn, T.S. 1970 The Structure of Scientific Revolutions. Chicago: University of Chicago Press.
Latour, B. 2004 Why has critique run out of steam? Matters of fact and matters of interest. Critical Inquiry 30, 225-48.
Latour, B. 2005 Reassembling the Social: An Introduction to Actor Network Theory. Oxford: Oxford University Press.
Layton, R. 1997 An Introduction to Theory in Anthropology. Cambridge: Cambridge University Press.
Lentriccia, F. 1980 After the New Criticism. London: Methuen.
Lloyd, C. 1986 Explanation in Social History. Oxford: Blackwell.
Meillassoux, Q. 2008 After Finitude: An Essay on the Necessity of Contingency. London: Bloomsbury.
Norris, C. 1982 Deconstruction: Theory and Practice. London: Methuen.
Olsen, B. 2003 Material culture after text: re-membering things. Norwegian Archaeological Review 36, 87-104.
Olsen, B. 2012 After interpretation: remembering archaeology. Current Swedish Archaeology 20, 11-34.
Olsen, B., Shanks, M., Webmoor, T. and Witmore, C. 2012 Archaeology: The Discipline of Things. Berkeley: University of California.
Pearce, M. 2011 Have rumours of the ‘death of theory’ been exaggerated? In: J.L. Bintliff and M. Pearce (eds.) The Death of Archaeological Theory?, 80-9. Oxford: Oxbow.
Pluciennik, M. 2011 Theory, fashion, culture. In: J.L. Bintliff and M. Pearce (eds.) The Death of Archaeological Theory?, 31-47. Oxford: Oxbow.
Rae, G. 2013 Heidegger’s influence on posthumanism: the destruction of metaphysics, technology and the overcoming of anthropocentrism. History of the Human Sciences 26, 1-19.
Renfrew, C. and Bahn, P. 2004 Archaeology: Theories, Methods and Practice. London: Thames and Hudson.
Rorty, R. 1989 Contingency, Irony and Solidarity. Cambridge: Cambridge University Press.
Shaviro, S. 2011 The actual volcano: Whitehead, Harman, and the problem of relations. In: L. Bryant, N. Srnicek and G. Harman (eds.) The Speculative Turn: Continental Materialism and Realism, 279-90. Melbourne: re.press.
Shennan, S. 2002 Genes, Memes and Human History: Darwinian Archaeology and Cultural Evolution. London: Thames and Hudson.
Skinner, Q. 1985 Introduction: the return of grand theory. In: Q. Skinner (ed.) The Return of Grand Theory in the Human Sciences, 1-20. Cambridge: Cambridge University Press.
Sokal, A. and Bricmont, Y. 1993 Intellectual Impostures: Postmodern Philosophers' Abuse of Science. London: Profile Books.
Sørenson, T.F. 2013 We have never been Latourian: archaeological ethics and the posthuman condition. Norwegian Archaeological Review 46, 1-18.
Taylor, W.W. 1948 A Study of Archaeology. Carbondale: Southern Illinois University Press.
Tilley, C. 1991 Material Culture and Text: The Art of Ambiguity. London: Routledge.
Ucko, P.J. 1987 Academic Freedom and Apartheid: The Story of the World Archaeological Congress. London: Duckworth.
Watts, C. 2013 Relational archaeologies: roots and routes. In: C. Watts (ed.) Relational Archaeologies: Humans, Animals, Things, 1-20. London: Routledge.
Webmoor, T. 2007 What about ‘one more turn after the social’ in archaeological reasoning? Taking things seriously. World Archaeology 39, 563-78.
Webmoor, T. and Witmore, C. 2008 Things are us! A commentary on human/thing relations under a banner of ‘social’ archaeology. Norwegian Archaeological Review 41, 53-70.
Williams, J. 1996 The death of deconstruction, the end of theory, and other ominous rumours. Narrative 4, 17-35.
Williamson, J. 1978 Decoding Advertisements: Ideology and Meaning in Advertising. London: Marion Boyars.
Yoffee, N. and Sherratt, A. 1993 Introduction: the sources of archaeological theory. In: N. Yoffee and A. Sherratt (eds.) Archaeological theory: Who Sets the Agenda?, 1-10. Cambridge: Cambridge University Press.
Zimmerman, L. 1989 Made radical by my own: an archaeologist learns to accept reburial. In: R. Layton (ed.) Conflict in the Archaeology of Living Traditions, 60-7. London: Unwin Hyman.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét