Người dịch: Hà Hữu Nga
Tóm tắt
Tường giải học triết học của Hans-Georg Gadamer là một phương pháp diễn giải nghiên cứu định tính phổ biến nhằm khám phá ý nghĩa của các trải nghiệm cá nhân liên quan đến việc hiểu cách diễn giải của con người. Gadamer xác định rằng cam kết đích thực với việc đọc đòi hỏi nhận thức về bản chất liên chủ thể của sự hiểu biết để thúc đẩy cam kết phản ánh với văn bản. Các khái niệm chính trong quan điểm của Gadamer về việc đọc và hiểu được khám phá trong bài viết này liên quan đến việc diễn giải văn bản. Các khái niệm như: liên chủ thể tính, Hữu thể, tính xác thực, tiền-cấu trúc, tiền-giả định, thành kiến, thời tính và lịch sử đều giúp nâng cao sức mạnh và hiểu biết của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội về lý thuyết của ông và việc ứng dụng nó.
Giới thiệu
Hans-Georg Gadamer (1900-2002) là nhà triết học người Đức có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ XX, truyền cảm hứng cho nhiều lĩnh vực học thuật từ mỹ học đến thần học. Khi đề xuất sự hiểu biết là diễn giải và ngược lại, Gadamer xác định ngôn ngữ đóng vai trò là phương tiện để hiểu và là phương tiện chia sẻ những phức tính của trải nghiệm người (Gadamer 2004a). Từ công trình đột phá của người thầy và người bạn Martin Heidegger, Gadamer đã viết về chủ thể tính của con người và phát triển cách tiếp cận phê phán và đối thoại đối với tường giải học triết học trong magnus opus kiệt tác Chân lý và Phương pháp (2004a) được xuất bản lần đầu tiên năm 1960.
Mục đích của bài viết này
Bài viết này nhằm trình bày rõ ràng công trình của Gadamer liên quan đến việc đọc, hiểu và diễn giải về sức mạnh và khoa học xã hội của các nhà nghiên cứu. Các khái niệm chủ chốt của Gadamer là mối quan tâm đặc biệt đối với các nhà nghiên cứu định tính có ý định sử dụng tường giải học triết học để diễn giải về tự sự và phát hiện của những người tham gia nghiên cứu. Kinh nghiệm đọc và hiểu của chính các nhà nghiên cứu rất quan trọng khi liên hệ các khái niệm về tiền giả định (thiên hướng, tiền-cấu trúc), chủ thể tính, tính xác thực (phản ánh), thời tính (thời gian ảnh hưởng đến sự hiểu biết / cảm xúc), truyền thống và lịch sử (văn hóa ) với việc diễn giải từ ngữ được viết ra. Các khái niệm này có ý nghĩa to lớn vì mối quan hệ diễn giải trung tâm của nhà nghiên cứu trong quá trình nghiên cứu định tính. Các thuật ngữ ‘nhà nghiên cứu’ và ‘người diễn giải’ được sử dụng thay thế cho nhau do tính chất chu kỳ của việc diễn giải.
Hiện tượng luận tường giải
Các khái niệm của Gadamer sẽ được xác định để làm rõ các thuật ngữ công tác đang được sử dụng. Hiện tượng luận làm cơ sở cho tường giải học triết học Gadamerian (2004a). Thứ nhất, từ ‘hiện tượng luận’ có nguồn gốc từ hiện tượng Kantian có nghĩa là ‘‘… nó tự thể hiện bằng bản thân … ” khi các thực thể bắt đầu biểu hiện như là sự biểu nghĩa đầu tiên của từ tự thể hiện bản thân nó (Heidegger 2003, 51). Trước hết, ngoại diện (semblance) của những gì mà hiện tượng luận cho thấy đã khái niệm hóa từ và cái mà nó biểu đạt đối với kẻ diễn giải (Heidegger 2003, 51). Thứ hai, logos có nghĩa là ngôn ngữ (Gadamer 2004b, 59) và liên quan đến diễn ngôn của Heidegger và cho phép ‘‘...điều gì đó được thấy thông qua việc nói...” (Heidegger 2003, 56). Việc biểu đạt bằng lời về một đối tượng được gọi tên kết nối ngôn ngữ như một phương tiện biểu đạt được chia sẻ (Gadamer 2004a, 408; Gadamer 2004b, 59). Hiện tượng luận tập trung vào việc giải thích cách thức mà vật-tự-nó nguyên thủy ‘bén rễ’ trong các sự kiện của cuộc sống và hiểu những gì được biểu đạt bằng các logos thông qua “... cái tên mà một cái gì đó được gọi...” (Gadamer 2004a, 407 ). Do đó, việc khảo sát hiện tượng luận của Heidegger và Gadamer về Hữu thể (tồn tại người tại thế) đã cho phép đặt ra một câu hỏi nghiêm túc và có tính phê phán về một cái gì đó mà phần lớn đã được coi là đương nhiên trong triết học, sự hiểu biết nguyên sơ về Hữu thể (Gadamer 2004a).
Tường giải học/ Hermeneutics là một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp ‘ἑρμηνευτικός - hermeneutikos’ có nghĩa là thuộc về/có tính diễn giải (Palmer 1969). Tường giải học thúc đẩy tiềm năng người trong việc hiểu ý nghĩa của ngôn ngữ để mở rộng các khả tính vô hạn của tư tưởng con người (Palmer 1969). Được phát triển từ những diễn giải thần học và ý nghĩa của tường giải học Kinh thánh Cơ đốc nhằm xác nhận quyền năng của Đức Chúa Trời đối với quá trình tư duy (Palmer 1969). Tường giải học thời kỳ đầu thực hiện một năng lực phân biệt đối với tính phù hợp của văn bản để mang thông điệp về một kỳ quan siêu việt (Dilthey) chứng minh, thay vì trao quyền cho con người, việc diễn giải với một thành kiến tư tưởng đó có năng lực hạn chế tiềm năng hiểu biết đầy đủ hơn của con người (Alexander and Numbers 2010 ). Điều quan trọng về tường giải học của Gadamer là trọng tâm hữu thể luận (Hữu thể) của ông và năng lực không chỉ diễn giải sự hiểu biết của con người mà còn hiểu lầm như một cơ chế để giao tiếp hiệu quả.
Hiểu biết ngôn ngữ
Như đã đề cập trước đó, chìa khóa để khảo sát khái niệm hiểu biết của Gadamer là thông qua logos (Gadamer 2004b, 59). Logos là phương tiện để giao tiếp với người khác, và khi chúng ta suy nghĩ và nói, thì chúng ta “... làm cho những gì không có mặt hiện ra thông qua ... việc nói ... giao tiế[p] với mọi thứ mà anh ta muốn nói...” Gadamer 2004a , 391; Gadamer 2004b, 60-61). Điều đó có nghĩa là từ ngữ kích hoạt một tên gọi biểu thị được đặt cho một đối tượng và kết quả là một hình ảnh tinh thần (Gadamer 2004b, 62). Khi nghĩ đến bất kỳ đối tượng nào, chúng ta vô thức kết hợp những suy nghĩ đã được nội tại hóa của chúng ta trong môi trường giao tiếp ngoại tại hóa, được chia sẻ với kẻ khác (Gadamer 2004b). Do đó, tính tương cộng của ngôn ngữ đảm bảo sự chấp nhận chung về ý nghĩa và khả năng nói lên suy nghĩ khi ở một mình hoặc khi ở cùng kẻ khác. Điều đó liên quan đến vấn đề ngôn ngữ; chúng ta kiếm được cách suy nghĩ và sử dụng ngôn ngữ từ những bước đầu tiên của nhận thức, một sự tương tác làm quen với thế giới và làm cho nó quen thuộc với chúng ta theo kinh nghiệm (Aristotle in Gadamer 2004b, 63). Điều đó cho phép kẻ diễn giải phát triển các cách nhận biết và dự đoán thế giới thông qua việc sử dụng các giác quan của họ về tính phù hợp, sự gắn kết và sinh tồn trong thế giới (Flinn 2006). Những khả năng tiên đoán như vậy có nghĩa là chúng ta luôn thiên về việc hiểu ngôn ngữ nói và viết khi chúng ta chỉ nhận thức được ngôn ngữ một cách có ý thức trong những trường hợp bất thường (Gadamer 2004b).
Gadamer gợi ý ba điểm tương liên thích hợp với ngôn ngữ và sự hiểu biết: Thứ nhất, tính phổ quát của ngôn ngữ; mọi cuộc đối thoại đều có tiềm năng cho ‘tính vô hạn bên trong’, khả năng suy lý, phóng chiếu hiểu biết lên kẻ khác và đọc ‘ý tại ngôn ngoại’. Cuộc đối thoại này có thể dưới dạng một hồ sơ trao đổi mang tính phản ánh, câu chuyện của những người tham gia nghiên cứu hoặc cuộc đối thoại hàng ngày trong lĩnh vực khoa học xã hội và sức khỏe. Một tư duy đặt vấn đề đảm bảo rằng ngôn ngữ lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào hướng tới sự hiểu biết được chia sẻ (Gadamer 2004b, 68) mở ra tiềm năng của con người cho việc đối thoại vô hạn với những kẻ khác trong sự dung hợp của các chân trời. Thứ hai, Gadamer đề cập đến chứng hay quên thiết yếu của ngôn ngữ; khi đánh mất ý nghĩa của những gì được nói, thì có khả năng cho cái “… Hữu thể chân thực của ngôn ngữ bộc lộ…” để phải quy giản (Gadamer 2004b, 64). Gadamer phát triển tính năng phản xạ hữu thể luận (kinh nghiệm sống của thế giới) của ngôn ngữ như một phương tiện truyền đạt ý nghĩa của những gì kẻ khác nói và viết. Như sẽ được trình bày, tự do hữu thể luận này bao gồm sử tính, thời tính và thực tính thông qua phân tích tường giải học. Cuối cùng, cái mà Gadamer gọi là thiểu ngã tính. Khi chúng ta nói, chúng ta nói với ai đó và với nội tâm của chúng ta. Khi gọi tên từ ngữ (trong văn bản hoặc trực quan), chúng ta tạo khả năng cho hiệu ứng thống nhất của ngôn ngữ và giao tiếp với những kẻ khác (Gadamer 2004b, 65). Gadamer cho rằng có sự hiện diện của tinh thần, chẳng hạn như khi sử dụng ngôn ngữ; khi dự đoán tình trạng do dự, lo lắng, ý định và thái độ. Gadamer gọi đây là trò chơi trong cuộc chơi tường giải, một quá trình năng động của lực đẩy, tự do tạo tiềm lực cho hiện thực và sự hoàn thiện mà mỗi tay chơi hiểu được. Trò chơi tiếp tục trong thế giới nội tâm chủ quan của suy nghĩ và động lực của kẻ diễn giải để tham gia cuộc chơi, để tạo nghĩa cho ngôn ngữ với tư cách là nhân tố then chốt để hiểu trải nghiệm (Gadamer 2004b, 66). Giờ là lúc mở rộng về các điều kiện này.
Ngôn ngữ và văn bản
Vai trò của kẻ diễn giải trong tường giải học Gadamerian có một đặc trưng cụ thể để hiểu rõ tiềm năng của con người, thông qua hiện hữu-hữu thể luận của khái niệm Hữu thể của Heidegger (Heidegger 2003; Gadamer 2004a). Từ ‘hữu thể luận’ có nguồn gốc tiếng Hy Lạp có nghĩa là nghiên cứu về Hữu thể, được Heidegger tái dụng cho triết học đương đại bằng cách đặt Hữu thể vào cuộc sống bình thường hàng ngày (Heidegger 2003). Đối với Heidegger và Gadamer, hiểu khái niệm Hữu thể và con người ‘đó phải là gì’ có nghĩa là bằng cách phân tích khái niệm cơ bản nhất này, thì chúng ta mới có thể và chỉ sau đó mới bắt đầu hiểu được cách chúng ta sống và gia nhập vào thế giới thông qua phương tiện ngôn ngữ. (Gadamer 2004a; Gadamer 2004b). Ngôn ngữ đưa ra những chiếc kim chỉ nam tới chân lý được che giấu trong ý nghĩa của từ ngữ và tiết lộ rằng có cái gì đó tồn tại trong vòng tròn (tường giải) của các khả tính hữu thể luận (Gadamer 2004a).
Quan niệm cơ bản đối với tường giải học của Heidegger là con người với tư cách một ‘Hiện hữu’ hiện sinh (trần thế), được gọi là ‘Da-sein’, luôn luôn được dùng bằng chữ D viết hoa, ‘da’ nghĩa là ‘ở đó’ và ‘sein’ có nghĩa là ‘hiện là’, hoặc ‘có đó’ (Heidegger 2003). Do đó, khái niệm Dasein chính là sự hiện diện của một cái gì đó. Cái gì đó chắc chắn phải tồn tại trước khi nó có thể được khảo sát, và phân tích của Heidegger đã tạo ra bước đầu tiên hướng tới sự hiểu biết của con người về Dasein (Heidegger 2003, 27). Khái niệm phức tạp nhưng cũng rất quen thuộc qua trực giác này liên quan đến thời điểm một kẻ nhận thức được bản thân y/ thị là một hiện tồn được định vị thời tính trong thời gian “… Dasein (do đó) luôn hiểu....sự tồn tại của nó xét về khả tính của...hiện [hữu] tự thân hoặc không tự thân...” (Heidegger 2003, 33). Do đó, chúng ta nhận thức cũng như không nhận thức được về bản thân, bằng cách ‘quên’ là chúng ta vẫn tiếp tục cuộc sống hàng ngày của mình, một nhận thức tiền-hữu thể luận về sinh tồn thông qua các trải nghiệm cuộc sống hàng ngày (Heidegger 2003). Câu hỏi của Heidegger tạo điều kiện cho một nỗ lực chuyên tâm nhằm phân tích trải nghiệm cuộc sống con người một cách rõ ràng và khách quan nhất về phương diện hữu thể luận (Gadamer 2004b).
Quay trở lại “thời bốc đồng” với các bài giảng cấp tiến vào những năm 1920, tác phẩm của Heidegger là một “…triệu lệnh của tự thân tồn tại…” hướng tới thực tính (Karl Jaspers in Gadamer 2004b, 139). Loại triết học mới này nhằm nhắc nhở con người về việc lựa chọn thực tính như một liều thuốc giải độc cho ‘cú ngã’ (và ‘cú liệng’) liên quan đến hiện hữu bề mặt khi ở bên kẻ khác. Chúng ta có nguy cơ chỉ trở thành một trong số rất nhiều kẻ, một nguy cơ quy giản tự-nhận thức và hiểu biết của con người về tiềm năng của chúng ta. Khi được nhắc nhở về khả tính lựa chọn đích thực, chúng ta có thể tìm cách khách thể hóa những thói quen của cuộc sống hàng ngày bằng cách bộc lộ những gì có thể bị che giấu một cách có ý thức hoặc vô thức trong ngôn ngữ và đối thoại (Gadamer 2004b, 140). Gadamer gợi ý rằng tường giải học không phải là một phương pháp mà là một tập nguyên tắc hướng dẫn linh hoạt hỗ trợ con người tìm kiếm chân lý trong sự lãng quên được che giấu của ngôn ngữ. Phân tích của Dasein có nghĩa là câu chuyện của những người tham gia nghiên cứu về nghiệm sống của họ, ví dụ như chăm sóc ung thư theo nghĩa không chỉ là kinh nghiệm cá nhân của họ mà còn là kinh nghiệm có giá trị liên quan đến tính phổ biến của khái niệm Dasein. Do đó, nhà nghiên cứu diễn giải cũng đang phân tích tính phổ biến của trải nghiệm được áp dụng vào phân tích của Dasein mà họ cũng chia sẻ với tư cách là đồng loại (Creswell 2007). Việc đặt những câu hỏi rõ ràng nhưng sâu sắc của Dasein củng cố một triết lý phản ánh. Tuy nhiên, có một khó khăn là mặc dù con người là thực thể duy nhất có thể tự nghiên cứu và đặt tên về phương diện hiện hữu, nhưng phức tính độc đáo của chúng ta có nghĩa là chúng ta không giống các thực thể khác, bởi vì chúng ta có ngôn ngữ (Heidegger 2003).
Dung hợp các chân trời - vòng tròn tường giải
Việc gọi tên các hiện tượng trong ngôn ngữ đặt ra những hạn chế đối với ngôn ngữ mà Gadamer (2004a) đã cố gắng làm sáng tỏ, bằng lập luận về những cách diễn giải bắt nguồn từ những cách hiểu như vậy luôn liên quan đến sự dung hội các chân trời. Từ quen thuộc đến xa lạ, tất cả các diễn giải đều xuất phát từ mức độ hiểu biết cơ bản hoặc xét đoán trước. Khi chấp nhận thế giới chủ thể tính bên trong và tìm kiếm ý nghĩa của việc diễn giải, Dasein chắc chắn đã che giấu chân lý của ngôn ngữ và về cuộc sống (Gadamer 2004a; 2004b). Do đó, người đọc là một phần của sự dung hội này.
Cách tiếp cận đối thoại của Gadamer đối với văn bản tường giải được đề xuất để vượt ra ngoài ý nghĩa của tác giả (hoặc câu chuyện của những kẻ tham gia nghiên cứu được sao chép lại) (2004a). Gadamer đồng ý với Chladenius rằng người đọc và tác giả “...không nhất thiết phải biết ý nghĩa thực sự của những gì hắn đã viết...” bởi vì quá trình diễn giải có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm ý nghĩa của từ ngữ được viết ra (Gadamer 2004a, 296). Văn bản được kẻ diễn giải đánh thức lại bằng cách làm nên ý nghĩa cho những gì đã được viết ra (2004a). Tuy nhiên, kẻ diễn giải cần phải nhận thức được vòng tròn tường giải, không chỉ đơn thuần để hiểu những gì tác giả (hoặc kẻ tham gia nghiên cứu) muốn nói; nghiệm sống (lịch sử) và việc sử dụng ngôn ngữ, nhưng còn bằng cách hỏi làm thế nào để từ ngữ cộng hưởng với kẻ diễn giải. Do đó, vấn đề không phải là tìm kiếm thứ chân lý được tác giả viết ra mà là nhận thức được cái chân lý có được đối với người đọc, cách nó trở nên sống động đối với kẻ diễn giải (Gadamer 2004a).
Quá trình bắt đầu khi văn bản thay đổi ngôn ngữ nói thành một “…cách diễn đạt lâu dài và cố định về cuộc sống…” trải nghiệm tạo ý nghĩa của văn bản luôn bao gồm ứng dụng; lắng nghe, quan sát, thử nghiệm, đánh giá, thách thức, phản ánh và tìm kiếm bất kỳ thành kiến nào khi hiện hữu-với-kẻ khác (Gadamer 2004a, 389). Khi đọc, kẻ diễn giải được giúp đỡ bởi những kẻ có chung năng lực giải quyết nhiều nhận thức tại một thời điểm, được trải nghiệm song hành với nhau trước khi ý tưởng khả dĩ nhất được nắm bắt và trở nên rõ ràng (Gadamer 2004a, 293). Chính chu kỳ bất biến của những dự báo và chuyển động mới này đã nâng cao sự hiểu biết và việc diễn giải ý nghĩa của ngôn ngữ (Gadamer 2004a, 293). Khi đọc, mắt ta cần mở ra trước sự mới mẻ của văn bản để tìm kiếm ý nghĩa (2004a). Vòng tròn tường giải chạy dọc theo văn bản như một nhịp điệu, mở ra cho dự đoán, tiền-ý tưởng, định kiến và phán đoán của tôi (2004a). Kẻ đọc cần phải biết điều gì hướng dẫn nhận thức và dự đoán của họ về cái diễn ngôn và văn bản đã thành, thách thức những kết luận vội vàng để mở ra nhiều khả tính hơn. Do đó, ngôn ngữ được sử dụng trong tự sự đóng vai trò là cơ sở trung tâm cho việc tìm kiếm sự hiểu biết và sự thống nhất giữa văn bản và kẻ diễn giải (2004a).
Gadamer gợi ý rằng tất cả các diễn giải đều xuất phát từ mức độ hiểu biết cơ bản hoặc sự phán đoán trước và việc chấp nhận thế giới chủ quan bên trong (Gadamer 2004a, b). Mọi người hiếm khi biết về quan điểm của kẻ khác trừ khi được hỏi và thay vào đó họ sẽ đoán hoặc đưa ra giả định. Quan điểm của Gadamer về trải nghiệm người được chia sẻ như một “ứng dụng trong khoảnh khắc” của vòng tròn tường giải đã được Walter Pater đưa ra trước đó bốn mươi năm “... đối với độc giả nghiêm cẩn... từ ngữ... tham chiếu hiếm khi bằng lòng chết cho tư tưởng chính xác vào đúng thời điểm ... nán lại chốc lát, khuấy động một “cảm hứng bất chợt” dài sau nó về những liên tưởng có lẽ khá xa lạ ... ”(Iser 1972, 212) [HHN chen ngang đoạn đầy đủ của Walter Pater: “Tất nhiên, các tầng lớp kẻ người khác nhau, vào những thời điểm khác nhau, đều có những yêu cầu rất khác nhau đối với văn học. Tuy nhiên, tôi cho rằng các học giả, và không chỉ các học giả, mà tất cả những kẻ yêu sách vô vụ lợi, sẽ luôn nhìn vào nó, cũng như nhìn vào toàn bộ một tác phẩm mỹ thuật khác, hầu tìm chốn nương thân, một chốn nương thân tu viện, hòng thoát khỏi tục kia lụy nọ nơi trần thế. Một bài thơ hoàn hảo như Lycidas, một tác phẩm hư cấu hoàn hảo như Esmond, một cách xử lý hoàn hảo một lý thuyết như Idea of a University của Newman, mang lại cho họ một cái gì đó về công dụng của một đời “ẩn dật” sùng mộ. Vì vậy, ở đây, với cái nhìn về nhu cầu đích thực của một số ít tuyển dân, “những kẻ quần là áo lượt” (“men of a finer thread”), đã hình thành và duy trì lý tưởng văn chương, thì mọi thứ, mọi yếu tố cấu thành, sẽ phải trải qua thử thách xác đáng, và trên hết, sẽ không có cảnh trang hoàng bất thường, tỳ vết, lố lăng, mà đòi hỏi phần lớn trang hoàng phải mang tính cấu trúc hoặc cần thiết. Như kẻ họa sĩ trong bức họa của mình, như kẻ nghệ sĩ trong cuốn sách của mình, trút vào tác phẩm bằng cả sinh nghề tử nghiệp trong một môi trường kỳ đặc. “Kẻ nghệ sĩ,” Schiller nói, “chẳng thà được tiếng bởi những gì hắn mải bỏ lơ”; vả, trong văn chương cũng vậy, kẻ chân tài có thể được phục tài bởi tài khéo xử trí với khoảng trống của y thị. Vì đối với kẻ đọc nghiêm cẩn thì từ ngữ cũng nghiêm cẩn; và từ ngữ trang hoàng, cả dáng vẻ, hình thái phụ kiện, màu sắc hoặc tham chiếu, hiếm khi vui vẻ chết cho tư tưởng chính xác vào đúng thời điểm, mà chắc hẳn còn dùng dằng chốc lát, khuấy động một thôi “cảm hứng bất chợt” về những liên tưởng ngõ hầu xa lạ.” (Appreciations, With An Essay On Style by Walter Pater, Fellow of Brasenose College, London, Macmillan and Co. and New York. 1889, tr.14-15)]. Lý thuyết tiếp nhận của Wolfgang Iser liên quan đến tường giải học triết học của Gadamer; hành động đọc cho phép một hoạt động nâng cao ý thức không thể tránh khỏi. Sự kỳ vọng của kẻ diễn giải đối với văn bản cho họ cơ hội để “hình thành cái không được nói ra” và nhờ có động lực để đọc, chúng vẫn mở ngỏ để tiết lộ điều bất ngờ ngay cả khi xa lạ với kẻ diễn giải bởi vì điều ngạc nhiên của văn bản thách thức ảo tưởng về những kỳ vọng tiền giả định (Iser 1972, 212).
Kẻ lạ và thông tin thân quen
Song hành với những ví dụ ban đầu về ứng dụng tường giải học, điều cốt yếu là quá trình xác định và liên kết giữa kẻ lạ với thông tin thân quen, tập trung một cách có chọn lọc bọn diễn giải tìm kiếm những quan điểm mới (2004b, 4). Điều này phụ thuộc vào nhiệt tình của hắn trong việc cởi mở với những khả tính mới (Gadamer 2004b, 4). Những khía cạnh xa lạ của văn bản là những gì chưa được biết đến, thách thức chân trời trần thế quen thuộc của bọn diễn giải, giúp đồng hóa tri thức cũ thành cách hiểu mới, ngay cả khi khó hiểu, đặc biệt thích hợp khi đọc ngôn ngữ kỹ thuật của triết học. Có một quá trình treo lại khi văn bản ‘xa lạ’ và ‘không quen thuộc’ song hành với nhau cho đến khi xuất hiện hiểu biết mới (Gadamer 2004a, 269). Gadamer (2004b, 4) đề cập đến hai phương thức trải nghiệm sự xa lạ trong những kinh nghiệm cụ thể của chúng ta: ý thức thẩm mỹ và lịch sử. Trong cả hai trường hợp, các phán đoán đều dựa trên tính hợp lệ, đặc trưng cho ý thức chúng ta về nghệ thuật nói chung khi phụ thuộc vào thời gian, ý nghĩa văn hóa, sự cộng hưởng và thẩm quyền. Sự xa lạ về ý thức lịch sử là nghệ thuật duy trì một khoảng cách khách quan và mang tính phê phán với các sự kiện của quá khứ. Ngay khi ngôn ngữ được viết ra, nó sẽ trở thành hình thức cuối cùng tự xa lánh bản thân và vượt qua nó là nhiệm vụ cao nhất của sự hiểu biết (Gadamer 2004a, 392). Chẳng hạn, nếu tôi viết về trải nghiệm phản ánh với tư cách là một nhà nghiên cứu hoặc khi quay lại tường thuật tự sự của một kẻ tham gia vào một ngày sau đó, thì ý thức về lịch sử, kinh nghiệm và nhận thức của chính tôi về ngôn ngữ được sử dụng sẽ được nâng cao. Giờ đây, ý thức được mở ra cho diễn giải và hiểu biết mới có được thông qua khoảng cách thời gian; khi đọc văn bản, xác định và tiết lộ các giả định, kẻ đọc tham dự và quan sát văn bản không quen thuộc được coi là hư cấu, tạo điều kiện cho ‘... các thực tại của văn bản khi chúng xuất hiện...’ được mở ngỏ (Iser 1972, 221). Do đó, hiểu biết dao động giữa việc tìm thấy ‘tính nhất quán’ với những quan niệm trước và những ý tưởng mới nhưng xa lạ (Iser 1972). Kẻ diễn giải phải dỡ bỏ những hạn chế được đặt ra một cách có ý thức hoặc vô thức đối với ý nghĩa của chính văn bản. Để tìm kiếm sự cân bằng, ý nghĩa và hiểu biết về văn bản cần phải bắt đầu với những kỳ vọng nhất định, tính đến những gì là nguyên vẹn đối với trải nghiệm thẩm mỹ và điều bất ngờ, nỗi thất vọng và thử thách đầy hấp dẫn (Iser 1972).
___________________________________________
(Còn nữa…)
Nguồn: Regan P., (2012). Hans-Georg Gadamer’s philosophical hermeneutics: Concepts of reading, understanding and interpretation, META: Research in Hermeneutics, Phenomenology, and Practical Philosophy, Vol. IV, No. 2 / December, 2012: 286-303, ISSN 2067-365.
References
Alexander, D. R.
and Numbers, R. L. (eds). (2010). Biology
and Ideology: From Descartes to Dawkins. University of Chicago Press:
Chicago.
Creswell, J. W. 2007. Qualitative Inquiry and Research Design: Choosing Among Five Traditions. Second edition. Thousand Oaks, CA: Sage.
Flinn, M. V. 2006. ‘Evolution and Ontogeny of Stress Response to Social Challenges in the Human Child. Developmental Review 26: 138–174.
Gadamer,
H. G. 2004a. Truth and Method. Second
edition. London: Sheed and Ward Stagbooks.
Gadamer, H. G. 2004b. Philosophical
Hermeneutics. Translated and edited by D. E. Linge. Second edition,
Berkeley: University of California Press.
Habermas,
J. 1971. Knowledge and Human Interests.
Translated by J. Shapiro. Boston: Beacon Press.
Habermas, J. 1980. The Hermeneutic Claim
to Universality. In Contemporary
Hermeneutics: Hermeneutics as Method, Philosophy, and Critique, edited by
Joseph Bleicher. London and Boston: Routledge and Kegan Paul.
Heidegger, M. 1992. History of the Concept of Time: Prolegamena. Translated by Theodore Kisiel. Bloomington: Indiana University Press.
Heidegger, M. 2003. Being and Time. Oxford: Blackwell.
Iser,
W. 1972. The Reading Process: A
Phenomenological Approach. New Literary Theory 3: 279-299.
Palmer, R. E. 1969. Hermeneutics:
Interpretation Theory in Schleiermacher, Dilthey, Heidegger and Gadamer.
Evanston: Northwestern University Press.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét