Powered By Blogger

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Khảo cổ học và Giới hạn của Lý thuyết-Mạng-Tác nhân (1)


Robert W. Preucel

Người dịch: Hà Hữu Nga

Lý thuyết-Mạng-Tác nhân (ANT: Actor-Network-Theory) là một lý thuyết cấp tiến của xã hội học được nhiều người chủ trương, nhất Bruno Latour, John Law và Michel Callon. (2) Theo nghĩa triệt để, nó chuyển đổi các nền tảng của xã hội học khỏi nghiên cứu về xã hội, lĩnh vực truyền thống của nó, để mô tả các mạng lưới hoặc các tập hợp bao gồm các giao điểm của con người, tập thể và sự vật. Nó không đòi hỏi gì hơn là xem xét lại hàng mớ phương pháp và lý thuyết làm nền tảng cho xã hội học đương đại. Lý thuyết-Mạng-Tác nhân gần đây đã được các nhà khảo cổ học đối xứng bảo vệ trong lĩnh vực khảo cổ học. Trong bài viết của mình, tôi đánh giá các nguồn gốc và thuật tu từ của khảo cổ học đối xứng theo quan điểm của thực dụng luận mới, cam kết đổi mới đối với sự phù hợp của khảo cổ học trong thế giới hiện đại.

Về
Lý thuyết-Mạng-Tác nhân

ANT có nguồn gốc từ các cuộc tranh luận về
nghiên cứu khoa học và công nghệ vào giữa những năm 1980. Mặc dù có những tiền đề trước đó (ví dụ Callon và Latour 1981), Latour (2005: 10) cho rằng sự ra đời của nó là ba ấn phẩm chủ chốt, một của Callon (1986), một của Law (1986) và một của chính ông (Latour 1988). (3) Những đóng góp này cùng hướng đến một cách suy nghĩ mới về những sự vật đa dạng như con người, vi khuẩn, đất đá, tàu và sò điệp. Hãy xem xét các nghiên cứu này chi tiết hơn một chút. Bài báo của Callon áp dụng cái mà ông gọi là xã hội học dịch thuật cho việc phân tích nhập môn các kỹ thuật đánh bắt sò điệp Nhật Bản cho Brittany trong những năm 1970. Ông lần tìm được một số mối liên kết giữa ngư dân, sò điệp và các nhà khoa học để làm bộc lộ những cung cách hòa quyện giữa xã hội và t nhiên với nhau. Năm 1972, các nhà khoa học và các đại diện của ngành ngư nghiệp đã tham gia một hội nghị tại Brest, Pháp để xem xét việc áp dụng kỹ thuật canh tác sò điệp được sử dụng thành công ở Nhật Bản. Kỹ thuật này liên quan đến việc thu thập ấu trùng sò điệp, nuôi trồng chúng trong môi trường nhân tạo, rồi tái nhập chúng vào môi trường tự nhiên của vịnh biển và sau đó thu hoạch chúng khi trưởng thành. Callon định nghĩa các điểm thông qua bắt buộc (OPP) [1] là những điểm xác định sự thành công hay thất bại của thực tiễn. Ví dụ như liệu ấu trùng có tự nhập bọn với người thu gom hay không. Ông đặc biệt quan tâm đến sự phát triển tiến bộ của sự sắp xếp xã hội mới giữa các tác nhân khác nhau bao gồm các cơ quan tài trợ của chính phủ, các nhà khoa học, ngư dân chuyên sò điệp và bản thân sò điệp nữa. Ban đầu, tất cả các bên đều đồng ý với kế hoạch của các nhà khoa học nghiên cứu. Nhưng khi một thảm họa xảy ra, các ngư dân đã cạy vét điệp thí nghiệm đem bán! Ông kết luận rằng “việc xác định và phân bố vai trò…là kết quả của các cuộc đàm phán đa phương bao gồm việc xác định và kiểm tra danh tính của các tác nhân” (Callon 1986: 214).

Bài báo của John Law (1986) tập trung vào bước ngoặt trong cán cân quyền lực giữa châu Âu và phần còn lại của thế giới. Ông cho rằng khám phá của Columbus về
Tân Thế giới vào năm 1492 và sự xuất hiện của các tàu Bồ Đào Nha ở Ấn Độ Dương vào năm 1498 đã đánh dấu bước chuyển sang sự kiểm soát và thống trị của châu Âu. Sau đó, ông đưa ra hai lập luận. Trước hết, ông cho rằng sự thay đổi quyền lực này đã được kích hoạt thông qua việc kiểm soát khoảng cách xa trong tất cả các khía cạnh của nó (Law 1986). Một số ít người ở Lisbon đã có thể tác động đến các sự kiện ở nửa vòng trái đất, và nhờ đó gặt hái được một phần thưởng tuyệt vời. Để hiểu điều này, cần phải phát triển một phương pháp phân tích có khả năng giải quyết các giao điểm của cái xã hội, cái công nghệ, cái tự nhiên, v.v. Thứ hai, ông cho rằng mặc dù các hiện vật, như dụng cđo độ cao thiên thể, tạo thành một phần quan trọng của các hệ thống kiểm soát đường dài, chúng không nên được khái niệm hóa như các công cụ được định hướng bởi các lợi ích xã hội. Thay vào đó, chúng nên được coi là đan xen với cái xã hội, cái kinh tế, vv. Vậy là hình thức của chúng là một chức năng của cách chúng “hấp thụ vào bản thân các khía cạnh dường như là các môi trường phi công nghệ của chúng." (Law 1986: 236).

Cuốn sách Biến Pháp quốc thành Pasteur - “Pasteurization of France của Latour là một nỗ lực để hình dung lại những tiến bộ khoa học trong y tế công cộng. Ông thách thức huyền thoại phổ biến cho rằng Pasteur đã tự tay khuất phục thế giới bệnh tật thông qua lý thuyết về vi khuẩn của mình và từ đó mở ra thời Hiện đại. Ông cho rằng thiên tài của Pasteur không chỉ nằm trong khoa học mà còn trong chiến lược lôi kéo nông dân, nhà công nghiệp và chính trị gia Pháp. Vì vậy, thành công của ông phụ thuộc vào toàn bộ một mạng lực lượng, bao gồm phong trào vệ sinh công cộng, ngành y (bác sĩ quân y và những người thầy thuốc tư nhân), và các mối quan tâm thuộc địa. Phân tích này có thể được thực hiện bằng phương pháp ký hiệu học mới. Latour viết: Tôi sử dụng lịch sử như một nhà não học sử dụng một con chuột, cắt đôi nó để tìm ra các cơ chế có thể cho phép tôi hiểu ngay nội dung của một khoa học và bối cảnh của nó (Latour 1988: 12, nhấn mạnh của ông). Mục tiêu của ông là xây dựng một mạng các hợp quần tạo nên thế giới Pasteur bằng cách thay thế từng đối số [2] về bối cảnh hoặc nội dung bằng một mối liên kết mới giữa xã hội và các khoa học của nó (Latour 1988: 12).

Một trong những động thái gây tranh cãi nhất của ANT là việc mở rộng tác tố của nó đến các thực thể không phải con người. Điều này được thực hiện mặc dù cách xử lý “đối xứng với các vai diễn con người và không phải con người. Ở đây tính đối xứng có nghĩa là tránh quy gán các thuộc tính cho các phạm trù tiên nghiệm và xem sức mạnh của con người và không phải con người là bất chắc, mơ hồ và gây tranh cãi như nhau (Callon 1986). Do đó, không có ưu tiên tác tố cần thiết nào phù hợp với cái xã hội, thể chế, khái niệm và vật chất (Callon và Latour 1992). Theo cách này, ANT ngụ ý vượt qua các phân đôi dường như không thể hòa giải của con người/ không phải con người, tác tố/ cấu trúc, chủ thể/ đối tượng, t nhiên/ văn hóa. Các cấu hình cụ thể được xem không phải là một thuộc tính của bất kỳ yếu tố nào, mà là tác động của hoạt động kết nối mạng diễn giải, liên kết trong một chuỗi liên tục” các đại diện, chính trị và thế giới của khám phá khoa họcLatour 1993: 10-11). Do đó, quyền lực không nằm trong bản thân các vai diễn cá nhân, mà thông qua các mối quan hệ, các hợp quần và liên minh của bọn đó (Law 1991).

Latour giải thích
cách thức đạt đến nhận thức mới này. Ông viết, “đối với tôi ít nhất thì Rubicon đã bị vượt qua [3], khi các chuỗi kết nối của ba đối tượng phi xã hội được chấp nhận trước đây (vi khuẩn, sò điệp và rạn san hô) đã khăng khăng chiếm giữ vị trí kỳ lạ gắn liền với các thực thể xã hội trước đây chúng tôi đã cố gắng mô tả (2005: 106, nhấn mạnh của ông). Ông tiếp tục giải thích rằng sò điệp khiến cho con người làm mọi việc hệt như những tấm lưới được đặt trong đại dương để thu hút sò điệp tự mắc vào lưới. Ông kết luận rằng cái “xã hội thì không nơi nào đặc biệt như một thứ trong số những thứ khác, nhưng có thể lưu hành khắp nơi như một vận động kết nối những sự vật phi xã hội (2005: 107, nhấn mạnh của ông). Đối với ông, không có tính xã hội hay xã hội, chỉ có các bản dịch giữa những kẻ hòa giải tạo ra các hợp quần có thể truy nguyên được (2005: 108).

ANT đã tạo ra một loạt các bài phê bình quan trọng. Một vài công trình trong số này liên quan đến hữu thể học, đặc biệt là sự phân biệt tự nhiên/ xã hội. David Bloor viết: Bởi vì Latour đã chọn sai đầu gậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi giải thích tiếp theo của ông về định đề đối xứng bị nhầm lẫn. Định đề đó không biểu hiện cho, hoặc phụ thuộc vào quan điểm bất đối xứng cơ bản đối với loại tự nhiên và xã hội mà ông khẳng định. Một cách đọc chính xác, tự nhiên luận về nguyên tắc đối xứng ngụ ý rằng cả “tự nhiên” (nghĩa là bản chất phi xã hội) và xã hội sẽ được liên kết lại trong sự hình thành niềm tin. Đối xứng được nhấn mạnh là thứ mà cả hai các loại nguyên nhân, cả kinh nghiệm của chúng ta về thế giới sự vật và thế giới con người, sẽ được gắn kết lại trong tất cả các tập hợp niềm tin tập thể (Bloor 1999: 88). (4) Điều đó có nghĩa là cái tự nhiên và xã hội phải có vai trò trong các giải thích, nhưng chúng không nhất thiết phải tương đương về các hiệu quả của chúng.

Các phê bình khác liên quan đến việc mô tả sai lệch các mối quan hệ quyền lực. Harry Collins và Steven Yearley (1992), chẳng hạn, đã phê bình Latour vì việc để dành uy quyền cho các nhà khoa học. [5] “Các hệ quả của phương pháp ký hiệu học rốt cuộc là một bước lùi, khiến chúng ta phải chấp nhận một lần nữa chính cái ưu tiên công nghệ, mô tả theo quy tắc, được các nhà khoa học và công nghệ ứng dụng, là thứ mà chúng ta đã từng học cách bỏ qua. Bước lùi này đã xảy ra như là hậu quả của việc mở rộng nhận thức sai lầm về đối xứng đưa con người ra khỏi vai trò then chốt của mình. Nếu các diễn viên là những phi nhân, thì chúng ta cần có cách thức để xác định quyền lực của bọn đó. Đây chính công việc của các nhà khoa học và các nhà công nghệ; nó trực tiếp đưa chúng ta trở lại với các giải thích tẻ nhạt theo thông lệ của các nhà khoa học về cái thế giới mà chúng ta đã trốn thoát vào đầu những năm 1970 (Collins và Yearley 1992: 322).

Collins và Yearley giữ lập trường này vì công việc lớn trong phân loại mối quan hệ giữa các sự nghiệp văn hóa phải được thực hiện từ cấp độ hiện thực luận xã hội. Công việc đó có thể được thực hiện từ không có cấp độ nào khác (Collins và Yearley 1992: 309). Họ kết luận mô hình mạng tác nhân là cấp tiến về mặt triết học, nhưng khi chúng tôi yêu cầu sử dụng nó, hóa ra về cơ bản là bảo thủ - tình trạng nghèo nàn về phương pháp khiến nó trở nên phụ thuộc vào quan điểm tẻ nhạt của khoa học và công nghệ (Collins và Yearley 1992: 323) . Latour đã phản ứng với những lời phê bình này bằng nhiều cách khác nhau. Đầu tiên, ông đã tham gia vào việc gần như là tự-phê bình. Trong một bài báo có tựa đề Khi nhớ lại ANT, ông cho rằng có bốn điều không hợp với lý thuyết mạng-tác nhân; từ ‘tác nhân’, từ ‘mạng’, từ ‘lý thuyết’ và cái ‘gạch nối! Bốn cái đinh đóng vào quan tài (Latour 1999: 15). Ông giải thích rằng ANT được nhận thức rõ hơn với tư cách là một nỗ lực chú ý đến hai điều không hài lòng trong các ngành khoa học xã hội liên quan đến quy mô, đó là các vấn đề giải quyết đồng thời các cấp độ vi mô và vĩ mô (Latour 1999: 17). Điều này đưa ông đến việc suy đoán về khả tính mà cái xã hội có thể không hề bao gồm tác tố và cấu trúc, mà là một thực thể lưu hành bao gồm các mối tương tác. Ông tiếp tục tuyên bố hy vọng cho cuộc sống ngoài ANT và cho rằng một sinh vật nào đó khác có thể xuất hiện, nhẹ nhàng và đẹp đẽ: thành tựu tập thể trong tương lai của chúng ta (Latour 1999: 24). Tuy nhiên, tự phê bình này rõ ràng hơn thực tế kể từ khi Latour công bố mở rộng về ANT và tiếp tục bảo vệ nó khỏi các nhà phê bình khác nhau.

Thứ hai, ông đưa ra một lập luận chính trị
cho rằng định nghĩa về ý nghĩa của một khoa học xã hội có liên quan chính trị cần phải được sửa đổi kỹ lưỡng (Latour 2005: 253). Ông tiếp tục cho rằng chúng ta phải phân biệt các vấn đề giải quyết bản chất của các tập hợp trên thế giới với câu hỏi liệu các tập hợp này có tạo thành một thế giới có thể sống được không. Đối với ông, sự thay đổi này có nghĩa là thay thế chính trị của tự nhiên’ với cấu phần tiến bộ của một thế giới chung (Latour 2005: 254, nhấn mạnh của ông). Ông coi động thái này là một cách để xác định lại khoa học và chính trị và thực hiện nhiệm vụ nhận thức luận chính trị bắt buộc đối với chúng ta bởi các cuộc khủng hoảng sinh thái khác nhau (Latour 2005: 254). Tuy nhiên, việc lên khung này dường như ngụ ý rằng chính trị phụ thuộc vào các mục tiêu của ANT. Cuối cùng, đó lại chính là những con người, mặc dù bị mắc bẫy trong các mạng xã hội, vật chất và công nghệ phức tạp, những con người phải quyết định thế giới chung này sẽ như thế nào.

Thứ ba, ông đưa ra một lập luận đạo đức nói nếu bạn thực sự nghĩ rằng thế giới chung trong tương lai có thể được cấu thành tốt hơn bằng cách sử dụng tự nhiên và xã hội làm siêu ngôn ngữ tối hậu, thì ANT vẫn là vô dụng. Nó chỉ có thể trở nên thú vị nếu những gì trong quá khứ gần đây được gọi là phương Tâyquyết định suy nghĩ lại về cách thức mà tự thể hiện với phần còn lại của thế giới sẽ sớm trở nên mạnh mẽ hơn. Sau khi ghi nhận điểm yếu mới bất ngờ của phương Tây cũ và cố gắng tưởng tượng làm thế nào nó có thể tồn tại lâu hơn đôi chút trong tương lai để duy trì vị trí của nó dưới ánh mặt trời, chúng ta phải xác lập các kết nối với những kẻ khác không thể dám chắc là các nhà sưu tập tự nhiên/ xã hội. Hoặc, để sử dụng một thuật ngữ mơ hồ khác, chúng ta có thể phải tham gia vào nền chính trị vũ trụ (Latour 2005: 262). Quan điểm về chính trị vũ trụ là một khía cạnh đáng chú ý vì nó nhấn mạnh vào một siêu ngôn ngữ phương Tây (Latourian), thay vì thừa nhận làm thế nào phương Tây và phi phương Tây có thể chuyển đổi lẫn nhau. (6)

Khảo cổ học đối xứng

Một số nhà khảo cổ học, không hài lòng với khảo cổ học xã hội, hiện đã bắt đầu làm việc
bằng các khía cạnh khác nhau của ANT. Những cá nhân này, đáng chú ý nhất, gồm Bjørnar Olsen, Michael Shanks, Christopher Witmore và Timothy Webmoor. Sự can thiệp này đã bắt đầu được gọi là “Khảo cổ học đối xứng để báo hiệu một liên minh với nguyên tắc đối xứng của Latour (Olsen 2003, Shanks 2007, Witmore 2007). (7) Nó một phần có cơ sở tại Đại học Stanford và có liên kết chặt chẽ với MetaMedialab (8) của Michael Shanks. Người lãnh đạo phong trào mới này có lẽ là Bjørnar Olsen. (9) Ông có vai trò quan trọng trong những ngày đầu của khảo cổ học hậu quá trình và đóng góp các tiểu luận về ngôn ngữ khảo cổ học (Olsen 1991) và bản chất của tường giải học (Olsen 1990, Johnsen và Olsen 1992). Năm 2003, ông đã công bố bản cam kết khảo cổ học đầu tiên với ANT trong bài tiểu luận mang tên Văn hóa vật liệu sau văn bản: nhớ lại các sự vật” (Olsen 2003). Ông giải thích rằng câu hỏi nghiên cứu trọng tâm của mình là làm thế nào để các sự vật, đối tượng - thế giới vật chất nói chung - liên quan đến các hiện hữu người và thường được coi làđời sống xã hội(Olsen 2003: 87). Ông nhận thấy rằng các diễn ngôn triết học đã gạt tính vật chất của đời sống xã hội ra ngoài lề, và các nghiên cứu văn hóa vật chất đã tránh xa tính vật chất của sự vật để nhấn mạnh các lý thuyết kiến tạo xã hội. Để khắc phục, ông đã đề xuất môn khảo cổ học đối xứng, dựa trên ý tưởng cho rằng tất cả những thực thể vật chất mà chúng ta gọi là văn hóa vật chất, là những hiện hữu trên thế giới cùng với những hiện hữu khác, chẳng hạn như con người, thực vật và động vật (Olsen 2003: 88). Sự khác biệt của chúng không được đưa ra bởi các cặp nhị nguyên hữu thể luận, như văn hóa/ tự nhiên, mà bằng cách hòa giải và chuyển dịch liên quan đến các mạng không đồng nhất liên kết hàng loạt thực thể.

Olsen xác định rõ ràng ANT là một nguồn cảm hứng quan trọng. Đối với ông, hiện thực không phải được tìm thấy trong các tinh chất, mà là trong các trạng thái tranh chấp và hỗn hợp đặc trưng cho mối quan hệ con người/ sự vật (Olsen 2003: 98). Đối với Olsen, lý thuyết xã hội bị bần cùng hóa vì đã thất bại trong việc phát triển một cái nhìn đầy đủ về thế giới. Ông giải thích rằng lý do chính tại sao tính vật chất của sự vật vẫn đang được giữ vững ở độ dài của cánh tay là vì một bản thể học thù địch tiếp tục cung cấp các phương pháp tiếp cận chủ đạo trong nghiên cứu văn hóa vật chất: ít nhất là từ Kant, từ chối, bất kỳ sự tiếp cận trực tiếp nào đối với mọi thứ, và từ đó nổi lên như một thái độ hoài nghi, trong đó tài liệu luôn bị đối xử với sự nghi ngờ và không bao giờ cho phép nhiều hơn sự tồn tại tạm thời và phái sinh "(Olsen 2007: 580).

Một số học giả hiện đã đóng góp cho việc xây dựng khảo cổ học đối xứng. Chris Witmore (2007) đã đưa ra “các trích đoạn của một bản tuyên ngôn để hỗ trợ cho cách tiếp cận mới này. (10) Ông bắt đầu với đề xuất rằng con người và không phải con người không khác biệt về mặt hữu thể luận, mà là hỗn hợp về mặt hữu thể luận (Witmore 2007: 546). Theo Latour (1993), ông gợi ý rằng sự phân đôi chủ thể/ đối tượng phổ biến của chúng ta là sản phẩm tinh khiết của các mối quan hệ đặc biệt của chúng ta với thế giới. Ông coi khảo cổ học đối xứng là một hệ sinh thái mới gói đầy sự vật, trộn lẫn với loài người và bạn đồng hành và ưu tiên các phẩm chất đa thời gian và đa cảm biến, tính đa dạng của thế giới vật chất (Witmore 2007: 546). Ông xác định phả hệ học trí tuệ của nó là liên kết các truyền thống Leibnizian, Whiteheadian và Thực dụng luận trong triết học với các nghiên cứu khoa học và công nghệ của Michel Serres, Bruno Latour, Michel Callon, John Law và Donna Haraway. Ông xác định sáu từ dễ nhớcác khái niệm chủ chốt cho khảo cổ học đối xứng. Đó là: 1) THỰC HÀNH - khảo cổ học bắt đầu bằng các hỗn hợp, không phải các phân nhánh; 2) TÁC TỐ - luôn có nhiều tác tố khác nhau giữa con người và không phải con người; 3) DỊCH CHUYỂN/ HÒA GIẢI có nhiều thứ để nhận thức hơn là “ý nghĩa”; 4) BIẾN ĐỔI phát sinh từ các mối quan hệ dao động giữa các thực thể; 5) THỜI GIAN- quá khứ không hoàn toàn là quá khứ và 6) SỰ VẬT - nhân loại bắt đầu với các sự vật (Witmore 2007: 549).

Bằng cách thực hành, Witmore
muốn nói rằng chúng ta cần chú ý đến những gì các nhà khảo cổ học làm trong lĩnh vực này hơn là những gì chúng ta nói chúng ta làm. Ông nhấn mạnh rằng lĩnh vực này không phải là ngoài kia, mà là ở khắp mọi nơi bởi vì những thứ mà chúng ta khai quật được lưu thông qua nhiều bối cảnh tham gia. Các hiện vật khảo cổ học vừa tồn tại với tư cách là những hiện vật trên kệ trong bảo tàng, vừa tồn tại trong những vật thay thế khác nhau, ví dụ như sổ ghi chép, số danh mục, các bản vẽ minh họa và các hình ảnh, v.v. Lĩnh vực này được hiểu rõ hơn từ góc độ ANT với tư cách đa lĩnh vực, tạo thành mạng lưới không đồng nhất, trong đó có việc thực hành qua suốt nhiều giai đoạn lặp lại” (Witmore 2007: 550). Whitmore rất triệt để về việc sử dụng tác tố đúng chuẩn để quy về con người và sự mở rộng đến sự vật như một ví dụ về tác tố thứ cấp. Ông coi việc sử dụng này như một huyền thoại hiện đại luận, nơi sáng kiến ​​luôn xuất hiền từ con người. Ông muốn chúng ta xem xét những cách thức mà sự vật đẩy ngược và có quyền lợi” trên thế giới (Witmore 2007: 552). Đi theo Latour (1991: 181), ông cho rằng con người không phải là động chính của quá trình khai quật, thay vào đó, việc khai quật là kết quả của một tập hợp được phân bố và lồng ghép của các thực hành. Đó chính là nơi mà tác tố trú đóng. “Người khai quật chúng ta, giờ được hiểu là một tập thể được phân bố được gọi là nhà khảo cổ học, liên tục thay đổi mục tiêu của mình tùy thuộc vào các đồng minh mà người ấy huy động để đạt được một kết thúc cụ thể. Chắc chắn, kết thúc này khác nhau tùy thuộc vào các thuộc tính của đồng minh đó hoặc, trong trường hợp này công cụ. Sự sụp đổ của bức tường được một nhà khảo cổ học-dùng-cuốc khai quật rất khác với sự sụp đổ của bức tường được một nhà khảo cổ học-dùng-bay khai quật "(Witmore 2007: 553). Tiếp theo, Whitmore giới thiệu khái niệm về sự chuyển đổi và cho rằng khảo cổ học, không giống như các ngành khoa học khác, chủ động chuyển đổi lĩnh vực nghiên cứu của nó. Khi một cuộc khai quật được hoàn thành, thì di chỉ không thể được tái tạo ở dạng ban đầu. Thay vào đó, nó được chuyển dịch thông qua một loạt các phương tiện truyền thông sản xuất ra những kẻ đóng thế. Sau đó, ông khẳng định rằng chúng ta có trách nhiệm (đạo đức?) để vượt ra ngoài việc tìm kiếm ý nghĩa và giải quyết “những vô số, những mơ hồ và những hiện diện của thế giới vật chất trong quá trình khảo cổ học (Witmore 2007: 554). Ông ủng hộ việc sử dụng đa phương tiện cho phép tác giả hợp tác và phản hồi công khai để chuyển dịch một sự hiện diện cảm giác, vật lý nào đó của quá khứ.

Đối với Whitmore, khái niệm biến đổi cũng đòi hỏi sự phục hồi. Lấy ví dụ, ông cho rằng câu chuyện về nguồn gốc nông nghiệp trong quá trình chuyển đổi Đá giữa/ Đá mới ở Hy Lạp dựa trên một quan niệm hiện đại về sử tính xác định ý nghĩa làm người và sống trong thế giới. Ông cho rằng các biến đổi xảy ra khoảng 7.000 B.C. là không chỉ về cách những sự vật mới, những hiểu biết mới, những thành viên mới được ghi danh trong một cộng đồng, trong một tập thể, mà là về vai trò của các thành viên đã có mặt hoặc các mối quan hệ của các thành viên đã có mặt thay đổi ra sao” (Witmore 2007: 555 ). Sau đó Whitmore phê phán khái niệm mũi tên thời gian, ý tưởng cho rằng quá khứ bị đóng lại và không thể tiếp cận được. Ông đưa ra phép ngoại suy cho rằng thời gian giống như thời tiết. Nó đầy những yên bình, lốc xoáy và dao động hỗn loạn (Witmore 2007: 556). Đối với khảo cổ học đối xứng, quá khứ không chỉ là quá khứ. Điều này là do một cái gì đó của quá khứ tồn tại ở đây và bây giờ nhờ vào sự tồn tại vật chất của nó. Bởi vì được coi là hành động, nên nó làm trung gian cho cuộc sống của nhiều người theo rất nhiều cách. Trong bối cảnh khảo cổ học phong cảnh, ông cho rằng các nhà khảo cổ học có thể coi thời gian như một kẻ phân loại và định vị các giai đoạn cấu phần khác nhau. Tuy nhiên, người ta cũng có thể coi việc phân loại là một điểm đánh dấu thời gian và ghi lại nhiều quá khứ vật chất của các cảnh quan như là sự tập hợp của các thời khác nhau (Witmore 2007: 556).

Cuối cùng, Whitmore chuyển sang
sự vật. Ví dụ chính của ông là các nguồn gốc của phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Ông xác định phép chụp hình daguerre của Louis Daguerre và máy tính của Charles Babbage là cung cấp hai quỹ đạo cần thiết cho máy tính kỹ thuật số hiện đại. Phép chụp hình daguerre đã ngay lập tức thành công, nhưng máy tính của Charles Babbage lại bị chậm trễ. Ông gợi ý rằng những thành tựu này đã được làm thành lâu bền nhờ sự chuyển dịch của chúng và bằng cách này, các giao dịch giữa các thực thể khác nhau được xếp lại thành những sự vật như vậy. Với tư cách là những sự vật, các thành tựu này có thể lưu hành ở một khoảng cách trong không gian và thời gian; chúng có thể thành công ngay lập tức, bị lãng quên hoặc sau đó không thể quên được, khi được tái tuần hoàn, chúng có thể tham gia vào các tương tác và lý thuyết mới đóng góp cho những thành tựu mới(Witmore 2007: 558). Gần đây nhất, Olsen đã xuất bản cuốn sách của mình mang tên “Để bảo vệ Sự vật” In Defense of Things (Olsen 2010). Mục tiêu chính của ông là đánh giá lại những cách thức mà chúng ta nghĩ về xã hội và văn hóa. Yếu tố trung tâm trong chương trình nghị sự của ông là khẳng định theo ANT cho rằng sự vật là những hiện hữu trên thế giới cùng với những hiện hữu khác như con người, thực vật và động vật. Ông còn lập luận rằng sự vật không thụ động, chờ đợi để được con người kích hoạt. Thay vào đó chúng có những phẩm chất và năng lực độc đáo của riêng mình được đem đến để cùng sống với chúng ta. Sự vật chia sẻ các thuộc tính chất vật chất nhất định và có tiềm năng ảnh hưởng đến thế giới. Ông cho rằng một quỹ đạo lịch sử chạy từ Hẻm núi Olduvai [4] đến Postmodernia thời Hậu hiện đại thuộc về sự ủy quyền của các nhiệm vụ ngày càng tăng cho các tác nhân phi nhân và trung gian hành động ngày càng tăng của sự vật (Olsen 2010: 9). (11) Chính những hòa giải này là nền tảng cho sự ra đời của nông nghiệp, đô thị hóa, hình thành nhà nước, công nghiệp hóa và hậu công nghiệp hóa.

Từ thuyền viên săn cá voi Inupiat đến vũ công Teotihuacan

Mặc dù có một số cam kết lý thuyết với ANT trong khảo cổ học, hiện tại, có rất ít ví dụ về
các nghiên cứu trường hợp thực sự. Việc nhấn mạnh vào lý thuyết ở đây là điển hình cho các giai đoạn đầu trong việc đưa một lý thuyết mới vào một lĩnh vực. (12) Trong phần tiếp theo, tôi xem xét nghiên cứu của Peter Whitridge về việc săn bắt cá voi của người Thule và nghiên cứu của Tim Webmoor về di sản tại Teotihuacan. Whitridge (2004) đã đưa ra một ứng dụng ANT cho nghiên cứu săn bắt cá voi của những người Thule săn bắt hái lượm ở Bắc Cực Bắc Mỹ. Ông lưu ý rằng việc săn bắt cá voi nổi lên như một trọng tâm kinh tế quan trọng ở vùng Biển Bering-Chukchi với sự tương tác giữa các vùng ngày càng tăng của các văn hóa Punuk, Birnirk và các nền văn hóa khác vào cuối thiên niên kỷ thứ nhất SCN. (Whitridge 2004: 458). Ông cho rằng quá trình chuyển tiếp Birnirk-Thule có thể được hiểu là sự xuất hiện một hình thức mới của hoạt động săn bắt cá voi Alaska vào khoảng năm 1000 SCN.

Hoạt động săn bắt cá voi này là một nỗ lực gần như-doanh nghiệp do một thuyền trưởng giỏi (umiali) lãnh đạo bởi, ông ta tuyển mộ họ hàng và những người cộng tác khác để hình thành một nhóm với tư cách đội thủy thủ cho một con thuyền (umiak) săn bắt cá voi. Đội thủy thủ đã hợp tác trong việc sử dụng các lao móc xoắn đâm móc vào cá voi, kéo lên bờ mổ thịt, chặt thành súc làm thức ăn. Nhờ những nỗ lực của mình, họ đã được tưởng thưởng bằng các phần thịt cá voi cũng như các lợi ích xã hội khác. Thuyền trưởng cũng điều hành một ngôi nhà chung làm câu lạc bộ cho đội thủy thủ, còn là nơi mở tiệc và thực hành các nghi lễ cộng đồng.

Sau đó Whitridge sử dụng viễn cảnh ANT để đưa ra những con đường khảo sát mới. Ví dụ, ông coi cấu hình thay đổi của công nghệ săn bắn động vật biển có vú không phải là vay mượn văn hóa hay thích nghi sinh thái, mà là một rắc rối xã hội đồng thời là rắc rối về công nghệ, sinh thái và phân tán. Ông cho rằng các đầu lao móc có thể được coi là một phần của tập hợp kỹ thuật phức tạp và những thay đổi trong chức năng của nó sẽ có hiệu ứng gợn sóng [5] qua các lĩnh vực liên đới. Sau đó, ông cho rằng có một sự tương đồng giữa các thuyền trưởng / umiak / nhóm săn bắt cá voi trên biển, và thợ săn / qargi / hộ gia đình trên đất liền. “Cứ như thể mỗi liên kết kỹ thuật trong mạng bao gồm săn cá voi bằng thuyền umiak-nổi phải được rèn cặp thông qua việc tạo ra được một liên kết xã hội tương đương, do đó đòi hỏi phải sử dụng các cách biểu diễn vật chất của kiến ​​trúc và bố cục cộng đồng (Whitridge 2004: 463). Ông kết luận rằng “khi đưa ra cách giải thích coi tất cả những người chơi này theo cách đối xứng, như những người tham gia không thể thiếu trong công việc săn bắt cá voi, không phải chúng tôi đang tạo ra một dòng dõi tuyệt vời cho Thế giới thần tiên của hành động săn bắt cá voi và những chiếc lao móc, chúng tôi chỉ đơn giản tham gia vào những cách giải thích về săn bắt cá voi mà những người săn bắt cá voi Inupiat tự thân đưa ra” (Whitridge 2004: 466). Đây là một nghiên cứu hấp dẫn bởi vì việc sử dụng các nguyên tắc ANT không áp đảo thực tiễn của người Inupiat. Nhưng tất nhiên, cái vắng mặt ở đây, chính tác tố của bản thân những người săn cá voi Inupiat, xem xét những tự sự về quá khứ của họ mà chính những người săn cá voi muốn kể lại.

Tim Webmoor (2007) đã đưa ra việc xem xét về di sản từ viễn cảnh ANT. Ông cho rằng trọng tâm hiện đại đa thanh và di sản thế giới dường như là bối cảnh mà nguyên tắc đối xứng sẽ có giá trị phân tích giới hạn (Webmoor 2007: 573). Sau đó, ông thách thức quan điểm này bằng nghiên cứu về di sản thế giới tại Teotihuacan. (13) Ông theo dõi các hợp quần do các vũ công Aztec hiện đại thành lập để làm bộc lộ những phẩm chất tích cực của sự vật. Ví dụ, ông thu hút sự chú ý đến những tuyến đường bậc thang xung quanh quảng trường Kim tự tháp Mặt trời bằng cách lưu ý rằng bây giờ người ta xác định, hệt như họ đã xác định trong quá khứ, nơi thực hiện các buổi biểu diễn. Ông cũng nhấn mạnh rằng sự di chuyển của khách du lịch cũng được kiểm soát bằng các hàng rào và cổng được INAH (Instituto Nacional de Antropología e Historia – Viện Quốc gia Nhân học và Lịch sử Mexico) xác lập như một phần của chương trình nhằm tôn vinh bản sắc dân tộc. Do đó, mọi thứ, cả quá khứ và hiện tại, đều đóng góp như nhau vào hiệu suất tạo ra các mạng liên kết vượt ra ngoài khái niệm tiêu chuẩn về di sản.

Webmoor lưu ý rằng mọi người đến Teotihuacan vì nhiều lý do, bao gồm việc làm (người bán hàng ở chợ), để thực hiện các lễ thức (người ủng hộ thời đại mới), để giải trí (tất cả khách du lịch), để tìm hiểu về quá khứ và khảo cổ học (tất cả khách du lịch), và để tự hào về bản sắc dân tộc (khách du lịch Mexico). Sau đó, ông trừu tượng hóa các mục tiêu này thành bốn hợp quần chính. Đó là khảo cổ học, kinh tế, nghi binh và tâm linh, cùng nhau, thông qua các giao điểm của chúng, tạo thành cái mà chúng ta gọi là di sản. Ông đặc biệt quan tâm đến việc các biến cá nhân liên quan đến các mối quan hệ mà các cá nhân hình thành với các địa điểm khảo cổ học. Đối với một số người, đơn giản, “tình trạng phơi bày” đối với tài liệu về bản thân di chỉ và các hiện vật, đối với thông tin khảo cổ học và các chuyên gia, và với các phương tiện truyền thông phổ biến đóng vai trò quyết định chính (Witmore 2007: 574). Đối với những người khác, các yếu tố như giới và giáo dục là quan trọng.

Webmoor gợi ý rằng việc truy tìm các hợp quần này từ một địa điểm duy nhất thu hút sự chú ý đến chính trị địa phương và quốc gia, niềm tin của các bên liên quan và hình dạng khảo cổ chung của địa phương và cộng đồng. Đối với ông, ANT cung cấp một tiếng nói cho một hội đồng lớn hơn bao gồm cả con người và sự vật (Webmoor 2007: 575). Phân tích này vấn đề sâu xa bởi vì nó quy giản các lợi ích chính trị cụ thể với ý nghĩa kinh tế và pháp lý vào các hợp quần vô định hình và lỏng lẻo của việc nhập khẩu thuần lý thuyết. Đó là một ví dụ về cách thanh lọc ngành học (sử dụng từ của Latour) được thực hiện thông qua việc khuấy động hữu thể học / nhận thức luận thường xuyên là đồng lõa với một chương trình nghị sự tân tự do.

Phê bình
Thực dụng

Song song với sự xuất hiện của ANT trong các nghiên cứu khoa học, càng ngày người ta càng  nhấn mạnh về
cái xã hội và quan tâm nhiều hơn đến việc thiết lập các tương liên của khoa học xã hội với thế giới hiện đại. Trong triết học, điều này có nghĩa là kiểm tra lại chủ nghĩa thực dụng và tầm quan trọng của nó đối với kiến ​​thức tự tham chiếu và ứng dụng thực tế của nó đối với các vấn đề xã hội đương đại (Baert 2005a, 2005b, Eggington và Sandbothe 2004). Trong khảo cổ học, điều này có lẽ được minh họa bằng sự gia tăng của khảo cổ học hậu quá trình và sự tích hợp dần dần các câu hỏi về bản sắc, ý nghĩa, tác tố và thực tiễn cùng với các hệ thống, quy trình và cấu trúc (Baert 2005a, 2005b, Meskell và Preucel 2004). Không còn có thể biện minh cho khảo cổ học trên cơ sở nội tại nữa. Thay vào đó, đạo đức học của khảo cổ học hiện nay yêu cầu chúng ta tham gia vào các nhóm lợi ích khác nhau trong dự án chung để hiểu được nhiều ý nghĩa của quá khứ hiện tại (Preucel và Mrozowski 2010).

Do đó, thật mỉa mai là ngay tại thời điểm khảo cổ học đã sẵn sàng đóng góp cho thế giới hiện đại,
thì vẫn có những lời kêu gọi thủ tiêu cái xã hội. Bản tuyên ngôn về khảo cổ học đối xứng hạ thấp tác tố con người để ưu tiên cho một phương pháp mà con người và sự vật được ban cho bình đẳng hữu thể luận. Tuy nhiên, có thể cho rằng việc ẩn náu trong chiếc áo choàng cấp tiến của ANT là một lập trường chính trị tân tự do bảo thủ. Latour (2005: 259) viết rằng ANT bao gồm thứ trực giác các hợp quần vẫn không đủ, chúng cần phải được tạo thành tổng thể để thiết kế một thế giới chung. Ông tiếp tục nói rằng xã hội học, không giống như nhân học, không bao giờ có thể hài lòng với đa nguyên tính siêu hình học. Thay vào đó, nó cam kết giải quyết vấn đề hữu thể luận về sự thống nhất của thế giới chung (2005: 259). Nhưng chúng ta cần hỏi, sự thống nhất của ai và vì mục đích gì?

Bằng nhiệt tâm của họ để tái cấu hình liệu, các nhà khảo cổ học đối xứng đã bám sát sạt Latour và vấp phải sự kiềm chế của các mối quan hệ quyền lực. Witmore (2007: 559) cho rằng khảo cổ học đối xứng hiểu cách thức con người sống với (được phân biệt ) cái thế giới đầy hỗn tạp và vướng víu này”; điều đó mở ra những lĩnh vực mới về khả tính và tiềm năng mới cho phát minh, miễn cho chúng ta khỏi những gánh nặng khái niệm liên quan đến tình trạng khó xử theo cách hiện đại luận như vậy. Nhưng chắc chắn cái có nghĩa là con người liên quan đến việc đàm phán một địa điểm trong các loại mạng khác nhau, có thể là gia đình hoặc đoàn hội, thuần túy hoặc hỗn hợp, con người hoặc không phải người. Tình trạng sao nhãng quyền lực này không phải là vấn đề duy nhất đối với việc áp dụng ANT vào khảo cổ học. Như chúng ta đã thấy, bản thân Latour không đưa ra bất cứ chỉ dẫn rõ ràng nào về cách giải quyết các vấn đề lâu dài của con người như công bằng xã hội chẳng hạn.

Suy
tư Hồi kết

Cuối cùng, một
kẻ thực dụng luận phải hỏi chính xác khảo cổ học đối xứng để làm gì? Như Jürgen Habermas (1972) đã dạy chúng ta từ lâu, không có thứ gọi là kiến ​​thức không vụ lợi. Vậy thì, khảo cổ học đối xứng phục vụ cho những lợi ích gì? Nếu xã hội được giải cấu trúc và sau đó được tái tập hợp, như cách tiếp cận này đòi hỏi một cách rõ ràng, thì ý nghĩa của nó đối với những gì Richard Rorty (1982) - môn đệ John Dewey, gọi là “các vấn đề của mọi người”. Theo quan điểm của tôi, khảo cổ học đối xứng cung cấp một số đóng góp có giá trị. Một trong số đó là thừa nhận sự tách biệt giả tạo giữa quá khứ và hiện tại. Quá khứ là hiện tại. Cái nhìn sâu sắc này đã được nhiều học giả công nhận như Binford và Hodder. Binford (1983) cho rằng hồ sơ khảo cổ học là một hiện tượng hiện tại và nhiệm vụ của nhà khảo cổ học là làm cầu nối giữa tĩnh học và động học. Tương tự, Hodder (1983: 9) đã lập luận rằng quá khứ là hiện tại theo nghĩa các tái kiến tạo của chúng ta về quá khứ được sản sinh ra trong hiện tại. Và, theo quan điểm của nhiều nhóm cư dân bản địa, cái nhìn sâu sắc này là hoàn toàn phù hợp và trải qua lâu dài. Một ý tưởng khác là hòa giải. Witmore (2007: 552) cho rằng điều này đề cập đến nhiều cách các tác nhân con người và không phải con người trao đổi các thuộc tính trong quá trình tiến tới một mục tiêu trong đó một loạt các thực thể đều có quyền lợi. Điều này tương tự, nhưng không đồng nhất, với quan điểm về hòa giải trong khảo cổ học thực dụng (Preucel 2006). Tuy nhiên, có một vấn đề nghiêm túc với khảo cổ học đối xứng và đó là vấn đề có chung với ANT. Trong việc tái cấu hình xã hội, các nhà khảo cổ học đối xứng đã coi nhẹ biệt tính của các mối quan hệ quyền lực. Cách tiếp cận của họ đánh giá thấp bản chất biến đổi của quyền lực, coi nó như đang nổi lên từ các quá trình diễn ra trong một mạng, thay vì xem quyền lực là cấu thành của mạng. Do đó, đây là một cái nhìn phẳng về thế giới mà không có sự thừa nhận về các hệ thống phân cấp xã hội đã tồn tại từ trước. Tất cả những gì rõ ràng tồn tại chính các tập hợp của con người/ sự vật liên tục sắp đặt và tái sắp đặt bản thân bọn đó trong các mạng liên đới. Đây là một quan điểm phản nhân học sâu sắc. Ngày càng có nhiều thứ bị lâm nguy trên thế giới hơn là nhận thức luận và hữu thể luận. Cuộc sống cũng vậy.
_____________________________________

Nguồn: Preucel, Robert W. (2012). Archaeology and the Limitations of Actor Network Theory, presented to the Department of Anthropology, Harvard University, October 10, 2012.

Tác giả: Robert Preucel là Giáo sư Nhân học James Manning và Giám đốc Bảo tàng Nhân học Haffenreffer, Đại học Brown, nhận bằng tiến sĩ của UCLA - University of California, Los Angeles năm 1988. Luận án của ông khảo sát về lưu chuyển nông nghiệp theo mùa thời tiền sử trên cao nguyên Pajarito, New Mexico. Ông là Học giả thỉnh giảng thường niên của CAI (Center for Archaeological Investigations) lần thứ 6 tại SIU (Southern Illinois University) Carbondale) năm 1989 và đã tổ chức một hội nghị luận chiến về triết học Quá trình / Hậu Quá trình. Năm 1990, ông đảm nhận vị trí Trợ lý Giáo sư tại Đại học Harvard, năm 1995 rời Harvard để nhận vị trí Phó giáo sư tại Đại học Pennsylvania, trở thành Giáo sư Nhân học Sally và Alvin V. Shoemaker năm 2009, giữ chức Chủ nhiệm Khoa (2009-2012) và Giám đốc phụ trách Bộ phận Nhân học và Khảo cổ học của Đại học Pennsylvania (2010-2012).

Ghi chú của người dịch

[1] Khái niệm “Các điểm Thông qua Bắt buộc” (Obligatory Passage Points - OPPs) được nhà xã hội học Michel Callon đề xướng là một đóng góp quan trọng cho Lý thuyết Mạng Tác nhân: (Callon, Michel 1986. Elements of a sociology of translation: Domestication of the Scallops and the Fishermen of St Brieuc Bay Các yếu tố của xã hội học dịch thuật: thuần hóa sò điệp và ngư dân Vịnh St Brieuc) ", trong John Law (Ed.), Power, Action and Belief: A New Sociology of Knowledge? London, Routledge: 196-233). Các điểm Thông qua Bắt buộc là một tính năng của các mạng tác nhân, thường được liên kết với giai đoạn ban đầu (vấn đề hóa) của quy trình chuyển dịch. Một điểm Thông qua Bắt buộc có thể được coi là đầu hẹp của một phễu, buộc các tác nhân phải hội tụ về một chủ đề, mục đích hoặc vấn đề nhất định. Do đó Các điểm Thông qua Bắt buộc trở thành một yếu tố cần thiết cho sự hình thành của một mạng và một chương trình hành động. Bằng cách đó Các điểm Thông qua Bắt buộc làm trung gian cho tất cả các tương tác giữa các tác nhân trong mạng và xác định chương trình hành động. Các điểm Thông qua Bắt buộc cho phép các mạng cục bộ thiết lập các không gian đàm phán cho phép họ có một mức độ tự chủ từ mạng toàn cầu của các tác nhân tham gia. Nếu một dự án không thể tự coi mình là Một điểm Thông qua Bắt buộc mạnh giữa các mạng toàn cầu và địa phương, thì nó không kiểm soát được các nguồn lực toàn cầu như hỗ trợ tài chính và chính trị, có thể bị lạm dụng hoặc phải rút lại. Ngoài ra, Một điểm Thông qua Bắt buộc yếu không thể lấy lòng tin thay cho những thành công đạt được trong mạng cục bộ, vì các tác nhân bên ngoài có thể vượt qua sự kiểm soát của nó và ảnh hưởng trực tiếp đến mạng cục bộ. Một chương trình hành động có thể bao gồm Một số điểm Thông qua Bắt buộc khác nhau. Một điểm Thông qua Bắt buộc cũng có thể được xác định lại khi giai đoạn vấn đề hóa được xem xét lại. Trong Kỹ thuật và Xã hội học trong một Dự án Máy bay quân sự của Callon và Law, việc quản lý dự án thiết kế máy bay phản lực chiến lược mới cho Quân đội Anh đã trở thành Điểm bắt buộc giữa đại diện chính phủ và các kỹ sư hàng không. Trong những năm gần đây, khái niệm về Điểm Thông qua Bắt buộc đã được vị trí chắc chắn trong các chuyên ngànhcác tạp chí về Bảo mật thông tin và Bảo mật hệ thống thông tin.

[2] Đối số: Trong toán học, đối số của một hàm là một giá trị phải để có được kết quả của hàm, còn được gọi là một biến độc lập. Ví dụ, hàm nhị phân f (x, y) = (x2 + y2) có hai đối số, x và y, trong một cặp có thứ tự (x, y). Hàm siêu bội là một ví dụ về hàm bốn đối số; số lượng đối số mà một hàm được gọi là số đối số (arity) của hàm. Một hàm lấy một đối số duy nhất làm đầu vào, chẳng hạn như hàm f (x) = x2 thì được gọi là hàm đơn phân (unary function); hàm có hai hoặc nhiều biến thì được coi là có một miền bao gồm các cặp theo thứ tự hoặc bộ dữ liệu của các giá trị đối số; đối số của hàm vòng là một góc; đối số của hàm giải tích hyperbol là góc hyperbol. Một hàm toán học có một hoặc nhiều đối số dưới dạng các biến độc lập, cũng có thể chứa các tham số; các biến độc lập được đề cập trong danh mục các đối số mà hàm có được, trong khi các tham số thì không [Ơn Giời, ngày xưa từ Khoa sử Mễ Trì mò lên Thượng Đình học trộm toán của thầy Vinh, thầy Quốc, và sau này khi đi làm ở Viện Khảo cổ có lê la học thêm thầy Hoàng Phương ở Hàng Chuối nên còn ghi chép và nhớ được tí tẹo]. 

[3] Rubicon (tiếng Latin: Rubicō, tiếng Ý: Rubiconlà một con sông cạn ở phía đông bắc nước Ý, ngay phía nam của Ravenna, là tên một con sông Julius Caesar đã vượt qua vào năm 49 trước Công nguyên. Mặc dù chưa được chứng minh, một số nhà sử học tin rằng hai con sông thực sự là một. Dòng sông hiện đại dài khoảng 80 kmtừ dãy núi Apennine đến Biển Adriatic ở phía nam của vùng Emilia Romagna, giữa các thị trấn Rimini và Cesena. Từ Latin Rubicō xuất phát từ tính từ rubeus, có nghĩa là màu đỏ”, con sông được đặt tên như vậy bởi vì nước của nó có màu đỏ của phù sa. Trong thời Cộng hòa La Mã, dòng sông Rubicon đã đánh dấu ranh giới giữa tỉnh Calupine Gaul của La Mã ở phía đông bắc và Ý, do Rome và các đồng minh ở phía nam trực tiếp kiểm soát. Vào năm 49 trước Công nguyên, Julius Caesar đã lãnh đạo một quân đoàn duy nhất, Legio XIII Gemina, ở phía nam qua Rubicon từ Calupine Gaul đến Ý để tiến về Rome. Khi làm như vậy, ông đã cố tình vi phạm luật về đế quốc và xung đột vũ trang là không thể tránh khỏi. Suetonius mô tả Caesar không phải là người quyết định, và gán cho hành động vượt sông do sự xuất hiện siêu nhiên. Cụm từ vượt qua sông Rubicon đã tồn tại để chỉ bất kỳ cá nhân hoặc nhóm nào tự cam kết bất khả thay đổi đối với một đường lối hành động mạo hiểm hoặc mang tính cách mạng, tương tự như cụm từ hiện đại vượt qua điểm không thể quay lại. Quyết định hành động nhanh chóng của Caesar đã buộc chấp chính quan Pompey, và đa phần Thượng viện La Mã phải chạy trốn khỏi Rome trong sợ hãi. Chiến thắng tiếp theo trong cuộc Nội chiến Caesar đảm bảo rằng hành động trừng phạt vi phạm cam kết không còn hiệu lực nữa.

[4] Hẻm Olduvai ở Tanzania là một trong những địa điểm cổ nhân học quan trọng nhất trên thế giới; nó đã được chứng minh là vô giá trong việc tiếp tục nhận thức về sự tiến hóa ban đầu của loài người. Một khe núi dốc đứng trong Thung lũng Great Rift cắt qua Đông Phi, dài khoảng 48 km và nằm ở phía đông đồng bằng Serengeti trong Khu Bảo tồn Ngorongoro ở Vùng Arusha, cách Laetoli khoảng 45 km một di chỉ khảo cổ quan trọng của con người sớm. Nhóm nghiên cứu – Khảo cổ - Cổ nhân học người Anh Kenya Mary và Louis Leakey đã xác lập và phát triển các chương trình khai quật và nghiên cứu tại Hẻm Olduvai, nơi thu được những hiểu biết mới về con người và có được vị thế nổi tiếng thế giới. Hẻm núi gọi theo tên của người Maasai, từ oldupai có nghĩa là “rừng dại sisal” vì cây hoang dại sisal Đông Phi (Sansevieria ehrenbergii) mọc rất nhiều trên khắp khu vực hẻm núi. Hai mươi lăm km về phía hạ lưu của Hồ Ndutu và Hồ Masek, hẻm núi cắt vào trầm tích đáy hồ Pleistocene lên đến độ sâu 90 m. Một bên hẻm núi, bắt nguồn từ Núi Lemagrut, nối với hẻm núi chính, bên này hẻm núi dọc theo bờ hồ nước thời tiền sử, có rất nhiều hóa thạch và các di chỉ sớm của con người.. Homo habilis, người khéo léo, có lẽ là loài người đầu tiên, chiếm cư Hẻm Olduvai khoảng 1,9 triệu năm trước; sau đó đến một australopithecine đương đại, Paranthropus boisei, 1,8 triệu năm trước; tiếp theo là Homo erectus, 1,2 triệu năm trước. Loài Homo sapiens của chúng ta, ước tính đã xuất hiện khoảng 300.000 năm trước, được xác định là đã chiếm địa điểm này 17.000 năm trước.

[5] Hiệu ứng gợn sóng (ripple effects): là một tình huống giống như những gợn sóng lan tỏa trên mặt nước được tạo ra khi có một vật thể rơi xuống, một hiệu ứng từ trạng thái ban đầu có thể được lan dần ra bên ngoài. Hiệu ứng gợn sóng là cách gọi thông tục của số nhân trong kinh tế vĩ mô. Ví dụ, hành vi giảm chi tiêu của người này sẽ làm giảm thu nhập của những người khác và khả năng chi tiêu của họ. Trong xã hội học, hiệu ứng gợn sóng có thể được quan sát trong tương tác xã hội có thể ảnh hưởng ra sao đến các tình huống không liên quan trực tiếp đến tương tác ban đầu, và trong các hoạt động từ thiện nơi thông tin có thể được phổ biến và truyền từ cộng đồng này sang cộng đồng khác để mở rộng tác động của nó. Khái niệm này đã được áp dụng trong khoa học máy tính trong lĩnh vực đo lường phần mềm như là một thước đo độ phức tạp.

Ghi chú của Tác giả

(1). Bài viết trình lên Khoa Nhân học, Đại học Harvard, ngày 10 tháng 10 năm 2012. Xin vui lòng không trích dẫn hoặc lưu hành mà không có sự cho phép của tác giả.
(2). Bruno Latour là Giáo sư và Phó Chủ tịch nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris (Science Po Paris) và liên kết với Trung tâm Xã hội học các Tổ chức (CSO). Michel Callon là Giáo sư Xã hội học tại Ecole des Mines de Paris và là thành viên của Trung tâm Xã hội học Đổi mới. John Law là Giáo sư xã hội học tại Đại học Mở và đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Văn hóa Xã hội (CRESC) và Giám đốc của Chủ đề Phương pháp Đời sống Xã hội trong CRESC.
(3). John Law một website về các tài nguyên Lý thuyết Mạng Tác nhân, xem, http://www.lancs.ac.uk/fass/centres/css/
(4). Bloor cũng nói rằng ANT của Latour là “ngu đần luận được nâng lên đến mức của một nguyên tắc phương pháp chung (Bloor 1999: 97).
(5). Bài viết của Harry Collins và Steven Yearley (1992) có tựa đề “Gà nhận thức luận” đã chạm đến một cuộc tranh luận được gọi là cuộc tranh luận về “Con gà (Pickering 1995: 10).
(6). Để biết một cách tiếp cận khác đối với chính trị vũ trụ, xem Stengers (2010, 2011).
(7). Để biết các mục đích sử dụng khảo cổ học khác, hoặc nhận xét về Lý thuyết-Mạng-Tác nhân, xem Dolwick (2009), Hicks (2004, 2005, 2007), Hicks và Beaudry (2010), Knappett (2008), Martin (2005), Watts (2007) và Whitridge (2005). Không phải tất cả các ví dụ này nhất thiết phải phù hợp với khảo cổ học đối xứng. Vẫn có rất ít phê bình về phương pháp mới này (nhưng nên xem Ingold 2008, Johnson 2010).
(8). Xem http://humanitieslab.stanford.edu; http://traumwerk.stanford.edu/archaeolog/
(9). Bjørnar Olsen là giáo sư khảo cổ học tại Đại học Tromsø.
(10). Tôi muốn nói rằng Webmoor và Whitmore (2008) đã phê phán lời kêu gọi của Lynn Meskell và của tôi (Meskell và Preucel 2004) về khảo cổ học xã hội.
(11). So sánh tuyên bố này với quan điểm của John Pickering, (1997: 46) cho rằng, từ những hiện vật sớm nhất đến công nghệ nano, đã có sự gia tăng tiến bộ về tầm quan trọng của đồ tạo tác đối với thực tiễn của con người, một điều kiện tích cực của con người đang bắt đầu được thảo luận như một dự án công nghệ. Pickering cho thấy có thể xem xét tác tố của sự vật mà không đi theo lộ trình ANT.
(12). Olsen (2010) tích cực chống lại việc cung cấp một ví dụ khảo cổ. Theo ông: Viết một cuốn sách về cái điều mà lý thuyết dễ dàng dẫn đến những kỳ vọng về một thứ gì đó có thể được sử dụng trực tiếp để thông tin về các câu hỏi khảo sát khảo cổ học về quá khứ và thậm chí kỳ vọng được cung cấp các chỉ dẫn để sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, trong cuốn sách này, các lý thuyết không được trình bày trong một nghiên cứu trường hợp”, lĩnh vực ứng dụng chia thành ngăn tạo thành một phép tu từ thống trị như vậy trong hầu hết các cuốn sách khảo cổ học và nhân học thuộc loại này. Do đó, những người tìm kiếm một phương pháp luận hoặc một chiến lược diễn giải rất có thể sẽ thất vọng (Olsen 2010: 17). Nếu không làm rõ như vậy, có vẻ khó thấy được cách tiếp cận này đạt được một lượng lớn người theo dõi.
(13). Công trình này dựa trên luận án của ông tại Đại học Stanford.
(14). Latour (1993: 116), trên thực tế đã phê phán nhân học vì phải bận tâm với các lãnh thổ và không thể giải quyết các mạng. Strathern (1996) đã đưa ra một phản bác có giá trị. Để biết việc tham gia gần đây hơn, xem Strathern (1999).

References

Baert, Patrick (2005a). Philosophy of the Social Sciences: Towards Pragmatism. Cambridge: Polity Press.
Baert, Patrick (2005b). Toward a Pragmatist-Inspired Philosophy of Social Science. Acta Sociologica  48 (3): 191-203.
Binford, Lewis (1983) In Pursuit of the Past: Decoding the Archaeological Record. Thames and Hudson, London.
Bloor, David (1999). Anti-Latour. In Studies in the History and Philosophy of Science 30(1):81-112. Callon, Michel (1986). Some elements of a sociology of translation: Domestication of the scallops and the fishermen of Saint Brieuc Bay. In Power, Action and Believ: A New Sociology of Knowledge, edited by J. Law, pp. 196-233. Routledge and Kegan Paul, London.
Callon, Michel and Bruno Latour (1981). Unscrewing the Big Leviathan: how actors macrostructure reality and how sociologists help them to do so. In Advances in Social Theory and  Methodology: Toward an Integration of Micro and Macro-Sociologies, edited by K. Knorr Cetina and A. Cicourel, pp. x-x. Routledge and Kegan Paul, London,
Callon, Michel and Bruno Latour (1991). Collins, Harry and Steven Yearley 1992 Epistemological Chicken. In Science as Practice and Culture, edited by Andrew Pickering, pp. 301-326. University of Chicago Press, Chicago.
Dolwick, Jim S (2009). ‘The social’ and beyond: introducing Actor Network Theory. Journal of  Maritime Archaeology 4(1):21-49.
Egginton, William and Mike Sandbothe (editors) (2004). The Pragmatic Turn in Philosophy: Contemporary Engagements between Analytic and Continental Thought.  SUNY Press, Albany. Habermas, Jürgen (1972). Knowledge and Human Interests. Beacon Press, Boston.
Hicks, Dan (2004) Historical archaeology and the British. Cambridge Archaeological Journal 14(1)101-106.
Hicks, Dan (2005). ‘Places for thinking’ from Annapolis to Bristol: situations and symmetries in ‘world historical archaeologies’, World Archaeology 37(3):373-391.
Hicks, Dan (2007). From material culture to material life. In Overcoming the Modern Invention of Material Culture. V. Oliveira Jorge and J. Thomas, eds., pp. 245-255. Porto: ADECAP
Hicks, Dan and Mary C. Beaudry (2010). Introduction. Material culture studies: a reactionary view. In The Oxford Handbook of Material Culture Studies. D. Hicks and M. C. Beaudry, eds., pp. 1-21. Oxford: Oxford University Press.
Hodder, Ian (1983). The Present Past: An Introduction to Anthropology for Archaeologists. Pica Press, London.
Hodder, Ian (2012). Entangled: An Archaeology of the Relationships between Humans and Things. Wylie-Blackwell, New York.
Ingold, Tim (2008). When ANT meets SPIDER: social theory for arthropods. In Material Agency: Towards a Non-Anthropocentric Approach, C. Knappett and L. Malafouris, eds., pp. 209-215. New York: Springer.
Johnsen, Harald and Bjørnar Olsen (1992). Hermeneutics and archaeology: on the philosophy of contextual archaeology. American Antiquity 57(3):419-436.  
Johnson, Matthew (2010). Archaeological Theory: An Introduction. Wylie-Blackwell, New York. Knappett, Carl (2008). The neglected networks of material agency: artifacts, pictures, and texts. In  Material Agency: Towards a Non-Anthropocentric Approach, C. Knappett and L. Malafouris, eds., pp. 139-156. New York: Springer.
Latour, Bruno (1988). The Pasteurization of France. Harvard University Press, Cambridge.
Latour, Bruno (1993). We Have Never Been Modern. London: Harvester.
Latour, Bruno (1999a). On Recalling ANT. In Actor Network Theory and After edited by J. Law and J. Hassard, pp. 15-25. Oxford: Blackwell.
Latour, Bruno (1999b). For David Bloor . . . and Beyond: A Reply to David Bloor's Anti-Latour. Studies in the History and Philosophy of Science 30(1):81-112.
Latour, Bruno (2005). Reassembling the Social: An Introduction to Actor-Network-Theory. Oxford; New York: Oxford University Press.
Law, John (1986). On the Methods of Long Distance Control: Vessels, Navigation and the Portuguese Route to India. In Power, Action and Belief: A New Sociology of Knowledge? edited by J. Law, pp x-x. Routledge and Kegan Paul, London.
Law, John and John Hassard (eds.) (1999). Actor Network Theory and After. Oxford: Blackwell.
Martin, Andrew (2005). Agents in inter-action: Bruno Latour and Agency.  Journal of Archaeological Method and Theory 12(4):283-311.
Meskell, Lynn and Robert W. Preucel, eds. (2004). A Companion to Social Archaeology. Oxford: Blackwell.
Olsen, Bjørnar (1990). Roland Barthes: from sign to text. In Reading Material Culture, C. Tilley, ed., pp.163-205. Oxford: Basil Blackwell
Olson, Bjornar (1991). Metropolises and satellites in archaeology: on power and asymmetry in global archaeological discourse. In Processual and Postprocessual Archaeologies: Multiple Ways of Knowing the Past, R. W. Preucel, ed., pp. 211-224. Carbondale: Center for Archaeological Investigations, Occasional Paper No. 10.
Olson, Bjornar (2003). Material culture after text: re-membering things. Norwegian Archaeological Review  36(2): 87-104.
Olson, Bjornar (2007). Keeping things at arm’s length: a genealogy of asymmetry. World Archaeology 39(4):579-588.
Olson, Bjornar (2010). In Defense of Things: Archaeology and the Ontology of Objects. Walnut Creek: AltaMira Press.
Pickering, Andrew (1995). The Mangle of Practice: Time, Agency and Science. University of Chicago Press, Chicago.
Pickering, John (1997). Agents and artifacts. Social Analysis 41(1):46-63.
Preucel, Robert W. (2006). Archaeological Semiotics. Oxford: Blackwell.
Preucel, Robert W. and Stephen Mrozowski, eds (2010). Contemporary Archaeology in Theory: The New Pragmatism. New York: Wiley-Blackwell.
Rorty, Richard (1982). Consequences of Pragmatism: Essays, 1972-1980. Minneapolis: University of Minnesota Press.
Shanks, Michael (2007). Symmetrical archaeology. World Archaeology 39(4):589-596.
Shanks, Michael and Christopher Tilley (1987). Re-Constructing Archaeology. Cambridge: Cambridge University Press.
Stengers, Isabelle (editor) (2010). Cosmopolitics I. University of Minnesota Press, Minneapolis. Stengers, Isabelle (editor) (2011). Cosmopolitics II. University of Minnesota Press, Minneapolis. Strathern, Marilyn (1996). Cutting the network. Journal of the Royal Anthropological Institute 2:517-535.
Strathern, Marilyn (1999). What is intellectual property after? In Actor Network Theory and After. J. Law and J. Hassard, eds., pp. 156-180. Oxford: Blackwell.
Watts, Christopher (2007). From purification to mediation: overcoming artifactual ‘otherness’ with and in Actor-Network Theory. Journal of Iberian Archaeology 9/10:39-54.
Webmoor, Timothy (2005). Mediational techniques and conceptual frameworks in archaeology: a model in mapwork at Teotihuacan, Mexico. Journal of Social Archaeology 5(1):54-86.
Webmoor, Timothy (2007). What about ‘one more turn after the social’ in archaeological reasoning? Taking things seriously. World Archaeology 39(4):563-578.
Webmoor, Timothy and Christopher L. Witmore (2008). Things are us! A commentary on human/things relations under the  banner of a ‘social’ archaeology. Norwegian Archaeological Review 41(1): 53-70.
Whitmore, Christopher L. (2006). Vision, media, noise and the percolation of time: symmetrical approaches to the mediation of the material world. Journal of Material Culture 11(3) 267-292. Whitmore, Christopher L. (2007). Symmetrical archaeology: excerpts of a manifesto. World Archaeology 39(4):546-552.
Whitridge, Peter (2005). Whales, harpoons, and other actors: Actor-Network-Theory and hunter-gatherer archaeology. In Hunters and Gatherers in Theory and Archaeology, Center for Archaeological Investigations, Occasional Paper No. 31., pp. 445-47. Carbondale.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét