Powered By Blogger

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

Luận về Sự vật – Kant và Nguyên lý Siêu việt (I)


Martin Heidegger

Người dịch: Hà Hữu Nga

I. Những cách đặt vấn đề khác nhau về sự vật

1. Cách đặt vấn đề của Triết học và Khoa học

Trong bài giảng này chúng ta đưa ra một câu hỏi về những vấn đề cơ bản của siêu hình học. Cái câu hỏi: “Sự vật là gì?” đã rất cũ kỹ. Sự vật chỉ trở nên mới khi nó phải được hỏi đi hỏi lại.

Về câu hỏi: “Sự vật là gì?” này có thể lập tức bắt đầu một câu chuyện dài trước khi chúng ta thật sự đặt vấn đề về nó. Về một khía cạnh nào đó thì điều này là hợp lý; vì triết học luôn ở một vị trí bất lợi mỗi khi phải bắt đầu. Điều này không đúng với các ngành khoa học; luôn luôn có một chuyển đổi trực tiếp và lối đi cho khoa học khi bắt đầu với những tưởng tượng, niềm tin và suy nghĩ thường ngày. Nếu bạn lấy trí tưởng tượng hàng ngày làm tiêu chuẩn duy nhất của tất cả mọi thứ, thì triết học luôn là thứ gì đó điên rồ. Sự thay đổi điên rồ trong suy nghĩ này chỉ có thể được hiểu bằng một cú giật. Mặt khác, các bài giảng khoa học có thể bắt đầu bằng việc trình bày chủ đề của họ. Bình diện lựa chọn việc đặt vấn đề sẽ không còn nữa, ngay cả khi các vấn đề trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

Ngược lại triết học, thực hiện một sự thay đổi liên tục về quan điểm và cấp độ. Do đó, người ta không biết cách nào để quay về phía nó. Tuy nhiên, để điều không thể tránh khỏi và vướng mắc thường có lợi này không vượt quá giới hạn, thì cần phải có một suy ngẫm sơ bộ về những gì nên được hỏi. Mặt khác, có nguy cơ người ta nói dông dài về triết học mà không xem xét ý nghĩa của nó. Chúng ta sẽ sử dụng giờ đầu tiên, và chỉ có thế, để xem xét về ý định của chúng ta.

Khi câu hỏi “Sự vật là gì?” được đưa ra thì lập tức xuất hiện một mối ngờ vực. Người ta có thể nói rằng thật hợp lý khi sử dụng và tận hưởng những thứ trong tầm tay của chúng ta, loại bỏ những thứ không ưa, chuẩn bị những thứ cần thiết, nhưng người ta thực sự không thể làm gì với câu hỏi “Sự vật là gì?”. Sự thật là như vậy. Bạn chẳng thể làm gì với nó. Sẽ là một sự hiểu lầm lớn về chính câu hỏi nếu chúng ta cố gắng chứng tỏ rằng người ta có thể làm gì được với nó. Không ai có thể làm được bất cứ điều gì với nó. Phán đoán này về câu hỏi của chúng ta đúng đến nỗi chúng ta thậm chí phải hiểu nó như là một quyết định về bản chất mà nó phải có. Câu hỏi “Sự vật là gì?”loại câu hỏi bạn chẳng thể làm được bất cứ điều gì; thực sự không cần phải nói thêm gì về nó nữa.

Vì câu hỏi rất cũ, cũ đến mức có ngay từ khởi đầu Triết học phương Tây của những người Hy Lạp  vào thế kỷ thứ 7 TCN, vì vậy nên đặt câu hỏi này theo quan điểm lịch sử của nó. Liên quan đến câu hỏi này lưu truyền một câu chuyện nhỏ đã được Plato ghi lại trong Theaetetus (174 a.f.) của ông như sau: “Ωσπερ κα Θαλν στρονομοντα, Θεόδωρε, και νω βλέποντα, πεσόντα ες φρέαρ. Θρττ τις μμελς κα χαρίεσσα θεραπαινς ποσκψαι λέγεται ς τ μν ν οραν προθυμοτο εδέναι, τ δ'μπροσθεν ατο κα παρ πόδας λανθάνοι ατόν.” “Câu chuyện kể rằng Thales [1] đang chăm chú dõi mắt chiêm ngắm bầu trời thì bị rơi xuống giếng. Cô hầu gái xinh xắn đỏng đảnh người xứ Thrace bỗng phá ra cười và chọc ông rằng tội gì phải háo hức muốn biết tất cả mọi thứ trong vũ trụ, để chẳng hề thấy có thứ ngay trước mũi mình. Plato chêm thêm: Τατν δ ρκε σκμμα π πάντας σοι ν φιλοσοφία διάγουσι. “Tai vạ ấy đâu đã đủ cho những kẻ len chân vào các song đề triết học. Do đó, câu hỏi “Sự vật là gì?” phải luôn được coi là một trong những câu hỏi làm cho lũ hầu gái cũng phải cười. Vả chăng lũ hầu gái chính hiệu đó cũng phải có một thứ gì đó để cười.

Bằng việc cố gắng xác định câu hỏi về sự vật chúng ta đã vô tình đi đến một gợi ý về đặc điểm triết học dẫn đến câu hỏi đó. Vậy ra triết học tư duy bằng thứ mà người ta không thể biết bắt đầu từ đâu,tư duy về thứ khiến lũ hầu gái cũng nhất thiết phải bật cười. Một định nghĩa về triết học như vậy không chỉ là một trò đùa mà còn là một điều đáng suy ngẫm. Thỉnh thoảng cũng chớ nên quên rằng, chúng ta có thể rơi xuống cái giếng ngay trước cửa nhà mình bởi vì đôi khi chúng ta có thể quên đi mảnh đất dưới chân mình.

Vẫn còn câu hỏi là tại sao chúng ta nói về những câu hỏi cơ bản của siêu hình học. Thuật ngữ siêu hình học ở đây chỉ có nghĩa là các câu hỏi liên quan đến vấn đề cốt lõitrung tâm của triết học. Tuy nhiên, bằng siêu hình học, chúng tôi không có ý nói đến một lĩnh vực hay một nhánh đặc biệt trong triết học trái ngược với logic và đạo đức học. Không có lĩnh vực nào trong triết học vì bản thân triết học không phải là một lĩnh vực. Một cái gì đó giống như một sự phân công lao động là vô nghĩa trong triết học; kiến thức kinh viện ở một mức độ nhất định là tuyệt đối cần thiết đối với nó nhưng không bao giờ là bản chất của nó. Do đó, chúng tôi muốn giữ cho thuật ngữ siêu hình thoát khỏi tất cả những gì gắn chặt với nó về phương diện lịch sử. Đối với chúng tôi, nó chỉ biểu thị cái quy trình trong đó người ta thoát được hiểm họa rơi xuống giếng. Giờ đây, sau khi được chuẩn bị khái quát, chúng ta có thể phân định chặt chẽ hơn câu hỏi “Sự vật là gì?”

2. Lối nói Mơ hồ về Sự vật

Trước hết, cái mà chúng ta đang nghĩ đến khi chúng ta nói về một vật” là cái mà chúng ta muốn nói đến một mảnh gỗ, một hòn đá, một con dao, một chiếc đồng hồ, một quả bóng, một cái búa, một cái đinh vít hoặc một sợi dây. Nhưng còn là một tòa nhà lớn, một kho hàng, hoặc một cây vân sam cổ thụ đều được quy về “những vật to lớn”. Vào mùa hè, chúng ta nói về nhiều thứ trên cánh đồng: cỏ, thảo dược, bướm và bọ cánh cứng. Thứ ở trên tường - bức tranh - chúng ta cũng gọi nó là một vật, và nhà điêu khắc có nhiều vật phẩm khác nhau đã hoàn thành và chưa hoàn thành trong xưởng của mình.

Ngược lại, chúng t
a ngần ngại gọi số năm là một vật, bởi vì người ta không thể chạm vào được con số đó - người ta không thể nghe hoặc nhìn thấy nó. Theo cách tương tự, một câu Thời tiết hôm nay thì xấu không hề là một vật so với một từ duy nhất “nhà”. Chúng ta phân biệt chính xác cái vật “nhà và từ ấy là tên gọi vật đó. Ngoài ra, một thái độ hoặc thiên hướng mà chúng ta duy trì hoặc bỏ đi trong một số trường hợp thì không được coi là một vật.

Tuy nhiên, nếu bị đâm sau lưng trong công việt, thì ta nói “Có những sự việc kỳ lạ đang diễn ra. Ở đây chúng ta không đề cập đến các mảnh gỗ, đồ dùng, hoặc các hạng mục tương tự. Khi đưa ra quyết định, thì làm cho “tất cả mọi thứ ở trên” phụ thuộc vào sự cân nhắc thế này hoặc thế kia, những vật khác bị bỏ qua không phải là đá hay các hạng mục tương tự mà là những cân nhắc và quyết định khác. Ngoài ra, khi chúng ta nói “mọi thứ đều không ổn”, thì ngay lập tức, sự vật được sử dụng theo nghĩa rộng hơn nhiều so với lúc bắt đầu kiểm kê hạng mục. Giờ đây sự vật “Ding” (Ding trong tiếng Đức là vật, sự vật) mang cái nghĩa mà từ tiếng Đức của chúng ta đã có ngay từ thuở ban đầu là “thing” (Thing trong tiếng Đức là hội nghị toàn dân, tòa án), cụ thể là một phiên tòa, một cuộc thương thảo, hoặc một sự vụ nào đó; tương tự như vậy, nếu ta làm cho mọi vật đều ổn thỏa thì có cách ngôn: “Vật tốt phải tốn thời gian”. [Nguyên văn câu trên được Heidegger viết như sau: »Ding« meint dasselbe wie »thing«: Gerichtsverhandlung, überhaupt Verhandlung, Angelegenheit; so, wenn wir irgendwo die Dinge ins reine bringen, so, wenn das Sprichwort meint: »Gut Ding will Weile haben.«] Toàn bộ sự vật, bao gồm cả những gì không phải là gỗ và đá, còn thì mọi nhiệm vụ và sự nghiệp đều cần có thời gian. Và đối với một người mà “mọi thứ đều tốt đẹp” thì sự vụ, mong muốn và công việc đều vận hành tốt đẹp.

Giờ đây rõ ràng chúng ta hiểu thuật ngữ “sự vật” theo cả hai nghĩa hẹp hơn và rộng hơn. Ý nghĩa hẹp hơn hoặc hạn chế của “sự vật” là những gì có thể chạm vào, với tới, hoặc nhìn thấy, tức là những gì hiện có (das Vorhandene). Theo nghĩa rộng hơn của thuật ngữ này, thì “sự vật” là mọi sự vụ hay giao dịch, một thứ gì đó trong tình trạng này hoặc điều kiện nọ, những sự vụ diễn ra trong thế giới – các vụ việc, sự kiện. Cuối cùng, vẫn còn một cách sử dụng từ này theo nghĩa rộng nhất có thể; việc sử dụng này đã được giới thiệu trong triết học của thế kỷ thứ mười tám và đã được chuẩn bị từ lâu. Liên quan đến vấn đề này, Kant nói về “vật-tự-thân” (Dinh an sich) để phân biệt với “vật-đối-với-ta” (Ding für uns), có nghĩa là một “hiện tượng”. Vật-tự-thân là thứ không thể tiếp cận thông qua kinh nghiệm như đá, thực vật và động vật. Mỗi vật-đối-với-ta là một vật và cũng là một vật-tự-thân, có nghĩa là nó được công nhận tuyệt đối trong tri thức tuyệt đối của Chúa. Nhưng không phải vật-tự-thân nào cũng là một vật-đối-với-ta: Chúa chẳng hạn, là một vật-tự-thân, như Kant sử dụng từ này, theo nghĩa thần học Kitô giáo. Bất cứ khi nào Kant gọi Chúa là một vật, thì ý ông không phải là một thành hệ giống khí gas khổng lồ hoạt động ở đâu đó trong một chiều sâu ẩn giấu. Theo cách sử dụng nghiêm ngặt, thì “vật” ở đây có nghĩa là chỉ một thứ gì đó mà thôi, miễn là không phải không có gì. Chúng ta có thể nghĩ điều gì đó bằng cả thuật ngữ và khái niệm về “Chúa”, nhưng chúng ta không thể trải nghiệm Chúa như chúng ta trải nghiệm mẩu phấn này, về việc này chúng ta có thể khẳng định và chứng minh những phán đoán như: Nếu tôi thả mẩu phấn này ra, thì nó sẽ rơi với một vận tốc nhất định.

Thiên Chúa là một vật trong chừng mực Ngài là một điều gì đó, một X. Tương tự như vậy, con số là một sự vật, đức tin và lòng trung thành là những sự vật. Theo cách tương tự, các dấu hiệu > < là một thứ gì đó, tương tự kể cả “và” cùng “cũng/ hoặc”.

Nếu chúng ta một lần nữa đặt vấn đề “Sự vật là gì? thì chúng ta phải thừa nhận rằng vấn đề này không vận hành tốt, bởi vì những gì nên được đặt vào câu hỏi, đó là, “sự vật” thì ý nghĩa lại mơ hồ. Những gì cần được đưa vào câu hỏi phải được xác định đầy đủ để trở thành nghi vấn theo đúng cách. Con chó đâu rồi? “Con c không thể tìm kiếm nếu tôi không biết đó có phải là chó của tôi hay của hàng xóm. “Sự vật là gì? thì sự vật được giới hạn theo nghĩa nào, nghĩa rộng hay nghĩa rộng nhất? Chúng ta phải phân biệt ba ý nghĩa khác nhau ngay cả khi phương tiện phân biệt vẫn không chắc chắn: 1). Sự vật theo nghĩa hiện diện: một hòn đá, một mẩu gỗ, một cái kìm, một chiếc đồng hồ, một quả táo và một lát bánh mì. Tất cả những vật vô tri và tất cả những vật sng động như hoa hồng, cây bụi, cây sồi, cây vân sam, con thằn lằn và ong bắp cày…; 2). Sự vật theo nghĩa là bất cứ thứ gì được đặt tên kể cả những thứ như kế hoạch, quyết định, phản ánh, lòng trung thành, hành động, những sự vật lịch sử; 3). Tất cả những thứ này và bất cứ thứ gì khác là một thứ gì đó mà không phải là không có gì.

Trong phạm vi ranh giới nào, chúng ta xác định ý nghĩa của thuật ngữ “sự vật” thì điều đó vẫn còn là võ đoán. Về phương diện này, phạm vi và định hướng câu hỏi của chúng ta sẽ thay đổi.

Việc hiểu thuật ngữ “vật” theo nghĩa thứ nhất (hẹp hơn) thì gần với việc sử dụng  ngôn ngữ ngày nay hơn. Trong trường hợp đó mỗi vật này (đá, hoa hồng, táo, đồng hồ) cũng là một thứ gì đó, nhưng không phải bất cứ thứ (số năm, tài sản, dũng cảm) cũng là một vật.

Khi hỏi “Một vật là gì? chúng ta sẽ tuân thủ nghĩa đầu tiên; không chỉ bởi vì chúng ta muốn gần gũi với việc sử dụng ngôn ngữ mà còn bởi vì câu hỏi liên quan đến sự vật, ngay cả khi nó được hiểu theo nghĩa rộng hơn và rộng nhất, thì chủ yếu vẫn nhắm vào lĩnh vực hẹp hơn này và bắt đầu từ đó. Khi chúng ta hỏi “Một vật là gì? giờ đây chúng ta muốn nói đến những thứ xung quanh mình. Chúng ta xem xét những gì là trực tiếp nhất, có khả năng nhất để nắm được bằng tay. Cách quan sát như vậy đã bộc lộ rõ là chúng ta đã học được điều gì đó từ tiếng cười của cô hầu gái. Cô ấy nghĩ rằng trước tiên chúng ta nên nhìn xung quanh mình một cách kỹ lưỡng.

3.
Loại câu hỏi về Vật tính Phương pháp Khoa học & Kỹ thuật

Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu xác định vấn đề này, chúng ta gặp phải một sự bối rối. Tất cả những vấn đề này đã thực sự được giải quyết từ lâu, và, nếu không, thì vẫn có những quy trình khoa học và phương pháp thể hiện đã được chứng minh chúng có thể được giải quyết bằng cách đó. Những gì một hòn đá được khoáng vật học và hóa học thể hiện rõ ràng nhất và nhanh nhất; những gì mà một bông hồng hay một bụi cây được thực vật học mách bảo một cách đáng tin cậy; những gì một con ếch hoặc một chú chim ưng được động vật học bộc lộ; cũng vậy, những gì một chiếc giày, hoặc một cái móng ngựa, chiếc đồng hồ, người thợ đóng giày, thợ rèn và thợ đồng hồ, đem đến những thông tin kỹ thuật không thể chối cãi.

Hóa ra là chúng ta luôn quá chậm với câu hỏi của mình và chúng ta lập tức quy chiếu vào các lĩnh vực đã có sẵn câu trả lời hoặc, ít nhất các kinh nghiệm và phương pháp tốt hơn để nhanh chóng đưa ra được câu trả lời. Điều này chỉ xác nhận những gì chúng ta đã thừa nhận, cụ thể là, chúng ta không thể bắt đầu làm được bất cứ điều gì với câu hỏi “Sự vật là gì? Nhưng vì chúng ta dự định làm rõ câu hỏi này, đặc biệt là liên quan đến những sự vật trực tiếp, nên sẽ cần phải làm rõ. Những gì khác chúng ta muốn biết  thì đều trái ngược với khoa học.

Với câu hỏi “Sự vật là gì? rõ ràng mục đích của chúng ta không phải là khám phá đá granit, đá cuội, đá vôi hoặc sa thạch là gì mà là đá là gì với tư cách là một vật. Chúng ta không quan tâm bất cứ lúc nào cũng phân biệt được rêu, dương xỉ, cỏ, cây bụi và cây gỗ, nhưng lại quan tâm đến việc phân biệt thực vật là gì với tư cách là một sự vật, và cũng tương tự như vậy đối với động vật. Chúng ta không quan tâm để biết kìm là gì so với búa, đồng hồ là gì so với chìa khóa; nhưng chúng ta muốn biết những dụng cụ và công cụ này là gì với tư cách là những sự vật. Điều này có nghĩa là gì, tất nhiên, cần phải được làm rõ thêm. Nhưng nếu đã một lần thừa nhận rằng chúng ta có thể đặt câu hỏi theo cách này, thì rõ ràng vẫn còn một nhu cầu: cụ thể là chúng ta bám sát thực tế và những quan sát chính xác về chúng để khám phá sự vật . Những thứ không thể được tính toán ở bàn làm việc hoặc được quy định bằng cách nói chuyện chung chung. Nó chỉ có thể được xác định trong các hội thảo và trong các phòng thí nghiệm nghiên cứu. Và nếu chúng ta không giới hạn bản thân về điều này thì chúng ta sẽ dễ trở thành trò cười cho các cô hầu gái. Chúng ta tìm hiểu về sự vật, nhưng chúng ta cũng lại bỏ qua tất cả những món quà tặng và các cơ hội, theo ý kiến ​​chung, cung cấp cho chúng ta thông tin đầy đủ về tất cả những sự vật này.

Nó thực sự như thế này đây. Với câu hỏi “Sự vật là gì? chúng ta không chỉ bỏ qua các loại đá gốc và đá cụ thể, thực vật cụ thể và các loài của chúng, động vật và các loài của chúng, các dụng cụ và công cụ, chúng ta còn bỏ qua toàn bộ các cõi vô tri, các cõi sống động cũng như các công cụ, và chỉ mong muốn biết “Sự vật là gì?”. Khi khảo sát theo cách này, chúng ta tìm kiếm những gì làm cho sự vật trở thành một vật chứ không phải những gì làm cho nó trở thành một hòn đá hoặc mẩu gỗ; cái gì quy định sự vật. Chúng ta không hỏi về một sự vật của một loài nào đó, mà là về vật tính của một sự vật. Đối với điều kiện là một vật, cái quy định sự vật là một vật, không thể một lần nữa tự trở thành một vật, tức là, một cái gì đó bị quy định. Vật tính phải là một cái gì đó không bị quy định. Với câu hỏi “Sự vật là gì? chúng ta đang muốn một cái gì đó không bị quy định. Chúng ta hỏi về những gì xung quanh chúng ta và có thể nắm lấy bằng bàn tay, nhưng chúng ta lại tự xa lánh khỏi những sự vật trực tiếp đó còn nhiều hơn so với Thales chỉ có thể chiêm nghiệm những ngôi sao từ rất xa. Nhưng chúng ta lại muốn vượt qua cả những sự vật này để đến với sự vật không bị quy định, nơi không còn sự vật đem lại cơ sở và căn cứ.

Nhưng tuy nhiên, chúng ta chỉ đặt ra câu hỏi này để biết tảng đá là gì và một con thằn lằn đang phơi nắng trên tảng đá là gì, một ngọn cỏ mọc bên cạnh nó là gì, và có lẽ cả một con dao chúng ta cầm trong tay khi nằm trong bãi cỏ là gì. Chúng ta chỉ muốn biết điều gì đó mà nhà khoáng vật học, nhà thực vật học, nhà động vật học và nhà luyện kim có lẽ không hề muốn biết, một điều mà họ nghĩ rằng họ chỉ muốn biết khi thực sự muốn biết một thứ khác: thúc đẩy tiến bộ của khoa học, hoặc để thỏa mãn niềm vui khám phá, hoặc thể hiện cách sử dụng kỹ thuật đối với sự vật, hoặc để kiếm sống. Tuy nhiên, chúng ta khát khao muốn biết những gì những con người này không chỉ không muốn biết mà có lẽ cả những gì mà họ không bao giờ có thể biết mặc dù có kỹ năng khoa học và kỹ thuật. Điều này nghe có vẻ tự phụ. Nó không chỉ vẻ như vậy, như vậy. Đương nhiên, đây không phải là tính tự phụ của một người, hơn cả bất kỳ sự nghi ngờ nào của chúng ta về mong muốn và khả năng của các ngành khoa học được hướng đến chống lại thái độ và khuynh hướng của những con người cụ thể hoặc thậm chí chống lại tính hữu dụng và sự cần thiết của khoa học.

Nhu cầu về kiến ​​thức trong câu hỏi của chúng t
a là một loại giả định thấy trong mọi quyết định thiết yếu. Mặc dù chúng ta đã quen thuộc với quyết định này, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta đã trải qua nó. Đó là loại quyết định xem liệu chúng ta muốn biết những điều mà người ta không thể làm gì được với nó - theo nghĩa của cách nói này. Nếu chúng ta từ bỏ kiến ​​thức này và không hỏi câu hỏi này, thì tất cả vẫn như cũ. Chúng ta sẽ vượt qua các kỳ thi của mình, có lẽ thậm chí còn tốt hơn, mà không hỏi câu hỏi này. Ngay cả khi đặt câu hỏi này, thì chúng ta cũng sẽ không qua một đêm trở thành nhà thực vật học, nhà động vật học, nhà sử học, nhà luật học hoặc bác sĩ giỏi hơn. Nhưng có lẽ tốt hơn hoặc nói một cách thận trọng hơn – chắc chắn là các giáo viên khác, các bác sĩ và thẩm phán khác, mặc dù thế chúng ta vẫn không thể làm được bất cứ điều gì với câu hỏi này trong ngành nghề của mình.

Với câu hỏi của
mình, chúng ta vừa không muốn thay thế các ngành khoa học lại vừa không muốn cải cách (bằng lời nói) chúng. Mặt khác, chúng ta muốn tham gia vào việc chuẩn bị một quyết định; quyết định đó là: Khoa học có phải là thước đo kiến ​​thức, hay liệu tồn tại một loại kiến ​​thức nền tảng và giới hạn của khoa học và do đó hiệu quả thực sự của nó được xác định bằng chính kiến thức đó? Loại kiến ​​thức chân chính này cần thiết cho một dân tộc về mặt lịch sử, hay nó có thể không cần thiết hoặc có thể thay thế bởi một thứ khác?

Tuy nhiên, các quyết định không được thực hiện bằng cách chỉ nói về chúng mà bằng cách tạo ra các tình huống và đảm nhận các vị trí trong đó quyết định ấy là không thể tránh khỏi, trong đó nó trở thành quyết định thiết yếu nhất khi người ta không đưa ra mà lại còn né tránh nó.

Sự độc đáo của các quyết định như vậy vẫn là ở chỗ chúng chỉ được chuẩn bị bằng các câu hỏi mà người ta không thể bắt đầu làm bất cứ điều gì trong chừng mực ý kiến ​​phổ thông và chân trời cho những cô hầu gái quan tâm. Hơn nữa, cách đặt vấn đề này luôn giống như một kỳ vọng để biết rõ hơn các ngành khoa học. T tốt hơn luôn luôn có nghĩa là một sự khác biệt về mức độ trong một, trong cùng lĩnh vực. Tuy nhiên, với câu hỏi của mình, chúng ta đứng ngoài khoa học, và thứ kiến ​​thức mà câu hỏi của chúng ta phấn đấu có được thì lại vừa không tốt hơn cũng không tệ hơn mà hoàn toàn khác biệt. Khác với khoa học nhưng cũng khác với những gì người ta gọi là Weltan schauung - Thế giới quan.

4. Kinh nghiệm và Câu hỏi Liên quan đến Chân lý

Câu hỏi
“Sự vật là gì? dường như bây giờ đã trở nên ổn hơn. Ít nhất nó cũng được xác định một cách đại khái: 1) được đặt vào câu hỏi và; 2) Sau đó cái mà chúng ta hỏi liên quan đến cái được đặt vào câu hỏi. Được đặt vào câu hỏi là “vật” theo nghĩa hẹp hơn, nghĩa là chúng ta nói cái hiện (Vorhanden). Do đó, cái mà sự vật được hỏi và được cật vấn, vì nó đã là, thì là vật tính (Dingheit), cái quyết định một vật đúng nghĩa là một vật [Nguyên văn câu trên được Heidegger viết như sau: Das, wonach das Ding gleichsam befragt und abgefragt wird, ist die Dingheit, das, was ein Ding als solches zu einem Ding bestimmt.].

Tuy nhiên, khi bắt đầu xác quyết về vật tính này của một vật, thì ngay lập tức chúng ta lại trở nên bất lực trước câu hỏi được sắp xếp ổn thỏa của mình. Chúng ta nên nắm bắt sự vật đó ở đâu? Và bên cạnh đó: không nơi nào chúng ta tìm thấy “sự vật”, mà chỉ có những vật cụ thể, những vật này và những vật nọ. Cái gì làm nên tình trạng như vậy? Có phải đúng chúng ta, bởi vì, trước hết và trên hết, chúng ta chỉ xoáy vào cái cụ thể và sau đó chỉ sau khi, có vẻ như vậy, trích xuất và nhổ bật (trừu tượng) cái chung, trong trường hợp này là vật tính, từ cái cụ thể? Hay thực tế là chúng ta luôn chỉ gặp những vật cá biệt cố hữu trong bản thân sự vật? Và nếu đó là trong sự vật, thì có phải đó chỉ là điều gì đó cơ bản hoặc tính thất thường ngẫu nhiên của chúng đáp ứng với chúng ta theo cách này, hay chúng đáp ứng chúng ta với tư cách là những cái cá biệt vì chúng ở trong bản thân cái cá biệt, như những sự vật mà chúng là?

Trong bất cứ trường hợp nào, thì đây cũng chính là nơi kinh nghiệm hàng ngày quan điểm của chúng ta về sự vật được hướng vào. Nhưng trước khi chúng ta tiếp tục tuyến đặt vấn đề này, thì cần phải kết hợp kiểm tra can thiệp vào kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta. Lúc đầu không có và tiếp theo cũng không có bất cứ lý do chính đáng nào để nghi ngờ những trải nghiệm hàng ngày của chúng ta. Tất nhiên, không hề đơn giản để khẳng định rằng những trải nghiệm hàng ngày cho thấy về sự vật là đúng, bất kỳ điều gì cũng đủ để duy trì theo cách có vẻ quyết định và thận trọng hơn: trên hết, với tư cách là con người cá nhân, chúng ta là các chủ thể và bản ngã cá nhân, và những gì chúng ta thể hiện muốn nói chỉ là những hình ảnh chủ quan mà chúng ta trong bản thân mình; chúng ta không bao giờ với tới được bản thân sự vật. Đến lượt mình, quan điểm này sẽ không bị đánh bại, trong trường hợp không đúng, bằng cách nói về chúng ta”, thay vì tôi, và bằng cách tính đến cộng đồng chứ không phải cá nhân. Luôn luôn tồn tại cái khả tính chúng ta chỉ trao đổi hình ảnh chủ quan của sự vật với nhau, do đó có thể không trở thành bất kỳ điều gì thật hơn vì chúng ta đã trao đổi chúng với nhau.

Bây giờ chúng t
a gác lại những cách diễn giải khác nhau này về mối quan hệ của chúng ta với sự vật cũng như sự thật của mối quan hệ này. Nhưng mặt khác, chúng ta đâu muốn quên rằng điều đó không hề đủ để chỉ hấp dẫn với sự thật và tính chắc chắn của kinh nghiệm hàng ngày. Nói một cách chính xác, nếu kinh nghiệm hàng ngày mang trong mình một chân lý và một chân lý vượt trội ở đó, thì chân lý này phải được hình thành, tức là, nền tảng của nó phải được đặt ra, thừa nhận và chấp nhận. Điều này sẽ càng trở nên cần thiết hơn khi hóa ra những thứ hàng ngày vẫn hiển thị một khuôn mặt khác. Cái mà chúng đã làm từ lâu, và ngày nay chúng vẫn làm điều đó cho chúng ta một mức độ và theo cách mà chúng ta hầu như còn không hiểu, thì nói gì đến làm chủ.

Lấy ví dụ phổ biến: Đường kính của mặt trời rộng tối đa nửa mét đến một mét khi nó nằm phía sau những ngọn núi dưới dạng một đĩa phát sáng. Tất cả những gì mặt trời dành cho người chăn cừu về nhà với đàn chiên của mình bây giờ không cần phải mô tả, nhưng đó là mặt trời thật, cũng chính là mặt trời mà người chăn cừu đang chờ đợi vào sáng hôm sau. Nhưng mặt trời thực sự đã lặn trước đó một vài phút. Những gì chúng ta thấy chỉ là thứ ánh quang gây ra bởi các quá trình nhất định của các tia sáng. Nhưng ngay cả thứ ánh quang này cũng chỉ là cái vẻ ngoài, vì “trong thực tế, chúng ta nói, thì mặt trời hoàn toàn không bao giờ lặn cả. Nó không lang thang trên trái đất và xung quanh nó mà ngược lại. Trái đất quay quanh Mặt trời và hơn nữa, cái mặt trời kia cũng không phải là trung tâm cuối cùng của vũ trụ.

Mặt trời thuộc về các hệ lớn hơn mà ngày nay chúng ta gọi là Dải Ngân hà và tinh vân xoắn ốc, độ lớn của nó so với độ lớn hệ mặt trời của chúng ta thì hệ mặt trời vẫn chỉ là tí xíu. Còn mặt trời, hàng ngày mọc lên và lặn xuống và phát tán ánh sáng, thì ngày càng lạnh bớt; trái đất của chúng ta, để duy trì cùng một mức độ ấm áp, sẽ phải luôn đến gần mặt trời hơn. Tuy nhiên, nó lại đang di chuyển ra xa mặt trời. Điều này có nghĩa là nó lao tới một thảm họa, mặc dù trong “khoảng thời gian so với khoảng thời gian vài nghìn năm lịch sử của loài người trên trái đất thì không đến một giây.

Bây giờ cái nào trong số này là mặt trời thật? Vật nào là thật, mặt trời của người chăn cừu hay mặt trời của nhà vật lý thiên văn? Hoặc là câu hỏi đặt sai, và nếu vậy, thì tại sao? Vấn đề này cần phải được quyết định như thế nào? Về phương diện này, rõ ràng, cần phải biết một sự vật là gì, là-một-sự-vật nghĩa là gì,một sự vật được xác định như thế nào. Về những câu hỏi này, cả người chăn chiên và nhà vật lý thiên văn đều không thông báo cho chúng ta. Không thể hay không cần phải đặt ra những câu hỏi này để ngay lập tức biết họ là ai.

Một ví dụ khác: Nhà vật lý và thiên văn học người Anh Eddington đã từng nói về cái bàn của ông mọi thứ thuộc loại này - cái bàn, cái ghế, v.v. - đều có một đôi. Bàn số một là bàn được biết đến từ thời thơ ấu của ông; bàn số hai là bàn khoa học. Bàn khoa học này, nghĩa là chiếc bàn mà khoa học định nghĩa theo tính chất của nó, bao gồm, theo vật lý nguyên tử ngày nay, không phải bằng gỗ mà là hầu như là bằng không gian trống rỗng; trong tính trống rỗng này, điện tích được phân phối đây đó, chúng đang ào ạt tới lui với vận tốc lớn. Vậy thì cái nào mới là bàn thật, số một hay số hai? Hay cả hai đều đúng? Theo nghĩa chân lý là gì? Chân lý nào làm trung gian giữa hai cái đó? Vẫn phải có một phần ba theo đó bàn số một và bàn số hai là đúng theo cách của chúng và đại diện cho một biến thể của chân lý này. Chúng ta không thể tự cứu mình bằng cách nói ưa thích: bất cứ điều gì được khẳng định về chiếc bàn khoa học số hai, tinh vân xoắn ốc, và mặt trời đang lụi tàn đều là những quan điểm và lý thuyết vật lý. Do đó, lời đáp là: các nhà máy điện khổng lồ, máy bay, đài phát thanh và truyền hình của chúng ta, toàn bộ công nghệ đã làm thay đổi trái đất và con người với nó còn hơn cả điều ông ta nghi ngờ, tất cả đều căn cứ vào vật lý học. Đây là những hiện thực, không phải là quan điểm mà một số kẻ khảo cứu xa rời cuộc sống bảo vệ. Có ai muốn khoa học thậm chí gần gũi hơn với cuộc sống không? Tôi nghĩ rằng nó đã gần đến nỗi làm cho chúng ta nghẹt thở. Thay vào đó, chúng ta cần khoảng cách phù hợp với cuộc sống để đạt được một viễn cảnh trong đó chúng ta đo lường được những gì đang xảy ra với các hiện hữu người chúng ta.

Ngày hôm nay không ai biết điều này. Vì lý do này, chúng ta phải hỏi tất cả mọi người và hỏi đi hỏi lại, để biết điều đó, hoặc ít nhất là để biết tại sao và ở khía cạnh nào chúng ta không biết điều đó. Có phải con người và các quốc gia chỉ vấp vào vũ trụ để bị ném ra khỏi nó một lần nữa, hay còn điều gì khác? Chúng ta phải hỏi. Trong một thời gian dài, trước hết có một cái gì đó sơ bộ hơn nhiều: trước hết chúng ta phải học cách hỏi. Điều đó chỉ có thể xảy ra bằng cách đặt câu hỏi - tất nhiên, không phải là bất kỳ câu hỏi nào. Chúng ta đã chọn câu hỏi “Sự vật là gì? Giờ đây hóa ra : sự vật an trụ trong những chân lý khác nhau. Cái sự vật an trụ ấy là gì? Chúng ta nên quyết định tồn tại của sự vật từ quan điểm nào? Chúng tađược quan điểm của mình trong kinh nghiệm hàng ngày với điều kiện là chân lý của , cuối cùng cũng cần một nguyên do.
___________________________________________

Còn nữa…

Nguồn: Heidegger, Martin (1962). Die Frage nach dem Ding Zu Kants Lehre von den Transzendentalen Grundsätzen. Freiburger Vorlesung Wintersemester 1935/36 wurde unter dem Titel »Grundfragen der Metaphysik« gehalten. Herausgegeben von Petra Jaeger, Max Niemeyer Verlag, Tübingen 1962.

Tác giả: Martin Heiderger, triết gia lỗi lạc của Đức, sinh ngày 26/9/1889, mất ngày 26/5/1976. Là học trò của Husserl và chịu ảnh hưởng của triết học Brentano, kế tục Husserl giảng dạy triết học tại đại học Freiburg, và trở thành hiệu trưởng của đại học này năm 1933-1934. Các tác phẩm tiêu biểu của ông là Hữu thể và Thời gian xuất bản năm 1927; Kant và vấn đề siêu hình học, Nhập môn siêu hình học năm 1935, Học thuyết Plato về chân lý, 1942; Thư về chủ nghĩa nhân đạo, 1947…vv.

Ghi chú của người dịch:

[1] Thalès de Milet (Θαλῆς ὁ Μιλήσιος; khoảng 624 TCN – khoảng 546 TCN), là một triết gia, một nhà toán học người Hy Lạp sống trước Socrates, người đứng đầu trong bảy nhà hiền triết của Hy Lạp. Ông cũng được xem là một nhà triết gia đầu tiên trong nền triết học Hy Lạp cổ đại, là “cha đẻ của khoa học”, là thầy của Pythagoras. Trước Thales, người Hy Lạp giải thích nguồn gốc tự nhiên của thế giới, vạn vật qua các câu truyện thần thoại của thượng đế, các vị thần và các anh hùng. Các hiện tượng như sấm, sét hay động đất được cho là do các vị thần trong tự nhiên. Thales là người đầu tiên nghiên cứu về thiên văn học, hiểu biết về hiện tượng nhật thực diễn ra do mặt trăng che khuất mặt trời. Ông cũng nghĩ ra phương pháp đo chiều cao của các kim tự tháp Ai Cập căn cứ vào bóng của chúng. Ông tính được 1 năm có 365 ngày, dự đoán chính xác hiện tượng nhật thực toàn phần sẽ xảy ra vào ngày 25 tháng 5 năm 585 TCN trên xứ Ionie vì vậy đã ngăn được cuộc chiến tương tàn giữa hai thành bang Lydiens và Medes. Thales được coi là người đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu về sự sống ngoài Trái Đất. Định lý Thales: Nếu một đường thẳng song song với một cạnh của tam giác và cắt hai cạnh còn lại thì nó định ra trên hai cạnh đó các đoạn thẳng tương ứng tỉ lệ. Định lý Thales đảo: Nếu một đường thẳng cắt hai cạnh của tam giác và định ra trên hai cạnh này những đoạn thẳng tương ứng tỉ lệ thì đường thẳng đó song song với cạnh còn lại của tam giác.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét