Bruno Latour
Người dịch: Hà Hữu Nga
Lập luận của cuốn sách này có thể rất đơn giản: khi các
nhà khoa học xã hội thêm tính từ ‘xã hội’ vào một hiện
tượng nào đó, thì họ chỉ định một trạng thái sự
việc ổn định, một mớ các mối quan hệ, có thể được huy động để giải thích cho một số hiện tượng
khác. Không có gì sai với việc sử dụng từ này miễn là nó chỉ định những gì đã
được tổ hợp với nhau, mà không đưa ra bất kỳ giả định thừa thãi nào về bản chất của
những gì được tổ
hợp. Tuy nhiên, các vấn đề phát sinh khi (tính từ) 'xã hội'
bắt đầu có nghĩa là một loại vật chất, cứ như thể cái từ đó tương đương với
các tính từ khác chẳng hạn 'làm bằng gỗ', 'bằng thép', 'thuộc về sinh học', 'thuộc
về kinh tế', 'tinh thần', 'tổ chức ', hoặc' ngôn ngữ học'. Tại thời điểm
đó, ý nghĩa của từ bị phá vỡ vì bây giờ nó chỉ định hai điều hoàn toàn khác
nhau: thứ nhất, một vận
động trong quá trình tổ
hợp; và thứ hai, một loại thành phần cụ thể được cho là khác với các chất liệu khác.
Điều tôi muốn thực hiện trong cuốn sách này là chỉ ra lý do tại sao cái xã hội (the social) không thể được hiểu là một loại chất liệu hoặc lĩnh vực và tranh luận với dự án xuất trình một ‘diễn giải xã hội’ về một vài trạng thái sự vụ khác. Mặc dù dự án này trước đó đã có hiệu quả và có lẽ là cần thiết trong quá khứ, nhưng phần lớn đã không còn như vậy, một phần nhờ vào sự thành công của các khoa học xã hội. Ở giai đoạn phát triển hiện tại, không còn có thể xem xét kỹ các cấu phần chính xác đang xâm nhập vào kết cấu của lĩnh vực xã hội. Những gì tôi muốn làm là xác định lại khái niệm xã hội bằng cách quay trở lại ý nghĩa ban đầu của nó và làm cho nó lại có thể theo dõi được các mối quan hệ. Sau đó, nó sẽ có thể tiếp tục mục tiêu truyền thống của các khoa học xã hội nhưng với bộ công cụ được điều chỉnh tốt hơn cho nhiệm vụ này. Sau khi thực hiện thêm nhiều công việc về các ‘tổ hợp’ tự nhiên, tôi tin rằng cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn nội dung chính xác của những gì được ‘tổ hợp’ dưới sự bảo trợ của xã hội (society). Đây dường như là cách duy nhất để trung thành với các nhiệm vụ cũ của xã hội học, cái ‘khoa học của việc sống cùng’ này. [1] Tuy nhiên, một dự phóng như vậy đòi hỏi phải xác định lại những gì thường được ngành học đó quan niệm. Chuyển dịch từ cả tiếng Latin và tiếng Hy Lạp, ‘socio-logy’ có nghĩa là ‘khoa học của cái xã hội’. Biểu thức này sẽ là tuyệt vời ngoại trừ hai nhược điểm, đó là từ ‘xã hội’ và từ ‘khoa học’. Những phẩm chất mà ngày nay chúng ta chuẩn bị để cấp cho các sự nghiệp khoa học và công nghệ ít liên quan đến những gì mà những người sáng lập khoa học xã hội đã nghĩ đến khi họ phát minh ra các ngành học của mình. Khi hiện đại hóa hoàn toàn biến động, thì khoa học là một động lực khá mạnh mẽ được kéo dài vô tận mà không có bất kỳ mối nghi ngại nào làm chậm tiến trình của nó. Họ không biết rằng việc mở rộng của nó có thể khiến cho nó gần như cùng tồn tại với phần còn lại của giao tiếp xã hội. Ý của họ là ‘xã hội’ (society) đã trải qua một sự biến đổi không kém phần triệt để, điều này phần lớn nhờ vào chính sự mở rộng của các sản phẩm khoa học và công nghệ. Không còn rõ liệu có tồn tại các mối quan hệ đủ cụ thể để được gọi là ‘xã hội’ (social) hay không và có thể được nhóm lại với nhau để tạo thành một lĩnh vực đặc biệt có thể vận hành như một xã hội (society) hay không. Cái xã hội dường như bị pha loãng ở khắp mọi nơi, chứ không riêng một nơi nào. Vì vậy, cả khoa học lẫn xã hội (society) đều không đủ ổn định để đưa ra những lời hứa về một ‘khoa học của cái xã hội’ mạnh mẽ.
Mặc cho biến thái kép này, một số nhà khoa học xã hội đã rút ra kết luận cực đoan
rằng nên sửa đổi đối tượng cũng như phương pháp luận của các khoa học xã hội
cho phù hợp. Thất vọng chán
chê rồi, nhưng
họ vẫn hòng một ngày nào đó sẽ đến được
miền đất hứa khoa học thực sự của một thế giới xã hội thực sự. Không có học
giả nào nhận thức rõ hơn về nỗi do dự đau đớn này hơn những kẻ, như tôi, đã dành nhiều
năm để thật hành phép nghịch hợp này: ‘xã hội học của khoa học’. Do có nhiều nghịch lý khởi
lên bởi cái tiểu lĩnh vực
sống động nhưng khá
éo le và vô
số thay đổi về ý nghĩa của ‘khoa học’ này, nên tôi nghĩ rằng đã
đến lúc phải sửa đổi ý nghĩa của ‘xã hội’ (social). Do đó, tôi muốn
đưa ra một định nghĩa khác cho ‘xã hội học’, trong khi vẫn giữ được cái
nhãn hữu ích này,
và tôi hy vọng nó vẫn trung thành
với cách gọi truyền thống của nó.
Xã hội (society) là gì? Tính từ ‘xã hội’ (social) nghĩa là gì? Tại sao một số hoạt động lại được cho là có ‘chiều góc xã hội’? Làm thế nào người ta có thể chứng minh được sự hiện diện của các ‘nhân tố xã hội’ trong công việc? Khi nào thì một nghiên cứu về xã hội, hoặc các tập hợp xã hội khác, được coi là một nghiên cứu tốt? Con đường của một xã hội có thể được thay đổi ra sao? Để trả lời những câu hỏi này, có hai cách tiếp cận khác nhau đã được thực hiện. Nhưng chỉ một cách đã trở thành ý thức chung, cách còn lại là đối tượng của chính công trình nghiên cứu này.
Giải pháp đầu tiên là thừa nhận sự tồn tại của
một loại hiện tượng cụ thể được gọi theo nhiều cách là ‘xã hội’, ‘trật tự xã hội, thật tiễn xã hội, ‘chiều góc xã hội’, hay ‘cấu trúc xã hội’. Trong thế kỷ
qua, nhiều lý thuyết xã hội đã được xây dựng, điều quan trọng là phải phân biệt lĩnh vực hiện thật này với các lĩnh
vực khác như kinh tế
học, địa lý, sinh học, tâm lý học, luật học, khoa học và chính trị học. Một đặc điểm
nhất định được cho là 'xã hội' hoặc 'liên quan đến xã hội' khi nó có thể được xác định là sở hữu
các thuộc tính cụ thể, một số tiêu cực, nó không phải là 'thuần túy' sinh học, ngôn
ngữ học, kinh tế học, tự nhiên -
và một số tích cực
- phải đạt được, củng cố, thể hiện, duy trì, tái sản xuất hoặc lật đổ trật
tự xã hội. Khi
lĩnh vực này đã được xác định, dù mơ hồ đến đâu, thì nó cũng có
thể được sử dụng để làm sáng tỏ các hiện tượng xã hội cụ thể - cái xã hội có thể giải
thích cái xã hội - và đưa ra một kiểu
giải thích nhất định cho những gì mà các lĩnh vực khác không thể giải
thích cho - sự hấp dẫn đối với 'các nhân tố xã hội' có
thể giải thích 'các khía cạnh xã hội' của các hiện tượng phi xã hội.
Chẳng hạn, mặc dù người ta thừa nhận rằng quy luật có sức mạnh riêng của nó, nhưng một số khía cạnh của nó sẽ được hiểu rõ hơn nếu bổ sung thêm ‘chiều góc xã hội’; mặc dù các lực lượng kinh tế mở ra theo logic riêng của chúng, nhưng cũng tồn tại các yếu tố xã hội có thể giải thích hành vi hơi thất thường của các tác nhân tính toán; mặc dù tâm lý học phát triển theo các động lực bên trong của chính nó, nhưng một số khía cạnh rắc rối hơn của nó có thể được cho là liên quan đến ‘ảnh hưởng xã hội’; mặc dù khoa học có động lực riêng của nó, nhưng một số tính năng tìm kiếm phát hiện của nó nhất thiết phải bị ràng buộc bởi các ‘giới hạn xã hội’ của các nhà khoa học bị cuốn vào bối cảnh xã hội trong thời đại của họ; mặc dù nghệ thuật chủ yếu là ‘tự trị’, nhưng nó cũng bị ảnh hưởng bởi các ‘cân nhắc’ xã hội và chính trị‘ có thể giải thích cho một số khía cạnh của những kiệt tác nổi tiếng nhất của nó; và mặc dù khoa học quản lý tuân theo các quy tắc riêng của nó, nhưng cũng có thể nên xem xét ‘các khía cạnh xã hội, văn hóa và chính trị’ có thể giải thích tại sao một số nguyên tắc tổ chức hợp lý lại không bao giờ được áp dụng vào thực tế.
Nhiều ví dụ khác có thể dễ dàng tìm thấy vì phiên bản lý
thuyết xã hội này đã trở thành vị trí mặc định trong phần mềm tinh thần của
chúng ta, có tính đến các yếu tố sau: tồn tại một ‘bối cảnh’ xã hội, trong đó
diễn ra các hoạt động phi xã hội; đó là một lĩnh vực cụ thể của hiện thật; nó có thể được
sử dụng như một loại quan hệ nhân quả cụ thể để giải thích cho các khía cạnh
còn lại mà các lĩnh vực khác (tâm lý học, luật pháp, kinh tế, v.v.) không thể
giải quyết hoàn toàn; nó được nghiên cứu bởi các học giả chuyên ngành gọi là
nhà xã hội học hoặc xã hội-(x) - ‘x’, là kẻ giữ chỗ cho các ngành khác nhau; vì các tác nhân thông thường luôn là 'bên trong' mà một thế giới xã
hội bao gồm cả chúng, tốt nhất chúng có thể là 'kẻ cung cấp thông
tin' về thế giới này và, tệ nhất, là bị mù với sự tồn tại của
nó, mà hiệu ứng đầy đủ chỉ có thể nhìn thấy trước con mắt chuyên môn của nhà khoa học
xã hội; cho dù có khó khăn đến mức nào khi thực hiện những nghiên cứu đó, họ vẫn có
thể mô phỏng một cách đại khái những thành công của các khoa học tự nhiên là khách quan như
các nhà khoa học khác nhờ sử dụng các công cụ định lượng; nếu điều này là không
thể, thì nên đưa ra các phương pháp thay thế có tính đến các khía cạnh ‘con
người,’ ‘chủ tâm’, hay ‘mang tính tường
giải’ của các lĩnh vực đó mà không từ bỏ đặc tính của khoa học; và khi
các nhà khoa học xã hội cần
tư vấn về công
trình xã hội hoặc đồng hành với biến đổi xã hội, thì
một số loại liên quan chính trị có thể nảy sinh từ các nghiên cứu
này, nhưng chỉ sau khi đã tích lũy đủ kiến thức.
Vị trí mặc định này đã trở thành lẽ thường không chỉ đối
với các nhà khoa học xã hội, mà cả các tác nhân bình thường thông qua
báo chí, giáo dục đại học, chính trị đảng phái, các cuộc chuyện trò trong quán bar,
chuyện tình, tạp chí thời trang, …v.v. [2] Các khoa học xã hội đã
phổ biến định nghĩa về
xã hội của họ một cách hiệu quả như các công ty tiện ích cung cấp dịch vụ điện
và thiết bị điện thoại
vậy. Khi đưa ra những nhận xét về ‘chiều
góc xã hội’ không thể tránh khỏi, về những gì chúng ta và những người khác đang làm
‘trong xã hội’, đã trở nên quen thuộc với chúng ta như sử dụng điện thoại di động, gọi bia, hoặc yêu cầu sự giúp đỡ của tổ hợp Oedipus -
ít nhất là trong thế giới đã
phát triển.
Cách tiếp cận thứ hai không được đương nhiên coi là nguyên lý
cơ bản của cách tiếp cận thứ
nhất. Nó tuyên bố rằng không có gì cụ thể đối với trật tự xã hội; không có
bất kỳ loại chiều
góc xã hội nào, không có ‘bối cảnh xã hội’, không có lĩnh vực hiện
thật riêng biệt nào được
dán nhãn tính từ (social)
hay danh từ (society) ‘xã hội’ cả; không một ‘lực lượng xã hội’ nào có sẵn để
‘giải thích’ về các tính năng còn lại mà các lĩnh vực khác không thể giải
thích được; các thành viên biết rất rõ những gì họ đang làm ngay cả khi họ
không nói rõ điều đó với sự hài lòng của người quan sát; các tác nhân hành động không bao giờ được gắn
vào một bối cảnh xã hội và vì vậy luôn luôn nhiều hơn so với ‘những người cung
cấp thông tin thuần túy’; do đó không có ý nghĩa gì trong việc thêm một số ‘nhân tố xã hội’ vào các chuyên
ngành khoa học khác; sự phù hợp chính trị đạt được thông qua một khoa
học về xã hội, không nhất thiết đáng mong muốn; và ‘xã hội’ (society) - không phải là
bối cảnh ‘trong đó’ mọi thứ nên khuôn khổ - nên được hiểu là một trong nhiều yếu tố kết nối lưu thông bên trong các đường dẫn nhỏ li ti. Với một sự
khiêu khích nào đó, trường phái tư tưởng thứ hai này có thể lấy làm khẩu hiệu điều mà bà
Thatcher nổi tiếng thốt lên (nhưng vì những nguyên do rất khác nhau!): ‘Chẳng có cái quái gì là xã hội cả.’
Nếu chúng quá khác nhau, thì làm sao cả hai đều có thể tự nhận là một khoa học của cái xã hội (the social) và khao khát sử dụng cùng một nhãn ‘xã hội học’? Về mặt này, họ chỉ đơn giản là không thể so sánh được, vì lập trường thứ hai mới chính là mớ bòng bong cần phải giải quyết cái mà lập trường thứ nhất lấy làm giải pháp của nó, cụ thể là sự tồn tại của các mối quan hệ xã hội cụ thể cho thấy sự hiện diện ẩn tàng của một số lực lượng xã hội cụ thể. Ở góc nhìn khác, (tính từ) ‘xã hội’ không phải là một loại keo có thể hàn gắn được mọi thứ, kể cả những thứ mà các loại keo khác không thể hàn gắn được; đó là những gì được dán chặt với nhau bởi nhiều loại khớp nối khác. Trong khi đó các nhà xã hội học (hoặc các nhà kinh tế xã hội, các nhà ngôn ngữ học xã hội, các nhà tâm lý học xã hội, v.v.) đều coi các tập hợp xã hội là thứ có thể làm sáng tỏ các khía cạnh còn lại của kinh tế học, ngôn ngữ học, tâm lý học, quản lý, v.v. ngược lại, những học giả khác từ các chuyên ngành trên lại coi các tập hợp xã hội là những gì cần được giải thích bởi các hợp quần cụ thể được cung cấp bởi kinh tế học, ngôn ngữ học, tâm lý học, luật pháp, quản lý, …vv.[3]
Tuy nhiên, sự giống
nhau giữa hai cách tiếp cận có vẻ lớn hơn nhiều, với điều kiện là người ta phải luôn ghi nhớ từ
nguyên của (tính từ) ‘xã hội’. Mặc dù hầu hết các nhà khoa học xã hội muốn
gọi (tính từ) ‘xã hội’ là một thứ đồng nhất, nhưng lại hoàn toàn có thể chấp nhận được
khi chỉ định bằng chính từ đó làm một vệt hợp
quần giữa các yếu tố không đồng nhất. Vì trong cả hai trường hợp, từ này vẫn giữ
nguyên nguồn gốc từ căn
socius tiếng Latin, có thể vẫn
trung thành với trực giác ban đầu của các khoa học xã hội bằng
cách xác định lại xã hội học không phải là ‘khoa học của cái xã hội’, mà là việc lần dấu các hợp quần. Theo nghĩa của
tính từ này, xã hội không chỉ định một sự vật trong số các sự vật khác, giống như một
con cừu đen giữa những con cừu trắng khác, mà là một loại kết nối giữa những thứ
không phải tự thân là xã hội.
Lúc đầu, định nghĩa này có vẻ ngớ ngẩn vì nó có nguy cơ làm loãng xã hội học thành bất kỳ loại tổng hợp nào từ các liên kết hóa học đến quan hệ pháp lý, từ các lực nguyên tử đến các cơ sở kinh doanh, từ các hội nhóm sinh lý học đến chính trị. Nhưng đây chính là vấn đề mà nhánh lý thuyết xã hội thay thế này mong muốn thực hiện vì tất cả những yếu tố không đồng nhất đó có thể được tập hợp mới trong một số tình huống nhất định. Khác xa với một giả thuyết dị thường, trái lại, đây là một kinh nghiệm phổ biến nhất mà chúng ta có khi gặp phải bộ mặt khó hiểu của cái xã hội. Một loại vắc-xin mới đang được bán trên thị trường, một bản mô tả công việc mới được đưa ra, một phong trào chính trị mới đang được khởi xướng, một hệ thống hành tinh mới được phát hiện, một đạo luật mới được thông qua, một thảm họa mới xảy đến. Trong mỗi trường hợp, chúng ta phải cải tổ lại các quan niệm của chúng ta về những gì được liên kết với nhau vì định nghĩa được đưa ra trước có phần không liên quan. Chúng ta không còn đảm bảo chắc chắn về ‘chúng ta’ nghĩa là gì; chúng ta dường như bị ràng buộc bởi ‘các mối quan hệ’ không giống như các mối quan hệ xã hội thông thường.
Ý nghĩa ngày càng thu hẹp của (tính từ) xã hội
Có một xu hướng từ nguyên rõ ràng trong các biến thể kế tiếp của họ từ cái ‘xã hội’ (Strum và Latour 1987). Nó đi từ cái chung nhất đến cái có tính bề mặt nhất. Từ nguyên của tính từ ‘xã hội’ cũng mang tính chỉ dẫn. Từ căn là seq-, sequi và nghĩa đầu tiên là ‘đi theo’. Từ Latin socius để chỉ một người bạn đồng hành, một cộng sự. Từ các ngôn ngữ khác nhau, phả hệ lịch sử của tính từ ‘xã hội’ trước tiên được hiểu là đi theo ai đó, sau đó trở thành thành viên và liên minh, rồi cuối cùng, có điểm chung nào đó. Ý nghĩa tiếp theo của (tính từ) xã hội là có cổ phần trong một kinh dinh thương mại. (Tính từ) ‘xã hội’ như trong Khế ước xã hội là phát minh của Rousseau. (Tính từ) ‘xã hội’ như trong các vấn đề xã hội, câu hỏi xã hội, là một sự đổi mới của thế kỷ XIX. Các từ song hành như ‘hòa đồng’ (sociable) là để chỉ các kỹ năng tạo cho các cá nhân sống lịch thiệp trong xã hội. Như người ta có thể thấy từ sự trôi dạt của từ này, ý nghĩa của (tính từ) xã hội co rút lại khi thời gian trôi qua. Bắt đầu với một định nghĩa đồng tồn (coextensive) với tất cả các quần hợp, giờ đây, theo cách nói thông thường, giờ đây chúng ta có cách sử dụng giới hạn vào những gì còn lại sau chính trị học, sinh học, kinh tế học, luật học, tâm lý học, quản lý, công nghệ, …v.v., trở thành các bộ phận của các hợp quần.
Do sự thu hẹp
liên tục về ý nghĩa (khế ước xã hội, vấn đề xã hội, nhân
viên xã hội), chúng ta có xu hướng giới hạn cái xã hội vào con người và các xã hội hiện đại,
mà quên rằng phạm
vi của cái xã hội rộng lớn
hơn thế nhiều. De Candolle là người đầu tiên tạo ra phép trắc lượng khoa học (scientometrics) sử dụng số liệu
thống kê để đo lường hoạt động của khoa học, giống như cha ông, một nhà xã hội
học thực vật (Candolle 1873/1987). Đối với ông san hô, khỉ đầu chó, cây cối,
ong, kiến và cá voi cũng có tính xã hội. Ý nghĩa mở rộng của (tính từ) xã hội này đã
được sinh học xã hội công nhận (Wilson 1975).
Thật không may, công nghiệp này chỉ xác nhận nỗi sợ hãi tồi
tệ nhất của nhà khoa học
xã hội về việc mở rộng nghĩa của (tính từ) xã hội. Tuy nhiên, hoàn
toàn có thể duy trì sự mở rộng mà không quá tin vào cái định nghĩa rất
hạn chế về cơ cấu được trao cho
các sinh vật trong nhiều bức tranh toàn cảnh sinh học xã hội.
|
Do đó,
cái dự án tổng thể về những gì chúng tôi dự định cùng làm lại bị nghi ngờ. Ý
thức thuộc về đã bước vào một cuộc khủng hoảng. Nhưng để ghi nhận cảm giác khủng
hoảng và tuân theo những kết nối mới này, người ta đã xuất trình một khái niệm
khác về xã hội. Nó phải rộng hơn nhiều so với cái thường được gọi bằng cái tên
đó, nhưng bị giới hạn nghiêm ngặt vào việc truy tìm các quần hợp mới và vào việc thiết kế các cách tổ hợp của chúng.
Đây chính là nguyên do để tôi định nghĩa cái
xã hội không phải là một lĩnh vực đặc biệt, một lĩnh vực cụ thể, hoặc một loại sự vật riêng biệt, mà chỉ là một vận động rất đặc biệt của
việc tái quần hợp và
tái kết hợp.
Theo quan điểm như vậy, chẳng hạn, luật pháp không nên được xem là thứ cần được giải thích bằng ‘cấu trúc xã hội’, thêm vào logic bên trong của nó; ngược lại, logic bên trong của nó có thể giải thích một số tính năng của những gì làm cho một quần hợp tồn tại lâu hơn và mở rộng hơn. Nếu không có khả năng của các tiền lệ pháp lý để mở ra các kết nối giữa một vụ án và một quy tắc chung, thì chúng ta sẽ biết gì về việc đưa một vấn đề nào đó ‘vào một bối cảnh lớn hơn’? [4] Khoa học không phải bị thay thế bằng 'khuôn khổ xã hội' của nó, ‘được tạo hình bởi các lực lượng xã hội’ cũng như khách tính của chính nó, bởi vì các đối tượng của nó tự đánh bật mọi bối cảnh nhất định thông qua các phòng thí nghiệm nghiên cứu các yếu tố xa lạ đang liên kết với nhau theo những cách không thể đoán trước. Những người bị cách ly vì virus SARS đau đớn khi biết rằng họ không còn có thể ‘quây quần’ với cha mẹ, anh/chị em, vợ/chồng, con cái theo cùng một cách vì sự đột biến của con bọ tí ti này mà sự tồn tại của nó được thể chế dịch tễ học và virus học rộng lớn phát hiện ra. [5] .
Tôn giáo không nhất thiết phải được ‘tính đến’ bởi các lực
lượng xã hội vì theo định nghĩa của chính nó, thực sự trong chính tên cái của nó, nó gắn liền với các thực
thể không thuộc trật tự xã hội. Kể từ thời Antigone (Ἀντιγόνη là một vở bi kịch của Sophocles được viết vào khoảng năm 441 TCN-HHN), mọi người đều
biết ý nghĩa của việc được đưa vào quỹ đạo theo trật tự của các vị thần là điều không thể chấp
nhận được đối với các chính trị gia như Creon. Các tổ chức không cần phải được
đặt vào một ‘khung xã hội rộng hơn’ vì bản thân chúng có ý nghĩa rất thật tế đối với ý nghĩa của
việc được lồng vào một tập sự
vụ ‘rộng hơn’. Rốt cuộc, du khách hàng không nào sẽ biết được cửa số mấy để đi mà không
phải lo lắng và liên tục nhìn vào số được in trên thẻ lên máy bay của mình và
được một tiếp viên hàng không đánh
dấu khoanh tròn mực đỏ? Có thể là
ngớ ngẩn khi tiết lộ đằng sau những câu chuyện phiếm hời hợt của các
chính trị gia, ‘những thế lực xã
hội đen ẩn mình’ trong công việc, vì nếu không có những bài diễn văn kia, thì
đa phần những gì chúng ta hiểu là một bộ phận của một nhóm sẽ bị mất đi. Nếu không có những diễn
từ đầy mâu thuẫn của các bên tham chiến ở Iraq, những kẻ ở Baghdad ‘bị chiếm đóng’ hoặc ‘được giải phóng’ sẽ biết cách nhận rõ bạn thù?
Và điều tương tự cũng đúng với tất cả các lĩnh vực khác. [6] Trong khi đó, với cách tiếp cận đầu tiên, mọi hoạt động của pháp luật, khoa học, công nghệ, tôn giáo, tổ chức, chính trị, quản lý, v.v ... đều có thể liên quan đến và được giải thích bởi cùng những tập hợp xã hội đằng sau tất cả những quần hợp đó, trong phiên bản thứ hai về xã hội học, không có gì tồn tại đằng sau những hoạt động đó mặc dù chúng có thể được liên kết bằng cách tạo ra hay không tạo ra một xã hội (society). Đó là điểm khởi đầu quyết định giữa hai phiên bản. Việc là xã hội (social) không còn là một tài sản an toàn và không gây tranh cãi nữa, đó là một chuyển động có thể không truy dấu được bất kỳ kết nối mới nào và có thể không tái thiết được bất kỳ tập hợp nào ra hồn. Như chúng ta sẽ tìm hiểu trong suốt cuốn sách này, sau khi đã đưa ra nhiều dịch vụ hữu ích trong giai đoạn trước đó, cái gọi là ‘giải thích xã hội’, đã trở thành một cách phản tác dụng, khứa đứt mạch chuyển động của các hợp quần thay vì chắp nối lại nó.
Theo cách tiếp cận
thứ hai, các tín đồ của cách
tiếp cận đầu tiên chỉ đơn giản nhầm lẫn những gì họ nên giải
thích bằng với cách giải thích của mình. Họ bắt đầu với
xã hội (society) hoặc các tập hợp
xã hội khác, trong khi người ta nên kết thúc với chúng. Họ tin rằng cái xã hội được tạo
ra chủ yếu từ các mối quan hệ xã hội, trong khi các hợp quần lại được tạo ra từ
các mối quan hệ mà bản thân chúng là phi-xã hội. Họ tưởng
rằng xã hội học bị giới hạn vào một lĩnh vực cụ
thể, trong khi các nhà xã hội học nên đến bất kỳ nơi nào có các hợp quần mới không đồng nhất.
Họ tin rằng cái xã hội luôn sẵn
sàng ở chính nơi mà
chúng bị thải loại, trong khi cái
xã hội lại không phải là một
loại sự vật có thể nhìn thấy
hoặc được mặc nhiên
công nhận. Nó chỉ được nhận ra bởi các dấu vết
mà nó để lại (bằng
các phép thử) khi một hợp quần mới đang được tạo
ra giữa các yếu tố mà bản thân chúng không có cách nào mang tính xã hội. Họ khăng khăng rằng chúng tôi đã
bị sức mạnh của một xã hội nào đó nắm giữ khi
tương lai chính trị của chúng tôi nằm trong nhiệm vụ quyết định những gì ràng
buộc tất cả chúng tôi lại với nhau.
Tóm lại, trường phái
thứ hai tuyên bố sẽ tiếp tục công việc kết nối và tập hợp bị trường thứ nhất
đột ngột khứa đứt. Vì mong
muốn giúp đỡ những người khảo sát quan tâm đến việc tái hợp cái xã hội mà cuốn sách này đã được viết ra.
Trong diễn trình của cuốn sách, chúng ta sẽ biết cách phân biệt xã hội học tiêu chuẩn của cái xã hội khỏi một phân chi cấp tiến hơn mà tôi sẽ gọi là xã hội học phê phán. [7] Nhánh cuối cùng này sẽ được xác định bởi ba đặc điểm sau: i) nó không chỉ tự giới hạn vào cái xã hội mà thay thế đối tượng được nghiên cứu bằng một vấn đề khác được tạo ra từ các mối quan hệ xã hội; ii) nó khẳng định rằng sự thay thế này là khôn kham đối với các tác nhân xã hội, những kẻ cần phải sống trong ảo tưởng rằng có một cái gì đó ‘khác’ hơn là tính xã hội đó; và iii) nó cho rằng sự phản đối của các tác nhân đối với các giải thích xã hội của họ lại xuất trình những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy những giải thích đó là đúng.
_______________________________
Còn nữa…
Nguồn:
Latour, Bruno (2005). Introduction: How
to Resume the Task of Tracing Associations, In Reassembling the Social - An Introduction to Actor-Network-Theory,
Oxford University Press, 2005.
Tác giả: Bruno Latour sinh
ngày 22 tháng 6 năm 1947) là một triết gia, nhà nhân học và nhà xã hội học
người Pháp. Ông đặc biệt được biết đến với công trình trong lĩnh vực nghiên
cứu khoa học và công nghệ. Sau khi giảng dạy tại École des Mines de Paris
(Center de Sociologie de l'Innovation) từ năm 1982 đến 2006, ông trở thành Giáo
sư tại Science Po Paris (Institut
d'Etudes Politiques de Paris) (2006 - 2017), và là giám đốc khoa
học của
Science Po Medialab. Latour nổi tiếng với các cuốn sách We Have Never Been Modern (1993), Life Laboratory (với Steve Woolgar,
1979) và Science in Action (1987). Cùng với Michel Callon và John Law, Latour là một trong
những thủ lĩnh phát triển lý thuyết mạng tác
nhân (ANT), một cách tiếp cận kiến
tạo luận (constructionist) chịu ảnh hưởng của phương
pháp luận tộc người của Harold Garfinkel, ký hiệu học tạo sinh của Algirdas
Julien Greimas, và (gần đây hơn) là xã hội học của đối thủ của Émile Durkheim,
Gabriel Tarde.
Các chuyên khảo của Latour đã mang lại cho ông vị trí thứ 10 trong số các
tác giả sách được trích dẫn nhiều nhất trong các ngành khoa học xã hội và nhân
văn trong năm 2007.
Ghi chú:
* Một định dạng tham chiếu rút gọn được sử dụng trong các
ghi chú; thư mục đầy đủ là ở cuối sách. Cuốn sách hơi khắc khổ
này có thể được đọc song hành với cuốn [Bruno Latour and Emilie Hermant
(1998)] nhẹ hơn nhiều, thành
Paris vô hình, cố gắng bao quát nhiều vấn đề tương tự thông qua một loạt
các tiểu luận có
thể nhớ rõ như chụp ảnh. Nó có sẵn trên online bằng tiếng Anh
(Paris the Invisible City) tại http://bruno.latour.name.
[1] Biểu hiện này được giải thích trong Laurent Thévenot (2004),
‘Một khoa học về việc
cùng sống trong thế giới’. Trật tự logic này - các tập hợp của xã hội
(society) sau những tập hợp tự nhiên - trái ngược
hoàn toàn với cách tôi nghĩ về nó. Cuốn sách song sinh - Bruno Latour (1999), Pandora's Hope: Essays on the reality of science
studies and Bruno Latour (2004), Politics of Nature: How to Bring the Sciences into Democracy -
được viết rất lâu sau khi các đồng nghiệp và tôi đã phát triển một lý thuyết xã hội khác để ứng phó với những mớ bòng bong mới được khám phá
sau khi thực hiện nghiên cứu thực địa của chúng tôi về khoa học và công nghệ.
[2] Việc truyền bá từ ‘tác nhân’ tự thân, điều mà tôi sẽ mơ hồ cho đến sau này - xem tr. 46 - là một trong nhiều dấu ấn của ảnh hưởng này.
[3] Tôi sẽ sử dụng cách biểu hiện ‘xã hội (society) hoặc các tập hợp xã hội khác’ để bao quát hàng loạt giải pháp được đưa ra với cái mà ở phía dưới tôi gọi là ‘nguồn bất chắc đầu tiên’ và liên quan đến bản chất của các nhóm xã hội. Ở đây tôi không đặc biệt nhắm vào các định nghĩa ‘chỉnh thể luận’ [holism], vì như chúng ta sẽ thấy, các định nghĩa ‘cá nhân luận’ hay ‘sinh học’ là hoàn toàn hợp lệ. Xem p. 27.
[4]
Patricia Ewick and Susan S Silbey (1998), The
Common Place of Law và đóng góp của Silbey cho Bruno Latour and Peter Weibel
(2005), Making Things Public: Atmospheres
of Democracy.
[5] Mặc dù nghiên cứu thực tiễn khoa học đã đem lại động lực chính cho định nghĩa khác về cái xã hội này, nhưng nó sẽ chỉ được giải quyết sau đó khi tính bất chắc thứ tư đã được xác định, xem p. 87.
[6] Chúng ta sẽ chỉ thấy trong Phần II, tr. 238, làm thế nào để cải cách sự đối lập này một cách tinh tế hơn là đảo ngược nguyên nhân và kết quả.
[7] Để phân biệt giữa xã hội học phê phán và xã hội học về thuật phê bình, xem Luc Boltanski và Laurent Thévenot (sắp xuất bản) On Justification; Luc Boltanski và Laurent Thevenvenot (1999), The Sociology of Critical Capacity và đặc biệt là Luc Boltanski (1990), L’amour et la justice comme compétences. Nếu tôi thấy cần phải thiết lập liên tục tính với xã hội học về cái xã hội, tôi sẽ phải đối đầu nhiều hơn với xã hội học phê phán và ‘ảo tưởng về một ảo tưởng’.
Tài liệu dẫn
Boltanski,
L. (1990). L’amour et la justice comme compétences.
Paris: A.- M.Métailié.
Boltanski,
L. and Thévenot, L. (1999). The Sociology
of Critical Capacity, European Journal of Social Theory, 2/3: 359–377.
Candolle,
A. de (1873/1987). Histoire des sciences
et des savants depuis deux siècles d’après l’opinion des principales académies
ou sociétés scientifiques. Paris: Fayard, Corpus des Oeuvres de
Philosophie.
Ewick,
P. and Silbey, S. S. (1998). The Common
Place of Law. Chicago: University of Chicago Press.
Latour,
B. (1987). Science In Action: How to
Follow Scientists and Engineers through Society. Cambridge, Mass.: Harvard
University Press.
Latour,
B. (1993). We Have Never Been Modern.
Cambridge, Mass.: Harvard University Press.
Latour,
B. (1999). Pandora’s Hope: Essays on the
reality of science studies. Cambridge, Mass.: Harvard University Press.
Latour,
B. (2004). Politics of Nature: How to Bring
the Sciences into Democracy (trans. Catherine Porter). Cambridge, Mass.:
Harvard University Press.
Latour,
B. and Hermant, E. (1998). Paris ville
invisible. Paris: La Découverte-Les Empêcheurs de penser en rond.
Latour,
B. and Weibel, P. (eds.) (2005). Making
Things Public: Atmospheres of Democracy. Cambridge, Mass.: MIT Press.
Latour,
B. and Woolgar, S. (1979/1986). Laboratory
Life: The Construction of Scientific Facts (second edition with a new
postword). Princeton: Princeton University Press.
Strum,
S. and Latour, B. (1987). The Meanings of
Social: from Baboons to Humans, Information sur les Sciences Sociales/ Social
Science Information, 26: 783–802.
Thévenot,
L. (1984). Rules and implements:
investment in forms, Social Science Information, 23/1: 1–45.
Thévenot,
L. (2002). Which road to follow? The
moral complexity of an ‘‘equipped’’ humanity, in: Social Studies of Knowledge Practices. (eds. Law, J. and Mol, A.)
Durham: Duke University Press, 53–87.
Thévenot,
L. (2004). Une science de la vie ensemble
dans le monde, La Revue semestrielle du MAUSS, 24: 115–126.
Wilson, E. O. (1975). Sociobiology, the New Synthesis.
Cambridge, Mass.: Harvard University Press, The Belknap Press.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét