Lewis R. Binford
Người
dịch: Hà Hữu Nga
Tóm
tắt
Người ta cho rằng khảo cổ học đã
có một vài đóng góp cho lĩnh vực nhân học nói chung liên quan đến việc giải
thích các tương đồng và khác biệt về văn hóa. Một nhân tố chính góp phần vào sự
thiếu hụt này được khẳng định là xu hướng coi các vật tạo
tác là những đặc điểm
tương đương và có thể so sánh được trong một mô hình duy nhất về thay
đổi và biến
thể văn hóa. Có ý
kiến cho rằng “văn hóa vật chất” có thể và còn đại diện cho cấu trúc của toàn bộ hệ thống văn hóa, và việc giải thích về những khác biệt và tương đồng
giữa các lớp văn hóa vật chất nhất định là không phù hợp và không đầy đủ như những giải
thích cho các quan sát như vậy trong các lớp hạng mục khác. Tương tự, sự biến đổi trong toàn bộ hệ thống văn hóa phải được xem xét trong bối cảnh thích
ứng cả về xã hội và môi trường, không được xem một cách vô lý là kết quả của “ảnh hưởng”, “kích thích”, hoặc thậm chí là “di cư” trong và giữa các đơn vị được xác định về phương diện địa lý. Ba phụ lớp chức năng chính của
văn hóa vật chất được thảo luận là: các thuộc tính công dụng thực tiễn (technomic), kỹ thuật-xã hội, và kỹ thuật
tư tưởng, cũng như các thuộc tính chính thức về phong
cách cắt qua các hạng mục này. Nói chung, việc
thảo luận về các lớp tư liệu được công nhận này
liên quan đến các quá trình thay đổi trong mỗi lớp. Khi sử dụng các khác biệt trên
trong cái gọi là tiếp cận hệ thống, chúng
ta sẽ thảo luận về vấn đề xuất hiện và thay đổi cách sử dụng chất liệu đồng đỏ
bản địa ở vùng Đông bắc Mỹ. Các giả thuyết nảy sinh từ việc áp dụng cách
tiếp cận hệ thống là: 1)
sự xuất hiện ban đầu của dụng cụ đồng đỏ bản địa trong bối cảnh sản xuất
các mặt hàng kỹ thuật-xã hội; 2) sự gia tăng sản xuất các mặt hàng xã hội vào cuối Cổ thời có liên
quan đến sự gia tăng dân số sau khi chuyển sang khai thác các
nguồn thủy sản gần như
trùng khớp với giai đoạn nước lớn Nipissing của vùng Hồ Lớn tổ tiên; 3) mối tương
quan này có thể giải thích được trong các áp lực chọn lọc gia tăng có lợi cho
các phương tiện vật chất của giao tiếp vị thế một khi dân số đã tăng
đến mức thừa nhận cá nhân không còn là cơ sở khả thi cho hành vi vai trò khác biệt
nữa; 4) sự thay đổi chung trong các giai đoạn muộn từ các mặt hàng “thực dụng” chính thức sang sản xuất các sản
phẩm đồng chính thức “phi thực dụng” là có thể giải
thích bằng việc chuyển đổi theo yêu cầu từ chủ
nghĩa bình quân thuần túy sang phương tiện đạt được vị thế phi bình quân.
Người ta đã tuyên bố xác đáng rằng “khảo cổ học Mỹ là nhân học hoặc không là gì cả” (Willey và Phillips 1958: 2). Mục đích của thảo luận này là để định giá vai trò của ngành khảo cổ học trong việc tiếp tục các mục đích của nhân học và đưa ra một số gợi ý nhất định về cách thức mà các nhà khảo cổ học chúng ta có thể gánh vác một cách hiệu quả nhiều trách nhiệm hơn trong việc tiếp tục các mục đích trong lĩnh vực của mình. Trước hết, cần phải hỏi, “Mục đích của nhân học là gì?” Hầu hết sẽ đồng ý rằng lĩnh vực tích hợp này đang cố gắng thuyết minh và giải thích toàn bộ phạm vi các tương đồng và khác biệt về tự nhiên và văn hóa đặc trưng cho toàn bộ khoảng thời gian tồn tại của con người (để thảo luận, xem Kroeber 1953). Khảo cổ học chắc chắn đã có những đóng góp lớn ở chừng mức có liên quan đến việc thuyết minh. Kiến thức hiện tại của chúng ta về tính đa dạng, đặc trưng cho phạm vi các hệ thống văn hóa tuyệt chủng vượt trội hơn nhiều so với kiến thức hạn chế có sẵn năm mươi năm trước. Mặc dù đóng góp này là “đáng ngưỡng mộ” và cần thiết, nhưng cần lưu ý rằng khảo cổ học về cơ bản không có đóng góp nào cho lĩnh vực giải thích: “Rất ít công trình đã được thực hiện trong khảo cổ học Mỹ ở cấp độ giải thích, là cấp độ rất khó tìm được một cái tên cho nó” (Willey và Phillips 1958: 5).
Trước khi tiếp tục chỉ trích này, thì cần phải đưa ra một phán đoán nào đó về việc giải thích có ý nghĩa gì. Ý nghĩa của giải thích trong khung tham chiếu
khoa học chỉ đơn giản là thể hiện sự khớp nối thường hằng của các biến số trong một hệ thống và việc đo lường tính biến đổi đồng thời giữa
các biến trong hệ thống. Sự thay đổi quá trình trong một biến sau đó có thể được
biểu hiện có liên quan theo cách có thể dự đoán và có thể định lượng được với
các thay đổi trong các biến khác, mà
cách biến khác đó thay đổi lần
lượt so với các thay đổi trong toàn bộ cấu trúc của hệ thống. Cách tiếp cận giải thích này giả định mối
quan tâm với quá trình, hoặc sự
vận hành và biến đổi cấu trúc của
các hệ thống. Có ý kiến cho rằng các nhà khảo cổ học đã không có những đóng
góp mang tính giải thích chủ yếu cho lĩnh vực nhân
học vì họ không hình
dung dữ liệu khảo cổ bằng
một khung tham chiếu có hệ thống.
Dữ liệu khảo cổ được xem xét
một cách đặc thù và “giải thích” được đưa ra dưới dạng các sự kiện cụ thể
thay vì theo khuôn khổ quá trình (xem
Buettner-Janusch 1957 để thảo luận về đặc thù luận). Các nhà khảo cổ
học ngấm ngầm cho rằng các
hiện vật, bất kể bối
cảnh chức năng của chúng, có thể được coi là “đặc điểm” tương đương và có thể so sánh được. Một khi các khác biệt và tương đồng được “định nghĩa” theo
khuôn khổ các “đặc điểm” tương đương và có thể so sánh này thì việc diễn giải diễn tiến trong một khoảng
trống lý thuyết nào đó quan
niệm các khác biệt và
tương đồng là kết quả của “pha trộn”, “ảnh hưởng định hướng” và “kích thích” giữa
và trong các “truyền thống lịch sử” được xác định chủ yếu dựa trên cơ sở liên tục
tính mặc định theo vùng hoặc địa phương trong các quần thể người.
Tôi cho
rằng quan điểm không phân biệt và phi cấu trúc này là không thỏa đáng, các hiện vật có bối cảnh chức
năng chính của chúng trong các phụ
hệ thống vận hành khác nhau của
toàn bộ hệ thống văn hóa sẽ thể hiện những khác biệt và
tương đồng một cách
khác nhau bằng khuôn khổ cấu trúc của hệ
thống văn hóa mà chúng là một bộ
phận. Hơn nữa, các khoảng thời gian và không gian
trong và giữa các phạm
trù chức năng rộng lớn
sẽ thay đổi theo cấu trúc của các mối quan hệ hệ thống giữa các hệ thống
văn hóa xã hội. Việc
nghiên cứu về các phân bố khác biệt này
có khả năng mang lại thông tin có giá trị liên quan đến bản chất của tổ chức xã
hội bên trong và thay đổi các
mối quan hệ giữa các hệ thống văn hóa xã hội. Nói tóm lại, việc giải thích
về những khác biệt và
tương đồng giữa các phức hợp khảo cổ học phải được đưa ra
theo khuôn khổ kiến thức hiện
tại của chúng ta về các đặc trưng cấu trúc và chức
năng của các hệ thống văn hóa.
Các
giải thích mang
tính “lịch sử” cụ thể, nếu
chúng có thể được chứng minh, chỉ đơn giản là thuyết minh các cơ chế của
quá trình văn hóa. Họ không thêm gì vào cách giải thích về các quá trình thay đổi
và tiến hóa văn hóa. Nếu các
cuộc di cư có thể được chỉ
rõ là đã diễn ra, thì việc thuyết minh này lại thể hiện một vấn đề giải
thích; hoàn cảnh thích nghi nào, các
quá trình tiến hóa
nào tạo ra di cư (Thompson 1958:
1)? Chúng ta phải tìm kiếm lời giải thích bằng khuôn khổ hệ thống cho các
lớp sự kiện lịch sử như di cư, thiết
lập “tiếp xúc” giữa các khu vực
trước đây bị cô lập, v.v. Chỉ khi đó chúng ta mới có những đóng góp lớn trong
lĩnh vực giải thích và tạo cơ sở cho sự tiến bộ hơn nữa của lý thuyết nhân học.
Với tư cách là một thực hành thuyết minh các vấn đề về phương pháp
luận được nêu ra ở đây, tôi sẽ trình bày một
thảo luận chung về cách
tiếp cận hệ thống cụ thể trong việc định giá các tập hợp khảo cổ học và sử dụng những
phân biệt này trong một thử
nghiệm giải thích về một tập hợp các quan sát khảo cổ học cụ thể.
Văn hóa được xem là phương tiện thích nghi thể ngoại cho cơ thể người (White 1959: 8). Tôi
quan tâm đến tất cả các phụ
hệ thống trong hệ thống văn hóa rộng lớn hơn, đó là: a) phụ hệ thống thể ngoại hay không, tùy thuộc vào quá trình sinh học để biến đổi hoặc xác định cấu trúc (điều
này không có nghĩa là hình thức và quá trình không thể được xem là bắt nguồn từ quá
trình sinh học, mà
chỉ là tính đa dạng và các quá trình đa dạng
hóa là không thể giải thích được bằng
khuôn khổ quá trình sinh học); và (b) chức năng thích nghi với cơ thể người,
được quan niệm một cách khái
quát, đối với toàn bộ môi trường
của nó cả về phương diện
tự nhiên lẫn xã hội. Trong khuôn khổ này, nhất quán coi công nghệ, các công cụ và các mối quan hệ xã hội
đó gắn khớp cơ thể với môi trường tự nhiên, liên quan chặt
chẽ đến bản chất của môi trường. Chẳng
hạn, chúng ta không mong đợi
tìm thấy những số lượng lớn lưỡi
câu trong số các di vật khảo cổ gần đây được phát hiện ở sa mạc Kalahari!
Tuy nhiên, quan điểm này không được coi là tư tưởng về “quyết định luận môi trường” vì chúng ta giả định mối quan hệ hệ thống giữa
cơ thể người và môi trường
của con người, trong đó văn hóa
là biến số can thiệp. Nói tóm lại, chúng ta đang nói về hệ sinh thái (Steward
1955: 36).
Chúng ta có thể quan sát các yêu cầu thích nghi thường hằng nhất định trên một
bộ phận của cơ thể và các giới hạn
thích nghi nhất định tương tự, với các loại môi trường cụ thể. Tuy nhiên, những
hạn chế cũng như tiềm năng của môi trường phải luôn được xem xét dưới dạng biến
số can thiệp trong hệ sinh thái của con người, có nghĩa
là văn hóa.
Với cách tiếp cận như vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên
khi lưu ý đến các tương đồng về
công nghệ giữa các nhóm có cấp độ phức tạp xã hội
tương tự sinh sống trong vùng
rừng phương bắc (Spaulding 1946) hoặc bất kỳ khu vực môi trường rộng lớn
nào khác. Nghiên cứu so sánh các hệ thống văn hóa với các công nghệ biến đổi
trong một phạm vi môi trường tương tự hoặc các công nghệ tương tự trong các môi
trường khác nhau là một phương pháp chính của cái mà Steward (1955:
36-42) gọi là “sinh thái văn hóa”, và chắc chắn là một phương tiện có giá trị làm tăng hiểu biết của chúng ta về các quá trình
văn hóa. Một phương pháp như vậy cũng hữu ích trong việc làm sáng tỏ các mối quan hệ cấu
trúc giữa các phụ
hệ thống văn hóa chủ
yếu cũng như các phụ hệ thống xã hội
và ý thức hệ. Trước khi bắt đầu các nghiên cứu như vậy của các nhà khảo cổ học,
chúng ta phải có khả năng phân biệt các yếu tố tạo tác có liên quan đó trong tập
hợp hiện vật có bối cảnh chức
năng chính trong các phụ
hệ thống xã hội, công nghệ và ý thức hệ của toàn bộ hệ thống văn hóa. Chúng
ta không nên đánh đồng “văn hóa vật chất” với công nghệ. Tương tự như vậy, chúng ta
không nên tìm kiếm cách giải thích cho những khác biệt và
tương đồng quan sát được trong “văn hóa vật chất” trong một khung tham chiếu diễn giải duy nhất. Người ta thường cho rằng chúng ta không thể khai quật được một hệ thống xã
hội hoặc ý thức hệ.
Đương nhiên, chúng ta không thể khai
quật được một từ chỉ quan hệ họ hàng
hoặc một triết lý, nhưng chúng ta lại có thể và thực sự khai quật được các hạng mục vật chất đã từng vận hành cùng với các yếu
tố hành vi nhiều hơn trong các
phụ hệ thống văn hóa thích hợp. Cấu trúc hình thức của các tập hợp hiện vật cùng với
các mối quan hệ bối
cảnh giữa các yếu tố nên và phải
đưa ra được một bức tranh có
hệ thống và dễ hiểu về toàn bộ hệ thống văn hóa đã tuyệt chủng. Thật khó mà biện hộ hơn nữa cho các nhà khảo cổ học
khi họ không thể giải
thích được các tương đồng và khác biệt nhất định về hình thức, thời
gian và không gian trong một khung tham chiếu duy nhất so với việc một nhà dân
tộc học cố gắng giải thích về các
khác biệt trong
các thuật ngữ chỉ
anh chị em họ, mức độ hội
nhập văn hóa xã hội, các
phong cách trang
phục, và các phương thức vận
chuyển tất cả với cùng các
biến số hoặc bằng cùng một khung
tham chiếu. Các lớp hoặc hạng
mục này được khớp nối khác nhau trong một hệ thống văn hóa tích hợp, do đó các
biến thích hợp mà mỗi biến được khớp nối và biểu hiện biến thể đồng thời là
khác nhau. Thực tế này che khuất khung tham chiếu giải thích duy nhất. Các quá
trình thay đổi phù hợp với từng lớp
hoặc hạng mục là khác nhau do các cách thức khác nhau mà chúng hoạt động
trong việc đóng góp vào toàn bộ hệ thống thích ứng.
Phù hợp với tuyến
suy lý này là việc khẳng định rằng
chúng ta với tư cách là nhà khảo cổ học phải đối mặt với vấn đề xác định các hiện vật có công dụng thực tiễn khỏi các hình
thái hiện vật khác. Công
dụng thực tiễn biểu thị những hiện vật có bối cảnh chức
năng chính của chúng trong việc đối phó trực tiếp với môi trường tự nhiên. Tính biến đổi trong các
thành phần công dụng
thực tiễn của các
tập hợp hiện vật khảo cổ học được
xem là chủ yếu có thể giải thích được bằng khung tham chiếu
sinh thái. Ở đây, chúng ta phải quan tâm đến các hiện tượng như hiệu quả khai
thác, hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ bù sinh học như giữ nhiệt, bản
chất của các nguồn lực sẵn có, phân bố, mật độ và khả năng sẵn có của chúng,
v.v. Trong lĩnh vực
nghiên cứu và giải thích này, nhà khảo cổ học có được vị trí đóng góp
trực tiếp vào lĩnh vực nhân học. Chúng ta có thể xác định mối tương liên trực tiếp các hiện vật có công dụng thực tiễn với các biến môi
trường vì chúng ta có thể biết được sự phân bố của hệ thực vật và quần động vật hóa thạch từ nguồn dữ liệu độc lập -
mang lại cho chúng ta thực
chất của các môi trường đã tuyệt chủng.
Một lớp hiện vật chủ yếu khác mà các nhà khảo cổ học phục hồi có thể được gọi là công nghệ xã hội. Những hiện vật này là các yếu tố vật chất có bối cảnh chức năng chính của chúng trong các phụ hệ thống xã hội của toàn bộ hệ thống văn hóa. Phụ hệ thống này vận hành như một phương tiện thể ngoại để kết khớp các cá nhân với nhau thành các nhóm gắn kết có khả năng tự duy trì hiệu quả và khả năng thao tác công nghệ. Các hiện vật chẳng hạn như vương miện của nhà vua, quyền trượng của chiến binh, đồng từ bờ biển Tây Bắc, v.v., đều thuộc loại này. Những thay đổi về độ phức tạp tương đối của cấu phần kỹ thuật xã hội của một tập hợp khảo cổ học có thể liên quan đến những thay đổi trong cấu trúc của hệ thống xã hội mà họ đại diện. Chắc chắn các quá trình tiến hóa, trong khi tương quan và liên quan, đều không giống nhau trong việc giải thích những thay đổi cấu trúc trong các hiện tượng công nghệ và xã hội. Các nhân tố như nhân khẩu học, có hay không có hiện tượng cạnh tranh giữa các nhóm, v.v., cũng như các nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến thay đổi công nghệ, phải được xem xét khi cố gắng giải thích biến đổi xã hội. Không chỉ các biến có liên quan khác nhau, mà còn có thêm cả sự khác biệt khi nói về hiện vật kỹ thuật xã hội. Việc giải thích về hình thức và cấu trúc cơ bản của cấu phần kỹ thuật xã hội của tập hợp hiện vật nằm trong bản chất và cấu trúc của hệ thống xã hội mà nó đại diện. Sự khác biệt và biến đổi có thể quan sát được trong các cấu phần kỹ thuật xã hội của các tập hợp khảo cổ học phải được giải thích bằng việc tham chiếu đến những biến đổi cấu trúc trong hệ thống xã hội và trong khuôn khổ các quá trình biến đổi và tiến hóa xã hội.
Do đó, các nhà khảo cổ học ban đầu chỉ có thể
đóng góp gián tiếp vào việc khảo
sát tiến hóa xã hội. Tôi sẽ xem việc
nghiên cứu và thiết lập các tương quan giữa
các loại cấu trúc xã hội được phân loại trên cơ sở các thuộc tính hành vi và các
loại cấu trúc của các yếu tố vật chất là một trong những lĩnh vực chính của
nghiên cứu nhân học chưa được phát triển. Một khi các mối tương quan như vậy được
xác lập, thì các nhà khảo cổ học
có thể bắt tay vào
nghiên cứu các vấn đề biến đổi tiến hóa trong
các hệ thống xã hội. Tôi
cho rằng, chỉ khi coi toàn bộ thời
gian tiến hóa văn hóa như là “phòng thí nghiệm” của mình, thì chúng ta mới có
thể đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực quan trọng của nghiên cứu
nhân học xã hội.
Lớp hiện
vật chủ yếu thứ ba mà các
nhà khảo cổ thường phục hồi có thể được gọi là các hiện vật kỹ thuật tư tưởng. Các hạng mục của lớp này
có bối cảnh chức năng chính trong cấu phần ý thức hệ của
hệ thống xã hội. Đây là những hạng
mục biểu thị và tượng trưng cho sự hợp lý hóa ý thức hệ cho hệ thống xã hội
và cung cấp thêm môi trường biểu tượng trong đó các cá nhân được nhập văn hóa [1], một tất yếu nếu họ phải thay
thế vị trí của mình với
tư cách là những người tham gia mang tính chức năng vào hệ thống xã hội. Các hiện vật như hình tượng của các vị thần,
biểu tượng thị tộc, biểu tượng của
các tác tố tự nhiên, …vv, đều thuộc hạng mục chung này. Tính đa dạng tính phức tạp cấu trúc và về các lớp chức năng của hạng mục hiện vật này nói chung phải liên quan đến những biến đổi trong cấu
trúc của xã hội, do đó phải
tìm kiếm các giải thích trong tình huống thích nghi cục bộ hơn là
trong lĩnh vực “giải thích lịch sử”. Như trường hợp của các hiện vật kỹ thuật xã hội,
chúng ta phải tìm cách thiết lập các
mối tương quan giữa các lớp chung của hệ thống ý thức hệ và cấu trúc của
biểu tượng vật chất. Chỉ sau khi các mối tương quan như vậy được thiết lập, các
nhà khảo cổ học mới có thể nghiên cứu một cách có hệ thống cấu phần này của phụ hệ thống xã hội.
Cắt qua
toàn bộ các lớp hiện vật chung này là
những đặc trưng hình thức có thể được
gọi là phong cách, phẩm chất hình thức không thể
minh giải trực tiếp theo khuôn khổ bản chất của
nguyên liệu thô, công nghệ sản xuất hoặc thay đổi cấu trúc của các phụ hệ thống công nghệ và xã hội
của hệ thống văn hóa
tổng thể. Những phẩm chất hình
thức này được cho là có bối cảnh chức năng chính trong việc cung cấp một
môi trường nhân tạo đa dạng về
biểu tượng nhưng lại
tỏa rộng, thúc đẩy sự cố kết của nhóm và
làm cơ sở cho nhận thức và bản sắc nhóm. Tập biểu tượng liên-hệ thống này là
môi trường nhập văn hóa và là cơ sở
để nhận ra sự khác biệt xã hội. “Một trong những
chức năng chính của nghệ thuật với
tư cách giao tiếp là củng cố niềm tin, phong tục và các giá trị” (Beals and Hoijer 1955: 548). Sự phân bố các
kiểu loại phong cách và các truyền thống được
cho là phần lớn tương quan với các lĩnh vực phổ biến về cấp độ phức tạp văn hóa và về phương thức thích ứng. Những biến đổi về phân bố không - thời gian của các kiểu loại phong cách được
cho là có liên quan đến những biến đổi về cấu trúc của các hệ thống văn hóa xã hội hoặc
được tạo ra thông qua các quá trình tiến hóa tại chỗ, hoặc bởi những biến đổi trong môi
trường văn hóa mà hệ thống văn hóa xã hội địa phương thích nghi, do đó bắt đầu biến đổi tiến hóa.
Người ta tin rằng các thuộc tính phong cách được nghiên cứu một cách hiệu quả
nhất khi các vấn đề về nguồn gốc dân
tộc, di cư và tương tác giữa các nhóm là chủ đề khảo sát. Tuy nhiên, khi tìm kiếm các cách giải thích, thì toàn bộ bối cảnh
thích nghi của hệ thống văn
hóa xã hội đang bàn
đến cần phải được nghiên cứu. Trong lĩnh vực nghiên cứu này, các
nhà khảo cổ học có
được một vị trí tuyệt vời để đóng góp lớn cho lĩnh vực nhân học nói chung, vì
chúng ta có thể làm việc trực tiếp trong
khuôn khổ tương quan cấu trúc của các tổ hợp hiện vật với các tỷ lệ thay đổi phong cách, các định hướng lan truyền
phong cách, và sự ổn định của tính
liên tục-phong cách.
Khi
đã thừa nhận ba lớp hiện
vật chức năng chung: công
dụng thực tiễn, kỹ thuật-xã hội và kỹ thuật-tư tưởng, cũng như một loại
thuộc tính phong cách hình thức, mà mỗi loại được đặc trưng bởi các chức năng
khác nhau trong toàn bộ hệ thống văn hóa và các quá trình thay đổi tương ứng
khác nhau thì người
ta cho rằng định hướng lý thuyết hiện tại của chúng ta là không đủ và cũng không đủ để thử giải thích. Người ta lập luận rằng các giải
thích về những khác biệt và
tương đồng giữa các tập hợp khảo cổ học
nói chung với
tư cách một tổng thể thì trước tiên phải xem xét bản chất của những khác biệt trong
mỗi loại chủ yếu này và chỉ sau
khi định giá như vậy thì mới có thể đưa
ra các giả thuyết giải thích.
Với phần giới thiệu ngắn gọn và khá đơn giản này, tôi
sẽ chuyển sang một trường hợp cụ thể, khu phức hợp Old Copper (Wittry và Ritzenthaler
1956). Từ lâu, người ta đã quan sát và thường trích dẫn như một trường hợp “thoải triển” công nghệ là trong Cổ thời, các công cụ
đồng đỏ thực dụng
cao cấp đã được sản xuất, trong khi đó, Sơ kỳ và Trung kỳ Woodland lại chủ yếu sử dụng để sản
xuất các mặt hàng không thực dụng (Griffin 1952: 356). Tôi sẽ khám phá tình huống thú vị này
theo: 1) khung tham chiếu được trình bày ở đây; 2) các khái quát hóa đã
được đưa ra trước đó liên quan đến bản chất của biến đổi văn hóa; và 3) một tập giả thuyết liên
quan đến các mối quan hệ giữa các hình thức nhất định của các hiện vật kỹ thuật-xã hội và cấu
trúc của các hệ thống xã hội mà chúng đại diện. Giả định chuẩn thường khi nghĩ
về các hiện vật bằng đồng điển hình của phức hợp Old Copper là chúng chủ yếu có công dụng thực tiễn (được
sản xuất để đối phó trực tiếp với môi trường tự nhiên nơi đây). Người ta
thường cho rằng những công cụ này ưu trội so với các công cụ có chức năng tương
đương bằng chất liệu đá và xương vì độ bền và được cho là ưu trội trong việc dùng để cắt và đâm. Một
khái quát chung là trong lĩnh vực công nghệ, các hình thức hiệu quả hơn có xu
hướng thay thế các hình thức kém hiệu quả hơn. Trường hợp Old Copper dường như
là một ngoại lệ.
Hiệu quả tuyệt đối trong công việc chỉ là một mặt
của đồng tiền khi được nhìn
nhận trong bối cảnh thích ứng. Hiệu xuất thích ứng cũng phải được
xem xét về mặt kinh tế, nghĩa là mức tiêu dùng năng lượng so
với bảo tồn năng lượng (White 1959: 54). Để một công cụ có thể thích ứng hiệu quả hơn công cụ khác, phải
giảm tiêu dùng năng lượng trên một đơn vị năng lượng bảo tồn trong công việc, hoặc tăng mức
bảo tồn năng lượng trên mỗi đơn vị hiệu suất so với việc tiêu dùng năng lượng không
đổi trong sản xuất công cụ. Nhìn theo cách này, chúng ta có thể đặt câu hỏi cho luận điểm là các công cụ bằng
đồng có hiệu quả hơn về mặt công nghệ?. Việc sản xuất các công
cụ bằng đồng bằng cách sử dụng các kỹ thuật trong sản xuất các mẫu vật Old Copper chắc
chắn đòi hỏi chi phí rất lớn về cả thời gian và lao động. Các nguồn nguyên liệu đồng không nằm
trong các khu vực mà hầu hết các dụng cụ Old Copper phân bố dày đặc nhất (Wittry 1951),
do đó việc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu, hoặc ít nhất là
thiết lập mạng lưới hậu cần dựa trên các mối quan hệ họ hàng trên các khu vực
rộng lớn, là điều kiện tiên quyết cho việc tìm được nguồn nguyên liệu thô. Việc khai thác đồng, bằng cách sử dụng các kỹ
thuật khai thác mỏ
nguyên thủy được minh họa bằng các hố khai thác của thổ dân trên đảo Isle
Royale và bán đảo Keewenaw (Holmes 1901), đòi hỏi phải tốn thêm thời gian và
công sức. Nguyên liệu thô để sản xuất các công cụ có chức năng tương đương với công cụ đồng thường có sẵn
tại địa phương hoặc ít nhất là có sẵn tại một số điểm trong giới hạn của chu kỳ
khai thác thông thường. Khai thác về cơ bản là một quá trình thu thập không đòi
hỏi kỹ thuật chuyên môn và có thể được thực hiện ngẫu nhiên khi thực hiện các công việc khác. Chắc chắn
về chi phí thời gian và năng lượng, liên quan đến việc phân phối các nguồn
nguyên liệu thô và kỹ thuật khai thác, thì nguyên liệu đồng đòi hỏi một
khoản chi rất lớn so với nguyên liệu đá và xương.
Giai đoạn xử lý việc sản xuất công cụ dường
như thể hiện một mức độ khó xử không kém liên quan đến tiêu dùng năng lượng. Việc xử lý
đồng thành một thành phẩm hoàn thiện thường đòi hỏi phải tách các tạp chất tinh thể ra khỏi
đồng. Sau giai đoạn xử lý này, quy trình thông thường dường như là dập và làm phẳng
một phần các mảnh đồng nhỏ sau đó được đập lại với nhau để “tạo dựng” một vật phẩm
(Cushing 1894). Một khi đã
có được hình dạng thiết yếu thì cần thêm kỹ thuật rèn, mài và đánh
bóng. Tôi cho rằng quá trình này tốn nhiều thời gian hơn so với việc tạo hình và hoàn
thiện một vật phẩm bằng cách ghè
đẽo đá lửa, hoặc thậm chí là kỹ thuật tách và mài được sử dụng trong
sản xuất các công cụ bằng đá gốc. Theo đó,
việc sản xuất các công cụ bằng đồng cần tiêu dùng nhiều thời gian
và năng lượng hơn so với việc sản xuất các công cụ có chức năng tương
đương bằng xương hoặc đá.
Đã
đến lúc chuyển sang vấn đề bảo tồn năng lượng trong thực hiện chức năng công cụ, chúng ta có thể
hỏi hiện tồn tại
những khác biệt
gì. Có vẻ khá chắc chắn là đồng có lẽ bền hơn và có thể được sử dụng trong một thời gian dài hơn.
Theo như những gì khác biệt tồn tại giữa đồng và đá, liên quan đến chức năng
cắt và đâm,thì chỉ có thể xác định bằng
thực nghiệm. Bằng cách xem xét tất cả các bằng chứng này, thì phẩm chất độ bền dường
như là lĩnh vực duy nhất có thể bù đắp cho những khác biệt trong tiêu dùng năng lượng giữa
đá và xương so với đồng trong lĩnh vực tìm kiếm và chế biến
nguyên liệu thô. Có
bằng chứng nào cho thấy độ bền trên thực tế là phẩm chất bù trừ khiến cho các công cụ
đồng hiệu quả hơn về mặt công nghệ? Tất cả các bằng chứng có sẵn đều cho thấy sự diễn giải trái ngược. Trước hết, chúng ta không có bằng
chứng cho thấy nguyên liệu thô được tái sử dụng ở bất kỳ mức độ
lớn nào khi một hiện vật bị vỡ hỏng hoặc “cùn mòn”. Nếu đúng là như vậy thì chúng ta hy vọng sẽ thiếu vắng
các mảnh bị gãy
vỡ, “cùn mòn” và một số mẫu vật của các mảnh được
gia công lại, trong khi bằng chứng sử dụng là một đặc trưng chung của mẫu vật
được thu hồi và theo hiểu biết của tôi thì các mẫu vật gia công lại là không phổ biến nếu không phải là chưa được biết.
Thứ hai, khi được tìm thấy trong bối cảnh khảo cổ học thời sơ sử, thì các công cụ bằng
đồng gần như luôn luôn là một phần của các
đồ tùy táng. Nếu độ bền là yếu tố bù trừ trong phương trình hệ số hiệu quả, thì chắc chắn một cơ
chế xã hội nào đó để duy trì các công cụ bằng đồng với
tư cách là các bộ phận chức năng của công nghệ sẽ
được thiết lập. Điều này dường như lại không phải là như vậy. Vì độ bền có
thể được loại ra với tư cách là yếu tố bù trừ, chúng ta phải kết luận
rằng về mặt công nghệ, các
công cụ bằng đồng không hiệu quả hơn so với các công cụ có chức năng tương
đương được làm bằng cả đá và xương. Khi
đã đi tới “kết luận” này, vẫn còn phải
khảo sát vấn đề về sự xuất hiện ban đầu của các công cụ bằng đồng
và kiểm tra kết quả cho rằng đã có sự thay đổi từ việc sử dụng đồng để sản xuất các công cụ thực dụng sang các
mặt hàng phi thực dụng. Người ta cho rằng sự thay đổi thấy
được và sự xuất hiện ban đầu của các công cụ bằng đồng có thể được giải
thích rõ ràng nhất bằng giả thuyết cho rằng chúng không thực hiện chức năng chủ yếu với tư cách là các vật phẩm có công dụng thực
tiễn. Tôi cho rằng trong cả
hệ thống văn hóa Old
Copper và các
hệ thống văn hóa muộn hơn ở phía nam, đồng được sử
dụng chủ yếu để sản xuất các mặt hàng
công nghệ xã hội.
Fried (1960) thảo luận về sự phân biệt thích hợp nhất
định giữa các xã hội liên quan đến các hệ thống phân cấp vị thế. Các xã hội ở cấp độ phức tạp văn
hóa chung thấp, được đo lường theo
khuôn khổ chuyên môn hóa chức năng và sự khác biệt cấu trúc, thông
thường có một hệ thống phân cấp
vị thế “bình quân chủ nghĩa”. Thuật ngữ “bình quân chủ nghĩa” biểu thị rằng các vị trí vị
thế được mở cho tất cả mọi người trong các giới hạn của một số lớp tuổi và giới tính nhất
định, mà thông qua các đặc điểm thể chất và tinh thần cá nhân của họ có khả năng đạt
được thành tích cao hơn trong việc đối phó với môi trường. Trong các xã hội có
độ phức tạp cao hơn, việc phân cấp
vị thế có thể ít bình quân hơn. Trong đó việc phân hạng là cơ chế
chính của phân cấp
vị thế, các vị trí vị thế được đóng lại. Có những phẩm chất phải có, không chỉ đơn
giản là một chức năng của năng lực thể chất và tinh thần cá nhân. Một ví dụ
kinh điển về phân hạng được tìm thấy trong các xã hội với hình thức tổ chức xã hội phân nhánh (Sahlins 1958:
139-180). Trong các xã hội như vậy, vị thế được xác định bởi mức độ gần gũi của một
người được truyền từ một tổ tiên chung. Vị
thế cao được dành cho những người theo dòng trực hệ, được tính theo chế độ con trưởng, trong khi các
dòng con thứ chiếm vị trí của vị
thế thấp hơn tùy thuộc vào mức
độ gần với dòng trực hệ. Một hình thức khác của
hệ thống phân hạng nội bộ là việc
đạt được một vị trí vị
thế cụ thể bị đóng đối với tất cả ngoại trừ những thành viên của một nhóm thân tộc đặc thù có thể chiếm vị
trí vị thế khác biệt, nhưng lại
mở cho tất cả các thành viên của nhóm thân tộc đó trên cơ sở bình quân chủ nghĩa. Các hình thức
phân hạng vị thế khác được công nhận, nhưng vì mục đích của thảo luận
này, nên sự khác biệt chủ
yếu giữa các hệ thống bình quân và được phân hạng là đủ. Tôi cho rằng có một mối quan
hệ trực tiếp giữa bản chất của hệ thống phân cấp vị thế trong một xã hội
và số lượng, hình thức cũng
như cấu trúc của các cấu phần kỹ thuật-xã hội của tập hợp khảo cổ học của nó.
Chúng tôi cho rằng trong các xã hội bình quân, các biểu tượng vị thế là biểu trưng của các hoạt động công nghệ mà thành tích vượt trội được tưởng thưởng bằng việc
gia tăng vị thế. Trong nhiều trường hợp, chúng sẽ là những vật phẩm có công dụng thực tiễn được sản
xuất bằng vật liệu “kỳ lạ” hoặc được trang trí công phu và/ hoặc được sản xuấtvô cùng tỷ mỉ. Tôi không có ý nói rằng các hiện vật đó không thể hoặc
không được sử dụng theo
công dụng thực tiễn, đơn giản là sự hiện diện của chúng trong tập hợp đó chỉ có thể giải thích được khi quy chiếu vào hệ thống xã hội. Trong một hệ thống như vậy,
cấu trúc của cấu phần kỹ thuật-xã hội liên quan đến các mối quan hệ “mang tính ngữ cảnh” cần phải đơn giản. Các biểu
tượng vị thế khác nhau sẽ gần như được sở hữu bởi tất
cả các cá nhân trong giới hạn của các lớp tuổi và giới tính, sự khác biệt trong một lớp
như vậy chủ yếu mang
tính định lượng và định tính hơn
là bằng việc loại trừ chính thức các hình thức cụ thể đối với các cấp
vị thế cụ thể. Mức độ mà các biểu tượng kỹ thuật-xã hội của vị thế sẽ được sử dụng
trong một nhóm bình
quân chủ nghĩa chủ yếu phải
là một chức năng của quy mô nhóm cùng cường độ và tính nhất quán của sự quen biết
cá nhân giữa tất cả các cá
nhân cấu thành xã hội đó. Ở
nơi mà quy mô nhóm nhỏ và thiếu tương tác với các nhóm lân cận
là mô hình chuẩn thường, thì mức
độ phong phú của các
biểu tượng vị thế sẽ thấp đi. Ở
nơi mà kích cỡ nhóm lớn và / hoặc
nơi mà các tương tác giữa
các nhóm được phổ biến rộng rãi, làm giảm tính thân mật và quen
thuộc giữa các cá nhân tương tác, thì nên sử dụng phương tiện vật chất giao tiếp vị thế lớn hơn và chung hơn.
Một đặc trưng khác của việc thao tác các biểu tượng vị thế giữa các xã hội với các hệ thống phân cấp vị thế chủ yếu là bình quân sẽ là sự hủy bỏ các biểu tượng vị thế của một cá nhân khi người đó chết. Việc đạt được vị thế là bình quân, còn các biểu tượng vị thế sẽ là các cá tính và không thể được thừa kế theo đúng nghĩa của từ. Việc biến thành đồ tùy táng hoặc phá hủy hoàn toàn sẽ là phương thức xử lý được đề xuất cho các hiện vật biểu hiện vị thế trong các nhóm như vậy. Trong số các xã hội nơi việc phân cấp vị thế có xu hướng thuộc loại phi bình quân chủ nghĩa, thì các biểu tượng vị thế phải có có tính bí truyền hơn về hình thức. Hình thức của chúng thường sẽ được quyết định bởi biểu tượng ý thức hệ hợp lý hóa và nhấn mạnh hệ thống xếp hạng nội bộ cụ thể hoặc phương tiện phân chia xã hội. Cấu trúc của cấu phần kỹ thuật-xã hội của tập hợp khảo cổ học sẽ phức tạp hơn, với độ phức tạp tăng trực tiếp như độ phức tạp của hệ thống phân cấp nội bộ. Việc sở hữu các hình thức nhất định có thể trở nên hoàn toàn hạn chế cho các vị trí vị thế nhất định. Khi mức độ phức tạp trong phân cấp tăng lên, sẽ có sự gia tăng tương tự về sự khác biệt của các hợp quần theo ngữ cảnh với hình thức xử lý khác biệt khi chết, khả năng tiếp cận khác biệt đối với các hàng hóa và dịch vụ được chứng tỏ bằng sự khác biệt hình thức và không gian theo nơi cư trú và các khu vực cất giữ, v.v. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ quan sát sự khác biệt giữa lớp các biểu tượng vị thế tự thân liên quan đến những biểu tượng được sử dụng trên cơ sở án phạt trái ngược với những biểu tượng là các cá tính. Tương tự như vậy, chúng ta sẽ thấy các biểu tượng vị thế của người chết được thừa kế thường xuyên hơn khi chế độ thừa kế tăng lên nhờ cơ chế quy gán vị thế.
Chắc chắn đây là những gợi ý phải được diễn đạt dưới dạng giả thuyết và được kiểm nghiệm dựa vào dữ liệu dân tộc học. Tuy nhiên, hy vọng rằng thảo luận này đủ để làm nền tảng cho giả thuyết giải thích về các tư liệu Old Copper có thể được đưa ra như một ví dụ về tiện ích tiềm năng của loại tiếp cận hệ thống này đối với dữ liệu khảo cổ học. Tôi cho rằng các công cụ bằng đồng của Old Copper có bối cảnh chức năng chính của chúng là các biểu tượng vị thế đạt được trong các hệ thống văn hóa với một hệ thống phân cấp vị thế bình quân chủ nghĩa. Các mô thức định cư và cấp độ phát triển văn hóa chung được gợi ra từ các di tích khảo cổ học tương xứng với cấp độ hội nhập văn hóa xã hội của nhóm (Martin, Quimby, và Collier 1947: 299), trong đó các hệ thống phân cấp vị thế bình quân chiếm ưu thế (Fried 1960). Hình thức công dụng thực tiễn, tình trạng thiếu hiệu quả công dụng thực tiễn rõ ràng, mức khan hiếm tương đối và sự xuất hiện thường xuyên của hiện vật đồng trong các ngôi mộ đều cho thấy chức năng chính của chúng là các hàng hóa kỹ thuật-xã hội. Khi đã đạt tới “kết luận” này, thì chúng ta đang ở vào một vị trí để đặt ra, theo khuôn khổ hệ thống, các câu hỏi liên quan đến giai đoạn xuất hiện, biến mất của chúng, và việc chuyển sang các hình thái hiện vật đồ đồng không có công dụng thực tiễn trong các hệ thống văn hóa xã hội tiền sử muộn hơn ở vùng Đông Bắc Mỹ.
Tôi cho rằng sự xuất hiện
ban đầu của các công cụ đồng “thực
dụng” trong khu vực Hồ
Lớn có thể giải thích được bằng
khuôn khổ bành trướng dân số lớn trong khu vực sau giai đoạn Nipissing của khu vực Hồ Lớn tổ tiên. Sự gia
tăng mật độ dân số là kết quả của việc tăng năng suất gộp sau
khi chuyển đổi khai thác sang nguồn lợi thủy sản trong giai đoạn Nipissing. Các quần thể dân số tăng nói
chung có thể chứng minh được bằng số lượng các địa
điểm khảo cổ đã tăng lên vào hậu kỳ Nipissing. Sự chuyển đổi sang nguồn lợi thủy
sản có thể được chứng minh bằng sự xuất hiện ban đầu của số lượng di tích cá còn lại trong
các di chỉ của thời kỳ này
và trong các di chỉ liền kề với các vị trí nổi bật về khả
năng khai thác các
nguồn lợi thủy sản. Người
ta cho rằng với mật độ dân số ngày càng tăng, áp lực lựa chọn thúc đẩy
giao tiếp vị thế tượng
trưng, trái ngược với tình
trạng phụ thuộc vào nhận thức cá nhân làm cơ sở cho hành vi vai trò khác biệt, đủ
để dẫn đến sự xuất hiện ban đầu của một lớp hàng hóa kỹ thuật-xã hội mới, các biểu tượng vị thế công dụng thực tiễn chính thức. Thất bại trong việc duy trì thực hành sản xuất các công
cụ bằng đồng trên bất kỳ cơ sở mở
rộng nào trong khu vực Hồ
Lớn đều cần phải được thuyết giải bằng khuôn khổ biến đổi cấu trúc của
các hệ thống xã hội ở khu vực đó trong thời Woodland. Loại cấu trúc xã hội chính xác đặc
trưng của thời Sơ
kỳ Woodland hiện tại vẫn
chưa được hiểu rõ. Tôi cho rằng đã có một sự biến đổi cấu trúc lớn
giữa giai đoạn Hậu Cổ thời và thời Sơ kỳ Woodland, có lẽ theo hướng một thị tộc duy nhất và cơ sở bộ phận cho sự hòa nhập xã hội với
sự thay đổi tương ứng trong các hệ thống phân cấp vị thế và sự lỗi thời của
phương tiện vật chất giao tiếp vị thế cũ hơn.
Sự hiện diện của hình thái công cụ đồng về cơ bản không thực dụng trong các phức hợp như Adena, Hopewell và Mississippian chắc chắn có thể giải thích rõ nhất về các chức năng kỹ thuật-xã hội của chúng trong các hệ thống xã hội phức tạp hơn nhiều. Trong các xã hội sau này, việc phân cấp vị thế không hoàn toàn dựa trên cơ sở bình quân, và các hình thức biểu tượng vị thế của đồ đồng không thực dụng có lẽ tương xứng về hình thức với quá trình hợp lý hóa ý thức hệ đối với các hệ thống quy gán vị thế khác nhau. “Lý thuyết” giải thích này có ưu điểm là “giải thích”: 1) thời kỳ xuất hiện của đồng và có lẽ cả các vật liệu “kỳ lạ” khác trong Cổ thời muộn; 2) hình thức của các mặt hàng đồ đồng; 3) các mối quan hệ bối cảnh thường được ghi nhận của chúng, chẳng hạn, đặt trong các mộ táng; 4) sự biến mất của chúng, sẽ là một “bí ẩn” nếu chúng thực hiện chức năng chủ yếu là các hạng mục có công dụng thực tiễn; và 5) việc sử dụng đồng để sản xuất các mặt hàng “phi thực dụng” gần như độc quyền trong các văn hóa muộn và chắc chắn là phức tạp hơn ở miền đông Hoa Kỳ. Lý thuyết giải thích này được đưa ra trên cơ sở thông tin hiện có, và bất kể nó có thể hay không thể đứng vững như là sự giải thích chính xác cho “Vấn đề Old Copper” hay không khi có nhiều dữ liệu hơn, tôi cho rằng chỉ bằng một khung tham chiếu hệ thống mới có thể đưa ra được cách giải thích bao quát như vậy. Đây chính là lợi thế của cách tiếp cận hệ thống.
Khảo cổ học phải chấp nhận một trách nhiệm lớn hơn trong việc xúc tiến các mục đích của nhân học. Chờ đến khi số lượng dữ liệu khổng lồ mà nhà khảo cổ học kiểm soát được sử dụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến tiến hóa văn hóa hoặc thay đổi hệ thống, thì chúng ta không chỉ không đóng góp được cho việc thực hiện các mục đích của nhân học mà còn làm chậm lại việc đạt được các mục đích này. Chúng ta với tư cách là các nhà khảo cổ học đã có sẵn một loạt các biến thể và một tập mẫu lớn các hệ thống văn hóa. Các nhà dân tộc học bị giới hạn trong các hệ thống văn hóa nhỏ bé và còn tồn tại rất hạn chế. Các nhà khảo cổ học cần phải là những người có trình độ tốt nhất để nghiên cứu và trực tiếp kiểm nghiệm các giả thuyết liên quan đến quá trình biến đổi tiến hóa, đặc biệt là các quá trình biến đổi tương đối chậm, hoặc các giả thuyết đưa ra các ưu tiên theo quá trình-thời gian liên quan đến các hệ thống văn hóa tổng thể. Tình trạng thiếu quan tâm về mặt lý thuyết và những nỗ lực khá ngây thơ trong việc giải thích mà các nhà khảo cổ hiện đang đưa ra cần phải được sửa đổi. Tôi đã đề xuất một số cách thức nhất định có thể là bước khởi đầu trong quá trình chuyển đổi cần thiết này sang một cái nhìn hệ thống về văn hóa, và đã đưa ra một lập luận cụ thể, hy vọng chứng minh tiện ích của cách tiếp cận như vậy. Tiềm năng giải thích mà ngay cả cách tiếp cận diễn giải hạn chế và đặc biệt này vẫn phải được đảm bảo rõ ràng khi các vấn đề như “sự lan truyền của tục sùng bái mồ mả thời sơ kỳ Woodland ở vùng Đông Bắc” (Ritchie 1955), sự xuất hiện của “nghi lễ Buzzard” (Waring and Holder Năm 1945) ở vùng Đông Nam, hay tình trạng “suy thoái Hopewell” (Griffin 1960) được gợi lại. Theo tôi, cho đến khi chúng ta với tư cách là các nhà khảo cổ học bắt đầu suy nghĩ về các dữ liệu của chúng ta theo khuôn khổ các hệ thống văn hóa tổng thể, thì nhiều “bí ẩn” thời tiền sử như vậy sẽ vẫn không được giải thích. Là các nhà khảo cổ học, với toàn bộ khoảng thời gian lịch sử văn hóa như là “phòng thí nghiệm” của chúng ta, chúng ta không thể cứ vùi những cái đầu lý thuyết của mình trong cát. Chúng ta phải gánh lấy toàn bộ trách nhiệm của mình trong ngành nhân học, chỉ có thay đổi như vậy thì mới có thể tiến xa, đặc biệt trong việc thúc đẩy lĩnh vực khảo cổ học, và chắc chắn sẽ thúc đẩy cả lĩnh vực nhân học nói chung.
_____________________________________________
Nguồn: Binford,
Lewis R. (1962). Archaeology as Anthropology. In American Antiquity, Vol. 28, No. 2. (Oct., 1962), pp.
217-225.
Tác
giả
Lewis Roberts Binford (1931 - 2011) là một nhà khảo cổ học
người Mỹ nổi tiếng với các
công trình có ảnh hưởng
trong lý thuyết khảo cổ học, dân tộc học và thời đại Đá cũ. Ông được coi là
một trong những nhà khảo cổ học có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 và được cho là
đã thay đổi căn bản lĩnh vực này bằng việc giới thiệu khảo cổ học quá trình hay
“Khảo cổ học mới” vào những năm 1960. Tuy nhiên, ảnh hưởng của
Binford đã gây tranh cãi và hầu hết các công trình lý thuyết về khảo cổ học vào
cuối những năm 1980 và 1990 được cho
là phản ứng hay ủng hộ hệ mẫu quá trình. Những
đánh giá gần đây khẳng
định rằng cách tiếp cận của ông mắc
nợ rất nhiều với các công trình trước đó vào những
năm 1940 và 1950 so với những chỉ trích mạnh mẽ của Binford đối với những người tiền
nhiệm của ông. Khi còn nhỏ,
ông rất quan tâm đến động vật, và sau khi học xong trung học, ông nghiên cứu sinh học
động vật hoang dã tại Viện Bách khoa Virginia.
Sau khi rời quân đội, Binford theo ngành nhân học tại
Đại học Bắc Carolina (UNC). Ông có bằng cử nhân thứ hai tại UNC và sau đó vào
năm 1957 chuyển đến Đại học Michigan để hoàn thành bằng thạc sĩ và tiến sĩ. Đề tài Luận án của ông
là sự tương tác giữa người Mỹ bản địa và những thực dân Anh đầu tiên ở
Virginia, một chủ đề mà ông bắt đầu quan tâm khi còn ở UNC.
Binford lần đầu tiên không thỏa mãn với tình trạng khảo cổ
học hiện thời khi còn học tại UNC. Ông cảm thấy rằng lịch sử văn hóa phản ánh giống hệt tâm lý “sưu tập tem” đã khiến ông quay lưng lại với sinh học. Tại
Michigan, ông đã thấy một sự tương phản rõ rệt giữa “sự phấn khích” của các nhà nhân
học văn hóa thuộc Khoa Nhân học, bao gồm Leslie White và “những kẻ mặc áo khoác trắng đếm mảnh
nồi vỡ ” trong Bảo tàng Nhân học. Vị trí học thuật đầu tiên của ông là trợ
lý giáo sư tại Đại học Chicago, nơi ông dạy môn Khảo cổ học Tân thế giới và phương pháp
thống kê trong khảo cổ học. Ngay sau khi được bổ nhiệm, ông đã viết bài báo lớn
đầu tiên của mình, Archaeology as Anthropology
(1962), được kích thích bởi các vấn đề trong phương pháp luận khảo cổ học đã
trở nên rõ ràng với việc sử dụng carbon phóng xạ để xác minh niên đại tuyệt đối và các loại hình học văn hóa được tạo
ra bằng các kỹ thuật xác
định niên đại tương đối, chẳng hạn như trật tự địa tầng, các lớp văn hóa hoặc
đặc trưng di vật. Binford chỉ trích những gì mà ông cho là xu hướng coi
các hiện vật là những đặc điểm không phân biệt, và để giải thích các biến thể
trong những đặc điểm này chỉ bằng
truyền bá văn hóa. Ông cho rằng mục tiêu của khảo
cổ học giống hệt như mục tiêu của nhân học nói chung hơn, tức là để “thuyết minh và giải thích
toàn bộ phạm vi các
tương đồng và khác biệt văn hóa đặc trưng cho toàn bộ không-thời gian tồn tại
của con người.” Điều này sẽ đạt được bằng cách liên hệ các hiện vật với hành vi của con
người, và hành vi với các hệ thống văn hóa, theo cách của người thầy của ông là nhà nhân học văn
hóa Leslie White.
Một số nhà khảo cổ khác tại Chicago đã chia sẻ ý tưởng của Binford, một nhóm các nhà phê bình của họ bắt đầu gọi là “Các nhà Khảo cổ học Mới”. Năm 1966, họ đã xuất trình một tập hợp các bài viết tại một cuộc họp của Hội Khảo cổ học Mỹ, sau đó được tập hợp trong Viễn cảnh Mới về Khảo cổ học (New Perspectives in Archaeology 1968), do Binford và vợ ông là Sally, cũng là một nhà khảo cổ học biên tập. Vào thời điểm tập sách này được xuất bản, ông đã rời Chicago - bị sa thải, theo Binford, vì sự căng thẳng gia tăng giữa ông và các nhà khảo cổ học kỳ cựu trong khoa, đặc biệt là Robert Braidwood. Ông chuyển đến Đại học California, Santa Barbara trong một năm và sau đó đến UCLA. Ông không thích bầu không khí tại khoa lớn của UCLA, vì vậy ông lại chuyển đến Đại học New Mexico vào năm 1969. Binford đã rút khỏi các cuộc tranh luận lý thuyết sau khi Khảo cổ học Mới - lúc đó còn được gọi là Khảo cổ học Quá trình - nhanh chóng được chấp nhận vào những năm 1960 và 70, và tập trung vào công trình về kỹ nghệ Mousterian, một kỹ nghệ Trung kỳ Đá cũ được tìm thấy ở Châu Âu, Bắc Châu Phi và Cận Đông. Năm 1969, ông quyết định thực hiện nghiên cứu thực địa dân tộc học ở người Nunamiut tại Alaska, để hiểu rõ hơn về môi trường sau băng hà mà người Mousterian cư chiếm, và tận mắt thấy hành vi của người săn bắn hái lượm được phản ánh trong các di tích vật chất. Phương pháp này, tiến hành nghiên cứu thực địa dân tộc học để thiết lập mối tương quan vững chắc giữa hành vi và văn hóa vật chất, được gọi là Dân tộc-khảo cổ học và được ghi nhận thuộc về Binford. Hầu hết các công trình sau này của Binford đều tập trung vào thời Đá cũ và những người săn bắn-hái lượm trong hồ sơ khảo cổ học.
Ông qua đời vào ngày 11 tháng 4 năm 2011 tại Kirksville,
Missouri, ở tuổi 79. Binford đã kết hôn sáu lần. Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông với Jean Riley Mock, và có con gái duy
nhất, Martha. Binford cũng có một con trai Clinton, chết trong một tai nạn xe
hơi năm 1976. Ông thường xuyên cộng tác với người vợ thứ ba, Sally Binford là
một nhà khảo cổ học; họ
cưới nhau khi còn
là nghiên cứu sinh tại Đại học Chicago, và sau này là đồng biên tập New Perspectives in Archaeology (1968), cùng các công trình khác. Sau Sally,
Binford kết hôn với Mary Ann, một giáo viên tiểu học. Người vợ thứ năm của ông
là Nancy Medaris Stone, cũng
là một nhà khảo cổ học. Tại thời điểm ông qua đời, ông kết hôn với Amber
Johnson, giáo sư chủ nhiệm
khoa xã hội học và nhân học tại Đại học bang Truman.
Ghi
chú của người dịch:
[1]
Nhập văn hóa (enculturation) là quá trình học hỏi các động thái văn hóa xung
quanh và đạt được các giá trị và
chuẩn mực phù hợp hoặc cần thiết trong một văn hóa và thế giới
quan nhất định. Là một phần của
quá trình này, những ảnh hưởng giới hạn, định hướng hoặc định hình cái cá nhân (dù cố
tình hay không) bao gồm cha mẹ, những
người lớn khác và đồng lứa. Nếu thành công,
nhập văn hóa dẫn đến làm tăng năng lực về ngôn
ngữ, giá trị và nghi thức của văn hóa đó. Nhập
văn hóa có liên quan đến quá trình xã hội hóa. Trong
một số lĩnh vực học thuật, xã hội hóa có nghĩa là sự định hình có
chủ ý của cá nhân. Ở những lĩnh
vực khác, từ này có thể bao hàm cả quá
trình nhập văn hóa có chủ ý và không chính thức. Conrad Phillip Kottak (trong Window on Humanity) viết: Nhập văn hóa là quá trình văn
hóa hiện được xác lập dạy cho một cá
nhân những chuẩn mực và giá trị được nền văn hóa hoặc xã hội mà cá nhân đó an cư chấp nhận. Cá
nhân đó có thể trở thành
một thành viên được chấp nhận và hoàn thành các chức năng và vai trò cần thiết
của nhóm. Quan trọng nhất là cá nhân biết và thiết lập một bối cảnh các ranh giới và
hành vi được chấp nhận chỉ ra những gì được chấp nhận và không được chấp nhận
trong khuôn khổ của xã hội đó. Nó dạy cho cá nhân vai trò của họ trong xã hội
cũng như những hành vi được chấp nhận trong xã hội và lối sống đó. Nhập văn hóa đôi khi còn được quy về tích văn hóa acculturation, một từ được sử
dụng để chỉ những trao đổi các đặc tính văn hóa với các văn hóa bên ngoài.
Tài
liệu dẫn
Beals, Ralph L. and Harry Hoijer (1953).
An Introduction to Anthropology. The
Mac- millan Company, New York.
Buettner-Janusch, John (1957). Boas and Mason: Particularism versus
Generalization. American Anthropologist, Vol. 59, No. 2, pp. 318-24.
Menasha.
Cushing, F. H. (1894). Primitive Copper Working: An Experimental
Study. American Anthropologist, Vol. 7, No. 1, pp. 93-117. Washington.
Fried, Morton H. (1960). On the Evolution of Social Stratification
and the State. In Culture in History:
Essays in Honor of Paul Radin, edited by Stanley Diamond, pp. 713-31.
Columbia University Press, New York.
Grifin, James B. (1952). Culture Periods in Eastern United States Archaeology.
In Archaeology of Eastern United States,
edited by James B. Griffin, pp. 352-64. University of Chicago Press, Chicago.
1960 Climatic Change: A Contributory Cause of the Growth and Decline of
Northern Hopewellian Culture. Wisconsin Archeologist, Vol. 41, No. 2, pp.
21-33. Milwaukee.
Holmes, William H. (1901). Aboriginal Copper Mines of Isle Royale, Lake
Superior. In American Anthropologist,
Vol. 3, No. 4, pp. 684-96. New York.
Kroeber, A. L. (1953). Introduction. In Anthropology Today, edited by A. L. Kroeber, pp. xiii-xv.
University of Chi- cago Press, Chicago.
Martin, Paul S., George I. Quimby and Donald
Collier (1947). Indians Before Columbus.
University of Chicago Press, Chicago.
Ritchie, William A. (1955). Recent Suggestions Suggesting an Early
Woodland Burial Cult in the Northeast. New York State Museum and Science
Service, Circular No. 40. Rochester.
Sahlins, Marshall D. (1958). Social Stratification in Polynesia.
University of Washington Press, Seattle.
Spaulding, Albert C. (1946). Northeastern Archaeology and General Trends
in the Northern Forest Zone. In Man
in Northeastern North America, edited by Frederick Johnson. Papers of the
Robert S. Peabody Foundation for Archaeology, Vol. 3, pp. 143-67. Phillips
Academy, Andover.
Steward, Julian H. (1955). Theory of Culture Change. University of
Illinois Press, Urbana. Thompson, Raymond H. (1958). Preface. In Migrations in New
World Culture History, edited by Raymond H. Thompson, pp. v-vii. University
of Arizona, Social Science Bulle- tin, No. 27. Tucson.
Warning, Antonio J. and Preston Holder
(1945). A Prehistoric Ceremonial Complex
in the Southeastern United States. In American
Anthropologist, Vol. 47, No. 1, pp. 1-34. Menasha. White, Leslie A. (1959).
The Evolution of Culture. McGraw-Hill
Book Company, New York. Willey, Gordon R. and Phillip Phillips (1958). Method and Theory in Archaeology.
University of Chicago Press, Chicago.
Wittry, Warren L. (1951). A Preliminary Study of the Old Copper Complex.
Wisconsin Archeologist, Vol. 32, No. 1, pp. 1-18. Milwaukee.
Wittry, Warren L. and Robert E. Ritzenthaler
(1956). The Old Copper Complex: An
Archaic Manifestation in Wisconsin. In American
Antiquity, Vol. 21, No. 3, pp. 244-54. Salt Lake City.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét