Powered By Blogger

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Hai tuyến đường từ Trung Quốc đến Ấn Độ vào cuối thế kỷ thứ VIII (III)



Hai tuyến đường từ Trung Quốc đến Ấn Độ vào cuối thế kỷ thứ VIII (III)

Paul Pelliot

Người dịch: Hà Hữu Nga

Dường như nó [峯州都督府 Phong Châu Đô đốc phủ] đã bị biến mất sau cuộc xâm lược của quân Nam Chiếu xuống Bắc Kỳ. Thực ra cho đến lúc đó thì sông Hồng là tuyến đường chính mà người Trung Quốc đã sử dụng để đưa quân lên Vân Nam, nhưng vào thế kỷ IX, người Nam Chiếu hầu như làm chủ toàn bộ Vân Nam, và đến lượt mình, đã đánh chiếm Bắc Kỳ và vây hãm Hà Nội vào tháng Giêng hoặc tháng Hai năm 863. Phải mất hơn ba năm chống chọi, và năm 865 với trận thắng lớn quân Nam Chiếu tại Phong Châu, thì viên tướng Trung Quốc 高駢 Cao Biền mới có thể giành lại được An Nam đô hộ phủ. [1] Kể từ đó tuyến đường đi Vân Nam luôn luôn thông suốt. Vào đầu thế kỷ XV, chính đội quân của viên tướng nhà Minh là 沐晟 Mộc Thạnh đã xâm lược Bắc Kỳ bằng con đường này [2]. Đến thời hiện đại thì người Trung Quốc đã sử dụng hai tuyến đường để đi từ Vân Nam xuống vùng châu thổ sông Hồng. 

Cả hai tuyến đường đều xuất phát từ 蒙自 Mông Tự, nhưng trong khi một tuyến vòng qua phía Mạn Hảo, xuôi theo sông Hồng, thì một tuyến khác lại men theo sông Lô ở vùng Hà Giang, và hai con đường này gặp nhau ở nơi hợp lưu của sông Hồng và sông Lô [3]. Mới đây, vào năm 1870, khi các nhóm bạo loạn người Trung Quốc chia cắt giao thông giữa Bắc Kỳ và Vân Nam, đạo quân Cờ đen của 劉永福 Lưu Vĩnh Phúc chiếm Lào Cai thuộc tuyến sông Hồng, còn đạo quân Cờ vàng của 黃崇英 Hoàng Sùng Anh thì chiếm cứ vùng Hà Giang dọc con sông Lô. Người Trung Quốc luôn luôn coi con đường đi Hà Giang là khó khăn hiểm trở, nhưng thật không ngờ đó lại là con đường ngắn hơn cả. Mặc dù trong thế kỷ VIII-IX không phải duy nhất chỉ có con đường từ Phong Châu (Bạch Hạc và Sơn Tây) đến Mông Tự, mà là hai tuyến, nhưng tôi vẫn có đôi chút nghi ngờ việc người ta chỉ đi theo tuyến thuận lợi hơn, đó là tuyến sông Hồng nơi có các địa danh mà Giả Đam và Phàn Xước đã đưa ra. 

Nhưng tuyến Bắc Kỳ không phải là con đường duy nhất mà người Tứ Xuyên muốn mở lên Vân Nam, đã từ lâu họ biết rằng có thể đi từ tây nam Vân Nam để tới Ấn Độ. Vào thế kỷ III, 魏畧 Ngụy Lược đã nói về tuyến đường từ 大秦 Đại Tần [Đông La Mã] đến Trung Quốc theo tuyến 永昌 Vĩnh Xương quận, 雲南 Vân Nam. [4] Những báo cáo đầu tiên không thể bàn cãi giữa Trung Quốc, Nam Á và Tây Á của Miến Điện được xác định và giai đoạn đầu của thế kỷ XI, thuộc triều đại của ông vua người Đàn có tên là 雍由調 Ung Do Điều. Năm 97, vị hoàng tử này lên ngôi, và năm 120 ông đã dâng lên Hoàng đế các nhạc công và các nghệ sỹ xiếc người Đại Tần - Đông La Mã. [5] Nhưng có lẽ chúng ta có thể quay lại với vấn đề đáng chú ý hơn. 

Chắc chắn đã có sự kiện hai nhà sư Ấn Độ đầu tiên trong thời 漢明帝 Hán Minh đế (58 - 75) đã đến Trung Quốc truyền bá Đạo Phật, đó là कश्यप मातंग* Kasyapa-Matanga 迦葉摩騰* Già Diệp Ma Đằng, धर्मरक्षा* 竺法瀾* Dharmaraksa Trúc Pháp Lan, họ đã đi theo tuyến Thượng Irrawwaddy đến Vân Nam; có thể chí ít họ cũng trông chờ ở một truyền thống địa phương không đối kháng với chân pháp, nhưng vì không có bất cứ bằng chứng nào nên chúng ta buộc phải trở lại với thế kỷ VIII. [6] Thậm chí trước đó, trong thế kỷ thứ II TCN, thời Hán Vũ đế (140 – 87 TCN) 張騫 Trương Khiên đến Bactria “rất ngạc nhiên thấy đồ tre trúc và vải vóc có nguồn gốc từ các vùng Trung Quốc, nay thuộc Vân Nam và Tứ Xuyên; ông hỏi người dân địa phương xem bằng cách nào mà họ có các hàng hóa ấy, và được biết có một đất nước Ấn Độ giàu có và hùng mạnh có các thương đoàn đi qua đó đã mang theo các sản phẩm của nam Trung Quốc đến Afghanistan”. [7] Nhưng nếu không phải là người Miến Điện thì ai có thể chuyển các hàng hóa từ vùng tây nam Trung Quốc vượt khỏi cả biên giới Ấn Độ? Cuối cùng các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ thông qua Miến Điện dường như đã đem lại giải pháp thỏa đáng cho vấn đề đặc biệt gây nhiều tranh cãi, đó là nguồn gốc cái tên China [Trung Quốc].

Chúng ta đều biết các quan điểm đã có. Vào giữa thế kỷ XVII, P. Martini đã đề xuất lấy cái tên triều đại nhà Tần từ 249 – 207 TCN với vị hoàng đế nổi tiếng Tần Thủy Hoàng [8] để diễn giải cho cái tên China [Trung Quốc]. Quan điểm này đã được chấp nhận rộng rãi, không hề bị đặt vấn đề. Nhưng hiện nay von Richthofen, dựa vào ý kiến của Yule, đã đưa ra một giả thuyết mới. Cái tên Thin xuất hiện vào cuối thế kỷ I SCN trong sách Periplus**, là do Ptolemy gọi vào thế kỷ II là Sinae** [9] và von Richthofen đã đặt câu hỏi các cuộc hải hành này đã diễn ra như thế nào sau thế kỷ I SCN, có phải China [Trung Quốc] là tên của triều đại đã thống trị đất nước này trong thế kỷ III TCN hay không. Mặc dù xuất phát từ triều đại nhà Tần, và vì người Sinae của Ptolemy** dường như ở Bắc Kỳ, nên ông đã cho rằng cái tên đó là từ 日南 Je-nan [Nhật Nam], sau đó được dùng để gọi Bắc Kỳ [10]. Ngược lại, các nhà Ấn Độ học thế kỷ XIX đều nói về sự hiện diện của cái tên Cīnas trong Mahabhdrata, trong luật Manu phải được tách ra, và một mặt cái tên triều đại nhà Tần, và thứ hai là Sinae và những cái tên hiện đại của Trung Quốc ở phương Tây: tên gọi Cina trong tiếng Hindu được dùng cho một cộng đồng người ở Thượng Ấn [11]. Vừa mới đây, Chavannes đã ngầm chấp nhận từ nguyên 日南 Je-nan [Nhật Nam] cho từ Sinae, nhưng lại gọi triều đại ngắn ngủi của nhà 後秦 Hậu Tần (384-417) bằng cái tên Ấn Độ là Cīnas, có lẽ đã mở rộng về phía Tây để chỉ định China - Trung Quốc. [12] Cuối cùng Terrien de Lacouperie đã phản đối nguồn gốc 日南 Je-nan [Nhật Nam] của cái tên Cīnas, nhưng lại chấp nhận ý tưởng cho rằng nguồn gốc của cái tên Sinae có thể được tìm kiếm tại Bắc Kỳ, và ông đã đề xuất nguồn gốc Cīnas từ tên Vương quốc Điền đã từng tồn tại ở Vân Nam, và cho rằng vùng châu thổ Sông Hồng đã giúp mở rộng sự thống trị của vương quốc Điền ra vịnh Bắc Bộ. [13]. Có lẽ tôi không thể bảo vệ được quan điểm của Martini, nhưng tôi có thể nói trước về những quan điểm phản đối các giả thuyết của von Richthofen, Chavannes và Terrien de Lacouperie.
    
Từ nguyên Sinae có nguồn gốc từ 日南 Je-nan [Nhật Nam] do von Richthofen đề xuất về phương diện lịch sử dường như là có vấn đề, và về phương diện ngữ văn học là không thể chấp nhận được. Ông von Richthofen cho rằng [thời đó] Bắc Kỳ lệ thuộc vào Trung Quốc và các nhà hàng hải đến đó trong các thế kỷ đầu công nguyên, sau đó được mang tên chung là 日南 Je-nan [Nhật Nam], nơi sứ bộ của Marc-Aurèle [14] đã đến vào năm 166; nói tóm lại thì Giao Chỉ cũng chỉ là một bộ phận của Nhật Nam. Nhưng dưới thời Tiền Hán (206 TCN – 24 SCN) cũng như dưới thời Hậu Hán (25 – 220 SCN) thì Bắc Kỳ được chia thành ba quận là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. [15] Không có sử liệu nào nói rằng sứ bộ của Marc-Aurèle đã cập bến Nhật Nam, hơn nữa đó lại là cực nam của cả ba quận, sử liệu chỉ nói là các sứ bộ đã đến từ bên ngoài biên giới Nhật Nam. [16] Vì Giao Chỉ chính là châu thổ Sông Hồng, là quận lớn nhất trong ba quận kể trên,  nó là điểm đến của các cuộc hải hành trong thế kỷ sau đó [17], nên rất có thể là các sứ bộ của Marc-Aurèle đã không cập bến Nhật Nam, mà lại cập bến Giao Chỉ. Vì vậy chúng ta đã thấy rằng Nhật Nam không phải là một nơi quan trọng đến mức cái tên của nó có thể dễ dàng được dùng để gọi toàn bộ Trung Quốc. Nhưng vẫn còn một phản đối quyết liệt là ở chỗ vào thế kỷ thứ hai SCN thì Nhật Nam dường như có đôi chút tương tự với Sinae, nhưng lại khác xa về ngữ âm học. [18] Từ je [Nhật] là một từ cổ có phụ âm cuối, còn các phương ngữ đương đại cho thấy đó là một phụ âm răng, nguồn gốc dường như ít nhiều là âm mũi vòm hóa, và nguyên âm i thuộc về một loại âm sắc không xác định. Ở từ thứ hai nam, thì âm cuối là âm mũi m. Vì vậy cách phát âm của các thế kỷ đầu công nguyên là nit-nam hay ñit-nam [19] là rất có ý nghĩa***. Hoàn toàn không thể nói là đã tìm ra được người Sinae của Ptolémée**.

Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng có thể thách thức quan điểm của von Richthofen về việc tách riêng người Cīnas ra khỏi người Trung Quốc; nhưng đây lại là vấn đề về Ấn Độ luận, và tôi khó có thể đề cập đến ở đây. Ông von Richthofen dường như phân biệt hẳn người Cīnas ra khỏi người Trung Quốc theo tác phẩm kinh điển Mahābhārata và luật Manu, và vì lý do khác, trong Mahābhārata, con đường đến thành Kulinda thuộc vương quốc Pāndavas phải đi qua đất nước của người Cīnas, người Tukhāras và người Daradas; nhưng điều đó đã đặt người Cīnas vào tây bắc Ấn Độ. Nhưng thế kỷ III TCN, dưới thời nhà Tần, dường như chính là niên đại đủ xa cho một cái tên địa danh có trong Luật Manu hoặc trong sử thi Ấn Độ. Mặt khác, nếu Mahābhārata đặt người Cīnas không đúng chỗ thì điều tiếp theo là chỉ có cái tên của nước đó mới thực sự quen thuộc, chứ không phải là vị trí thực của nó. Cuối cùng chính von Richthofen cũng đã bỏ mất một thực tế khá quan trọng, đó là người Cīnas ngày nay đã trở nên cụ thể và được biết rõ, và không nghi ngờ gì nữa, họ chính là người Trung Quốc. Tôi thấy ông không thể có bất cứ lý do gì để đi đến kết luận khác với điều đã nói.  

Trong bất cứ trường hợp nào, ngay cả khi cách quãng thời gian thì người Cīnas vẫn không phải là người Trung Quốc, hệt như trong quá khứ lịch sử vậy, vì họ không thể bị chia tách, như cái tên Trung Quốc, những cái tên tương tự ở Tây Á và Châu Âu về Trung Quốc. Điều đó đã được thấy rõ khi Ghavannes mới đây đã đề xuất cho rằng cái tên Cīna của Ấn Độ đã được Trung Quốc tiếp nhận ở phía Tây. Đó là các nhà sư 法顯 Pháp Hiển và 智猛****Trí Mãnh, các thần dân của nhà Hậu Tần, đến Ấn Độ vào đầu thế kỷ V, và có lẽ ở đó họ đã biết về cái tên của các vị quốc chủ được dùng trong nước họ. Nhưng chính giả thuyết này cũng bị phản đối. Trước hết, dường như đối với người Sinae của Ptolémée, ông Ghavannes đã chấp nhận từ nguyên 日南 Je-nan [Nhật Nam], mà tôi cho là không thể. Vì thế thay vì tách người Cīnas ra khỏi người Trung Quốc như Richthofen, thì theo Chavannes cái tên Sinae không liên quan gì đến người Cīnas và những cái tên hiện đại của Trung Quốc; khi không nhấn mạnh quá nhiều đến những tương đồng về ngữ âm thì tối thiểu vẫn sẽ có sự trùng hợp ngẫu nhiên rất lạ. Nhưng còn cái lý thuyết mà ông Chavannes có liên quan thì nói chung là không thể chấp nhận, đó là cái tên Cīna ở Ấn Độ không có niên đại vào đầu thế kỷ V. Không có gì chứng tỏ là trước thế kỷ V, người Ấn Độ chưa hề nghe nói đến người Trung Quốc; trong thực tế không có bằng chứng cho thấy họ đã từng gọi người Trung Quốc khác với Cīnas. Hơn nữa không có các niên đại cụ thể xác định việc soạn ra các bộ sách đề cập đến người Cīnas, mà chúng ta chỉ có các bản dịch tiếng Hán với các niên đại sớm hơn, khó mà lần ra được. Thực ra thì cái tên Cīnas có trong các danh mục của ललितविस्तर सूत्र*****Lalitavistara và bộ kinh này đã được dịch sang tiếng Hán từ thế kỷ III. Trong thực tế, bản dịch đầu tiên đã bị thất lạc, nhưng vẫn còn lại một bản dịch năm 308, một trăm năm trước khi Pháp Hiển và 智猛**** Trí Mãnh đến Ấn Độ, và như cái tên theo mục từ Trung Quốc viết trong đó, thì chắc chắn là trong các văn bản Phạn ngữ của Lalitavistara cái tên Cīnas không phải được tự ý thêm vào về sau. [20] Vì vậy mà không thể tìm nguồn gốc của từ Cīnas ở nhà Hậu Tần để phù hợp với từ Chine [Trung Quốc].   
____________________________________

Nguồn: Paul Pelliot 1904. Deux itinéraires de Chine en Inde à la fin du VIIIe siècle, Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient. Tome 4, 1904. pp. 131-413. (Paul Pelliot, Professeur à l'Ecole française ď 'Extrême-Orient).

Ghi chú của người dịch: 

* Các từ có đánh dấu sao [*] là do tôi, Hà Hữu Nga, trộm tìm, dịch sang tiếng Phạn, tiếng Hán, tiếng Hy Lạp và tiếng Việt để tiện cho bản thân trong việc nghiên cứu, so sánh và xác định nghĩa của từ mà thôi.

** Periplus [περίπλους] tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là: bơi thuyền đi đây, đi đó, lang thang nhiều nơi. Ở đây Pelliot đã nhầm khi cho rằng Ptolemy là người đầu tiên đặt ra cái tên Sinae. Thật ra, trước Ptolemy, Marinus [Μαρίνος ο Τύριος: 70-130 SCN], một tiền bối trực tiếp của ông cũng đã nói về Sinae và kinh đô của nó rồi. Chính trong tác phẩm Địa lý học của mình, Ptolemy ghi lại là: “Marinus có các báo cáo về cuộc hành trình từ Hierapolis tại Euphrates (Syria) đến Tháp đá thuộc “ranh giới phía tây của Sinae” là 26.280 stade, và hải trình từ Tháp đá đến “Sera thủ đô của Sinae” là 36.200 stade, về thời gian mất 7 tháng với tổng chiều dài đoạn đường là 62.480 stade hoặc là 156,1/50. Thêm vào con số ấy 720, tính từ các đảo Fortunate của “các hữu tử phước huệ” đến Hierapolis và tổng đoạn đường Tây - Đông của thế giới đã biết là 228,1/50.” [Xem Kattigara - kinh đô huyền thoại Việt của tôi đăng trong chính Tiếng vọng Kattigara này vào ngày 13 tháng 4 năm 2012]. Như vậy tối thiểu chúng ta cũng biết được trước Ptolemy đã có người sử dụng từ Sinae, và người đó chắc chắn là Marinus.

*** Về phương diện ngữ âm học lịch sử của hai chữ *nit-nam hay *ñit-nam có lẽ Pelliot đã mắc phải một sai lầm không đáng có khi ông bỏ qua, không lý giải hai âm trên có thuần Hán hay vừa Việt vừa Hán; hơn nữa ông cũng không hề đề cập đến cấu trúc ngữ pháp (trật tự danh từ, định ngữ) của hai từ 日&南 je & nan để xem nó là Việt hay Hán. Có vẻ như không thể giải quyết được vấn đề này nên ông đã lờ đi, và ngầm coi đó là hai chữ Hán thuần túy hoặc lai phương ngữ? phương ngữ nào vậy? Dù giải quyết theo hướng nào thì với cách tiếp cận lập lờ này Pelliot cũng không thể thoát khỏi chiếc bẫy do chính ông giăng ra cho mình.

**** Vì Pháp Hiển quá nổi tiếng, ai cũng biết nên tôi không ghi chú riêng về ông, mà chỉ ghi chú về 智猛 Trí Mãnh (? - mất 452), một vị cao tăng Trung Quốc, thời Lưu Tống, Nam triều, người Tân Phong, Kinh Triệu, nay thuộc huyện Lâm Đồng, Thiểm Tây. Năm Hoằng Thủy (404), đời Diêu Tần, ông sang Ấn Độ cầu pháp cùng 15 người khác, nhưng chỉ có 5 người đến được पाटलिपुत्रक* Pataliputra 華氏城 Hoa Thị thành, Ấn Độ. Năm Nguyên Gia (424) ông về Trung Quốc dịch kinh Bát Nê Hoàn 20 quyển, viết truyện đi Ấn Độ, nhưng tất cả đều thất truyền.

*****Lalitavistara Sutra ललितविस्तर सूत्र [方廣大莊嚴經 Phương quảng Đại trang nghiêm Kinh].

Tài liệu dẫn

1. Sur cette invasion du 南詔 Nan-tchao, cf. 新唐書, Tân Đường thư, к. 222 , pp. 1-2; 蠻書 Man thư, passim ; Cương mục, section préliminaire, ch. 4, pp. 35-40 ; ch. 5, pp. 1-10.

2. Cf. Ming che, k. 126, p. 9 vo; 讀史方輿紀要 Độc sử Phương dư Kỷ yếu, k. 115, p. 10 r« et v».

3. Xem Devéria, Biên giới Trung - Việt, p. b/etss.; 天下郡國利病書 Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư de 顧炎武 Cố Viêm Vũ, k. 118, p. 37 v°. Các chi tiết về những tuyến đường hiện đại từ Trung Quốc đi An Nam được đề cập đến trong k. 4, p. 30 v°, Dữ đồ yếu lãm bổ sung cho phần phụ lục của 讀史方輿紀要 Độc sử Phương dư Kỷ yếu.

4. Cf. Hirth, Trung Quốc và Đông La Mã, p. 74.

5. Xem Hirth, loc. laud., tr. 36-37. Ngày nay một số người Trung Quốc đã chấp nhận cách đọc chữ Đàn để phiên âm tên gọi của các quốc gia của người Shans thuộc vùng Thượng Salween Shan, xem bản đồ trong  滇緬剨界圖説 Điền Miến họa giới đồ thuyết do 薛福成 Tiết Phúc Thành, chủ biên. 無錫 Vô Tích, 1902.

6. Cf. ー統志 Đại Thanh nhất thống chí, éd. lithogr., k. 378, p. 6v° (déjà indiqué dans Pauthier, Marco Polo, II, 396) ; 雲南通Vân Nam thống chí khảo, k. 95, p. 3 vo.

7. Chavannes, Mémoires historiques, T.I, pp. LXXII-LXXIII.

8. Cf. Richlhofen, China, i, 504.

9. Cf. Richthofen, loc. laud., pp. 506-507 ; Yule, Hobson-Jobson, s. v. China.

10. Richthofen, loc. laud., p. 506.

11. Richthofen, loc, laud., pp. 437-441.

12. Cf. B. E. F. E.-O., m, 434, n. 4.

13. L'opinion de Terrien de Lacouperie est reproduite dans Yule, Hobson-Jobson, s. v. China.

14. Tôi vẫn giữ thuật ngữ sứ bộ vì nó thuận tiện, nhưng trong nhiều trường hợp đó lại chỉ đơn giản là những thương nhân trong vai trò đại diện cho quốc chủ của họ mà thôi.

15. Xem ở trên, tr.132, ông Chavannes (Religieux éminents, p. 53) đã nói rằng Hà Nội (có nghĩa là nói về Giao Chỉ trước đây) là “thuộc Huyện thủ phủ Nhật Nam”. Nhưng tôi cho rằng điều đó là sai lầm; các chương địa lý chí của Đường thư lại cho chúng ta những chỉ dẫn khác. Terrien de Lacouperie (Yule, Hobson-Jobson, s. v. China) cũng đã lưu ý rằng Nhật Nam không phải là Giao Chỉ.

16. Cf. Hirth, China and the Roman Orient, pp. 42, 47, 82, 94. Les textes ont tous: 自日南徼外 Tự Nhật Nam kiêu ngoại.

17. Cf. supra, p. 133.

18. Cette objection a déjà été faite par Terrien de Lacouperie (Yule, Hobson-Jobson, s. v. China).

19. Khi tôi nói về cách phát âm cổ của người Trung Quốc, tôi thấy cách phát âm Trung Quốc như tôi đã thể hiện một số phiên âm mà các từ điển tiếng Hán trình bày các cách phát âm và phương ngữ hiện nay đối với cách phát âm đầu và cách phát âm sau. Các cách khôi phục này chỉ có tính lý thuyết, nhưng hoàn toàn có thể sử dụng nó cho tiếng Hán thế kỷ II – VI. Những cách phát âm cổ do Terrien de Lacouperie đưa ra muộn hơn, thay vì là sự khôi phục ngôn ngữ tiền sử lại không hề dựa trên bất cứ nguồn tư liệu hệ thống nào, theo tinh thần tác giả của chúng thì có lẽ nên áp dụng cho một giai đoạn lịch sử sớm hơn nhiều.

20. Cf. B.E.F.E.O., ni, 341, n. 2.

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét